Thứ Bảy, 27 Tháng Bảy, 2024

ĐAN VIỆN AN PHƯỚC – LỄ ĐỨC MẸ MÂN CÔI 2017

TÔN VINH ĐỨC TRINH NỮ MARIA

RẤT THÁNH MÂN CÔI

 

 I. SỰ KIỆN.

 

Roma, chiều ngày 13. 05. 1981, khoảng hơn 5 giờ, trên chiếc xe mui trần, ĐTC Gioan Phaolo II đang đi vòng quanh Quảng Trường Thánh Phêrô Vatican, để ban phép lành cho hơn 20,000 người.

4 phát súng nổ vang hướng về ĐTC ngay sau khi ĐTC trao đứa bé 18 tháng tuổi lại cho mẹ bé. Viên thứ nhất trúng ổ bụng ĐTC, nằm sát cạnh động mạch chủ; viên thứ 2 trúng khuỷu tay trái ĐTC; viên thứ 3 trúng ngực một bà Mỹ 60 tuổi, và viên thứ 4 trúng tay người phụ nữ Jamaica 21 tuổi.

Nhiều người hiện diện ở Quảng Trường lúc đó đã kinh hoàng. Hệ thống loa phát thanh trên Quảng Trường liên tục phát đi bản thông báo tình huống khẩn cấp bằng 4 thứ tiếng Italia, Anh, Pháp và Hoa ngữ với nội dung: “Đức Thánh Cha đã bị trọng thương. Chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện cho Ngài nhanh chóng phục hồi”.

 

    

 

Chiếc Papamobil đã kéo theo một xe cứu thương nhưng nó không hoạt động. Nên một xe cứu thương khác đã đến. ĐTC một ngày trước đó đã làm phép chiếc xe cứu thương chưa ai sử dụng này. Ngài còn nói: “Tôi cũng chúc lành cho bệnh nhân đầu tiên dùng xe cứu thương này.” Wow… Người lái xe cứu thương chọn con đường dài hơn, nhưng ít kẹt xe hơn để đi. Tuy nhiên, chiếc xe suýt tông vài lần trên đường tới nhà thương – thậm chí một cảnh sát có mang súng đã cảnh báo chiếc xe. ĐTC bị đập đầu vào gối bác sĩ nhiều lần. ĐTC thầm thỉ thốt ra trong đau đớn : “Maria, Mẹ con! Maria, Mẹ con!”

Kẻ sát nhân là Mehmet Ali Agca, 23 tuổi, một tay bắn súng thiện xạ. Y là thành viên tổ chức quá khích “Grey Wolves” (Những con sói xám) theo xu hướng dân tộc chủ nghĩa cực đoan ở Thổ Nhĩ Kỳ. Khi bắn ĐTC, y chọn chỗ đứng có đông phụ nữ, nhất là nữ tu. Phải chăng y suy nghĩ đây là địa điểm y dễ trốn thoát nhất sau khi bắn. Nhưng y lầm to :  Y đã bị một nữ tu nhanh tay chộp lấy y và ghìm xuống đất. Lập tức, đám đông đứng gần đó lao tới hợp lực cùng với nữ tu này, họ tước vũ khí của y, đấm đá y không thương tiếc. Các nhân viên cảnh sát xuất hiện kịp thời can thiệp, giải cứu y khỏi sự phẫn nộ của đám đông, áp giải y cùng hung khí là khẩu súng lục 9 mm hiệu Browning về nơi giam giữ.

Ngày 17.5.1981, bốn ngày sau cuộc mưu sát, từ giường bệnh, ĐTC nói: “Cha cám ơn các con đã cầu nguyện nhiều cho Cha, và cha chúc lành cho hết mọi người. Cha cầu nguyện cho người anh em đã bắn Cha, và chân thành tha thứ cho anh. Lạy Mẹ Maria, con xin lặp lại: Totus tuus ego sum – con hoàn toàn thuộc về Mẹ”.

Ngày ĐTC Gioan Phaolo II bị ám sát tại Rôma – ngày 13.05.1981 – là ngày kỷ niệm Đức Mẹ đã hiện ra với ba trẻ tại Fatima, ngày 13 tháng 05 năm 1917. Hơn nữa, theo ĐTC, “vị Giám Mục mặc áo trắng phải chịu đau khổ nhiều mà Đức Mẹ đã cho ba trẻ trông thấy trong một thị kiến khi hiện ra với ba trẻ tại Fatima, chính là ngài”. Do đó, đúng một năm sau vụ ám sát (1982), ĐTC Gioan Phaolô II đã đích thân đi hành hương Fatima để tạ ơn cứu sống của Đức Mẹ.

Trong dịp này, ĐTC cũng mang theo một trong các đầu đạn mà Mehmet Ali Agca đã bắn vào Ngài để dâng kính Đức Mẹ. Một sự lạ lùng đã làm chính ĐTC và tất những người chứng kiến sửng sốt và kinh ngạc : đầu viên đạn mà ĐTC mang theo kia, khi được gắn vào một lỗ hổng duy nhất còn sót lại ở mão triều thiên trên đầu tượng Đức Mẹ Fatima, mà các đoàn thể phụ nữ Bồ Đào Nha đã dâng cúng cho Đức Mẹ vào năm 1946, hoàn toàn vừa vặn như thể người ta đã chủ ý làm cái lỗ hổng đó sẵn cho viên đạn vậy.

Sau này, khi biết ĐTC Gioan Phaolo II vẫn còn sống, hung thủ Mehmet Ali Agca hết sức ngạc nhiên, không thể hiểu được vì sao Người không chết. Hai năm sau vụ ám sát, vào ngày 23.12.1983, ĐTC đã đích thân vào phòng giam thăm Ali Agca, nói chuyện với y và nhất là ngài đã tha thứ cho y.

 

       Đây là chiếc áo dòng mà ĐTC Gioan Phaolo II đã mặc vào lúc bị ám sát, hiện nay được lưu giữ tại Trung Tâm Thánh Gioan Phaolô II, Ba Lan.

Đây là chiếc áo dòng mà ĐTC Gioan Phaolo II đã mặc vào lúc bị ám sát, hiện nay được lưu giữ tại Trung Tâm Thánh Gioan Phaolô II, Ba Lan.

 

                              

Tấm ảnh được Vatican công bố, cho thấy sự can thiệp nhiệm mầu của Đức Mẹ Maria vào ngày ĐTC Gioan Phaolô II bị ám sát, ngày 13 tháng 5 năm 1981 : Mẹ Thiên Chúa ôm ĐTC Gioan Phaolô II trong tay Mẹ.

Chúng ta không hiểu tại sao ĐTC Gioan Phaolô II đã muốn cất dấu tấm hình chụp nầy trong nhiều năm. Tấm hình được một vệ sĩ của Ngài chụp ngay chính lúc ĐTC bị tấn công và đang ngã xuống trong chiếc xe đặc chế (papamobil) của Ngài. Tiến sĩ Joaquin Navarro Valls, phát ngôn nhân Toà Thánh vào thời gian đó, đã tuyên bố người ta mất nhiều năm để nghiên cứu tấm hình chụp khó tin nầy và tất nhiên là về chất lượng rửa hình, vì khi được chuẩn bị kỹ càng, không ai có thể nhìn rõ ràng bởi vì tấm hình không sáng sủa. Cuối cùng, sau nhiểu kiểm duyệt và tìm tòi, dưới sự kiểm soát của các chuyên gia nhiếp ảnh trên thế giới, họ đã quyết định không hề có “giả mạo” thuộc thuật nhiếp ảnh và ngày nay họ cho chúng ta món quà đẹp đẽ nầy về Mẹ Thiên Chúa.

 

     

 

ĐHY Stanislaw Dziwisz tường thuật lại là trong cuộc gặp gỡ và nói chuyện này tại nhà tù, Ali Agca chỉ lặp đi lặp lại với ĐTC một câu hỏi duy nhất: “Tại sao Ngài lại không chết? – Tôi biết chắc chắn là tôi đã nhắm rất trúng đích. Tôi cũng biết rằng phát đạn tôi bắn ra có hiệu quả tàn phá và gây tử thương một cách chắc chắn. Nhưng tại sao Ngài lại không bị tử thương?”

 

II. SỨ ĐIỆP

Không phải là ĐTC Gioan Phaolô II không biết có những thế lực ngấm ngầm nào đó đang muốn triệt tiêu Ngài. Ngài có quyền mặc áo vest chống đạn để bảo vệ mạng sống Ngài. Nhưng Ngài từ chối, như một năm trước, Ngài đã từng nói ở Ireland rằng, “đó là nguy hiểm nghề nghiệp” mà Ngài chấp nhận.

ĐTC chấp nhận “nguy hiểm nghề nghiệp”, vì ĐTC tin tưởng tuyệt đối vào Đức Trinh Nữ Maria : “Totus tuus ego sum – con hoàn toàn thuộc về Mẹ”. Sau biến cố bị mưu sát ngày 13.05.1981, khi ĐTC hành hương đến Fatima, ngày 13-05-1982, để tạ ơn Ðức Mẹ và Ngài tuyên bố rõ ràng : “Ðức Mẹ Maria đã cứu sống tôi”.

ĐTC diễn tả đức tin này bằng nhiều cách. Chúng ta ghi lại đây vài điểm :

– Vào dịp hành hương Năm Thánh 2000, ĐTC dâng chiếc nhẫn Giám Mục kỷ vật quý giá do Ðức Cố Hồng Y Stefan Wyszynski, Giáo Chủ Ba Lan và TGM Varsovie, tặng cho Ngài khi Ngài được bầu làm Giáo Hoàng (16/10/1978). 

– Năm 2002, ĐTC công bố ngày 13.5 hàng năm là ngày lễ kính Đức Mẹ Fatima. Ban hành Tông Thư “Kinh Mân Côi kính Đức Trinh Nữ Maria” và thêm vào chuỗi Mân Côi truyền thống mầu nhiệm Năm Sự Sáng. ĐTC công bố năm 2003 là Năm Thánh Mẫu Mân Côi, nhằm cổ võ việc suy niệm Kinh Truyền Thống này để tôn vinh các mầu nhiệm của cuộc đời Chúa Cứu Thế trong Kinh Mân Côi.

– ĐTC diễn tả cụ thể đức tin này bằng việc chuyên cần Lần Chuỗi Mân Côi trong cuộc sống : Khi bị bắn, ĐTC đang cầm chuỗi Kinh Mân Côi mà lúc nào ngài cũng mang theo. Ngay khi ngài vừa mới tỉnh lại, việc đầu tiên mà ĐTC tìm kiếm, là tràng hạt Kinh Mân Côi của ngài. Vì khi suy niệm Kinh Mân Côi là soi gương Mẹ Maria chiêm ngắm cuộc đời Chúa Giêsu trong từng ngày chúng ta sống. Bởi “không ai đã say sưa chiêm ngưỡng dung nhan Chúa Kitô một cách trung thành như Đức Maria. Đôi mắt tâm hồn của Mẹ đã hướng về Người ngay từ lúc truyền tin, khi Mẹ cưu mang Người nhờ quyền năng Thánh Thần. Rồi trong những tháng sau đó, Mẹ bắt đầu cảm nhận sự hiện diện của Người và hình dung ra diện mạo của Người. Cuối cùng khi hạ sinh Người tại Bêlem, đôi mắt Mẹ đã âu yếm nhìn ngắm dung nhan Con Mẹ, khi Mẹ lấy tã bọc con rồi đặt nằm trong máng cỏ. Từ đó, đôi mắt chan chứa sự tôn thờ và kinh ngạc của Mẹ không bao giờ rời xa Người… Sáng ngày Phục sinh, cái nhìn của Mẹ tỏa rạng niềm vui Phục sinh…” (Tông Huấn Rosarium Virginis Mariae – số 10).

 

III.        KINH MÂN CÔI HÔM NAY

Trong lần hiện ra cuối cùng ở Fatima, Bồ Đào Nha, ngày 13 tháng 10 năm 1917, Đức Mẹ dạy : “Mẹ là Nữ Vương Rất Thánh Mân Côi. Mẹ muốn mọi người siêng năng lần hạt mỗi ngày”. Nên không lạ gì trong những lần Đức Mẹ hiện ra, Đức Mẹ đều mang theo tràng hạt Kinh Mân Côi và kêu gọi người ta sốt sắng, siêng năng lần hạt, cụ thể nhất là những lần hiện ra ở Lộ Đức và Fatima. Khi lần hạt Kinh Mân Côi, chúng ta cầm tràng hạt Kinh Mân Côi, giúp chúng ta tập trung vào Lời Kinh chúng ta đang đọc, Lời Kinh đang diễn tả cuộc đời trần thế của Chúa Giêsu từ khi Ngài sinh ra cho đến cuộc sống công khai phục vụ con người, đến khi bị chết trên Thánh Giá, chịu an táng trong mồ, sống lại, lên trời, ban Thánh Thần xuống cho Hội Thánh, và trọng thưởng vinh phúc Quê Trời cho Mẹ Maria và nhân loại.

Qua chuỗi Kinh Mân Côi, Đức Mẹ muốn mặc khải cho chúng ta biết rằng, chuỗi Kinh Mân Côi là mối giây ràng buộc tình mẫu tử giữa Đức Mẹ với loài người. Vì khi lần chuỗi Kinh Mân Côi, chúng ta không chỉ cậy nhờ công nghiệp và lời chuyển cầu của Đức Mẹ, mà còn là sống lại chính cuộc đời Chúa Giêsu qua từng mầu nhiệm Vui, Sáng, Thương, Mừng. Chuỗi Kinh Mân Côi giúp chúng ta ý thức sứ điệp Kinh Mân Côi lại chương trình sống đạo qua từng mầu nhiệm Kinh Mân Côi mà Đức Mẹ đã nêu gương khi sống bên Chúa Giêsu. Nhờ đó, không những cuộc đời chúng ta sẽ trở nên như một chuỗi Kinh Mân Côi sống, diễn tả lại các tâm tình của Chúa trong cuộc sống hằng ngày, mà còn mang lại lợi ích thiêng liêng cho chính tâm hồn chúng ta.

Và với sự kiện ngày 13.05.1981, như một nữ tu đã can đảm bắt tên sát thủ ĐTC Gioan Phaolo II, Đức Mẹ Maria Rất Thánh Mân Côi đã luôn luôn cứu giúp con người trần thế. Chúng ta nhìn lại qúa khứ, Hội Thánh đã được Mẹ Maria Rất Thánh Mân Côi giải thoát khỏi biết bao sự dữ và ban muôn phúc lành : Lễ Đức Mẹ Mân Côi gợi nhớ về trận chiến năm 1571 ở vịnh Lépante thời ĐTC Pio V. Lễ Đức Mẹ Lộ Đức, ngày 11-02. Lễ Đức Mẹ Fatima, ngày 13-05 …

“… Ước gì danh thánh Maria không bao giờ lìa xa môi miệng bạn, tách rời khỏi con tim bạn; và để được Mẹ thương cầu bầu trợ giúp, bạn đừng quên soi gương Mẹ. Bước theo Mẹ, bạn không lạc hướng; kêu cầu Mẹ, bạn không thất vọng; lĩnh ý Mẹ, bạn không sai lầm. Nếu Mẹ đỡ bạn, bạn sẽ không ngã; nếu Mẹ che chở bạn, bạn sẽ không sợ; nếu Mẹ dìu bạn, bạn sẽ không mệt; nếu Mẹ ủng hộ bạn, bạn sẽ đạt đến đích” (thánh Bernard).

“Ad Iesum per Mariam”. Ave Maria.

 

An Phước sưu tầm và biên tập.

Bài viết liên quan

- Advertisement -spot_img

BÀI VIẾT MỚI