Thứ Sáu, 29 Tháng Ba, 2024

ĐAN VIỆN AN PHƯỚC – LỄ MÌNH MÁU THÁNH CHÚA

LỊCH SỬ  VÀ Ý NGHĨA THÁNH LỄ

 

Sau khi Chúa Giêsu lập Bí Tích Thánh Thể vào ngày Thứ Năm Tuần Thánh. Hội Thánh biết mình vừa đón nhận một hồng ân vô giá. Nhưng những giờ khắc tiếp theo đó, Hội Thánh vội vàng đi theo Người vào cuộc Thương Khó, chưa cho phép Hội Thánh được biểu lộ những cử hành trọng thể tôn kính Bí Tích Thánh Thể.

Năm 1264, Đức Urban IV, với Tông Sắc “Transiturus De Hoc Mundo”, ngài thiết định lễ Mình Máu Thánh Chúa phải cử hành trong toàn Hội Thánh vào ngày thứ năm sau tuần bát nhật Chúa Thánh Thần Hiện Xuống : thứ năm là ngày Chúa thiết lập Bí tích Thánh Thể, và sau lễ Hiện Xuống, Chúa Thánh Thần trợ giúp các Tông Đồ đi sâu vào mầu nhiệm của Bí Tích này. Nhưng hai tháng sau khi công bố Tông Sắc thiết định lễ Mình và Máu Thánh Chúa Kitô, Đức Urban IV qua đời, nên lễ này không được phổ biến cách rộng rãi.

Đến thời Đức Clêmentê V (1311-1312) và Đức Gioan XXII (1317) Tông Sắc thiết định lễ kính trọng thể Mình và Máu Chúa của Đức Urban IV mới được thực hiện khắp nơi. Đại Lễ này được cử hành nhằm tuyên xưng đức tin vào sự hiện diện đích thực và sống động của Chúa Giêsu trong Bí Tích Thánh Thể. Đại Lễ này có tên Latin là: Sollemnitas Sanctissimi Corporis et Sanguinis Christi.

Từ thế kỷ XIII-XIV, cử hành phụng vụ với những bài thánh thi, thánh ca, cũng như các cuộc rước và những hình thức khác nhau về việc tôn thờ Thánh Thể, tất cả đều muốn tuyên xưng sự hiện diện của Chúa Giêsu trong tấm bánh được thánh hiến. Thời này, các tín hữu chỉ tham dự thánh lễ từ xa, bởi vì thánh lễ được cử hành trong một ngôn ngữ xa lạ đối với họ, nhiều lời nguyện thầm của chủ tế và bàn thờ thường có một khoảng cách khá xa đối với người tham dự. Giai đoạn này, người giáo dân cũng rất ít rước lễ, và xuất hiện việc trao Mình Thánh Chúa sau thánh lễ cho những ai muốn.

Sau Công đồng Vaticanô II, lễ Mình Máu Chúa được dời vào ngày Chúa Nhật sau Lễ Chúa Ba Ngôi. Sách lễ Roma năm 1970, giúp tín hữu hiểu rõ hơn về ý nghĩa Lễ này : Lời Nguyện Nhập Lễ nói lên ý nghĩa của việc cử hành và tôn kính Mình Máu Thánh Chúa, đồng thời nêu bật mối liên kết chặt chẽ giữa ngày Thứ Năm Tiệc Ly và cuộc khổ nạn sinh ơn cứu chuộc của Chúa qua mỗi thánh lễ Hội Thánh cử hành. Bài Ca Tiếp Liên “Lauda Sion” (do Thánh Thoma Aquino sáng tác), làm nổi bật sự hiện diện thật sự của Chúa Giêsu trong từng tấm bánh.

***

Cử hành Đại Lễ này, và cũng là bổn mạng của các Gia Đình Thánh Thể, chúng ta đừng quên điều thánh nữ Juliana (một nữ tu của Dòng Augustinô), đã trình bày ý nguyện của Chúa Giêsu với Đức Cha Robert de Thorate Gp Liège, Bỉ, (năm 1246) khi xin thiết lập Đại Lễ. Đó là : ngoài Thứ Năm Tuần Thánh, ngày tưởng niệm việc thiết lập Bí Tích Thánh Thể, Chúa Giêsu còn muốn Hội Thánh có một ngày khác để tôn kính Mình Máu Thánh của Người. Chúa Giêsu còn nêu lên ba ước nguyện này:

– Một. Đức tin vào Bí Tích Thánh Thể nơi mỗi người tín hữu càng ngày càng được mạnh mẽ vững vàng hơn.

– Hai. Các tín hữu kín múc được sức mạnh thiêng liêng nơi Bí Tích Thánh Thể để can đảm thực thi các nhân đức.

– Ba. Các tín hữu có cơ hội sửa chữa những điều phạm thánh và bất kính do loài người đã gây nên.

           

 

THÁNH LỄ

DẪN NHẬP VÀ THỐNG HỐI

Bí Tích Thánh Thể là dấu chỉ Lòng Thương Xót của Ba Ngôi Thiên Chúa “ở lại” với con người. Trong Bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu, Ngôi Hai Thiên Chúa, Đấng Cứu chuộc con người (IHS – Iesus Hominum Salvator) đang hiện diện, và Ngài chính là quà tặng vĩ đại nhất được hiến trao cho con người. Chúa Giêsu, Ngôi Hai Thiên Chúa, là thần lương (Chiên Thiên Chúa) cho ai đón nhận Người sẽ được phúc bảo tồn (sống) và phát triển (sống dồi dào).

Trong tâm tình tạ ơn, chúng ta thành tâm thống hối :

Lạy Chúa, Bí Tích Thánh Thể là Bí tích tình yêu (x. Ga 13,1). Vì yêu, Chúa Giêsu đã lập để ở lại với con người mỗi ngày cho đến tận thế. Nhưng chúng con chưa siêng năng lãnh nhận Bí Tích này, để được Chúa gia tăng tình yêu Chúa và yêu người.

+ Lạy Chúa, Bí Tích Thánh Thể là Bí tích đem lại sự sống. Bí Tích Thánh Thể làm cho chúng con trở nên “con người Thánh Thể” (ĐGH Benedicto XVI). Nhưng chúng con chưa siêng năng lãnh nhận Bí Tích này, để chúng con có nghị lực vui sống và vượt qua các khó khăn mỗi ngày.

+ Lạy Chúa, Bí Tích Thánh Thể là BT hiệp nhất. BT liên kết con người với Chúa và chúng con với nhau (x. 1 Cr 10,17). Nhưng chúng con chưa siêng năng lãnh nhận BT này, để được “đồng hình đồng dạng với Chúa”.

 

 

 

LỄ MÌNH MÁU THÁNH CHÚA

Xh 24,3-8; Dt 9,11-15; Mc 14,12-16.22-26

 

I.              Chuyện kể.

Vài tháng trước khi qua đời, Đài Truyền Hình Quốc Gia Hoa Kỳ hỏi Đức TGM Fulton J. Sheen (sinh 08-05-1895 tại El Paso, Illinois) : “Ngài đã cảm hứng được cho hàng triệu tín hữu trên khắp hoàn cầu. Vậy ai là người đã cho ngài cảm hứng? Có phải là một Giáo hoàng?”. Đức TGM trả lời : “Không phải Giáo hoàng, cũng không phải Hồng y hay một Giám mục nào khác, nhưng người đã cho tôi cảm hứng là một cô bé 11 tuổi người Trung Quốc !”

Đức TGM Sheen kể câu chuyện cô bé Trung Quốc này : Khi cộng sản nắm chính quyền ở Trung Quốc, họ giam một linh mục trong chính nhà xứ của cha, nhà xứ này ở gần nhà thờ của cha. Từ cửa sổ nhà xứ ngó qua nhà thờ, cha kinh hoàng thấy các người cộng sản đến phá nhà thờ, họ xông lên bàn thờ. Lòng đầy hận thù, họ xúc phạm đến Nhà Tạm, vứt Chén Thánh xuống đất, Bánh Thánh rơi tung tóe dưới đất. Vào thời buổi bị bách hại, linh mục biết chính xác con số bánh thánh của mình trong Chén thánh: 32 bánh thánh.

Mỗi ngày, một giờ thánh.

Khi các người cộng sản ra đi, có thể họ không thấy hoặc họ không chú ý đến một cô bé đang quỳ cầu nguyện ở dưới nhà thờ, em đã chứng kiến tất cả cảnh này. Buổi tối, em trở lại nhà thờ, thoát được sự canh phòng của người canh gác trước nhà xứ, em vào nhà thờ. Em quỳ chầu một giờ, một hành vi yêu thương để đền bù cho hành động hận thù. Em tiến gần bàn thờ, quỳ xuống và bò bốn chân để nhận Mình Thánh Chúa, vì thời đó giáo dân không dùng tay để nhận Mình Thánh Chúa mà Mình Thánh Chúa được linh mục đưa tận lưỡi.

Mỗi ngày em mỗi đến chầu giờ thánh và rước Chúa Giêsu trong Thánh Thể bằng lưỡi. Một ngày nọ, chỉ còn một bánh thôi và em rước như thường lệ, nhưng vô tình em đã gây tiếng động và người lính canh biết được, người lính chạy đến sau lưng em và dùng báng súng đánh em cho đến chết. Từ cửa sổ phòng nhà xứ, mà cũng là phòng giam của mình, linh mục bàng hoàng chứng kiến cảnh tử đạo này.

Lời hứa của Đức TGM.

Khi Đức TGM nghe câu chuyện này, ngài quá xúc động và ngài hứa với Chúa, mỗi ngày cho đến chết, ngài sẽ để ra một giờ để chầu Mình Thánh Chúa: một lời hứa ngài giữ trong vòng 60 năm tu hành. Ngài qua đời ngày 9 tháng 12 năm 1979, và người ta tìm thấy thi thể của ngài ngay chính trước Nhà Tạm phòng nguyện riêng của ngài (1)

 

II.         Bài Tin Mừng thuật lại việc Chúa Giêsu chuẩn bị cho bữa tiệc mừng lễ Vượt Qua của bản thân Người với các môn đệ (Mc 14,12-16; x. Mt 16,17-29; Lc 22,7-20; 1 Cr 11,23-26). Tại căn phòng “đã được chuẩn bị sẵn sàng” (x. Mc 14,15), khi lập Bí Tích Thánh Thể, Người phán: “Đây là mình Thầy… đây là máu Thầy” (x. Mc 14,22-25), là để Người được “ở lại = hiện diện” với con người cho đến tận thế một cách nhiệm mầu (x. Mt 18,20).

Chúa Giêsu lập Bí Tích Thánh Thể là để “làm trung gian của một Giao Ước Mới, lấy cái chết của mình mà chuộc tội lỗi con người đã phạm” (Dt 9,15; x. Xh 24,3-8). Mục đích của Mình Chúa bị trao nộp và Máu Người được đổ ra là để cứu độ con người. Việc này nhắc nhớ đến tình yêu của Thiên Chúa Cha, Đấng đã sai Con Một đến trần gian để cứu con người, trong quyền năng của Chúa Thánh Thần. Bí Tích Thánh Thể, từ nay diễn tả Lòng Thương Xót của Thiên Chúa Ba Ngôi thực sự muốn “ở lại” và tiếp tục cứu độ và thánh hóa con người.

Chúa Giêsu “ở lại” với con người bằng tất cả con người của mình, với chính tấm thân và máu của Người. Việc Người “ở lại” với con người, không phải là hiện diện tượng trưng bằng Tấm Bánh hay Chén Rượu, mà là hiện diện thực sự và theo bản thể : Bản thể Thiên Chúa và bản thể nhân loại của Người (Transsubstantiatio – Biến đổi bản thể; x. GLHTCG,1357). Trong thánh lễ, khi Linh Mục chủ tế đọc lời truyền phép: “Nầy là Mình Ta… Này là Máu Ta…” Ngay lúc này, bánh và rượu được thánh hóa nên Mình Thánh Máu Thánh Chúa Giêsu. Người hiện diện luôn cho đến khi nào bánh và rượu vẫn còn giữ nguyên phẩm chất. 

Khi tín hữu rước Mình Thánh cũng là rước cả Máu Thánh. Máu Thánh Chúa Giêsu có hiệu lực xóa tội con người (x. Dt 9,18-28) và cho tội nhân được đến gần Thiên Chúa (x. Dt 10,19). Máu Thánh Người  bảo đảm cho việc thánh hóa (x. Dt 10,29; 13,12) để tín hữu gia nhập vào đoàn chiên của Chúa Chiên Lành (x. Dt 13,20). Khi lãnh nhận Mình Máu Thánh Chúa một cách xứng hợp là tín hữu để cho hiệu năng cứu độ của Mình Máu Thánh Chúa sinh hiệu quả đích thực:  “Ai ăn thịt và uống máu Ta thì được sống muôn đời, và Ta sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết” (Ga 6,54; x. GLHTCG, 1416). 

Đoạn Thư (Dt 9,11-15) hôm nay, là tâm điểm của thư gửi tín hữu Do Thái. Thư khích lệ tín hữu nhìn lên Chúa Giêsu, Đấng đã kinh qua cuộc khổ nạn và sống lại, nay trở nên hy lễ và gương mẫu hy sinh cho tín hữu, giúp tín hữu luôn luôn kiên trì tin tưởng trong mọi hoàn cảnh. Theo gương Người và kết hợp với hy lễ của Người, tín hữu đưa công việc thờ phượng vào chính cuộc sống của mình.

Đoạn trích thư gửi tín hữu Do Thái hôm nay, cho thấy : Qua cuộc khổ nạn và sống lại, Người đã thực hiện mọi lời hứa về việc thờ phượng Thiên Chúa cách hoàn hảo, nên Người là Thượng Tế thập toàn. Nhờ Người là Thượng Tế thập toàn, tín hữu được thuộc hàng tư tế thánh (x. Dt 7,21-25; Kh 1,5-6; Kh 5,10), để có khả năng chu toàn Giao Ước (x. Xh 24,3-8).

 

            III.        Bí Tích Thánh Thể là dấu chỉ Lòng Thương Xót của Ba Ngôi Thiên Chúa “ở lại” với con người. Khi Chúa Giêsu –Ngôi Hai Thiên Chúa– trao cho các môn đệ bánh là chính Mình Chúa, các ông đã “cầm lấy và ăn”. Khi Người trao cho các ông chén rượu là Máu Người, “tất cả đều uống chén này”. Các ông làm như thế để được “ở lại” với Người, để tình yêu biến đổi các ông và để được Người cứu độ các ông.

Chúa Giêsu “ở lại” trong Bí Tích Thánh Thể, Bé Gái 11 tuổi người Trung Quốc đã đến với Người bằng mỗi ngày một Giờ Chầu, và kết thúc Giờ Chầu thứ 32 bằng cuộc tử đạo trước Nhà Tạm. Đức TGM Fulton J. Sheen cũng đã theo gương đó suốt đời, mỗi ngày một Giờ Chầu, và cũng đã kết thúc cuộc đời trước Nhà Tạm. Còn chúng ta, chúng ta không được ‘mỗi ngày một Giờ Chầu’, thì ít ra mỗi ngày chúng ta có được một lần nhìn về Nhà Tạm và thưa với Chúa Giêsu một tiếng “Abba – Cha ơi”, để vấn an Người không ?. Vì “Chúa Giêsu được lưu giữ trong các Nhà Tạm là trung tâm sức sống thiêng liêng cho trái tim của cộng đoàn, cho Hội Thánh hoàn vũ và cho toàn nhân loại” (ĐTC Phaolô VI, Mysterium Fidei).

Đến với Chúa Giêsu Thánh Thể trong Nhà Tạm là điều cần thiết, vì như Người nói với thánh Fautina : “Nầy, Ta đã thiết lập một Tòa Thương Xót nơi trần thế vì con – đó là Nhà Tạm – và từ Tòa Thương Xót này, Ta muốn ngự vào lòng con (Nhật Ký, 1487). “Con hãy quảng đại dành thời gian gặp gỡ Chúa Giêsu và sẵn sàng đền tạ vì những sự dữ khủng khiếp trên trần thế. Con đừng bao giờ ngừng việc tôn thờ Chúa Giêsu Thánh Thể” (ĐTC Gioan Phaolô II, Dominicae Cenae)

Mỗi tín hữu đều có sứ vụ làm nhân chứng và phục vụ Chúa Giêsu, để thánh hiến thế giới cho Thiên Chúa (x. HT, 31; GLHTCG, 1268). Hành vi này biểu lộ qua đức ái phục vụ và tôn trọng tha nhân (x. Thánh Gioan Kim Khẩu, bài giảng về 1 Cr 27,4; GLHTCG, 1397), giúp tín hữu kết hiệp với Hy Lễ vẹn toàn của Người trong Chúa Thánh Thần (x. Dt 9,14), nhờ đó tín hữu được thứ tha tội lỗi và đến cùng Thiên Chúa Cha (GLHTCG, 1407). Tín hữu sẽ thực hành tốt sứ vụ này khi Rước Thánh Thể, như ĐTC Gioan Phaolo II dạy: Mỗi lần dự phần vào Mình Máu Chúa, chúng ta đã thực sự gặp gỡ Chúa Giêsu Phục Sinh, chúng ta không thể giữ lại cho riêng mình niềm hân hoan mình đã cảm nghiệm. Việc gặp gỡ riêng tư với Chúa Giêsu cách thường xuyên được tăng triển và đào sâu trong Bí Tích Thánh Thể khơi lên trong Hội Thánh và nơi mỗi tín hữu một lời mời gọi khẩn thiết cho việc làm chứng và loan giảng Tin Mừng” (TH “Mane Nobiscum, Domine”, 24).

Và, trong việc Rước Thánh Thể Chúa Giêsu, chúng ta cần nhớ lại điều kiện Hội Thánh nêu lên :

§   “Sống trong tình trạng ân sủng (sạch tội trọng bằng Bí Tích Giao Hòa  – x. GLHTCG, 1415).

§   Giữ chay Thánh Thể (một giờ trước khi Rước lễ).

§   Có ý ngay lành.

§   Chuẩn bị chu đáo (bề trong bề ngoài). 

“Kính chào tấm thân đã được Đức Trinh Nữ Maria sinh ra – Ave verum corpus natum de Maria Virgine” (TH Mane Nobiscum Domine, 31).

——————————–

(1)Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch

https://phanxico.vn/2015/06/17/co-be-trung-quoc-da-danh-dong-long-kinh-minh-thanh-chua-cua-tong-giam-muc-fulton-j-sheen/

Bài viết liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

- Advertisement -spot_img

BÀI VIẾT MỚI