NGUỒN GỐC
Lễ Thánh Gia do Thánh Giám mục François De Laval khởi xướng. Ngài sinh tại Montigny-sur-Avre, Pháp quốc, ngày 20-4-1623; và qua đời ngày 6-5-1708 tại Québec Canada. Ngài đã từng được bổ nhiệm Đại Diện Tông Tòa Giáo Phận Đàng Ngoài ở Việt Nam vào năm 1653, và không thể sang Việt Nam nhận nhiệm sở vì những bất đồng đang xảy ra tại Á Đông lúc ấy.
Ngài rút lui trong 4 năm trời (1654-1658), sống tại một am ở Caen, cũng là một trường dạy linh đạo do một nhà thần bí Pháp là Jean Bernières de Louvigni (1602-1659) điều khiển.
Trong thời gian ấy, cả các thừa sai ở Canada cũng xin ĐGH Alexandro VII bổ nhiệm một vị Đại Diện Tông Tòa. Năm 1658, ĐGH bổ nhiệm Cha François De Laval làm Giám Mục hiệu tòa Petra và với nhiệm vụ Đại Diện Tông Tòa Giáo Phận Tân Pháp ở Canada. Lúc ấy Ngài mới được 35 tuổi.
Ngài được phong hiển thánh ngày 03-04-2014. Thánh tích Ngài được thỉnh từ Québec Canada về Đan Viện Xitô Thánh Mẫu An Phước, ngày 19-01-2015.
MỤC ĐÍCH
Khởi đầu từ Giáo Phận Québec Canada, dần dần lòng sùng mộ Thánh Gia lan rộng ra khắp hoàn cầu. Thời kỳ này, người ta nhận thấy các gia đình bị tục hóa, nhiều gia sản thiêng liêng, các giá trị của gia đình bị tiêu tán, có nguy cơ gia đình bị băng hoại hoàn toàn. Năm 1921, khi ban hành việc mở rộng lễ Thánh Gia cho toàn thể Giáo hội Công giáo, Thánh Bộ Nghi Lễ ban sắc lệnh như sau: “ Việc mừng lễ Thánh Gia Thất với một lễ phụng vụ là một điều rất thích hợp và giúp cho việc phát triển lòng sùng mộ đối với Thánh Gia. Ngoài ra nhờ việc cử hành này, mà chúng ta suy niệm và soi gương các nhân đức của các thành phần thánh thiện trong gia đình Nazareth “. (x. Tôn vinh Chúa I, tr. 23-26, An Phước 2016)
SUY NIỆM
St,1-6.21,1-3; Dt 11,8.11-12.17-19; Lc 2,22-40
I-a). Thiên Chúa hứa với cụ Abraham là sẽ có “một kẻ do chính ngươi sinh ra mới thừa kế ngươi”. Cụ Abraham đã tin và phó thác vào Thiên Chúa, để rồi dù tuổi đã cao, nhưng cụ vẫn quyết chí lên đường đi đến nơi chưa xác định. Tín nhiệm vào kế hoạch của Thiên Chúa, là thuận theo ý muốn của Người, cụ được “Thiên Chúa kể là người công chính” (x. St 15,1-6). Nhờ tin cách tuyệt đối và trung thành phó thác vào Thiên Chúa cho đến cùng dù chỉ qua một lời hứa, cụ Abraham đã được Thiên Chúa ban cho điều cụ ước mong : một đứa con nối dõi (x. St 21,1-3).
I-b). Chương 11 thư Do Thái, tôn vinh hai ông bà cụ Abraham và Sara là những con người đã vâng theo tiếng Chúa gọi mà ra đi đến một nơi bất định theo lời hứa của Thiên Chúa. Ông bà ra đi mà không biết mình đi đâu; ông bà ra đi mà không biết phần gia nghiệp được hứa ban sẽ thế nào (x. Dt 11,8). Nhờ đức tin, cụ Abraham tín thác hoàn toàn vào một điều bất định phía trước mà không có bất kỳ một bằng chứng bảo đảm nào ngoài lời hứa của Thiên Chúa. Cụ Abraham là một gương mẫu sống động. Cụ Abraham được kể là tổ phụ của những kẻ tin vì cụ Abraham đã hoàn toàn tín thác vào Thiên Chúa.
I-c). Mẹ Maria và thánh cả Giuse dâng trẻ Giêsu lên đền thờ Giêrusalem để tiến dâng Thiên Chúa theo truyền thống của người Do Thái, vì ý thức rằng “mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh, dành cho Chúa” (Lc 2,23; x. Xh 13,2). Con trẻ là Đấng Thánh (x. Lc 1,35), cần kinh qua nghi lễ hiến dâng trong Đền Thánh để trẻ Giêsu hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa. Và nhất là sự kiện trẻ Giêsu hiện diện ở Đền Thánh là để khai mở kỷ nguyên “ơn cứu độ Chúa đã dành sẵn cho muôn dân”, là “ánh sáng soi đường cho dân ngoại” và là “vinh quang của Israel” (x. Lc 2, 30-32).
Sau khi chu toàn những điều luật truyền, và trải qua những biến cố dồn dập với bao điều gây kinh ngạc tại Giêrusalem, Mẹ Maria và thánh cả Giuse lại đưa trẻ Giêsu về sống ẩn dật tại làng quê Nazareth. Trẻ Giêsu “càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa”. Mẹ Maria và thánh cả Giuse chưa thể hiểu hết huyền nhiệm chương trình cứu độ của Thiên Chúa thực hiện qua trẻ Giêsu, các ngài “hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng” (x. Lc 2,19-51b).
II-a). Sự kiện cụ tổ Abraham lên đường đến Miền Đất Hứa, và sự kiện Mẹ Maria cùng thánh cả Giuse dâng trẻ Giêsu lên Thiên Chúa, chúng ta nhận thấy nơi các ngài một gương mẫu về đức tin và lòng phó thác vào Thiên Chúa. Các ngài vẫn âm thầm tín thác và trung thành cộng tác để tôn ý của Thiên Chúa được thực hiện, các ngài đã trở nên những con người công chính. Thiên Chúa đã biến “điều không thể” thành “có thể” cho các ngài. Các ngài truyền lại cho chúng ta bài học tin là phó thác hoàn toàn và để cho Thiên Chúa hành động trên cuộc đời mình theo như tôn ý nhiệm mầu của Người. Tin là để cho Thiên Chúa hướng dẫn đời mình theo chương trình yêu thương của Người.
‘Bài học đức tin’ của các ngài lưu truyền hậu thế, không hẳn là không dệt bằng những đau thương cuộc sống. Nhưng các ngài đã vượt qua, vì trong cuộc sống của các ngài luôn đón rước Thiên Chúa ở cùng các ngài. Đặc biệt Thánh Gia Nazareth, giữa Mẹ Maria và thánh cả Giuse luôn có Chúa Giêsu, Chúa Giêsu là ‘Kim Chỉ Nam’ để Mẹ Maria và thánh cả Giuse chiêm ngắm mà hành động cho đúng tôn ý Thiên Chúa, và có sức bền trong khi hành động để Thiên Chúa được tôn vinh và hạnh phúc cho mình.
II-b). Chuyện dành cho Mẹ.
Ai đó tự thuật rằng : Tôi va phải một người lạ trên phố khi người này đi qua. “Ồ xin lỗi”, tôi nói. Người kia cũng nói liền: “xin thứ lỗi cho tôi, tôi đã không nhìn cô”. Chúng tôi rất lịch sự với nhau.
Nhưng ở nhà thì mọi chuyện lại khác. Tối nọ, lúc tôi đang ở nhà bếp để nấu ăn, con trai đến đứng sau lưng. Tôi quay người và đụng vào thằng bé làm nó ngã chúi xuống sàn nhà. “Tránh ra chỗ khác”- tôi cau mày quát nó. Con trai tôi thinh lặng vội bước đi theo lệnh quát của tôi. Tôi không nhận ra là mình đã quá nóng nảy với con.
Khi đã lên giường, chồng tôi thì thầm: “Khi đối xử với người lạ, em rất lịch sự; nhưng với con mình, em đã không làm như vậy. Hãy đến tìm trên sàn nhà bếp, có những bông hoa đang nằm ở cửa. Đó là những bông hoa mà con trai em đã mang đến cho em. Tự nó hái lấy những bông hoa này: nào hoa hồng, màu vàng và cả màu xanh. Nó đã yên lặng đứng đó để mang lại cho em điều ngạc nhiên, còn em thì không bao giờ thấy những giọt nước mắt đã chảy đẫm lên trái tim bé nhỏ của nó đang tan vỡ”.
Tôi bật khóc. Tôi lặng lẽ đến bên giường con trai và quì xuống: “Dậy đi, con trai bé nhỏ, dậy đi. Có phải những bông hoa này con hái cho mẹ không?”. Thằng bé mỉm cười: “Con tìm thấy chúng ở trên cây kia. Con hái cho mẹ vì chúng đẹp như mẹ. Con biết là mẹ thích lắm, đặc biệt là bông hoa màu xanh”.
Chuyện dành cho Bố.
Một người đàn ông, trong lúc đang chùi cho láng chiếc xe hơi của anh ta, đứa con trai 4 tuổi của anh ta nhặt một hòn đá và rạch vào bên hông xe. Trong cơn tức giận, anh ta chụp lấy tay đứa con trai và đánh vào tay nó nhiều lần mà không nhận ra rằng anh ta đang đánh bằng cái mỏ lết.
Tại bệnh viện, đứa bé mất hết các ngón tay vì xương thịt dập nát. Khi đứa trẻ thấy bố nó… Với đôi mắt đau buồn, nó hỏi: “Bố ơi các ngón tay con đâu rồi?”. Anh ta rất đau lòng, không nói nên lời và trở lại bên xe, đá vào chiếc xe nhiều lần.
Suy sụp bởi hành động vô ý thức của mình…, ngồi trước chiếc xe hơi, anh ta nhìn vào vết xước trên hông xe… thằng bé đã viết: “Con Yêu Bố, bố ơi!”. Ngày hôm sau, người đàn ông tự tử…
Chuyện dành cho con.
Một cậu bé 15 tuổi nảy ra kế xin tiền mẹ bằng một tờ giấy viết như sau:
1. Sáng phụ mẹ dọn dẹp giường ngủ: 1 đô la
2. Giúp mẹ dọn dẹp bữa ăn sáng: 2 đô la
3. Sau khi đi học về coi em: 3 đô la
4. Phụ mẹ bày bữa ăn tối, sau đó dọn dẹp: 4 đô la
Tổng cộng: 10 đô la.
Thời gian thanh toán: sáng mai trước khi con đi học.
Sáng hôm sau, người mẹ đọc và đặt trên bàn 10 đô la và lật mặt sau tờ giấy ra viết rằng:
1. Mẹ mang bầu con 9 tháng 10 ngày: miễn phí
2. Tiền tã lót, bệnh viện, sữa lúc sinh con: miễn phí
3. Tiền nuôi con từ lúc sinh ra tới nay: miễn phí
4. Các khoản lo cho con ăn học, ốm đau: miễn phí
5. Lo đám cưới cho con hoặc tiền thuốc nếu con bị bệnh nan y hay tật nguyền suốt đời : Miễn phí
6. Các khoản không tên khác đều miễn phí cho con trai của Mẹ
– Thời hạn trả cho con: trọn đời mẹ
Đi học về thấy tờ giấy cậu cầm lên đọc, rồi lấy một tờ giấy khác và viết như sau:
Thưa Mẹ, con xin lỗi Mẹ… Từ bây giờ:
1. Giúp đỡ Mẹ : Miễn phí
2. Học hành thành tài : Miễn phí
3. Sẵn sàng giúp đỡ mọi người : Miễn phí
4. Quan tâm, chăm sóc Mẹ : Miễn phí
5. Lo cho Mẹ khi về già : Miễn phí
Thời hạn thực hiện……….. Trọn đời con
Sáng hôm sau khi con còn ngủ, bà mẹ vẫn đặt tờ giấy bạc 10 đô lên bàn cho con thì bỗng thấy tờ giấy mà cậu ghi. Sau khi đọc xong, những giọt nước mắt lăn dài trên má, nhưng miệng vẫn nở nụ cười vì đây là điều người mẹ mãn nguyện nhất kể từ khi sinh thằng con ra tới nay. (x. http://www.lalung.vn).
III. Phản tỉnh và phân định.
Giận dữ và yêu thương không có giới hạn, hãy chọn yêu thương để có một cuộc sống xinh tươi và đẹp đẽ. Đồ vật sinh ra là để sử dụng và con người sinh ra là để yêu thương… Chỉ có cha mẹ mới yêu con vô điều kiện, cả thế giới này phải có điều kiện mới yêu con… Thời gian có thể làm lòng người thay đổi, nhưng vĩnh viễn không thể thay đổi tình yêu cha mẹ dành cho bạn.
Vấn nạn của thế giới hôm nay lại là… con người bị sử dụng còn đồ vật thì được yêu thương !!! Vấn nạn chỉ giải quyết được khi mỗi người đến chiêm ngắm và Rước nhận Chúa Giêsu Thánh Thể, không những Chúa Giêsu Thánh Thể là ‘Kim Chỉ Nam’ để Gia Đình biết cách yêu thương, mà Gia Đình còn có sức mạnh để thực hành yêu thương nhau ‘như Chúa yêu’ (x. Ga 15,12).
Thật thú vị, khi tiếng Anh từ family (gia đình) được giải thích: FAMILY = Father And Mother, I Love You : Bố mẹ ơi, con yêu bố mẹ. Chúc mừng người Bố. Chúc mừng người Mẹ. Chúc mừng người Con. Xin Chúa Giêsu hiển ngự trong mỗi người, trong mỗi Gia Đình.
(x. http://diendan.vfpress.vn – http://diendan.vfpress.vn – http://www.dkn.tv).