Thứ Bảy, 27 Tháng Bảy, 2024

ĐAN VIỆN AN PHƯỚC – LỄ THÁNH GIA THẤT

THÁNH GIA THẤT – MẪU GƯƠNG KIẾN TẠO HẠNH PHÚC

 

NGUỒN GỐC

Lễ Thánh Gia do Thánh Giám mục François De Laval khởi xướng. Ngài sinh tại Montigny-sur-Avre, Pháp quốc, ngày 20-4-1623; và qua đời ngày 6-5-1708 tại Québec Canada. Ngài đã từng được bổ nhiệm Đại Diện Tông Tòa Giáo Phận Đàng Ngoài ở Việt Nam vào năm 1653, và không thể sang Việt Nam nhận nhiệm sở vì những bất đồng đang xảy ra tại Á Đông lúc ấy.

Ngài rút lui trong 4 năm trời (1654-1658), sống tại một am ở Caen, cũng là một trường dạy linh đạo do một nhà thần bí Pháp là Jean Bernières de Louvigni (1602-1659) điều khiển.

Trong thời gian ấy, cả các thừa sai ở Canada cũng xin ĐGH Alexandro VII bổ nhiệm một vị Đại Diện Tông Tòa. Năm 1658, ĐGH bổ nhiệm Cha François De Laval làm Giám Mục hiệu tòa Petra và với nhiệm vụ Đại Diện Tông Tòa Giáo Phận Tân Pháp ở Canada. Lúc ấy Ngài mới được 35 tuổi.

Ngài được phong hiển thánh ngày 03-04-2014. Thánh tích Ngài được thỉnh từ Québec Canada về Đan Viện Xitô Thánh Mẫu An Phước, ngày 19-01-2015.

 

MỤC ĐÍCH

Khởi đầu từ Giáo Phận Québec Canada, dần dần lòng sùng mộ Thánh Gia lan rộng ra khắp hoàn cầu. Thời kỳ này, người ta nhận thấy các gia đình bị tục hóa, nhiều gia sản thiêng liêng, các giá trị của gia đình bị tiêu tán, có nguy cơ gia đình bị băng hoại hoàn toàn. Năm 1921, khi ban hành việc mở rộng lễ Thánh Gia cho toàn thể Giáo hội Công giáo, Thánh Bộ Nghi Lễ ban sắc lệnh như sau: ” Việc mừng lễ Thánh Gia Thất với một lễ phụng vụ là một điều rất thích hợp và giúp cho việc phát triển lòng sùng mộ đối với Thánh Gia. Ngoài ra nhờ việc cử hành này, mà chúng ta suy niệm và soi gương các nhân đức của các thành phần thánh thiện trong gia đình Nazareth “. 

 

NHÂN TỐ CỘNG ĐOÀN HẠNH PHÚC

Chúng ta chiêm ngắm Thánh Gia Thất để tìm nhân tố đưa đến hạnh phúc cho cộng đoàn.

– Không có nơi cư trú. Một tình huống mà ít có đôi vợ chồng trẻ nào phải kinh qua: vợ sắp sinh mà chồng tìm không ra chỗ trọ, cuối cùng phải tá túc trong một chuồng súc vật và sinh con ở đó. Tưởng là tạm ổn nơi cư trú, nhưng rồi sau đó đã phải vội vã ra đi lánh nạn nơi xa lạ. Đức Maria và thánh cả Giuse phải trải qua thảm trạng “tối đâu là nhà, ngã đâu là giường”.

Sống trong một Cộng Đoàn mới thành hình, dĩ nhiên các thành viên phải kinh qua giai đoạn xây dựng rồi mới đến phát triển, phải có hạ tầng kiến trúc mới có thượng tầng kiến trúc, không có nền móng vững chắc thì chỉ ‘bạo phát bạo tàn’… ‘Chịu khó mới có miếng ăn, ở dưng ai dễ đem phần đến cho’. Chịu khó = Khó chịu. Chung tay xây dựng, có Chúa hiện diện (x. Mt 18, 20).

Bí quyết đã giúp Đức Maria và thánh cả Giuse vượt qua khó khăn thử thách, đó là có Chúa Giêsu trong Thánh Gia Thất. Sự hiện diện của Chúa Giêsu chính là nền tảng của gia đình Nagiarét. Nên, điểm nền tảng cho những gì hiệp nhất chúng ta, là sự hiện diện của Chúa Giêsu, Ðấng Phục Sinh.

– Cảnh nghèo. Cái nghèo khổ sẽ dễ sinh ra bao hệ lụy khác, ‘bần cùng sinh đạo tặc’. Nhưng Thánh Gia Thất, không để cho cái nghèo khổ gây nên bất hạnh và đổ vỡ cho gia đình. Thánh cả Giuse đã lao động kiếm kế sinh tồn.

Cộng Đoàn là một Gia Đình. Ai ai cũng đóng góp công sức lao tác để xây dựng Cộng Đoàn. Cha Tổ Phụ mời gọi : Ai khỏe làm việc nặng, ai yếu làm việc nhẹ. Mỗi ngày phải có việc gì đó dâng Chúa để phục vụ Cộng Đoàn. “Nếu mỗi ngày chúng ta có làm được một việc chi, thì thấy trong mình thêm vui. Mà ngày nào cũng có việc mà làm, cho nên vui luôn. Còn như ở nhưng ở nể, không làm chi, thì chỉ thêm buồn” (DN 146).

 Chúng ta đừng quên 3 cách lao tác : chân tay, tinh thần, tâm linh. Lao tác tâm linh là sống kết hiệp với Chúa và sinh nhiều hiệu quả khôn lường. Cha Tổ Phụ dạy : giúp đỡ anh em bằng sự cầu nguyện thì làm được luôn (DN 112).

– Thánh Gia Thất phải đương đầu với bạo chúa Hêrôđê. Thánh Gia Thất đã vượt qua được, vì có một Gia Trưởng công chính là thánh cả Giuse và hai thành viên còn lại trong Thánh Gia Thất cùng một tâm nguyện như Gia Trưởng.  Thánh Mathêu viết “Giuse chỗi dậy”. Thánh cả Giuse chỗi dậy để thực hành lệnh Chúa truyền qua thiên sứ. Và kết quả :

1) Sự tuân phục Thiên Chúa gây xáo trộn cho con người. Thánh Gia Thất tạm ổn chỗ ở tại Bêlem, rồi ở Ai Cập. Chẳng được bao lâu, thiên thần Chúa đến lại bảo : Hãy chỗi dậy! Câu chuyện này xảy ra trên bình diện đời sống gia đình đối với thánh cả Giuse, vẫn thường xảy ra trên bình diện thiêng liêng cho anh em chúng ta là những ngườ dấn thân “theo Đức Kitô”. Một Đức Kitô luôn luôn tiến tới để loan báo Tin Mừng xây dựng Nước Trời, quy tụ muôn người “dưới bóng” mình như ‘gà mẹ ấp ủ gà con’ (x. Lc 13, 31-35). Người sống đời thánh hiến không thể tự cho là an phận và thỏa mãn trong những ‘lâu đài’ nhân đức, ý tưởng, thậm chí trong những tiện nghi vật chất hay tinh thần mình tưởng là mình đã có. Người sống đời thánh hiến sẵn sàng “đứng dậy”, nghĩa là để Chúa quấy rầy mình về phương diện vật chất, tinh thần trí thức cũng như luân lý : Chúng ta lưu ý lời khấn canh tân.

2) Thánh cả Giuse chỗi dậy, nghĩa là vâng lời lập tức. Người vâng lời mau mắn vì Người yêu mến Chúa Giêsu và yêu mến Đức Mẹ. Người sống đời thánh hiến khó sống vâng lời, vì thiếu mất một điều cơ bản: thiếu tình yêu với Cộng Đoàn, một Cộng Đoàn được cấu thành do có các thành viên trong đó. Nên không thể nói “tôi yêu Cộng Đoàn” mà lại ‘khai trừ’ một thành viên nào của Cộng Đoàn : Chúng ta lưu ý lời khấn vĩnh cư; và phương thế tuyệt hảo tiên quyết để sống lời khấn vĩnh cư là “xét ý lành cho nhau” như Cha Tổ Phụ dạy (DN 123).

3) Thánh cả Giuse đặt tin tưởng nơi Thiên Chúa. Lòng tín thác là sự triển nở của đức tin chân chính. Chúa quấy rầy thánh cả Giuse, đẩy Người vào trong xa lạ, đối đầu với bao nghịch cảnh, với nhiều loại bạo chúa. Người không bàn cãi, không hoảng hốt, Người không manh động. Thánh cả Giuse chờ đợi thánh ý Chúa và chỉ làm theo thánh ý Chúa. Vì như người xưa kinh nghiệm: “Thuận Thiên giả tồn, nghịch Thiên giả vong” (thuận theo Trời thì còn, nghịch với Trời thì mất). Người sống đời thánh hiến ngày nay cũng chạm trán với bao nghịch cảnh, bao phương tiện truyền thông… Trong cuộc sống thánh hiến, có nhiều nghịch thì cũng có nhiều nỗi buồn không tên, nhưng trên tất cả những thứ đó, chúng ta có một ‘lợi khí việc lành tuyệt chiêu’ do Cha Thánh Biển Đức để lại “không bao giờ thất vọng về Lòng Chúa Thương Xót” (TL 4,74). Chúng ta lưu ý lời khấn vâng phục.

 

Còn nhiều lý do… Nhưng, Thánh Gia Thất đã vượt qua được tất cả sóng gió nhờ niềm tin vững chắc vào sự hiện diện của Chúa Giêsu trong Thánh Gia Thất. Đó cũng là bí quyết mà Giáo Hội đề ra cho chúng ta khi mời gọi chúng ta chiêm ngắm Thánh Gia Thất.

Chúng ta chọn sự hiện diện của Chúa Giêsu làm nền tảng vững chắc cho bản thân, cho gia đình, cho cộng đoàn, chính là chúng ta mặc lấy Lòng Chúa Thương Xót, để chuyên cần học tập tâm tình nhân ái và quảng đại tha thứ của Chúa Giêsu. 

Có Chúa Giêsu đang hiện diện trong chúng ta, giữa chúng ta, cùng chúng ta. Chúng ta cầu nguyện cho nhau luôn biết tôn trọng nhau. Tôn trọng bằng những cử chỉ và lời nói cụ thể trên môi miệng mấy tiếng mà ĐTC Phanxicô mong muốn chúng ta thực hành: xin phép, xin lỗi, xin cám ơn. ĐTC nói : “Xin phép, xin lỗi và xin cám ơn, là ba từ giúp chúng ta bước vào trong tình yêu của gia đình, duy trì cuộc sống hạnh phúc và bình an trong gia đình và trong xã hội, vì chúng giúp tránh các rạn nứt có thể trở thành các hố sâu ngăn cách. Vì thế đừng bao giờ kết thúc ngày sống trong gia đình mà không làm hòa với nhau” (ĐTC Phanxicô đã nói như trên với hơn 50.000 tín hữu và du khách hành hương trong buổi tiếp kiến chung Sáng Thứ Tư hàng tuần hôm 13-5-2015). Và để có được điều này, ĐTC tha thiết mời gọi chúng ta đừng quên đọc Lời Chúa hằng ngày. ĐTC nói : “Mỗi ngày hãy đọc một đoạn Tin Mừng, và hãy đi rước lễ mỗi Chúa Nhật, hãy lãnh nhận Chúa Giêsu” (Chúa Nhật, 04-05-2014).

 

Bài viết liên quan

- Advertisement -spot_img

BÀI VIẾT MỚI