Thứ Bảy, 20 Tháng Tư, 2024

ĐAN VIỆN AN PHƯỚC – LỄ TRUYỀN TIN

I.          Thời vua Lê Thánh Tông trị vì  (14421497), ở Thăng Long có một tay đạo chích rất giỏi nghề. Do thoắt ẩn, thoắt hiện, ra tay nhanh như chớp, nên nhiều người gọi anh ta là Quận Gió. Vào một dịp Tết, vua Lê Thánh Tông cải trang vi hành đón giao thừa.
 
Vua giả cách làm học trò trường Quốc Tử Giám vào gặp Quận Gió. Chàng giám sinh hờ nói với Quận Gió:
 
– Tôi quê ở Thanh Hóa, học trò trường Giám, năm hết tết đến muốn về quê nhà mà trong túi không còn cắc bạc nào. Dám xin ông giúp cho lộ phí đi đường. 
 
Nghe chàng giám sinh than thở, Quận Gió cảm động, nói:
 
– Chẳng giấu gì nhà anh, tôi là Quận Gió, chắc anh đã biết tiếng. Anh nghèo, tôi sẽ giúp. Tiền không có sẵn, nhưng tôi sẽ lấy của mấy tay trọc phú giúp anh. Giờ anh đợi ở đây, tôi đến nhà lão quan coi kho bạc nhà vua ở phố cửa Bắc chôm cho anh vài nén. Lão ấy có lắm vàng ròng, bạc nén trong nhà. Đó là những thứ không phải của hắn. 
 
Nói xong, Quận Gió nhanh như chớp đã mất hút trong đêm đen. Chưa đầy một khắc, Quận Gió đã quay lại với hai nén bạc trên tay, mỉm cười với chàng giám sinh:
 
– Hai nén bạc này, anh có đủ tiền làm lộ phí và còn để dùng vào việc sôi kinh, nấu sử. Mong rằng sau này anh đỗ đại khoa, nhớ đừng có bòn rút xương máu, công sức của dân, mà hãy làm một ông quan thanh liêm. 
 
Chàng giám sinh gật đầu cảm tạ, lại soi hai nén bạc dưới ánh nến, thấy đề bốn chữ: “Quốc khố chi bảo”. Không nghi ngờ gì nữa, đây là bạc trong kho của Nhà Nước.
 
Sáng mùng một Tết, chàng giám sinh ấy đã ngự trên ngai vàng, dưới sân điện, các quan tung hô chúc Tết. Khi ấy, vua Lê Thánh Tông mới kể về chuyến vi hành đêm giao thừa, lại cho mọi người chuyền tay nhau xem hai nén bạc “Quốc khố chi bảo”. Viên quan coi kho mặt cắt không còn giọt máu, bị lột bỏ hết mọi tước vị. Gia sản bị tịch thu, thân bị lưu đày vì tội nhũng lạm quốc khố nhà nước.
 
 
II.         Một vị vua “vi hành”, phải giấu mặt, giấu thân phận cao sang quyền quý của mình, để dễ trà trộn vào giữa dân chúng. Vua chúa trần gian cần ‘vi hành’ ra ngoài, để được tận “mắt thấy tai nghe” mọi điều, quan sát được dân tình, mà điều chỉnh lại bộ máy chính quyền cho phù hợp lòng dân…
 
Còn Thiên Chúa, Ngài không cần ‘vi hành’ với mục đích như vua chúa trần gian. Vì con người luôn là đối tượng tình yêu của Thiên Chúa, Ngài là Chúa của con người và con người là dân của Ngài (x. Gr 31,33). Ngài mời gọi con người  “đừng sợ, Ta cứu chuộc con. Ta gọi tên con. Con là con Ta, con thuộc về Ta” (Is 43,1). Nên Thiên Chúa đã ban cho Con Một của Ngài là Chúa Giêsu một thân thể (x. Dt 10,5) tượng thai trong cung lòng Đức Trinh Nữ Maria bởi quyền năng Chúa Thánh Thần (x. Gl 4,4; Lc 1,35). Chúa Giêsu là “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1,14). Chúa Giêsu “vi hành” đến trần gian là để thực thi thánh ý Thiên Chúa (x. Dt 1,1-2; Dt 10,9).
 
            Thánh ý đó là “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Ngài, thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3, 16). Con Một của Thiên Chúa là Chúa Giêsu đã yêu thương chúng ta, và vì chúng ta, đã tự nộp mình làm hiến lễ (x. Ep 5, 2). Người đã chủ động, đã hiến mình làm lễ hy sinh, nên giống anh em mình về mọi phương diện, để đền tội cho dân (x. Dt 2, 16-18). Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục; và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người đã trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người (x. Dt 5, 7- 10).
 
“Máu các con bò, con dê không thể nào xoá được tội lỗi”. Vì thế, con người cần một cách khác để được tha tội. Thiên Chúa đã chuẩn bị một cách thức hiệu quả để tha tội cho con người: “Vì vậy, khi vào trần gian, Đức Kitô nói: Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài, như Sách Thánh đã chép về con”.
 
Khi thực thi ý Thiên Chúa trong ‘một thân thể’, Chúa Giêsu đã trở nên hiện thân của Dung Nhan Lòng Chúa Thương Xót, biết cảm thương những nỗi yếu hèn của chúng ta. Và Người mời gọi chúng ta “hãy mạnh dạn tiến lại gần ngai Thiên Chúa là nguồn ân sủng, để được xót thương và lãnh ơn trợ giúp mỗi khi cần” (x. Dt 4,15-16). Người là người biết chia sẻ và thông cảm với những yếu đuối của loài người chúng ta (x. Dt 2,17). Hai yếu tố này kết hợp mật thiết với nhau, vì cách mà Người đạt đến vinh quang không tách rời loài người chúng ta, nhưng liên đới với chúng ta đến cùng. Người đã trải qua con đường đau khổ và sự chết. Vinh quang của Người không phải do danh vọng, nhưng là vinh quang do bởi tình yêu và lòng quảng đại của Người.
 
Từ nay Chúa Giêsu trở thành “Trạng Sư” (x. 1 Ga 2,1) cho con người tội lỗi chúng ta. Người đem ơn cứu độ vĩnh viễn cho những ai nhờ Người mà tiến lại gần Thiên Chúa. Người hằng sống để chuyển cầu cho con người (x. Dt 7,25). Nên, lời Thánh Vịnh (x. Tv 39, 8-9) được đặt vào miệng Chúa Giêsu để Người thưa với Chúa Cha “Này con đây, con đến để thực thi ý Ngài” (x. Dt 10, 9), một lời minh chứng thánh ý của Thiên Chúa kiên định muốn cứu thoát và không bao giờ bỏ rơi dân Ngài. Một tiếng “xin vâng” của Vị Thượng Tế Giêsu Kitô, Đấng trung gian của Giao Ước Mới, là bảo đảm tối thượng cho sự trung thành của Thiên Chúa.
 
Thiên Chúa ban tặng Người Con mình cho thế gian và sứ vụ của Người Con ấy như là vị Thượng Tế muôn đời, điều ấy đã khẳng định sự trung thành của Thiên Chúa một lần cho tất cả. Chúa Giêsu Kitô là vị Thượng Tế muôn đời, từ đây Người là sứ điệp hy vọng cho con người chúng ta, là chính nội dung tiếng “xin vâng” chuẩn mực cho những tiếng ‘xin vâng’ của loài người. Vì tiếng ‘xin vâng” này đã làm cho Chúa Giêsu thành Ađam Mới  (x. 1 Cr 15,45-49), đem muôn phúc lành cho con người (x. Ga 1,16).
 
III.        Một hôm duyệt binh, vua Alexandre thấy một anh lính có vẻ yếu ớt và mang một cây gươm dỉ sét, Ngài đứng lại và hỏi tên, hắn thưa mình là Alexandre. Nghe nói, vua liền nổi giận, nhìn thẳng vào con người lính đó và ra lệnh: – Một là phải đổi tên. Hai là phải đổi tính nết.
 
Qua Mầu Nhiệm Nhập Thể, chúng ta được tái tạo theo Chúa Giêsu, để thật sự sống công chính và thánh thiện” (x. Ep 4,17.24). Ước gì trong cuộc sống thường ngày, chúng ta luôn ý thức hồng ân này để biết theo gương Mẹ Maria vững tin vào quyền năng của Chúa Thánh Thần. Nhờ đó, chúng ta luôn thưa tiếng “xin vâng” để vâng phục Thiên Chúa.
 
Vâng phục Thiên Chúa, vì mọi sự đều có thể đối với Thiên Chúa, vì chỉ Thiên Chúa biết cái gì là tốt đẹp và đem hạnh phúc cho con người. Không vâng phục Thiên Chúa là đem lại đau khổ bất hạnh cho bản thân và gây ra đau khổ cho người khác. “Thuận thiên giả tồn, nghịch thiên giả vong”. Chúng ta xin Chúa làm cho chúng ta nên “Alter Christus”, như xưa Mẹ Maria đã thưa : “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38). 

Bài viết liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

- Advertisement -spot_img

BÀI VIẾT MỚI