Thứ bảy, 12 Tháng mười, 2024

ĐAN VIỆN AN PHƯỚC – MỒNG II TẾT

MỒNG II TẾT : KÍNH NHỚ TỔ TIÊN

I. Cô Mint Kanistha, sau khi đăng quang cuộc thi Hoa Hậu Không Phân Biệt Giới Tính Thái Lan 2015 (Miss Uncensored News Thailand 2015), đã đội nguyên vương miện quay về nhà quỳ gối cảm tạ công ơn trời biển của mẹ mình, ngay trước đống rác của bà. Khi được hỏi liệu có cảm thấy mất mặt vì công việc của mẹ hay không, Cô Mint trả lời rất dứt khoát: “Không hề. Những lúc rảnh rỗi tôi thường cùng mẹ nhặt rác, phân loại rác rồi đi bán giúp mẹ. Tôi có được ngày hôm nay là nhờ vào công việc ấy, mẹ con tôi kiếm sống bằng cách lao động chân chính và thanh cao, vì vậy, không có lý do gì khiến tôi phải cảm thấy mất mặt cả”. Trên bình diện nhân văn, hành động của cô Mint Kanistha, được coi là một hành động hiếu thảo. Cô quả là một tấm gương sáng cho con người hôm nay học tập. Cô đang sống “Đạo Hiếu”.

II. “Đạo Hiếu”’, không phải là một tôn giáo đúng nghĩa. Nhưng là một truyền thống, đã đâm rễ sâu trong đời sống người Việt, được đón nhận và đi vào nếp sống con người một cách tự nhiên, ở mọi thời và mọi nơi. Trong việc giữ “Đạo Hiếu”, đời sống xã hội và đời sống tôn giáo, có cùng một nền tảng “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, “uống nước nhớ nguồn”. Đời sống tâm linh tôn giáo bảo tồn và phát triển đời sống xã hội, giúp con người luôn luôn ý thức : “Cây có gốc mới nảy cành sanh ngọn, / nước có nguồn mới biển rộng sông sâu.// Người ta nguồn gốc từ đâu, / có cha có mẹ rồi sau có mình”.

Với người Công Giáo, “Đạo Hiếu” còn xuất phát từ Kinh Thánh. Trong Mười Giới Răn của Thiên Chúa dạy loài người, có 3 điều “mến Chúa” và 7 điều “yêu người”. Đứng đầu trong 7 điều “yêu người” là giới răn thứ tư: “Thảo kính cha mẹ”. Ngay từ Cựu Ước, giới răn “thảo kính cha mẹ” đã được nhiều ngôn sứ nhắc đến, “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ” (Xh 20,12; x. Xh 29, 12; Hc 3, 3-14). Đây là một lệnh truyền, không phải là một lời khuyên. Lời khuyên, có thể không làm; lệnh truyền, buộc phải thi hành. Lệnh truyền “thờ cha kính mẹ”, là lễ phẩm dâng tiến rất đẹp lòng Thiên Chúa; ngược lại, “ai bỏ rơi cha mình thì khác nào kẻ lộng ngôn, ai khinh rẻ mẹ là chọc giận Đấng Tạo Thành ra nó” (Hc 3, 16). Lệnh truyền “thờ cha kính mẹ” đó là điều răn duy nhất có kèm theo lời hứa: để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này (x. Ep 6, 1-3). Lệnh truyền “thờ cha kính mẹ” phải được thể hiện chân tình cụ thể: “Con ơi, hãy săn sóc cha con, khi người đến tuổi già; bao lâu người còn sống chớ làm người buồn tủi. Người có lú lẫn con cũng phải cảm thông, chớ cậy mình sung sức mà khinh dể người” (Hc 3, 12-16). “Hãy hết lòng tôn trọng cha con và đừng quên những cơn đau đớn của mẹ. Hãy nhớ rằng nhờ cha mẹ, con mới sinh ra. Làm sao con báo đền được điều cha mẹ cho con” (Hc 7,27-28; x. Cn 6,20-22; Cn 13,1). Ai không biết lo lắng đến người thân và nhất là gia quyến mình, thì nó đã chối bỏ đức tin, và còn tệ hơn là người không tin” (1 Tm 5,8). “Đạo Hiếu” còn được đề cao qua mẫu gương của Chúa Giêsu. Ngài đã chu toàn bổn phận làm con với cha mẹ trong suốt ba mươi năm sống cùng Thánh Gia (x. Lc 2,51-52). Trong thời gian thi hành sứ vụ, lòng hiếu thảo được Ngài đề cập như một trong những chuẩn mực nền tảng của luật Thiên Chúa : “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ; kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử” (Mt 15,4). Ngài cũng phê bình tính câu nệ truyền thống mà coi thường giới răn của Thiên Chúa : “Các ông thật khéo coi thường điều răn của Thiên Chúa để nắm giữ truyền thống của các ông” (x. Mc 7, 9-13).

Truyền thống dân tộc Việt Nam rất coi trọng “Đạo Hiếu” đối với các bậc sinh thành dưỡng dục, nên đã dành cả tháng 7 Âm Lịch làm tháng “báo hiếu” (trong đó lễ Vu Lan là trọng tâm được tổ chức trọng thể vào ngày Rằm – 15/7 Âm Lịch). Mỗi năm Giáo Hội Công Giáo dành riêng 8 ngày đầu tháng 11 để viếng Đất Thánh (Nghĩa Trang) với Ơn Toàn Xá và nhường lại cho các linh hồn, dành cả Tháng 11 gọi là Tháng Các Đẳng (Tháng Linh Hồn), để cầu nguyện cho những người đã qua đời, bằng những việc tham dự Thánh Lễ, xin lễ và các việc bác ái. Mỗi ngày các Linh Mục dâng lễ đều cầu nguyện cho các linh hồn. Dòng Xitô trước khi vào Tháng Các Đẳng trong Giáo Hội, thì đã cử hành Tháng Các Đẳng từ 17-09 đến 17-10 (do Thánh Odilon, Viện Phụ Đan Viện Biển Đức Cluny khởi xướng), hàng tháng có một lễ riêng và mỗi Giờ Kinh Phụng Vụ đều có cầu nguyện cho Các Đẳng. Thiên Chúa là bậc Tổ Tiên trên tất cả các Tổ Tiên. Ngài rất mực bao dung yêu thương con người, như Ngài phán qua miệng tiên tri Isaia : “Mẹ nào lại quên con đẻ của mình, cạn lòng thương đối với con dạ nó đã mang ? Cho dù chúng quên được nữa, thì phần Ta, Ta sẽ không hề quên ngươi ! Này, Ta đã khắc ghi ngươi trên bàn tay Ta” (Is 49,15-16a). Giáo Hội Việt Nam dành riêng ngày Mồng II Tết để kính nhớ Tổ Tiên. Nên việc kính nhớ Tổ Tiên, không phải chỉ “hương khói cúng quả” trên bàn thờ dành cho những tiền nhân đã khuất, mà là thực tập sống “Đạo Hiếu” thực tế hôm nay với tinh thần “Hiếu – Đễ”, đó là kính yêu cha mẹ và hoà thuận với anh chị em. “Hương Khói cúng quả” mai sau chỉ là hệ luận tất yếu của việc sống “Hiếu Đễ” hôm nay. Vì “Hiếu” là thiên kinh địa nghĩa, là gốc của mọi đức tính, như ca dao Việt Nam có câu : “Chữ hiếu niệm cho tròn một tiết,/ Thời suy ra trăm nết đều nên”.

III.        Thay lời kết, chúng ta trích đọc lại bức thư “Hãy bao dung nếu bố mẹ già đi” của Pierre Antoine :

Ngày bố mẹ già đi, con hãy cố gắng kiên nhẫn và hiểu giùm cho bố mẹ. Nếu như bố mẹ ăn uống rớt vung vãi… Nếu như bố mẹ gặp khó khăn ngay cả đến cái ăn cái mặc… xin con hãy bao dung! Con hãy nhớ những ngày giờ mà bố mẹ đã trải qua với con, để dạy cho con bao điều lúc thuở bé. Nếu như bố mẹ cứ lặp đi lặp lại hàng trăm lần mãi một chuyện, thì đừng bao giờ cắt đứt lời bố mẹ mà hãy lắng nghe! Khi con còn ấu thơ, con hay muốn bố mẹ đọc đi đọc lại mãi một câu chuyện hằng đêm cho đến khi con đi vào giấc ngủ… và bố mẹ đã làm vì con. (…) Khi con thấy sự ít hiểu biết của bố mẹ trong đời sống văn minh hiện đại ngày hôm nay, đừng thất vọng mà hãy để bố mẹ có thời gian tìm hiểu.Bố mẹ đã dạy dỗ con bao điều, từ cái ăn, cái mặc cho đến bản thân và phải biết đương đầu với bao thử thách trong cuộc sống. (…)Hãy giúp bố mẹ trong từng bước đi vào chiều…Hãy giúp bố mẹ những phút sống còn lại trong yêu thương và nhẫn nại…Cách duy nhất còn lại mà bố mẹ muốn cảm ơn con là nụ cười và cả tình thương để lại trong con.

Thương con thật nhiều…Bố mẹ.

(x. http://tuoitre.vn/tin/nhip-song-tre/song-va-yeu/20111010/cong-dong-mang-thon-thuc-voi-thu-gui-con/459784.html).

Bài viết liên quan

- Advertisement -spot_img

BÀI VIẾT MỚI