Thứ Bảy, 20 Tháng Tư, 2024

ĐAN VIỆN AN PHƯỚC – TĨNH TÂM THÁNG 05-2018: Ở LẠI TRONG THẦY (Ga 15,12-17)

Ở LẠI TRONG THẦY (Ga 15,12-17)

 

I.          Chương 15 sách Tin mừng IV, là “file nén” toàn bộ sứ điệp của thánh sử Gioan. Sứ điệp này lại “nén” trong cụm từ “ở lại trong tình yêu”. Chương 15 có 27 câu. Động từ “ở lại” được lặp đến 9 lần. Động từ “ở lại” được hiểu về nghĩa thể lý và cả tâm linh.

Ngay từ Lời Tựa, thánh Gioan đã giới thiệu cho nhân loại về “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1, 14). Như vậy, sứ mạng của Thiên Chúa là muốn “ở lại” giữa con người. “Ở lại” với con người là khát vọng, khiến Chúa Giêsu không ngừng nhắc đi lập lại với các môn đệ, thành một điệp khúc. 

Điệp khúc “ở lại” cường điệu hơn lên qua những kiểu nói “ở lại trong” hay “gắn liền với” : “Anh em hãy ở lại trong Thầy” (x. Ga 15,4.7), “Nếu không gắn liền với thân cây nho” (Ga 15,4). “Ở lại” trong Thầy, giống như cành nho phải liên kết với thân cây nho, thì đón nhận được sức sống là Ơn Thánh Thần, là sinh nhiều hoa trái (x. Ga 20,21). Vì không có Thầy Giêsu, anh em chẳng làm gì được (x. Ga 15,5). Về phạm vi ân sủng, các môn đệ sẽ thất bại nếu không “ở lại trong” hay kết hiệp với Người (x. 1 Cr 3,6-7).

 

II.         Qua lời tâm sự của Chúa Giêsu, chúng ta dừng lại vài lời của Ngài để phản tỉnh cách sống của chúng ta đã thực sự đáp lại lời mời gọi “Anh em hãy ở lại trong Thầy” (x. Ga 15,4) chưa ?

 

1)- Yêu thương như Thầy yêu thương (Ga 15,12)

Chúa Giêsu nói đặc biệt đến tình thương (c. 12), và mời gọi chúng ta hiểu rằng, “yêu thương nhau” chính là hoa trái mà Người trồng nho, và “Cây Nho”, nghĩa là chính Chúa Giêsu, mong đợi. Chúa Giêsu nói: “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy”; và Người nói tiếp: “Anh em hãy ở lại trong tình thương của thầy”.

Để hiểu lời mời gọi này của Chúa Giêsu, chúng ta hãy trở lại hình ảnh cây nho: chỉ có một Người trồng nho (Thiên Chúa), và chỉ có một cây nho (Chúa Giêsu). Cành thì có nhiều: cành to cành bé, cành ngắn cành dài, cành ở trên cao, cành ở dưới thấp, cành già cành non, cành đẹp cành xấu, cành trắng cành đen, cành mượt mà cành sần sùi, cành ít trái cành nhiều trái, cành sung mãn cành èo uột, cành xanh mướt cành đang khô héo…

Cộng Đoàn là một Cây Nho. Trên Cây Nho này có nhiều cành, và mỗi cành đều khác nhau, nhưng tất cả trở nên một, khi chúng ta chấp nhận nhau, và mỗi người biết phần vụ của mình. Tất cả chúng ta nếu gắn liền với thân nho, như Chúa Giêsu mời gọi: “Anh em hãy ở lại trong tình thương của thầy”, đó thực sự chúng ta là một Gia Đình.

 

2)- Tình yêu hi sinh mạng sống (c. 13-15)

Khuôn mẫu của tình yêu chúng ta dành cho nhau, chính là tình yêu của Chúa Giêsu dành cho loài người và cho từng người chúng ta : “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình”. Đó là “tình yêu đến cùng” mà chúng ta được mời gọi đón nhận, hiểu biết và cảm nếm, khi chiêm ngắm Chúa Giêsu Chịu Đóng Đinh, “Đối Tượng Duy Nhất của lòng trí chúng ta” (châm ngôn của Đức Cha Lambert De La Motte đã chọn cho mình cũng như cho các Nữ Tu Hội Dòng Mến Thánh Giá), trong cuộc Thương Khó. Đó cũng là “tình yêu tự hiến” mà chúng ta tưởng niệm và tái hiện lại mỗi ngày trong Thánh Lễ và trong ngày sống.

Ngoài ra, Chúa Giêsu còn mở ra một chiều kích nữa của tương quan giữa Ngài và các môn đệ, đó là tương quan bạn hữu : “Anh em là bạn hữu của Thầy”. Chúa Giêsu chia sẻ cho bạn hữu của Ngài tất cả: niềm vui, hiểu biết và chính mạng sống. Ngài trao ban tất cả những gì mình có và tất cả những gì mình là cho các bạn hữu của Ngài : Ngài chia sẻ trọn vẹn hữu thể của Ngài cho các bạn hữu.

Chúa Giêsu là Thầy và là Chúa, đã tự hạ mình để trở thành bạn hữu của chúng ta. Chính là để chúng ta cũng ước ao từ trong thâm tâm làm cho mình trở thành bạn hữu của nhau, trở thành anh em của nhau. Đó là nêu gương cho chúng ta dấn thân chia sẻ cái mình có và chia sẻ cái mình là cho Cộng Đoàn. Để mọi thành phần trong Cộng Đoàn cũng nói được như nguyên tổ Adam đã nói khi gặp bà Eva: “đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi” (x. St 2, 4b9.15-24), thay vì làm cho mình trở thành “đối thủ” hay “thù địch” của nhau. Nhờ đó, chúng ta thực sự đồng cảm “ở lại” trong Cộng Đoàn chứ không phải đi shopping trong Siêu Thị. Đi shopping trong Siêu Thị : chọn cái này, lựa cái kia… rồi …

           

3)-Hoa trái yêu thương (16-17)

Phần cuối của bài Tin Mừng, Chúa Giêsu dùng lại hình ảnh “hoa trái”: “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại”.  Để sinh nhiều hoa trái, chúng ta được mời gọi ở lại trong Chúa Giêsu, như cành nho gắn liền với thân nho. Chúa Giêsu ở lại trong chúng ta, và chúng ta được mời gọi ở lại trong Ngài. Và “ở lại trong nhau” là ngôn ngữ của tình yêu.

Điều này chỉ thực sự xảy ra trong Bí Tích Thánh Thể, được hoàn tất trong mầu nhiệm Vượt Qua. Chúng ta cần nhìn lại cách mình cử hành Thánh Lễ mỗi ngày vì đây là trung tâm của đời sống đức tin và đời sống dâng hiến của chúng ta : Nhờ Bí Tích Thánh Thể, Chúa Giêsu hằng ở lại với chúng ta, để cho chúng ta cũng được mãi mãi ở lại trong Ngài.

Chúa Giêsu còn “ở lại với chúng ta” ngang qua Lời của Ngài nữa, bởi vì Ngài là Ngôi-Lời, nghĩa là Lời và Ngôi Vị của Ngài là một. Lectio divina chính là nơi chúng ta được nghe Chúa Giêsu nói với chúng ta. Lectio divina sẽ giúp chúng ta đón nhận được “nhật lệnh” của giây phút hiện sinh để biết làm theo tôn ý của Chúa Giêsu.

 

            III.        Ơn gọi của mỗi anh em chúng ta, Chúa Giêsu khẳng định : “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại, để sinh nhiều hoa trái” (Ga 15,16). Sứ vụ của chúng ta là phải trở nên môn đệ của Chúa Giêsu. Để trở nên môn đệ, chúng ta phải ở lại trong Ngài. Để ở lại trong Ngài, chúng ta phải đón nhận Lời của Ngài như là nhựa sống, như là lương thực nuôi sống chúng ta. Và hoa trái mà Người trồng nho (Thiên Chúa) và “Cây Nho” (Chúa Giêsu), mong đợi, chính là tình yêu: “Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau” (Ga 15,17).

Chúng ta phân định được rằng :

1) Chúa Giêsu là cây nho, anh em chúng ta là cành: Cây nho và cành nho là một. Cần có một sự hỗ tương giữa cây với cành và cành này với cành khác. Nên nếu nói “Tôi theo Chúa Giêsu nhưng không đồng cảm theo Cộng Đoàn” tức là tôi chia cắt Chúa Giêsu khỏi Cộng Đoàn, giống như cắt cành ra khỏi thân cây.

2) Không có Thầy Giêsu, chúng ta chẳng làm gì được (x. Ga 14,5b): Nếu chúng ta gắn bó với Thầy Giêsu thì sẽ phát sinh nhiều hoa trái. Nhựa sống ân sủng của Cây Nho Giêsu sẽ hiện diện dồi dào trong các cành nho là chúng ta. Chúng ta sản sinh nhiều hoa trái xum xuê là các việc bác ái yêu thương tha nhân.

3) Cành đã sinh trái, cũng cần cắt tỉa để sinh nhiều trái hơn. Chúng ta đang được cắt tỉa, như phải theo các quy định trong Hiến Pháp, Thói Lệ, sửa chữa các thói hư tật xấu, như ích kỷ, tự ái cao, và tự kiêu tự mãn trong đời sống chúng ta… Chịu cắt tỉa, đau lắm. Vào lúc cao điểm của ‘cái đau’ trên cây thập giá, Chúa Giêsu vẫn “ở lại” với Chúa Cha bằng niềm tin yêu tín thác: “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46). Chúng ta theo gương Chúa Giêsu tín thác vào Chúa Cha, nay chúng ta tập nguyện tắt : “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa”.

 

 

Bài viết liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

- Advertisement -spot_img

BÀI VIẾT MỚI