CẢM NHẬN CỦA MỘT BẠN SINH VIÊN TRẺ
KHI ĐẾN TĨNH TÂM TẠI ĐAN VIỆN
Martha Hoàng Mai
Tôi là một cô gái với sức sống mãnh liệt của tuổi trẻ mười tám đôi mươi và đầy lòng hăng say Chúa và Giáo hội. Ngay khi vừa tốt nghiệp THPT, tôi đã mạnh dạn đăng ký khóa Thần học Sơ cấp của Học viện Thần học Thánh Phê-rô Lê Tùy thuộc Tổng giáo phận Hà Nội. Nơi đây, tôi được đào tạo về chiều kích tri thức, cũng như chiều kích thiêng liêng, mục vụ, nhân bản.
Sau khi học ở Học viện được 3 tháng, tôi đã quyết định đi tĩnh tâm tại Đan viện Châu Sơn Nho Quan. Lần đầu tiên, tôi đặt chân tới đan viện trong thời tiết giá rét của miền Bắc, trời tối đen như mực, khung cảnh khá yên ắng, khác hẳn với cuộc sống xô bồ của thành phố – cuộc sống hối hả, bon chen, ồn ào, náo nhiệt. Mặc dù tôi đến Đan viện muộn hơn giờ mà tôi đã thông báo với thầy phụ trách, nhưng tôi vẫn được các thầy nhà khách đón tiếp chu đáo với bữa cơm tối ngon miệng. Dường như tôi đã quen với cuộc sống ở thành phố, khung cảnh đan viện quá tối và yên tĩnh làm tôi khá lo lắng, không biết mình có thích nghi với môi trường ở đây không.
Ngày hôm sau, tôi thức dậy theo giờ giấc của Đan viện. Khi mọi người vẫn còn đang say sưa trong giấc ngủ, chăn ấm nệm êm thì những Đan sĩ đã thức dậy dâng lên Chúa những lời kinh tiếng hát để cầu nguyện cho Giáo hội, cho mọi người và cho thế giới. Khi tôi đặt chân tới nhà nguyện, tôi cảm thấy bình an đến kỳ lạ, và chưa bao giờ tôi cảm thấy như vậy. Vào đến ghế ngồi, tôi thấy rất nhiều sách kinh và cảm thấy rất hoang mang vì không biết phải cầm quyển nào, mở trang nào cho đúng. Nhưng mà rất may, tôi được thầy nhà khách chỉ bảo tận tình mở sách để cầu nguyện, hát Kinh Phụng Vụ theo Bình ca của Giáo hội với tâm tình “Tôi sẽ không ngừng chúc tụng Chúa, câu hát mừng Người chẳng ngớt trên môi” (Tv 34,2). Đỉnh cao của Phụng vụ là Thánh Lễ, tôi tham dự Thánh lễ một cách sốt sắng với cả tâm tình, một bầu khí thánh thiêng vô cùng. Thời gian trôi qua, tôi đã thích nghi được giờ giấc ở Đan viện.
Sau mỗi giờ kinh, tôi có thời gian để thinh lặng, suy ngẫm về những gì mình vừa đọc để lắng nghe tiếng Chúa nói trong sâu thẳm của tâm hồn mình. Sau giờ ăn sáng, tôi dạo quanh vườn Đức Mẹ Fa-ti-ma, ngắm nhìn khung cảnh trời đất – một công trình vĩ đại của Chúa qua những đôi tay và khối óc của các Đan sĩ đã xây dựng nên, khung cảnh yên bình mà không nơi đâu tìm thấy được. Khi tôi thinh lặng, tôi thấy những mối tương quan của mình tốt dần lên, đặc biệt là tương quan với chính mình và với Thiên Chúa. Là một con người ăn nói không giỏi, nhưng sau một thời gian ở đây, tôi thấy bản thân mình được thăng tiến, biết nói gì cho đúng, cho phải, mà không mất lòng anh chị em mình – tương quan với chính mình là điều tôi thấy rõ hơn cả. Với Thiên Chúa, tôi càng yêu Ngài và càng xác quyết hơn về những gì mà tôi tin, tôi học. Đọc trong Tông huấn Đức Ki-tô hằng sống: Đối với Chúa, con thực sự quý giá, con không phải là vô nghĩa, đối với Ngài con thật quan trọng, bởi vì con là công trình do tay Ngài làm ra (số 115), tôi thấy được tình Chúa yêu tôi nhường nào. Vì thế, tôi càng đến với Chúa thì Chúa lại càng biến đổi tôi để tôi trở nên thánh thiện giống như Người. Đan viện – Trường học Phụng sự Thiên Chúa đã dạy tôi được sự thinh lặng bên ngoài và thinh lặng bên trong. Thinh lặng bên ngoài để kiểm soát lời nói và hành động sao cho đẹp lòng Chúa – như một tân nương trang điểm lộng lẫy để đón chào Đức Lang Quân. Thinh lặng bên trong để giữ cho tâm hồn được bình an cũng như để Lời Chúa dễ dàng thấm nhuần. Được sự dẫn dắt của cha giáo Gioan Phạm Văn Hưng – ngài là cha tập sư đồng hành và chia sẻ trong những thời gian tĩnh tâm, tôi lại được biết thêm về Linh đạo Đan tu cũng nếp sống tu trì theo tu luật Thánh Biển Đức.
Mặc dù tôi tĩnh tâm ở đan viện Châu Sơn Nho Quan được ít ngày, nhưng tôi đã cảm nghiệm được thiên đàng ở giữa ngay đây. Mượn tâm tình của thánh Âu Tinh để nói lên tâm tình của tôi: “Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con và lòng con luôn khắc khoải cho tới khi tâm hồn con được an nghỉ trong Chúa”. Ước chi mỗi người sẽ tìm đến Đan viện này để làm chỗ nghỉ chân bồi dưỡng cho mảnh đất tâm hồn thêm màu mỡ.