Mọi thực tại hữu hình đều có một lịch sử nhất định và lịch sử đó được dệt bởi không gian và thời gian, bao gồm mọi thăng trầm đổi thay của vũ trụ, của thế giới, của xã hội và của chính mình…Giáo Hội tuy không thuộc về thế gian nhưng vẫn ở trong thế gian, nghĩa là tuy hướng về những thực tại trên trời nhưng cùng bước đi trong lịch sử nhân loại.
Cũng thế, cộng đoàn Xitô Phước Lý được hình thành và lớn lên trải qua bao biến cố thịnh suy và đổi thay của lịch sử Việt Nam, lịch sử Giáo Hội Việt Nam và lịch sử Đan Tu Việt Nam. Phước Lý được sinh ra từ lòng mẹ Phước Sơn (Quảng Trị), bắt đầu với một nhóm nhỏ “nam tiến” tìm đất lập dòng, ban đầu đến ở Mặc Bắc (Trà Vinh), sau đó tiến về Xoài Minh (Đồng Nai) định cư cho tới hôm nay đã được 60 năm (1950-2010).
Cũng như phần lớn các dòng tu tại Việt Nam, cộng đoàn Phước Lý cũng trải qua những biến cố được coi là phức tạp nhất về tình hình chính trị của đất nước.
1. Những chặng đường kỷ niệm (1950-1975)
Bàn tay quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa có thể dùng mọi hình thức để tác động trong Giáo Hội và cả trong những suy tính của con người. Đôi khi từ một dự định mang tính riêng tư (nhằm để tồn tại), Thiên Chúa lại dùng để làm nên một công trình lớn để vinh danh Thiên Chúa và mưu ích cho các linh hồn.
Một cách nào đó, Cộng Đoàn Phước Lý được cưu mang từ một hoàn cảnh như thế. Thật vậy, vào những năm 1949-1950 tình hình chính trị bất ổn làm cho cộng đoàn Phước Sơn không thể không ưu tư cho sự tồn tại của Dòng, mà tin tức từ sự giải thể dòng Trappe ở bên Trung Quốc là một cảnh báo. Cộng Đoàn Phước Sơn buộc phải nghĩ đến kế hoạch dự phòng trong tương lai, mà cụ thể là tìm đất thành lập một cộng đoàn mới ở một nơi có thể đảm báo an ninh hơn.
Chính vì thế, ngày 23/10/1950 cha Marie Casimir đã cùng với 20 anh em từ Phước Sơn “nam tiến” đến tạm trú tại Chà Và (Vĩnh Kim – Trà Vinh, giáo phận Vĩnh Long) tìm đất lập dòng. Sau đó, vào ngày 23/03/1951 phái đoàn đến khởi công xây dựng cộng đoàn tại Mặc Bắc (đất của ông bà Chín Nghiệm dâng cúng).
Ngày lễ Trái Tim Đức Mẹ (tháng 06/1951) phái đoàn dâng thánh lễ Tạ Ơn đầu tiên, nhận tên mới là Đan Viện Thánh Mẫu Thiên Phước và dâng hiến nguyện đường cho Đức Mẹ dưới tước hiệu là “Mẫu Tâm”.
Ngày 26/10/1951 cha Casimir xin từ chức vì lý do sức khỏe, cha Stanilas Trương Đình Vang lên thay với trách nhiệm di chuyển “Thiên Phước” về Xoài Minh (Phước Lý – Vĩnh Thanh – Nhơn Trạch – Đồng Nai) cũng vì lý do chính trị ở Mặc Bắc lúc bấy giờ bất ổn và vì vùng đất này sình lầy không thể xây dựng kiên cố được.
Ngày 01/05/1952 toàn bộ Cộng Đoàn đã di chuyển về Phước Lý (đất của bà Tám Dung dâng cúng), nhưng một năm sau (06/05/1953) mới có văn thư cho phép lập dòng tại Phước Lý của Tòa Giám mục Sài Gòn.
Đến ngày 15/08/1953 Tòa Thánh chính thức chấp thuận việc lập dòng mới và từ đây Phước Lý có tên trong danh sách các dòng tu của Giáo Hội.
Một năm sau (1954) Phước Lý được nâng lên hàng tự trị (prioratus sui juris).
Ngày 05/03/1964 công bố sắc chỉ Tòa Thánh nâng Phước Lý lên hàng Đan Phụ Viện.
Nhìn chung, trong khoảng thời gian từ ngày khai sinh cho đến biến cố năm 1975, Cộng Đoàn Phước Lý tuy gặp không ít khó khăn về điều kiện kinh tế và vấn đề sức khỏe, đặc biệt về tình hình thời cuộc, đôi lúc tưởng chừng như sống giữa hai chiến tuyến (ban ngày chịu sự kiểm soát của chế độ Sài Gòn, ban đêm lại được Cách Mạng quan tâm). Thế nhưng, xét về mặt tinh thần, Phước Lý được coi là phát triển quá nhanh, vì chỉ 4 năm sau khi thành lập đã được nâng lên hàng Đan Viện Tự Trị.
Như thế, sự quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa đã biến dự phòng lúc hoạn nạn của Dòng Mẹ Phước Sơn, trở thành một cộng đoàn mới đầy sức sống và làm cho nếp sống đan tu thêm triển nở như lòng mong ước lúc sinh thời của Đấng Tổ Phụ Henri Denis Benoit.
2. Những trang sử mới (1975 đến nay)
Theo một cách nhìn nào đó, linh cảm ban đầu của dòng Phước Sơn đã trở thành hiện thực, trong khi Phước Lý được coi như là tạm ổn thì Dòng Mẹ Phước Sơn phải chịu cảnh ly tán, đã vào tạm trú tại Phước Lý một thời gian trước khi chuyển về Gò Công (Thủ Đức), thậm chí cha Stanilas Trương Đình Vang lúc bấy giờ đang là bề trên của Cộng Đoàn Phước Lý, đã phải vâng lời Đức Tổng Phụ để tạm làm bề trên Giám Quản (Administrator Apostolicus) Nhà Mẹ Phước Sơn trong thời gian các bề trên nhà mẹ Phước Sơn đang bận đi “tĩnh tâm” dài hạn do nhà nước tổ chức.
Một số nhà dòng trong giai đoạn từ 1953 đến những năm sau 1975 phải sơ tán, thay đổi chỗ ở và thậm chí phải “dâng tặng” cho cơ quan nhà nước cả cơ sở nhà dòng. Riêng Phước Lý vẫn được an cư, chỉ có một vài thay đổi nhỏ là do nơi ở cũ ẩm thấp, không tốt cho sức khỏe và điều kiện xây dựng, nên ngày 18/04/1975 đã chuyển toàn bộ cơ sở qua vùng cao, đối diện với chỗ ở cũ cách khoảng 400m.
Những ngày cuối 1974 và đầu năm 1975, chiến tranh Bắc – Nam đã đi đến hồi khốc liệt nhất và miền đất Phước Lý gần với Sài Gòn nên chịu ảnh hưởng không nhỏ. Nhưng nhờ ơn Chúa, Phước Lý vẫn bình an dưới làn mưa đạn và từng trở thành nơi cho dân địa phương chạy đến tạm trú gánh nạn trong đợt tổng tiến công cuối cùng vào Sài Gòn.
Ngày 30/04/1975 đất nước hoàn toàn thống nhất, từ đây mọi sự từ chính trị đến nhận thức, ngoại giao, kinh tế…hầu như hoàn toàn mới. Đan Viện Phước Lý không thể tránh khỏi những biến động và khó khăn, phần thì chưa quen với chính sách mới, phần do hậu quả nặng nề của chiến tranh để lại, trong đó có cả nhận thức và thành kiến tôn giáo.
Tuy nhiên, đời tu luôn là một cuộc hành trình, một sự tiếp nối chứ không phải chỉ tận hưởng những thành quả của tiền bối hay ngồi nuối tiếc hào quang quá khứ, nhưng biết hội nhập với hoàn cảnh hiện tại và tìm ra những hướng đi mới cho tương lai. Đất nước chuyển mình sang trang sử mới, Giáo Hội Việt Nam phải thay đổi theo giai đoạn mới, thì Cộng Đoàn Phước Lý cũng viết thêm những trang sử mới trong sự đồng hành và hội nhập với hoàn cảnh mới, chấp hành lệnh chính quyền và hưởng ửng lời kêu gọi của Đức Tổng Giám Mục Phaolô Nguyễn Văn Bình, để đi làm thủy lợi, nông trường và cả việc tòng quân phục an ninh đất nước; đồng thời Cộng Đoàn cũng đưa ra những dự định cho sự bảo tồn và phát triển trong tương lai, mà cụ thể là lập thêm tu sở mới ở Xuân Sơn và An Phước, theo quyết định của cuộc hội ý Cộng Đoàn ngày 03/09/1978. Cha M. Louis Montfort Nguyễn Vinh (sau này là Viện Trưởng Phước Lý từ năm 1989-1995) và 4 anh em khác ra đi thành lập tu sở Xuân Sơn tại vùng kình tế mới Xuân Sơn (Châu Đức – Bà Rịa Vũng Tàu), còn cha M. Ignatio Trần Ngân (sau này là Viện Phụ thứ II của Phước Lý từ 1996 đến 2008) cùng với 5 vị khác đến lập tu sở An Phước (Long Thành – Đồng Nai), tu sở này đã được Tổng Hội nâng lên hàng tự trị ngày 03/08/2006. Kế tiếp, là viện phụ Gioan Baptista Trần Văn Chuyên (2008-2014) và viện phụ đang đương nhiệm là Maria Bảo Tịnh – Nguyễn Đức Chánh (từ tháng 10 năm 2014 đến nay).
Tất cả là hồng ân! Sau bao năm nhìn lại, Cộng Đoàn Phước Lý với những trang sử được Chúa Thánh Thần dùng các bậc tiền bối viết trên miền đất Việt. Khởi đi từ một nhóm nhỏ với hai bàn tay trắng, trải qua bao khó khăn thử thách, đôi lúc tưởng chừng như trang sử thẫm màu tím của những biến động thời cuộc, những khó khăn về kinh tế, những đe dọa về sức khỏe và cả những lần khủng hoảng về nhân sự, nhưng có Thiên Chúa là chủ của lịch sử, Người đã an bài, sắp đặt, thanh luyện và bảo vệ, để hôm nay Phước Lý đang lớn mạnh và tiếp tục viết thêm những trang sử mới đầy sức sống.
Tất cả là hồng ân! Bao bậc tiền bối bao lần nằm xuống như hạt giống chịu nát tan để làm phát sinh nhiều ơn gọi mới. Ngày khai sinh chỉ với một nhóm nhỏ, nhưng đã trở thành một cộng đoàn lớn như ngày nay, cùng với việc thành lập nên Đan viện An Phước (tự trị) và Đan viện Phước Hiệp (đơn lập)
Tất cả là hồng ân! Hồng ân Chúa tác động trong mọi dự định, hồng ân Chúa hướng dẫn từng bước đường hình thành và phát triển, hồng ân Chúa thu hút các tâm hồn tìm đến với nếp sống đan tu. Hồng ân Chúa dắt dìu trong quá khứ, phù trợ trong hiện tại và chúc lành cho những định hướng tương lai.
Vâng! Tất cả là hồng ân! Đó là bài ca cảm tạ được hát lên mỗi ngày và vang mãi trên mảnh đất Phước Lý thân yêu.