Thứ bảy, 28 Tháng mười hai, 2024

Đan Viện Xitô Thánh Mẫu Châu Thủy: Phong Chức Linh Mục và Phó Tế ngày 27.12.2024

 

ĐAN VIỆN XITÔ THÁNH MẪU CHÂU THỦY: LỄ PHONG CHỨC LINH MỤC VÀ PHÓ TẾ (27.12.2024)

Đường link xem hình: https://www.flickr.com/photos/129715621@N04/albums/72177720322802740/
Bầu khí Giáng sinh vẫn còn hân hoan rộn rã, hôm nay Đan viện Xitô Thánh Mẫu Châu Thủy lại có thêm niềm vui trọng đại khác tiếp nối đó là một số đan sĩ được thụ phong linh mục và phó tế. Sáng sớm tinh sương, không gian tĩnh lặng của Đan viện bị đánh thức bởi những bước chân rộn ràng, đan xen những tiếng nói, nụ cười văng vẳng khắp nơi, báo hiệu một ngày đặc biệt đang đến với Đan viện.

Sáng nay, vào lúc 8g30, Thứ Sáu, ngày 27 tháng 12 năm 2024, tại Nguyện Đường Đan viện Xitô Thánh Mẫu Châu Thủy, Đức cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng, Giám mục Giáo Phận Phan Thiết đã chủ tế Thánh lễ phong chức phó tế cho 2 đan sĩ và phong chức linh mục cho 1 đan sĩ phó tế của Đan viện. Cùng đồng tế có Viện phụ Giuse Hoàng Văn Thắng, Bề trên Đan viện Xitô Châu Thủy, cha Gregorio Nguyễn Xuân Hoàng Viện, Viện phụ Đan viện An Phước, Đức ông Phêrô Nguyễn Chí Thiết, cha Tổng Đại diện Giáo phận Phan Thiết, nguyên Viện phụ Boscô, quý cha Hạt trưởng, quý Bề trên, một số linh mục trong và ngoài Giáo phận, quý linh mục Hội Dòng Xitô Thánh Gia.

Hiệp dâng Thánh lễ, ngoài quý ông bà cố, có quý tu sĩ nam nữ, thân nhân, ân nhân của các tiến chức cũng như của đan viện.

Mở đầu Thánh lễ, Đức Giám mục chào cộng đoàn và nói lên niềm vui và ý nghĩa của ngày lễ hôm nay: Thánh lễ phong chức được diễn ra trong Mùa Giáng sinh và trong dịp khởi đầu Năm Thánh Hoàn vũ 2025 với chủ đề: “Những người lữ hành của hy vọng”. Xin hiệp ý với Đan viện và cộng đoàn dâng lời tạ ơn Thiên Chúa, vì bao hồng ân Chúa ban cho Đan Viện Xitô Châu Thủy, và đặc biệt tạ ơn Chúa về hồng ân chức phó tế và linh mục. Chúng ta cầu nguyện đặc biệt cho các tân chức. Xin cho các thầy được trở thành “niềm hy vọng thật sống động” cho cộng đoàn Đan viện Châu Thủy, cho giáo phận Phan Thiết và cho toàn thể Giáo hội. Chúng ta xác tín rằng, nhờ lời cầu nguyện và đời sống dâng hiến trọn vẹn của các thầy, ân sủng của Thiên Chúa sẽ tuôn trào trên Đan viện, trên giáo phận Phan Thiết và trên toàn thể Giáo Hội. Chúng ta cũng không quên cầu nguyện cho gia đình của các thầy cũng như tất cả các ân nhân của Đan viện, những vị còn sống cũng như những vị đã qua đời.

Sau phần công bố Tin Mừng Viện phụ Giuse dựa vào các bản văn Lời Chúa Ds 11, 16 -17; Cv 6, 1-7; Mt 20,20-28 chia sẽ với cộng đoàn:

Các bài đọc Lời Chúa trong Thánh lễ hôm nay ý nghĩa rất phong phú và súc tích, giúp chúng ta phác họa hình ảnh của người linh mục và phó tế, những linh mục tương lai. Bản thân người linh mục cũng yếu đuối bất toàn như bao người khác, nhưng được Thiên Chúa đoái thương tuyển chọn, để phục vụ Dân Chúa theo cung cách khiêm nhường thẳm sâu của Đức Kitô vị Mục tử tối cao và nhân lành. Từ các bài đọc Lời Chúa, xin được phác họa chân dung người linh mục với ba chiều kích sau đây: Linh mục là người được tuyển chọn giữa muôn người; Linh mục là trung gian giữa Thiên Chúa và nhân loại; Linh mục phục vụ Dân Chúa theo gương của Đức Kitô.

Linh mục là người được tuyển chọn giữa muôn người.

Để thực hiện chương trình cứu độ nhân loại, Thiên Chúa đã chọn dân Israel nhỏ bé làm dân riêng của Ngài. Và chương trình cứu độ được tiếp nối bằng những cuộc tuyển chọn. Khởi đầu là việc chọn Abraham, để từ ông hướng tới một dân tộc được tuyển chọn. Thứ đến, Thiên Chúa chọn I-xa-ác, người con theo lời hứa của Abraham. Rồi giữa hai người con của I-xa-ác, Thiên Chúa đã chọn Jacob làm tổ phụ 12 chi tộc Israel. Để đưa Israel ra khỏi nhà nô lệ Ai cập và dẫn vào miền Đất Hứa, Thiên Chúa đã dùng bàn tay của Mô-sê. Suốt dòng lịch sử, Ngài tiếp tục chọn một số người và trao cho họ những trọng trách đặc biệt.

Sự tuyển chọn của Thiên Chúa thường bất ngờ, khác với những chọn lựa của con người. Các nhân vật được chọn trong Cựu Ước, từ Abraham đến các ngôn sứ, tất cả đều được chọn không phải vì công nghiệp hay tài năng, đức độ của họ. Abraham khi được Thiên Chúa kêu gọi thì ông đã bảy mươi lăm tuổi và Sara vợ ông cũng đã cao niên mà chưa có một mụn con để nối dòng (x. St 12, 4-5); Mô-sê chỉ là một người ăn nói không được dễ dàng (x. Xh 4, 10); Đavid là đứa con nhỏ nhất trong nhà cha ông (x. 1Sm 16, 11); Ngôn sứ Isaia, Yêrêmia đều nhận ra thân phận yếu hèn và giới hạn của mình khi được Thiên Chúa chọn (x. Is 6, 5;Gr 1, 6).

Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu cũng đã chọn các môn đệ của Ngài theo những tiêu chuẩn bất ngờ, đầy ngỡ ngàng như vậy. Mười hai Tông đồ mà Ngài chọn làm môn đệ thân tín và đặt làm cột trụ Giáo Hội, không phải là bậc tài ba xuất chúng, cũng không phải là thành phần tri thức, ưu tú thuộc giới thượng lưu trong xã hội; trái lại họ chỉ là những dân chài quê mùa dốt nát miền Galilê; rồi trong nhóm 12, còn có người xuất thân từ hàng ngũ thu thuế. Nhưng với ơn Chúa, những con người thấp kém, nghèo hèn đó đã làm thay đổi thế giới. Cũng vậy, linh mục tuy bất xứng nhưng được tuyển chọn, để thi hành sứ vụ trung gian giữa Thiên Chúa và con người.

Linh mục là trung gian giữa Thiên Chúa và con người

Linh mục thi hành vai trò trung gian với tư cách là mục tử để hướng dẫn, thánh hóa và bảo vệ đoàn chiên được trao phó. Chính vì thế, có lúc linh mục đi trước đàn chiên để hướng dẫn, đôi khi đi giữa để đồng hành với đoàn chiên, nhưng cũng có lúc đi sau để bảo về chiên khỏi sói dữ cắn xé. Tuy nhiên, đối với các đan sĩ linh mục, cần phải lưu ý đến căn tính đan tu của mình, khi không lấy gì làm hơn Chúa Kitô. Do đó, đan sĩ linh mục hãy là người môn đệ Chúa yêu, sống tương quan mật thiết với Chúa qua đời sống cầu nguyện như thánh Gioan mà Giáo Hội mừng kính hôm nay. Bài đọc 1, trích sách Dân số cho thấy, Đức Chúa lấy một phần Thần Khí đang ngự trên Mô-sê mà đặt trên 70 vị kỳ mục Israel, để họ cộng tác, chia sẻ trách nhiệm với Ông. Như Abraham, Mô-sê và các Ngôn sứ trong Cựu Ước, linh mục là người được chọn để đồng hành với dân Chúa. Họ là người trung gian giữa Thiên Chúa và Dân của Người. Vì thế, linh mục phải là con người của cầu nguyện, kéo ơn Chúa xuống cho trần gian.

Như Abraham người được tuyển chọn, đã cầu nguyện, đã năn nỉ, cò kè với Chúa cho dân thành Xơ-đôm và Gô-mô-ra được tha trước khi bị tàn phá. Như Mô-sê được chọn để đưa dân Chúa ra khỏi nhà nô lệ Ai cập và dẫn vào Đất Hứa. Trong suốt cuộc hành trình này, Mô-sê là cầu nối giữa Thiên Chúa và Dân riêng của Người, ông luôn cầu nguyện cho dân Israel thoát khởi cơn thịnh nộ của Thiên Chúa khi họ phản kháng, kêu ca, cũng như cầu nguyện cho họ đánh bại các dân thù địch của họ; cách riêng, trong trận chiến với dân A-ma-léc: Khi Mô-sê giơ tay lên cầu nguyện thì dân Israel thắng thế; khi ông hạ tay xuống thì dân A-ma-léc thắng thế. Điều này cho thấy sức mạnh của lời cầu nguyện. Đặc biệt, hơn ai hết, Chúa Giê-su là Đấng cứu độ và là Đấng trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và con người, Đấng đã luôn sống tương quan mật thiết với Chúa Cha. Chúa cầu nguyện sau một ngày rao giảng, Ngài cầu nguyện trước mọi biến cố trong cuộc đời, cũng như cầu nguyện cho các môn đệ. Những tấm gương cầu nguyện vừa nói đến là điều mà các Linh mục cần ghi nhớ và thực hiện trong suốt cuộc sống của mình. Sau cùng, Linh mục là hiện thân của Đức Kitô, nên họ phải có tâm tình và thái độ phục vụ theo cung cách khiêm nhường thẳm sâu của Đức Kitô.

Linh mục phục vụ theo gương khiêm nhường của Đức Kitô

Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10, 44; x. Cv 6, 2-3). Như vậy, Đức Giê-su đã đề xướng một lối lãnh đạo mới đó là: Ai muôn làm lớn, làm đầu trong Hội Thánh phải trở nên đầy tớ của mọi người. Qua đó, Ngài chỉ cho các môn đệ biết con đường Ngài sẽ đi để cứu độ trần gian là con đường phục vụ, con đường của hy sinh dẫn đến thập giá, và Ngài mời gọi các ông bước theo.

Tin Mừng thánh Gioan còn cho chúng ta thấy, Chúa Giê-su không chỉ dạy các môn đệ, nhưng Ngài còn làm gương cho các ông, khi trong bữa Tiệc ly, Ngài đã cúi xuống rửa chân cho các môn đệ, và Người mời gọi các ông ra đi phục vụ anh em mình trong sự khiêm hạ như Người: “anh em cũng hãy rửa chân cho nhau”. Hơn nữa, sự phục vụ cần khởi đi từ tình mến. Thánh Gio-an đã làm sáng tỏ động lực dẫn đến việc Chúa rửa chân cho các môn đệ, đó là vì Người “vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian” và “yêu thương họ đến cùng” (x. Ga 13, 1-15).

Lời Chúa đã trở thành quy luật cho toàn thể Giáo hội cũng như cho từng người Kitô hữu. Vì thế, trong việc phúc âm hóa con nguời thuộc mọi thời đại, Giáo hội chỉ có thể thực hiện được sứ vụ của mình bằng lối sống yêu thương và phục vụ mà thôi. Nơi nào mà Giáo hội và người Kitô hữu trở nên kẻ tôi tớ phục vụ con người thì ở nơi đó, Tin Mừng được chào đón; Nơi nào mà Giáo hội và người Kitô hữu nghiêng mình xuống trên nỗi đau của nhân loại thì ở nơi đó, Tin Mừng đi sâu vào lòng người ; Nơi nào Giáo hội và người Kitô hữu trở thành một thế lực thì ở nơi đó Tin Mừng bị từ chối và nghi kỵ. Lịch sử hơn hai ngàn năm của Giáo hội chứng minh chân lý ấy.

Linh mục được tuyển chọn, được cất nhắc lên là để hướng dẫn, chuyển cầu và phục vụ; nhưng chúng ta đã phục vụ với thái độ nào: Phục vụ hay để được phục vụ, có lẽ đó là điều mà Lời Chúa hôm nay chất vấn mỗi người chúng ta; cách riêng các Tân linh mục và phó tế. Xin Chúa, nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria: mẫu gương khiêm nhường và phục vụ cho mỗi người chúng ta; đặc biệt, các Tân chức luôn biết noi gương Chúa Giê-su: Biết lấy cuộc sống kết hợp mật thiết với Chúa, cuộc sống khiêm tốn, yêu thương và phục vụ để rao giảng và làm chứng cho Chúa, cho Tin Mừng giữa lòng xã hội mà chúng ta đang sống.

Sau bài giảng là Nghi thức Phong chức. Nghi thức được đan xen giữa nghi thức phong chức phó tế và linh mục. Trước hết, nghi trưởng long trọng xướng tên các tiến chức và Viện phụ giới thiệu với Đức Giám mục.

Các tiến chức phó tế:

Eymardo Nguyễn Xuân Nhật

     Augustino Đinh Công Hợp

Tiến chức linh mục:

Hannibal Nguyễn Văn Giáp

Đức Giám mục thẩm vấn các ứng viên phó tế và linh mục cùng với đó là lời tuyên hứa của các tiến chức trước mặt Giám mục và cộng đoàn. Kế đến, ý thức thân phận yếu đuối, các tiến chức khiêm tốn phủ phục xin các thánh chuyển cầu qua Kinh Cầu Các Thánh. Sau đó là nghi thức chính yếu của bí tích truyền chức.

Trước hết, các ứng viên phó tế tiến lên quỳ trước mặt Đức Giám mục để ngài đặt tay truyền chức và đọc lời nguyện chúc phong. Tiếp theo ngài trao dây các phép, sách Tin Mừng, trao hôn bình an cho các phó tế và kết thúc nghi thức phong chức phó tế.

Tiếp đến ứng viên linh mục tiến lên trước mặc Giám mục để ngài đặt tay và đọc lời nguyện phong chức. Sau đó các linh mục đồng tế lần lược lên đặt tay trên các Tân chức nói lên sự hiệp thông đón nhận các tân chức vào linh mục đoàn. Kế tiếp các nghi thức diễn nghĩa. Đức Giám mục mặc phẩm phục, xức dầu bàn tay, trao chén thánh và hôn chúc bình an cho các Tân chức. Quý cha trên cung thánh đại diện linh mục đoàn đến trao bình an cho Tân Linh mục.

 

Nghi thức Phong chức kết thúc, tiếp theo phần Phụng vụ Thánh Thể.

Sau lời nguyện Hiệp lễ, Viện phụ Giuse thay mặt Đan viện dâng lời cám ơn Đức Cha, quý Viện phụ, Đức ông, cha Tổng Đại diện, quí Bề trên, quí cha, quí tu sĩ và quí thân nhân, ân nhân, quí khách đã dành cho Đan viện cũng như quý Tân chức sự hiện diện và những lời cầu nguyện thật quý báu. Sau đó Đức cha ngỏ lời với cộng đoàn với nhiều tâm tình: tâm tình chúc mừng các các Tân chức, chúc mừng Đan viện, quý ông bà cố. Ngài khích lệ quý cha thầy cố gắng sống đời chiêm niệm bằng đời sống cầu nguyện thật thánh thiện để cầu nguyện cho Giáo phận và Giáo hội. Ngài cũng nói lên tâm tình biết ơn Đan viện đã luôn đồng hành với Giáo phận Phan Thiết hơn 50 năm qua bằng đời sống thầm lặng, hy sinh, cầu nguyện; bằng nhiều việc đạo đức khác, nhất là hàng tuần, hàng tháng, quý cha lên giúp Trung Tâm Thánh Mẫu Tàpao trong việc giải tội cho khác hành hương.

Thánh lễ phong chức kết thúc với bài ca “Biết lấy gì”, để dâng niềm cảm tạ tri ân Thiên Chúa. Tiếp theo là những lời chúc mừng, những lãng hoa tươi thắm của Đan viện, của thân nhân dành cho các Tân Chức. Mọi người cùng hân hoan với Đan viện, với các Tân Chức qua bữa tiệc nhẹ nhàng tại khuôn viên nhà tĩnh tâm của Đan viện.

Lm. Hoàng Luật-BTT

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Hạt Giống Chiêm Niệm số 29: Tứ Hải Giai Huynh Đệ

Số 29 – tháng 07 năm 2022 Cùng Độc giả, Các...

Hạt Giống Chiêm Niệm số 30: Một Đi Chung Cùng Nhau

LỜI NGỎ   Kính thưa Quí Độc Giả! Nội san Hạt Giống...

Hạt Giống Chiêm Niệm số 31: Hướng Vọng Trời Cao

 Số 31 – Tháng 7 năm 2023 Lời ngỏ Kính thưa...

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hồng Ân Thánh Hiến – Đan Viện Xitô Châu Thủy, 11.07.2023

HỒNG ÂN THÁNH HIẾN - ĐAN VIỆN XITÔ THÁNH MẪU CHÂU THỦY Hôm nay ngày 11.07.2023, Giáo hội mừng lễ thánh Biển Đức viện phụ,...

Thánh lễ An Táng – Đan sĩ Maria Phêrô Hoàng Văn Thành

THÁNH LỄ AN TÁNG - Đan sĩ Maria Phêrô Hoàng Văn Thành Cách đây gần 4 tháng Đan viện Xitô Thánh Mẫu Châu Thủy đã...

Thánh lễ An táng Đan sĩ Lm. M. Clemente Phạm Sĩ Ân 10.02.2023

THÁNH LỄ AN TÁNG  Đan sĩ Linh mục Maria PHẠM SĨ ÂN         Xem hình ảnh tại đây      Bầu khí Đan...

Lễ Phong chức Linh mục tại Đan Viện Xitô Thánh Mẫu Châu Thủy 19.12.2022

THÁNH LỄ PHONG CHỨC LINH MỤC tại Đan viện Xitô Thánh Mẫu Châu Thủy Thứ ba - 20/12/2022 Xem hình          Gần tới Lễ Chúa...

Xin kính dâng Cha (dâng lễ) St: Lm. Hoàng Luật, Tb: Tốp ca MTG Vinh

https://youtu.be/ZzbEenqJrn0      

LỊCH SỬ ĐAN VIỆN XITÔ THÁNH MẪU CHÂU THỦY

  ĐAN VIỆN XITÔ THÁNH MẪU CHÂU THỦY(Phần I)     I....

Lịch sử Đan viện Xitô Thánh Mẫu Châu Thủy(Phần II)

  LỊCH SỬ ĐAN VIỆN XITÔ THÁNH MẪU CHÂU...

Lễ Phong Chức linh mục và Phó Tế, Cộng Đoàn Châu Thủy

LỄ PHONG CHỨC LINH MỤC VÀ PHÓ TẾ Đan...

Khấn Dòng Đan viện Xitô Thánh Mẫu Châu Thủy

ĐAN VIỆN XITÔ THÁNH MẪU CHÂU THỦY: HỒNG...

Cảm nghiệm của một linh mục khi đến tĩnh tâm tại Đan Viện Xitô Châu Thủy

CẢM NGHIỆM TUẦN TĨNH TÂM TẠI ĐAN VIỆN XITÔ...