ĐỂ ĐỨC TIN ĐEM LẠI HIỆU QUẢ: nói và làm, tuyên xưng và sống
(Bài Suy Niệm Thứ 6 tuần VI TN)
Là Kitô hữu chúng ta quá quen với câu nói nổi tiếng của thánh Giacôbê: “Đức tin không có việc làm là đức tin chết” (Gcb 2, 17). Đúng vậy, đức tin chân thực đòi hỏi phải chứng minh bằng việc làm: không chỉ dừng lại ở một vế, chưa hay không trọn vẹn nếu chỉ có lời nói hay tuyên xưng trên môi miệng. Đương nhiên là mâu thuẫn nếu đức tin chỉ tuyên xưng ngoài môi miệng nhưng đời sống thì hoàn toàn khác. Chính vì thế Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo dạy rằng: Đức tin không chỉ là một hành vi, nhưng còn là một thái độ, một tâm tình, một quan điểm, một não trạng, một nếp sống (x. GLCG 1814).
Để hiểu rõ hơn ý nghĩa, tầm quan trọng cũng như điều kiện bó buộc của lời tuyên xưng đức tin đi đôi với cách sống của mình chúng ta hãy quan tâm và suy gẫm nhận định của Cha Charles de Foucauld sau đây. Vị tôi tớ Chúa quả quyết: đức tin đích thực là đức tin chi phối mọi hành động; đức tin lột cái bộ mặt bề ngoài của thế giới ra, và cho thấy Thiên Chúa trong mọi sự; đức tin làm cho các lo âu, sợ hãi không còn ý nghĩa nữa; đức tin làm cho con người tiến bước trong cuộc đời với một vẻ bình tĩnh, một sự bằng an, một niềm vui sâu thẳm, như một đứa bé nắm tay mẹ hiền; đức tin đặt linh hồn vào một thái độ thanh thoát hoàn toàn đối với mọi sự khả giác nhờ thấy rõ tính hư vô của chúng. Đức tin còn cho ta nhận ra rằng: ngoài việc làm đẹp lòng Chúa, thì tất cả chỉ là hư không; đức tin làm cho ta thấy sự cao cả của Thiên Chúa, cho thấy rõ cái bé bỏng của ta. Đức tin khiến ta dám hy sinh tất cả vì lòng yêu mến Chúa mà không do dự, không hổ thẹn, không sợ hãi, không chùn bước bao giờ (x. http://www.tinmung.net/THIENCHUA/SongDuoiConMatChua/Giatriductin.htm).
Như vậy đức tin chỉ được coi là trưởng thành và sinh hiệu quả khi cả hai yếu tố đều được chúng ta thực hiện ở mức tối đa nhất: lời nói và việc làm, tuyên xưng và sống. Tuy nhiên ai cũng có kinh nghiệm về việc “nói thì dễ – làm mới khó”, nên hầu như với tất cả mọi người đều nhìn nhận sống đức tin luôn là cuộc hành trình đầy cam go và thử thách, là một cuộc chiến đấu liên lỉ suốt đời.
Khi thánh Giacôbê nói “đức tin chết” có nghĩa là đức tin không được tuyên xưng, hoặc có tuyên xưng nhưng chưa hay không được sống. Đức tin chỉ giúp triển nở đời sống và phát huy tác dụng khi nó làm sinh lời thêm những nén bạc khác từ số vốn ban đầu. Trái lại, món quà đức tin nếu không tìm cách sinh lợi bằng những việc làm cụ thể của mình thì bị coi là nén bạc của người lười biếng: nhận rồi giấu kín, thậm chí chôn vùi sâu trong lòng đất. Vì thế hãy tìm mọi cách để cho hoa trái của đức tin biến đổi cuộc sống chúng ta, biến đổi gia đình, cộng đoàn và toàn thể nhân loại bằng tất cả mọi hành vi chân chính, cung cách ứng xử của tin mừng, thái độ chọn lựa dựa theo tiêu chuẩn của Thiên Chúa.
Đức tin của chúng ta phải đạt tới mức làm cho hạt giống đức tin đã nhận được thuở ban đầu được lớn lên, đến mức trưởng thành. Chính Chúa Giêsu đã mạnh mẽ lên án thói giả hình, ngôn hành bất nhất của những ai nhuốm màu men Pharisêu và men Hêrôđê: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy, Lậy Chúa, lậy Chúa là được vào Nước Trời cả đâu, nhưng chỉ những ai thi hành ý muốn của Cha Thầy, Đấng ngự trên Trời mới được vào mà thôi” (Mt 7, 21).
Đức tin sống động đòi hỏi việc lành, việc đạo đức để tăng trưởng, như hạt giống cần được tưới nước để nẩy mầm, sinh hoa kết trái… Đối với các môn đệ Đức Kitô, đức tin thể hiện ở việc can đảm dấn thân đi theo Chúa cho dù biết rằng thập giá sẽ luôn sát bên (Mc 8, 34). Điều kiện Chúa Giêsu đưa ra cho các môn đệ là điều dễ hiểu vì “đức tin không có hành động là đức tin chết” (Gcb 2, 17).
Thập giá cuộc đời và chọn lựa theo Chúa là một, không thể tách rời nhau, tương tự như lời chúng ta tuyên xưng và cách sống của chúng ta trong hành trình đức tin vậy. Chính lời Chúa Giêsu đã nói: “Vì anh em không thuộc về thế gian, và Thầy đã chọn, đã tách anh em khỏi thế gian, nên thế gian ghét anh em… Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em… Họ chống lại anh em, vì anh em mang danh Thầy, bởi họ không biết Đấng đã sai Thầy” (Ga 15, 19-21). Và ở nơi khác “Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên, Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16, 33).
Như vậy cần phải tuyên xưng đức tin bằng chính đời sống của mình: từ bên trong tâm hồn sâu thẳm cho đến lời nói và hành động bên ngoài, trước mặt người đời và trong mọi hoàn cảnh sống. Một đức tin chỉ được coi là chân chính và được gọi là trọn vẹn khi nó được thể hiện qua đời sống hằng ngày. Đức tin phải thấm nhập đời sống người tín hữu và thể hiện qua những việc làm hàng ngày, tùy ơn gọi và sứ mạng của mỗi người. Gương sống và đức tin của hai vị thánh tử đạo Việt Nam được đề cập dưới đây thật sáng ngời: là nguồn cảm hứng, là lời khuyến khích…. giúp nâng đỡ đức tin còn yếu kém của chúng ta.
Thánh tử đạo Anrê Kim Thông nói với quan tỉnh: “Thánh giá tôi kính thờ, tôi giẫm lên sao được!”.
Thánh tử đạo Thêôphan Ven trả lời với vua quan rằng: “Tôi đã suốt đời thuyết giảng về đạo thập giá, nay tôi lại đạp lên thập giá thế nào được? Tôi thiết nghĩ sự sống đời này đâu quí hoá đến độ tôi phải bỏ đạo mà mua!”.
Mai Thi