Chứng Nhân Hơn Thầy Dạy
Suy niệm Tin Mừng: Mt 23,1-12; Thứ 3, Tuần II, Mùa chay
Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist
Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu nói đến nhóm Kinh sư và người Pharisêu. Chúng ta thử tìm hiểu xem họ là ai? Họ dạy những gì và cách sống của họ ra sao, để có thể hiểu và sống theo Lời Chúa căn dặn: “Điều họ dạy anh hãy làm, còn điều họ làm anh em chớ làm theo…”
Trước tiên, các Kinh sư là những chuyên viên Kinh thánh, họ là những tiến sĩ giải thích Luật Môsê, họ là những tư tế đại diện cho dân chúng lo việc tế tự trong Đền thờ Do thái Giáo.
Còn người Pharisêu là những tín hữu Do thái giữ luật Môsê một cách ghiêm ngặt, họ có vị trí quan trọng trong đời sống chính trị và Tôn giáo Do thái, họ rất có uy tín trong dân.
Nếu chỉ xét bề ngoài thì hai nhóm này gồm những người học thức, có vị trí cao trong Tôn giáo cũng như trong xã hội. Thế nhưng, cách sống của họ thì thật là đáng trách đúng như Chúa Giêsu tố cảnh cáo:“Họ nói mà không làm, họ chất những gánh nặng lên vai người ta còn chính họ thì không đụng ngón tay lay thử. Nhiều lần Chúa Giêsu gọi họ là mồ mả tô vôi, Ngài đả phá cách sống giả dối của họ: Họ ưa ngồi cỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong Hội đường, thích người ta gọi là Thầy… Trong khi đó họ lại khinh chê tha nhân, coi đồng bào của mình là:“đám dân đen, thứ người không biết lề luật, quân bị nguyền rủa”. Đó là những đặc điểm dễ thấy tính giả hình của họ mà căn nguyên của những biểu hiện đó xuất phát từ lòng kiêu ngạo. Vì thế, Chúa Giêsu dạy các môn đệ: “Điều họ nói anh hãy làm, hãy giữ, còn điều họ làm anh em chớ có làm theo”.
Chớ để ai gọi mình là Thầy, đừng để ai gọi mình là Cha, không để ai tôn mình là người Lãnh đạo. Bởi lẽ, ba chức vị: là Cha, là Thầy, là người Lãnh đạo chỉ duy nơi Thiên Chúa mới có tuyệt đối. Do đó, không được tiếm ngôi vị của Thiên Chúa như các Kinh sư người Pharisêu đã làm. Chỉ trong Chúa Kitô qua Bí tích Thánh tẩy, chúng ta mới được tham dự vào chức vị là Cha, là Thầy và là người Lãnh đạo tương ứng với chức vụ: tư tế, ngôn sứ, vương đế.
Vì thế, mỗi khi chúng ta cử hành phụng vụ Thánh lễ, Các Giờ Kinh hay cầu nguyện, hi sinh… là chúng ta đang thi hành chức vụ tư tế cùng với Chúa Kitô, trong Chúa Kitô, và với Chúa Kitô.Chúng ta là ngôn sứ cho Chúa, khi sống theo Lời Chúa dạy, và loan báoTin Mừng cho mọi người, bằng lời nói và những việc làm bác ái hằng ngày. Chúng ta thi hành chức vụ vương đế khi ý thức mình là con của Chúa, làm mọi sự cho sáng danh Chúa, bằng lòng để Chúa hành động, làm chủ, làm vua … ấy là luôn điều khiển đời sống mình theo đường lối yêu thương của Thiên Chúa.
Ba chức vị: tư tế, ngôn sứ, vương đế rất đỗi vinh quang của chính Chúa Kitô được ban cho chúng ta. Đây là là hồng ân cao cả của người con cái Chúa. Thế nên, chúng ta có nghĩa vụ làm cho mọi người nhận biết Thiên Chúa là tình yêu bằng những việc làm cụ thể hằng ngày. Đừng để người ngoại có cớ mỉa mai chúng ta: “Tôi tin đạo, chứ không tin người có đạo”. Vì con người ngày nay cần những chứng nhân hơn thầy dạy. Đức Cha Fulton Sheen kể lại hai câu chuyện như sau:
“Tại Nam Tư, trong một lần giúp lễ, một cậu bé đã vô tình đánh rơi lọ nước. Vị Linh mục tức giận tát cậu bé và thét lên: “Cút đi và đừng bao giờ trở lại đây nữa”. Câu bé đó đã không bao giờ trở lại nhà thờ nữa, bởi vì sau này cậu đã trở thành nhà lãnh đạo nước Nam Tư xã hội chủ nghĩa. Cậu bé ấy tên là Titô.
Tôi còn nhớ, tôi cũng là một cậu bé giúp lễ tại nhà thờ chính tòa, lúc đó tôi lên bảy tuổi. Trong một phiên giúp lễ tôi cũng đánh rơi lọ rượu. Tôi sợ tưởng đến chết được, vì mấy cậu bé giúp lễ chúng tôi cứ nghĩ Đức Cha là người rất nghiêm khắc. Thế nhưng sau Thánh lễ, Ngài gọi tôi lại và hỏi: “Lớn lên con sẽ vào học ở trường nào? Con có bao giờ nghe nói Louvain không?” Tôi đáp: “Thưa Đức Cha chưa”. Ngài nói: “Vậy thì con về nói với mẹ rằng khi lớn lên con sẽ vào học tại trường đại học Louvain”. Tôi không ngờ rằng hai năm sau khi chịu chức Linh mục, tôi đã ngồi trên chuyến xe lửa trực chỉ Louvain.Cũng một biến cố, nhưng tôi đã đi về một hướng này, còn Titô đi về hướng ngược lại”(Trích “Chờ đợi Chúa”).
Trong quyển Tự Thuật, Mahatma Gandhi, cha đẻ của chủ trương tranh đấu bất bạo động và là người đã giải phóng Ấn Ðộ khỏi ách thống trị của người Anh, đã kể lại rằng: Trong những ngày còn làm sinh viên, ông đã đi lại khá nhiều tại Nam Phi. Ông đã say mê đọc kinh thánh và vô cùng cảm kích về bài giảng trên núi của Chúa Giêsu. Chính Tám Mối Phúc Thực đã gợi hứng cho chủ trương tranh đấu bất bạo động của ông.
Mahatta Gandhi xác tín rằng Kitô giáo là giải pháp cho mối ung nhọt phân chia giai cấp đang đục khoét xã hội Ấn từ bao thế kỷ qua. Ông đã nghĩ đến chuyện gia nhập vào Giáo Hội. Thế nhưng, ngày nọ, khi đến nhà thờ để dự lễ và đón nhận một vài lời chỉ dẫn, ông đã thất vọng: Ông vừa vào đến cửa nhà thờ thì những người da trắng chận ông lại và nói với ông rằng nếu ông muốn tham dự thánh lễ thì hãy tìm đến một nhà thờ dành riêng cho người da màu.Mahatma Gandhi đã ra khỏi nhà thờ và ông đã không bao giờ trở lại bất cứ nhà thờ nào nữa.
Những câu chuyện lịch sử trên đây rất đáng để cho chúng ta suy nghĩ, rằng: Những lời nói và việc làm tốt hoặc xấu, vô tình hay hữu ý của kitô hữu chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng rất lớn tới những người xung quanh. Khi kitô hữu hành động theo Giáo huấn Tin Mừng sẽ giúp người ta đến gần Chúa. Ngược lại, kitô hữu sống theo kiểu thế gian thì đã nên cớ cho người ta xa Chúa.
Lạy Chúa, xin giúp chúng con luôn biết sống chân thành lắng nghe và thực hành Lời Chúa để nên những chứng nhân tình yêu của Chúa giữa trần gian. Amen.