“ĐẾN MÀ XEM”
Chúa Nhật II Mùa Thường Niên, Năm B: Ga 1,35-42
Mai Đăng Minh, CĐ Thiên Phước
Mở đầu thư Do Thái, tác giả đã minh định: “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử…” (Dt 1, 1-2a). Từ khởi nguyên, khi Thiên Chúa hứa ban cho loài người Đấng Cứu Thế; từ đó, lời loan báo về Đấng Cứu Thế được các ngôn sứ và các tiên tri loan truyền. Gần nhất vào thời Đấng Cứu Thế xuất hiện là ông Gioan Tẩy Giả. Ông đã xuất hiện như tiên tri Elia, và đã loan truyền cho dân Israel mở lòng ra để đón nhận Đấng Cứu Thế sắp đến. Thiên Chúa đã dùng môi miệng các tiên tri và ngôn sứ để mở lối cho Đấng Cứu Thế đến qua lời rao giảng của các ông. Đó là cách làm quen thuộc mà Thiên Chúa muốn truyền sứ điệp của Ngài cho dân Ngài. Thế nhưng, khi Đấng Cứu Thế đến, Ngài đã không chỉ rao giảng sứ điệp của Thiên Chúa, nhưng Ngài còn tỏ hiện một cách cụ thể hơn sứ điệp của Thiên Chúa bằng chính con người của Ngài. Chính vì thế mà Chúa Giêsu đã gọi các môn đệ ông Gioan rằng: “Đến mà xem” (x. Ga 1,39). Đến mà xem, điều ấy khẳng định cho ta những điều sau đây.
Điều thứ nhất khi Chúa Giêsu nói: “Đến mà xem”, điều này muốn nói lên, Chúa Giêsu khác với các tiên tri hay các ngôn sứ, vì các tiên tri chỉ rao giảng bằng lời truyền mà thôi, còn Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế nên Ngài rao giảng bằng chính con người của Ngài.
Điều thứ hai khi Chúa Giêsu nói: “Đến mà xem”, nhằm nói lên, từ đây những lời mà bấy lâu nay các môn đệ được nghe về Đấng Cứu Thế sẽ không còn là những lời nói lý thuyết, nhưng đã trở thành hiện thực nơi Đức Giêsu Kitô.
Điều thứ ba khi Chúa Giêsu nói: “Đến mà xem”, chính là muốn cho các môn đệ có mối tương giao gần gũi hơn, nhằm cho các ông nhìn thấy và chạm tới một Đấng Cứu Thế bằng xương, bằng thịt.
Lời mời gọi của Chúa Giêsu với các môn đệ ông Gioan: “Đến mà xem” như ba nội dung gợi ý trên, cũng chỉ nhằm mục đích khẳng định cho chúng ta chắc rằng; triều đại Nước Thiên Chúa đã đến, và Thánh Tử mà các tiên tri loan báo, đó chính là Đức Giêsu. Đức Giêsu chính là Thánh Tử mà Thiên Chúa đã hứa ban cho nhân loại. Ngài đã đến với nhân loại bằng cuộc nhập thể trong cung lòng Đức Trinh Maria. Mầu nhiệm Giáng sinh chỉ là khởi đầu cho cuộc nhập thể của Đấng Cứu Thế. Tuy nhiên, để khám phá ra Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế, đòi hỏi người ta phải đến mà xem. Giống như các môn đệ Gioan đã đến xem, và sau khi đến xem các ông đã nói với nhau: “Chúng tôi đã gặp Đấng Mêsia” (Ga 1,41).
Đến mà xem đã cho ông Gioan Tông đồ những cảm nghiệm sâu sắc về Ngôi Lời Nhập Thể: “Điều vẫn có ngay từ lúc khởi đầu, điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng, và tay chúng tôi đã chạm đến, đó là Lời Sự Sống” (1Ga 1,1). Các môn đệ đã đến xem và ở lại với Đức Giêsu, họ khám phá Đấng mà ông Gioan Tẩy Giả lên tiếng: “Đây là Chiên Thiên Chúa” (Ga 1,36), chính Ngài là Đấng Mesia (nghĩa là Đấng Kitô). Kitô học đã mở ra sau khi các môn đệ đến ở với Đức Giêsu. Chúng ta sẽ chẳng bao giờ khám phá được Đức Giêsu Kitô, nếu chính chúng ta không đến xem và ở lại với Chúa. Vậy chúng ta đến và ở lại với Chúa như thế nào?
Đầu lời mở Tu Luật Cha Thánh Biển Đức, ngài đã khuyên các môn đệ ngài hãy ‘mở tai lòng’. Mở tai lòng để lắng nghe tiếng Chúa gọi mỗi người chúng ta; để lắng nghe Chúa nói gì với chúng ta, và để Chúa mời gọi chúng ta ở lại với Ngài. Chính trong bài đọc một, Thiên Chúa đã gọi ông Samuen đến ba lần, và lần cuối cùng ông đã thưa: “Xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe”, chính khi ông Samuel lắng nghe tiếng Chúa, Chúa ở với ông và ông không để cho Lời của Chúa ra vô hiệu (x. 1Sm 3, 10-11). Người Kitô hữu hôm nay đang đối diện với quá nhiều tạp chất. Tạp chất từ âm thanh, tạp chất từ hình ảnh, và tạp chất cả về đạo đức. Trong một xã hội biến động phức tạp như thế này, để lắng nghe tiếng Chúa, hay để sống kết hợp với Chúa, điều này quá là một thử thách cho người Kitô hữu. Tuy nhiên, lời mời gọi “hãy đến mà xem” của Chúa Giêsu luôn vang vọng trong mọi ngõ ngách của cuộc sống. Chính vì vậy, nếu như người Kitô hữu có thiện chí sống kết hợp với Chúa, họ sẽ tìm được mọi cách để kết hợp với Chúa, để lắng nghe Lời Chúa và để sống với Chúa trong bất cứ môi trường nào.
Sống với Chúa không phải là chỉ mấp môi vài lời Chúa dạy, nhưng là phải đem ra thực hành những gì Chúa dạy. Sống kết hợp với Chúa là trở nên thân thể như Ngài, như chính thánh Phaolo đã xác quyết: “Nào anh em chẳng biết rằng thân xác anh em là phần thân thể của Đức Kitô sao? Ai đã kết hợp với Chúa, thì nên một tinh thần với Người” (1Cr 6, 15-18). Nếu thân xác chúng ta đã kết hợp với thân thể Chúa Kitô, không thể nào chúng ta lại có thể làm nó, hay nhìn nó ra ô uế bởi những thói xấu hay những tư tưởng tà dâm được? Ngược lại chúng ta sẽ cố gắng phấn đấu để mỗi ngày trở nên tốt lành, thánh thiện hơn để xứng hợp với tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta.
Lạy Chúa! ‘Đến mà xem’ là lời mời gọi thiết thực nhất để biết về Chúa, để sống với Chúa và để yêu mến Chúa. Cha tổ phụ của chúng con cũng dạy rằng, mỗi ngày hãy ra sức xem Chúa sống thế nào mà làm theo? Xem Chúa ăn thế nào? Ngồi thề nào? Đọc kinh thế nào?… tắt một lời Chúa làm gì ra sức mà noi theo Ngài. Người Đan Sĩ như chúng con sẽ luôn luôn hạnh phúc trong ơn gọi của mình, khi chúng con dành nhiều thời giờ sống kết hợp với Chúa trong cuộc sống thường ngày. Xin Chúa cho chúng con buông bỏ bớt những thứ cản trở chúng con đến với Chúa, và cho chúng con mỗi ngày hiểu biết Chúa hơn và yêu mến Chúa nhiều hơn. Amen.