TINH THẦN PHỤC VỤ
(Mc 9,30-37)
Hữu Quỳnh, Phước Lý
Chúa Nhật tuần trước chúng ta được nghe thánh sử Marcô trình thuật lại câu chuyện Chúa Giêsu tiên báo về cuộc khổ nạn và Phục sinh của Ngài lần thứ nhất, bị thánh Phêrô khiển trách (x. Mc 8,31-32). May mắn thay, cuộc tiên báo lần hai: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại” (Mc 9,31), không bị ai ngăn cản. Khi tiên báo về mầu nhiệm này, Chúa Giêsu không có ý gì khác ngoài ý muốn các môn đệ hiểu và thông hiệp với Ngài về con đường đau khổ và thập giá mà Ngài phải trải qua để tiến đến vinh quang Phục sinh. Thế nhưng, các môn đệ không ai hiểu điều đó, lại nghĩ đến danh vọng, địa vị, đến chỗ đứng trong vương quốc của Ngài. Bởi vậy, họ tranh luận với nhau xem ai là người lớn hơn ai. Nhân cơ hội này Chúa Giêsu giáo huấn cho các ông bài học về quyền bính: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người” (Mc 9,35). Với tâm tình của người môn đệ, xin chia sẻ tinh thần của người tôi tớ phục vụ.
Phục vụ, nghĩa thông thường, theo từ điển Cambridge là (serve). Serve được sử dụng để miêu tả những công việc phục vụ, cung cấp hoặc thực hiện một việc gì đó cho người khác mà họ đang cần[1]. Theo nghĩa này, phục vụ là sử dụng cả tâm, trí, khả năng, sức lực, tài khéo của mình để đem lại lợi ích cho mọi người, cho gia đình, cộng đoàn và xã hội được thăng tiến mọi mặt. Đồng thời thăng hoa phẩm giá con người bằng sự nhiệt tình, hăng say, hy sinh với một lòng mến nhưng không.
Theo nghĩa thần học, phục vụ là sứ mạng quan trọng của Chúa Giêsu khi được Chúa Cha sai đến trần gian: “Con Người không đến để được phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến mạng sống cho nhân loại” (Mt 20,28).
Với sứ mệnh Thiên Sai, Chúa Giêsu đến trần gian không làm gì cao cả hơn ngoài sự phục vụ. Phục vụ bằng cách chữa lành cả thể chất lẫn tinh thần cho con người. Khi biết sứ vụ trần gian của Ngài sắp hoàn thành, Ngài tiên báo cho các môn đệ biết con đường Ngài phải trải qua: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết người, sau ba ngày sau khi bị giết chết, người sẽ sống lại” (Mc 9,31). Chúa Giêsu biết trước cái chết Ngài phải chịu vì nó không chỉ là một biến cố đơn thuần xảy ra trong lịch sử nhưng điều ấy cho thấy nó nằm trong ý định nhiệm mầu của Thiên Chúa, Con Người phải chịu đau khổ và phải chết. Nếu Thiên Chúa đầy quyền năng mà lại để Con của mình phải chết trong tay người đời thì quả thật đó là một điều phi lý không thể chấp nhận được. Nhưng cái chết của Chúa Giêsu là biểu hiện tình yêu cao cả nhất mà Thiên Chúa dành cho con người qua việc hiến tế để con người được sống. Thế nhưng, các môn đệ vẫn chưa vượt ra khỏi tư tưởng tham vọng quyền lực, các ông tranh cãi xem ai là người lớn nhất trong nhóm. Đức Giêsu tế nhị đợi về tới nhà mới hỏi: “Dọc đường các anh đã bàn tán gì vậy?” (Mc 9,33). Các môn đệ làm thinh, vì các ông đã biết lỗi của mình tranh cãi về quyền lực. Đức Giêsu tôn trọng khoảnh khắc lặng lẽ cần thiết ấy để các ông hồi tâm để “nội soi” sự tham vọng quyền lực. Đức Giêsu ngồi xuống thư thái như một vị thầy, Ngài chẳng nặng lời với các nhà lãnh đạo Hội thánh tương lai mà dạy cho họ con đường lãnh đạo: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người” (Mc 9,35).
Muốn làm lớn, muốn lãnh đạo, muốn tỏ ra mình là người có giá trị, hay nói khác đi, muốn tự khẳng định mình là người cao trọng, trước hết là phải phục vụ. Vì “những người được coi là thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Nhưng giữa anh em thì không được như vậy: ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em” (Mc 10,42-43). Hay nói cách khác: “Theo Chúa phải từ bỏ chính mình, vác lấy thập giá của mình mà theo Chúa” (Mc 8,34), vì đích điểm cuối cùng là “sự sống đời”. Muốn có sự sống này, sự hy sinh là điều tất yếu phải có. Bởi vây, khi các môn đệ tranh nhau về quyền hành, Đức Giêsu dạy họ phải thi hành quyền bính như thế nào. Ngài không phủ nhận việc phải có kẻ dưới người trên trong một cộng đoàn. Điều quan trọng là “người đứng đầu” (πρῶτος) phải là “người cuối cùng” (ἔσχατος) của mọi người và là “người phục vụ” (διάκονος) của tất cả mọi người. Đây có thể được gọi là “quyền lực không quyền lực”.[2]
Quyền bính và phục vụ gắn liền với nhau làm nên bản chất người môn đệ Chúa Giêsu. Người lãnh đạo theo gương Chúa Giêsu là người có tâm, có đức và có tài để phục vụ tha nhân theo tinh thần đức ái. Người lớn nhất, người đứng đầu là người phục vụ hết mình. Chức tước, chức vụ, chức vị, chức quyền chỉ là phương tiện để phục vụ. Ai sống tinh thần phục vụ đó là người lớn nhất. Ai không biết phục vụ thì là người nhỏ nhất. Giá trị của một con người không do địa vị, chức tước mà tuỳ vào khả năng phục vụ. Lời dạy của Chúa Giêsu đưa nhân loại đi vào nền văn minh của tình thương trái nghịch với cách thức thi hành quyền bính của thế gian. Người lớn nhất không dùng quyền để lãnh đạo, nhưng dùng khả năng để phục vụ. Người lớn nhất không dùng sức mạnh để chỉ huy, nhưng dùng trái tim để yêu thương.
Người môn đệ của Chúa không nhắm đến quyền lực cho bằng sự hy sinh phục vụ. Điều này khác hẳn với văn hóa “ăn trên ngồi trốc”, kẻ làm lớn thì ra lệnh, có quyền hưởng lợi, còn bắt kẻ hầu, người hạ phục vụ mình. Đối với người môn đệ của Đức Giêsu thì không phải thế, người đứng đầu phải là người phục vụ. Thánh Phêrô đã thấm nhuần lời dạy của Thầy Chí Thánh nên ngài viết những lời tâm huyết: “Đừng lấy quyền mà thống trị những người mà Thiên Chúa đã giao phó cho anh em, nhưng hãy nêu gương sáng cho đoàn chiên” (1Pr 5,1-4).
Nguyện xin Chúa sáng soi cho tâm trí chúng con thấu hiểu những lời dạy của Chúa hôm nay, giúp chúng con đem hết cả tâm, trí và khả năng của bản thân để phục vụ Chúa và mọi người, dù bất cứ làm gì, nói gì cũng đều làm cho vinh danh Chúa. Amen.
___________________________
[1] https://dictionary.cambridge.org/vi/dictionary/english/serve
[2] https://ngoiloivn.net/kinh-thanh/nghien-cuu/chu-giai-tin-mung-chua-nhat-xxv-thuong-nien-b-mc-930-37/