Chúa Nhật XXVI, Thường Niên B
(Ds 11,25-29; Gc 5,1-6; Mc 9,38-43.45.47-48)
Nối Vòng Tay Lớn
Lm. Gioan Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist
Cha Anthony De Mello, kể một câu chuyện thế này: “Nghe Đức Giêsu thổ lộ rằng Ngài chưa một lần nào được xem một trận bóng đá, chúng tôi liền đưa Ngài đến xem một trận đấu rất gay cấn giữa hai đội tuyển: Tin Lành và Công Giáo. Khi đội Công Giáo ghi bàn trước 1-0, Đức Giêsu hoan hô vang dội và tung cả mũ lên trời. Vài phút sau, trong một nỗ lực phản công đẹp mắt, đội Tin Lành đã gỡ đều 1-1, Đức Giêsu cũng reo hò và tung mũ lên trời. Một khán giả ngồi bên cạnh lấy làm khó chịu về thái độ của Chúa Giêsu, ông ta hỏi Ngài:
– Này ông bạn, ông ủng hộ bên nào vậy? Chúa Giêsu trả lời trong khi vẫn mải mê theo dõi trận đấu: “Tôi à? Ồ, tôi không ủng hộ bên nào cả. Tôi đến đây là để thưởng thức trận đấu”. Người khán giả càng bực bội hơn, ông quay sang người bên cạnh và nói: “Hắn ta đúng là một tên vô thần!”
Câu chuyện tiếp tục, trên đường về nhà, chúng tôi thưa với Chúa Giêsu: “Lạy Chúa, những người có tôn giáo thật là buồn cười, họ tưởng rằng Chúa chỉ đứng về phía họ và chống lại tất cả nhưng ai không thuộc về tôn giáo của họ”. Chúa Giêsu gật đầu tỏ ý đồng tình. Ngài bảo: “Đó chính là lý do tại sao tôi không ủng hộ đội tuyển Tin Lành hay đội tuyển Công Giáo, mà chỉ ủng hộ các cầu thủ thôi, dù họ thuộc bất cứ đội tuyển nào”.
Câu chuyện trên đây là tưởng tượng, nhưng nó phản ánh sứ điệp của Lời Chúa ngang qua các bài đọc Kinh Thánh hôm nay. Nơi bài trích sách Ds 11,25-29 nói đến việc ông Giôsuê muốn dành độc quyền nói tiên tri cho nhóm bảy mươi vị Kỳ Mục, ông đề nghị Môsê ngăn cản hai ông: Enđát và Mêđát nói tiên tri. Nhưng ông Môsê đã trả lời rằng: “Anh ghen giùm tôi à? Phải chi Chúa ban Thần Khí trên toàn dân của Người để họ đều làm ngôn sứ!”
Bài trích Tin Mừng theo thánh Máccô cũng thuật lại một sự việc tương tự, khi ông Gioan thấy có người không thuộc về Nhóm Mười Hai Tông Đồ mà lại nhân danh Chúa Giêsu mà trừ quỷ. Ông đã ngăn cản người ấy, ông muốn giữ độc quyền trừ quỷ cho Nhóm Mười Hai. Thế nhưng lối cư xử và giáo huấn của Chúa thì khác hẳn: “Đừng ngăn cản người ta! Vì không có ai nhân danh Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu Thầy. Ai không chống đối chúng ta là ủng hộ chúng ta”.
Qua đó, chúng ta thấy rằng: dường như óc cục bộ, bè phái, ganh tị luôn đeo bám con người ở mọi nơi và mọi thời, ngay cả các môn đệ của Chúa cũng khó thoát khỏi. Chúng ta là kitô hữu – nhóm người có đạo nhưng có khi cũng dễ tự tôn rằng chỉ có đạo của mình, nhóm của mình, bản thân mình mới có thể làm được những việc thiện, việc tốt. Còn các đạo khác, các tổ chức tổ chức cá nhân này nọ, có làm được những việc tốt lành thì bị coi như giả hình, vụ lợi…
Lời Chúa hôm nay giúp ta phản tỉnh, buông bỏ thành kiến, óc cục bộ, phe nhóm mà công tâm nhận ra những ánh sáng Chân lý phản chiếu trong những giá trị nhân nghĩa, từ bi, khát vọng tuyệt đối nơi các tôn giáo, cũng như nơi các tổ chức, cá nhân đang nỗ lực xây dựng hòa bình, phục vụ tha nhân. Phải chăng Chúa cũng đang nhiệt tình cổ vũ những hoạt động cao thượng của họ: “Ai cho anh em uống một ly nước vì lẽ anh em thuộc về Đấng Kitô, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu”.
Đại dịch Covid-19 đã qua, nhưng những nghĩa cử đẹp vẫn còn mãi: những kitô hữu quảng đại, hiệp lực, chung tay với các tôn giáo, với mọi người thiện chí, xả thân chăm lo cho tha nhân miễn phí: từ vật chất đến tinh thần với những chiếc khẩu trang, những ATM gạo, với những túi thực phẩm ai cần cứ lấy… Điều đáng cảm phục hơn nữa là những “vị anh hùng” này đã vượt thắng nỗi sợ hãi, tình nguyện đi vào tâm dịch, vào các bệnh viện dã chiến để chăm sóc, an ủi, khích lệ tình thần của bệnh nhân, và những nhân viên y tế. Như thế, cho dù những người này chưa gia nhập Hội thánh Công giáo thì họ đã là “kitô hữu vô danh” theo cách nói của cha Karl Rahner (1904-1984), họ thực là môn đệ của Chúa khi thi hành Điều Răn Yêu Thương (x.Ga15,9-17); và chắc chắn “bất cứ ai hoạt động trong đức ái đều thuộc về Đức Kitô” (x.Mc 9,41).
Ước chi chúng ta cũng mở rộng lòng trân quý những khác biệt của tha nhân để liên đới cộng tác với họ, để phục vụ, yêu thương hết thảy mọi người, nhờ đó bản thân, gia đình, cộng đoàn, Giáo hội và xã hội của chúng ta luôn tràn đầy niềm hoan lạc bình an của Chúa Thánh Thần.