Thứ tư, 4 Tháng mười hai, 2024

Dilexit nos – Người đã yêu thương chúng ta

 

Bài chia sẻ dựa trên Thông điệp

DILEXIT NOS – NGƯỜI ĐÃ YÊU THƯƠNG CHÚNG TA

Lm. Quốc Vũ, OCist., Phước Lý

Để chuẩn bị mừng lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ trong ngày Chúa nhật cuối cùng của Năm Phụng Vụ 2024, vào ngày 24 tháng 10 năm 2024 vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố Thông điệp mới nhất của ngài: Dilexit nos – Người đã yêu thương chúng ta.  Trong thông điệp này, Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của ‘trái tim’: Trái tim của Chúa Giêsu và trái tim của con người.

Ngay ở đầu Thông điệp, ngài nói: “Biểu tượng trái tim thường được dùng để diễn tả tình yêu của Chúa Giêsu Kitô. Một số người chất vấn liệu biểu tượng này có còn ý nghĩa hôm nay hay không? Tuy nhiên, sống trong một thời đại hời hợt, hối hả từ việc này sang việc khác mà không thực sự biết tại sao, rồi rốt cuộc trở thành những người tiêu thụ không biết chán và những nô lệ cho các cơ chế của một thị trường không quan tâm gì đến ý nghĩa sâu xa hơn của đời sống mình, thì tất cả chúng ta cần khám phá lại tầm quan trọng của trái tim” (Dilexit nos, số 2).

  1. Bối cảnh xã hội hôm nay

Ở đây chúng ta thấy Đức Thánh Cha đề cập đến bối cảnh của một xã hội mà chúng ta đang sống đó là:

1.1. Một xã hội hời hợt

Với sự phát triển của mạng xã hội, điện thoại thông minh và các công nghệ hiện đại khác, con người ngày càng phát triển về trí tuệ và nhận thức. Thế nhưng không ít quan điểm cho rằng chính vì điều đó mà một số người hiện nay thiếu đi sự kết nối cảm xúc giữa con người với con người, họ hời hợt với cuộc sống hơn và dường như xã hội này đất chật người đông nhưng lại rất nhiều người rơi vào cảnh cô đơn, lạc lõng vì sự lạnh lùng vô cảm của con người.

Nhất là nơi các bạn trẻ, ngày nay nhiều người trong số họ bị cuốn vào các cuộc chơi vô bổ mà quên mất lối về, quên mất giá trị sống và sống hời hợt, vô cảm với mọi người xung quanh. Họ chỉ biết nhìn về cuộc sống thượng lưu của những người giàu có mà quên rằng còn rất rất nhiều người nghèo đói và khổ sở.

1.2. Một xã hội hối hả

Bên cạnh đó cũng có nhiều người khác bị dồn ép bởi gánh nặng cơm áo gạo tiền, dành hết tất cả thời gian vào công việc, bỏ mặc thế giới ngoài kia mà lao đầu vào kiếm tiền như một cỗ máy. Họ chạy đua với thời gian. Cả đời phải chạy: khi còn nhỏ phải chạy trường, vào trường thì chạy điểm, ra trường thì chạy bằng cấp, có bằng cấp thì chạy việc, có việc thì chạy chức, có chức thì chạy mánh, bể mánh thì chạy tội, dính tội thì chạy án, dính án thì chạy trốn.

Quả thực, đúng như những gì mà Đức Thánh Cha nhìn nhận: “chúng ta thấy mình bị nhận chìm trong xã hội của những người hăm hở tiêu thụ, ngày này qua ngày khác bị chi phối bởi nhịp sống hối hả và bị dội bom công nghệ, thiếu sự kiên nhẫn cần thiết. Trong xã hội ngày nay, con người “có nguy cơ đánh mất trung tâm của mình, trung tâm của chính bản ngã mình” (Dilexit nos, số 9).

1.3. Một xã hội tiêu thụ và nô lệ cho các cơ chế thị trường

Chủ nghĩa tiêu thụ là một hình thái xã hội được nhìn nhận trên cơ sở hệ quy chiếu tất cả các mối quan hệ xã hội về hai phạm trù sản xuất và tiêu dùng, trong đó hình thái xã hội này đề cao yếu tố tiêu dùng, các hoạt động tiêu thụmua sắmvui chơigiải trí.

Mặt trái của nó là sẽ có nhiều người tự cảm thấy rất nghèo, vì không thể thoả mãn những nhu cầu do xã hội tiêu dùng tạo ra ngày càng nhiều. Họ luôn cảm thấy mình thiếu nhiều thứ, nhất là thiếu tiền. Ngoài ra, xã hội tiêu dùng cũng góp phần tạo ra tâm lý hưởng thụ, hưởng lạc, chạy theo lợi ích vật chất, đồng tiền và đặc biệt là ăn nhậu, một hiểm họa của xã hội.

Điều nguy hại của chủ nghĩa hưởng thụ là nó tạo ra cảm giác thịnh vượng ảo cho một nền kinh tế mất cân đối giữa sản xuất và tiêu dùng.

Về mặt xã hội, nó tạo nên sự bất bình đẳng giữa các nhóm trong xã hội, nó còn dẫn đến tình trạng hoen gỉ tâm hồn của những người đề cao sự tiêu xài mà ít chú trọng đến tiết kiệm.

 Liên Hiệp Quốc xếp “chủ nghĩa tiêu thụ” cùng với hiện tượng khí hậu Trái Đất nóng dần lên, là hai hiểm họa lớn nhất đe dọa cuộc sống con người ngày nay.

Chính vì thế, để có được một cuộc sống có ý nghĩa hơn, Đức Thánh Cha mời gọi mỗi người chúng ta cần phải khám phá lại tầm quan trọng của trái tim, Ngài viết: “Trong cái thế giới “lỏng lẻo” này của mình, chúng ta một lần nữa cần bắt đầu nói về trái tim” (Dilexit nos, số 9).

  1. Tầm quan trọng của trái tim

Ở số 3 của Thông điệp, Đức Thánh Cha đã nói về tầm quan trọng của trái tim như sau:

2.1. Trái tim là trung tâm của cơ thể

Về mặt sinh học, trái tim là bộ phận trung tâm của hệ tuần hoàn, tim chịu trách nhiệm bơm máu, cung cấp oxy và chất dinh dưỡng; đồng thời loại bỏ chất thải chuyển hóa ra khỏi các mô trong cơ thể. Trái tim và mạng lưới các động mạch, tĩnh mạch tạo nên hệ thống tim mạch.

Tim bơm khoảng 7.200 lít máu giàu chất dinh dưỡng đi khắp cơ thể trong một ngày. Trung bình mỗi ngày tim đập khoảng 100.000 lần, tức là trong cả đời người sẽ đập khoảng 3 tỷ nhịp. Tim người lớn đập khoảng 60-80 lần mỗi phút và tim trẻ sơ sinh đập nhanh hơn người lớn, khoảng 70-190 lần mỗi phút.

Vì là một cơ quan quan trọng của cơ thể, do đó những rối loạn chức năng hoặc bất thường trong tim, có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe và sự sống cơ thể.

2.2. Trái tim là tâm hồn và tinh thần của con người

Về mặt cảm xúc, trái tim là biểu tượng của tâm hồn, tình yêu, lòng thương cảm. Trái tim luôn là cách chúng ta yêu thương, cách ta đối diện với những điều nhỏ bé, cách ta cảm nhận cuộc sống, là cách ta thắp lên những ngọn lửa trong lòng, cách ta đặt hy vọng và niềm tin, cách ta tha thứ và cảm thông, cách ta sẻ chia và thấu hiểu.

Trong văn hóa Trung Quốc, trái tim thường liên quan đến hạnh phúc và lòng yêu thương. Người Hy Lạp tin rằng trái tim là nơi của linh hồn. Trái tim có khả năng lan tỏa sự nhiệt huyết, biến ngọn lửa trong lòng thành hành động. Trái tim là một ngôn ngữ riêng, trái tim không bao giờ nói dối, như Đức Thánh Cha đã viết: “Trái tim cũng định vị sự chân thành, trong đó không có chỗ cho sự lừa dối và ngụy trang. Nó thường cho thấy những ý hướng thực sự của chúng ta, những gì ta thực sự nghĩ, tin và mong muốn” (Dilexit nos, số 5).

2.3. Trái tim được coi là nơi của ước muốn và là chỗ mà các quyết định quan trọng hình thành

Người Ai Cập cho rằng trái tim tạo ra cảm xúc và trí tuệ, nó rất kỳ diệu và có giá trị, nó có thể nói lên nhiều điều. Hãy biết trân trọng, lắng nghe, và tôn trọng trái tim của bạn. Hãy cân nhắc mỗi quyết định để đảm bảo rằng bạn không làm tổn thương trái tim mình. Đừng để ganh tị và lòng tham áp đặt lên trái tim của bạn. Đừng để những mục tiêu vô nghĩa làm cho trái tim mất đi động lực. Đừng để áp lực xã hội và lý trí làm cho nhịp đập của trái tim trở nên im lặng: “Nếu coi thường trái tim, chúng ta coi thường ý nghĩa của việc nói từ trái tim, từ hành động. Nếu chúng ta không trân trọng tính chuyên biệt của trái tim, chúng ta sẽ bỏ hụt những thông điệp mà duy chỉ trí óc thì không thể truyền đạt, chúng ta sẽ bỏ lỡ sự phong phú của những cuộc gặp gỡ” (Dilexit nos, số 11).

2.4. Trái tim đảm trách việc thống nhất các khía cạnh lý trí và bản năng của con người.

Khoa học đã khẳng định rằng tình yêu không xuất phát từ trái tim, mà nguồn gốc của nó nằm trong khối óc. Tuy vậy, không ai có thể phủ nhận sự đẹp đẽ và ý nghĩa tượng trưng của trái tim trong việc biểu lộ tình cảm và tình yêu. 

Ngạn ngữ Ukraina có câu: “Những gì trái tim không để ý đến, thì mắt cũng không thể thấy được“.

Trong cuộc sống, trái tim là nguồn cảm hứng để hành động và là hướng dẫn tốt nhất để làm đúng. Trái tim là nguồn sức mạnh tinh thần động viên chúng ta vượt qua khó khăn và thử thách để theo đuổi hoài bão và ước mơ của mình. Trong tình yêu, trái tim thể hiện tình cảm nồng thắm, lòng trung thành và phẩm đức cao quý của con người, bởi vì: “Lịch sử con người thực của chúng ta được xây dựng bằng trái tim. Vào lúc cuối đời, chỉ điều đó mới quan trọng” (Dilexit nos, số 11).

  1. Trái tim Chúa Giêsu

Đức Thánh Cha nói: “Trái tim Chúa Giêsu, biểu tượng của nguồn tình yêu sâu xa và biệt vị nhất của Người đối với chúng ta, là chính cốt lõi của lời rao giảng tiên khởi về Phúc Âm. Trái tim nằm ở gốc rễ đức tin của chúng ta, như suối nguồn làm tươi mới và sống động các niềm tin Kitô giáo của chúng ta” (Dilexit nos, số 32).

Bởi vì: “Chúa Kitô đã thể hiện tình yêu sâu thẳm của Người dành cho chúng ta không phải bằng những giải thích dài dòng, mà bằng những hành động cụ thể” (Dilexit nos, số 32). Chẳng hạn như qua những cách thức mà Người đã tiếp cận với biết bao người khác nhau, như khi chữa lành cho các bệnh nhân: “Người giơ tay chạm vào anh ta” (Mt 8,3), “Người chạm vào tay bà” (Mt 8,15), “Người chạm vào mắt họ” (Mt 9,29); khi tha thứ cho người tội lỗi: “Tôi không lên án chị đâu” (Ga 8,11), khi làm cho người chết sống lại, hay khi đồng bàn với những tội nhân và người bị xã hội loại trừ (x. Mt 9,10; 11,19)…

Tin Mừng cho ta biết rằng Chúa Giêsu “đã đến nhà của Người” (Ga 1,11). Những lời này nói lên rằng Người không đối xử với chúng ta như những kẻ xa lạ, mà như “người nhà của Người”. Điều này có nghĩa chúng ta không là nô lệ của Người, như chính Người đã khẳng nhận: “Thầy không gọi anh em là tôi tớ, nhưng là bạn hữu” (Ga 15,15).

Tóm lại, đối với Đức Thánh Cha, “Lòng sùng kính trái tim Chúa Kitô không phải là sự tôn kính một cơ quan riêng biệt ngoài Ngôi vị của Chúa Giêsu. Điều chúng ta chiêm ngưỡng và tôn thờ là Chúa Giêsu Kitô toàn thể, là Con Thiên Chúa làm người, được trình bày bằng một hình ảnh làm nổi bật trái tim của Người. Trái tim bằng thịt đó được coi là dấu hiệu ưu biệt của bản thể sâu thẳm nhất của Chúa Con nhập thể và tình yêu của Người, cả thần linh lẫn nhân loại. Hơn bất kỳ bộ phận nào khác trên thân thể Người, trái tim của Chúa Giêsu là dấu hiệu và biểu tượng tự nhiên cho tình yêu vô biên của Người” (Dilexit nos, số 48).

  1. Trái tim của chúng ta

Công Đồng Vatican II dạy rằng: “Mỗi người chúng ta cần thay đổi trái tim; chúng ta phải chăm chú nhìn toàn thế giới và xem xét những nhiệm vụ mà tất cả chúng ta có thể cùng nhau thực hiện hầu mang lại sự cải thiện cho nhân loại[1]. Vì những sự mất cân bằng đang ảnh hưởng đến thế giới hôm nay thực ra là triệu chứng của sự mất cân bằng sâu xa hơn bắt nguồn từ trái tim con người. Khi suy ngẫm về những thảm kịch đang gây đau thương cho thế giới chúng ta, Công Đồng thúc giục chúng ta trở về với trái tim. Công Đồng giải thích rằng: “con người, với đời sống nội tâm của mình, siêu vượt trên toàn bộ vũ trụ vật chất; con người kinh nghiệm chiều sâu nội tâm này khi họ đi vào trái tim của chính mình, ở đó Thiên Chúa, Đấng thăm dò trái tim, đang chờ đợi họ, và ở đó họ quyết định vận mệnh của chính mình trước mặt Thiên Chúa[2].

Trong số 167 của Thông điệp, Đức Thánh Cha kêu gọi: “Chúng ta cần một lần nữa tiếp nhận lời Chúa, và nhờ đó nhận ra rằng phản ứng tốt nhất của chúng ta đối với tình yêu của trái tim Chúa Kitô là yêu thương anh chị em mình. Không có cách nào tuyệt vời hơn để chúng ta lấy tình yêu đáp lại tình yêu. Kinh thánh đã nói rất rõ về điều này:Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta, tức là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40).

Tình yêu thương anh chị em không đơn thuần là thành quả của những nỗ lực nơi chúng ta; nó đòi hỏi sự biến đổi trái tim ích kỷ của chúng ta để mở ra với tha nhân, với thế giới để đánh thức con người khỏi những bóng tối của vật chất, của sự thờ ơ và vô cảm.

 “Tu sĩ – người thức tỉnh thế giới” là câu nói mang thương hiệu của Đức Thánh Cha Phanxicô, đã được Ngài nói trong dịp khai mở Năm Đời Sống Thánh Hiến, từ ngày 30.11.2014 đến 02.02.2016. Trong dịp này, Ngài đã mời gọi những người tận hiến “đánh thức thế giới” bằng chính đặc tính ngôn sứ trong đời sống chứng tá và lời rao giảng của mình trong công cuộc truyền giảng Tin Mừng của Giáo hội[3]. Vậy làm sao để người tu có thể sĩ thức tỉnh thế giới?

  1. Đánh thức thế giới bằng đời sống đức tin

Chính anh em là muối cho đời,

chính anh em là ánh sáng cho trần gian” (Mt 5,13-14).

Sống trong một môi trường bị ô nhiễm bởi tinh thần tục hóa ngày nay, người Kitô hữu, đặc biệt là hững người sống đời thánh hiến, phải có những phản ứng cụ thể để gìn giữ và chiếu giãi đức tin của mình cách hiệu quả.

  1. Đánh thức thế giới bằng đời sống đức ái

Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này:

là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,35).

Đời sống thánh hiến có thể đánh thức thế giới còn hệ tại ở đức ái. Tu sĩ là những người được mời gọi tiếp nối sứ mạng của Chúa Kitô cách đặc biệt. Vì vậy, họ được kêu gọi nên giống Đức Kitô trong cách nhìn, suy nghĩ và hành động xuất phát từ trái tim chính trực và hiền hòa.

Người sống đời thánh hiến được mời gọi đi vào linh đạo của tình yêu để biết yêu thương tha nhân như Cha trên trời (x. Mt 5,45), để nên chứng tá cho Đức Ái của Đức Kitô bằng lời rao giảng và hành động. Bởi vì: “Sống yêu mến Thiên Chúa và tha nhân không phải là điều gì đó trừu tượng nhưng rất cụ thể: nghĩa là nhìn thấy nơi mỗi người khuôn mặt của Thiên Chúa để phục vụ cách cụ thể, hầu có thể phản chiếu ánh sáng Đức Ái của Thiên Chúa[4].

  1. Đánh thức thế giới bằng niềm hy vọng

Nhân dịp khai mở Năm Đời Sống Thánh Hiến, 2016, Đức Thánh Cha Phanxico đã ban hành Tông thư mời gọi các nam nữ tu sĩ đi vào một hành trình sống trong thời đại mới với thái độ và tâm tình rõ ràng và cụ thể để: Nhìn lại quá khứ với tấm lòng biết ơn, sống hiện tại với một niềm say mê và ôm ấp tương lai với niềm hy vọng.

Niềm hy vọng của Giáo hội được ngài quảng diễn rõ ràng, trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư ngày 5/4/2017, như sau: Niềm hy vọng của chúng ta không phải là một ý niệm hay một tâm tình, nhưng là một Người, là Chúa Giêsu mà chúng ta nhận biết là sống và hiện diện nơi chúng ta và các anh em của chúng ta. Và ần khác, trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư ngày 4/10/2017, ngài nói thêm: Nhiệm vụ của Kitô hữu trong thế giới này là trở thành các thừa sai của niềm hy vọng, mở ra các không gian của ơn cứu rỗi, như các tế bào của sự tái sinh, có khả năng tái trao ban nhựa sống cho những gì xem ra đã mất đi vĩnh viễn.

Đức Kitô là Đấng Cứu Độ và niềm hy vọng duy nhất của chúng ta. Vì thế, những người thánh hiến phải góp phần “làm cho Đức Kitô hiện diện trong thế gian qua chứng từ của chính cá nhân mình[5]. Những người thánh hiến cũng có nhiệm vụ khác ngoài chứng từ cá nhân. Trong Vita Consecrata, Đức Gioan Phaolô II cũng đề cập đến một vài nỗ lực khác mà các hội dòng phải dấn thân như: thăng tiến công bình, chăm sóc bệnh nhân, giáo dục, truyền thông xã hội, đại kết và đối thoại liên tôn. Ngài thúc đẩy mỗi hội dòng, tùy theo đặc sủng của dòng mình, góp phần vào nhiệm vụ loan báo Tin Mừng đến với muôn dân[6].

Tạm kết

Người ta thường nói “tấm áo không làm nên thầy tu”. Có thể đúng như vậy trong một hoàn cảnh và mức độ nào đó. Tuy nhiên, tấm áo dòng vẫn mang một ý nghĩa đặc biệt cho cuộc đời của người sống đời thánh hiến. Đó là dấu chỉ nhắc nhở người tu sĩ luôn ý thức về đời sống của mình, mỗi ngày họ bị thôi thúc phải từ bỏ mình, điều chỉnh các hành vi sao cho xứng hợp với lý tưởng mà họ đang theo đuổi.

Áo dòng cũng là biểu trưng cho tình yêu giữa tu sĩ với Đấng mà họ dâng hiến trọn đời, là minh chứng cho sự dấn thân từ bỏ và một tâm hồn khiêm nhường siêu thoát… Từ nay, người ta sẽ gọi họ là một thầy tu theo đúng nghĩa, nhưng cũng từ giờ phút đó, tu sĩ bắt đầu một hành trình mới, hành trình bước theo Đức Kitô trên con đường thập giá, hành trình đào tạo để trở nên đồng hình đồng dạng với Người. Đó là một cuộc hành trình lội ngược dòng, đi trái chiều và nghịch lý khác với những lựa chọn của nhiều người. Cũng chính bởi vì thế mà sự hiện diện của người tu sĩ với chiếc áo dòng luôn là một câu hỏi lớn đối với một xã hội chú trọng hình thức và sự hưởng thụ ngày nay. Thế thì, điều quan trọng là người tu sĩ phải sống thế nào để có thể trở thành một câu trả lời thỏa đáng cho họ, phải là một sự minh chứng sống động của tình yêu, là hiện thân của Đức Kitô và là dấu chỉ của niềm hy vọng cho hạnh phúc viên mãn của Nước Trời qua nếp sống thánh thiện, đơn sơ và nhất là bằng chính sự hiện diện với một năng lượng tích cực ở bất cứ nơi nào mình dấn thân loan báo Tin Mừng.

 

————————————-

[1] Công đồng Vaticano II, Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes, số 82.

[2] Công đồng Vaticano II, Sách đã dẫn, số 14

[3] ĐGH Phanxicô, Tông Thư gửi tất cả các người tận hiến nhân dịp Năm Ðời Sống Thánh Hiến 2016.

[4] ĐTC Phanxicô, Huấn dụ dành cho thành viên tại nhà Don Odi Maria.

[5] ĐTC Gioan Phaolo II, Tông huấn Đời Sống Thánh Hiến – Vita Consecrata, số 72.

[6] ĐTC Gioan Phaolo II, Sách đã dẫn, số 78.

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

08/09 Lễ Sinh Nhật Đức Trinh Nữ Maria, Mt 1,1-16.18-23: Đức Maria cực trinh cực sạch

  ĐỨC MARIA CỰC TRINH CỰC SẠCH (Mt 1,1-16.18-23) M. Eusebia Hương,...

08/09 Lễ Sinh Nhật Đức Trinh Nữ Maria, Mt 1,1-16.18-23: Mừng Sinh Nhật Mẹ

MỪNG SINH NHẬT MẸ (Mk 5,1-4a; Rm 8,28-30, Mt 1,1-16.18-23) Đan...

11/7 Lễ thánh phụ Biển Đức, Mt 19,27-29: Từ bỏ mọi sự để theo Chúa

TỪ BỎ MỌI SỰ ĐỂ THEO CHÚA (Mt 19,27-29) M. Phaolô...

11/7 Lễ thánh phụ Biển Đức, Mt 19,27-29: Từ bỏ mọi sự mà theo Chúa

TỪ BỎ MỌI SỰ MÀ THEO CHÚA (Mt 19,27-29) FM. Đaminh...

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp sẽ được phong chân phước

      CHA PHANXICÔ XAVIÊ TRƯƠNG BỬU DIỆP SẼ ĐƯỢC PHONG CHÂN PHƯỚC Vatican News Ngày 25/11, trong cuộc tiếp kiến dành cho Đức Hồng Y Marcello Semeraro,...

Đức Thánh Cha thiết lập ngày lễ các thánh, chân phước, những người thánh thiện của các giáo phận

    Đức Thánh Cha thiết lập ngày lễ các thánh, chân phước, những người thánh thiện của các giáo phận Trong lá thư được công bố...

Trí tuệ nhân tạo & giảng thuyết

      TRÍ TUỆ NHÂN TẠO & GIẢNG THUYẾT  Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm Từ một năm nay, trí tuệ nhân tạo là đề tài nóng không chỉ...

Đức Thánh Cha Phanxicô ban hành Thông điệp thứ tư, “Người đã yêu thương chúng ta”

      Đức Thánh Cha Phanxicô ban hành Thông điệp thứ tư, “Người đã yêu thương chúng ta" Vatican News Ngày 24/10/2024, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban...

Thống kê về Giáo hội Công giáo năm 2024

    THỐNG KÊ VỀ GIÁO HỘI CÔNG GIÁO NĂM 2024 Vatican News Theo thống kê mới nhất về Giáo hội Công giáo, hiện trên thế giới có...

Thư mục vụ năm 2025 của Hội đồng Giám mục Việt Nam gửi cộng đồng Dân Chúa: “Cùng nhau loan báo Tin Mừng”

    HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM THƯ MỤC VỤ 2025 GỬI CỘNG ĐỒNG DÂN CHÚA “CÙNG NHAU LOAN BÁO TIN MỪNG” Anh chị em thân mến, Chúng tôi, các...

Sứ điệp Ngày Giới trẻ Thế giới năm 2024 – “Những người cậy trông Đức Chúa thì được thêm sức mạnh (Is 40,31)

    SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA  CHO NGÀY GIỚI TRẺ THẾ GIỚI  Lần thứ 39, ngày 24/11/2024 „Những người cậy trông Đức Chúa thì được thêm sức mạnh“ (Is...

Hội đồng Giám mục Việt Nam giới thiệu biểu tượng (Logo) chính thức

  HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM GIỚI THIỆU BIỂU TƯỢNG (LOGO) CHÍNH THỨC Ngày 04 tháng 08 năm 2024 Trong Hội nghị thường niên kỳ I/2024 từ...

Ơn toàn xá nhân Ngày Thế giới Ông bà và Người Cao tuổi lần thứ tư

  Ơn toàn xá nhân Ngày Thế giới Ông bà và Người Cao tuổi lần thứ Tư Nhân Ngày Thế giới Ông bà và Người Cao...

Bộ trưởng Bộ Truyền thông Vatican: Truyền thông Công giáo phải tạo nên hiệp thông và mang lại hy vọng

    BỘ TRƯỞNG BỘ TRUYỀN THÔNG VATICAN: TRUYỀN THÔNG CÔNG GIÁO PHẢI TẠO NÊN HIỆP THÔNG VÀ MANG LẠI HY VỌNG Vatincan News   Ngày 21/6/2024, phát biểu vào...

Quy định về thủ tục hôn phối áp dụng cho toàn Giáo Hội tại Việt Nam

HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM QUY ĐỊNH VỀ THỦ TỤC HÔN PHỐI ÁP DỤNG CHO TOÀN GIÁO HỘI TẠI VIỆT NAM Để giúp các mục tử...

Hội đồng Giám mục Việt Nam: Biên bản Hội nghị thường niên kỳ I năm 2024

HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM HỘI NGHỊ THƯỜNG NIÊN KỲ I NĂM 2024 (14 - 18/4/2024) BIÊN BẢN Hội đồng Giám mục Việt Nam tổ chức Hội...