Thứ Bảy, 27 Tháng Bảy, 2024

Đọc và suy niệm TM TUẦN XVII THƯỜNG NIÊN, 2018 (Hiền Lâm)

 

CHÚA NHẬT XVII THƯỜNG NIÊN, năm B Kết quả hình ảnh cho hình ảnh năm chiếc bánh và hai con cá

THỨ HAI TUẦN XVII THƯỜNG NIÊN

THỨ BA TUẦN XVII THƯỜNG NIÊN

THỨ TƯ TUẦN XVII THƯỜNG NIÊN

THỨ NĂM TUẦN XVII THƯỜNG NIÊN

THỨ SÁU TUẦN XVII THƯỜNG NIÊN

THỨ BẢY TUẦN XVII THƯỜNG NIÊN

 

 

 Các bài suy niệm: Lm. Hiền Lâm

 

==============00000>>+<<00000==============

 

CHÚA NHẬT XVII THƯỜNG NIÊN, NĂM B

 

+ ĐỌC TIN MỪNG: Ga 6,1-15

Đức Giê-su sang bên kia Biển Hồ Ga-li-lê, cũng gọi là Biển Hồ Ti-bê-ri-a. Có đông đảo dân chúng đi theo Người, bởi họ từng được chứng kiến những dấu lạ Người đã làm cho những kẻ đau ốm. Đức Giê-su lên núi và ngồi đó với các môn đệ. Lúc ấy, sắp đến lễ Vượt Qua là đại lễ của người Do-thái.

Ngước mắt lên, Đức Giê-su nhìn thấy đông đảo dân chúng đến với mình. Người hỏi ông Phi-líp-phê: “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây? ” Người nói thế là để thử ông, chứ Người đã biết mình sắp làm gì rồi. Ông Phi-líp-phê đáp: “Thưa, có mua đến hai trăm quan tiền bánh cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút.” Một trong các môn đệ, là ông An-rê, anh ông Si-môn Phê-rô, thưa với Người: “Ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng với ngần ấy người thì thấm vào đâu! ” Đức Giê-su nói: “Anh em cứ bảo người ta ngồi xuống đi.” Chỗ ấy có nhiều cỏ. Người ta ngồi xuống, nguyên số đàn ông đã tới khoảng năm ngàn. Vậy, Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho những người ngồi đó. Cá nhỏ, Người cũng phân phát như vậy, ai muốn ăn bao nhiêu tuỳ ý. Khi họ đã no nê rồi, Người bảo các môn đệ: “Anh em thu lại những miếng thừa kẻo phí đi.” Họ liền đi thu những miếng thừa của năm chiếc bánh lúa mạch người ta ăn còn lại, và chất đầy được mười hai thúng. Dân chúng thấy dấu lạ Đức Giê-su làm thì nói: “Hẳn ông này là vị ngôn sứ, Đấng phải đến thế gian! ” Nhưng Đức Giê-su biết họ sắp đến bắt mình đem đi mà tôn làm vua, nên Người lại lánh mặt, đi lên núi một mình.

 

+ SUY NIỆM

 

“PHÉP LẠ – TÍCH TIỂU THÀNH ĐẠI”

 

Ngày mẹ Têrêsa Calcutta qua đời (05-09-1997), nhiều bậc vị vọng và chính khách trên thế giới đã đến tham dự. Họ ngỡ ngàng vì một người phụ nữ thôn quê nghèo khó đã làm nên phép lạ vĩ đại và phi thường cứu vớt nhiều người, mà chính các chính khách có trong tay quyền lực và khả năng huy động, nhưng lại không làm được như mẹ.

Thật vậy, với tâm niệm rằng: “Không phải tất cả chúng ta có thể làm những điều lớn, nhưng chúng ta có thể làm những việc nhỏ với một tình yêu lớn” và Tình yêu không thể duy trì bởi chính nó – nó không có ý nghĩa; tình yêu phải được đưa vào hành động, và hành động đó là phục vụ”, thánh Têrêsa Calcutta đã cứu vớt được bao nhiêu mảnh đời bất hạnh, mồ côi, nghèo đói và bệnh tật. Cụ thể,vào thời điểm ngài từ trần, dòng tu của mẹ có hơn 4.000 nữ tu, với sự hỗ trợ của 300 tu sĩ, và hơn 100.000 người tình nguyện. Họ điều hành 610 cơ sở từ thiện tại 123 nước, trong đó có các nhà tế bần, những ngôi nhà mở cho người mắc bệnh HIV/AIDS, người phong cùi, lao, các nhà bếp cung cấp thức ăn, các chương trình tư vấn gia đình và trẻ em, trại mồ côi và trường học.

Những thành quả trên ví như phép lạ vĩ đại, không phải thánh Têrêsa Calcutta có quyền năng của một vị thần để hô biến từ không ra có, cũng không do thánh nữ giàu có nhiều triệu dollas hay nhiều kho lương thực để trợ cấp, mà là thánh nhân đã dùng chính những đóng góp từ nhiều người khác để giúp những người kém may mắn hơn.

Hôm nay, sứ điệp Lời Chúa minh định cho chúng ta về liên đới trách nhiệm đối với đồng loại. Mỗi người đóng góp phần mình để Chúa nhân lên nuôi sống nhân loại, mà thời nào cũng có những hoàn cảnh bơ vơ vất vưởng và đói khát.

Trong bài đọc I, sách 2V 4,42-44: tiên tri Ê-li-sa đã dùng hai mươi chiếc bánh lúa mạch và cốm của một người tặng ông để cứu dân đang đói, và Thiên Chúa đã cho phép lạ xảy ra nuôi sống hàng trăm người.

Riêng bài đáp ca Tv 44,16 là lời ca tụng Thiên Chúa, khi Người mở tay ban là muôn loài được no đủ.

Còn bài đọc II, thư Ep 4,1-6, thánh Phaolô kêu gọi mọi người sống đức ái trong chiều kích mọi người như là một bộ phận trong một thân thể nên cần tương trợ nhau, và cùng nhìn nhận nhau là con cùng một Cha trên trời.

Đặc biệt, bài Tin Mừng, chính Chúa Giêsu đã dùng năm chiếc bánh và hai con cá nhỏ từ một em bé để hóa ra nhiều nuôi sống trên năm ngàn người đang đói.

 

Hành động của Chúa Giêsu trong sự kiện hóa bánh ra nhiều hôm nay, bao gồm cùng lúc hai công việc của Đấng Cứu Thế, là chữa lành  nuôi dưỡng dân Người. Cả hai đều nói lên lòng thương xót vô bờ bến của Thiên Chúa đối với con người, nhất là những người đau khổ, vì họ vừa mang lấy bệnh tật thể lý vừa mang nặng bệnh tật tâm linh, vừa đói khát của ăn vật chất vừa đói khát của nuôi linh hồn. Hành động yêu thương của Chúa được cụ thể qua việc ra tay chữa lành các bệnh tật cho dân, và đặc biệt chạnh lòng thương hoá bánh ra nhiều để nuôi dưỡng họ.

 

Chúa Giêsu ngước mắt lên và thấy đông đảo dân chúng đến với mình… Chúa Giêsu chạnh lòng thương (cái đói vật chất cũng như tinh thần của con người). Chúng ta cũng được mời gọi ngước mắt lên để nhìn thấy hoàn cảnh của mọi người mà cảm thông với họ, chứ không phải ru rú cho mình mà bất biết với mọi người xung quanh đang cần đến chúng ta.

Chúa Giêsu không dùng quyền năng để hô biến đem của ăn từ đâu tới, nhưng Người muốn con người cộng tác dâng lên của ăn từ bàn tay lao động của con người (nghề trồng trọt – bánh; nghề đánh lưới – cá). Phép lạ xảy ra khi biết đem chia sẻ cho nhau và cùng ngồi xuống ăn chung với nhau, chứ phép lạ không thể xảy ra khi chúng ta giữ khư khư năm chiếc bánh và hai con cá để ăn một mình.

 

Tin Mừng Gioan miêu tả hai hành động của Chúa Giêsu:  “tạ ơn” và “phân phát” chuyển tải một ý nghĩa đặc biệt:

– Tạ ơn: mỗi người dâng cho Chúa phần của mình, dâng lời tạ ơn Chúa đã ban cho chúng ta lương thực hắng ngày. Giúp đỡ người khô khan trở về với Chúa, san sẻ phần mình cho kẻ đói nghèo trong mức độ có thể.

– Trao cho: Nhạy bén trước nhu cầu của người đang đói mà đến trao cho họ, chứ không đợi họ phải xin rồi mới cho. Mọi người đừng ăn một mình, nhưng hãy bẻ ra để chia cho những người khác thiếu may mắn hơn chúng ta.

 

Chúa muốn các môn đệ phải lo cho dân no đủ, chứ Chúa không bảo ông này bà kia cho họ ăn. Nghĩa là chính mỗi người chúng ta có liên đới trách nhiệm với mọi người xung quanh chúng ta (nơi giáo xứ, trường học, nơi làm việc) cả tinh thần và vật chất.

– Về tinh thần: Có trách nhiệm về đức tin và đạo đức với cận nhân. Đó không phải chỉ là chuyện chỉ dành cho cha xứ, dành cho các Giáo Lý Viên, mà là mọi người con Chúa đều mang trên mình sứ mạng phải truyền bá và làm chứng đời sống đức tin và đạo đức cho anh em.

– Về vật chất: Biết chia cơm sẻ áo cho người thiếu thốn hơn mình. Đó không phải chỉ là việc của những nhà từ thiện, những tổ chức cứu trợ, mà là trong khả năng chung tay đóng góp của mình.

 

Lưu ý, “CHO” chứ không bảo họ phải MUA của mình, không phải đưa ra lời khuyên bảo họ ra quán mà mua (như giải pháp của các môn đệ đưa ra).

Mọi người có tương quan liên đới và chịu trách nhiệm với nhau trong một giáo xứ, trong một trường học, trong nơi mình sống và làm việc, liên đới với đồng loại. Khi một thành viên trong giáo xứ làm điều xấu, thì thiên hạ đàm tiếu rằng nó là người của xứ đó, người của lớp đó, người của trường đó, người thuộc sự dạy dỗ của cha xứ đó, GLV đó… Và ngược lại, một người làm điều tốt, thì cũng liên đới như vậy… Chúng ta có trách nhiệm giúp đỡ nhau sống đạo, giúp đỡ nhau sống đời. Chúng ta có bổn phận đưa tiễn và cầu nguyện cho người đã qua đời…

 

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con mặc lấy tâm tình của Chúa, để không những có lòng cảm thương, mà còn biết cộng tác thiết thực với Chúa trong khả năng mình có thể, để xoá dần sự đói nghèo vật chất cũng như tinh thần của những người cần đến chúng con. Amen.

 

 

THỨ HAI TUẦN XVII THƯỜNG NIÊN 

 

+ ĐỌC TIN MỪNG : Mt 13,31-35

Đức Giê-su còn trình bày cho họ nghe một dụ ngôn khác. Người nói: “Nước Trời cũng giống như chuyện hạt cải người nọ lấy gieo trong ruộng mình. Tuy nó là loại nhỏ nhất trong tất cả các hạt giống, nhưng khi lớn lên, thì lại là thứ lớn nhất; nó trở thành cây, đến nỗi chim trời tới làm tổ trên cành được.”

Người còn kể cho họ một dụ ngôn khác: “Nước Trời cũng giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba thúng bột, cho đến khi tất cả bột dậy men.”

Tất cả các điều ấy, Đức Giê-su dùng dụ ngôn mà nói với đám đông; và Người không nói gì với họ mà không dùng dụ ngôn, hầu ứng nghiệm lời sấm của ngôn sứ: Mở miệng ra, tôi sẽ kể dụ ngôn, công bố những điều được giữ kín từ tạo thiên lập địa.

 

 + SUY NIỆM

Chức năng của Nước Trời, của Hội Thánh, của Dân Thiên Chúa là phải lớn lên và trở thành bóng mát cho đời, cho mọi người nương ẩn giữa bão táp mưa sa của cuộc đời. Chân lý Nước Trời – tức là bản chất Hội Thánh phải thấm nhập vào nhân loại và thế giới trong mọi hoàn cảnh và môi trường. Đó là nội dung của hai dụ ngôn (Hạt cải và men trong bột) mà Chúa Giêsu dạy trong bài Tin Mừng hôm nay:

 

* Sự tăng trưởng của Nước Trời.

 Hình ảnh cây cải ở xứ Palestin chắc chắn khác cây rau cải ở Việt Nam, hạt cải thuộc lớp hạt rất nhỏ khi gieo xuống, nhưng khi mọc lên cây cải cao lớn, mà chim trời có thể đến nương náu dưới tán lá nó được.

Nước Trời ban đầu thật bé nhỏ trên dưới vài chục người với Chúa Giêsu và các môn đệ quanh quẩn trong xứ Palestin nhỏ bé, nhưng trải qua lịch sử thăng trầm, đến bây giờ Hội Thánh có trên một tỷ người có mặt khắp nơi trên thế giới.

Chức năng của Nước Trời, của Hội Thánh, của Dân Thiên Chúa là phải lớn lên và trở thành bóng mát cho đời, cho mọi người nương ẩn giữa bão táp mưa sa của cuộc đời:

–  Lớn lên:  Mọi thành viên trong “Nước Trời” là chúng ta đều có nghĩa vụ truyền giáo và sống chứng nhân để làm cho Nước Trời lớn mạnh. Xét về phương diện cá nhân, chính mỗi người chúng ta cũng phải lớn lên trong Đức Tin, trong Thánh Thần và trong đời sống đạo, từ đó làm cho Hội Thánh từ địa phương đến hoàn vũ cũng được lớn lên.

–  Bóng mát che chở: Nước Trời, Hội Thánh, Kitô hữu chúng ta phải là bóng mát cho đời, là nơi đáng tin tưởng cho mọi người tìm lại được an bình nội tâm. Chúng ta có bổn phận làm cho thế giới thêm bình an và xoa dịu mọi đau thương của nhân loại.

 

* Sự thâm nhập của Nước Trời.

Nếu ai đã từng xem cách thức ủ bột, ủ cơm hay ủ trái cây để làm rượu, thì sẽ không lạ gì về công dụng của men.

Men là một loại chất xúc tác, hai công dụng của nó là: thấm nhập và biến đổi những gì men được trộn vào:

–  Thấm nhập: Chân lý Nước Trời, bản chất Hội Thánh là phải thấm nhập vào nhân loại và thế giới trong mọi hoàn cảnh và môi trường. Ngay nơi bản thân Kitô hữu phải chấp nhận được trộn lẫn vào mọi ngõ ngách của cuộc sống, để nhờ đời sống chứng nhân, chúng ta sẽ giúp mọi thứ biến đổi theo Tin Mừng. Chứ không phải như cục men nằm yên sẽ chỉ là vô dụng.

–  Biến đổi: Chân lý Nước Trời là Lời Chúa, có sức biến đổi tâm hồn mọi người, từ đó biến đổi thế giới theo nền văn minh tình thương. Mỗi Kitô hữu được mời gọi sống chứng nhân, nghĩa là bằng đời sống đạo tốt lành của mình làm lay độn và biến đổi những tâm hồn nguội lạnh, cũng như có sức thu hút lương dân trở về với Chúa, để cả thế giới cũng được “dậy men” Tin Mừng.

 

Tóm lại:

Nước Trời được ví như Hội Thánh do Chúa Kitô thiết lập, là một sự tăng trưởng không ngừng và trở thành bóng mát cho mọi tâm hồn đến trú ẩn. Hội Thánh đó hiện diện mọi nơi trên thế giới để biến đổi thế giới và làm dậy men Tin Mừng khắp thế giới.  

 

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con ý thức về sứ vụ của mình là làm cho Nước Chúa ngày càng được lớn lên và thấm nhập được vào mọi nơi trên dương gian này. Amen.

 

 

THỨ BA TUẦN XVII THƯỜNG NIÊN

 

+ ĐỌC TIN MỪNG: Mt 13,36-43

Bấy giờ, Đức Giê-su bỏ đám đông mà về nhà. Các môn đệ lại gần Người và thưa rằng: “Xin Thầy giải nghĩa dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng cho chúng con nghe.” Người đáp: “Kẻ gieo hạt giống tốt là Con Người. Ruộng là thế gian. Hạt giống tốt, đó là con cái Nước Trời. Cỏ lùng là con cái Ác Thần. Kẻ thù đã gieo cỏ lùng là ma quỷ. Mùa gặt là ngày tận thế. Thợ gặt là các thiên thần. Vậy, như người ta nhặt cỏ lùng rồi lấy lửa đốt đi thế nào, thì đến ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy. Con Người sẽ sai các thiên thần của Người tập trung mọi kẻ làm gương mù gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác, mà tống ra khỏi Nước của Người, rồi quăng chúng vào lò lửa; ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng. Bấy giờ người công chính sẽ chói lọi như mặt trời, trong Nước của Cha họ. Ai có tai thì nghe.

 

+ SUY NIỆM

Bài Tin Mừng hôm nay là chuyện các môn đệ xin Chúa Giê-su giải thích ý nghĩa dụ ngôn “Giống tốt và cỏ lùng”. Một dụ ngôn chỉ ra nguyên nhân của sự thiện ác từ đâu và chứng minh một thực tế là thiện và ác cùng tồn tại song hành với nhau.

Dụ ngôn này cho biết trong các công việc của Nước Thiên Chúa, vẫn có xen lẫn những công việc của ma quỷ, mà trong giai đoạn sống ở trần gian, người ta không thể nào triệt bỏ hết được, chỉ đến ngày tận thế sự phân định mới rõ ràng. Vì thế, dụ ngôn cỏ lùng có mục đích diễn tả lòng kiên nhẫn của Thiên Chúa, Ngài chấp nhận tốt xấu pha trộn, đợi đến ngày cuối cùng Chúa mới lấy quyền phân xử.

 

* Vàng thau lẫn lộn.

Trong trần gian cũng như trong Giáo hội luôn có những người xấu  sống bên cạnh những người tốt, cái thiện và cái ác lẫn lộn. Ánh sáng và bóng tối trong thế giới ta đang sống, thiện và ác trong lòng mọi người, đó là cánh đồng lúa mì mà trong đó cỏ lùng mọc lẫn lộn bên cạnh cây lúa tốt. Còn đối với con người, xấu tốt ở xen lẫn với nhau, vàng thau lẫn lộn, không phân biệt được tốt xấu, hoặc đôi khi đánh giá lầm mà coi người tốt ra người xấu, hoặc người xấu ra người tốt.

Trong Hội thánh và nơi mỗi người có một sự pha trộn thánh thiện và tội lỗi, thiện và ác  đó là điều không tránh được. Hội thánh là thánh thiện tự bản chất, nhưng Hội thánh cũng có những con người yếu đuối và tội lỗi, và chúng ta,  mặc dầu đã nhận nhiều ân sủng qua phép Rửa tội cũng có khuynh hướng phạm tội.

Như thế, chúng ta đừng có ảo tưởng là có thể có một Hội thánh hoàn hảo ở trên trần gian này, trong đó chỉ toàn những người thánh thiện. Trái lại, kẻ lành người dữ sống chung với nhau. Hội Thánh đó tuy có biết bao người tốt lành thì vẫn tồn tại những cá nhân tội lỗi núp bóng Hội Thánh. Đó là một sự thanh luyện trường kỳ làm cho Hội Thánh ngày càng hoàn thiện hơn cho đến ngày được viên mãn trong Chúa Giêsu quang lâm. Và Thiên Chúa kiên nhẫn chờ đợi cho kẻ dữ biết ăn năn sám hối để được tha thứ.

 

* Sự phân định cuối cùng.

Thiên Chúa cho kẻ lành người dữ sống chung với nhau, cũng như cho cỏ lùng và lúa cùng mọc lên, đến ngày tận thế Thiên Chúa mới phân xử, mới tách biệt chiên ra khỏi dê, người lành khỏi kẻ dữ. Trong khi chờ đợi ngày phân xử, chúng ta được mời gọi yêu thương mọi người, nhất là tạo điều kiện cho những kẻ tội lỗi biết sám hối trở về đường lành, còn việc xét xử thì dành cho Thiên Chúa.

Giữa thế gian vàng thau lẫn lộn, giữa biển đời cá tốt cá xấu, giữa cuộc đời người lành kẻ dữ cùng chung sống với nhau và chỉ được Chúa phân định trong ngày ra trước tòa phán xét, để thưởng công hay luận phạt. Ngày đó, như nông dân gom lúa vào lẫm và đốt cỏ lùng, thì Thiên Chúa cũng thưởng công Nước Trời hạnh phúc cho kẻ lành và ném vào hỏa ngục những kẻ gian ác tội lỗi.

Dụ ngôn “giống tốt và cỏ lùng” có mục đích diễn tả lòng kiên nhẫn của Thiên Chúa, Ngài chấp nhận tốt xấu pha trộn, đợi đến ngày cuối cùng Chúa mới lấy quyền phân xử. Thiên Chúa kiên nhẫn chờ đợi cho kẻ dữ biết ăn năn sám hối để được tha thứ.

 

Tóm lại, bài Tin Mừng hôm nay qua lời của Chúa Giê-su giải thích dụ ngôn “giống tốt và cỏ lùng” giúp chúng ta ý thức rằng cuộc sống con người ở trần gian còn đang ở trong tình trạng tranh tối tranh sáng, chỉ khi đến ngày phán xét, mọi sự sẽ trở nên sáng tỏ. Vậy, cứ lo tìm kiếm Nước Trời thì sẽ không bao giờ lầm, vì đó là một bảo đảm cho những ai dám đặt tất cả niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô.

 

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn biện phân được sự thiện ác cùng tồn tại ngay trong chính thân phận làm người của chúng con và ngay trong Hội Thánh Chúa, để chúng con cùng cộng tác với Chúa mà kiên nhẫn và giúp những tội nhân hoán cải trở về với Ngài. Amen.

 

 

THỨ TƯ TUẦN XVII THƯỜNG NIÊN 

 

+ ĐỌC TIN MỪNG: Mt 13,44-46

“Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng. Có người kia gặp được thì liền chôn giấu lại, rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy.

“Nước Trời lại cũng giống như chuyện một thương gia đi tìm ngọc đẹp. Tìm được một viên ngọc quý, ông ta ra đi, bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy”.

 

+ SUY NIỆM

       Hai dụ ngôn “kho báu” và “ngọc quý” mà Tin Mừng hôm nay thuật lại qua lời rao giảng của Chúa Giêsu là một lời mời gọi chúng ta đừng để mất cơ hội khi Nước Thiên Chúa đến.

         Nước Thiên Chúa đó không phải là một chuyện tình cờ, nhưng là một thực tại bị ẩn giấu như kho tàng chôn giấu trong thửa ruộng và như viên ngọc lẫn lộn trong số các loại ngọc giữa chợ đời. Vì thế, phải thao thức đi tìm, biết phân định chọn lựa, dám dấn thân và từ bỏ tất cả để đổi lấy nó.

 

          Dụ ngôn kho báu và viên ngọc quý muốn nói tới sự cao quý tột bực của Nước Trời mà không có thứ giá trị nào sánh bằng. Tựa như khi phát hiện ra kho báu hay tìm được viên ngọc đẹp, người ta bán hết tất cả những gì mình có để tậu cho được, thì khi những ai đã khám phá ra Nước Trời, mọi giá trị người ta từng theo đuổi từ trước đều phải nhường chỗ và họ sẵn sàng đánh đổi tất cả để dành cho được nước ấy.

          Theo cách diễn đạt của dụ ngôn, thì thường là Thiên Chúa “chôn giấu lại” kho tàng sau khi đã chỉ cho chúng ta thấy. Nó chỉ thuộc về chúng ta sau khi đã bền bỉ kiên trì và chịu đựng khổ đau để có khả năng lãnh nhận kho báu ấy.Hình ảnh “kho báu” và “viên ngọc quý” vừa rõ ràng vừa huyền bí. Rõ ràng ở chỗ ai biết giá trị của chúng thì quý hóa, còn huyền bí ở chỗ có nhiều người không biết giá trị tiềm ẩn đó. Nước Trời có đó nhưng mấy ai khám phá ra và mấy ai nhận thấy được giá trị vĩnh cửu để đầu tư đời mình. Kho báu được chôn giấu nên phải tìm kiếm và đào bới, muốn có ngọc đẹp phải bôn ba đây đó tìm mua. Nước Trời là một thực tại siêu việt nên phải vất vả tìm kiếm với cả lòng khao khát và hy sinh.

          Người nông dân biết giá trị của kho tàng dù nó còn đang bị chôn giấu dưới lòng đất sâu, thương gia kia biết giá trị của viên ngọc dù nó còn đang nằm giữa khối đá sù sì xấu xí và lẫn tạp trong tạp hóa. Cũng vậy, giữa đời sống đem đến cho chúng ta đủ mọi loại giá trị, nên cần biết phân định đâu là giá trị vĩnh cửu và đâu là những giá trị chóng qua để đầu tư hay từ bỏ, từ đó nhận ra giá trị vĩnh cửu của Nước Trời dù Nước Trời chưa tỏ hiện rõ ràng trên thế gian.

          Như người kia trong dụ ngôn phải bán tất cả những gì mình có mới đủ tiền tậu thửa ruộng có kho báu hoặc mua viên ngọc quý. Chúng ta cũng phải vứt đi tất cả những thói quen, những thú vui thường xâm chiếm mà không thỏa mãn tâm hồn chúng ta. Trong sóng gió và bão táp cuộc đời, chúng ta phải nhớ đến “kho báu” đã từng được tìm thấy, cho đến khi gặp lại được nó. Thật vậy, có thể người kia đã phải bán cả nhà cửa và mọi tài sản, thậm chí phải mất cả gia đình họ hàng chỉ vì “cái tội” mê viên ngọc đẹp. Cũng thế, chúng ta phải đầu tư trọn vẹn con người với tất cả tài năng trí tuệ, sức lực, thời giờ mới mong chiếm đoạt được Nước Trời. Muốn đón nhận giáo lý của Chúa Giêsu để đạt được hạnh phúc đời đời, đòi hỏi các môn đệ Chúa Giêsu phải từ bỏ tất cả và vượt lên trên những tiếc nuối truyền thống và luật cũ.

 

          Như vậy, thực tại Nước Trời phải được khám phá ra và hiểu đúng. Tất cả các giá trị khác, như gia đình, nghề nghiệp, địa vị xã hội, của cải, tiện nghi, sức khỏe, lợi lộc, thú vui… không phải là những giá trị và tiêu chuẩn tối hậu, nhưng những tiêu chuẩn đó phải được thay thế và nhắm tới mục tiêu vĩnh cửu là Nước Trời. Nước Trời có đó, nhưng là một thực tại đang bị chôn giấu giữa thửa ruộng thế gian, sự sống vĩnh cữu đang ở ngay giữa chợ đời vàng thau lẫn lộn; nên để đạt được Nước Trời là sự sống vĩnh cửu đòi hỏi con người phải lên đường tìm kiếm, phải sáng suốt phân định, phải can đảm dấn thân và phải bỏ lại đàng sau những gì không còn thích hợp cho sự sống mai sau.

 

          Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết coi giá trị cao quý nhất và vĩnh cửu là Nước Trời, vượt trên mọi thứ giá trị trần thế mau qua, để chúng con chỉ lo tìm kiếm Nước Trời ngay trong cuộc sống và khám phá ra cùng đạt được nguồn hạnh phúc Nước Trời ngay trong khi chu toàn phận vụ mà Chúa trao cho chúng con giữa đời sống dương gian này. Amen

 

 

THỨ NĂM TUẦN XVII THƯỜNG NIÊN 

 

+ ĐỌC TIN MỪNG: Mt 13,47-53

 “Nước Trời lại còn giống như chuyện chiếc lưới thả xuống biển, gom được đủ thứ cá. Khi lưới đầy, người ta kéo lên bãi, rồi ngồi nhặt cá tốt cho vào giỏ, còn cá xấu thì vứt ra ngoài. Đến ngày tận thế, cũng sẽ xảy ra như vậy. Các thiên thần sẽ xuất hiện và tách biệt kẻ xấu ra khỏi hàng ngũ người công chính, rồi quăng chúng vào lò lửa. Ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng.

“Anh em có hiểu tất cả những điều ấy không? ” Họ đáp: “Thưa hiểu.” Người bảo họ: “Bởi vậy, bất cứ kinh sư nào đã được học hỏi về Nước Trời, thì cũng giống như chủ nhà kia lấy ra từ trong kho tàng của mình cả cái mới lẫn cái cũ.”    

 

+ SUY NIỆM

Chỉ có một mình thánh sử Mátthêu kể về dụ ngôn “cái lưới” mà chúng ta vừa nghe. Dụ ngôn “cái lưới” này cũng có ý nghĩa tương tự như dụ ngôn “cỏ lùng”, nghĩa là giữa thế gian vàng thau lẫn lộn, giữa biển đời cá tốt cá xấu, giữa cuộc đời người lành kẻ dữ cùng chung sống với nhau và chỉ được Chúa phân định trong ngày ra trước tòa phán xét, để thưởng công hay luận phạt. Ngày đó, như nông dân gom lúa vào lẫm và đốt cỏ lùng, như ngư dân bỏ cá tốt vào rổ và cá xấu vứt đi, thì Thiên Chúa cũng thưởng công Nước Trời hạnh phúc cho kẻ lành và ném vào hỏa ngục những kẻ gian ác tội lỗi.

Khi kể dụ ngôn “cái lưới”, Chúa Giêsu một lần nữa khẳng định có một cuộc phán xét cuối cùng, nhưng phán xét là một bí mật thuộc quyền Thiên Chúa, và cho đến ngày tận thế, cái tốt cái xấu có mặt lẫn lộn nơi mỗi người cũng như trong mọi cơ cấu xã hội loài người. Thiên Chúa để cho mọi sự việc tự nó sáng sủa hơn: cái ác là một phần của mầu nhiệm Thập Giá, nhưng nhờ làm điều thiện và sống trong ánh sáng, người ta sẽ thắng điều ác (x. Rm 12,21).

Khi ngày tận thế đến, số phận của mỗi người sẽ được tách biệt, cũng như số phận thật của những con cá khi mẻ lưới được kéo lên sẽ hoàn toàn tuỳ thuộc vào chất lượng của những con cá ấy. Vì thế, trước khi tấm lưới được kéo lên trong ngày chung thẩm, con người cần phải trở thành những con cá tốt. Số phận đời đời của mỗi người tuỳ thuộc vào chất lượng của cuộc sống hiện tại này. Mọi người tiến về một cuộc phán xét, và sự sống sung mãn sẽ được tặng ban cho những ai ở “trong” Chúa; ngược lại, ai chối từ sự sống chỉ còn biết một số phận vô vọng của hỏa ngục.

Hỏa ngục không phải là một sự trả thù của Thiên Chúa, nhưng là một án công bằng của mọi nhân vị đã tự chọn lấy từ khi còn ở thế giới dương gian. Những kẻ “sa hỏa ngục” chính là những kẻ tự giam mình trong cảnh cô đơn bi đát mà không còn có thể từ bỏ nó nữa; nơi đó họ vừa tự thỏa mãn vừa tự tra tấn với cái xấu của bản thân, họ đã từ chối để được cứu độ thì họ phải xa lìa Đấng muốn cứu họ.

Dụ ngôn cái lưới có mục đích diễn tả lòng kiên nhẫn của Thiên Chúa, Ngài chấp nhận tốt xấu pha trộn, đợi đến ngày cuối cùng Chúa mới lấy quyền phân xử. Trong trần gian cũng như trong Giáo hội luôn có những người xấu  sống bên cạnh những người tốt, cái thiện và cái ác lẫn lộn. Ánh sáng và bóng tối trong thế giới ta đang sống, thiện và ác trong lòng mọi người. Thiên Chúa cho kẻ lành người dữ sống chung với nhau, cũng như để cho cá tốt cá xấu sống chung trong biển cả, đến ngày tận thế Thiên Chúa mới phân xử, mới tách biệt cá tốt ra khỏi cá xấu, người lành khỏi kẻ dữ.

Trong Hội Thánh và nơi mỗi người có một sự pha trộn thánh thiện và tội lỗi, thiện và ác  đó là điều không tránh được. Hội Thánh là thánh thiện tự bản chất, nhưng Hội Thánh cũng có những con người yếu đuối và tội lỗi, và chúng ta,  mặc dầu đã nhậnnhiều ân sủng qua phép Rửa tội cũng có khuynh hướng phạm tội.

Như thế, qua dụ ngôn này, chúng ta đừng có ảo tưởng có một thế giới toàn thiện hay là có thể có một Hội Thánh hoàn hảo ở trên trần gian này, trong đó chỉ toàn những người tốt và thánh thiện. Trái lại, kẻ lành người dữ sống chung với nhau. Thiên Chúa kiên nhẫn chờ đợi cho kẻ dữ biết ăn năn sám hối để được tha thứ.

 

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con ý thức rằng cuộc sống con người ở trần gian còn đang ở trong tình trạng tranh tối tranh sáng, chỉ khi đến ngày phán xét, mọi sự sẽ trở nên sáng tỏ; để chúng con lo tìm kiếm Nước Trời thì sẽ không bao giờ lầm, vì đó là một bảo đảm cho những ai dám đặt tất cả niềm tin vào Chúa. Amen.

 

 

THỨ SÁU TUẦN XVII THƯỜNG NIÊN 

 

+ ĐỌC TIN MỪNG: Mt 13,54-58 

Đức Giê-su về quê, giảng dạy dân chúng trong hội đường của họ, khiến họ sửng sốt và nói: “Bởi đâu ông ta được khôn ngoan và làm được những phép lạ như thế? Ông không phải là con bác thợ sao? Mẹ của ông không phải là bà Ma-ri-a; anh em của ông không phải là các ông Gia-cô-bê, Giô-xếp, Si-môn và Giu-đa sao? Và chị em của ông không phải đều là bà con lối xóm với chúng ta sao? Vậy bởi đâu ông ta được như thế? ” Và họ vấp ngã vì Người. Nhưng Đức Giê-su bảo họ: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình và trong gia đình mình mà thôi.” Người không làm nhiều phép lạ tại đó, vì họ không tin.

 

+ SUY NIỆM

Tin Mừng hôm nay, thánh sử Mátthêu kể chuyện Chúa Giêsu về quê, mang theo những kiến thức rao giảng Lời Chúa và năng quyền chữa bệnh. Bước đầu tưởng chừng như thành công về Lời Rao Giảng, nhưng sau đó được coi như là một thất bại vì sự thành kiến và ghen tị của những người quê hương.

Những người ở quê hương nhìn Chúa Giêsu với cái nhìn đầy thành kiến, vì họ biết quá rõ nguồn gốc nhân loại của Người, là con một bác thợ mộc Giuse nghèo nàn ở Nazareth, học hành chỉ ở trường làng, nhất là trong thâm tâm họ, Đấng “Kitô” phải là con cái trong hoàng tộc, sống nơi thành phố hoa lệ và được học hành nơi các bậc thầy danh giá… Chính vì thế, khi thấy Chúa Giêsu nổi tiếng giảng dạy thì bắt đầu họ gièm pha chê bai.

 

Đây cũng là một thực trạng nơi mỗi quê hương chúng ta, chúng ta thường khinh miệt, yên trí và gièm pha những người con nơi quê hương chúng ta thành công trở về, vì trong chúng ta luôn bị cái tính thành kiến (yên trí) cha này, thầy nọ, soeur kia con ông này bà nọ không ra gì… Ngược lại, một vị nào đó từ nơi khác đến, dù xét về tài năng, về đạo đức, về giảng dạy đôi khi còn thua kém xa một người trong quê hương, thì chúng ta lại rất hồ hởi tung hô vì chúng ta không yên trí – thành kiến gì về họ.

Nhưng đó là một thực trạng mà Chúa Giêsu từng trải qua, thì những người môn đệ của Người cũng thế, hãy biết vui vẻ chấp nhận. Là cha, là thầy, là dì, là Giáo Lý Viên hay các cử nhân đại học… chúng ta hãy vui vẻ chấp nhận và luyện tập đức khiêm tốn…

 

Lại nữa, “gần chùa kêu bụt bằng anh”, khi người Nazareth quá gần gũi nên đã sinh ra lơ là và coi thường. Chúng ta cũng thế, thích đi hành hương nơi này, cầu xin nơi nọ, nhưng ngay nơi giáo xứ mình, chúng ta lại bê trễ việc đến gặp Chúa trong các Thánh Lễ và Giờ Kinh…

 

Lạy Chúa Giêsu, trò không thể hơn thầy, nhưng nếu được bằng thầy thì đã là có phúc. Xin cho chúng con, nếu có phải nếm trải những sự thành kiến, kỳ thị và ghen ghét mà Chúa đã từng trải qua, thì cũng biết vui vẻ khiêm tốn đón nhận, để trong tất cả mọi sự Chúa được vinh danh.

 

 

THỨ BẢY TUẦN XVII THƯỜNG NIÊN 

 

+ ĐỌC TIN MỪNG: Mt 14,1-12

Thời ấy, tiểu vương Hê-rô-đê nghe danh tiếng Đức Giê-su, thì nói với những kẻ hầu cận rằng: “Đó chính là ông Gio-an Tẩy Giả; ông đã từ cõi chết trỗi dậy, nên mới có quyền năng làm phép lạ.”

Số là vua Hê-rô-đê đã bắt trói ông Gio-an và tống ngục vì bà Hê-rô-đi-a, vợ ông Phi-líp-phê, anh của nhà vua. Ông Gio-an có nói với vua: “Ngài không được phép lấy bà ấy.” Vua muốn giết ông Gio-an, nhưng lại sợ dân chúng, vì họ coi ông là ngôn sứ. Vậy, nhân ngày sinh nhật của vua Hê-rô-đê, con gái bà Hê-rô-đi-a đã biểu diễn một điệu vũ trước mặt quan khách, làm cho nhà vua vui thích. Bởi đó, vua thề là hễ cô xin gì, vua cũng ban cho. Nghe lời mẹ xui bảo, cô thưa rằng: “Xin ngài ban cho con, ngay tại chỗ, cái đầu ông Gio-an Tẩy Giả đặt trên mâm.” Nhà vua lấy làm buồn, nhưng vì đã trót thề, lại thề trước khách dự tiệc, nên truyền lệnh ban cho cô. Vua sai người vào ngục chặt đầu ông Gio-an. Người ta đặt đầu ông trên mâm, mang về trao cho cô, và cô ta đem đến cho mẹ. Môn đệ ông đến lấy thi hài ông đem đi mai táng, rồi đi báo cho Đức Giê-su.

 

 + SUY NIỆM

Có lẽ nhiều người trong chúng ta vẫn còn nhớ vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn (ở tỉnh Bắc Giang) bị kết án oan ở tù 10 năm trời (từ tháng 8/2003 đến tháng 11/2013). Vụ án đi vào ngõ cụt khi công an bức cung dùng nhục hình ép ông Chấn nhận tội giết chị Nguyễn Thị Hoan để cướp của). Thế rồi sau 10 năm, anh Lý Nguyên Chung đã ra đầu thú chính anh mới là thủ phạm giết người. Lý Nguyên Chúng sau khi trốn vào Gia Lai, đã thay tên đổi họ và không còn ai biết gì về anh nữa, nhưng rồi bỗng dưng anh lại về đầu thú, chỉ vì lý do 10 năm trời anh không khi nào ăn ngon ngủ yên vì tội lỗi của mình ám ảnh.

Thật đúng như dân gian có câu:

“Hổ giết người hổ lăn ra ngủ

Người giết người thức đủ năm canh”

Cũng thế, vua Hêrôđê vì một chút sỉ diện và ham mê nhục dục đã ra tay giết hại thánh Gioan Tẩy Giả. Bây giờ khi nghe dân chúng đồn đoán Gioan đã sống lại nơi Đức Giêsu thì ông đã phân vân lo lắng vì hành động của mình.

Tin Mừng hôm nay kể lại chi tiết về cuộc “tử đạo” của thánh Gioan Tẩy Giả, làm nổi bật lên ba hình ảnh tương phản nhau, tiêu biểu cho cách sống của chúng ta ngày hôm nay:

 

* Hêrôđê – Bảo vệ danh dự bằng mọi giá.

–   Mặc dù Hêrôđê Antipas này chỉ là một tiểu vương bù nhìn và bị hạn chế quyền hạn bởi Archelaus và Philatô, nhưng là một trong ba người con của Hêrôđê Cả, nên Hêrôđê Antipas cũng có nhiều thân hữu bá quan trong hoàng tộc. Ông đã cưới bà Hêrôđiađê từng là vợ của anh mình là Hêrôđê Philipphê (tiểu vương vùng bên kia sông Gio-đan). Ông bị thánh Gioan Baptista can ngăn việc cưới bà Hêrôđiađê. Cái tội của Hêrôđê Antipas chính là việc để cho mình bị thú vui nhục dục che khuất, loạn luân, rơi vào cái bẫy “mỹ nhân kế” của mẹ con bà Hêrôđiađê bày ra, rồi lỡ miệng thề thốt trong cơn say, cuối cùng để bảo vệ danh dự, ông đã phạm vào tội ác giết người vô tội.

–   Xã hội ngày hôm nay, và cách riêng mỗi người chúng ta, giữa những cám dỗ thế tục lôi cuốn làm cho chúng ta sa ngã, những thú vui nơi các cuộc ăn chơi – tụ điểm múa nhảy, rồi kéo theo những hệ luỵ sau đó không còn kiểm soát được. Rồi một khi, ai đó dám cảnh tỉnh chúng ta, thì thay vì biết quay đầu sửa lỗi, lại tìm các ám hại người nhắc nhở mình, thậm chí sẵn sàng hãm hại người khác để bịt đầu mối và bảo vệ danh dự của mình.

 

* Bà Hêrôđiađê – thủ đoạn hiểm ác của một số người phụ nữ.

–   Bà từng là vợ của tiểu vương Hêrôđê Philipphê (cũng là một trong ba người con của Hêrôđê Cả), do bị thánh Gioan Baptista can ngăn, làm ảnh hưởng đến chuyện tư tình của mình với Hêrôđê Antipas, nên nuôi lòng thù hận và đã bày ra trò “mỹ nhân kế” của cô con gái rồi dùng bàn tay tình nhân để hãm hại người công chính.

–   Không ít những chị em xưa cũng như nay, không ngại dùng nhiều thủ đoạn thậm chí còn tàn độc hơn cả Hêrôđiađê để trả thù những ai dám cản trở những cuộc tình mờ ám hay những việc làm sai trái của mình.

 

 * Thánh Gioan Baptista – Chứng nhân cho sự thật.

–   Đứng trước tội loạn luân của Hêrôđê Antipas và Hêrôđiađê, thánh Gioan Baptista không ngại khiển trách can ngăn, mặc dù biết rằng phải đối diện với cái chết, và ngài đã phải trả giá bằng việc bị trảm quyết.

–   Giữa một xã hội đầy giả dối ngày hôm nay, cùng với lối sống suy đồi đạo đức luân lý, Giáo Hội rần cần những con người dám nói lên sự thật, rất cần những người dám đi ngược dòng bằng việc sống trong sạchh đạo đức…

 

     Lạy Chúa, giữa xã hội ngày hôm nay đầy cám dỗ buông thả và toan tính lọc lừa, xin cho chúng con biết sống tiết độ, xa lánh những lối vui chơi không lành mạnh và đặc biệt dám can đảm làm chứng cho sự thật. Amen

 

Lm. Hiền Lâm

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chúa Nhật XVII TN, B, Ga 6,1-15: Từ những điều bé nhỏ

  TỪ NHỮNG ĐIỀU BÉ NHỎ (2V 4,42-44; Ep 4,1-6; Ga 6,1-15) M. Tân Trang, Vĩnh Phước Sự kiện xảy ra gần biển hồ Galile, lúc sắp đến...

Chúa Nhật XVI, Thường niên, Năm B, Mc 6,30-34: Con chiên –  Mục tử

Chúa Nhật XVI, Thường niên, Năm B, Mc 6,30-3 Con chiên -  Mục tử Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Lời Chúa hôm nay gợi lên cho chúng...

Chúa Nhật XVI TN, B: Tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa

  TÌNH YÊU VÀ LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA FM. Paul Nguyễn, PV Chiêm ngưỡng dung mạo lòng thương xót của Đức Giêsu qua trình thuật...

Chúa Nhật XVI TN, B, Mc 6,30-34: Cần lánh riêng ra một nơi

    CẦN LÁNH RIÊNG RA MỘT NƠI (Mc 6,30-34) M. Pacômiô Nguyễn Sơn Vinh, Phước Hiệp Theo quan niệm của Kitô giáo, con người gồm xác và hồn....

Chúa Nhật XVI TN, B, Mc 6,30-34: “Hãy tìm nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi”

     “HÃY TÌM NƠI THANH VẮNG MÀ NGHỈ NGƠI” (Mc 6,30-34) Đức Minh, Phước Lý Tin Mừng Chúa nhật XVI hôm nay tường thuật về cuộc hội ngộ...

Chúa Nhật XV TN, B, Mc 6,7-13: Thực hiện lệnh truyền của Chúa

THỰC HIỆN LỆNH TRUYỀN CỦA CHÚA (Mc 6,7-13) Lm. Trần Văn Long, Fatima Đôi khi nhìn những người ăn xin, những người tàn tật trên đường phố,...

Lễ thánh Biển Đức, Mt 19,27-29: Con đường đi tới hạnh phúc

CON ĐƯỜNG ĐI TỚI HẠNH PHÚC (Cn 2,1-9; 1Cr 1,26-31; Mt 19,27-29) M. Gioan Tân, Thiên Phước Có thể nói hạnh phúc là mục đích sống và...

Chúa Nhật XIV Thường niên, Năm B, Mc 6,1-6: Kitô hữu – Ngôn sứ giữa đời

Chúa Nhật XIV Thường niên, Năm B, Mc 6,1-6 Kitô hữu - Ngôn sứ giữa đời Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist “Ngôn sứ có bị rẻ rúng...

Chúa Nhật XIV TN, B, Mc 6,1-6: Không nhận ra Chúa

    KHÔNG NHẬN RA CHÚA (Mc 6,1-6) Tùng Linh, Phước Lý Năm 1958, sau khi Đức Giáo Hoàng Piô XII qua đời, các báo chí mô tả ngài...

Chúa Nhật XIII Thường niên, Năm B, Mc 5,21-43: Hai phép lạ của lòng tin

Chúa Nhật XIII Thường niên, Năm B, Mc 5,21-43 Hai phép lạ của lòng tin Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Tin không chỉ là loan tin,...

Chúa Nhật XIII TN, B, Mc 5,21-43: Hai cái đụng

  HAI CÁI ĐỤNG (Mc 5,21-43) M. Bosco, PS Đức tin của con người là yếu tố có thể tác động đến Thiên Chúa. Các phép lạ xảy...

Chúa Nhật XIII TN, B, Mc 5,21-43: “Đừng sợ, chỉ cần tin thôi”

    „ĐỪNG SỢ, CHỈ CẦN TIN THÔI“ (Mc 5,21-43) Đăng Khoa, Phước Lý "Đừng sợ, chỉ cần tin thôi". Đó là lời trấn an của Chúa Giêsu trước...