TN-211-TUẦN XXX-thứ Bảy
ĐƯỢC VINH DỰ
(Rm 11,1A.11-12.25-29 / Lc 14,1.7-11)
VP Duyên Thập Tự Lê Văn Đoàn
Có bao giờ chúng ta dành thời giờ để dừng lại và suy nghĩ về vinh dự được làm Ki-tô hữu không? Có bao giờ chúng ta nhận ra vinh dự Ki-tô hữu là một đặc ân Thiên Chúa thương ban cho chúng ta, trong Chúa Giê-su Ki-tô, nhờ Chúa Thánh Thần, và qua trung gian Giáo Hội không? Có bao giờ chúng ta nghĩ đến ơn gọi làm Ki-tô hữu để cảm tạ Thiên Chúa không? Có bao giờ chúng ta mong ước mình sống một cuộc đời Ki-tô hữu xứng với ơn Thiên Chúa kêu gọi không?
Tôi thiết nghĩ, những câu hỏi trên không là những câu hỏi vụt qua trong tâm trí một khoảng thời gian ngắn, mà chúng phải trở thành những “chất vấn” hầu như mỗi ngày, để những tâm tư, lời nói, hành động và những chọn lựa, cần được thực hiện trong định hướng Ki-tô.
Hai bài đọc hôm nay gợi cho bản thân tôi ý thức hơn về sự kiện tôi “ĐƯỢC VINH DỰ” làm Ki-tô hữu.
1. “XIN MỜI ÔNG BẠN LÊN CHO”
Trong trích đoạn Tin Mừng hôm nay theo thánh Lu-ca chương 14 câu 1 và từ câu 7 đến 11, Chúa Giê-su, nhân dịp dự một bữa tiệc tại nhà một thủ lãnh nhóm Pha-ri-siêu, nhận ra người ta cứ chọn chỗ nhất mà ngồi, nên Chúa kể cho họ một dụ ngôn. Dụ ngôn với nội dung: bạn đừng chọn chỗ nhất, chỗ danh dự nhất, kẻo có người quyền quí hơn bạn và bạn lại bị mời xuống chỗ thấp nhất; trái lại, bạn hãy chọn chỗ cuối, để được đưa lên chỗ vinh dự. Chúng ta không dẫn giải thêm vì quá rõ rồi về cung cách ứng xử về phương diện ngoại giao, lịch sự, nhân bản hoặc tinh thần, thiêng liêng.
Tôi ghi nhận một chi tiết: người mời bạn dự tiệc, đến mời bạn lên. Ở đây, tôi thấy vai trò của người mời dự tiệc – chủ nhà – là quan trọng. Ông trao cho ai vinh dự là do ông. Ông mời lên. Hình ảnh này, trong mối liên hệ với điều đang được suy niệm, đó chính là Thiên Chúa. Thiên Chúa mời chúng ta đi lên, được vinh dự làm Ki-tô hữu. Nghĩa là được đồng bàn với người cao sang nhất, quí phái nhất, là Chúa Ki-tô. Chúng ta được vinh dự mang danh hiệu, tên gọi “Ki-tô”. Đây là vinh dự lớn nhất cuộc đời chúng ta. Vinh dự ấy, Thiên Chúa trao ban cho chúng ta.
Chúng ta thân phận tội lỗi, thấp hèn, nhưng Thiên Chúa đã nhìn thấy và đưa chúng ta lên chức vị này. Chúng ta còn nhớ tâm tình của Mẹ Ma-ri-a khi Mẹ nhìn lại thân phận thấp hèn của mình và nhận ra hành động của Thiên Chúa: “Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới; từ nay, hết mọi đời, sẽ khen tôi diễm phúc. Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn” (Lc 1,48-49). Đó cũng là tâm tình của chúng ta: chúng ta cảm tạ Thiên Chúa đã ban cho chúng ta vinh dự làm Ki-tô hữu. Đây không chỉ là một danh xưng, mà là “căn tính” cuộc đời chúng ta. Vậy, chúng ta cần có thái độ nào trước ân huệ này?
2. “ĐỪNG TỰ CHO MÌNH KHÔN”
Thánh Phao-lô, trong trích đoạn thư Rô-ma chương 11 câu 1a đến 2, câu 11 đến 12 và từ câu 25 đến 29, đề cập đến dân tộc Do Thái của ngài và những Ki-tô hữu gốc dân ngoại. Một số dân Do Thái đã đánh mất cơ hội để tin vào Chúa Giê-su Ki-tô, và nhờ thế mà dân ngoại có cơ may được nghe rao giảng Tin Mừng và được trở thành Ki-tô hữu. Đối với thánh Phao-lô đây là một mầu nhiệm mà ngài giải thích như sau: “Thưa anh em, tôi không muốn anh em chẳng hay biết mầu nhiệm này, để anh em đừng tự cho mình là khôn, đó là: một phần dân Ít-ra-en đã ra cứng lòng cho đến khi các dân ngoại được gia nhập đầy đủ” (Rm 11,25). Đừng tự cho mình là khôn, nghĩa là coi việc trở nên Ki-tô hữu là thành quả công lao của mình, do bản thân mình. Không phải! Đây là tặng ân nhưng không của Thiên Chúa. Chúng ta hẳn còn nhớ lời Chúa cầu nguyện với Chúa Cha: “Lạy Chúa là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng đã mặc khải cho những người bé mọn” (Mt 11,25). Thánh Phao-lô nhắn nhủ hãy tránh thái độ vênh vang kiêu ngạo: “Bạn có gì mà bạn đã không nhận lãnh? Nếu đã nhận lãnh, tại sao lại vênh vang như thể đã không nhận lãnh” (1Cr 4,7). Nhưng, một cách tích cực hơn, khi nhận vinh dự là Ki-tô hữu, chúng ta cảm thấy một sự thôi thúc sống làm sao cho xứng với danh xưng đó.
3. “SỐNG CHO XỨNG VỚI ƠN GỌI”
Thánh Phao-lô, trong thư gửi giáo đoàn Ê-phê-sô đã khuyên các Ki-tô hữu “sống cho xứng với ơn kêu gọi mà Thiên Chúa đã ban cho” (Ep 4,1). Nhưng thế nào đã sống xứng với ơn gọi Ki-tô hữu mà Thiên Chúa đã ban cho? Tôi xin trích đoạn văn mà ngài đã viết với tất cả tâm tình của một người tông đồ dân ngoại: “Anh em hãy ăn ở thật khiêm tốn, hiền từ và nhẫn nại; hãy lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau. Anh em hãy thiết tha duy trì sự hiệp nhất mà Thần Khí đem lại, cũng như anh em đã được kêu gọi để chia sẻ cùng một niềm hy vọng. Chỉ có một Chúa, một đức tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người và trong mọi người” (Ep 4,2-6). Thiết tưởng không cần phải giảng giải hơn, vì quá dễ hiểu và chúng ta đã quen với những điều quan trọng này, những ân huệ của Thiên Chúa ban cho. Chúng ta cần thực hiện những ân phúc đó trong đời sống cụ thể.
Để có thể sống xứng với ơn gọi Ki-tô hữu mà Thiên Chúa ban cho mỗi người chúng ta, điều cần thiết là con người cũ phải chết đi để con người mới được sống, như thánh Phao-lô, cũng trong lá thư này, đã khuyên nhủ: “Anh em đã được nghe nói về Đức Giê-su và được dạy dỗ theo tinh thần của Người, đúng như sự thật ở nơi Đức Giê-su. Vì thế, anh em phải cởi bỏ con người cũ với nếp sống xưa, là con người phải hư nát vì bị những ham muốn lừa dối, anh em phải để Thần Khí đổi mới tâm trí anh em, và phải mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện” (Ep 4,21-24).
Lời Chúa hôm nay tỏ lộ cho chúng ta nhìn thấy và cảm nghiệm vinh dự được “là” Ki-tô hữu. Là Ki-tô hữu, chúng ta đã được “có” những gì cần thiết để một cuộc đời xứng với phẩm giá Ki-tô. Phần chúng ta, hãy hiện thực những gì Thiên Chúa muốn trong Chúa Giê-su Ki-tô và nhờ Chúa Thánh Thần. Chúng ta hãy “làm” Ki-tô hữu cho thật đầy đủ và tiến tới tình trạng con người trưởng thành, tới tầm vóc viên mãn của Đức Ki-tô (x.Ep 4,13).