Thứ hai, 9 Tháng mười hai, 2024

GẦN VÀ XA – Chúa Nhật Tuần XXII TN – Vp. Duyên Thập Tự

TN-149-TN-TUẦN XXII- Chúa Nhật

GẦN VÀ XA

 (Đnl 4,1-2.6-8 / Gc 1,17-18.21b-22.27 / Mc 7,1-8a.14-15.21-23)

VP Duyên Thập Tự Lê Văn Đoàn

Khi suy niệm các bài đọc Lời Chúa của chúa nhật tuần XXII năm B, một ý tưởng chợt đến trong trong tâm trí tôi, đó là “gần” và “xa”. Khi nói đến gần và xa, chúng ta thường có ý nghĩ về sự đối nghịch, đã là gần thì không thể là xa. Nhưng, trong thực tế đời sống, một khoảng cách có thể là gần với những người này, lại trở nên xa với những người khác. Cũng có trường hợp, trong tâm hồn con người, có điều gì đó vừa gần lại vừa xa. Ngay trong đời sống Ki-tô hữu, trong cung cách sống đạo, cũng có điều gì đó vừa gần và cũng vừa xa. Tôi xin chia sẻ với anh chị em một vài suy niệm về ý tưởng “GẦN VÀ XA”.

 1. THIÊN CHÚA Ở GẦN

Điều đầu tiên tôi nhận ra khi đọc các bài Kinh Thánh, đó là hình ảnh của một Thiên Chúa ở gần, một Thiên Chúa ở rất gần.

Trong bài đọc một, trích sách Đệ Nhị Luật chương 4 từ câu 1 đến 2 và từ câu 6 đến 8, ông Mô-sê ngỏ lời với dân chúng qua xác tín: “Phải, có dân tộc vĩ đại nào được thần minh ở gần, như Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, mỗi khi chúng ta kêu cầu Người? Có dân tộc nào được những thánh chỉ và quyết định công minh, như tất cả Lề Luật mà hôm nay tôi đưa ra trước mặt anh em?”. Khi nói những lời này, ông Mô-sê đã mời gọi dân, xuyên qua việc cầu xin và việc thực hành Lề Luật, khám phá ra sự gần gũi của Thiên Chúa với dân. Thiên Chúa ở rất gần khi dân cầu nguyện và cũng rất gần khi Người trao ban các thánh chỉ, lệnh truyền. Điều đó muốn khẳng định rằng “Thiên Chúa có lòng” với dân. Tấm lòng của Thiên Chúa là “nghe” và “ban”: nghe lời cầu xin và ban những phúc lành, là ban Lề Luật. Như vậy, những điều luật, những thánh chỉ là nơi diễn tả tấm lòng của Thiên Chúa. Và một khi dân thực thi các thánh chỉ và quyết định của Người, dân sẽ “được”, được vào chiếm hữu Đất Hứa.

Trong bài đọc hai, trích thư thánh Gia-cô-bê chương 1 từ câu 17 đến 18, câu 21b và từ câu 22 đến 27, thánh nhân nêu lên một khẳng định hết sức quan trọng giúp chúng ta khám phá ra sự hiện diện gần gũi của Thiên Chúa: “Anh em thân mến, mọi ơn lành và mọi phúc lộc hoàn hảo đều từ trên, đều tuôn xuống từ Cha là Đấng dựng nên muôn tinh tú… Người đã tự ý dùng Lời chân lý mà sinh ra chúng ta…”. Trong xác tín này, hai điều tốt lành phát xuất từ Thiên Chúa là mọi ơn lành phúc lộc và Lời chân lý, nối kết Thiên Chúa với chúng ta. Thiên Chúa là Cha chúng ta, một Thiên Chúa ở gần khi Người là tác nhân của mọi ơn lành, là nguồn của mọi phúc lộc; đồng thời Người là Đấng ban phát Lời chân lý làm cho chúng ta được sống. Nơi đây diễn tả tấm lòng của Thiên Chúa Cha.

Như vậy, chúng ta có thể nói rằng Thiên Chúa gần gũi chúng ta qua ân huệ của Người: đó là ân phúc và Lời của Người. Như vậy, để có thể sống và cảm nhận sự gần gũi của Thiên Chúa, chúng ta cần “gần” Người. Nhưng đâu là cách thức để gần Người?

 2. GẦN HAY XA THIÊN CHÚA?

Trong trích đoạn Tin Mừng theo thánh Mác-cô chương 7 từ câu 1 đến 8a, từ câu 14 đến 15 và từ câu 21 đến 23, Chúa Giê-su nói về vấn đề sạch và uế, để trả lời một số người Pha-ri-siêu và kinh sư trách các môn đệ Chúa cứ để tay ô uế mà dùng bữa. Nhân dịp này, khi giải thích về sạch và uế, Chúa đụng đến vấn đề quan trọng hơn, đó là cách thức thờ phượng Thiên Chúa. Chúa trả lời những người Pha-ri-siêu và kinh sư: “Ngôn sứ I-sai-a thật đã nói tiên tri rất đúng về các ông là những kẻ đạo đức giả, khi viết rằng: Dân này kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta. Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích, vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân.” Rồi Chúa nói tiếp: “Các ông gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa, mà duy trì truyền thống của người phàm”.

Trong câu trả lời của Chúa, chúng ta nhận ra hai yếu tố “gần và xa” đan chen nhau. Trước hết, cách thức thờ phượng của họ là gần trong lời nói nhưng xa nơi cõi lòng. Nghiã là, khi họ làm việc thờ phượng Thiên Chúa, miệng họ nói yêu mến Người, tôn kính Người, nhưng tâm hồn của họ ở xa, nghĩa là không gắn bó với Người. Tâm hồn xa Thiên Chúa, thì có nói yêu Thiên Chúa, chỉ là giả tạo. Yêu mến phải nơi tấm lòng là trước hết và quan trọng nhất. Nếu việc thờ phượng Thiên Chúa vừa là gần lại vừa là xa – gần ở miệng, xa ở lòng -, thì chỉ là thứ “đạo đức giả”: giả cả nơi miệng lưỡi, vì đã giả nơi tấm lòng. Tiếp đến, cách thức dạy người khác thờ phượng Thiên Chúa, mà lại gạt bỏ giới răn của Thiên Chúa – là xa ý muốn của Thiên Chúa – để theo ý định của người phàm – là gần với tham vọng phàm nhân -, thì chỉ gây nên lộn xộn và đảo lộn tất cả trật tự. Và đó là thứ gây nên sự lệch lạc. Trong việc thờ phượng Thiên Chúa – nếu muốn là một sự thờ phượng chân thật – phải có tấm lòng gắn bó với ý muốn của Thiên Chúa, gắn bó với điều Người mong muốn. Thờ phượng chân thật là nơi gặp gỡ của hai ý muốn trở thành một, duy nhất. Điều đó chúng ta cũng nhận ra khi chúng ta yêu mến một ai đó: phải có tâm hồn yêu mến diễn tả qua việc đáp lại ước muốn của người đó.

Còn thánh Gia-cô-bê, trong trích đoạn thư, đã đưa ra một sự gần gũi với Thiên Chúa, đó là “nghe” và “thực hành”. Ngài nói: “Anh em hãy đón nhận lời đã được gieo vào lòng anh em; lời ấy có sức cứu độ linh hồn anh em. Anh em hãy đem lời ấy ra thực hành, chứ đừng nghe suông mà lừa dối chính mình”. Chúng ta ghi nhận là Lời Thiên Chúa được gieo vào lòng, là nơi gần gũi nhất với chúng ta. Nếu chỉ nghe với đôi tai thể lý – nghĩa là đôi tai gần lời – mà không để cho lời đến tận lòng dạ, thì Lời Chúa còn ở xa lắm, xa lòng. Hơn nữa, trong cụ thể, việc thực hành Lời Chúa phải từ tấm lòng dẫn đến hành động, thì mới đúng là Lời Chúa gần với chúng ta, gần trong chính cuộc sống. Nếu Lời Chúa chỉ dừng lại đôi tai thể lý – với việc nghe suông -, thì Lời Chúa vẫn ở xa, vẫn chưa có tác động.

Như vậy, điều cần thiết đối với chúng ta trong việc thờ phượng Thiên Chúa, đó là “lòng kề lòng”: lòng của Thiên Chúa gần kề lòng chúng ta; lòng chúng ta gần kề lòng Thiên Chúa. Lúc đó mới là thờ phượng, là cầu nguyện, là cuộc gặp gỡ thân tình giữa hai trái tim yêu thương nhau. Và việc thờ phượng Thiên Chúa cần được diễn tả trong sự gần gũi với Lời Người để cho Lời Chúa gần gũi với cuộc sống cụ thể. Đó là cuộc sống gần gũi với Thiên Chúa và đồng thời gần gũi với tha nhân.

 3. GẦN HAY XA THA NHÂN?

Thánh Gia-cô-bê đưa ra một tiêu chí của lòng đạo đức tinh tuyền và không tỳ ố, khi ngài quả quyết: “Lòng đạo đức tinh tuyền và không tỳ ố trước mặt Thiên Chúa Cha, là viếng thăm cô nhi quả phụ lâm cảnh gian truân, và giữ mình khỏi vết nhơ của thế gian”. Nơi đây, chúng ta nhận ra hai cách diễn tả lòng đạo đức, nghĩa là sự gần gũi với Thiên Chúa: đó là gần với những cảnh đời khổ đau, và xa tinh thần thế gian.

Thánh Gia-cô-bê nêu lên hoàn cảnh của “cô nhi quả phụ lâm cảnh gian truân”. Cô nhi quả phụ là những con người cô đơn không có nơi nương tựa về nhiều phương diện, vật chất cũng như tinh thần; và hơn thế nữa, họ lại lâm vào cảnh gian truân, nghĩa là hoàn cảnh đau thương của họ nhân lên gấp đôi hay nhiều lần. Viếng thăm là gì, nếu không phải là gần gũi. Gần gũi là điều quan trọng đầu tiên, vì đó là sự đến với, sống với, chia sẻ với… Chính sự gần gũi mới giúp khám phá ra những nhu cầu nơi họ để trợ giúp. Nếu gần gũi Thiên Chúa trong sự thờ phượng Người, thì cũng phải diễn tả sự gần gũi đó bằng sự gần gũi với những người khổ đau. Đây là chứng từ sống động của những ai có lòng đạo đức tinh tuyền, một lòng đạo đức của cái “tâm”. Trong thời đại dịch Covid này, chúng ta được chứng kién và nghe biết những cái “tâm” đã chạm đến cuộc sống của bao anh chị em khổ đau.

Đồng thời, thánh Gia-cô-bê cũng nêu lên yếu tố “xa”: xa những thứ làm cho mình nhiễm uế với những vết nhơ của thế gian, nghĩa là những thứ làm đồi bại tâm hồn và cuộc sống. Vậy đâu là những thứ ô uế đó?

Trong trích đoạn Tin Mừng, Chúa Giê-su nói đến những thứ phát xuất từ lòng người làm cho ô uế: “Đó là tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tị, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng”. Ai trong chúng ta cũng có khả năng thẩm định những thứ Chúa nêu lên là xấu xa và gây hại cho bản thân và cho người khác. Những thứ đó làm ô nhiễm tâm hồn, cõi lòng, sau đó làm ô uế đời sống khi chúng phát tán ra ngoài. Một tâm hồn xa Thiên Chúa, xa những gì tốt lành, thì cũng xa những gì làm nên cuộc sống lành mạnh cho bản thân và người khác. Trái lại, khi xa những thứ đó, thì lại gần với bản thân và gần với tha nhân.  Chúng ta cần trái tim tinh tuyền, cõi lòng sạch trong, thì mới có thể xây dựng xã hội trong sạch và những tương giao trong sáng. Lòng chúng ta phải sạch, thì mới biến đổi những gì trong chúng ta và quanh chúng ta nên sạch trong.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta thẩm định cho chính xác đâu là điều tạo nên trong sạch và gây ra ô uế. Ý niệm “GẦN VÀ XA” không những là những phạm trù để tư duy, mà chính là phương thức để chọn lựa và hành động. Gần ai, gần điều gì, tạo nên trong sạch và gần ai gần điều gì gây nên ô uế. Xa điều gì tạo nên trong sạch và xa điều gì lại gây nên ô uế. Ước mong mỗi chúng ta, qua ánh sáng Lời Chúa, thực hiện một sự thờ phương Thiên Chúa trong chân thật và xây dựng tha nhân, xã hội trong sáng và yêu thương.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội (Lc 1,26-38) Trở nên vô nhiễm giữa thế giới “ô nhiễm”

Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội (Lc 1,26-38) Trở Nên Vô Nhiễm Giữa Thế Giới “Ô Nhiễm” Lm. Gioan Lasan Ngô Văn Vỹ. O.Cist Giữa bầu...

Lễ Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội – Mầu nhiệm tội lỗi

  LỄ MẸ VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI MẦU NHIỆM TỘI LỖI Lm. Montfort Phạm Quốc Huyên, Châu Sơn Đơn Dương Hôm nay, chúng ta suy niệm về con...

Chúa Nhật II Mùa Vọng C (Br 5,1-9; Pl 1,4-6.8-11; Lc 3,1-6) Để Chúa đến trong cuộc đời

Chúa Nhật II Mùa Vọng C (Br 5,1-9; Pl 1,4-6.8-11; Lc 3,1-6) Để Chúa Đến Trong Cuộc Đời Lm. Gioan Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Lời Chúa trong Chúa...

9/12 – Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội

    ĐẶC ÂN VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI (Lc 1,26-38) M. Bảo Hạnh, Phước Lý Phụng vụ Giáo Hội bước vào tuần thứ hai Mùa Vọng, thời gian...

Chúa Nhật II MV, C, Lc 3,1-6: Cách chuẩn bị cho Chúa đến

    Cách chuẩn bị cho Chúa đến (Pl 1,4-6.8-11; Lc 3,1-6) M. Bosco, Phước Sơn      Chuẩn bị đón Chúa chính là ý nghĩa của mùa Vọng....

Chúa Nhật I Mùa Vọng, C, Tỉnh thức

    Tỉnh thức (Gr 33,14-16; 1Tx 3,12 - 4,2; Lc 21,25-28.34-36) M. Anges, Phước Thiên      Thời gian là quà tặng Thiên Chúa ban cho chúng ta....

Ngày 24-11, Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam: Phải chăng tử đạo vì chán đời?

  Ngày 24-11, Lễ Các Thánh Tử Đạo Tại Việt Nam Phải Chăng Tử Đạo Vì Chán Đời? Lm. Gioan Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Hôm nay, toàn...

Mừng kính các thánh Tử Đạo Việt Nam, Lc 9,23-26

MỪNG KÍNH CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Mừng kính các tử đạo Việt Nam là dịp...

Chúa Nhật XXXIV, Thường Niên B (Đn 7,13-14; Kh 1,5-8; Ga 18,33-37) Đức Giêsu Kitô Là Vua?

Chúa Nhật XXXIV, Thường Niên B (Đn 7,13-14; Kh 1,5-8; Ga 18,33-37) Đức Giêsu Kitô Là Vua? Lm. Gioan Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Theo quan niệm thông...

Chúa Nhật XXXIV TN, B, Ga 18,33b-37: Vua Tình Yêu 

  Vua Tình Yêu  (Ga 18,33b-37) M. Phan Sa, PV      Những tuần qua, thế giới đã theo dõi ngày bầu cử tổng thống Mỹ khá thú...

Lễ các thánh tử đạo Việt Nam: Tình yêu tự hủy – con đường của người môn đệ

  Các thánh tử đạo Việt Nam 25/11 TÌNH YÊU TỰ HỦY – CON ĐƯỜNG CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ (Lc 9,23-26) M. David, VP Khác với Tin Mừng theo...

Chúa Nhật XXXIV TN, Lễ Chúa Giêsu Kitô – Vua Vũ Trụ

  Vương Quyền của Đức Kitô (Ga 18,33b-37) M. Andre Kim Taegon Chu Văn Thường, Phước Hiệp Vào Chúa Nhật cuối năm Phụng vụ, Giáo hội cử...