Giáng Sinh 2019
GIÁNG SINH: HIỆN DIỆN, TÌNH THÂN, HÒA NHỊP ĐẤT TRỜI
Viện Trưởng Đaminh Savio CSNQ
Chúng ta đã nhiều lần trong cuộc đời mừng Lễ Chúa Giáng Sinh. Mỗi lần mừng lễ, là một lần mới nữa chúng ta nhận được ân sủng đặc biệt của Chúa cho tâm hồn. Chúng ta chiêm ngắm, thấy gì và sống tâm tình nào trước mầu nhiệm Giáng Sinh cao cả? Giáng Sinh, Chúa hiện diện gần gũi thân tình. Giáng Sinh, sống mối tình thân con người, mở ra hòa nhập đất trời.
1. Giáng sinh: Chúa hiện diện, gần gũi thân tình
Giáng sinh – hiện diện gần gũi vì Chúa đi vào lịch sử và lệ thuộc thời gian, không gian của con người. Thiên Chúa đấng vô thủy vô chung, hiện hữu từ đời đời, nhưng trong Đức Giesu Giáng Sinh, Thiên Chúa đã đi vào lịch sử hữu hạn của con người. Thánh Luca tường thuật Tin Mừng cho biết, Chúa Giáng sinh xảy ra vào thời Augusto làm Hoàng Đế và Quirino làm Tổng Trấn xứ Xyri… Ngài sinh ra nơi hang Belem trong thành vua Đavit.
Giáng Sinh – hiện diện, gần gũi, vì Chúa hạ mình bằng gốc phận của con người. Thiên Chúa là Đấng toàn năng, ánh sáng bởi ánh sáng, Thiên Chúa Thật bởi Thiên Chúa Thật, ngự trên chốn cửu trùng, nhưng Ngài đã nhập thể làm người, đã trở nên một hài nhi nhỏ bé, yếu hèn ở giữa con người.
Giáng sinh, hiện diện, tình yêu thân thiện vì Chúa chọn phẩm giá thấp hèn như con người. Thiên Chúa là sự giầu sang, vinh quang, danh dự và ân sủng dư đầy, nhưng trong Đức Giesu giáng sinh đã trở nên một trẻ nhỏ nghèo hèn trơ trụi. Tin Mừng thuật lại cuộc giáng sinh của Đức Giêsu: “Bà Maria đến ngày mãn nguyệt khai hoa. Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con rồi đặt nằm trong máng cỏ…”
Chúa Giêsu giáng sinh đã trở nên hiện diện, thân thiện nhất với con người. Giáng Sinh, Noel, Emmanuel, có nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Khoảng cách huyền nhiệm cao vời giữa Thiên Chúa và con người đã được rút ngắn lại. Con người thụ tạo thấp hèn, xa lạ với Chúa đã được tiến đến gần, trở nên thân quen, được nhìn xem, tiếp xúc và đụng chạm tới Chúa. Chính thánh Gioan đã cảm nhận điều này khi viết: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và đã cư ngụ giữa chúng tôi. Chúng tôi đã nhìn thấy vinh quang của Người…Chúng tôi đã thấy tận mắt… và tay chúng tôi đã đụng chạm tới Lời Sự Sống” (x.Ga1,14; 1Ga 1,1).
Vâng, không chỉ là thánh Gioan xưa mà hôm nay bất cứ là ai cũng có thể đến được với Chúa giáng sinh. Một em bé, dù chưa đủ trí khôn có thể tiến lại gần bên máng cỏ vui chơi với Chúa Hài Nhi. Một người nhà quê thất học mù chữ, người không cùng niềm tin Kito cũng đến được với Chúa giáng sinh để thổ lộ tâm tình, để cùng đồng ca, vũ khúc mừng Chúa giáng sinh ở bất cứ nơi đâu, tại gia đình, nơi công trường, phố thị. Họ nhờ và qua ngày Lễ Chúa Giáng Sinh, mùa Giáng Sinh, gửi cho gia đình, bạn bè, người thân những tấm thiệp với thông điệp nhỏ ‘Merry Christmas – Chúc mừng Giáng Sinh‘.
Ngày nay, lễ Giáng Sinh đã phổ biến khắp nơi và được gần như cả thế giới đón nhận. Tính đến nay toàn thế giới có tất cả 204 quốc gia, nhưng chỉ còn năm quốc gia là Ả-rập-Xê – út, Bắc Hàn, Somalia, Tajikistan và Brunei là cấm mừng Lễ Giáng Sinh. Quả thực, Giáng Sinh đã mang đến sự hiện diện đất trời, hòa điệu của của vũ trụ vạn vật và sự nối kết tình thân con người.
2. Làm Hang Đá – Máng Cỏ Giáng Sinh
Để cho tâm tình ngày lễ Giáng Sinh dễ thấm nhập vào tâm hồn và cuộc sống, Đức Thánh Cha dạy chúng ta thực hiện một việc đơn giản: ‘làm một hang đá máng cỏ nhỏ’. Ngài gọi đó là cái nôi sống động của Tin Mừng tạo nên cuộc sống chúng ta khắp mọi nơi: Nhà ở, trường học, công xưởng, nơi làm việc, trung tâm cộng đồng, bệnh viện, các phòng khám bệnh, nhà tù và quảng trường.
Làm Hang đá – máng cỏ để sống thân thiện với Chúa- với đất trời. Chiêm ngắm những nhân vật trong hang đá, chúng ta thấy có Chúa Hài Nhi tay giang rộng, có Đức Mẹ – Thánh Giuse, có ca đoàn Thiên Sứ trên trời loan tin, có ánh sao chỉ đường, có ba vua, có mục đồng, có bò lừa chiên cừu, hang đá. Đó là hình ảnh tuyệt đẹp nhắc nhở chúng ta về sự hiện diện sống động của Thiên Chúa giữa chúng ta. Thiên Chúa qua Hài Nhi Giesu nhỏ bé với đôi tay giang rộng đang ôm ấp chúng ta và toàn nhân loại trong vòng tay nhỏ bé của Ngài. Đó cũng là hình ảnh thật đẹp ý nghĩa về sự thân thiện hòa nhập đất trời. Chúa hiện diện giữa ta và ta được ở sát bên Người. Người mở ra trong ta, ta mở ra với Người và hòa nhập vạn vật, thiên nhiên đất trời.
Làm một hang đá máng cỏ để sống tình thân thiện, liên đới với người nghèo. Nhìn ngắm hang đá-nôi hèn của Chúa, chúng ta thấy mọi sự đều nhỏ bé, nghèo khó. Một gia đình nhỏ bé, những con người nhỏ bé, hang đá, máng cỏ, chuồng bò… tất cả đều nhỏ bé, đơn nghèo. Thiên Chúa đã chọn cách này để nhập thể, khởi sự công trình cứu chuộc của Ngài. Điều đó cho thấy, thế giới chúng ta đang thuộc về phần đông vẫn là những người nghèo. Bởi vậy, Thiên Chúa đứng về phía người nghèo, tin mừng nhập thế vì và cho người nghèo. Thật là ý nghĩa khi Giáng Sinh là cơ hội thuận lợi nhất để chúng ta sống tình liên đới với người nghèo, những người bất hạnh, chia sẻ những ước mơ và những bận tâm của họ trước viễn tượng vươn tới một cuộc sống hạnh phúc và được sống xứng với phẩm giá người hơn.
Làm một hang đá máng cỏ và chiêm ngắm để sống tình thân gia đình, cộng đoàn. Chiếc nôi hang đá là một Tin Mừng của nếp sống cộng đoàn, gia đình, ở đó mọi người sống niềm vui, chia sẻ những âu lo, sự hòa điệu cuộc sống thường ngày. Đối với những người Kito hữu và cách riêng là các gia đình Âu Mỹ, Giáng Sinh là cũng ngày lễ của gia đình. Ngày lễ, mọi người xa gần quy tụ về, ôn lại và tạo dựng kỷ niệm. Mọi người đã biểu lộ tình cảm đặc biệt với nhau khi trao nhận những món quà kỷ vật đẹp nhất. Đức Thánh Cha, qua sứ điệp từ chiếc nôi hang đá giáng sinh, nhắc chúng ta về bữa ăn gia đình:”Những bữa ăn chúng ta chia sẻ cho nhau trong gia đình mà ở đó, trung tâm chính là Chúa Giêsu, bánh hằng sống từ trời xuống, mang đến cho gia đình chúng ta“.
Làm một hang đá- máng cỏ để tạo bầu khí thân hữu hòa bình. Giáng Sinh là sứ điệp hòa bình:”Vinh danh Thiên Chúa trên trời, hào bình dưới thế cho người thiện tâm“, Chúa Giêsu Giáng Sinh là ‘Hoàng Tử Hòa Bình’. Hang đá với những nhân vật như Đức Mẹ – Thánh Giuse, các mục đồng, đều là những con người hiếu hòa, chân quê mộc mạc. Các súc vật chiên bò lừa, rồi các vật như máng cỏ, rơm rạ, đèn cày…Tất cả đều là vật chứng, lời chứng, khí cụ của hòa bình thân thiện. Giữa một thế giới mà vũ khí chiến tranh vẫn tiếp tục được sản xuất hàng ngày, rồi hình ảnh bạo lực xâm nhập vào cuộc sống và trái tim tâm hồn chúng ta, Chúng ta hãy nên nhân chứng và khí cụ hòa bình. Đừng ai gây bạo lực trong ngôn từ, cử chỉ hành động để gây chia rẽ, bất hòa, bất công cho người khác. Đừng ai tạo ra nguyên lý của mần mống chiến tranh và hận thù. Mừng Giáng sinh là tạo dựng hòa bình thân hữu. Chiến tranh ác liệt đang diễn ra giữa quân đội Anh và Đức ở thế chiến thứ nhất. Vào đêm Giáng sinh năm 1914, quân đội Đức thắp nên trên chiến hào của mình và trên những cay thông noel rồi hát bài thánh ca – Đêm Thánh Vô Cùng. Ở bên kia chiến hào, quân đội Anh tưởng quân đội Đức tấn công thì sẵn sàng khí giới nghinh chiến. Nhưng khi thấy tiếng bài thánh ca Đêm Thánh. Họ đã buông khí giới và hòa cùng hát lên bài thánh ca. Bầu khí Giáng Sinh an hòa lan tỏa. Cả hai bên đã ngưng chiến và Giáng sinh năm đó là ngày của hòa bình, tình bằng hữu. Họ tự do đi lại hai bên và trao đổi thức ăn, thuốc và trao tặng nhau những món quà kỷ niệm gia đình.
Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Chí Linh đã phát biểu trong cuộc gặp gỡ Giáng Sinh 2019 với chính quyền Huế: “Trong Kinh thánh có nhắc đến giấc mơ đoàn kết các Dân tộc, mọi màu da sắc tộc. Đó chính là giấc mơ một Đại gia đình nhân loại không ranh giới, một xã hội không phân biệt thành phần, lý lịch hay quá khứ, chung sống hòa bình, liên đới và đoàn kết. Đó cũng là giấc mơ của tất cả mọi người chúng ta. Bên cạnh nhau liên hoan mừng giáng sinh, chúng ta tạo nên hình ảnh tuyệt vời của một Thừa Thiên Huế và một Quảng Trị thân thiện, tình cảm và hài hòa. Lịch sử có đã làm chúng ta ngộ nhận, hiểu lầm, nghi kỵ nhau. Noen là lễ của bình an, chúng ta ngồi lại với nhau để cùng hòa hợp, đồng thuận để mọi người cảm thấy hạnh phúc ở bên nhau, cho nhau và vì nhau“.
Mừng Lễ Chúa Giáng Sinh, hãy dựng nên một ‘hang đá- máng cỏ nhỏ‘ để làm sống động, tươi mới sự hiện diện gần gũi với Chúa. Chúng ta hãy mời Chúa Giêsu đến ở trong hang đá là cõi lòng chúng ta, là gia đình, là cộng đoàn, Giáo Hội, xã hội và thế giới chúng ta. Có Ngài ở đó, hiện diện, sẽ tạo được bầu khí ấm áp, tình huynh đệ thân thiện và làm tái tạo lại cho chúng ta sự sống, sự hòa điệu cuộc sống và nền hòa bình mới, dài lầu, viên mãn.