Thứ Năm, 25 Tháng Tư, 2024

GIỌT NƯỚC VÀ BIỂN CẢ

CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG NĂM B

GIỌT NƯỚC VÀ BIỂN CẢ

Đan Viện Phước Hải

Mỗi lần ra biển, chúng ta thấy biển bao la, rộng lớn, vĩ đại dường nào! Biển tập hợp nước của muôn con sông. Sông tập hợp nước của muôn con suối, kênh rạch… Có biết bao dòng nước mới tạo nên biển, mà mỗi dòng nước nhỏ lại là tập hợp của biết bao giọt nước nhỏ li ti. Vào Chúa Nhật thứ IV mùa Vọng hôm nay, để chuẩn bị tinh thần cho tín hữu đón mừng đại lễ Chúa Giáng Sinh, Giáo Hội đã dọn cho chúng ta bữa tiệc lời Chúa thịnh soạn khi cho chúng ta chiêm ngắm tình yêu bao la vô bờ của Thiên Chúa dành cho nhân loại này như biển cả vậy. Còn chúng ta chỉ là những giọt nước nhỏ li ti mà Thiên Chúa đoái thương nhìn đến.

  1. Tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại qua vua David.

Đoạn trích sách (2Sm 7,1-5.8b-12.14a.16) đã thuật lại một câu chuyện thật đẹp: “Khi vua David được yên cửa yên nhà và Đức Chúa đã cho vua được thảnh thơi mọi bề, không còn thù địch nào nữa.” (2Sm 7,1), thì nhà vua liền nghĩ tới chuyện sẽ xây cho Thiên Chúa một ngôi đền thờ để kính Ngài. Cái bầu khí bình an và ước vọng cao đẹp mà David có được ở đây cũng nên là bầu khí, tâm tình và ước vọng đẹp của mỗi chúng ta trong mùa vọng này để chuẩn bị chào đón Con Chúa giáng trần sắp tới.

David nói với ngôn sứ Nathan “ông xem, tôi được ở nhà bằng gỗ bá hương, còn Hòm Bia Thiên Chúa thì ở trong lều vải.” (2Sm 7,2). Vua David đã có một trực giác rất nhạy bén, tinh tế và chính xác về tình yêu của Thiên Chúa dành cho ông. Vì vậy, ông đã nảy ra ước muốn xây cho Thiên Chúa một ngôi đền. Chúng ta thấy cảm động trước thái độ và ước muốn đẹp của David dành cho Thiên Chúa, đó giống như tâm tình của một đứa con hiếu thảo đối với cha mẹ mình.

Chúng ta cảm động vì thấy David đã chủ động muốn xây nhà cho Thiên Chúa, chứ không phải ông  nghe Thiên Chúa truyền lệnh xây nhà cho Ngài. Thực ra, chúng ta phải cảm động hơn nữa trước tình yêu của Thiên Chúa dành cho ông. Vì không phải David đã đi bước trước mà chính thiên Chúa đã yêu thương đoái nhìn, yêu thương và chăm lo cho ông, trước khi ông nghĩ đến Ngài. Khởi đầu đoạn sách trên có nói, nhà vua được yên cửa yên nhà là nhờ Đức Chúa đã cho vua được thảnh thơi mọi bề, và không còn kẻ thù nào gây chiến với vua (x. 2Sm7,1), và “Chính Ta đã cất nhắc ngươi, từ một kẻ lùa chiên ngoài đồng cỏ, lên làm người lãnh đạo dân Ta là Israel. Ngươi đi đâu, Ta cũng đã ở  với ngươi; mọi thù địch ngươi, Ta đã diệt trừ cho khuất mắt ngươi. Ta sẽ làm cho tên tuổi ngươi lẫy lừng, như tên tuổi những bậc vĩ nhân trên mặt đất.” (2 Sm 7,8b-9). Thiên Chúa đã làm biết bao nhiêu chuyện to tát cho David, nếu Ngài không đoái nhìn đến ông thì ông đâu có được như ngày hôm nay: vinh quang, uy quyền, danh tiếng, nhiều vợ đẹp, con khôn, đất nước giàu có, sung túc, thái bình thịnh trị… Hay ta có thể nói rằng, thái độ và ước muốn phụng sự Thiên Chúa, xây nhà cho Chúa của David chẳng qua chỉ là một phản xạ có điều kiện, nhận ơn thì phải biết ơn, được yêu thì phải đáp bằng tình yêu, ân tình đền đáp ân tình đấy thôi.

Tuy nhiên, ta cũng không nên xem thường thái độ, tình yêu và lòng quảng đại của thánh vương David chỉ như một phản ứng mang tính tự nhiên, vì chính chúng ta cũng chưa chắc gì có được cảm tình và thái độ như Ngài, trong khi chúng ta đây cũng đã nhận biết bao nhiêu hồng ân từ Thiên Chúa từ lúc thụ thai cho tới giờ này… mà chưa chắc gì ta đã hiểu được hoặc nhận ra những ân huệ ấy, lắm lúc ta còn ăn cháo đái bát, trách móc, chê trách Chúa khi gặp phải điều không như ý…Đó là tính yếu đuối và giới hạn của con người, chúng ta làm sao có thể sánh tình yêu nhân loại bé nhỏ, hèn mọn với tình yêu Thiên Chúa rộng lớn bao la được. Ánh sáng lập loè của chú đom đóm nhỏ sao có thể sánh ví với ánh sáng chói chang của ông mặt trời? Chúng ta cứ yêu Chúa với tất cả con người chúng ta, với tất cả con tim, sức lực, linh hồn mà chúng ta có được (x. Mc 12,30), rồi phó thác mọi sự cho Chúa, xin Ngài bổ túc cho những gì chúng ta còn thiếu sót. Chúng ta không bao giờ được thất vọng, bi quan về tình yêu của chúng ta đối với Thiên Chúa. Hiển nhiên là chúng ta không bao giờ có thể yêu Thiên Chúa nhiều như Chúa đã yêu thương ta, và chúng ta lại thường xuyên phạm tội mất lòng Ngài. Nhưng hãy cứ an tâm, tình yêu Thiên Chúa rộng lớn như biển cả thì sức chịu đựng và lòng kiên nhẫn của Ngài đối với chúng ta cũng to lớn không kém. Một muỗng muối nhỏ mà cho vào một cái cốc nước thì đã thấy nó mặn chừng nào và không thể uống nổi; ấy vậy mà có đổ mấy xe muối xuống biển thì nó cũng chẳng mặn hơn chút nào. Thiên Chúa kiên nhẫn chịu đựng chúng ta vì yêu thương chúng ta. Nhưng đừng vì thế mà chúng ta ỷ lại, cứ chai lỳ trong dịp tội, cứ lần lữa hết lần này đến lần khác mà không mau mắn quay về với Ngài. Thời gian thì có giới hạn, đời người cũng chỉ có lúc, đừng đợi tới lúc quá trễ thì không còn kịp làm gì nữa. Mùa Vọng cũng là thời gian giúp chúng ta dọn dẹp và chuẩn bị tâm hồn để đón Chúa, hãy bước ra khỏi bóng tối để đi vào miền ánh sáng diệu huyền của Thiên Chúa.

Ngoài sức chịu đựng và kiên nhẫn, ở đây ta còn khám phá một đặc tính đặc biệt của tình yêu Thiên Chúa, đó là tính hy sinh, quên mình vì người mình yêu. Một tình yêu đích thực thì không bao giờ được thiếu điều này. Chính David đã nhận ra điều này và nó thôi thúc ông muốn làm gì đó để đáp đền tình yêu Thiên Chúa đối với ông (x. 2Sm 7,2)

David muốn xây nhà cho Chúa, một ngôi đền thờ vật chất bằng gỗ đá, một ngôi nhà cùng lắm chỉ tồn tại được ít năm rồi sẽ có lúc sụp đổ, còn Thiên Chúa lại hứa cho ông những gì lớn lao vĩ đại hơn nhiều “Đức Chúa sẽ lập cho ngươi một nhà. Khi ngày đời của ngươi đã mãn và ngươi đã nằm xuống với cha ông, Ta sẽ cho dòng dõi ngươi đứng lên kế vị ngươi – một người do chính ngươi sinh ra, và Ta sẽ làm cho vương quyền của nó được vững bền. Đối với nó, Ta sẽ là cha, đối với Ta, nó sẽ là con. Trước mặt Ta, nhà của ngươi và vương quyền của ngươi sẽ muôn đời bền vững, và ngai vàng của ngươi sẽ được củng cố đến muôn đời.” (2 Sm 7,11-11b-12.14a.16). David muốn xây cho Chúa một ngôi đền thờ bình thường để kính Ngài, còn Thiên Chúa lại là ngươi xây dựng và củng cố triều đại của ông. Ngài không chỉ chăm lo cho ông trước khi ông lên ngai vàng, lúc ông đang ngồi trên ngai, mà còn tính đến chuyện tương lai, đến hậu duệ của ông sau này khi ông đã mất “Ngài bao bọc con cả sau lẫn trước, bàn tay của Ngài, Ngài đặt lên con” (Tv 139,5). Thiên Chúa chăm lo cho ông cả quá khứ, hiện tại lẫn tương lai, nhờ ông mà con cháu đời sau của ông cũng được hưởng lây ân huệ của Thiên Chúa. Thiên Chúa còn thiết lập tình nghĩa phụ tử với nhà của ông, một tình yêu cao trọng, vô vị lợi và cao quí nhất mà con người có thể có được. Hậu duệ gần nhất của David theo lời hứa là vua Salomon mà chúng ta đã biết qua Kinh Thánh, và mãi sau này lời hứa đó vẫn tiếp tục trải dài cho dẫu con cái David đời  sau đã nhiều lần bất trung, bội phản Thiên Chúa, không còn đi theo đường lối của tổ tiên nữa. Nhưng Thiên Chúa không bao giờ quên lời mình đã hứa. Đến thời sau chót này, Ngài đã gởi chính con một yêu dấu là Đức Giêsu Kitô xuống làm người thuộc dòng dõi David để cứu độ dân Ngài theo như lời đã hứa.

Đức Giêsu có nói “Anh em hãy cho, thì s được Thiên Chúa cho lại. Người ta sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy” (Lc 6,38) Quả thực, cái đấu mà chúng ta đong cho Thiên Chúa và tha nhân chỉ là cái đấu tí hon, nghèo mạt của bà goá nghèo, còn cái đấu Thiên Chúa đong cho ta lại là cái đấu khổng lồ, giàu có của một Đấng giàu có, khổng lồ.

Tình yêu của Thiên Chúa đối với David to lớn thật, nhưng không phải là một tình cảm thiên tư mà nó lại xuất phát từ tình yêu phổ quát Thiên Chúa dành cho nhân loại, cụ thể là dân Thiên Chúa: “Ta sẽ cho dân Ta là Israel một chỗ ở, Ta sẽ định cư chúng, và chúng sẽ ở luôn tại đó, chúng sẽ không còn run sợ, và quân gian ác cũng không còn tiếp tục áp bức chúng như thuở ban đầu.” (2 Sm 7,10).

Vì vậy tình yêu đó vừa rất riêng tư, rất cá vị, đối với mỗi người không ai giống ai, với Abraham thì khác với Môsê, khác với David, khác với Salomon,…Tất cả những nhân vật quan trọng xuất hiện trong lịch sử cứu độ của dân Chúa, đều là những đại diện của Chúa để chăm sóc dân Ngài, và sau cùng, gần gũi với chúng ta nhất, trong thời Tân Ước này, Thiên Chúa đã đến với nhân loại và ở giữa loài người qua một phụ nữ chất phác, bé nhỏ là Đức Trinh Nữ Maria.

  1. Tình yêu Thiên Chúa đối với nhân loại qua Đức Maria.

Những gì Thiên Chúa đã làm cho David thật lớn lao dường nào, nhưng những gì Thiên Chúa làm cho Đức Maria còn kỳ diệu và lớn lao hơn nữa. Có lẽ trong số con cái loài người không ai được hưởng ân huệ to lớn và lạ lùng như thế.

Thiên Chúa đã sai rất nhiều sứ giả đến loan báo về tin mừng cứu độ, nhiều thủ lãnh tài đức để lãnh đạo dân Chúa, thậm chí vào thời chót này, Ngài cũng đã chuẩn bị một tạo vật xứng đáng là nơi cư ngụ cho người Con Chí Ái đến để cứu nhân độ thế, đó chính là cung lòng Đức Trinh Nữ Maria, người mà hôm nay được sứ thần viếng thăm và ca ngợi là “Đấng đầy ân sủng”. Không giống như suy nghĩ loài người, thích chọn cho con cái mình một nơi cư ngụ đầy đủ, sung túc, một danh gia vọng tộc nào đó để nó được sướng thân, vinh thân… Nhưng Thiên Chúa lại để con mình nhập thể trong cung lòng một thôn nữ nghèo khó tại một miền quê hẻo lánh Nazareth, một con người bé nhỏ tầm thường nơi vùng đất nghèo nàn chẳng có tiếng tăm gì nổi bật lại là nơi được Thiên Chúa chọn lựa. Chẳng lẽ Thiên Chúa lại hạ nhục con mình, vùi dập vinh quang của Đức Kitô trong đám bùn đen loài người sao? Ồ không, đường lối và tư tưởng của Thiên Chúa không giống như con người (x. Is 55,8-9). Thiên Chúa  từ vút trên cao hạ thân xuống thế làm người là để đưa nhân loại lên cùng Thiên Chúa. Sự khiêm nhường là một đặc tính khác của tình yêu, thánh Gioan Thánh Giá cũng cho rằng, tình yêu đồng hoá những người yêu nhau, khiến cho họ nên giống nhau. Vì yêu thương con người mà từ địa vị Thiên Chúa cao sang, Thiên Chúa lại để con mình mặc lấy xác phàm loài người để cứu độ nó. Thiên Chúa không ở trên cao rồi chỉ ngó xuống nhân loại ở dưới thấp này nhưng Ngài muốn đích thân đi xuống cùng nó để tìm cách cứu nó. Vì khi yêu người ta thích ở gần người mình yêu, đồng cam cộng khổ với nhau. Vì yêu, Thiên Chúa bất chấp nhân loại lấm lem tội lỗi, bội phản Ngài, Ngài muốn cứu nó bằng mọi cách có thể được. Tình yêu khiến Thiên Chúa có sáng kiến để cứu con người. Đức Maria chính là sáng kiến của Thiên Chúa, một tạo vật vô tỳ tích, hoàn hảo, trong sáng, đẹp đẽ, đầy lòng kính sợ Chúa… xứng đáng cho Con Ngài ngụ thân giáng trần.

Để cứu độ con người, Thiên Chúa không dùng quyền để áp đặt con người vào cái thế đã rồi phải chịu, nhưng Ngài tôn trọng sự tự do của con người khi sai sứ giả đến ngỏ lời với Đức Maria, hỏi ý kiến Mẹ. Nếu không có tiếng “fiat” (xin vâng) của mẹ, sẽ chẳng bao giờ chúng ta có được Đức Giêsu đến ở cùng nhân loại để cứu độ chúng ta. Đây là một đặc tính khác của tình yêu Thiên Chúa, cho người mình yêu có sự tự do để chọn lựa, để sống, chứ không áp đặt, không cưỡng bức, không dùng sức mạnh mà chiếm đoạt… như một số kiểu tình yêu của nhân loại mà chúng ta thường gặp.

Thật là khó hiểu và không thể chấp nhận được chuyện “Này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai” trong khi “tôi không biết đến việc vợ chồng” nếu như Mẹ không có đức tin và không đặt nền tảng cuộc đời mình nơi Thiên Chúa. Mẹ xứng đáng không bởi sự hiền dịu nết na, đoan trang thục nữ, mà còn bởi Mẹ là người đầy lòng kính sợ và tín thác nơi Thiên Chúa, Mẹ là số còn sót lại trong Israel vẫn luôn trung thành giữ vững đức tin và niềm cậy trông vào Thiên Chúa cứu độ.

Lời nói của thiên sứ “Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua David, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Giacop đến muôn đời và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận” (Lc 1,32-33) có những điểm tương đồng với lời Thiên Chúa đã hứa với vua David xưa kia cho thấy Đức Giêsu minh thị là người được hứa ban, người sẽ thực hiện điều Thiên Chúa đã hứa (x. 2 Sm 7,11-11b-12.14a.16). Và Thiên Chúa là Đấng luôn trung tín với lời đã hứa, lời Người đã phán thì không bao giờ Người rút lại, lời hứa của thiên Chúa cũng bền vững như chính sự tồn tại của Ngài. Ta có thể gọi đây là đặc tính chung thuỷ của tình yêu, mà người phàm ít ai có được.

Đức Maria không đòi cho mình một dấu chỉ để có thể tin như việc ông Dacaria đã làm khi được sứ thần truyền tin về sự thụ thai của Gioan Tẩy Giả (x. Lc 1,5-25), nhưng chính vì tình yêu vô bờ của Thiên Chúa vượt trên cả ước mong của con người và cũng là một ơn an ủi để hỗ trợ niềm tin của con người nơi thiên Chúa, sứ thần nói với Mẹ “Kìa bà Elisabeth, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng, vì đối với Thiên Chúa, không có gì  là không thể làm được.” (Lc 1,36-37). Thật không dễ dàng gì để có thể đón nhận một mầu nhiệm lớn lao dường ấy nếu Thiên Chúa không tinh tế, ưu ái mà hỗ trợ cho đức tin của con người. Đức tin và niềm vui như oà vỡ trong lòng người trinh nữ khiến Mẹ phải thốt lên: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Người thực hiện cho tôi như lời sứ thần nói.” (Lc 1,38). Quả thực, Thiên Chúa cũng rất tâm lý và tinh tế khi không để Đức Maria một thân một mình ôm ấp và giữ gìn cái mầu nhiệm quá cao vời và thẳm sâu ấy, nhưng đã để cho một người phụ nữ khác, một người chị họ rất tốt lành và thánh thiện của Mẹ cũng được hưởng một ân huệ khá đặc biệt tựa như thế khi cưu mang một người con trai trong lúc tuổi đã xế chiều, để qua đó bà chị cũng hiểu để đồng cảm và chia sẻ tâm tình với cô em họ.

Để ca ngợi mầu nhiệm tình yêu vĩ đại mà Thiên Chúa đã dành cho con người, được thực hiện nơi Đức Giêsu ngang qua cuộc đời Đức Maria, thánh Phaolô tông đồ đã nhắc tới trong đoạn kết bức thư của Ngài gởi cho giáo đoàn Roma: “Vinh danh Thiên Chúa, Đấng có quyền năng làm cho anh em được vững mạnh theo Tin Mừng tôi loan báo, khi rao giảng Đức Giêsu Kitô. Tin Mừng đó mặc khải mầu nhiệm vốn được giữ kín tự ngàn xưa, nhưng nay lại được biểu lộ như lời các ngôn sứ trong Sách Thánh.. mầu nhiệm này được thông báo cho muôn dân biết, để họ tin mà vâng phục Thiên Chúa… Kính dâng Người mọi vinh quang đến muôn thuở muôn đời, nhờ Đức Giêsu Kitô. Amen” (Rm 16,25-27).

Lên non mới biết non cao

Ra biển mới biết biển dạt dào, bao la

Tình Chúa thương ta biết bao

Kinh Thánh rành rành, muôn đời còn ghi.

 Lạy chúa, xin chúc tụng Ngài vì biết bao nhiêu ân huệ cao vời Ngài đã ban cho nhân loại, cũng như từng người chúng con, nhất là hồng ân cứu độ, xin giúp chúng con biết quảng đại hết mình để cộng tác với ơn Chúa.Amen.

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chúa Nhật IV Phục Sinh, Năm B, Ga 10,11-18: Chúa Giêsu – Mục Tử của các mục tử

Chúa Nhật IV Phục Sinh, Năm B, Ga 10,11-18 Chúa Giêsu Mục Tử Của Các Mục Tử Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Để diễn tả mối...

Chúa Nhật IV PS, B, Ga 10,11-18: Đan sĩ với sứ vụ mục tử

CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH ĐAN SĨ VỚI SỨ VỤ MỤC TỬ (Cv 4,8-12 ; 1 Ga 3,1-2 ; Ga 10,11-18) M. Mazzarello, CĐ Phước Thiên Phụng vụ...

Chúa Nhật III Phục Sinh Năm B, Lc 24,35-48: Chúa Kitô luôn hiện diện giữa chúng ta

Chúa Nhật III Phục Sinh Năm B, Lc 24,35-48 Chúa Kitô Luôn Hiện Diện Giữa Chúng Ta Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Sau khi hai môn đệ...

Chúa Nhật III Phục Sinh, B, Lc 24,35-48: Có Chúa đồng hành trong cuộc đời

CÓ CHÚA ĐỒNG HÀNH TRONG CUỘC ĐỜI (Lc 24,35-48) Tùng Linh, Phước Lý Bài Tin Mừng hôm nay thánh Luca tường thuật cho chúng ta việc Đức...

Ngày 25/3, Lễ Truyền Tin: Lc 1,26-38: Xin Mẹ dạy con hai tiếng “Xin Vâng”

Ngày 25/3, Lễ Truyền Tin: Lc 1,26-38 Xin Mẹ Dạy Con Hai Tiếng “Xin Vâng” Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Đọc Kinh Thánh, chúng ta thấy mỗi...

Lễ Truyền Tin – Lời đáp Xin vâng, chương trình cứu độ được thực hiện

Lời đáp Xin vâng, chương trình cứu độ được thực hiện (Lc 1,26-38) Đaminh Hạnh Lê Văn Chương, Phước Hiệp Trước khi suy niệm về ngày Lễ...

Chúa Nhật II – Kính Lòng Chúa Thương Xót, Ga 20,19-31: Chúa ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời

Chúa Nhật II – Kính Lòng Chúa Thương Xót, Ga 20,19-31 Chúa Ấp Ủ Tôi Suốt Cả Cuộc Đời Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Tin Mừng hôm...

Chúa nhật II Phục Sinh: Niềm tin của ông Tôma và niềm tin của chúng ta

CHÚA NHẬT II PS - B NIỀM TIN CỦA ÔNG TOMA VÀ NIỀM TIN CỦA CHÚNG TA (Ga 20,19-31)   Lm. Vĩnh Nghiêm, An Phước Không có điều gì...

Chúa Nhật Phục Sinh, Ga 20,1-9: Chúa đã sống lại thật, Alleluia!

Chúa Nhật Phục Sinh, Ga 20,1-9 Chúa Đã Sống Lại Thật Alleluia Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Đọc các bài báo về những vụ án hình sự...

Chúa Nhật Phục Sinh, Ga 20,1-9: “Chúa Giêsu đã chiến thắng tử thần, Người đã phục sinh”

“CHÚA GIÊSU ĐÃ CHIẾN THẮNG TỬ THẦN, NGƯỜI ĐÃ PHỤC SINH” (Ga 20,1-9) Vp. Bảo Tịnh, Phước Lý  Chúa Giêsu đã phục sinh. Đó là trọng tâm...

Chúa Nhật Lễ Lá, Năm B, Mc 14,1-15,47: Chúa Giêsu đã chết một cái chết đau đớn trong tâm hồn

CHÚA GIÊSU ĐÃ CHẾT MỘT CÁI CHẾT ĐAU ĐỚN TRONG TÂM HỒN (Mc 14,1-15,47)  M. Galgano Trần Quốc Toàn Tin mừng hôm nay tường thuật cho chúng...

Chúa Nhật Lễ Lá, Năm B, Mc 14,1-15,47: Tình trung tín – Tình phản bội

Chúa Nhật Lễ Lá, Năm B, Mc 14,1-15,47 Tình Trung Tín - Tình Phản Bội Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Thiên Chúa luôn yêu thương con người...