Giuse – Gương Khiêm Nhường
M. Anton Trần Văn Nhâm, PV
Khi nói đến thánh Giuse chúng ta nghĩ ngay đến một vị thánh sống khiêm nhường, âm thầm, luôn vâng theo ý Chúa trong mọi hoàn cảnh dù xét về mặt lý trí nhiều khi chẳng hiểu được.
Trong bốn sách Tin Mừng chỉ có Mathieu và Luca kể lại những chi tiết có liên quan đến thánh Giuse. Tin Mừng Mathêu, có bốn lần: thứ nhất trong gia phả, thứ hai báo mộng về việc Đức Maria mang thai bởi Chúa Thánh Thần, thứ 3, báo mộng để đem hai Nhi và mẹ Maria trốn Herode, thứ 4, báo mộng trở về Nazareth vì Herode đã băng hà.
Tin Mừng Luca thêm, Giuse đưa vợ là Mẹ Maria về Bethléhem để khai báo dân số, đưa Chúa Giesu dâng vào đền thờ, lạc mất Ngài trong đền thờ lúc 12 tuổi. Như vậy chỉ có 7 lần thánh Giuse được nói đến trong Tin Mừng.
Trong những lần này, Thánh Giuse cho thấy ngài luôn vâng phục thánh ý Chúa, dù không hiểu rõ, nhưng đón nhận với đức tin mãnh liệt. Sự khiêm tốn vâng phục ấy còn được thể hiện qua việc tuân giữ các luật lệ tôn giáo và truyền thống, mỗi năm đưa gia đình lên Jerusalem, con đường đi bộ khoảng 140km, đi và về hết cả nữa tháng.
Linh đạo chính yếu của hội dòng chúng ta mà cha Tổ Phụ đã chọn sống là: “noi gương gia đình Thánh Gia”, trong tháng 3 này chúng ta cần sống theo gương khiêm nhu của thánh Giuse.
* Theo từ ngữ, humilité hay humilitas, humaine nó bắt nguồn từ chữ humus là đất, là chất được phân huỷ từ cỏ cây và động vật tạo thành chất dinh dưỡng và độ ẩm cho đất và cây trồng, từ này đồng nghĩa với humanus là con người, nếu hiểu theo kinh thánh là con người được tạo dựng từ bụi đất.
Từ này gợi cho cho chúng ta ba ý nghĩa:
Thứ nhất nhắc lại cho chúng ta là tạo vật được Thiên Chúa sáng tạo từ đất ;
Thứ hai, bản chất của chúng ta là thấp hèn, hư vô, nay hiện hữu mai không còn.
Thứ ba, như mảnh đất tốt nó được hình thành từ sự phân huỷ của cỏ cây và xác động vật, nghĩa là từ sự chết đi cho chính mình để trở nên tươi mới và phong nhiêu, điều này chúng ta gặp trong cách nói của Phaolo, chết cho con người củ để sống theo con người mới trong Đức Kito (Ep 4,22).
Như thế, sống khiêm nhường không có nghĩa là chịu khó chấp nhận cho qua việc, hay là cách nhún nhường khéo léo để lấy lòng người khác, hoặc tôi khôn ngoan giỏi, nhưng tôi tỏ ra là “ngu dốt, khù khờ”, điều tôi làm được nhưng tôi không làm, để người khác làm, vì tôi khiêm nhường. Công việc và trách nhiệm tôi luôn khiêm và nhường anh em làm; nhưng quyền lợi thì never, không bao giờ. Tại sao anh nọ, anh kia có hay được mà tôi lại không?
Trước người khác luôn nói tôi là thân sâu bọ, nhưng khi vì vô ý hây cố tình người ta chưởi hoặc xúc phạm một chút thì biết tay sâu, lúc ây lộ rõ bản chất không phải sâu mà là nhím, xù lông, phù mỏ, phản ứng một cách hết sức là kich liệt, không khác giang hồ là bao. Người ta gọi sự khiêm nhường ấy là: một sự khiêm tốn bằng bốn tự kiêu!
Đó chưa phải là bản chất thật của sự khiêm nhường. Để có được sự khiêm nhường cần trải qua những tiến trình từ bỏ, bỏ đi những gì mình đã xây dựng trên những chuẩn mực trần tục, như danh vọng, tiền của, lợi thú… để trở về bản chất thật trơ trụi của mình, là đất, bụi tro, là hư không, trống rỗng. Tôi không còn phải là tôi, phật giáo gọi là tâm vô tâm hay vô ngã. Đối với phật giáo tu đến cảnh giới này đã là một sự giác ngộ, đạt được sự tự do thênh thang, nhưng với kito giáo, đây mới là bước khởi đầu cho đời sống thiêng liêng.
Vì một khi đạt đến sự trống rỗng, thoát ra được những ảo tưởng của cái tôi, của sự kiêu ngạo, ở đó chúng ta được nghỉ ngơi vui sướng trong sự sâu thẳm của sự tự hạ mình, cũng chính nơi đó chúng ta chiêm ngưỡng được sự lớn lao kỳ diệu của Thiên Chúa như vịnh gia thốt lên : Con người là chi? Chỉ là cát bụi, hư vô, tựa hơi thở chóng qua, vậy mà Chúa không bỏ mặc trong cõi âm ty, Ngài đã kéo con ra khỏi vực sâu lòng đất và Ngài thương cứu sống (Tv 144,3-4). Khiêm nhường là sự nhận biết mình trước Thiên Chúa và đem đến sự gặp gỡ.
Chúng ta chỉ thực sự khiêm nhường khi sự khiêm nhường đó giúp ta gặp Chúa và Chúa cũng chỉ gặp ta ở chỗ khiêm nhường. Thế nên François Courel khẳng định trong cuốn Doctrine spirituelle: Căn bản của sự khiêm nhường là sự nhận biết Thiên Chuá.
Đây là điều chúng ta chiêm nghiệm được nơi chính thánh Giuse, đời sống khiêm nhường của ngài đã chạm được Thiên Chuá nên ngài được chọn giữa muôn người nam làm bạn trăm năm Đức Maria và là cha nuôi của Chúa Giêsu. Trong giấc mơ và qua từng biến cố cuộc đời, thánh Giuse gặp được Thiên Chúa và thực thi ý muốn của Ngài.
Như thánh Giuse, chúng ta thỉnh thoảng cũng có mơ, nhưng mơ toàn tào lao thiên địa, chứ chẳng gặp được Chúa, vì ta chưa có được sự khiêm nhường đích thật.
Trong cuốn lâu đài nội tâm, ở phòng thứ nhất thánh Thérèse d’Avila viết : Trong khi chiêm ngắm sự lơn lao của Thiên Chúa, chúng ta khám phá ra sự yếu hèn của mình; Khi nhận thấy sự tinh tuyền của Thiên Chúa, chúng ta nhận ra sự ô uế và tội lỗi của mình ; Khi nhận ra sự khiêm hạ của Chúa, chúng ta nhận ra sự khiêm hạ của mình thật xa vời đối với Thiên Chúa.
Trong những ngày mùa chay, chúng ta hãy chiêm ngắm sự khiêm hạ của Đức Giêsu, Ngài đã tự hạ trở nên trở nên thân phận nô lệ (Pl 2,7). Đức Kitô là thầy của sự khiêm nhường, Ngài kêu gọi chúng ta hãy học với Ngài vì Ngài có lòng hiền hậu và khiêm nhường trong lòng (Mt 11,29-30), học với Ngài là cùng sống như Ngài, chết như Ngài qua mầu nhiệm thập giá.
Đây là ý nghĩa của mùa chay mà chúng ta khởi đầu sống trong năm nay.
Chính Thiên Chúa vì yêu đã khiêm hạ làm người rốt hết trong hạng người để hẹn gặp chúng ta ở đó, trong khi chúng ta lại đi tìm người ở ngoài chúng ta. Đó là kinh nghiệm của Augustino, Chúa ở trong con, nhưng con lại đi tim Chúa ngoài con (Confession quyển X, chương 27).
Ông Giakeu trèo lên cây cao để gặp Chúa, nhưng Chúa lại bảo ông tuột xuống đưa Chúa về căn nhà tội lỗi của ông, ở đó Chúa gặp gỡ và ông đã trở nên khiêm hạ, nhận ra sai trái của mình và hứa đền bù gắp bốn.
Giakeu đã làm được điều đó vì ông đã gặp được Chúa, ông gặp được hạnh phúc thật, nên ông vui vẻ đánh đổi tất cả, ông trở nên khiêm nhường, nhưng một sự khiêm nhường trong kiêu hãnh, hãnh diện.
Cộng đoàn thân mến, ngày tĩnh tâm đầu mùa chay và trong suốt tháng Thánh Giuse, chúng ta cùng nhau sống đức khiêm nhường, trở về với con người thật thấp hèn của mình, không phải để thất vọng hay tự ty, nhưng chính từ nền tảng căn bản này chúng ta xây dựng con người mới với sức mạnh và tình yêu Chúa, lúc bấy giờ chúng ta mới nói được như thánh Phaolo, “tôi có là gì cũng là nhờ ơn Chúa”, giờ đây thật hạnh phúc để nói, tôi tự hào vì chính những yếu đuối, thấp hền của tôi, vì trong cái yếu, cái không của tôi quyền năng Thiên Chúa được tỏ hiện (2Cr 12,9-10), giờ đây tôi nhận ra rằng “tất cả là hồng ân” do Chúa thương ban, chúng ta chỉ là người quản lý.
Đời sống khiêm hạ thực ra là con đường thần hoá (déification), con đường nên thánh, giúp ta gặp Chúa. Thánh Biển Đức hiểu chiếc thang trong giấc mơ của Jacob, Ngài nói, kiêu ngạo là đi xuống, khiêm nhường là đi lên. Đi lên trong nhân cách, trong tình bác ái, vì ai cung yêu kẻ khiêm nhường ghét kẻ kiêu căng ; đi lên gặp Chúa, lên thiện đàng, lên đón nhận mối phúc Chúa hứa cho những ai nghèo hèn, khiêm nhú vì Nước trời là của họ. Amen