Suy niệm Chúa Nhật IV Mùa Chay – Năm A
Nếu con mắt là cửa sổ tâm hồn thì mù quả là một nỗi bất hạnh và người mù từ lúc mới sinh lại bất hạnh biết chừng nào. Chắc họ chẳng có chút khái niệm gì màu sắc, cảnh vật. Ánh sáng đối với họ lại là một cái gì đó quá xa với, không chút ý niệm. Thế giới trước mặt họ, sau lưng họ và chung quanh họ chỉ là bóng tối bao quanh. Nếu có một điều ước chắc hẳn họ sẽ ước được nhìn thấy ánh sáng. Họ cần ánh sáng biết chừng nào!
Thiên Chúa – Đấng thấu suốt tâm hồn, cả những ước muốn thầm kín của con người và cũng để quyền năng của Người tỏ hiện. Đức Giê-su khi ra khỏi đền thờ, Ngài và các môn đệ thấy một người mù từ lúc mới sinh. Các môn đề – những người sống trong truyền thống Do thái cho rằng ở đâu có sự dữ ở đó tội lỗi cũng đang lấp ló ẩn núp – nên họ đã hỏi thầy của mình: “Thưa Thầy! Ai đã phạm tội khiến người này sinh ra đã bị mù, anh ta hay cha mẹ anh ta?”. Đức Giê-su trả lời: “Không phải anh ta, cũng không phải cha mẹ anh ta đã phạm tội. Nhưng chuyện đó xảy ra là để các việc của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh”. (Ga 9, 2-3). Nói thế không có nghĩa sự dữ đến từ Thiên Chúa, vì nơi Thiên Chúa không có một chút bóng tối nào. (x. Ga1,5). Nhưng khi sự dữ xảy đến cho con người, khi con người đã sức cùng lực kiệt, chính lúc đó con người mới biết cậy trông và nhận ra chỉ Thiên Chúa mới là Đấng toàn năng. Họ nhận ra Thiên Chúa hiện hữu.
Sau khi trả lời cho các môn đệ, Đức Giê-su chữa lành anh mù, bằng cách nhổ nước miếng xuống đất, trộn thành bùn, bôi lên mắt và sai anh đến hồ Si-lô-ác để rửa. Anh mù đã làm theo và được sáng. Qua một quá trình chữa lành (bôi bùn lên mắt, đi rửa và được sáng), anh mù được sáng mắt. Từ quá trình chữa lành thể lý, Chúa Giê-su đưa anh đến một hành trình khác. Từ khởi điểm là chẳng biết Đức Giê-su là ai, vì anh vẫn còn mù. Tất cả những gì anh biết chỉ là một danh Giê-su nào đó – người đã chữa lành anh mà thôi. Từ cái biết mơ hồ này, anh tiến thêm những bước mới. Anh đã can đảm tuyên nhận Đức Giê-su trước mặt những người thù nghịch với Đức Giê-su, hết lời dụ dỗ, ngăm đe và cuối cùng là mắng nhiếc và hù dọa anh. Nhưng dù có bị trục xuất khỏi hội đường anh vẫn tuyên nhận Đức Giê-su mà không lay chuyển. Sau cùng khi gặp lại Đức Giê-su, khi được hỏi: “Anh có tin con người không?” Anh đã sấp mình trước mặt Đức Giê-su và thưa: “Thưa Ngài! Tôi tin”. Tất cả những bước đi trên làm nên hành trình đức tin. Hành trình đi từ bóng tối qua miền ánh sáng.
Trong khi anh mù từ lúc mới sinh được chữa lành, được sáng cả thể lý lẫn tâm hồn, thì những người Pha-ri-sêu sáng mắt lại ngày càng tối tăm. Họ nói: “Chúng ta đây, chúng ta biết ông ấy là người tội lỗi”. (Ga 9, 24). Họ mù vì hám danh vọng, quyền lợi, vì ghen ghét… Sự mù lòa tâm linh của những người Pha-ri-sêu cũng nhắc nhớ cho chúng ta nhiều kiểu mù trong thế giới ngày nay:
Thói ích kỷ làm chúng ta bị mù, không nhìn thấy những nhu cẩu của người khác.
Tính không nhạy cảm làm chúng ta bị mù, trước những vết thương mà chúng ta đang gây ra cho người khác.
Thói màu mè dị hợm làm chúng ta bị mù, không nhìn thấy tất cả mọi người đền có nhân phẩm như nhau.
Tính kiêu ngạo làm chúng ta bị mù, trước những tội lỗi của mình.
Thành kiến làm chúng ta bị mù trước sự thật.
Lối sống hối hả làm chúng ta bị mù, không nhìn thấy vẻ đẹp của thế giới chung quanh.
Vật chất làm chúng ta bị mù, trước những giá trị tinh thần.
Sự nông cạn làm chúng ta bị mù, không nhìn thấy những giá trị đích thực của con người, và gây ra nơi chúng ta thói xét đoán theo vẻ bên ngoài.
Chúng ta không chỉ thấy bằng đối mắt. Chúng ta còn có thể “nhìn thấy” bằng trí óc, tính thần và trí tưởng tượng nữa. Một đầu óc hẹp hòi, một tinh thần nhỏ mọn, một trí tưởng tượng nghèo nàn, tất cả đưa dẫn chúng ta đến cái nhìn thiếu sót, làm đen tối cuộc sống, và làm cho thế giới bị thu hẹp lại. (Flor McCarthy, Phụng Vụ Lễ Trọng Và Chúa Nhật, Năm A, DOMINICAN PUBLICATIONS, tr 147).
Những kiểu mù này đúng là một thảm họa, thảm kịch, vì nó làm đau khổ những người xung quanh và dẫn chính chủ nhân của nó xuống vực thẳm. Như McCarthy đã nói: “Người ta cho rằng thảm kịch lớn lao nhất không phải là bị mù bẩm sinh, mà là vẫn có mắt, mà không nhìn thấy được. Nhưng lại còn có một tình trạn tệ hại hơn, đó là có mắt, mà không muốn nhìn. Đó là trường hợp của những người Pha-ri-sêu. (ibid).
Ước mong những thảm kịch đó đừng xảy đến cho chúng ta. Để nó không xảy đến, nhất thiết chúng ta phải là những người có đôi mắt sáng, nếu có được cả con mắt thể lý lẫn tâm hồn- đó điều tốt đẹp nhất. Nhưng khi không có con mắt thể lý sáng, nhất thiết phải có con mắt đức tin, mắt tâm hồn sáng. Để chúng ta có thể nhìn trong cái nhìn của Chúa, trong con mắt của Chúa, nhận ra đâu là giá trị thực cuả mọi sự vật, hiện tượng và con người. Nhất là trước những sự dữ, chúng ta không nhìn đó là ai đã gây ra, nó đến từ đâu, nhưng nhìn bằng con mắt đức tin của Thánh Gia-cô-bê. Chúng ta lấy những hành động, lấy những sự thiện để làm dịu bớt những sự dữ, tăng thêm những sự thiện để sự dữ bị dập tắt. Vì theo Thánh Augustino: “Sự dữ là tình trạng thiếu vắng sự thiện”. Hơn nữa, trước những sự dữ, khi chúng ta làm những điều thiện, giảm bớt sự dữ, đó cũng chính là lúc chúng ta góp phần làm cho quyền năng của Thiên Chúa tỏ hiện. Vì Thiên Chúa là nguồn Chân – Thiện – Mỹ. Và đương nhiên “con mắt” tâm hồn, đức tin của chúng ta ngày càng sáng tỏ hơn. Như Thánh Augustio đã từng nói: “Nếu bạn thấy bác ái là bạn thấy Thiên Chúa Ba Ngôi”.