HÃY SỬA ĐỔI TÂM HỒN MÌNH TRƯỚC ĐÃ
Lc 6,39-45
M. Stêphanô Lưu Văn Thuyết –TP.
Con người chúng ta thường hay có thái độ phê phán và chỉ trích người khác về lỗi này hay lỗi kia. Nhưng điều đáng tiếc, chúng ta mới là người có lỗi, mới là người đáng trách thì lại không nhận biết. Vì thế, trước khi sửa lỗi người khác thì chúng ta cần phải sửa mình trước đã. Để việc sửa mình cách hữu hiệu thì chúng ta thường có những thái độ nào?
Có 2 thái độ sau đây:
- Khiêm tốn nhận mình có lỗi để sám hối.
- Thực hành lời Chúa dạy.
1. Thái độ khiêm tốn nhận mình có lỗi để sám hối
Thử hỏi, có ai trong chúng ta dám khẳng định rằng, mình không có tội hay chưa một lần lầm lỡ trong cuộc đời?
Thưa, có lẽ điều đó không thể có được. Tại sao vậy?
Thưa, vì con người là bất toàn, là mỏng dòn yếu đuối, nên rất khó có thể tránh được những lỗi lầm, những thiếu sót.
Thánh Gioan tông đồ đã nói:“Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội, chúng ta tự lừa dối mình, và sự thật không ở trong chúng ta”(1Ga 1,8).
Ngay cả các thánh trên thiên đàng, trước khi được phong làm thánh, các ngài cũng là những con người yếu đuối và tội lỗi như chúng ta. Sở dĩ, các ngài được làm thánh, là nhờ vào thái độ khiêm tốn nhìn nhận tội lỗi của mình và thành tâm sám hối.
Chẳng hạn như vua Đavit. Mặc dù Đavit đã được Thiên Chúa tuyển chọn và xức dầu tấn phong làm vua Israel, nhưng Đavit cũng là con người, cũng chịu cám dỗ và đã phạm tội với một người phụ nữ, tên là Bathsheba, vợ Uria, người Khết. Tuy nhiên, khi được ngôn sứ Nathan khiển trách thì Đavit đã khiêm tốn nhìn nhận và thành tâm sám hối, nên đã được Thiên Chúa tha thứ (x. 2Sm 12, 9.13).
Thật vậy, lòng khiêm tốn là một đức tính cơ bản và rất cần thiết cho con người trong mọi thời đại. Có khiêm tốn thì mới biết mình và biết người. Biết mình thấp kém để cố gắng, để vươn lên; biết mình tội lỗi để chỉnh đốn, để sửa sai và sám hối. Có chỉnh đốn mình thì mới mong chỉnh đốn người.
Chúa Giêsu đã nói: “Hãy lấy cái xà ra khỏi mắt ngươi trước đã, rồi sẽ thấy rõ, để lấy cái rác trong con mắt người anh em”(Lc 6, 42), nghĩa là việc sửa mình là điều cần phải làm trước tiên, rồi mới mong chỉnh đốn và sửa lỗi người anh em, người khác.
Về vấn đề này, có ai đó nói rất hay rằng:
“Ai vạch cho tôi sai lầm, đó là thầy của tôi.
Ai chỉ cho tôi những hành động sai trái, đó là bạn tôi.
Còn ai phỉnh nịnh tôi, đó là kẻ thù của tôi”.
Thực tế cho thấy, khi có ai đó khiển trách chúng ta về điều này hay điều nọ, thì chẳng mấy ai trong chúng ta lấy làm vui thích mà chỉ thấy buồn phiền. Tuy nhiên, những ai khiêm tốn chịu sửa dạy như thế ắt sẽ gặt được hoa trái, là sự bình an và công chính (x. Dt 12,12). Còn những lời phỉnh nịnh khi nghe thật bùi tai, thật hấp dẫn, nhưng đó chỉ là những lời dối trá để rồi dẫn người ta tới chỗ diệt vong.
Chính vì thế, để sửa mình cách hữu hiệu thì chúng ta cần phải nhờ tới sự giúp đỡ của kẻ khác. Người đó có thể là cha mẹ, anh em, chị em của ta; người đó có thể là bạn bè hay những người đồng tu với ta, thậm chí là kẻ thù của ta nữa.Vì như có ai đó đã nói rất hay rằng: mỗi người chúng ta đều có hai cái túi: một cái mang sau lưng và một cái đeo trước ngực. Cái túi mang sau lưng là tội của chúng ta. Còn cái túi đeo phía trước là tội của người khác. Chính vì thế, chúng ta chỉ nhìn thấy tội của người khác mà không nhìn thấy tội của chúng ta.Vì vậy, sự giúp đỡ của người khác trong việc sửa mình là điều rất quan trọng và cần thiết không thể thiếu nhằm để giúp chúng ta hoàn thiện chính mình và đạt được ơn cứu độ.
Đặc biệt hơn nữa, là chúng ta nhờ tới ơn Thiên Chúa, vì Chúa Giêsu đã nói: “Không có Thầy, anh em chẳng làm gì được”(x. Ga 15,5). Muốn lãnh nhận ơn Chúa thì cần phải tuân giữ các huấn lệnh của Ngài.
2. Thực hành lời Chúa dạy
Chúa Giêsu đã nói: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: ‘Lạy Chúa! Lạy Chúa!’ là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy, là Đấng ngự trên trời, mới được vào”(Mt 7,21). Thi hành thánh ý Chúa Cha có nghĩa là gì? Thưa, đó là người biết tuân giữ các huấn lệnh và lề luật của Chúa. Người thi hành thánh ý của Thiên Chúa mới là người có phúc, mới là người sinh được nhiều hoa trái tốt. “Người ấy tựa cây trồng bên dòng nước, cứ đúng mùa là hoa quả trổ sinh, cành lá chẳng khi nào tàn tạ. Người như thế làm chi cũng sẽ thành”(Tv 1,3). Người ấy còn “ví được như người khôn xây nhà trên đá. Dù mưa sa, nước cuốn, hay bão táp ập vào, nhà ấy cũng không sụp đổ, vì đã xây trên nền đá”(Mt 7,25).
Đức Maria được mệnh danh là một Người Nữ tuyệt vời nhất trong việc lắng nghe và thực hành lời Chúa dạy, vì Mẹ đã công khai nói lên hai tiếng xin vâng với sứ thần Gáp-ri-en và đã thực hiện hai tiếng xin vâng đó một cách thật trọn vẹn.
Mặc dù Mẹ Maria chưa hiểu hết được ý định của Thiên Chúa muốn thực hiện nơi Mẹ, nhưng Mẹ vẫn một lòng tin tưởng tuyệt đối chứ không hề hoài nghi rồi bỏ cuộc.
Nhờ hai tiếng xin vâng của Mẹ Maria mà Thiên Chúa đã thực hiện cả một công trình vĩ đại của Ngài, là cho Con Một của Ngài là Đức Giêsu Kitô giáng trần, sinh ra bởi lòng Mẹ để cứu độ nhân loại.
Mẫu gương đón nhận và thực hành thánh ý Thiên Chúa một cách khiêm tốn nơi Đức Maria là bài học quý giá cho tất cả mọi người chúng ta.
Bởi chưng con người chúng ta không ai vẹn toàn cả, ai cũng có những bất toàn, những yếu đuối của riêng mình. Điều quan trọng là chúng ta phải có thái độ khiêm tốn để nhận thức về chính mình và hết lòng cậy trông vào Thiên Chúa để được Người ban ơn giúp sức. Chúng ta đừng kiêu căng cậy dựa vào sức riêng của mình để phê phán và chỉ trích người khác, vì chúng ta không phải là Đấng tạo hóa, cũng không phải là người xét xử người khác, nhưng đó là việc của Thiên Chúa thì hãy dành cho Ngài. Tốt hơn hãy có lòng bao dung và quảng đại với người khác, vì chúng ta đong bằng đấu nào thì Thiên Chúa cũng đong lại cho chúng ta bằng đấu ấy. Chúng ta có tha thứ cho người khác thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha. Amen.