Thứ Bảy, 27 Tháng Bảy, 2024

HÊRÔĐÊ và CHÚA GIÊSU – TUẦN XXV-thứ Năm -VP Duyên Thập Tự

TN-174-TUẦN XXV-thứ Năm

HÊRÔĐÊ và CHÚA GIÊSU

(Lc 9,7-9)

VP Duyên Thập Tự Lê Văn Đoàn

Hôm nay, nhân dịp suy niệm Lời Chúa trong đó hình ảnh của Hê-rô-đê xuất hiện, một tư tưởng đến với tôi, đó là đặt ông trong mối tương giao với Chúa Giê-su. Thật ra, đặt ra mối tương giao này có vẻ khập khiễng, vì giữa ông và Chúa Giê-su chẳng có mối liên hệ nào để nói lên một điều gì đó. Nhưng, suy đi ngẫm lại, tôi lại thấy “có một cái gì đó” nối kết, mà qua đó tôi cũng nhận ra mối liên hệ của tôi với Chúa Giê-su.

Nhưng trước hết, cần xác minh về con người này. Tiểu vương Hê-rô-đê được nói đến trong Tin Mừng hôm nay là Hê-rô-đê An-ti-pa là một trong bảy người con của vua Hê-rô-đê Cả, người đã ra lệnh giết hết các trẻ em tại Bê-lem. Hê-rô-đê An-ti-pa được đặt làm thủ hiến miền Ga-li-lê và miền Pê-rê. Chính ông đã cưới bà Hê-rô-đi-a, vợ của anh mình là vua Phi-líp-phê. Thánh Gio-an Tẩy Giả đã lên tiếng phản đối sự việc này, và ngài đã bị nhốt tù và bị sát hại theo lệnh của Hê-rô-đê An-ti-pa.

Chúng ta sẽ nhìn mối tương giao giữa Hê-rô-đê với Chúa Giê-su xuyên qua ba trình thuật nhắc đến sự hiện diện của hai nhân vật này.

 1. TÌM CÁCH GẶP CHÚA GIÊ-SU (Lc 9,7-9)

Trước hết, chúng ta đọc lại trích đoạn Tin Mừng hôm nay: “Khi tiểu vương Hê-rô-đê nghe biết tất cả những gì đã xảy ra, thì phân vân lắm. Thật vậy, có kẻ nói: “Đó là ông Gio-an từ cõi chết chỗi dậy”. Kẻ khác lại nói: “Ông Ê-li-a xuất hiện đấy!” Kẻ khác nữa lại nói: “Đó là một ngôn sứ thời xưa sống lại.” Còn vua Hê-rô-đê thì nói: “Ông Gio-an, chính ta đã chém đầu rồi! Vậy thì ông này là ai mà ta nghe đồn những chuyện như thế?” Rồi vua tìm cách gặp Đức Giê-su”.

Chúng ta nhận ra có nét tương tự nào đó trong trình thuật trong Tin Mừng theo thánh Lu-ca chương 9 từ câu 13 đến 21, trong đó Chúa hỏi các môn đệ về việc người ta nói Chúa là ai, rồi Chúa cũng hỏi các môn đệ nói Người là ai. Trong câu chuyện liên quan đến vua Hê-rô-đê, câu hỏi cũng được chính ông vua này đặt ra “người này là ai”.

Nhưng đọc kỹ, chúng ta nhận ra rằng vua Hê-rô-đê đặt ra câu hỏi không nhấn mạnh đến chính con người của Chúa, mà đến những việc Chúa thực hiện, đó là các phép lạ. Và ông muốn gặp Chúa. Ông gặp Chúa để làm gì? Không phải để nhận biết Chúa, nhưng là để thấy Chúa làm các phép lạ, các dấu lạ. Ông muốn Chúa “biểu diễn”. Và đó là mục đích của ông. Nơi sâu thẳm lòng ông, ông muốn thấy cái gì khác chứ không phải chính bản thân Chúa. Và như vậy, việc ông tìm cách gặp Chúa không phát xuất từ lòng thành. Ông muốn chứng tỏ chính mình qua việc muốn tìm Chúa để có thể so tài; như trước kia, ông đã thắng Gio-an Tẩy Giả khi so tài. Ông thắng vì quyền lực áp chế. Và khi cần, ông cũng tìm cách đối xử với Chúa như vậy.

 2. MUỐN GIẾT CHÚA (Lc 13,31-33)

Chúng ta nghe lại trình thuật thứ hai liên quan đến mối tương quan giữa Chúa Giê-su và vua Hê-rô-đê. “Cũng vào giờ ấy, có mấy người Pha-ri-siêu đến thưa Đức Giê-su rằng: “Xin ông đi ra khỏi đây, vì vua Hê-rô-đê đang muốn giết ông!” Người bảo họ: “Các ông hãy đi nói với con cáo ấy thế này: ‘Hôm nay và ngày mai tôi trừ quỉ và chữa lành bệnh tật, ngày thứ ba tôi sẽ hoàn tất. Tuy nhiên, hôm nay, ngày mai và ngày mốt, tôi phải tiếp tục đi, vì một ngôn sứ mà chết ngoài thành Giê-ru-sa-lem thì không được.”

Chúng ta tiến tới giai đoạn thứ hai của mối tương giao giữa vua Hê-rô-đê và Chúa Giê-su. Trong trích đoạn Tin Mừng này, chúng ta nhận ra ý định của vua Hê-rô-đê muốn giết Chúa. Chúa Giê-su không khiển trách ông như thánh Gio-an Tẩy Giả đã dám công khai lên án việc vô luân ông thực hiện là chiếm lấy vợ của anh ruột mình. Nhưng tại sao, ông lại muốn giết Chúa. Chúng ta nhận ra lý do trong lời Chúa nói với vua Hê-rô-đê – mà Chúa nhờ người ta chuyển đến – đó là việc trừ quỉ và chữa lành bệnh. Không những Chúa thực hiện mà các môn đệ Chúa cũng thực hiện. Chúa trở thành một hiện tượng, nổi tiếng, mà mọi người đều nghe biết về Người, với những dư luận về Người như chúng ta thấy trong bài Tin Mừng hôm nay. Ông cảm thấy quyền lực của ông bị đe doạ, và ông muốn triệt hạ Chúa; cũng như cha ông đã muốn giết chết Chúa khi ra lệnh giết hết các trẻ em tại Bê-lem trong hạn tuổi của Hài Nhi Giê-su. Qua sự kiện này, chúng ta thấy rõ tâm địa của vua Hê-rô-đê muốn tìm gặp Chúa trước kia. Chúng ta cũng nhớ rằng chính cha ông – vua Hê-rô-đê Cả – cũng đã dặn kỹ các đạo sỹ phải biết rõ chỗ Hài Nhi ở, để ông cũng đến bái kiến. Thật là lòng dạ nham hiểm, của cha cũng như của con. Hai cha con này sẵn sàng triệt hạ, giết chết ai đó mà họ cho là mối nguy hiểm đe doạ cho quyền lực của họ.

Và đây cơ hội tốt đến với ông. Chúa Giê-su được đưa đến với ông. Ông đã phản ứng ra sao?

 3. KHINH DỂ CHÚA GIÊ-SU (Lc 23,8-12)

Và đây là trình thuật thứ ba, trình thuật cuối cùng đề cập đến Chúa Giê-su và vua Hê-rô-đê. “Và khi biết Đức Giê-su thuộc thẩm quyền vua He-rô-đê, quan tổng trấn Phi-la-tô liền cho áp giải Người đến với nhà vua lúc ấy cũng đang có mặt tại Giê-ru-sa-lem. Vua Hê-rô-đê thấy Đức Giê-su thì mừng rỡ lắm, vì từ lâu vua muốn được gặp Người bởi đã từng nghe nói về Người. Vả lại, vua cũng mong ước được xem Người làm một hai phép lạ. Nhà vua hỏi người nhiều điều, nhưng Người không trả lời gì cả. Các thượng tế và các kinh sư đứng đó, tố cáo Người dữ dội. Vua Hê-rô-đê cũng như thị vệ đều khinh dể Người ra mặt nên khoác cho Người một chiếc áo rực rỡ mà chế giễu, rồi cho giải Người lại cho ông Phi-la-tô”.

Chúng ta nhận ra là vua Hê-rô-đê vui mừng lắm vì có cơ hội gặp Chúa. Vua hy vọng Chúa làm một vài phép lạ, là điều ông mong ước lâu nay. Nhưng Chúa không đáp ứng, không trả lời ông. Ông thất vọng; và vì thất vọng, ông tỏ thái độ khinh dể Chúa và chế diễu một cách tinh vi bằng cách khoác cho Người một chiếc áo rực rỡ. Lòng dạ nham hiểm của “con cáo” đã lộ ra. Không một chút thành tâm, vua Hê-rô-đê chỉ muốn “chứng tỏ” bản thân. Ông muốn trong tư thế “trên”, “chiến thắng”. Như vậy, Chúa không có ý nghĩa gì đối với ông. Ông chỉ muốn nhìn thấy vài phép lạ để thoả mãn tính tò mò của ông. Ông muốn thực thi quyền lực.

Hôm nay, nhân dịp đọc và nghe lại trích đoạn Tin Mừng trong đó nói đến vua Hê-rô-đê, tôi tìm hiểu thêm những trích đoạn Tin Mừng đề cập đến mối liên hệ giữa Chúa Giê-su và vua Hê-rô-đê, để nhận ra nơi ông vua này, dù có những hành vi bề ngoài có vẻ thiện chí, nhưng thật ra ẩn chứa những thâm ý gian tà, ác độc. Ông muốn biến Chúa thành công cụ làm thoả mãn óc tò mò ích kỷ của mình. Ông muốn tìm gặp Chúa để đề cao cái tôi của ông. Và khi không đạt được điều đó, ông sẵn sàng loại trừ Chúa.

Nói về vua Hê-rô-đê, tôi bỗng “giật mình” nghĩ về bản thân. Có bao giờ tôi đã hành xử như vua Hê-rô-đê đới với Chúa? Tôi đi tìm Chúa Giê-su để mong Chúa làm một vài chuyện giật gân, như những người Ít-ra-en đồng thời với Chúa thách thức Chúa làm những dấu lạ, những phép lạ? Tôi muốn tìm thấy nơi Chúa Giê-su một Thiên Chúa “biểu diễn” hơn là một Thiên Chúa “cứu độ”. Tôi thích có một Thiên Chúa bên ngoài với vẻ hào nhoáng của những cái lạ, hơn là một Thiên Chúa ẩn kín của sự sống đời đời. Mối tương giao giữa tôi với Chúa vẫn hời hợt, rất hời hợt, không đi sâu vào trong Chúa và “ở lại trong tình yêu của Người”. Chúa Giê-su vẫn ở xa tôi, rất xa! Tôi cũng sẵn sàng “nghỉ chơi” với Chúa khi Chúa không đáp ứng những nhu cầu ích kỷ của tôi. Tôi nhận ra rằng tôi tôn thờ bản thân tôi hơn là tôn thờ Chúa.

Và như vậy, câu hỏi căn bản với tôi vẫn là: “Chúa thật sự là AI đối với tôi?”  

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ngày 26-7, thánh Gioakim và thánh Anna, song thân Đức Maria, Mt 13,16-17: Mối phúc được thấy được nghe

Ngày 26-7, Thánh Gioakim và Thánh Anna, song thân Đức Maria, Mt 13,16-17 Mối phúc được thấy được nghe Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Tin Mừng hôm...

Ngày 25-7, thánh Giacôbê Tông đồ, Mt 20,20-28: Chọn chỗ nhất trong nước Chúa

Ngày 25-7, Thánh Giacôbê Tông đồ, Mt 20,20-28 Chọn chỗ nhất trong nước Chúa Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Đoạn Tin mừng hôm nay có liên hệ...

Ngày 22-7, Lễ kính thánh Maria Magdalena, Ga 20,1-2.11-18: Tôi đi tìm Đấng tôi yêu

Ngày 22-7, Lễ kính thánh Maria Magdalena, Ga 20,1-2.11-18 Tôi đi tìm Đấng tôi yêu Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Ngày 3/6/2022 Đức thánh cha Phanxicô đã...

Thứ Năm Tuần XV Thường niên, Mt 11,28-30: Hãy đến cùng tôi, hãy học với tôi

Thứ Năm Tuần XV Thường niên, Mt 11,28-30 Hãy đến cùng tôi, hãy học với tôi Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Tin Mừng hôm nay gợi lên...

Thứ Bảy Tuần XIV Thường niên, Is 6,1-8 (năm chẵn): Ơn gọi của Isaia và ơn gọi của mỗi chúng ta

Thứ Bảy Tuần XIV Thường niên, Is 6,1-8 (năm chẵn) Ơn gọi của Isaia và ơn gọi của mỗi chúng ta   Lasan Ngô Văn Vỹ,...

Thứ Sáu Tuần XIV Thường niên, Mt 10,16-23 Kitô hữu khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu

Thứ Sáu Tuần XIV Thường niên, Mt 10,16-23 Kitô hữu khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Chúa Giêsu ví...

Thứ Sáu Tuần XIV Thường niên, Mt 10,16-23; Hs 14,2-10 (năm chẵn) Cậy dựa nơi Thiên Chúa

Thứ Sáu Tuần XIV Thường niên, Mt 10,16-23; Hs 14,2-10 (năm chẵn) Cậy dựa nơi Thiên Chúa Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Trong bài trích sách ngôn...

Thứ Năm Tuần XIV Thường niên, Mt 10, 7-15: Được cho không phải cho không

Thứ Năm Tuần XIV Thường niên, Mt 10, 7-15 Được cho không phải cho không Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu sai...

Thứ Tư Tuần XIV, Thường niên, Mt 10,1-7 Thi hành sứ vụ Chúa trao

Thứ Tư Tuần XIV, Thường niên, Mt 10,1-7 Thi hành sứ vụ Chúa trao Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Tin Mừng hôm nay, tường thuật việc...

Thứ Ba Tuần XIV Thường niên, Mt 9,32-38: Cánh “đồng lúa” chín đang cần “thợ gặt”

Thứ Ba Tuần XIV Thường niên, Mt 9,32-38 Cánh “đồng lúa” chín đang cần “thợ gặt” Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Tin Mừng hôm nay thuật lại...

Thứ Hai Tuần XIV Thường niên, Mt 9,18-26: Chạm vào Chúa

Thứ Hai Tuần XIV Thường niên, Mt 9,18-26 Chạm vào Chúa Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Tin Mừng hôm nay thuật lại hai phép lạ của lòng...

Thứ Bảy Tuần XIII Thường niên, Mt 9,14-17: Tâm thế mới trong Nước Thiên Chúa

Thứ Bảy Tuần XIII Thường niên, Mt 9,14-17 Tâm thế mới trong Nước Thiên Chúa Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Người ta ăn chay với nhiều mục...