Thứ Bảy, 27 Tháng Bảy, 2024

HIỂU BIẾT CHÚA HƠN – TUẦN XXIV- Chúa Nhật – VP Duyên Thập Tự

TN-163-TUẦN XXIV- Chúa Nhật

HIỂU BIẾT CHÚA HƠN

(Is 50,5-9a / Gc 2,14-18 / Mc 8,27-35)

VP Duyên Thập Tự Lê Văn Đoàn

Trong tương giao, một điều ai trong chúng ta cũng mong muốn đạt được, đó là sự hiểu biết nhau. Chính nhờ sự hiểu biết nhau mà việc chung sống trở nên dễ dàng trong bầu khí bình an và yêu thương. Nhưng để đạt đến chỗ hiểu biết nhau, cần phải trải qua một qúa trình dài xuyên qua những chặng đường và nẻo đường khác nhau. Nếu đối với tương giao nhân loại, sự hiểu biết quan trọng như vậy, phương chi là trong mối tương giao với Chúa Giê-su Ki-tô. Thật vậy, để có thể yêu mến Chúa một cách xứng hợp, chúng ta cần phải hiểu biết Chúa, vì vô tri bất mộ – không biết thì không yêu. Để có thể từng ngày hiểu biết Chúa thêm một chút, chúng ta cần phải nhờ đến những nẻo đường để tài bồi những kiến thức thiêng liêng.

Các bài đọc Lời Chúa của chúa nhật năm B tuần XXIV mùa thường niên, nhất là bài Tin Mừng, gợi mở cho tôi những con đường hay những nẻo đường để qua đó, tôi có thể “HIỂU BIẾT CHÚA HƠN”. Trích đoạn Tin Mừng theo thánh Mác-cô chương 8 từ câu 27 đến 35 mở cho tôi thấy ba nẻo đường giúp dẫn đến sự thủ đắc ngày một nhiều hơn những hiểu biết về Chúa Giê-su Ki-tô. Đại danh từ “tôi” ở đây là mỗi người trong chúng ta.

 1. NHỜ NẺO ĐƯỜNG CỦA THA NHÂN

 “Khi ấy, Đức Giê-su và các môn đệ rời Bết-xai-đa để đi tới các làng xã vùng Xê-da-rê Phi-líp-phê. Dọc đường, Người hỏi các môn đệ: “Người ta nói Thầy là ai?” Các ông đáp: “Họ bảo Thầy là ông Gio-an Tẩy Giả, có kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, kẻ khác lại cho là một ngôn sứ nào đó”. Qua câu hỏi của Chúa và lời đáp của các môn đệ, tôi khám phá ra nẻo đường thứ nhất, đó là nẻo đường của tha nhân. Nhờ nẻo đường này, tôi có thể tiếp cận Chúa gần hơn để khám phá khuôn mặt của Chúa rõ hơn. Tôi cần học biết những gì người khác đã khám phá nơi Chúa Giê-su. Để được như thế, tôi thiết tưởng cần ba hoạt động vào cuộc: đó là nghe, đọc và thấy.

– NGHE. Tôi cần nghe những gì người khác nói với tôi về Chúa. Từ khi còn tấm bé, tôi đã được cha mẹ và những người trong gia đình dạy cho biết về Chúa. Đây là những bài học vỡ lòng để tôi có những kiến thức đơn sơ nhưng rất cần thiết để tôi đến với Chúa, để tôi khoanh tay, chấp tay, cúi đầu “ạ” Chúa trước ảnh tượng Chúa. Rồi khi lớn lên, tôi được học giáo lý về những chân lý trong đạo. Những bài giảng của cha xứ hay của quí cha đã mang lại cho tôi nhiều kiến thức nền tảng và bổ ích cho đời sống đạo. Rồi những giáo sư của những bộ môn khác nhau truyền thụ cho tôi những kiến thức về Chúa. Tôi đã nghe và tôi còn muốn nghe thêm nữa, để tôi có thể “HIỂU BIẾT CHÚA HƠN”. Tôi cám ơn tất cả những người thầy này. Tôi bỗng nhớ tới lời khuyên của tác giả thư Do Thái: “Anh em hãy nhớ đến đến những người lãnh đạo đã giảng lời Chúa cho anh em” (Dt 13,7).

– ĐỌC. Cùng với việc nghe giảng dạy, tôi còn cần đọc những sách, những tác phẩm của những người đã nghiên cứu, đã trải nghiệm, về những thực tại thiêng liêng, để tôi sống và đào sâu mối tương giao của tôi với Chúa Giê-su. Những gì họ viết là vốn quí cho bản thân tôi trong hành trình khám phá Chúa Giê-su. Những gì họ viết diễn đạt cách tiếp cận hoặc của Giáo Hội hoặc của cá nhân họ với mầu nhiệm Chúa Giê-su. Họ thực sự là những thầy dạy của tôi để giúp tôi “HIỂU BIẾT CHÚA HƠN”. Tôi cũng bỗng nhớ đến lời khuyên của thánh Phê-rô: “Anh em hãy biết rằng Chúa chúng ta tỏ lòng kiên nhẫn chính là để anh em được cứu độ, như ông Phao-lô, người anh em thân mến của chúng ta, đã viết cho anh em, theo ơn khôn ngoan Thiên Chúa đã ban cho ông” (2Pr 3,15).

– THẤY. Nghe, đọc, tôi cần phải mở mắt thật to để thấy. Thấy những gì tốt lành, thánh thiện, yêu thương, mà biết bao nhiêu người đang sống. Họ thực sự là những môn đệ chân chính của Chúa Giê-su. Đời sống của họ đã mang lại cho tôi hiểu biết những giá trị sống động của Tin Mừng. Từ một em bé đến một bậc cao niên, nơi những người sống đời hôn nhân cũng như những anh chị em sống đời thánh hiến, quanh tôi đầy những “gương lành, gương sáng”. Họ là những bài học sống, những kiến thức thật, những Ki-tô hữu gương mẫu. Họ thật sự là những thầy dạy tôi để tôi “HIỂU BIẾT CHÚA HƠN”. Tôi bỗng nhớ đến hình ảnh mà tác giả thư Do Thái gợi lên: “Như thế, phần chúng ta, được ngần ấy nhân chứng đức tin bao quanh…” (Dt 12,1).

Tôi cám ơn Chúa đã hỏi các môn đệ về những gì người khác nói về Người, để qua đó, tôi cũng khám phá ra nẻo đường tha nhân là một nẻo đường thật trân quí, để qua kiến thức và đời sống của họ, ngày ngày tôi “HIỂU BIẾT CHÚA HƠN”.

 2. BẰNG NẺO ĐƯỜNG CỦA BẢN THÂN

Sau khi nghe các môn đệ nói về ý nghĩ của những người khác về Chúa, Người ngỏ lời với các ông: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai? Ông Phê-rô trả lời: “Thầy là Đấng Ki-tô”. Qua câu hỏi và câu trả lời của ông Phê-rô, tôi khám phá ra nẻo đường thứ hai giúp tôi khám phá ra Chúa, đó là nẻo đường của chính tôi. Theo kinh nghiệm, tôi thiết nghĩ có ba yếu tố giúp tôi ngày qua ngày “HIỂU BIẾT CHÚA HƠN”, đó là lòng khao khát, cầu nguyện và sự vấp ngã.

– LÒNG KHAO KHÁT. Để có thể khám phá Chúa, khởi điểm là chính lòng khao khát. Lòng khao khát, trước hết được ấp ủ trong tim, rồi sẽ thành lực đẩy đưa tôi đi khám phá Chúa. Lòng khao khát giúp tôi kiên trì trên hành trình dài để hiểu biết Chúa từng ngày một chút. Lòng khao khát giúp mở ra mọi quan năng nội tâm cũng như những chuyển động của thân xác. Lòng khao khát giúp gặp gỡ Chúa và ở lại với Chúa. Tôi bỗng nhớ đến trình thuật hai môn đệ của ông Gio-an Tẩy Giả, khi nghe thầy mình nói về Chúa Giê-su đang đi qua, đã đi theo Chúa Giê-su. Chúa hỏi: “Các anh tìm gì thế?” Họ đáp: “Thưa Ráp-bi/thưa Thầy, Thầy ở đâu?”… Họ đã ở với Người ngày hôm ấy” (Ga 1,35-39). Họ đã có khám phá đầu tiên khi ở với Chúa. Lòng khao khát đã đưa đến gặp gỡ, ở lại và hiểu biết hơn. Tôi xin Chúa tăng thêm nơi tôi lòng khao khát Chúa, khao khát “HIỂU BIẾT CHÚA HƠN”.

– CẦU NGUYỆN. Có một nơi thân tình để tôi nhận biết Chúa hơn từng ngày, đó là cầu nguyện. Cầu nguyện là cuộc gặp gỡ thân tình giữa Chúa Giê-su và tôi. Đó là những giây phút “lòng kề lòng”, “tim kề tim”, “đầu tựa đầu”. Chính nơi đây, lúc này, mà tôi có thể nghe được tiếng lòng của Chúa và Chúa nghe được tiếng đập của trái tim tôi. Tôi khám phá ra Chúa, hiểu Chúa nhiều hơn khi tôi càng đi sâu vào cầu nguyện. Tôi chợt nhớ lời cầu nguyện của thánh Phao-lô dành cho các tin hữu – lời cầu nguyện mà trong đó chính ngài cũng đã khám phá và “HIỂU BIẾT CHÚA HƠN”: “Tôi quì gối trước mặt Chúa Cha… xin cho anh em, nhờ lòng tin, được Đức Ki-tô ngự trong tâm hồn… để cùng toàn thể dân thánh, anh em có đủ sức thấu hiểu mọi kích thước dài rộng cao sâu và nhận biết tình thương của Đức Ki-tô là tinh thương vượt quá sự hiểu biết” (Ep 3,14-19).

– VẤP NGÃ. Và còn một nơi nữa giúp tôi hiểu biết Chúa Giê-su và tình thương của Người, đó là sự vấp ngã của bản thân tôi. Chính trong những lần té ngã, những lần tôi bất trung với Chúa, tôi khám phá Người vẫn yêu thương, tha thứ, thương xót tôi. Khi tôi bước đi trong bóng đêm tội lỗi, Chúa vẫn âm thầm chiếu sáng tôi, Chúa vẫn chờ đợi. Người vẫn trung tín với tôi, dù tôi bất trung với Người. Tôi nhớ lại lời quả quyết của thánh Phao-lô: “Nếu ta không trung tín, Người vẫn một lòng trung tín, vì Người không thể nào chối bỏ chính mình” (2Tm 2,13). Tôi chợt nhớ tới hình ảnh của tông đồ Phê-rô, người môn đệ đã chối Thầy Giê-su ba lần; nhưng sau phục sinh khi gặp lại ông, Chúa vẫn tin tưởng vào tình yêu của người môn đệ đã té ngã này, vẫn tin tưởng trao cho ông đoàn chiên của Chúa, và vẫn gọi ông đi theo Người (x.Ga 21,15-19). Môn đệ Phê-rô, qua sự kiện này, hiểu biết Thầy mình hơn. Kinh nghiệm của môn đệ Phê-rô khuyến khích tôi “HIỂU BIẾT CHÚA HƠN” nhờ tinh yêu của Người vẫn dành cho tôi, dù tôi đã bao lần té ngã, chối từ Chúa.

Bằng nẻo đường của chính bản thân, mỗi chúng ta đã rút ra các bài học cho việc hiểu biết Chúa Giê-su hơn một chút, ngày qua ngày. Ước gì chúng ta mỗi ngày đi sâu hơn vào mối tình của Chúa, để khám phá ra những chiều kích dài rộng cao sâu của tình yêu của Người, bằng con đường: thêm khao khát vào khao khát, cầu nguyện và cầu nguyện hơn, và đứng dậy đến với Người sau những lần vấp ngã. Chúa vẫn ước ao chúng ta hiểu biết Người hơn nữa để mối tình giữa Người với mỗi chúng ta ngày càng keo sơn gắn bó.

 3. VỚI CON ĐƯỜNG CỦA CHÍNH CHÚA

Chúng ta tiếp tục đọc lại trích đoạn Tin Mừng: “Rồi Người bắt đầu dạy cho các ông biết: Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày sẽ sống lại”. Lời này của Chúa cho tôi khám phá ra con đường thứ ba để “HIỂU BIẾT CHÚA HƠN”, chính là Lời Chúa. Lời Chúa là chính con đường của Chúa. Để tôi có thể hiểu được những gì Chúa muốn mặc khải, tôi cần có ba hoạt động: cầm lấy mà đọc, suy niệm và đưa vào cuộc sống.

– CẦM LẤY MÀ ĐỌC. Trước hết, tôi phải cầm lấy cuốn Kinh Thánh, đặc biệt sách Tin Mừng. Tôi cầm lấy và đọc. Đây là đòi hỏi thứ nhất. Là Ki-tô hữu, tôi phải làm quen với Lời Chúa. Lời Chúa chỉ cho tôi, dạy cho tôi, những gì là Chúa, những mặc khải về Chúa. Tôi bỗng nhớ tới lời của thánh Hi-ê-rô-ni-mô: “Không biết Kinh Thánh, là không biết Chúa Ki-tô”. Xin Chúa cho tôi thêm lòng yêu mến Lời Chúa, dành giờ để đọc Lời Chúa.

– SUY NIỆM. Khi đọc Lời Chúa, tôi cần suy niệm Lời Chúa, nghĩa là để Lời Chúa đi vào trong tôi, đi vào trong tâm tôi, trong trí tôi. Khi Lời Chúa cư ngụ, thì chắc chắn Lời Chúa biến đổi tôi. Không những tôi “HIỂU BIẾT CHÚA HƠN” mà còn biết để Lời Chúa hướng dẫn cuộc đời tôi. Lời Chúa trở thành lương thực nuôi dưỡng tôi để tôi lớn lên trong tình yêu của Chúa. Tôi nhớ lại thái độ nội tâm này của Mẹ Ma-ri-a: Mẹ không hiểu những lời Chúa Giê-su nói với Mẹ lúc đó, nhưng Mẹ “hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng” (x.Lc 2,51).

– ĐƯA LỜI CHÚA VÀO CUỘC SỐNG. Trong cuộc sống, khi đối diện với bao nhiêu khó khăn, khi phải giải quyết bao nhiêu vấn đề, chúng ta dễ bị mất hướng. Nếu để Lời Chúa nhập thể và nhập thế trong sinh hoạt thường ngày, chúng ta sẽ khám phá sự quan phòng yêu thương của Chúa. Tôi sẽ hiểu Chúa hy sinh mạng sống, chết và sống lại vì yêu tôi và để tôi được cứu độ. Chúng ta sẽ ‘HIỂU BIẾT CHÚA HƠN” nếu chúng ta để Lời Chúa hướng dẫn tâm trí và hành động của mình. Ai trong chúng ta cũng đã cảm nghiệm sự nâng đỡ của Lời Chúa khi sống trong những hoàn cảnh khó khăn và ngặt nghèo.

Hôm nay, Lời Chúa mở ra cho chúng ta những nẻo đường để “HIỂU BIẾT CHÚA HƠN”. Chính sự hiểu biết này mở ra cho chúng ta sự sống đời đời, như Chúa Giê-su đã cầu nguyện với Chúa Cha: “Lạy Cha, sự sống đời đời là họ nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Giê-su Ki-tô” (Ga 17,3).

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chúa Nhật XVII TN, B, Ga 6,1-15: Từ những điều bé nhỏ

  TỪ NHỮNG ĐIỀU BÉ NHỎ (2V 4,42-44; Ep 4,1-6; Ga 6,1-15) M. Tân Trang, Vĩnh Phước Sự kiện xảy ra gần biển hồ Galile, lúc sắp đến...

Chúa Nhật XVI, Thường niên, Năm B, Mc 6,30-34: Con chiên –  Mục tử

Chúa Nhật XVI, Thường niên, Năm B, Mc 6,30-3 Con chiên -  Mục tử Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Lời Chúa hôm nay gợi lên cho chúng...

Chúa Nhật XVI TN, B: Tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa

  TÌNH YÊU VÀ LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA FM. Paul Nguyễn, PV Chiêm ngưỡng dung mạo lòng thương xót của Đức Giêsu qua trình thuật...

Chúa Nhật XVI TN, B, Mc 6,30-34: Cần lánh riêng ra một nơi

    CẦN LÁNH RIÊNG RA MỘT NƠI (Mc 6,30-34) M. Pacômiô Nguyễn Sơn Vinh, Phước Hiệp Theo quan niệm của Kitô giáo, con người gồm xác và hồn....

Chúa Nhật XVI TN, B, Mc 6,30-34: “Hãy tìm nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi”

     “HÃY TÌM NƠI THANH VẮNG MÀ NGHỈ NGƠI” (Mc 6,30-34) Đức Minh, Phước Lý Tin Mừng Chúa nhật XVI hôm nay tường thuật về cuộc hội ngộ...

Chúa Nhật XV TN, B, Mc 6,7-13: Thực hiện lệnh truyền của Chúa

THỰC HIỆN LỆNH TRUYỀN CỦA CHÚA (Mc 6,7-13) Lm. Trần Văn Long, Fatima Đôi khi nhìn những người ăn xin, những người tàn tật trên đường phố,...

Lễ thánh Biển Đức, Mt 19,27-29: Con đường đi tới hạnh phúc

CON ĐƯỜNG ĐI TỚI HẠNH PHÚC (Cn 2,1-9; 1Cr 1,26-31; Mt 19,27-29) M. Gioan Tân, Thiên Phước Có thể nói hạnh phúc là mục đích sống và...

Chúa Nhật XIV Thường niên, Năm B, Mc 6,1-6: Kitô hữu – Ngôn sứ giữa đời

Chúa Nhật XIV Thường niên, Năm B, Mc 6,1-6 Kitô hữu - Ngôn sứ giữa đời Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist “Ngôn sứ có bị rẻ rúng...

Chúa Nhật XIV TN, B, Mc 6,1-6: Không nhận ra Chúa

    KHÔNG NHẬN RA CHÚA (Mc 6,1-6) Tùng Linh, Phước Lý Năm 1958, sau khi Đức Giáo Hoàng Piô XII qua đời, các báo chí mô tả ngài...

Chúa Nhật XIII Thường niên, Năm B, Mc 5,21-43: Hai phép lạ của lòng tin

Chúa Nhật XIII Thường niên, Năm B, Mc 5,21-43 Hai phép lạ của lòng tin Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Tin không chỉ là loan tin,...

Chúa Nhật XIII TN, B, Mc 5,21-43: Hai cái đụng

  HAI CÁI ĐỤNG (Mc 5,21-43) M. Bosco, PS Đức tin của con người là yếu tố có thể tác động đến Thiên Chúa. Các phép lạ xảy...

Chúa Nhật XIII TN, B, Mc 5,21-43: “Đừng sợ, chỉ cần tin thôi”

    „ĐỪNG SỢ, CHỈ CẦN TIN THÔI“ (Mc 5,21-43) Đăng Khoa, Phước Lý "Đừng sợ, chỉ cần tin thôi". Đó là lời trấn an của Chúa Giêsu trước...