Thứ Bảy, 27 Tháng Bảy, 2024

HOẠ NÉT CHA TÔI _ phần 2 (M.Giuse_VP)

HOẠ NÉT CHA TÔI

(Tiếp theo)

 

M. Giuse_VP

PHẦN II: TỪ KHI CHA BENOIT LẬP DÒNG

ĐẾN KHI TẠ THẾ 1918 – 1933

 

 

CHƯƠNG 11: BƯỚC ĐƯỜNG GAI CHÔNG

Khi xưa dòng mới sơ khai,
Có nghe dư luận trong ngoài xôn xao.
Cố Thuận tính nết lao chao,
Mục vụ lận đận nên sau, lập dòng.
Có thật như thế hay không?
Việc này của Chúa hay công người đời?
Đức Cha Hồ đã có lời:
“Tôi là bạn thiết cùng thời Cố đây.
Ngài rủ tôi giúp một tay,
430. Lập dòng núi Phước, dịp may tới rồi.
Vì Đức Cha Lý bảo tôi,
Đi lập dòng khác nên thôi, xin hoàn.
Bởi lẽ nhân vô thập toàn,
Bảo Cố nông nổi, thật oan cho ngài.
Thế gian muôn sự đổi thay,
Ở đời thành bại, chuyển lay lẽ thường.
Quê người, xứ lạ không tường,
Cả tin nên bị gạt lường bao phen.
Thua buồn, tâm trí rối ren,
440. Rõ lòng nhân thế nên bèn ra đi.
Các cha thấy vậy khinh khi,
Sau này in trí không chi xóa mờ.
Từ đó tiếp tục nghi ngờ,
Lập dòng xin giúp, thờ ơ chối từ.
Dấn thân, ngài chẳng ngần ngừ,
Kiên trì tiếp tục. Thật cừ lắm thay!
Các cha dần bớt “chua cay”,
Đổi ra thiện chí, chung tay góp phần”.
Thư kia cha gửi mẫu thân,
450. Kể rằng: “Thời tiết xoay vần đổi thay.
Giống như tính nết con nay,
Đang buồn, thoạt cái vui ngay khác thường”.
Vài người quen biết chủ trương:
“Cố Thuận kiên nhẫn vô phương so bì.
Một khi ngài muốn việc gì,
Gian nan, vất vả sá chi cứ làm”.
Phải chăng Cố Thuận lam nham,
Tính hay thay đổi chẳng làm được chi?
Xin nhường độc giả nghĩ suy,
460. “Hạnh tích” xem kỹ, tức thì rõ ngay.
***
Vấn đề nan giải thứ hai,
Mục vụ thất bại, ra tay lập dòng?
Tình cờ dẫn đến thành công,
Dám xin quả quyết: Hẵn không đâu à!
Chính Chúa thúc giục khơi ra,
Lên đường truyền giáo, ít là lúc ni.
Chứng tích thư tín có ghi:
“Lập dòng bản xứ, ước chi sẽ thành” .
Chúa đã thương đoái chúc lành,
470. Đó là sứ mệnh Ngài dành cho cha.
Từ trong cách sống tỏ ra,
Chay kiêng nhiệm nhặt như là “đan sinh” .
Song thân hưởng ứng nhiệt tình,
Cùng chung ước nguyện: “Hiển vinh Chúa Trời” .
***
Trải qua gian khó một thời,
Chín năm chuẩn bị mới rời Nhà Chung.
Phải chăng mơ tưởng mông lung,
Sợ khổ, ngại khó, cuối cùng phiêu lưu.
Lập dòng Đất Việt – chiêm tu,
480. Hãm mình, giữ miệng, Giêsu nguyện cầu?
Chẳng qua ý Chúa nhiêm mầu,
Thuận theo, cộng tác bước đầu tiên phong.
Chúa cho từng bước thành công,
Cha luôn phó thác với lòng trẻ thơ.
Dẫu các dòng Trappe làm ngơ,
Có Chúa mọi việc ngon ơ thôi hà.
Ý tưởng lập dòng của cha,
Như hạt cải nhỏ, thế mà lên cây.
Lá cành vươn rộng, trái đầy,
490. Chim trời khắp chốn về đây nương mình.
Tạ ơn Chúa Cả thiên đình,
Chọn Cha Tổ Phụ – chương trình thực thi.
Cám ơn cha đã kiên trì,
Vượt bao gian khó chỉ vì yêu thương.
Đoàn con khắp chốn, muôn phương,
Về đây nấp bóng, tựa nương suốt đời./.

–oOo–

 

 

CHƯƠNG 12: THÁNH GIÁ HỒNG ÂN

Đức Cha Allys tốt lành,
Muốn cho địa phận có nghành tu nam.
Đan tu – Cố Thuận muốn kham,
500. Ngài vui thích lắm, nhưng làm được chăng?
Dòng Tây từ chối “mần răng?”,
Một mình Cố Thuận e rằng không xuôi.
Đắn đo chẳng biết tiến – lùi,
Phần cha mộng ước luôn nuôi trong lòng.
Đức Cha cho đất lập dòng,
Cố Soái không chịu còn trông mong gì.
Đức Cha lại bảo: Ngưng đi!
Dẫu bao tiếc nuối, ngoan ngùy “xin vâng” .
Nghe biết đức Cha ân cần,
510. Các cha chua chát, nói gần nói xa.
Đức Cha có lúc thiết tha,
Khi thì tỏ vẻ như là không xuôi.
Nhưng rồi mọi sự cũng nguôi
Đón nhận, phó thác ở nơi Chúa Trời .
Đức Cha từ chối bằng lời,
Nhưng sai Cố Chính tìm nơi giúp ngài.
Gửi thư quan lớn tỏ bày,
520. Phúc đáp: “Đồng ý! Cho ngay một vùng.
Phước Sơn, ngài cứ ung dung,
Chỗ nào cũng được, trừ vùng đã khai”.
Đức Cha vui quá đi ngay,
Đến tìm Cố Thuận cho hay sự tình.
Gặp hai Cố ở An Ninh,
Báo rằng: Có đất, cha mình khóc ngay.
Hôm đi xem đất thật hay,
Mùng năm tháng bảy, nhằm “ngày viếng thăm” .
Phước Sơn vùng đất xa xăm,
530. Cố Thuận thích lắm nên thầm tính suy.
Đức Cha bảo: “Cứ chọn đi!” ,
Cha liền ngỏ ý: “Chỗ ni tuyệt vời!” .
Mặc dù đau ốm tơi bời,
La Vang viếng Mẹ – dâng lời tri ân.
Tương lai trông Mẹ phó dâng,
Xin Mẹ trợ giúp mọi phần trước sau.
Rừng thiêng, nước độc, cỏ lau. . .
Khởi sự trồng tỉa hoa màu sinh nhai.
Đâu phải ngày một ngày hai,
540. Kiên trì, tín thác một mai sẽ thành.
Vài cha tiếp tục đồng hành,
Chọn nơi, định chỗ hình thành cơ ngơi.
Cha thấy ơn Chúa mọi nơi,
Tâm luôn ghi khắc – một đời tri ân./.

–oOo–

 

 

CHƯƠNG 13: BƯỚC ĐẦU KHAI PHÁ

Lập dòng ý tưởng cưu mang,
Đến khi “sinh hạ” đa đoan trăm bề.
Bao nhiêu công việc nặng nề,
Lúa, tiền chẳng có, trông về “Mẹ yêu” .
Phá rừng, xẻ rú tốn nhiều,
550. Đổ nền, đào gốc. . . cứ liều một phen.
Thầy Chánh khi trước cha quen,
Đem lòng cảm mến, mon men theo “thầy”.
Cha con làm việc luôn tay,
Thuê người đào, bới, cuốc cày chẳng ngưng.
Mồ hôi ướt tóc, ướt lưng,
Nhiệt tình mấy bữa cánh rừng đã quang.
Mùng năm tháng tám lên đàng,
“Lễ Mẹ xuống tuyết” mở màn đầu tiên.
Cố Văn chuông nhỏ biếu liền,
560. Chúc cho thịnh đạt, núi thiêng mau thành.
Cha dựng một mái nhà tranh,
Đúng Lễ Mông Triệu khai sanh cộng đoàn.
Mọi việc có Chúa lo toan,
Êm xuôi, tiến triển thành toàn như mơ.
***
Hành trang ít ỏi, đơn sơ,
Tương lai phó thác trông nhờ ơn Cha.
Mến thương từ phía Cố Hòa,
Cho gạo, ruốc, muối, nồi, gà với dao. . .
Kiên trung sứ mệnh lớn lao,
570. Noi gương Biển Đức, núi cao lập dòng.
Khai sinh người đến “rất đông”:
Thầy, trò với mấy nhân công phá rừng.
Lễ xong “dọn tiệc tưng bừng”,
Mắm ruốc mừng lễ – chưa từng có ai.
Tiệc xong, cuốc rựa trên tay,
Đốn phá, đánh gốc bên này bên kia.
Vất vả mồ hôi đầm đìa,
Cha con gắn bó không lìa xa nhau.
Môn đệ rải rác xin vào,
580. Bền đỗ rất ít, ngán ngao thì nhiều.
Mệ Thuyền – con cháu hoàng triều,
Vào tu núi Phước, thỏa điều ước mong.
Sau bệnh nên phải rời dòng,
Dẫu vậy nhưng vẫn hướng lòng về đây.
Đến khi “nhắm mắt xuôi tay”,
Vẫn trông núi Phước lệ dài tuôn rơi.
***
Tiếng đồn lan rộng khắp nơi,
Dòng tu núi Phước, lắm lời khen chê. . .
Rủ nhau khắp chốn kéo về,
590. Xem dòng, tiếp tế thỏa thuê hiếu kỳ.
Đến hẹn làm lính cha đi,
Tám ngày thong thả, rảnh thì viết thư.
Kể về dòng mới bây chừ:
“Có nhà bé tí tựa như cái chòi.
Vậy là vui khoái lắm rồi,
Quá điều mong ước, không đòi gì hơn.
Khởi sự mọi việc xuôi trơn,
Hình thành, tiến triển nhờ ơn Chúa Trời.
Xin mẹ cầu nguyện tiếp lời,
600. Cho con nhớ Chúa mọi nơi, mọi ngày” .
***
Cố Văn kể: Xưa dòng này,
Cọp thường đến ngó rồi quay vào rừng.
Nghe nói mà rợn sống lưng,
Nhưng cha giấu kỹ để đừng sợ chi.
Cố Văn kể tiếp như ri:
Cố Thuận liều lĩnh không chi sánh bằng.
Chỉ rừng ngài kể một giăng,
Chỗ này nhà nguyện, phòng ăn và phòng. . .
Tiền thì chưa có một đồng,
610. Lại còn mắc nợ, chỉ hòng chiêm bao.
“Luôn cậy trông Chúa trên cao,
Con là đầy tớ nên nào lo chi”.
Cố Văn cảm phục quá đi,
Cho căn nhà nhỏ chỉ vì yêu thương.
Viết thư cho mẹ được tường,
Thầy dòng chưa được, làm vườn, nông phu.
Muốn sống nghiêm túc, chỉnh chu,
Chờ khi yên ổn tập tu từ từ.
Chúa cho đủ sống, chẳng dư,
620. Chăn nuôi, trồng trọt không từ việc nao.
Cha con công việc chia nhau,
Khởi đầu luật rộng, về sau nhặt dần.
Cầu nguyện, lao động chuyên cần,
Nhiệt tâm mến Chúa, nhọc thân sá gì.
Quyết tâm theo Chúa kiên trì,
Làm thầy dòng thánh: ngoan ngùy, khiêm nhu. . .
Thế gian muôn sự phù du,
Khôn ngoan chọn Chúa thiên thu vững bền./.

–oOo–

 

 

CHƯƠNG 14: CHUẨN BỊ LÀM THẦY DÒNG

Đây ngày mong ước tới rồi,
630. Buồn vui lẫn lộn, bồi hồi trong tim.
Trò buồn – miệng phải giữ im,
Thầy vui – luật khép, chỉ tìm Chúa thôi.
Đời này giả dối, bác bôi,
Vui năm buồn tháng, thảy rồi cũng qua.
Gửi thư thăm mẹ quê nhà:
“Chúc mẹ năm mới chan hòa phúc ân.
Chúng con tu tập chuyên cần,
Chúa cho mạnh khỏe tăng phần ơn thiêng.
Tạ ơn Thiên Chúa vô biên,
640. Đã cho tan giặc mọi miền bình an.
Mừng ngày thắng trận vẻ vang,
Mừng hơn – hồng phúc Chúa ban xác hồn.
Con đang đăng lính ở đồn,
Ra đi lòng cứ nóng nôn về nhà.
Chiến tranh khốc liệt đã qua,
Cầu Chúa cho mẹ quê xa an lành”.
***
Tích kể: Dòng mới khai sanh,
650. Công cha vất vả hình thành cơ ngơi.
Mặc cho nắng nóng, mưa rơi. . .
Cha làm tận lực, không lời thở than.
Cố Hòa thương mến vô vàn,
Quan tâm tiếp tế, sẵn sàng đỡ nâng.
Khi mô cha có việc cần,
Ngày đêm sẵn giúp không lần lựa chi.
Gạo mua vất vả, tính suy,
Xay lúa lợi cám, bớt đi ra ngoài.
Chúa thương dòng mới an bài,
660. Đức Cha trình tấu lên ngai Tông Tòa:
“Đông Dương – vùng đất an hòa,
Nhiều người thiện chí muốn xa thế trần.
Tự nguyện vì Chúa dấn thân,
Sống đời chiêm niệm thông phần phúc thiêng.
Dòng do linh mục đức, hiền,
Thừa sai nhiệt huyết, trung kiên lập thành.
Đã xin dòng Trappe hợp danh,
Ước mong bất toại nên đành lập thân.
Vì bao lợi ích tín nhân,
670. Xin ngài cứu xét, chuẩn ân lòng thành”.
Tông Tòa thuận ý chúc lành,
Hài lòng, khuyến khích thi hành khuếch trương.
Vui thay ý Chúa tỏ tường,
Quyết tâm tận đáp tình thương cao vời.
Tin này lan rộng khắp nơi,
Quý cha thăm viếng góp lời động viên.
Lúc trước thì bảo cha “điên”,
Giờ thấy kết quả tự nhiên khen ngài.
Cố Nhơn được mời chung tay,
680. Dần dần đổi ý đoái hoài giúp cha.
***
Thư ni cho mẹ biết qua,
Thời giờ, cách sống, việc nhà, tin vui. . .
Mười hai “đan sĩ” chăn nuôi,
Trâu, bò, gà, vịt. . . xong xuôi nguyện cầu.
Nhà tre, vách đất, không lầu,
Ẩm thực đạm bạc không dầu, sữa, bơ. . .
Ban đêm dậy lúc hai giờ,
Kinh nguyện, thánh lễ phụng thờ buổi mai.
Y phục một áo trắng dài,
690. Dây lưng, tràng chuỗi, bên ngoài áo vai.
Các thầy làm việc luôn tay,
Đổ nền, kênh vách, một thầy đang đau.
Con mong nhà mới làm mau,
Có nơi Chúa ngự, cùng nhau nguyện cầu.
Tin vui hơn được ngọc châu,
Cố Mẫn đến ở, bấy lâu mong chờ.
Tạ ơn Thiên Chúa vô bờ,
An bài Cố đến, dòng nhờ ơn thiêng”.
***
Chúa là Mục Tử nhân hiền,
700. Tinh thần, vật chất cho chiên dồi dào.
Cạn tiền, hết gạo chẳng sao,
Mở lòng người giúp, ôi chao đủ đầy.
Có tiền, nhà nguyện làm ngay,
“Chiêm bao” khi trước, hôm nay đã thành.
Nhà nghèo đơn mọn mong manh,
Thêm cha Tú đến phúc lành Chúa ban.
Việc nhà xuôi thuận, bình an,
Gia tang dân số, chứa chan lộc Trời.
Chiều qua con tưởng tiêu đời,
710. Làm vườn gần rú, cọp thời viếng thăm.
Chú nhìn con chó chăm chăm,
Bất thần nhảy bổ, vồ nhằm tuột tay.
Chú cẩu hốt hoảng chạy ngay,
Các thầy đứng khuất không hay sự gì.
Thấy con, chú chẳng nói chi,
Quay lung lủi thủi cứ đi vô rừng.
Con cám ơn Chúa quá chừng,
Canh phòng gìn giữ trong từng phút giây.
Mẹ cầu cho chúng con đây,
720. Tín trung, phó thác mọi ngày đời con./.

–oOo–

 

 

CHƯƠNG 15: TẬP SINH TIÊN KHỞI

Chờ mặc áo tập đã lâu,
Nhà nguyện hoàn tất cha mau tiến hành.
Hai năm núi Phước khai sanh,
Nay vào khuôn khổ để thành tu sinh.
Hai tháng chuẩn bị, dọn mình,
Y phục Dòng Kín thương tình may dâng.
Xin lời cầu nguyện đỡ nâng,
Để cha được hưởng phúc phần đan tu.
Lễ Mẹ dâng Chúa Giêsu,
730. Mặc áo, xin Mẹ thiên thu giữ gìn.
Áo thụng là “mốt” đọc kinh,
Áo vai, đai, chuỗi thùng thình đi nương.
“Thư này xin mẹ rộng thương,
Tha cho các tội vấn vương xưa rày” .
Xảy ra một sự không hay,
Đức Cha lâm bệnh nên thay Cố Hòa.
Chủ sự mặc áo cho cha,
“Tập sinh tiên khởi” dòng ta lúc đầu.
“Henri đã chết còn đâu,
740. Tin ni xin mẹ khẩn cầu cho con.
Benoit mến mẹ sắt son,
Henri – xin mẹ chẳng còn tiếc chi.
Để yên cho nó ra đi,
Benoit thương mẹ, Henri kém phần” .
Môn đệ mong được phúc ân,
Mặc áo nhà tập hiến dâng cuộc đời.
Chúa ban đại phúc cao vời,
Đức Cha hạ bút ban lời chuẩn y:
“Ta là Giám Mục Allys,
750. Ơn Trời, Tòa Thánh – trị vì nơi đây.
Ban sắc thành lập dòng này,
Chuyên lo nguyện gẫm, đêm ngày tụng ca.
Tu luật Thánh Tổ Benoit
Dòng mới tên hiệu: “Đức Bà Việt Nam” .
Sắc lệnh ban tại Phủ Cam,
Thánh ba, mười chín, năm làm hai mươi” .
***
Sáu thầy nét mặt rạng tươi,
Mặc áo nhà tập, mọi người hân hoan.
Cố Mẫn chủ sự lễ đoàn,
760. Cha Cẩn giảng lễ, hát đàn ngân vang.
Công việc bề bộn, dở dang,
Kiếm tiền, coi thợ cha mang một mình.
Nghe dòng chính thức khai sinh,
Các cha bàn tán cảnh tình núi cao.
Ngân Sơn đổi chỗ xem nào,
Phước Sơn sạn sỏi làm sao sống bền.
Cụ Thượng Thơ bảo: “Không nên,
Cần bao nhiêu ruộng cứ lên chương trình”.
Cha tạ ơn Chúa muôn nghìn,
770. Bao nhiêu công khó thật tình không cam.
Các cha nghĩa thiết cũng am,
Gửi quà mừng chúc: “Chúa làm thật hay!”.
Tháp chuông khởi sự làm ngay,
Mua chuông về gắn – xem này, oai chưa!
Viết thư cho mẹ thân thưa:
“… Cắt khoai phơi nắng phòng ngừa hư hao.
Không máy nên thái bằng dao,
Phơi khô, bỏ gạo trộn vào hấp chung.
Có khoai đỡ gạo vô cùng,
780. Để tiền làm nhà hội chung cộng đoàn.
Cầu cho việc chóng thành toàn,
Cuộc sống ổn định không còn lắng lo.
Chăn nuôi: chiên, dê, trâu, bò. . .
Thu cho địa phận, không cho riêng mình.
Làm việc chăm chỉ, nhiệt tình,
Lòng luôn nhớ Chúa, lặng thinh nguyện cầu.
Mẹ ơi! Chúng con đang rầu,
Khi dòng Trappe đến chắc đâu chịu vầy.
Dời đi, chẳng được ở đây,
790. Con luôn phó thác trong tay Chúa Trời.
Việc khác hy vọng mẹ ơi!
Một người thợ đúc bỏ đời vào đây.
Tuổi trẻ, mạnh khỏe lắm thay,
Hy vọng bền đỗ sau này đúc chuông.
Vô đông, ít kẻ ở luôn,
Nhiệm nhặt quá đỗi nên chuồn thế thôi.
Cha Goliot khỏe rồi,
Tạ ơn Chúa đã phục hồi cho cha.
Cố Mẫn, núi Phước rời xa,
800. Đi làm bổn sở chan hòa lệ tuôn.
Hai cha sắp đến ở luôn,
Hy vọng bền đỗ nên nguồn phúc ân”.
***
Đan tu ai muốn hiến dâng,
Ước ao, tự nguyện, dấn thân, hãm mình.
Hai giờ sáng – dậy đọc kinh,
Làm việc luôn mãi, lặng thinh suốt ngày.
Phụng vụ đơn giản lắm thay,
Không: đàn, hoa, nến – Mùa Chay bốn mùa.
Cha Chất vào tu như đùa,
810. Có hai chú trẻ a dua theo ngài.
Cố Thuận mừng rỡ quá tai,
Nào ngờ “chú nhỏ” mấy ngày chán chê.
Đang đêm khóc lóc đòi về,
Cha khuyên can mãi không hề chịu nghe.
Nổi giận, cha phải ngăm đe:
Hễ khuấy lần nữa ra hè ở luôn.
Chú nhỏ về, cha Chất buồn,
Sau cha, chú Triệu đi luôn khỏi dòng.
Từ đấy Cố Thuận dốc lòng,
820. Họ hàng một nhóm đừng hòng vào xin.
Cố Nhơn – tên thánh Martin,
Đức Cha gợi ý, thuận tình đi ngay.
Khác nào ngôn sứ I-sai,
“Con đây đã sẵn, xin Ngài sai con” .
***
Vui kia âm hưởng vẫn còn,
Không mời “buồn đến”, lòn tòn theo bên.
Cọp đi quanh rú kêu lên,
Cha cho đốt rẫy khi nền trời quang.
Không ngờ gió thổi bật sang,
830. Nhà khách cháy rụi, tiêu tan gia tài.
Chúa thương mất một còn hai
Nhà ngủ vô sự nối dài kế bên.
Cha quỳ gối, ngửa mặt lên:
“Chúa cho, Chúa cất – xin nên ý Ngài”.
Cha đùa dẫn đến họa tai,
Nói mai nhà cháy, ngày mai cháy liền.
Lúc mua, “điềm báo” không hiền,
840. Kèo nhà chạm trổ – xóa liền tốn công.
Nay lửa thiêu rụi là xong,
Tiếc bộ xương thánh, “đi đong” mất rồi.
Không sao, có cách khác thôi,
Đào đây, đổ đấy xây ngôi thánh đường.
***
“Kính thăm mẹ rất mến thương,
Nhà cháy – con vẫn như thường, hân hoan.
Ma-gni-fi-cat ca vang,
Tạ ơn Thiên Chúa mọi đàng thương con.
Phó thác cho Chúa lo toan,
850. Mặc cho nhà cháy, cộng đoàn bình yên.
Chúa là Cha rất nhân hiền,
Trong tay Mục Tử, đàn chiên no đầy”.
Tâm linh, vậy chất vui say,
Trung thành theo Chúa mỗi ngày thêm hơn./.

–oOo–

 

 

CHƯƠNG 16: PHƯỚC SƠN HAY NGÂN SƠN

Nếp nghèo vách đất nhà tranh,
Đốt rừng nguy hiểm, chuyển thành ngói thôi.
Cố Nhơn quyết chí tu rồi,
Hôm ấy đại lễ, núi đồi vui lây.
Bề trên biết Cố có tài,
860. Đặt làm quản lý trong ngoài kiêm luôn.
Gặp khó,Cố Thuận chẳng buồn,
Vẫn vui, mạnh khỏe nhờ nguồn ân thiêng.
Dẫu bao biến cố gây phiền:
Vật nuôi thất thoát, thợ thuyền khó thuê.
Họ đồn: núi Phước “linh” ghê,
Phước Sơn “đi dễ khó về” lành thân.
Tiếng đồn lan rộng xa gần,
Không thuê người được dẫu lần khắp nơi.
Vậy mà cha vẫn vui tươi,
870. Tín thác vào Chúa: hiện thời, tương lai. . .
Nhà cháy đã bấy lâu nay,
Chẳng người thương giúp, không ai đoái hoài.
***
Chín người nhà tập loay hoay,
Thức khuya dậy sớm, tịnh chay sá gì.
Việc cần là tập xét suy,
Như thầy dòng thật, ước chi mau thành.
Chỉ vì chẳng có gương lành,
Phải chi Trapistes chuyên ngành giúp cho.
Được thế thì phước rất to,
880. Nhưng thôi Chúa liệu, Chúa lo tuyệt vời.
Mấy tháng qua nắng quá trời,
Nay mùa mưa đến không ngơi tỉa trồng.
Canh tác vườn ruộng cầu mong,
Hằng ngày dùng đủ chẳng trông sang giàu.
***
Tích cha khiêm hạ thật sâu,
Thăm Đức Cha Lý, quỳ hầu luôn thôi.
Xưng “con” thay vì xưng “tôi”,
Lạy quỳ thưa chuyện, không ngồi như Tây.
Đức Cha thắc mắc: “Sao vầy?”
890. Cha liền đổi lại thế này cho xong.
Thay vì: “Lạy quý khách” không,
“Lạy đức Kitô ở trong quý ngài”.
Đức Cha chịu phép câu này,
Không thể cấm họ “lạy Thầy Giêsu”.
Đức Cha Hồ phục lắm ru,
Khen Cha Tổ Phụ: khiêm nhu, hiền hòa. . .
Cha sống ơn gọi mặn mà,
Ở ngoài đan viện như là đày thân.
Dù được tiếp đãi ân cần,
900. Ẩn nơi cô tịch bội phần thích hơn.
***
Mấy ngày đi chữa cái chơn,
Trâu trôi, bò bọ cọp vờn tha đi.
Thế gian bền vững có gì?
Phù vân hết thảy, chẳng chi trường tồn.
Mùa này trời lạnh ghê hồn,
“Muôn năm thần lạnh, chúc tôn Cha hiền”.
Hôm rồi có tí chuyện phiền,
Heo ri cả lũ đến nghiền vườn khoai.
Mời đi, “mụ” chẳng đoái hoài,
910. Lại bất lịch sự: “Khoai này của tao”.
Sung nổ, “chị ta” té nhào,
Sáng ngày “thị” được khiêng vào An Ninh.
Chủng Viện được bữa linh đình,
Tết Tây rộn rã, thắm tình đôi bên.
Cha ghé thăm Cố Bề Trên,
Ông bà quan thuế cũng lên thăm ngài.
Cha giữ luật, chẳng bắt tay,
Bà Tây tức khí phen này bị quê.
Hiểu ra, bà đến làm huề,
920. Cha cười đôn hậu, không hề chấp nê.
***
Nửa năm vắng bóng thợ nề,
Nay các thợ mộc tụ về Phước Sơn.
Cộng đoàn có nhiều giờ hơn,
Lo thờ phượng Chúa kéo ơn cho đời.
“…Bên Chúa con được thảnh thơi,
Thưa chuyện với Chúa về người mẹ yêu.
Xin mẹ hãy mến Chúa nhiều,
Chúa thương an định mọi điều ích thay.
Vậy mà ta chẳng có hay,
930. Giống như con nít khóc hoài không thôi”.
Tạ ơn Thiên Chúa Ba Ngôi,
Để cho nhà cháy, xong rồi ban ơn.
Xây nhà mới rộng tốt hơn,
Song nơi dương thế lắm cơn lụy phiền.
Nhà nghèo còn bị quỵt tiền,
Cai thầu nhận bạc nướng liền “đỏ đen”.
Làm cha vất vả bao phen,
Gánh gạch, cưa gỗ. . . không quen gắng làm.
***
Khi yêu khổ mấy cũng cam,
940. Vì dòng, vì Chúa chẳng ham sang giàu.
Thử lòng mới biết vàng thau,
Nhận ra ý Chúa, cha mau thi hành.
Lệnh Đức Cha đã rành rành:
“Phải rời núi Phước, di hành Ngân Sơn”.
Ý chung: Ở lại tốt hơn,
Bao nhiêu công khó dời chân sao đành.
Ngân Sơn: đất tốt, không lành,
Láng giềng hùm, cọp. . . và anh heo rừng.
Ba lần xem đất không ưng,
950. Nhưng nếu Chúa muốn, không ngừng “Xin vâng”.
Suy đi tính lại đôi lần,
Bỏ Phước, chọn Bạc: ngại ngần, đắn đo. . .
Tự quyết – trách nhiệm rất to,
Phải chi ý Chúa tỏ cho rõ ràng.
Rẽ đâu giữa ngã ba đàng?
Ở thì e ngại, lên đường trắng tay.
Lần cuối trình tấu, giải bày:
“Giờ đi hay ở tùy ngài định phân.
Ngân Sơn coi đất ba lần,
960. Ước mong ở lại có phần tốt hơn.
Nay chúng con tỏ nguồn cơn,
Tùy Đức Cha dạy, không sờn gian nan”.
Đức Cha là đấng khôn ngoan,
Cho cộng đoàn tự liệu toan mọi bề.
Cụ Nguyễn Hữu Bài tốt ghê,
Tới thăm cho lúa, ruộng kề cho luôn.
***
Có một thầy biết làm khuôn,
Đúc ảnh Thánh Giá, nhưng nguồn đồng khan.
Cả nhà vẫn được mạnh an,
970. Nhiều ơn gọi tốt, cộng đoàn thêm đông.
Cố Văn viết lại mấy dòng,
Khen Cha Tổ Phụ có lòng tin sâu.
“Ý Đức Cha định từ đầu,
Phước Sơn khó sống bền lâu sau này.
Ngân Sơn đất tốt lắm thay,
Nhưng sau khi được trình bày lý do,
Ngài không ngần ngại, đắn đo,
Đổi ngay ý định là cho không dời.
Khi tin đó đến tận nơi,
980. Cả nhà hoan hỷ cất lời ca lên.
Chắc do hài cốt dưới nền,
Các thánh tử đạo muốn bền định cư”.
Quả là ân phúc tràn dư,
Cộng đoàn an phát kể từ hôm nay./.

–oOo–

 

 

CHƯƠNG 17: CỘNG ĐOÀN AN CƯ

Cộng đoàn lập được hai năm,
Vượt bao sóng gió vững tâm không sờn.
Nay gặp thử thách nhiều hơn,
Các thầy đau ốm từng cơn liên hồi.
Đức cha sắp đến thăm rồi,
Sợ ngài giảm luật, bớt đôi ba phần.
Thiên hạ đau bệnh tùy thân,
990. Thầy dòng ốm yếu đoán phân, luận bàn.
Cha cầu thân mẫu mạnh an,
Vui nhận thánh giá, thanh nhàn đời sau.
Ở đời sự khổ thi nhau,
Ùn ùn kéo đến đủ màu, đủ tông.
Có thư hăm dọa nhà dòng,
“Một cơn bão táp” chực hòng ập vô.
“Bão mặc bão sợ chi mô,
Nếu là ý Chúa hoan hô đón chào”.
Ứng thay điềm đã rêu rao,
1000. Nửa đêm chó sủa ồn ào trước sân.
Mọi người rúng động tinh thần,
Tưởng đâu cọp lại đến gần nhà ta.
Chẳng ai can đảm bước ra,
Cha trông cửa thấy ngoài xa đông người.
Tiếng chân rầm rập đến nơi,
Hay giặc cướp phá như lời đã đe?
Đèn đuốc, gậy gộc lăm le,
Muốn kêu nhà trốn ngại e cọp hùm.
Chẳng lẽ chịu chết cả chùm?
1010. Cha cầm Thánh Giá oai hùng bước ra.
Định bụng sẽ chết mình ta,
Còn đoàn con cái xin tha một lần.
Thấy cha đang tiến lại gần,
Họ bỏ gậy gộc, rạp thân lạy ngài.
Mấy ông chức việc tỏ bày,
Gia Bình họ lẻ đến đây khẩn cầu:
“Chúng con sắp chết còn đâu,
Kẻ ngoại định giết bấy lâu mưu trừ”.
Cha khuyên: “Cậy Chúa nhân từ,
1020. Phú dâng mọi sự, bây chừ nghỉ an”.
***
Sáng trao thư đến phủ quan,
Cơm xong cha tự đi sang Gia Bình.
Tường việc đến huyện Do Linh,
Gặp quan tỏ rõ sự tình con chiên.
Quan hứa sẽ đến nơi liền,
Nửa đêm ngài đến dùng quyền an dân.
Dòng nghèo tiếp đãi sao cân,
“Cơm nâu, canh sắn” một lần nếm qua.
“Sơn châu hải vị” đây mà,
1030. “Tùy phong gia kiệm” quả là hiếm khi.
Dân trình quan nỗi gian nguy,
Ban lời trấn tĩnh, thị phi tra tường.
Cơm trưa tiễn họ lên đường,
Nhằm Lễ Mông Triệu, Mẹ thương hộ phù.
Mọi chuyện an ổn, êm ru,
Tạ ơn luôn mãi, nghìn thu không nhòa.
***
Nhân vì chuyện mới xảy ra,
Cha muốn đào đất vòng nhà phân ranh.
Làm vòng lũy cấm bao quanh,
1040. Ngăn bước chân lạ với “anh lợn rừng”.
Nội vi hoan hỷ mời dừng,
Luật cấm nghiêm nhặt, xin đừng cả gan.
Chỉ trừ quốc mẫu, đại quan,
Phu nhân tổng thống và ban tháp tùng.
Gửi tin mẹ thông công cùng:
“Nhà con đào lũy khoanh vùng nội vi.
Rộng hơn một thước, ít chi,
Thế mà chẳng cản heo ri vượt hào.
Mùa đông đến lạnh xiết bao,
1050. Mẹ nên bảo trọng kẻo hao thân gầy.
Trần gian thánh giá phủ đầy,
Thầy dòng cũng vác, chẳng ngày nào không.
Đức cha vừa đến thăm dòng,
Ngài rất vui vẻ, hài lòng lắm thay.
Hai năm đầu mới sơ khai,
Những tưởng không ổn, nhưng nay khen nhiều.
Ngài nói tiên tri một điều,
Hai mươi năm nữa phong nhiêu cộng đoàn.
Phước Sơn ơn gọi rộng lan,
1060. Đông Dương đan sĩ sẽ tràn khắp nơi.
Mong sao ứng được như lời,
Để danh Chúa mãi rạng ngời chốn đây.
Đức cha thánh thiện lắm thay,
Chịu nhiều gian khó bên ngoài bên trong.
Cá, khoai luộc đủ no lòng,
Bánh, cơm, rượu, thịt…ngài không dùng gì.
Thế mà diện mạo khó bì,
Ai cần giúp đỡ việc chi sẵn lòng.
Thất tuần thượng thọ vừa xong,
1070. Nguyện ngài thêm thọ, góp công giúp đời”.
***
Nhà hội chung đã xong rồi,
Vui mừng khôn xiết, bồi hồi tri ân.
Từ nay sớm tối hai lần,
Cha ban giáo huấn môn nhân mỗi ngày.
Mừng hơn là tết năm nay,
Cộng đoàn chầu Chúa, chầu thay mọi người.
Chúa xuống hai nghìn năm rồi,
Người chưa biết Chúa, ôi thôi vô vàn.
Có vài chiên “trở lại ràn”,
1080. Thấm đâu so với muôn đàn bơ vơ.
Người đời nghe đạo làm ngơ,
Bao danh, lợi, thú…lại quơ gom vào.
Ước gì họ biết vươn cao,
Thoát đời tạm, hướng đời sau vĩnh hằng.
***
“…Con tạ ơn Chúa toàn năng,
Giúp xong nhà ngói, cột bằng gỗ lim.
Nói sao cho hết nỗi niềm,
Quan cho nhiều lúa như điềm Thiên ân.
Thầy dòng, ông lão, gia nhân,
1090. Cả thảy ba chục công dân Nước Trời.
Cọp kia tự đến không mời,
Bốn dê, một sửu bắt xơi ngon lành.
Mấy lạng thạch tín thết “anh”,
Chúa sơn lâm cũng phải đành quay đơ.
Được thưởng chục bạc ngon ơ,
Thịt cọp ngon tuyệt, xương chờ đem cân.
Xương làm thuốc bổ tuyệt trần,
Giúp người đau ốm phục thân chóng lành”.
***
Cha đi khám bệnh chuyên ngành,
1100. Bác sĩ khám mãi cũng đành bó tay.
Bảo rằng: “Sống được là may!”
Thôi xin tùy Chúa an bài định phân.
Đức cha nghe vậy ân cần:
“Dẫu cha muốn chết, phước phần còn lâu.
Chưa thể chết sớm được đâu,
Tôi đây bảy chục hằng cầu chết an”.
Xin hoài mà Chúa chẳng ban,
Phần ta thì cứ sẵn sàng luôn luôn.
Khi nào thiên sứ “rung chuông”,
1110. Ta sẵn hành lý chẵng buồn lo chi.
Nhẹ nhàng cất bước ra đi,
Diện kiến nhan Chúa vinh quy muôn đời./.

–oOo–

 

 

CHƯƠNG 18: CHA XỨ PHƯỚC SƠN

Phước Sơn dòng đến định cư,
Dân chúng kéo đến từ từ đông lên.
Phần nhiều dân ngoại tụ nên,
Sau xin trở lại do tên nhà dòng.
Quan Cụ thấy vậy rộng lòng,
Nhà thờ xây cất, khi xong trao quyền.
Đức cha thấy vậy bảo liền:
1120. “Bề trên núi Phước trông chiên xứ này”.
Làm phép nhà thờ trọng thay,
Quan Triều, cha khách…cờ bay rợp trời.
Cố Thuận chủ lễ, giảng Lời,
Một bài đại thể cho đời phúc nhân:
“Ai vì kẻ khó dấn thân,
Dù cho nước lã, phúc phần mai sau”.
Lời giảng mạnh mẽ thâm sâu,
Thính giả lương giáo gật đầu ghi tâm.
Lễ xong cha con âm thầm,
1130. Kiếu không dùng tiệc vì nhằm Mùa Chay.
Mọi người nể phục lắm thay,
Chứng nhân đời sống cách này tuyệt chiêu.
Cha vẫn băn khoăn một điều,
Nước Nam dân ngoại còn nhiều vô song.
Nguyện ơn thánh Chúa soi lòng,
Để họ biết Chúa, hướng trông lên Ngài.
***
Hôm nay ra khỏi Mùa Chay,
Cộng đoàn an mạnh chung tay làm nhà.
Người cưa, người lấy củi xa,
1140. Nhà tranh làm tạm, chẳng qua thiếu tiền.
Ít dòng con gửi mẹ hiền:
“Đang mùa thu hoạch của miền đất ni.
Lúa, mè sẽ chẳng thiếu chi,
Đủ lương thực chính, còn gì phải lo.
Vua Khải Định lập lễ to,
“Hưng Quốc Khánh Niệm” – lễ cho hoàng triều.
Bá quan văn võ thật nhiều,
Cùng vua chầu Chúa ra chiều cung nghiêm.
Nhà thờ đông chật như nêm,
1150. Phủ Cam xứ rộng chứa thêm nhiều người.
Mẹ xem có chuyện lạ đời,
Xưa thời cấm cách, nay thời kính tôn.
Xin mẹ cầu Chúa nhiều hơn,
Cho họ can đảm bước chơn vào Trời.
***
Tin này vui lắm mẹ ơi,
Bấy lâu nắng quá, nay rơi mưa rồi.
Mấy cây chè tưởng chết toi,
Giờ chúng sống lại, ôi thôi quá mừng.
Đây là sản phẩm đặc trưng,
1160. Là nguồn thu chính, xem chừng khả quan.
Khi nào sản phẩm thành toàn,
Gửi mẹ nếm thử xem ngon không nào.
Xin mẹ cầu nguyện nhiều vào,
Cho con biết sống làm sao cho tròn.
Bề trên, Giáo tập mình con,
Vừa làm cha sở, lại còn đốc công.
***
Con bận lo việc nhà dòng,
Bổn mạng của mẹ con không kịp mừng.
Cọp muốn ăn lễ tưng bừng,
1170. Bắt con bò nhỏ vào rừng mà xơi.
Mẹ cầu cho con một lời,
Đừng làm hư phí thời giờ Chúa ban.
Chúng con vẫn được mạnh an,
Những ơn gọi mới ngày càng thêm đông.
Có một thầy mới vô dòng,
Tướng tá khỏe mạnh, làm nông rất cừ.
Con làm mọi việc không trừ,
Đoái công chuộc tội chẳng từ nan chi.
Con mới nhận được tin ni,
1180. Mẹ lại đau mắt, thôi thì xin vâng.
Đời này đau khổ xác thân,
Đời sau được thưởng bội phần ích thay.
Thánh giá không thiếu mọi ngày,
Là do Nguyên Tổ chọn sai thuở nào.
Nhưng Chúa khoan hậu biết bao,
Là Cha nhân ái ta nào sợ lo.
***
Cái chân con lại đau cho,
Ghẻ nhỏ liều bỏ thành to như vầy.
Con đành nghỉ việc mấy ngày,
1190. Làm vườn không được, lần này nghỉ lâu.
Lòng con bận mối lo âu,
Nhà cơm hoàn tất tiền thầu kết giao.
Cha quản lý sạch hầu bao,
Băn khoăn lo lắng: Làm sao bây giờ?
Con đến Thánh Cả cậy nhờ,
Mọi sự phó thác, trông chờ Chúa thôi”.
Cố Văn kể lại mấy lời:
“Lên thăm núi Phước, tức thời gặp ngay.
Cha quản lý đến thở dài,
1200. Người ta đòi nợ trong tay không tiền.
Bề trên như có “két” riêng,
Cứ tiêu quá trớn liên miên nợ nần.
Tôi mới lên tiếng phân trần:
Cố Thuận cầu nguyện nhắm phần này thôi.
Hằng ngày lương thực đủ rồi,
Còn ta xin đủ thêm đôi ba ngày.
Đang còn nói chuyện dông dài,
Có người mang đến biếu hai trăm đồng.
Vừa đủ để trả nợ xong,
1210. Quả là Chúa giúp ai trông cậy Ngài”.
***
Cộng đoàn giữ miệng bấy nay,
Nhưng ba mươi phút mỗi ngày cười vui.
Nay cha suy tới tính lui,
Có nên nhiệm nhặt rèn trui tinh thần.
Cộng đoàn họp lại định phân:
“Cứ giữ như trước hay cần nhặt thêm?”
Cả nhà hai mốt thành viên,
Mười bốn phiếu nhặt, bảy thiên xưa giờ.
Cha vui, trong bụng mở cờ,
1220. Mừng con gan dạ, không ngờ giống cha.
Sợ bảy người kia phiền hà,
Nên thử áp dụng cho nhà Tập Sinh.
Ngày thường, lễ trọng làm thinh,
Còn bên tìm hiểu thuận tình cho chơi.
Cha tạ ơn Chúa không ngơi,
Thấy đoàn môn đệ sống đời dấn thân.
***
Chùa thương tràn đổ hồng ân,
Việc nhà xuôi thuận, được phần thưởng công.
Quan lớn tặng ba trăm đồng,
1230. Khai phá rừng rú với lòng nhiệt tâm.
Nhằm tháng tám, ngày mười lăm,
Chắc do Đức Mẹ âm thầm giúp cha.
Mở lòng quan lớn hải hà,
Trả nợ vừa đủ, quả là khéo thay.
Vui qua, sầu kéo đến ngay,
Mưa to gió lớn cỏ cây úa tàn.
Cộng đoàn trông tưởng bình an,
Nhưng tâm môn đệ xốn xang, u buồn.
Buồn chi không rõ ngọn nguồn,
1240. Một người vừa thoát, người tuôn lệ trào.
Cha thấy ái ngại làm sao,
Sức hèn lực mọn, cách nào giải vây?
Cậy trông, tín thác nơi Thầy,
Có Chúa mọi chuyện êm ngay thôi mà.
Cha ngày càng nhận rõ ra,
Công việc xuôi thuận chính là Chúa cho.
Vững tâm không chút đắn đo,
Chúa cùng sánh bước, lắng lo không còn./.

–oOo–

 

 

CHƯƠNG 19: ĐỜI SỐNG MỚI

Tháng ngày nước chảy, mây trôi,
1250. Ba năm thấm thoát như hồi trống canh.
Non cao, nước biếc, mây xanh,
Chim vui ca hát, trên cành gió reo.
Đâu ngờ nơi chốn hút heo,
Có cộng đoàn nhỏ sống theo Tin Mừng.
Nay tiên khấn chốn núi rừng,
Chúa thương tuôn đổ không ngừng hồng ân.
Đức Cha nhận của lễ dâng,
Tận hiến lòng trí, trọn thân xác này.
Chúa đã xếp đặt an bài,
1260. Thanh Tra Tòa Thánh đến ngay dịp hồng.
Đức Cha mời đến nhà dòng,
Ngài chủ tọa lễ thêm long trọng nhiều.
Cộng đoàn vui biết bao nhiêu,
Trang hoàng chuẩn bị mọi điều ngoài trong.
Cha vừa giảng, vừa cấm phòng,
Chịu chức, tiên khấn, áo dòng tập sinh.
Cuộc đón tiếp thật linh đình,
Trang nghiêm, sốt sắng, thắm tình kết thông.
Rước vào nhà nguyện hát xong,
1270. Cộng đoàn gặp gỡ với lòng hân hoan.
Ngài đại diện Đức Giáo Hoàng,
Thăm Đất Việt, viếng cộng đoàn Phước Sơn.
Cả nhà quỳ rạp dưới chân,
Rồi hôn nhẫn ngọc, xong phần tiếp nghênh.
Chuông vừa làm phép vang rền,
“Lễ đầu mùa” thượng tiến lên Thiên Đình.
Hai tân chức, bảy khấn sinh,
Ngọt lời tuyên hứa trọn tình hiến dâng.
Lễ tất quý ngài rời chân,
1280. Cha con khởi sự sang phần thứ hai.
***
“Sống cuộc đời mới” từ nay,
Cho đúng chức bậc trong ngoài của ta.
Trước luật thinh lặng thông qua,
Hai phần giữ miệng, một là ưng chơi.
Nay cha hỏi chắc một lời,
Sau khi bỏ phiếu, hỡi ơi xoay vần.
Ưng nói, chiếm gấp hai lần,
Cha đành bấm bụng theo phần phiếu đông.
Chúa nhật lễ trọng đồng lòng
Một giờ giải trí vui xong nguyện cầu
Lao động cày cuốc rừng sâu
Ở nhà lên rẫy đi đâu cũng thầy
Thầy thật thầy thánh là đây
Ra sức nên thánh Cha thầy cùng mong.
***
Chăn nuôi từ thuở lập dòng,
1290. Phần lợi cũng có, hại không nhỏ gì.
Giờ phải giữ luật nội vi,
Để gia nhân giúp, thuận đi tiện về.
***
Luật chung cha giữ mọi bề,
Của ăn kham khổ không chê bữa nào.
Khó ăn cũng ráng nuốt vào,
Nêu gương môn đệ. Ôi chao anh hùng!
Ngày chay giữ luật không dùng,
Cố Tây châm chước luật chung nới vòng.
Lần kia thầy bếp tốt lòng,
1300. Những ngày lễ trọng luật dòng mở ra.
Làm bánh thết đãi cả nhà,
Mỗi người một cái, kính cha hai phần.
Chỉ là bánh sắn không nhân,
Dọn chi dùng nấy chẳng phân vân gì.
Dùng xong cha ngó thấy kỳ,
Anh em mỗi một, mình thì hết hai.
Cơm xong gọi đến phạt ngay,
Các thầy làm cớ, thân này mê ăn.
Sau còn nhắc lại để răn,
1310. “Bề trên hai cái bánh” rằng: Hỗ ngươi!
Người ta chay tịnh thì lười,
Phần cha chay tịnh vui tươi được mùa.
Bởi ngài thường hay nói đùa,
Chay kiêng – ngon miệng khi mùa đã qua.
Nói thế nhưng sự thực là,
Ngài dùng rất ít, sống qua đời này.
***
Cha thích công việc thường ngày,
Gánh cát, đá, gạch… luôn tay không ngừng.
Xay lúa, cưa gỗ đã từng,
1320. Gánh phân, cuốc đất, đi rừng, lên nương…
Dân chúng rất phục và thương,
Ông Tây biết gánh, khách đường trông khen.
Giúp bếp vất vả bao phen,
Gánh nước, giã gạo không quen cũng làm.
Rửa rau, đãi gạo cũng kham,
Rỡ cơm, vác củi… bao hàm trọn phiên.
***
Đi lấy củi mới truân chuyên,
Mỗi tháng một lượt không phiền hà chi.
Kinh lễ sớm hơn mọi khi,
1330. Xong sắp hàng một để đi vào rừng.
Dọc đường miệng đọc: Kính Mừng…
Tay cho vào áo chớ đừng vung ra.
Dẫn đầu hướng đạo là cha,
Các thầy theo bước như là đoàn binh.
Đến nơi quỳ gối hát kinh,
Chia nhau các hướng tự mình chặt cây.
Khi nào nghe hiệu vỗ tay,
Cùng ca tụng Chúa ở ngay chỗ mình.
Rồi lại tiếp tục nhiệt tình,
1340. Gắng thu nhiều củi hành trình thành công.
Kinh, cơm và nghỉ trưa xong,
Kinh chín, gom củi chất chồng lên xe.
Cha làm nhanh gọn khỏe re,
Các thầy bó lỏng, so le, rối bù.
Củi đầy ứ một xe tru,
Mọi người vui vẻ cùng nhau về nhà.
***
Công tác hèn hạ, thối tha,
Cha kiêm dài hạn: chà nhà vệ sinh.
Trừ khi có khách thình lình,
1350. Hoặc là đi vắng chương trình mới thay.
Còn việc ngủ nghỉ của ngài,
Thức khuya dậy sớm không ai kịp bì.
Mùng mền cha chẳng dùng chi,
Đắp hai bao tải, lạnh thì hy sinh.
Cha sống đức ái trọn tình,
Noi gương thân phụ hết tình vị tha.
Chăm lo hồn xác cả nhà,
Quan tâm lúc khỏe, nhất là khi đau.
Thấy ai ốm yếu xanh xao,
1360. Cho đồ bồi dưỡng kẻo sau thêm gầy.
Còn ai kén chọn quở ngay,
Hy sinh chịu khó nhắc thầy chuyên chăm.
Có người tặng áo khoác thâm,
Thay áo tơi lá khi nhằm trời mưa.
Xuất hành nhà may sẽ đưa,
Hai mới, một cũ ai vừa thì mang.
Với cha cũ mới chẳng màng,
Nhường con áo mới, dài ngang gấu quần.
Ai đau chăm sóc ân cần,
1370. Cha lo hết sức, đủ phần thuốc thang.
Tình cha trải rộng cả làng,
Dẫu là lương – giáo có can chi nào.
Đêm kia có bệnh khênh vào,
Là người dân ngoại xanh xao thân gầy.
Cha liền cùng với các thầy,
Tận tình cứu giúp, rộng tay rộng lòng.
Kẻ khó đến chẳng về không,
Có khi cho chẳng còn đồng nào luôn.
Vậy mà cha không lo buồn,
1380. “Chúa vay, Chúa trả bạc muôn thiệt gì.
Có bao nhiêu cứ cho đi,
Khi nào ta hết, tức thì Chúa ban”.
***
Cha còn có nỗi lo toan,
Rất nhiều chiên lạc vẫn còn bơ vơ.
Lời Cố Bình kể trong thơ:
“Điều cha trăn trở xưa giờ chẳng phai.
Khi sang đất Việt đến nay,
Mong nhiều người thế đàng ngay trở về”.
Sung sướng – cheo leo mọi bề,
1390. Tiền tài danh vọng, nặng nề xác thân.
Chỉ có một việc rất cần,
Lo cho kẻ ngoại được phần rỗi thôi.
Đừng ham sống kiểu nước đôi,
Chỉ lo đời tạm, kẻo rồi thiệt thân.
Một ngày đọc kinh bảy lần,
Mân Côi ba chuỗi, thêm phần hy sinh.
Mỗi ngày chầu Chúa, dâng kinh,
Mong góp phần cứu sinh linh mọi miền.
Khi xưa đi xứ chăn chiên,
1400. Thấy không năng hiệu, cha liền tìm phương.
Cứu thế giới, cứu Đông Dương,
Lập dòng chiêm niệm – hậu trường góp công.
Trợ thuẫn những bước tiên phong,
Xông pha anh dũng thêm lòng hăng say.
Cha đặt kinh đọc mỗi ngày,
Cầu cho người thế sớm quay trở về.
Thoát xa khỏi kiếp lầm mê,
Chọn chúa gia nghiệp, chọn quê Nước Trời.
Đan tu thầm lặng một đời,
1410. Cầu cho người thế mọi thời, mọi nơi./.

–oOo–

 

 

CHƯƠNG 20: ĐỈNH ĐIỂM CUỘC ĐỜI

Ba năm khấn tạm mau qua,
Nay ngày vĩnh thệ bao là hồng ân.
Lễ vật cuộc sống tiến dâng,
Hiến trọn hồn xác dấn thân cho Ngài.
Núi rừng náo nhiệt vui thay,
Rất đông quan khách tới đây chúc mừng.
Linh mục thừa sai khắp vùng,
Trong ngoài địa phận đến cùng chia vui.
Cha vừa tuyên thệ dứt lời,
1420. Cha Berna cũng trọn đời hiến dâng.
Thầy Nghĩa, thầy Chánh tiếp phần,
Ngọt lời dâng hiến xác thân linh hồn.
Sống vì danh Chúa Cao Tôn,
Hy sinh, cầu nguyện cứu hồn sinh linh.
***
Chín năm – núi Phước thành hình,
Nay cha mở cuộc hành trình xứ xa.
Thầy Trụ cùng đi với cha,
Hai người khởi sự đi ra miền ngoài.
Xuất hành một chuyến rất dài,
1430. Khi xe, khi bộ trên tay xách đồ.
Khách đường thấy lạ đổ xô,
Ôi chao thánh thiện, người mô rứa hề?
Trang phục giản dị nhà quê,
Chân không đi dép, thương ghê vậy hà!
Cố Tây chính gốc đây mà,
Sao lại khắc khổ như nhà ẩn tu?
Khó nghèo, hiền hậu, khiêm nhu,
Đơn sơ, thanh đạm đặc thù của cha.
Đến các chủng viện thăm qua,
1440. Không nhằm chiêu dụ, nhưng là mở khơi.
Ai nghe tiếng Chúa gọi mời,
Xin cứ mạnh dạn đáp lời dấn thân.
Người còn nghi ngại phân vân,
Cứ ở đúng bậc không cần tính suy.
Đi đường cha chẳng giữ gì,
Giao cho thầy Trụ lo chi mọi đàng.
Khi được ở chốn khang trang,
Cha vẫn giữ bậc, không màng tiện nghi.
Thầy Trụ thì lại thích nghi,
1450. Dọn chi dùng nấy, mấy khi được vầy.
Cha liền lên tiếng quở thầy:
“Con theo thói tục, ở ngoài thế gian”.
Chuyến đi kết quả khả quan,
Cha, thầy, các chú chuyển sang khá nhiều.
Cộng đoàn ơn gọi phong nhiêu,
Chúa ban ơn phúc mọi điều thăng hoa.
***
Ngân khánh linh mục của cha,
Hai lăm năm đó bao là hồng ân.
Biển tình – đền đáp sao cân,
1460. Nguyện trọn hồn xác hiến dâng đáp tình.
Mười năm núi Phước thành hình,
Nay tạ ơn Chúa công trình mở khai.
Cha con cụ Nguyễn Hữu Bài,
Đến cùng dự lễ nhân ngày “thập niên”.
Chuyện lạ: có một ứng viên,
Con của quan lớn – Thừa Thiên phủ nhà.
Công chức, đạo khác vậy mà,
Xin gia nhập đạo cùng là xin tu.
Cha bề trên mừng lắm ru,
1470. Dạy đạo, kinh bổn kịp thu vô dòng.
Pháp văn nhuần nhuyễn tinh thông,
Học kịp rửa tội như trong dự trình.
Vào dòng, mặc áo thỉnh sinh,
Nhưng trong năm tập bệnh tình trở ngăn.
Tiếc thay, nhưng biết mần răng,
Rời xa núi Phước vẫn hằng luyến lưu.
Sau vào dòng Đaminh tu,
Là cha Bửu Dưỡng, đi du học về.
Giỏi giang, thông thái mọi bề,
1480. Giúp ích Giáo Hội trong nghề giáo sư.
Tiếp có thầy Lê Hữu Từ,
Đã là thầy sáu rất ư nhiệt tình.
Vào dòng lãnh áo thỉnh sinh,
Rồi sau ba tháng phong linh mục liền.
Đâu ngờ sẽ có cơ duyên,
Mười bảy năm nữa thăng quyền Đức Cha.
Chủ chăn Phát Diệm quê nhà,
Xitô đan sĩ dòng ta đấy mà.
***
Miến Bắc cha đã đi ra,
1490. Miền Nam muốn xuống kinh qua một vòng.
Dẫn theo thầy Lêô Phòng,
Ghé Đức Cha Thiện – Vĩnh Long thăm ngài.
Đức Cha nhớ mãi câu này:
“Dzô dòng tìm Chúa, hễ ai gặp thì. . .
Dzui mừng ở mãi không đi,
Hễ ai không gặp, cách chi cũng dzề.
Người đi tìm Chúa ít ghê,
Nên dzô nhiều lắm, mà dzề cũng đông”.
Cha đi giới thiệu một vòng,
1500. Cũng có ơn gọi nhưng không được nhiều.
Vào Nam ra Bắc mời kêu,
Còn An Ninh sẽ một chiều dừng chân.
Hay mời trường viếng Phước Sơn,
Đôi bên giao hảo kết thân xưa giờ.
***
Lại có một chuyện không ngờ,
Có Đức Khâm Mạng tình cờ ghé thăm.
Cha liền tính chuyện xa xăm,
Xin nhập dòng Trappe hay nhằm dòng Tây.
Tính rồi nhưng nói sao đây,
1510. Ngại Đức Cha Lý, biết ngài ưng không.
Nào ngờ về đến nhà dòng,
Đức Cha hỏi trước, mở lòng trải ra.
Tưởng đâu chuyện sẽ rầy rà,
Nào ngờ sự việc thuận đà thành công.
Cha hỏi, anh em đồng lòng,
Xin nhập dòng Trappe, nhưng không nhận lời.
Xitô Chung Phép vui mời,
Bảo gởi Hiến Pháp sang nơi của ngài.
Chờ đại hội sẽ trình bày,
1520. Cho người tuần viếng chờ ngày hồi thư.
Trước cha kiêm chức tập sư,
Nay xây tập viện, cha Từ sẽ thay.
Cha Bernard phản đối ngay:
“Giờ tiền mô có mà xây thêm nhà”.
Thấy ngài tính nết thật thà,
Mọi người cười rộ nên cha phân trần:
“Chính Chúa sẽ liệu khi cần,
Khởi công, đặt gỗ là phần mình lo”.
Cha bảo thầy Phêrô đo,
1530. Số phòng hai chục để cho thợ làm.
Cộng trừ thầy có tường am?
Đo ngang tính dọc bao hàm bốn mươi.
Sau thú lỗi, cha bật cười:
“Đó là ý Chúa, bảo người làm đi”.
Nhà xong mắc nợ vị chi,
Hai ngàn đồng chẵn, lấy gì trả đây?
Sau cha quản lý cho hay,
Có người đã giúp nợ này trả xong.
***
Cha định ngày sẽ dời phòng,
1540. Tin Viện Phụ đến nên trong một ngày.
Các thầy nhà mới chuyển ngay,
Tổng Quyền đại diện lần này thanh tra.
Cộng đoàn núi Phước thăm qua,
Xitô tuần viếng xem nhà nơi đây.
Mọi sự cứ tưởng cơ may,
Nhưng Chúa xếp định an bài trước sau.
Cộng đoàn vui vẻ đón chào,
Vị thanh tra đến cùng nhau luận bàn.
Luật dòng cần phải chỉnh trang,
1550. Xitô, Biển Đức đôi đàng hòa chung.
Y phục cấp bậc không cùng,
Chay kiêng quá nhặt, khuyên dùng tí chi.
“Đô” cao, nên hạ xuống “Si”,
Sáng ngày cần có chút gì dùng qua.
Hôm sau bếp nấu cháo hoa,
Cha làm gương trước, cả nhà xuống theo.
Múc chén cháo, húp một lèo,
Đó là bữa sáng cảnh nghèo đan tu.
Thanh tra kết thúc êm ru,
1560. Giờ chọn tước hiệu đặc thù dòng ta.
Đa số lấy danh Đức Bà,
Vô Nhiễm, Thánh Mẫu. . . quả là rất hay.
Nhưng cha có đề nghị này,
Ta không mục vụ, suốt ngày đọc kinh.
Cầu nguyện cho hết chúng sinh,
“Thánh Gia” phù hợp cho mình lắm thay.
Cộng đoàn tán thưởng vỗ tay,
Quả là cao kiến, ý này tuyệt hay.
Hôm sau Viện Phụ đi ngay,
1570. Ngài hài lòng lắm, hẹn ngày hồi tin.
***
Năm ấy cha đi thuyết trình,
Hai lần mời trước nể tình nhận đi.
Sau mời cha mới tính suy,
Nếu quen thành nếp sau thì không nên.
Kính Đaminh với Dòng Tên,
Phan Sinh và các dòng bên tông đồ.
Phước Sơn là “rễ” – rút vô,
Âm thầm cầu nguyện, “vi mô” chuyện mình.
Hội Thánh – đại thọ tốt xinh,
1580. Các dòng – hoa lá rung rinh trên cành.
Hoa thơm, trái ngọt tốt xanh,
Là nhờ dưỡng chất rễ lành chuyển trao.
Phước Sơn như rễ dồi dào,
Ẩn sâu xuống đất hút màu nuôi cây.
Rễ nào “thò” khỏi đất dày,
Trồi lên mặt đất héo ngay ích gì.
***
Sau họ nài mãi mới đi,
Cha giảng lần nữa chỉ vì ích chung.
Trở nên dụng cụ Chúa dùng,
1590. Mong cho người ngoại về cùng Chúa thôi.
Sau khi cha qua đời rồi,
Có ông chánh án viết đôi lời này:
“Lúc lên xe lửa gặp ngài,
Mắt nhắm, miệng nhẩm miệt mài đọc kinh.
Xe chạy cả buổi mặc tình,
Tập trung cầu nguyện không nhìn ngó ai.
Tôi rất cảm mến phục ngài,
Tâm hồn đạo đức, bên ngoài khó khăn.
Bữa trưa ngài lấy ra ăn,
1600. Muối mè, cơm nguội mần răng mà “thời”.
Vậy mà ngon miệng ngài xơi,
Sau tôi vô phép ngỏ lời hỏi thăm:
Ngài “thời” cơm có ngon chăng?
Ngon lắm! Khi đói chi bằng bữa ni.
Thật ngài có phước quá đi,
Tôi thuê đầu bếp có khi không bằng.
Tốn tiền mà chẳng đặng ăn,
Còn ngài chay tịnh mà hằng mạnh an.
Khi tôi giới thiệu là “quan”,
1610. Ngài liền vui nhận họ hàng với nhau.
Vĩnh Linh, Quảng Trị thân hào
Hai tỉnh kế cận ra vào giáp ranh”.
Giảng thuyết lần này nổi danh,
Các cha cảm phục, chân thành xin theo.
Cha Chỉnh mến nếp sống nghèo,
Xin rời Phát Diệm cắm neo nơi này.
Thấy cha tha thiết khẩn nài,
Đức Cha đồng ý nên ngài rút lui.
Giã từ xứ đạo miền xuôi,
1620. Lên tu núi Phước an vui tuổi già.
***
Bút tích của cha Bernard,
Lúc còn coi xứ nhờ cha giảng phòng.
Dầu công việc bận vô song,
Cố Thuận vẫn gắng giúp trong việc này.
Đồng hành thiêng liêng mỗi ngày,
Tôi rất cảm kích cách ngài giải phân.
“Luôn luôn thấy Chúa ở gần,
An bài xếp đặt mọi phần cho ta.
Xuôi thuận, trắc trở chẳng qua,
1630. Đó là ý Chúa, nhận ra phục tùng.
Nếu làm ngược sẽ rối tung,
Ý Chúa nhiều lúc không trùng ý ta”.
Một linh mục nói với cha:
Bên Tây trợ cấp xây nhà bên đây.
Đức Cha ngăn cản việc này,
Nhà trường, bệnh viện không xây nên buồn.
Cha khuyên ngài hãy vui luôn,
Vâng theo ý Chúa là nguồn khôn ngoan.
Cha chia ba hạng thế gian:
1640. Người nặng xác thịt không màng đời sau.
Những người học rộng hiểu cao,
Xét nét lý sự nên nào ích chi.
Có tài rồi cũng vứt đi,
Hiểu sai đạo lý, vô nghì bất trung.
Đơn sơ là hạng sau cùng,
Đọc, hiểu Lời Chúa làm khung đời mình”.
***
Thương dân giúp chữa bệnh tình,
Cha xây nhà thuốc chương trình vì dân.
Nhưng chỉ nhận bệnh nam nhân,
1650. Vì trong lũy cấm, ranh phân rạch ròi.
Lâu nay xuất hành thiệt thòi,
Cấp “sứ vụ lệnh” bớt đôi tiền tàu.
Sẵn tờ công tác cũng trao,
Mỗi năm hai đợt nhằm vào dịp ni.
Bernard, Biển Đức lễ kỳ,
Công tác ngăn trở, cần thì đổi thay.
Năm đó sẽ áp dụng ngay,
Vào lễ Biển Đức là ngày thực thi.
Ghế chủ tọa dọn oai nghi,
1660. Dưới chân trải thảm, gối quỳ kế bên.
Bảy giờ chuông hội vang lên,
Cả nhà hội tụ, Bề Trên tiến vào.
Cha lên ngồi ghế trên cao,
Cầm tờ công tác mà trao từng người.
Có một sự cố buồn cười,
Cha đẩy gối đệm ý mời quỳ lên.
Nhưng ai cũng né một bên,
Không quỳ trên nệm, quỳ trên nền nhà.
Cha đẩy tới, họ lùi xa,
1670. Cầm lòng không được cả nhà cười vang.
***
Chúa đồng hành với cộng đoàn,
Ban ơn trợ giúp, lo toan xưa giờ.
Nên có một chuyện không ngờ,
Trước nay đi Huế trọ nhờ Nhà Chung.
Cha tính mua nhà tiện dùng,
Ông Hội Nghi biếu cho vùng đất riêng.
Xây nhà và đài thọ liên,
Chi phí ăn ở, bạc tiền chẳng lo.
Dòng Chúa Cứu Thế lễ to,
1680. Cha nhận lời đến giảng cho một bài.
Xong cha mệt bở hơi tai,
Đến nhà ông Hội nằm xoài vì đau.
Về Phước Sơn hai ngày sau,
Cha bị đau liệt với bao bệnh tình.
Thấy các cha đến thăm mình,
Cha liền vùng dậy đáp tình anh em.
Dẫn khách một vòng thăm xem,
Chuyện trò vui vẻ chẳng thèm bận tâm.
Khách về cha lại đi nằm,
1690. Ngày càng ốm liệt, âm thầm chịu đau.
Không hề rên rỉ kêu gào,
Đón nhận thánh giá Chúa trao phi thường.
Cha không chịu đi nhà thương,
Sau thấy không ổn, thịt xương đau nhiều.
Sợ bác sĩ nói mình liều,
Đành đi bệnh viện để điều trị thôi.
Ghế cáng cha chẳng chịu ngồi,
Cố gắng đi bộ một hồi nghỉ chân.
Mặt xanh, da tái, nhọc thân,
1700. Hy sinh, cha vẫn gắng lần mà đi.
Khám xong bác sĩ thấy nguy,
Lắc đầu bào: “Hỏng!”, còn gì nữa đâu.
Đức Cha Giáo đến xức dầu,
Các cha nghe thế rủ nhau thăm ngài.
Cộng đoàn nghe được tin này,
Ai cũng buồn bã, mặt mày ủ ê.
Đức Cha bảo đưa cha về,
Bác sĩ hết cách đã chê rồi mà.
***
Mười tám tháng bảy về nhà,
1710. Nằm phòng kẻ liệt như là ý cha.
Ông Hội Nghi ở Huế ra,
Đi cùng cậu Thoại ghé qua thăm ngài.
Thấy khách, cha chỗi dậy ngay,
Niềm nở chào hỏi, bắt tay thân tình.
Không cho cậu Thoại chụp hình,
Cám ơn ông Hội đưa mình về đây.
Khách về, cha liền bảo ngay,
Viết lời cha trối, tối này đọc chung:
“Cha về cùng Chúa cửu trùng,
1720. Có lẽ không sống được cùng chúng con.
Cha khuyên giữ luật cho tròn,
Là theo ý Chúa sắt son một lòng.
Muốn nên thánh – giữ luật dòng,
Đó là tâm ý cha mong mỗi ngày.
Cha đi bằng an lắm thay,
Không chi lo lắng, nơi Ngài cậy trông.
Chúa là Cha chung của dòng,
Có Chúa không sợ, an lòng lo chi.
Muốn xin phép lạ thì tùy,
1730. Tín thác nơi Chúa – cha đi an lòng.
Chúng con ở lại trong dòng,
Đừng buồn, đừng sợ, Chúa không bỏ mình.
Hãy vui trên cuộc hành trình,
Có Chúa cùng bước, an bình thảnh thơi.
Cám ơn Chúa, Mẹ không ngơi,
Đã cho con sống trọn đời tín trung”.
***
Cha đọc thứ tự lung tung,
Bảo thầy y tá viết chung một lần:
“Tim cha đập nhịp không cân,
1740. Mỗi phút đập hơn trăm lần có dư.
Cái thận nó đã bị hư,
Đi tiểu ra máu, bây chừ chưa thôi.
Cái phổi cũng đã hỏng rồi,
Cha ho ra máu từng hồi từng cơn.
Tì vị tan nát hết trơn,
Ăn vô hay mửa, nó lờn không tiêu.
Bệnh trỉ đau biết bao nhiêu,
Lại còn sốt rét sớm chiều lâu nay.
Giờ bác sĩ đã bó tay,
1750. Bảo cha sống được là hay nhất đời.
Cha cho là ơn Chúa Trời,
Nay cha sắp phải xa rời trần gian.
Cầu cho cha biết sẵn sàng,
Tuân theo ý Chúa bình an lên đường”.
***
Anh em thương quá là thương,
Thay phiên nhau đến bên giường của cha.
Mỗi người vài phút thăm qua,
Dẫu cho ngắn ngủi vẫn là quý thay.
Chúa cho cha tỉnh mấy ngày,
1760. Coi chỉnh hiến pháp lâu nay soạn trình.
Giấy tờ quan trọng của mình,
Cha bàn giao hết, phân minh rạch ròi.
Hăm hai, cha thấy khỏe rồi,
Nhà cơm làm phép và ngồi dùng chung.
Dùng trứng với “nước cá bung”,
Đâu ngờ tối đó bệnh bùng phát lên.
Hăm ba, hăm bốn đau rền,
Không ăn chi được cho nên mệt nhiều.
Ai thăm cũng hỏi một điều,
1770. Trông dùm sắc diện ra chiều “sắp đi”?
Nghe “chưa” – buồn bã ai bi,
Thấy Cố Mẫn đến: “Tôi đi, cha à!”.
Ngặt mình cha tỏ ý ra,
Rắc tro nằm đất như là luật chung.
Chuông “hội tử” điểm lạnh lùng,
Cộng đoàn tụ lại để cùng đọc kinh.
Đến nơi ai cũng thương tình,
Cha nằm sõng sượt, quanh mình tro rơm.
Cùng đọc kinh phó linh hồn,
1780. Lời kinh tiếng khóc – lệ ngôn vang hòa.
Nửa giờ bi thảm trôi qua,
Thấy không biến chuyển, khênh cha lên giường.
Một thầy thấy cảnh đoạn trường,
Têrêsa nhỏ, xin thương chuyển cầu.
Cho cha được bớt cơn đau,
Hay được thuyên giảm sống lâu trong dòng.
Các thầy thay phiên canh phòng,
Bên cạnh túc trực tận lòng với cha.
Sáng ngày cha nói: “Đêm qua,
1790. ‘Mấy thằng đen’ đến phiền hà lắm thay.
Một thằng thổi quyển toàn sai,
Một thằng phục lạy ở ngay bàn thờ”.
Hôm ấy lễ thánh Tông Đồ,
Cha hấp hối lúc sáu giờ ba mươi.
Hồi chuông thê thảm ngân lơi,
Mọi người tề tựu vang lời kinh chung.
Cha bảo: “Cầu cho cha cùng,
Vì đau đớn lắm, biết dùng lời chi.
Nói cho biết cảnh sinh thì,
1800. Cầu cho người sắp ra đi một lời.
Cứu con với! Mẹ, Mẹ ơi!”,
Cung giọng thảm thiết không ngơi kêu cầu.
“Lạy Chúa, đến giúp con mau”,
Bề trên nhì xướng, cùng nhau tiếp lời.
Kinh cầu Đức Mẹ Chúa Trời,
Cất lên cùng đọc, cha thời nằm yên.
Bảy rưỡi cha lại ngó nghiêng,
Nhìn thầy y tá, miệng liền méo đi.
Mạch đứng – Cha đã sinh thì,
1810. Về cùng Chúa, Mẹ – chia ly đôi đàng.
Một bầu không khí thương tang,
Cảnh vật ảm đạm, không gian nhuộm buồn.
Cả nhà mắt lệ tràn tuôn,
Sinh ly tử biệt, hiệu chuông vang rền.
Dọn giường, tắm xác đặt lên,
Những hoa tươi thắm rắc trên thi hài.
Trời nóng, để xác không hay,
Các cha bàn định: “Tối nay tiễn ngài”.
Cộng đoàn thương cha lắm thay,
1820. Cũng đành an táng, ngày mai lễ mồ.
Sáng Đức Cha Giáo mới vô,
Các quan, quý khách đổ xô về dòng.
Viếng cha, dự lễ mồ xong,
Rước vô phòng thánh hát long trọng mừng.
Xưa nay viễn cảnh chưa từng,
Nhà tang mà lại tưng bừng hát ca.
Là do sáng kiến của cha,
Chết trong nhà Chúa quả là phúc thay.
Cộng đoàn được nghỉ một ngày,
1830. Không còn buồn nữa mà nay hát mừng.
Tạ ơn Thiên Chúa quá chừng,
Một đời trung tín, xin đừng sầu thương.
Khi được Chúa gọi “lên đường”,
Hưởng nhan thánh Chúa tỏ tường như ri.
Theo Chúa – cùng Chúa trị vì,
Ngự bên tòa Chúa uy nghi rạng ngời.
Những ai vì Chúa bỏ đời,
Sẽ được hưởng lãi nhận lời gấp trăm.
Chúa là gia nghiệp muôn năm,
1840. Đời đời bên Chúa thỏa tâm mong chờ./.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Kết thúc tiến trình phong chân phước cấp giáo phận cho “Cố Thuận” – vị sáng lập Dòng Xitô ở Việt Nam

Kết thúc tiến trình phong chân phước cấp giáo phận cho "Cố Thuận" - vị sáng lập Dòng Xitô ở Việt Nam Trưa ngày 10/5/2024,...

Trực tiếp Nghi thức bế mạc án phong chân phước cho Cha Henri Denis Benoit Thuận

  https://www.youtube.com/live/pjjg-00hrZQ?app=desktop   Vào thứ Sáu ngày 10 tháng 5 lúc 12 giờ trưa, giờ Rôma, (tức là 17 giờ Việt Nam). tại Tòa Đại Diện, phiên...

Lời Giáo Huấn của Cha Henri Denis Biển Đức Thuận

  Lời Giáo Huấn của Cha Henri Denis Biển Đức Thuận (1980 - 1933)                     Đấng Sáng Lập Hội Dòng Xitô Thánh Gia Ngày 15 - 08 - 1918 "Việc...

Kinh xin ơn nhờ lời chuyển cầu của cha Henri Denis Biển Đức Thuận

    Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, vì lòng thương vô cùng Chúa đã sai Con Một Chúa xuống thế làm người, sống cuộc...

Hạnh Tích Cha Benoit (R. P. Henri Denis Cố Thuận)

        HẠNH TÍCH CHA BENOIT (R.P. HENRI DENIS CỐ THUẬN)             Nihil obstat: F.M. Bernard Mendiboure Tu viện trưởng Thánh mẫu Phước Sơn Vĩnh Linh, Quảng Trị Die 21 martii 1943 Imprimatur Franciscus Maria...

Gương đức hạnh của Cha Henri Denis Biển Đức Thuận – Tổ Phụ Hội Dòng Xitô Thánh Gia

Gương Đức Hạnh Của Cha Henri Denis Biển Đức Thuận - Tổ Phụ Hội Dòng Xitô Thánh Gia Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Ngày 18/11/2018, Tòa...

Phần I. Vài nét về cha tổ phụ Henri Denis Benoit

Thoát thai từ cái nôi Phước Sơn Quảng...

Phần II – Cha Tổ Phụ và HDXTTGVN

PHẦN II. CHA TỔ PHỤ VÀ HỘI DÒNG XITÔ...

Phần III, Từ ngày cha Tổ Phụ tạ thế đến nay. (Alberto Vũ Bá Đạt)

Hội Dòng Xitô Thánh Gia sau ngày cha...

TIỂU SỬ CHA BIỂN ĐỨC THUẬN

  TIỂU SỬ CHA BIỂN ĐỨC THUẬN, ĐẤNG SÁNG LẬP PHƯỚC...