Trong việc cử hành hôm nay, Lễ Các Thánh, chúng ta cảm thấy thực tại Các Thánh Thông Công đặc biệt trở nên sống động, tức là đại gia đình của chúng ta, được làm nên bởi tất cả mọi phần tử của Giáo Hội, có thành phần chúng ta còn đang hành trình trên trần gian, có những người – đông đảo hơn – đã ra khỏi trần gian và đã về Trời. Tất cả chúng ta đều được hiệp nhất, được gọi là “Các Thánh Thông Công”, tức là cộng đồng của tất cả những ai đã lãnh nhận Phép Rửa.
Trong phụng vụ, Sách Khải Huyền nhắc nhở chúng ta một đặc tính thiết yếu của các thánh như thế này: các vị là những con người hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa. Cuốn Sách này cho thấy các vị là một đám đông “được tuyển chọn”, mặc áo trắng và có in “ấn tín của Thiên Chúa” (7:2-4,9-14). Qua cái cá biệt cuối cùng này, được nhấn mạnh bằng thứ ngôn từ bóng bẩy, cho thấy các thánh thuộc về Thiên Chúa một cách trọn vẹn và chuyên biệt; các vị là tài sản của Ngài. Mang ấn tín của Thiên Chúa trong đời sống của mình và nơi con người của mình nghĩa là gì? Tông Đồ Gioan cũng cho biết rằng nó có nghĩa là trong Chúa Giêsu Kitô, chúng ta đã thực sự trở nên con cái của Thiên Chúa (xem 1Gioan 3:1-3).
Chúng ta có nhận thức được đại tặng ân này hay chăng? Chúng ta có nhớ rằng nơi Phép Rửa chúng ta đã được Cha Trên Trời “niêm ấn” và đã trở nên con cái của Ngài hay chăng? Nói đơn giản là chúng ta mang tên họ của Thiên Chúa, tên họ của chúng ta là Thiên Chúa, vì chúng ta là con cái của Thiên Chúa. Đây là gốc gác của ơn gọi nên thánh! Các thánh chúng ta tưởng nhớ hôm nay chính là những ai sống trong ân sủng của Bí Tích Rửa Tội các vị lãnh nhận, các vị giữ nguyên tuyền “ấn tín” ấy, tác hành như là thành phần con cái của Thiên Chúa, tìm cách noi gương bắt chước Chúa Giêsu, và giờ đây các vị đã đạt tới đích điểm của các vị ở chỗ cuối cùng các vị “thấy Thiên Chúa như Ngài là”.
Đặc tính thứ hai thích đáng với các thánh đó là các vị trở nên những tấm gương để bắt chước. Chúng ta hãy lưu ý nhé: chẳng những các vị Thánh được tôn phong mà có thể nói cả những vị Thánh “ở bên cạnh” chúng ta, những vị nhờ ơn Chúa đã nỗ lực thực hành Phúc Âm nơi những cái thường tình trong đời sống của họ. Chúng ta cũng đã gặp những vị Thánh này: có lẽ chúng ta đã có một ai đó trong gia đình của chúng ta, hay trong số bạn bè quen biết của chúng ta. Chúng ta cần phải biết ơn họ và nhất là cần phải tạ ơn Chúa là Đấng đã ban họ cho chúng ta, Đấng đặt họ gần chúng ta, như là những tấm gương sống động và lây lan về cách sống chết trung thành với Chúa Giêsu cũng như với Phúc Âm của Người. Biết bao người tốt lành chúng ta đã biết đến và đang biết đến và chúng ta nói rằng: “Người này là một vị Thánh!”, chúng ta nói như thế một cách bộc phát. Đó là những vị Thánh kề bên chúng ta, những vị chưa được tôn phong nhưng đang sống với chúng ta.
Để bắt chước các hành vi cử chỉ yêu thương và nhân hậu của họ là một cái gì đó như thể kéo dài sự hiện diện của họ trên thế gian này. Thật vậy, những hành vi cử chỉ phúc âm ấy là những hành vi cử chỉ duy nhất chống lại cái hủy hoại của sự chết: một hành động êm ái dịu dàng, một hành động quảng đại giúp đáp, giành thời gian lắng nghe, một cuộc viếng thăm, một lời nói tử tế, một nụ cười tươi… Những hành vi cử chỉ này có vẻ tầm thường chẳng là gì trước con mắt của chúng ta, thế nhưng trước con mắt của Thiên Chúa chúng lại là những gì thường hằng, vì tình yêu và lòng thương cảm mạnh hơn cả sự chết.
Chớ gì Trinh Nữ Maria, Nữ Vương Các Thánh, giúp chúng ta tin tưởng hơn nữa vào ân sủng của Thiên Chúa, tiến bước nhanh chóng trên đường thánh thiện. Chúng ta hãy ký thác cho Người Mẹ của chúng ta nỗ lực hằng ngày của chúng ta, và chúng ta cũng nguyện cầu cùng Mẹ cho kẻ chết của chúng ta với niềm hy vọng sâu xa rằng chúng ta sẽ được gặp lại họ một ngày kia tất cả cùng nhau ở trong mối hiệp thông vinh hiển trên Thiên Đàng.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch