Thứ tư, 5 Tháng hai, 2025

KỂ CHUYỆN NGƯỜI CHA KHIÊM NHƯỜNG – Maria Gioan Lasan (CSĐD)

 

KỂ CHUYỆN NGƯỜI CHA KHIÊM NHƯỜNG

Maria Gioan Lasan (CSĐD)

Dẫn nhập

Qua văn kiện của Công Đồng Vaticanô II và Bộ Giáo Luật, Giáo Hội tha thiết mời gọi các tu sỹ: “tìm về nguồn” (x. Đời Tu số 2; Giáo Luật số 576 và 578). Việc tìm về nguồn đúng nghĩa mà Giáo Hội nhắn nhủ người tu sỹ thực hiện đó là phải trung thành với đặc sủng riêng, qua việc luôn tìm hiểu sâu xa về Đấng Sáng Lập, về lịch sử Hội Dòng… (x. Chỉ Thị Huấn Luyện Dòng Tu, số 68 và số 27).

Trong ý hướng đó, khi các thành viên của Hội Dòng Xitô Thánh Gia mừng bách chu niên ngày Cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận Lập Dòng (1918-2018), là cơ hội tốt để mọi đan sỹ của Hội Dòng học hỏi, thấm nhuần và sống triệt để tinh thần của người Cha đáng kính. Di sản tinh thần Cha Tổ Phụ để lại rất nhiều, biểu hiện rõ nét qua đời sống đức hạnh của ngài. Ai cũng dễ dàng nhận thấy nơi “vị tôi tớ” Chúa những nhân đức nổi bật như: Tin, Cậy, Mến, can đảm, tiết độ, khiêm nhường…(x. HT. tr. 78). Ở đây, người viết chỉ tập trung khai triển nhân đức khiêm nhường nơi Cha Tổ Phụ khả kính, qua tiêu đề: KỂ CHUYỆN NGƯỜI CHA KHIÊM NHƯỜNG.

Dựa vào 2 nguồn tài liệu chính: (1) Những lời Cha Tổ Phụ đã nói hoặc viết ra được thâu tóm trong cuốn Di Ngôn và (2) Những tích chuyện, những lời tường thuật của các chứng nhân sống đồng thời với ngài được ghi lại trong cuốn Hạnh Tích, bài viết này sẽ giới thiệu nhân đức nổi bật đó nơi cuộc đời Cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận qua bốn giai đoạn quan trọng trong cuộc đời của ngài.

  1. Giai đoạn Cha Giáo Thuận ở tiểu chủng viện An Ninh lần I (1903-1908).

Ngày 29-04-1903, tiếng còi tàu hú vang tại bến cảng Marseille, đưa cha Henri Denis rời bỏ quê hương Pháp quốc hoa lệ đi đến miền đất truyền giáo Việt Nam, nơi cha nhận làm quê hương thứ hai và gắn bó khăng khít cho đến chết, không ngày hồi hương.

(Cảng Marseille ngày nay, ảnh Internet)

Nung nấu trong tim khát vọng bừng bừng mang Chúa đến cho dân Việt, cha Henri Denis “bước xuống” mảnh đất Việt với cung cách hết sức dịu dàng từ tốn, không một chút phô trương, trịch thượng coi mình là người đến khai sáng văn minh. Trái lại, vừa đến Việt Nam, cha đã rất mực khiêm tốn xin Cố Nhơn (R. P. Mendiboure), cha sở Lăng Cô, rồi thụ huấn Cố Chính Đăng ở Kim Long chỉ vẽ mọi lẽ về ngôn ngữ và phong tục Việt Nam (x. HT. tr. 41; 44; 52).

Nếu như Mẹ Maria khiêm nhường vì đã hoàn toàn vâng theo thánh ý Chúa, thì Cha Tổ Phụ của chúng ta cũng có lòng khiêm nhường khi hòa mình vào phong tục tập quán Việt Nam đón nhận một tên gọi mới: “Thuận” (do đức giám mục Gaspar đặt cho), khi khởi đầu sứ vụ truyền giáo. Thuận với ý nghĩa là “Thuận theo ý Chúa” (x. HT. tr. 41). Và đúng như danh xưng này, Cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận đã sống khiêm nhường “Thuận” theo thánh ý nhiệm mầu của Thiên Chúa mọi nơi, mọi lúc, trong suốt cuộc đời.

Cố Thuận mới ở Kim Long được ít tháng, đức giám mục sở tại (Monseigneur Gaspar: Lộc) thấy ngài khá tiếng Việt nên bổ nhiệm làm giáo sư tiểu chủng viện An Ninh. Giai đoạn này có nhiều nhân chứng kể về tài đức của cha giáo Thuận: “Theo chứng thơ các cha giáo gửi đến, cha giáo Thuận là một giáo sư biệt tài, một tay anh hùng đại đảm. Với học lực uyên bác, cha cực điểm [hiểu rộng biết sâu] về nhiều phương diện xứng đối [tương xứng] một nhà hiền nhân quân tử. Nhờ ngài mà tiểu chủng viện An Ninh biết được nhiều khoa học khúc mắc như: đại số học, kỷ hà học, vạn vật học, Prosodic, Latinh…” (HT. tr. 42). Cha giáo Thuận lại kiêm việc dạy ca nhạc đàn hát. Thời gian ngài hiện diện, tiểu chủng viện An Ninh nổi tiếng trong việc đàn hát nhất… (x. HT. tr. 43). Cha giáo Thuận giỏi tiếng Việt đã đành lại giỏi luôn cả chữ Hán, chứng thư các cha viết: “Một ông tây vừa dạy văn chương, tu từ, kiêm đàn hát, vừa chuyên Việt ngữ, lại học chữ Hán có bốn năm mà đã dạy cả một trường danh tiếng như trường An Ninh, quả thực là hãn hữu” (HT. tr. 44).

Theo tâm lý tự nhiên: Ai sáng trí thì dễ sinh tính kiêu căng, nhưng đối với cha giáo Thuận, ngài giỏi nhưng không kiêu căng tự phụ. Trái lại, ngài luôn khiêm tốn chu toàn trách nhiệm như một người tôi tớ: “Ngài cẩn thận dọn bài chấm bài, cắt nghĩa kỹ càng, chuyên bề thực hành hơn lý thuyết” (HT. tr 43; x. DN, số 1).

Bên cạnh đó, cha giáo Thuận là người làm mọi việc cách hăng hái, nhiệt thành nhưng ăn uống rất ít, rất thanh đạm…(x. HT. tr. 44).

(Phòng ăn TCVAN, năm 1906)

Cha yêu chuộng đức khó nghèo và thanh thoát tiền bạc… (x. HT. tr. 45). Hạnh Tích kể rằng: “Cha giáo Thuận giữ nết na nghiêm chỉnh lắm. Ngài giữ bậc khiêm nhường thứ XII trong Tu Luật thánh tổ Bênêdictô kỹ lắm, bất kỳ đi đâu, ở đâu, ngài quen giữ thái độ đầu cúi xuống, hai tay chéo lại, cặp mắt ngó xuống, không trông ngang ngửa” (HT. tr. 45). Tích này hé lộ cho chúng ta biết cha giáo Thuận đang “thai nghén” ý tưởng lập Dòng chiêm niệm và sẽ thành sự trong tương lai…

Người ta sẽ tinh tế nhận ra sự khiêm nhường nơi Cha Tổ Phụ trong bức chân dung của ngài “đầu cúi xuống, hai tay chéo lại, cặp mắt ngó xuống”. Con người khiêm nhường ấy luôn hạ mình, xóa mình, không để ai ca tụng, không muốn ai biết đến, ngay cả chụp riêng cho mình một tấm chân dung ngài cũng không (x. HT. tr. 221; 230). Chẳng ai tìm được tấm hình riêng nào của ngài! Bức chân dung hiện thời của ngài, được hoạ lại từ tấm hình ngài chụp chung với cộng đoàn (năm 1922).

 

   

(Chân dung Cha Tổ Phụ)

Cha giáo Thuận ở Chủng Viện An Ninh vừa đầy 5 năm thì được đức giám mục Monseigneur Gaspar Lộc trao bài sai đi coi xứ Nước Mặn (Thừa Lưu); đúng như tâm nguyện  “đi giảng đạo” của ngài.

  1. Giai đoạn Cố Thuận coi xứ Nước Mặn (Thừa Lưu: 1908-1913).

Trong vai trò làm cha sở Cố Thuận tận tâm dạy giáo lý, hạ mình thân hành thăm riêng từng nhà để trực tiếp an ủi bổn đạo, như thư ngài viết: “Lạy cha mẹ rất yêu dấu, con đi thăm bổn đạo, con đến từng nhà một. Mỗi nhà con cho một ảnh Đức Mẹ chỉ bảo đàng lành, tràng hạt áo Đức Bà, đoạn con nói ít lời an ủi họ…” (HT. tr. 55; DN, số 7).

Ngài khiêm nhường phục vụ, làm thuốc chữa bệnh bất kể lương giáo. Một thầy trợ giáo nghĩa tử của ngài làm chứng: “Thường ngài hay mua thuốc về cứu giúp bệnh nhân, ai đau [ốm hay bị] thương tích gì đến xin ngài làm thuốc thì chính tay ngài múc nước chùi rửa làm thuốc một cách rất chu đáo” (HT. tr. 56). Hơn nữa, nhiều khi có người chết, ngài lại đích thân liệm xác và cho tiền mai táng: “Họ [giáo xứ] con nay phải dịch thiên thời thổ tả, chết mất mười người, con cũng bị, song nhờ ơn Chúa đã khá. Người ta thất kinh đến nỗi không ai dám liệm xác kẻ chết, chính tay con phải ôm xác bỏ vào quan tài, đậy nắp đóng đinh rồi bỏ tiền đem đi chôn!” (HT. tr 56; DN, số 8). 

Thế mà vẫn có những kẻ vong ân bội nghĩa “lấy oán đền ân”, xử tệ với ngài. Nhưng ngài một lòng theo gương Chúa Kitô khiêm nhường. Thầy trợ giáo môn sinh của cha thuật lại rằng: “Khi ngài coi sóc họ [giáo xứ] Nước Mặn đã nêu gương nhịn nhục người khác thường. Ngài kiêm thêm ba họ nhánh [giáo họ] là Phú Gia, Phú Hỡi và Châu Mới. Một hôm đến phiên ngài đi làm lễ họ Châu Mới, cách Nước Mặn bốn cây số, phải đi qua một cái cầu tre. Khi ngài cưỡi ngựa đến cầu, trong làng có người ghét đạo biết ngài xuống làm lễ, nó chạy ra rút cầu quăng đi, song ngài cứ bình tĩnh đặt [dặt] ngựa lội xuống, may nhờ nước cạn, ngài qua được bình an rồi cứ đi thẳng tới nhà thờ không la quở một tiếng” (HT. tr. 65).

Một tích nữa cũng cho thấy Cố Thuận rất mực khiêm nhường: “Năm khác, ngài đi làm lễ minh niên cũng cho họ Châu Mới. Tối Ba Mươi rạng mồng Một, thói quen kẻ ngoại hay lên nêu [để trừ ma quỷ].

(Cây Nêu, ảnh Internet)

Ngài dùng cơm tối xong đoạn ông câu đến thưa: Có một nhà trong họ muốn ý bỏ đạo, lên nêu tại nhà nó. Nghe vậy động lòng thương con chiên xiêu lạc, ngài bảo thắp đèn đi với ngài. Đến nơi cha an ủi khuyên lơn, dạy hạ nêu xuống, song nó không nghe. Ngài bèn tìm dao ra chặt cây nêu hai ba phát. Cả nhà chúng chạy ra lấy roi, lấy gậy đánh ngài lu bù, quăng cái đèn ngài đi. Ngài cứ bình tĩnh tìm đèn thắp ra về. Bổn đạo vội chạy đến nhà thờ thúc trống kêu cứu. Chức việc làng Châu Mới đến lạy thưa: Con dại cái mang dám xin cha đại xá. Đang ngày minh niên xử chưa được xin huyền lại qua dịp Nguyên đán, làng sẽ xử tội đứa ngỗ nghịch. Cha nghe vậy làm thinh, chỉ giơ tay trọng thương cho làng xem đoạn cho làng về. Sau tết không nghe ai nói đến, ngài cũng bỏ qua, lâu lâu có người nhắc thì cha rằng: không can chi” (HT. tr. 65). Như vậy đủ cho thấy Cố Thuận là người hiền lành nhịn nhục bổn đạo biết chừng nào.

Bên cạnh đó, Cố Thuận lại còn hết sức khiêm nhường, cư xử nhã nhặn với các linh mục được Đức giám mục sai đến phụ giúp ngài. Theo thư của cha Rey (Cố Phú) là cha phó giúp Cố Thuận coi xứ Nước Mặn kể lại: “Tôi thú thật tôi không làm cho cố Thuận được hài lòng mấy. Tôi mới học tiếng Việt Nam được mấy tháng mà ngài muốn tôi nói xuôi sao được? Tôi nhớ sao nói vậy mà ngài cũng vui lòng luôn. Tính ngài nóng như lửa cháy, song cũng mau tắt. Ngài sắc trí lắm, nên mau hiểu sự lỗi của mình khi đã biết thì tự hạ cách đơn sơ khiêm nhường lắm” (HT. tr. 67).

Thêm nữa, thầy Micael Biện nghĩa tử của Cố Thuận cũng minh chứng rằng: “Thường có thói quen các ngày Chúa Nhật chức việc các họ lẻ đi xem [dự] lễ rồi vào hầu [gặp] cha sở trình [bàn] việc họ. Một hôm đến giờ cơm mà chưa xong việc, Cố Thuận cứ ngồi nói tiếp. Các chú lên dọn bàn thì bảo thủng thẳng [từ từ] đã. Các chú đi thưa cha phó Lược thì cha phó không bằng lòng. Một hồi lâu xong việc, dọn cơm lên mời cha phó sang dùng bữa. Làm phép bàn xong cha Lược cầm vịt cơm nói: “Cơm nguội như vầy ăn sao được? Họ nhóm [bàn công việc] mặc họ, đến giờ dùng bữa thì cứ đi, đợi họ làm cơm canh nguội cả”. Cha giáo Thuận vội đứng lên xin lỗi: “Nay lỡ rồi xin cha bỏ qua, tự hậu không dám nữa”. Ôi! Thật là gương khiêm nhường hiếm có, nhất là ngài dốc lòng sửa đổi…” (HT. tr. 68).

Cố Thuận coi xứ Nước Mặn cũng được khoảng 5 năm thì Đức giám mục Allys (Lý) tái bổ nhiệm làm giáo sư tiểu chủng viện An Ninh lần hai.

(Còn tiếp…..).

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Kết thúc tiến trình phong chân phước cấp giáo phận cho “Cố Thuận” – vị sáng lập Dòng Xitô ở Việt Nam

Kết thúc tiến trình phong chân phước cấp giáo phận cho "Cố Thuận" - vị sáng lập Dòng Xitô ở Việt Nam Trưa ngày 10/5/2024,...

Trực tiếp Nghi thức bế mạc án phong chân phước cho Cha Henri Denis Benoit Thuận

  https://www.youtube.com/live/pjjg-00hrZQ?app=desktop   Vào thứ Sáu ngày 10 tháng 5 lúc 12 giờ trưa, giờ Rôma, (tức là 17 giờ Việt Nam). tại Tòa Đại Diện, phiên...

Lời Giáo Huấn của Cha Henri Denis Biển Đức Thuận

  Lời Giáo Huấn của Cha Henri Denis Biển Đức Thuận (1980 - 1933)                     Đấng Sáng Lập Hội Dòng Xitô Thánh Gia Ngày 15 - 08 - 1918 "Việc...

Kinh xin ơn nhờ lời chuyển cầu của cha Henri Denis Biển Đức Thuận

    Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, vì lòng thương vô cùng Chúa đã sai Con Một Chúa xuống thế làm người, sống cuộc...

Hạnh Tích Cha Benoit (R. P. Henri Denis Cố Thuận)

        HẠNH TÍCH CHA BENOIT (R.P. HENRI DENIS CỐ THUẬN)             Nihil obstat: F.M. Bernard Mendiboure Tu viện trưởng Thánh mẫu Phước Sơn Vĩnh Linh, Quảng Trị Die 21 martii 1943 Imprimatur Franciscus Maria...

Gương đức hạnh của Cha Henri Denis Biển Đức Thuận – Tổ Phụ Hội Dòng Xitô Thánh Gia

Gương Đức Hạnh Của Cha Henri Denis Biển Đức Thuận - Tổ Phụ Hội Dòng Xitô Thánh Gia Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Ngày 18/11/2018, Tòa...

Phần I. Vài nét về cha tổ phụ Henri Denis Benoit

Thoát thai từ cái nôi Phước Sơn Quảng...

Phần II – Cha Tổ Phụ và HDXTTGVN

PHẦN II. CHA TỔ PHỤ VÀ HỘI DÒNG XITÔ...

Phần III, Từ ngày cha Tổ Phụ tạ thế đến nay. (Alberto Vũ Bá Đạt)

Hội Dòng Xitô Thánh Gia sau ngày cha...

TIỂU SỬ CHA BIỂN ĐỨC THUẬN

  TIỂU SỬ CHA BIỂN ĐỨC THUẬN, ĐẤNG SÁNG LẬP PHƯỚC...