Thứ Bảy, 27 Tháng Bảy, 2024

KỂ CHUYỆN NGƯỜI CHA KHIÊM NHƯỜNG – Tiếp theo

 

KỂ CHUYỆN NGƯỜI CHA KHIÊM NHƯỜNG

Maria Gioan Lasan (CSĐD)

Tiếp theo……

  1. Giai đoạn Cha Giáo Thuận ở tiểu chủng viện An Ninh lần II (1913-1918).

Tự thâm tâm Cha Tổ Phụ luôn xác tín: “Đức khiêm nhường là nền tảng đời sống Kitô hữu […]. Sự khiêm nhường là ưng muốn ở bậc Chúa muốn […]. Sự khiêm nhường là bằng lòng chịu lấy hết mọi nỗi vui buồn Chúa gửi đến cho ta…” (DN, số 124). Chính vì vậy ngài vui vẻ với quyết định của Đức giám mục khi cắt đặt công tác cho ngài trở lại làm giáo sư chủng viện An Ninh.   

Cha giáo Thuận tái nhận chức giáo sư chủng viện An Ninh vào khoảng trung tuần tháng 2 năm 1913. Giai đoạn này có nhiều lời chứng của quý cha giáo và các chủng sinh công nhận ngài tập được nhân đức khiêm nhường cách đặc biệt: “Kỳ này cha giáo Thuận dạy cách hăng nồng [nhiệt thành] hơn, song cũng cầm mình [sửa tính] bớt nóng hơn trước nhiều. Có cha rằng: cha Benoit kiêu ngạo và nóng nảy quá lẽ, song bởi ngài chí quyết sửa mình và ổn định [tự chủ] hai tính ấy cho được, nên Chúa thương cho ngài nên thánh, sau ra khiêm nhường hiền lành cách lạ, đến nỗi nhiều khi có chú cự lại, nói nhiều câu sóc óc mà ngài cứ làm thinh chỉ bắt vào nhà thờ

(Nhà nguyện TCV, năm 1906)

chầu Mình Thánh, lại tha hết các hình phạt. Nghe các chú nói: Ngài đã quyết đi lập Dòng nên mới hãm dẹp tính nóng như vậy. Nhiều khi ngài kìm hãm tính nóng đến đỏ mặt tía tai, tay chân run rẩy. Chúng tôi học với ngài một năm mà sợ thất kinh, có chú sợ quá mắc bệnh. Thế mà mười phần nóng, đã bớt chín rồi đó. Song có điều là người quở phạt [sửa dạy] rồi thôi không in trí, hết nóng lại tử tế với mọi chú như thường. Hễ ai nói ngài kiêu ngạo thì dầu xung giận khó chịu mấy ngài cũng cầm mình lập tức (Trích thư cha Thuận)” (HT. tr. 76).

Một tích khác do cha Kính thuật lại: “Ngày lễ phục sinh hát bài Benedictus hai phần, tôi làm solo đến mấy dấu cao không nổi, luống cuống hát bậy [hát sai]. Vừa thấy tôi ngài la: “Chú nhác nhớn khinh thị [lơ là coi thường] không lo tập, cứ hát tầm bậy”. Tôi tính đáp lại: Thưa cha mai này [sáng nay] con mắc giúp bàn, phải ăn hối hả rồi tập đi tập lại, các chú nghe thấy cả, tại chú đánh đờn cao quá con lên không nổi thành hát bậy. Song tôi vừa nói được hai tiếng: “Thưa cha”, ngài liền tiếp: “Chú chống cột một ngày” (chống cột là hình phạt khá nặng ở trường An Ninh), lẽ ra tôi phải làm thinh [im lặng], song tính kiêu ngạo chẳng chịu thua, tôi liền nói: “Thưa cha”, ngài liền nói: “Chú chống cột hai ngày”, cha chả! Nổi kiêu ngạo tôi nói gắt lên: “Thưa cha”, ngài thấy tôi kiêu ngạo thì nổi xung không cho tôi đáp, tiếp luôn: “Chú chống cột ba ngày”. Tôi còn muốn cãi, song mấy chú đứng gần kéo lại. Ngài ra oai thịnh nộ quát to: “Cái thằng bằng hột mít mà quá kiêu ngạo”. Đoạn ngài giao bài âm nhạc Regina caeli ba phần, dạy tập riêng chừng mười năm phút rồi hiệp lại tập chung. Tôi làm đầu phần một, đem mấy chú phần ấy đến ngồi vách ngang cửa sổ bàn viết ngài. Tôi cố tập phần của tôi cho mau rồi nói to lên: “Ai cũng kiêu ngạo cả, ai cũng muốn hơn, thì để cho người ta nói phải trái thế nào đã, có đáng tội thì sẽ phạt, ỷ thế muốn phạt ai thì phạt sao!”

Ngài ngồi khít cửa sổ chắc là nghe thấy hết mọi lời tôi nói, song ngài làm thinh thì ngài đã phải nhịn cái thằng “hột mít này” là dường nào. Chưa hết đâu, đến khi cả 3 hợp lại, bài ấy láy lại tiếng ora ora, ora pro nobis nhiều lần, ngài thì không quen uốn lưỡi chữ “R”, nên ngài thường đọc “Oga pgo nobis”. Gặp dịp may tôi quyết làm nghịch, rán đốc phách chằn mạnh mấy tiếng: oga oga, oga pgo nobis… lẽ ra sẵn có quyển sách hát trong tay ngài nện [đánh] cho năm bảy cái u đầu chảy máu. Mà không! Ai ngờ ngài lại rán [cố] uốn lưỡi đọc chữ “R”, song vì không quen nên đọc quá mạnh thành ra hai chữ R: orora, orora. Tôi lại được thêm một dịp: miệng cứ hát, mắt cứ liếc ngài, còn hai tay thu dưới bấm bẹo mấy chú hai bên kẻo họ vô ý không nghe mấy tiếng orora của ngài. Tập hát xong kéo nhau xuống nhà học,

(Phòng học TCVAN, năm 1906)

đi được mấy bước ngài ở trong phòng kêu tôi lại. Cả hội hát lo sợ thì thầm với nhau chắc ngài cho lão này về (về là về thế gian). Ai ngờ tới phòng, ngài nói cách êm dịu: Thôi cha tha chống cột, điều chú phải vào nhà thờ đọc năm kinh Lạy Cha, năm kinh Kính Mừng xin Đức Mẹ cho bớt kiêu ngạo nóng nảy nghe. Ôi! Nếu không phải ông thánh thì cũng là ông khác thường thế tục. Ngài đã tha cho tôi thật lòng, tha cách đại độ, vì cách mấy ngày tôi giúp kẻ liệt phải lên phòng ngài lấy thuốc, ngài lại chuyện vãn vui vẻ như thường và cuối năm không lấy “nốt” (note) về việc ấy. Và tôi làm linh mục đây.

Cha Kính còn kể rằng: “Lần kia đến phiên tôi giúp lễ cố Thuận. Dọn chén, mở sách xong ngài xuống khởi sự đọc Confessio: In nomine Patris… Introibo ad altare Dei. Tôi thưa: Ad Deum qui laetificat… đến câu thứ hai ngài đọc nhỏ quá tôi không nghe chi hết, không biết ngài đọc chi, đọc rồi chưa không biết phải thưa câu nào, nên tôi làm thinh, ngài cũng đứng sững. Khi ấy ngài có “tếch” cho một đá lăn đùng ra cũng phải chịu chớ. Song không, ngài cứ đứng yên chừng vài phút mới bảo lên lấy sách cho ngài coi rồi mới tiếp tục đọc, từ ấy về sau ngài đọc to hơn”.

Vẫn cha Kính kể lại tích sau đây: “Hễ cố Thuận vào nhà thờ

(Bên trong nhà nguyện TCVAN, năm 1887)

thì quỳ gối, hai tay chắp hoặc vòng lại, đầu cúi xuống chăm chỉ một bề không máy động. Lòng trí cha đầy đức tin, cậy, khiêm nhường, kính mến Chúa tha thiết, tắt rằng đầy sự sống bề trong…” (HT. tr. 76-78). 

Thời gian thấm thoát thoi đưa, nay đã bước sang năm 1918, từ đây đến tháng 7 là lúc Cha Tổ Phụ khởi sự lập Dòng, nhiều cha minh chứng rằng: “Cha giáo Thuận càng ăn ở sốt sắng nhiệm nhặt, khiêm nhường. Ngài tập dậy sớm, xem sách Luật Dòng Thánh Bênêdictô luôn […]. cha tập đức khiêm nhường cách riêng vì cha quý trọng đức ấy nhất… (Trích thư các cha Thuận, Luyến, Bá, Kính, Tịch)” (HT. tr. 96). Tất cả cung cách hành xử như trên, chứng tỏ Cha Tổ Phụ có lòng khiêm nhường kính Chúa, ái nhân vô lượng, vô bờ.

  1. Giai đoạn Cha Tổ Phụ lập Dòng (15-08-1918) đến khi lìa trần (25-07-1933).

Trong giai đoạn này, đức khiêm nhường của Cha Tổ Phụ thấm đượm “hóa thân” vào hết mọi cử chỉ, hành vi, tập quán… Khi được đức giám mục Lý ban phép lập Dòng ở Ba Trục là đất của Nhà Chung, Cha Tổ Phụ hết sức vui mừng vội vào Huế xem sở Ba Trục, song bị Cố Soái quản nhiệm ở đó ngăn trở… Đức giám mục nghe lời Cố Soái, truyền cha giáo Thuận trở về An Ninh dạy học thêm sáu tháng nữa. Cha giáo Thuận một mực khiêm nhường cúi đầu “Thuận” theo thánh ý Chúa, không nửa lời oán hận (x. HT. 107-108). Phải chăng Thiên Chúa quyền năng đang dùng cơn thử thách này để làm cho triều thiên khiêm nhường của Cha Tổ Phụ thêm huy hoàng rực rỡ?

“Sáu tháng ấy ngài ăn ở khiêm nhường nhiệm nhặt hơn thường, năng thư từ hỏi han tìm đất lập Dòng, nhiều đấng nghe biết đức cha đã ban phép cho ngài lập Dòng, thì ban [buông] lời chua cay chê trách. Chính đức cha, xem ra cũng có ý thử ngài, nên dầu đã ban phép, song cũng nói cách ra như không tin cậy, như thư cha Lê Hữu Luyến làm chứng: “Ngày sau hết các chú lên chào, cha con thầy trò cùng nhau từ giã, thì ngài buồn và nói, đức cha nói với cha rằng: “Cho phép lập Dòng có được thì hay, nếu bất thành thì phải để nơi ấy lại cho địa phận, rồi đi Lào hay đi mô [đâu] thì đi” (HT. tr. 108). Dù vậy, cha giáo Thuận vẫn một lòng khiêm cung phó thác trong tay Chúa và Mẹ: “…Việc con toan [định] làm nếu đẹp lòng Chúa, thì chắc sẽ thành công, bằng không thì con chịu hỏng việc, trong mọi sự con hằng phú [phó] dâng trong tay Chúa và Đức Mẹ” (HT. tr. 109).

Thời gian đầu Dòng mới thành lập (1918-1919) còn nhiều khó khăn, thiếu thốn trăm bề về cái ăn, cái mặc và các vật dụng: “Cha con cứ gạo chợ nước sông như vậy gần một năm. Sau ngài thấy có điều bất tiện nên ra sức mua lúa về xay để kiếm tấm cám cho heo gà. Một hôm mua được ít thúng lúa, song chưa có cối xay, ngài cho đi mượn của ông Xã Hem [chức quan nhỏ lo việc làng], bên lương, dân cư Quan Cụ [quan lớn] ở xóm bà thánh Têrêsa. Ông Xã có hai bà, hôm ấy ông và bà cả đi khỏi, bà hai ở nhà. Bà này ăn phải đũa mụ Hêrôdia, xung ngài lắm, không cho mượn. Họ nói bà xung ngài, có lẽ vì đôi khi ngài ra thăm ông Xã có ý khuyên trở lại, bà ra chào ngài, ngài không thèm ngó mặt, nên để bụng xung, nay được dịp trả thù cho bõ ghét. Cha lấy sự ấy làm cực vì nó ở nhờ đất Nhà Dòng, mà không biết ơn, song ngài cứ làm thinh nhịn chịu…” (HT. tr. 130). Cách cư xử của cha khác nào “vị mục tử nhân lành”, thật là gương khiêm hạ, hiếm thấy, làm ơn nhưng không mong đền đáp. Lòng khiêm nhường của Cha Tổ Phụ lại được biểu lộ qua thái độ tôn kính với mọi đấng bậc trong Hội Thánh.

Khoảng tháng 9 năm 1920, Đức giám mục Allys (Lý) ra thăm chủng viện An Ninh. Cha giáo Hồ Ngọc Cẩn (sau làm giám mục tiên khởi giáo phận Bùi Chu) thuật lại một sự việc như chính mắt ngài đã thấy: “Cha Benoit và hai thầy vào phòng khách nhà trường, cả ba sấp mình lạy đức cha theo lối Việt Nam. Đức cha thấy vậy quở [trách]: “Làm chi kỳ cục vậy?” Một chặp [lúc sau] cha Benoit lại bị đức cha trách điều khác, là khi nói chuyện với các cha Việt Nam, ngài cứ xưng mình là “con”. Đức cha nói nếu đã đặt trong Luật khoản “lạy sát đất” và xưng “con” thì phải bỏ đi, cứ theo thói quen bấy lâu mà chào và xưng “tôi” cũng đủ, cần chi hạ mình xuống quá vậy” (HT. tr. 162).

Trong lá thư đề ngày 07-01-1923, gửi mẹ kế, Cha Tổ Phụ cũng bộc lộ sự khiêm nhường trong việc coi sóc anh em, và cha quy hướng tất cả sự thành công của Dòng về Chúa, ngài viết: “Mấy ngày nay mưa to gió lớn, lạnh queo, vườn tược cây cối úa cả. Một thầy đau phải đi nhà thương, còn mấy thầy ở nhà thì ma quỷ nó khuấy quá: hết thầy này đến thầy nọ, coi bộ tịch họ buồn thiu, làm con cũng buồn! Vậy phải làm chi? Phải cầu nguyện, phải nhịn nhục, phú dâng mọi sự thuận theo ý Chúa, vì những buồn như vậy không lâu: buồn đó rồi hết đó. Song có điều thầy này vừa vui thầy kia lại buồn, thành ra con lại sinh ái ngại. Ôi! Chớ chi con được làm một thầy nhà tập rốt hết thì khỏi lo về việc ai cả! Con nói như vậy để xin mẹ cầu nguyện cho con và cho các thầy hết thảy, vì cả nhà Dòng hèn mọn con đây chỉ nội một tuần cũng đủ tan nát hết mà con không thể chống đỡ lại được cách nào, có khi con lại làm hư mau hơn. Nếu công việc xuôi thuận [thành đạt] thì rõ không phải tại con, song là tại Chúa. Càng ngày con càng thấy rõ sự ấy. Cám ơn Chúa!” (DN, số 77; HT. tr. 193).

Một chi tiết khác cũng rất đáng lưu ý, mặc dù đang là Đấng Tổ Phụ lập Dòng nhưng khi thiết đặt các luật lệ, Cha Tổ Phụ vẫn khiêm nhường trao đổi lấy ý kiến anh em, chẳng hạn khi thiết định luật thinh lặng: “Tháng 11 năm 1922, cha bắt thăm hỏi các thầy có nên giữ miệng [thinh lặng] trọn đời hay cuối tuần còn được nói chuyện nửa giờ. Kết quả: 14 phiếu ưng giữ miệng [thinh lặng] nhặt còn 7 phiếu nói chuyện nửa giờ, cha liền cho thử cả hai cách, đến khi khấn sẽ xét lại. Từ đó nhà tập giữ miệng [thinh lặng] nhặt, nhà thử được nói chuyện mỗi tuần nửa giờ. Nay khấn rồi, cha lại bắt thăm hỏi ý kiến lần nữa. Song phen này ngược lại: số phiếu nói chuyện mỗi tuần nửa giờ nhiều hơn số phiếu giữ miệng [thinh lặng] nhặt, nên cực chẳng đã cha phải theo phần thắng số mà nhất định khoản luật này. Từ đó các ngày Chúa nhật, lễ trọng được nói chuyện sau cơm tối. Trừ trót mùa chay thì không” (HT. tr. 199).

Đức khiêm nhường của Cha Tổ Phụ lại được biểu hiện trong công việc lao động thường ngày, ngài hòa đồng như anh em mọi đàng: “Đừng kể công việc làm nhà như gánh đá, gánh vôi, cưa gỗ, còn việc thường nhật quanh năm, bất luận việc chi hễ anh em làm là cha không bao giờ bỏ, hoặc việc chung như xay lúa giã gạo, cuốc đất, gánh phân, đi rú [rừng], hoặc việc theo phiên  tuần: rửa chén bát giúp bàn, giúp bếp, gánh nước. Nhiều lần cha còn phải sang tận Gia Bình, An Khê mua lúa mua tre, đi về bốn tiếng đồng hồ. Người quen gánh vác còn cực, huống chi vai ông tây, mà ông tây gầy ốm. Một hôm gánh lúa qua chợ Yên Gia, đồng bào đông vô số ai cũng kêu: Ô hô! Kìa coi ông tây gánh lúa, giỏi chưa! Đôi khi ngài cùng môn đệ chèo đò xuống cửa Tùng mua muối. Vào nhà ông thương chánh cân muối xong, cha ghé ngay vai gánh xuống đò. Thấy vậy bà đầm thương chánh kêu la gọi bồi ra gánh đỡ!

Tuần giúp bếp thật cực vì có nhiều việc nặng nề. Một mình phải quây nước gánh đổ bể mỗi ngày hai lần, chừng vài chục gánh. Thấy ngài gánh nước thì vừa tức cười: đặt gánh nước lên vai nặng è cổ, nổi gân lên, mặt đỏ tía, nhiều khi đòn gánh đè phải râu đau méo miệng, thế mà đi ngay đâu, lại còn đứng rở bác vật tìm trọng lực (pesanteur), xê đi xê lại trên vai cho bằng nhau, không bên nào chúi xuống mới chịu đi cho! Thật là cụ tú già gánh nước! Gánh nước rồi phải đãi gạo, rửa rau, vác củi. Đến giờ thì rỡ cơm xúc vào hai bát úp một đặt cho từng thầy. Thầy đầu bếp nhiều khi tranh làm đỡ ngài mấy việc đãi gạo, rỡ cơm… Song gánh nước vác củi thì ngài không cho ai giúp bao giờ. Nhiều khi củi hết, trên rú [rừng], xe chưa về thì phải tự mình đi kiếm lấy chung quanh đồi…” (HT. tr. 201-202).

Như đã nói, dù ở cương vị là Cha Bề Trên của Dòng nhưng cha không bao giờ chuẩn miễn cho mình bất cứ một công việc gì, lại chọn lấy những công việc cực khổ hèn hạ nhất cho riêng mình: “Còn một việc cực khổ hèn hạ nhất thì cha giữ cho mình lâu năm đó việc quét dọn vệ sinh. Ngài không cho cắt phiên, mãi đến khi gần lìa thế, nằm liệt một bề mới trối lại cho con cái. Ngày ngày sáng ra kinh lễ xong, cha xách bình xuống giếng lấy nước về quét dọn nhà vệ sinh rồi mới đi làm việc khác. Không ai tranh được, ai táo bạo thì bị quở liền, trừ khi cha mắc tiếp khách hoặc đi khỏi [vắng]” (HT. tr. 203).

Đời sống khiêm nhường của Cha Tổ Phụ lại được thể hiện qua cách cư xử hết sức tế nhị trong cộng đoàn, ngài thường nhận lấy cho mình những vật dụng “xoàng” và luôn nhường cho con cái những của tốt, của lành: “Một hôm trong tháng chạp 1930, trời mưa bụi, cha đi Huế đưa hai thầy đi học làm y tá. Phòng y phục đưa ba cái áo khoác, tự nhiên phải đưa kính ngài cái mới và dài. Song vào đến Huế ngài đổi lấy cái cũ, rồi trong mấy ngày ở đó, ba cha con cùng đi với nhau, cha đi trước mang cái áo đã cũ lại vắn, hai con theo sau, xúng xính mỗi người cái áo vừa mới vừa dài!” (HT. tr. 205).

Cha Tổ Phụ đã sống đức khiêm nhường và cẩn thận viết vào Hiến Pháp cho con cái thực hành: “Khi phải xuất hành, tu sỹ hãy nhớ mình đã chọn bậc nông phu nghèo khó vì lòng mến Chúa Kitô. Vì thế, hãy giữ cung cách của kẻ hèn mọn, và đối với mọi người, phải hết sức trang nghiêm và khiêm cung” (HP. II, 251; DN, số 99), vì nhờ sống khiêm nhường mà chúng ta được bình an luôn (x. DN, số124).

Phúc bình an ấy Cha Tổ Phụ đã nếm hưởng và trăn trối lại cho con cái trước lúc ly trần. Lời Trối chỉ vỏn vẹn 207 chữ mà thâu tóm toàn bộ đời sống khiêm nhường của cha đối với Chúa và tha nhân. Lời Trối của Cha Tổ Phụ (x. DN, số 150; HT. tr. 231) nói lên tâm tình con thảo đối với Chúa và Mẹ, cảm nghiệm sâu sắc về tình yêu và sự tốt lành của Thiên Chúa: “Chúa là Cha chúng ta, Chúa thương cha và thương chúng con… Chúa là Cha thương chúng tôi quá lẽ… cha khiêm tốn chân nhận: “Phó mình trong tay Cha lành là điều tốt hơn cả”. Cha khiêm nhường nhìn lại hết mọi ơn lành có được đều do Chúa ban và thốt nên tâm tình: “Cám ơn Chúa! Cám ơn Đức Mẹ!”

Người có lòng khiêm nhường luôn muốn chia sẻ, trao tặng tha nhân những ân phúc trọng đại mà mình đã lãnh nhận từ Chúa. Vì thế, Cha Tổ Phụ đã trối lại cho con cái mình một gia tài bất diệt: “[…] theo thánh ý Chúa là giữ luật Dòng cho trọn […] Chúng con muốn nên thánh, thì hãy giữ luật Dòng, muốn nên thánh thì hãy giữ luật Dòng”. Ngoài ra, Cha củng cố lòng tin của đoàn con đang hoang mang sợ hãi cảnh ly biệt: “Cha biết rõ Chúa là Cha chung, Chúa thương cha và cũng thương chúng con; cho nên không sợ chi cho Cha, và cũng không sợ chi cho chúng con. Vậy, xin chúng con hãy ở bình an như cha vì Chúa là Cha thương chúng tôi quá lẽ […]. Vậy, trong chúng con chớ có ai buồn, chớ có ai áy náy lo sợ, một đi chung với nhau, vui vẻ theo thánh ý Cha chúng ta”.

Một lần sau hết khi linh cảm đã đến giờ Chúa gọi, tự nhận mình hèn mọn chẳng khác chi tro bụi, Cha Tổ Phụ liền xin cha Bề Trên nhì Bernard đổ tro xuống đất cho ngài nằm (x. HT. tr. 233). Hành động này phải chăng biểu lộ một nhân đức khiêm nhường anh dũng mà không phải ai cũng dám làm.

Nhận định thay kết luận  

Nói về nhân đức khiêm nhường của Cha Tổ Phụ hẳn là còn rất nhiều; kể sao cho xiết, viết sao cho cùng. Thiết tưởng những gì trình bày ở trên, tuy chưa được đầy đủ và sâu sắc nhưng cũng phần nào họa lại chân dung Cha Tổ Phụ: người Cha khiêm nhường. Đúng như lời cha Kính nhận xét về sự khiêm nhường nơi ngài: “Ôi! Nếu không phải là ông thánh thì cũng là ông khác thường thế tục” (HT. tr. 78). Do bởi, Khiêm nhường là nhân đức dường như rất khó thực hiện đối với mọi người, vì nó trái ngược hẳn với bản tính tự nhiên của con người: thích tôn vinh, khuếch trương, đánh bóng “cái tôi”. Thế mà Cha Tổ Phụ lại sống tự hạ thực hành trọn vẹn nhân đức khiêm nhường tới mức anh hùng suốt cả cuộc đời ngài.

Nhưng để có được nhân đức khiêm nhường rạng ngời như thế, chắc chắn Cha Tổ Phụ phải có một tình yêu vô cùng lớn; tình yêu “tự hủy” cho Chúa và tha nhân (x. HT. tr. 78-79). Chính tình yêu Chúa Kitô thúc bách Cha quảng đại dâng hiến cả cuộc đời cho vinh danh Chúa và quyết tâm rèn luyện để nên giống Chúa Kitô hiền lành và khiêm nhường.

Bên cạnh đó, tình yêu thương tha nhân mãnh liệt là động lực giúp Cha Tổ Phụ sẵn sàng từ giã cha mẹ, bỏ lại quê hương, chẳng màng chi vinh hoa, an nhàn nơi Pháp quốc để hiến thân cho dân tộc Việt Nam, hạ mình sống cùng, sống với những con người bần cùng, ít học, quê mùa… tự nguyện đón nhận biết bao hy sinh, tủi nhục để lập một Dòng riêng cho người Việt Nam.

Để có được nhân đức khiêm nhường, hẳn Cha Tổ Phụ đã khắc cốt, ghi tâm và kiên trì thi hành những lời dạy dỗ của cha người, hồi còn học ở Đại chủng viện Paris: “Vốn ông Denis biết con có tính hiếu thắng, ưa hành ngơi lộng lẫy [thích dùng thứ sang trọng] nên muốn nhờ dịp đi thăm này mà dạy con bài học khiêm nhường. Ông xuất hành với bộ áo rất xoàng, mang đôi giày cũ rích, đến nơi xin gặp chú Henri Denis. Với cặp mắt đầy châu luỵ, Denis bước ra gặp cha, vì thấy cha ăn mặc lôi thôi thì buồn, hổ ngươi với chúng bạn. Bắt được điểm yếu của con, ông ngồi phệt ngay xuống xó nhà gọi con đến nói chuyện. Thẹn đỏ mặt, chú xụt xùi nói: “Thưa cha, có bàn ghế kia sao cha không ngồi, lại ngồi phệt ngay xuống đó? Họ cười cha con mình chết!”. Nghiêm nghị đưa mắt nhìn con, ông đáp: “Họ cười thì để mười cái răng ra chớ sao mà sợ. Đức Chúa Giêsu có sợ người ta cười đâu? Bàn ghế để kính những vị khách qúi, cha con mình hèn mọn ngồi đâu cũng được!” (HT. tr. 31).

Rồi khi chú Denis xin cha mẹ cho phép Nhập Hội Thừa Sai Paris, thì người cha đạo đức ấy lại ân cần nhắn nhủ người con rằng: “Ừ con đi đâu thì đi, làm chi thì làm song đừng kiêu ngạo, nghe con” (HT. tr. 36). Những lời vàng ngọc này, Cha Tổ Phụ hằng luôn ghi nhớ và quyết tâm thực hiện cho bằng được trong suốt cuộc đời ngài.

Nhân đức chỉ đến với những ai khao khát kiếm tìm và gắng công thực hành. Để có được nhân đức khiêm nhường, không phải chỉ trong ngày một ngày hai mà Cha Tổ Phụ có được. Đó là một quá trình gian nan, ngài đã phải trải qua nhiều thử thách, khổ công tập luyện “đến đỏ mặt tía tai, tay chân run rẩy” (x. HT. tr. 76). Nhưng trước hết, ngài không cậy dựa vào sức riêng mình mà luôn kêu cầu ơn Chúa giúp, như ngài đã thổ lộ trong thư gửi mẹ kế: “Lạy Chúa xin ban cho con được nên hiền lành và khiêm nhường, đầy lòng thương xót như cha con” (DN, số 21; HT. tr. 81). Và trong các giáo huấn (x. HT. tr. 182; DN, số 52), cha thường thúc giục con cái: “Chúng ta nên xin đức Thánh Tổng Lãnh Thiên Thần Micae cho được hiểu biết về sự khiêm nhường…” (DN, số 124; x. DN, số 125). Cha Tổ Phụ đã ra sức tìm hiểu sự khiêm nhường và kiên trì tập luyện nên Chúa đã cho ngài trở nên người Cha khiêm nhường, nêu gương nhân đức cho muôn thế hệ.

Ước chi gương sáng đời sống khiêm nhường nơi Cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận là động lực thúc bách các Đan sinh cũng như mọi Kitô hữu, nhiệt tình vui sống nhân đức này, để làm vinh danh Chúa, làm cho nhiều người nhận biết tin yêu Chúa giữa thế giới hôm nay.

———-

Những chữ viết tắt:

DN: Di Ngôn Cha Biển Đức Thuận, Sáng Lập Hội Dòng Xitô Thánh Gia (1880-1933).

HT: Hạnh Tích Cha Benoit – R. P. Henri Denis Cố Thuận – Tổ Phụ Dòng Xitô Thánh Gia, do Viện phụ Emmanuel Chu Kim Tuyến biên soạn.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Kết thúc tiến trình phong chân phước cấp giáo phận cho “Cố Thuận” – vị sáng lập Dòng Xitô ở Việt Nam

Kết thúc tiến trình phong chân phước cấp giáo phận cho "Cố Thuận" - vị sáng lập Dòng Xitô ở Việt Nam Trưa ngày 10/5/2024,...

Trực tiếp Nghi thức bế mạc án phong chân phước cho Cha Henri Denis Benoit Thuận

  https://www.youtube.com/live/pjjg-00hrZQ?app=desktop   Vào thứ Sáu ngày 10 tháng 5 lúc 12 giờ trưa, giờ Rôma, (tức là 17 giờ Việt Nam). tại Tòa Đại Diện, phiên...

Lời Giáo Huấn của Cha Henri Denis Biển Đức Thuận

  Lời Giáo Huấn của Cha Henri Denis Biển Đức Thuận (1980 - 1933)                     Đấng Sáng Lập Hội Dòng Xitô Thánh Gia Ngày 15 - 08 - 1918 "Việc...

Kinh xin ơn nhờ lời chuyển cầu của cha Henri Denis Biển Đức Thuận

    Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, vì lòng thương vô cùng Chúa đã sai Con Một Chúa xuống thế làm người, sống cuộc...

Hạnh Tích Cha Benoit (R. P. Henri Denis Cố Thuận)

        HẠNH TÍCH CHA BENOIT (R.P. HENRI DENIS CỐ THUẬN)             Nihil obstat: F.M. Bernard Mendiboure Tu viện trưởng Thánh mẫu Phước Sơn Vĩnh Linh, Quảng Trị Die 21 martii 1943 Imprimatur Franciscus Maria...

Gương đức hạnh của Cha Henri Denis Biển Đức Thuận – Tổ Phụ Hội Dòng Xitô Thánh Gia

Gương Đức Hạnh Của Cha Henri Denis Biển Đức Thuận - Tổ Phụ Hội Dòng Xitô Thánh Gia Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Ngày 18/11/2018, Tòa...

Phần I. Vài nét về cha tổ phụ Henri Denis Benoit

Thoát thai từ cái nôi Phước Sơn Quảng...

Phần II – Cha Tổ Phụ và HDXTTGVN

PHẦN II. CHA TỔ PHỤ VÀ HỘI DÒNG XITÔ...

Phần III, Từ ngày cha Tổ Phụ tạ thế đến nay. (Alberto Vũ Bá Đạt)

Hội Dòng Xitô Thánh Gia sau ngày cha...

TIỂU SỬ CHA BIỂN ĐỨC THUẬN

  TIỂU SỬ CHA BIỂN ĐỨC THUẬN, ĐẤNG SÁNG LẬP PHƯỚC...