Thứ Năm, 25 Tháng Tư, 2024

KHAI MẠC NĂM THÁNH KỶ NIỆM 30 NĂM TUYÊN PHONG CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM – Đan Viện An Phước

“Để tôn vinh Thiên Chúa trong mọi sự” (TL 57, 9)

 

KHAI MẠC NĂM THÁNH

KỶ NIỆM 30 NĂM TUYÊN PHONG

CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

Đan Viện Xitô Thánh Mẫu An Phước

CHIỀU THỨ BA 19/6/2018

 

NGHI THỨC MỞ ĐẦU VÀ NHẬP LỄ

– Đọc Lời Dẫn Lễ (theo GP Xuân Lộc)

Kính thưa Cộng đoàn Phụng vụ,

Hôm nay, ngày 19 tháng 06 năm 2018, kỷ niệm 30 năm ngày Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tôn vinh 117 vị Tử đạo tại Việt Nam lên hàng hiển thánh. Chúng ta họp nhau chiều nay, để cử hành thánh lễ khai mạc Năm Thánh tôn vinh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam.

Xin cho Năm Thánh làm bừng cháy lòng khao khát nên thánh trong mỗi người chúng ta, khiến chúng ta dám chấp nhận mọi hy sinh, miễn là được nên những Kitô hữu đích danh, nên người môn đệ được Chúa yêu và cũng đầy lòng mến Chúa – yêu người, mà nhiệt thành loan báo Tin Mừng cứu độ cho mọi người.

Xin Chúa ban phúc lành cho Hội Thánh hoàn vũ, cho Hội Thánh tại Việt Nam, cho quê hương đất nước chúng ta.

Xin Chúa cũng ban phúc lành cho từng người trong Cộng Đoàn chúng ta. Đặc biệt, trong vùng đất lương dân này, xin Chúa thương nâng đỡ những anh chị em khổ đau, nghèo túng, bệnh tật, bị bỏ rơi, cô đơn, những người đang lung lạc đức tin, những bạn trẻ đang mất định hướng sống và những gia đình đang gặp nhiều thử thách về tình yêu tín trung. Xin Chúa cũng cho những ai chưa biết Chúa được mở lòng đón nhận tình thương cứu độ của Chúa.

Chúng ta chuẩn bị tâm hồn xứng hợp để lãnh nhận ơn Toàn Xá trong thánh lễ này.

Với những tâm tình đó, chúng ta bước vào thánh lễ khai mạc Năm Thánh mừng kính các thánh Tử Đạo Việt Nam.

Kính mời cộng đoàn đứng.

– Hát Ca Nhập Lễ.

– Hành Lễ Đoàn tiến lên Bàn Thờ.

– Chủ Tế xông hương Bàn Thờ và khởi đầu Nghi Thức Đầu Lễ.

– Cha Thư Ký Đan Viện công bố Thư Năm Thánh.

 

 

 

THƯ CÔNG BỐ NĂM THÁNH

TÔN VINH CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

 

Anh chị em thân mến,

Ngày 19 tháng 6 năm 1988, tại quảng trường Thánh Phêrô ở Rôma, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã long trọng tuyên phong 117 vị Tử đạo tại Việt Nam lên hàng hiển thánh. Trong năm 2018, Hội Thánh Công Giáo Việt Nam hân hoan cử hành kỷ niệm 30 năm sự kiện trọng đại này. Để mừng kính Các Thánh Tử Đạo và vì ích lợi thiêng liêng của Dân Chúa, Hội đồng giám mục đã xin Tòa Ân Giải Tối Cao cho phép mở Năm Thánh và đã được chấp thuận. Với thư này, chúng tôi chính thức công bố Năm Thánh mừng kính Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, bắt đầu từ ngày 19 tháng 6 năm 2018 (kỷ niệm ngày phong thánh) đến ngày 24 tháng 11 năm 2018 (Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam).

Để Năm Thánh đem lại nhiều ơn ích thiêng liêng cho mỗi người, mỗi gia đình, mỗi cộng đoàn và giáo xứ cũng như cho toàn thể Hội Thánh Việt Nam, chúng tôi muốn thông báo và đề nghị với anh chị em một số điều như sau:

1Lễ khai mạc (19-6-2018) và bế mạc Năm Thánh (24-11-2018): Mỗi Giáo tỉnh sẽ quyết định cử hành ở cấp Giáo tỉnh hoặc tại mỗi Giáo phận.

Trong mỗi Giáo tỉnh, Hội đồng giám mục ấn định một Trung tâm hành hương trong Năm Thánh: Vương cung thánh đường Sở Kiện (Giáo tỉnh Hà Nội); Trung tâm hành hương Thánh Mẫu La Vang (Giáo tỉnh Huế); Trung tâm hành hương Ba Giồng thuộc Giáo phận Mỹ Tho (Giáo tỉnh Sài Gòn).

Ngoài ra, trong mỗi Giáo phận, Đấng Bản quyền sẽ chỉ định một nhà thờ hoặc một trung tâm làm địa điểm hành hương trong Năm Thánh.

Trong Năm Thánh, các tín hữu được hưởng ơn toàn xá: (1) khi tham dự Lễ Khai mạc và Bế mạc Năm Thánh; (2) khi hành hương đến các địa điểm được chỉ định. Ngoài ra, Hội Thánh khuyến khích chúng ta làm các việc lành trong Năm Thánh:

– Việc bác ái tông đồ: Thăm viếng những người đang sống trong cảnh túng nghèo quẫn bách, bệnh tật, tù đày, già cả, cô đơn, khuyết tật… là hành hương về với Đức Kitô (x. Mt 25, 34-36).

– Việc sám hối hi sinh: Hạn chế sử dụng và giảm bớt chi tiêu đối với những gì không cần thiết, để giúp đỡ người nghèo hoặc các công trình tôn giáo và xã hội, tham gia những việc có ích cho cộng đồng.

2. Năm Thánh 2018 mời gọi mọi tín hữu chiêm ngắm và học hỏi gương sống đức tin của Các Thánh Tử Đạo Việt Nam.Việc học hỏi này vừa giúp chúng ta hiểu biết hơn về lịch sử Hội Thánh và Các Thánh Tử Đạo, vừa thúc đẩy chúng ta noi theo gương sống của các ngài. Chúng tôi khuyến khích các giáo xứ, dòng tu cũng như các đoàn thể, tổ chức những buổi thuyết trình và thảo luận về Các Thánh Tử Đạo, để giúp mọi người hiểu biết, yêu mến và noi gương các ngài.

Để đồng hành với anh chị em trong việc học hỏi này, Văn phòng Hội đồng giám mục sẽ phổ biến tập sách Hạnh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, ghi lại vắn tắt gương sống đức tin và cuộc tử đạo của các thánh. Ước mong tập sách nhỏ này sẽ được mọi người nhiệt tình đón nhận. 

3. Năm Thánh 2018 nhắc nhở và thúc đẩy tất cả chúng ta sống tinh thần tử đạo trong môi trường hiện nay. Bằng cái chết của mình, Các Thánh Tử Đạo đã làm chứng trước mặt vua chúa, quan quyền và mọi người rằng Nước Trời là “kho tàng chôn giấu trong ruộng” và “ngọc quý vô giá” nên khi tìm được, các ngài sẵn sàng bán tất cả những gì mình có, kể cả mạng sống, để “mua thửa ruộng và ngọc quý đó” (x. Mt 13,44-46). Ngày nay, các Kitô hữu cũng được kêu gọi sống tinh thần hi sinh, từ bỏ theo bậc sống của mình để làm chứng cho Chúa và Tin Mừng Nước Trời.

Các gia đình Công giáo hãy từ bỏ những ham muốn bất chính và tính toán ích kỷ, để làm chứng rằng Tin Mừng về hôn nhân Công giáo là nẻo đường hạnh phúc. Đức Piô XII đã dạy: “Trong một gia đình mà người chồng biết quên mình đi để nghĩ đến vợ và các con, người mẹ quên mình đi để nghĩ đến chồng và các con, các con quên mình đi để nghĩ đến cha mẹ và anh chị em, gia đình đó là Thiên đàng”, vì gia đình đó là phản ảnh của Thiên Chúa Ba Ngôi.

Các anh chị em sống đời thánh hiến hãy từ bỏ những ham muốn tự nhiên để sống trọn vẹn theo các lời khuyên Phúc Âm, làm chứng cho Nước Trời là giá trị tuyệt đối và kho tàng vô giá; qua đó, chúng ta có thể góp phần “thức tỉnh thế giới” như Đức Giáo Hoàng Phanxicô kêu gọi.

Các linh mục hãy trung thành với lời thề hứa khi chịu chức, tận tụy thi hành bổn phận đã được trao phó trong khiêm tốn và cậy trông, làm chứng cho Chúa Giêsu Kitô là Mục Tử nhân lành, “hiến mạng sống cho đoàn chiên” (Ga 10,15), và hăng say rao giảng Tin Mừng trong mọi hoàn cảnh.

Kết thúc thư này, chúng tôi mời anh chị em hướng lòng lên Đức Trinh Nữ Maria. Đức Mẹ được tôn vinh là Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo vì hơn ai hết, chính Mẹ đã hoàn toàn từ bỏ chính mình để quy phục Thánh ý Thiên Chúa trong suốt cuộc đời. Bằng sự từ bỏ trọn vẹn đó, Mẹ đã cộng tác tích cực với Chúa Thánh Thần để Lời Thiên Chúa không chỉ là ngôn từ nhưng đã trở thành “xác phàm và ở giữa chúng ta” (Ga 1,14). Bước vào Năm Thánh 2018, chúng ta hãy noi gương Mẹ Maria, kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu, vâng phục Thánh ý Chúa Cha, theo ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần, để xứng đáng lãnh nhận những ơn lành Chúa muốn ban cho chúng ta trong Năm Thánh này.

Xin Các Thánh Tử Đạo Việt Nam dâng lời cầu nguyện và mọi việc lành của chúng ta lên Thiên Chúa, giúp chúng ta sống Năm Thánh cách tốt đẹp nhất. Ước mong anh chị em được hưởng trọn vẹn những ơn ích thiêng liêng mà Năm Thánh đem lại, biết dùng ơn Chúa ban để hăng hái phụng sự Chúa, phục vụ đồng loại, và tích cực góp phần vào việc loan báo Tin Mừng trên quê hương đất nước chúng ta.

 Làm tại Tòa TGM Huế, ngày 1 tháng 5 năm 2018

Chủ tịch HĐGMVN

+ Giuse Nguyễn Chí Linh

Tổng giám mục TGP. Huế

Tổng Thư ký HĐGMVN

+ Phêrô Nguyễn Văn Khảm

Giám mục GP. Mỹ Tho

 

– Rước kiệu Các Thánh Tử Đạo Việt Nam có Xương Thánh tại Đan Viện.

 

KINH VINH DANH.

 

 

THÁNH LỄ KÍNH CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VN

 

LNNL : Lạy Chúa, Chúa đã ban cho Hội Thánh Việt Nam nhiều chứng nhân anh dũng biết hiến dâng mạng sống, để hạt giống đức tin trổ sinh hoa trái dồi dào trên quê hương đất nước chúng con. Xin nhận lời các ngài chuyển cầu, cho chúng con biết noi gương các ngài để lại: luôn can đảm làm chứng cho Chúa và trung kiên mãi đến cùng.

 

LỜI NGUYỆN TÍN HỮU

LỜI MỞ

Anh chị  em thân mến,

Tin Mừng được loan giảng trên đất nước Việt Nam, từ khoảng năm 1638 đến ngày nay, hàng hàng lớp lớp các tín hữu đã dùng máu đào để viết nên những trang lịch sử Hội Thánh Việt Nam. Trong số đó, ngày 19.6.1988, ĐTC Gioan Phaolo II suy tôn bậc hiển thánh 117 Vị; và ngày 05.03.2000 nâng lên bậc Chân Phước 1 Vị, để cho toàn thể thế giới tôn kính và noi gương anh dũng của các ngài. Soi gương các ngài, qua lời chuyển cầu của Mẹ Maria, chúng ta tin tưởng dâng lên Thiên Chúa những lời nguyện cầu sau :

 

1.    Chúng ta cầu xin Chúa ban cho các linh mục trung thành với lời thề hứa khi chịu chức, tận tụy thi hành bổn phận đã được trao phó trong khiêm tốn và cậy trông, làm chứng cho Chúa Giêsu Kitô là Mục Tử nhân lành, “hiến mạng sống cho đoàn chiên” (Ga 10,15), và hăng say loan giảng Tin Mừng trong mọi hoàn cảnh.

2. Chúng ta cầu xin Chúa ban cho các anh chị em sống đời thánh hiến từ bỏ những ham muốn tự nhiên để sống trọn vẹn theo các lời khuyên Phúc Âm, làm chứng cho Nước Trời là giá trị tuyệt đối và kho tàng vô giá, để họ có khả năng góp phần “thức tỉnh thế giới” theo lời Đức Giáo Hoàng Phanxicô kêu gọi.

3.    Chúng ta cầu xin Chúa ban cho các gia đình Công Giáo từ bỏ những ham muốn bất chính, từ bỏ những tính toán ích kỷ, mọi thành viên biết quảng đại quan tâm đồng cảm với nhau, để làm chứng rằng Tin Mừng về hôn nhân Công Giáo là nẻo đường hạnh phúc.

4.    Chúng ta cầu xin Chúa ban cho mọi thành phần trong Hội Thánh Việt Nam, nhờ hồng ân Năm Thánh 2018, được nhắc nhở và thúc đẩy sống tinh thần tử đạo trong môi trường hiện này, ngày ngày sống tinh thần hi sinh, từ bỏ theo bậc sống của mình, để làm chứng cho Chúa và Tin Mừng Nước Trời theo gương các Thánh Tử Đạo Việt Nam.

LỜI KẾT

Lạy Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót, Cha biết thân phận mỏng giòn kiếp người tham sống sợ chết. Nhưng, nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria, Cha đã tuôn tràn ơn thánh Cha cho các bậc tiền bối trong đức tin trên đất Việt chúng con. Nhờ đó, các ngài đã can đảm lấy ‘cái chết’ để minh chứng đức tin vào Con Một Cha, là Chúa Giêsu. Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời.

 

LNTL : Lạy Chúa, Chúa đã vui lòng chấp nhận lễ hy sinh của cha ông chúng con, xin cũng thương chấp nhận của lễ tiến dâng đây và làm cho chúng con trở nên của lễ đẹp lòng Chúa.

 

LTT :  Lạy Cha chí thánh là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Cha mọi nơi mọi lúc, thật là chính đáng, phải đạo và sinh ơn cứu độ cho chúng con.

Cha đã kêu gọi các bậc tiền bối của chúng con bước theo Chúa Kitô trên con đường thập giá để làm chứng cho Cha ngay từ lúc Tin Mừng mới được loan báo trên quê hương đất nước chúng con. Nhờ Cha ban ơn trợ giúp, những con người vốn mỏng dòn yếu đuối đã trở nên can đảm phi thường. Chính khi các ngài chịu trăm bề đau khổ, Cha biểu lộ cho mọi người thấy sức mạnh của tình thương.

Vì thế, cùng với triều thần thiên quốc, chúng con ở dưới trần gian luôn ca tụng Cha uy linh cao cả và không ngừng tung hô rằng:

 

LNHL : Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con vừa lãnh nhận Mình và Máu Ðức Kitô Con Chúa để mừng các thánh tử đạo tại Việt Nam. Xin cho chúng con vẫn một lòng tin tưởng giữa bao thử thách của cuộc đời, để mai sau cùng với các ngài chung hưởng phúc vinh quang.

 

PHÉP LÀNH TRỌNG THỂ

 

1. Thiên Chúa là Cha từ bi nhân hậu đã cho anh chị em được hòa giải với Người nhờ Đức Kitô, xin Người thương tuôn đổ ơn phúc làm cho lòng tin-cậy-mến của anh chị em được củng cố vững vàng. CĐ:     Amen.

 

2. Anh chị em đã tin tưởng bước theo Đức Kitô, xin Người ban cho anh chị em một tâm hồn cởi mở để yêu mến tha nhân, và nhờ đó sẵn sàng đón nhận ơn Chúa trong thời gian cứu độ này, đồng thời cũng trở nên ánh sáng chiếu soi mọi người chung quanh.      CĐ:     Amen.

 

3. Đức Kitô đem lại cho chúng ta ơn hoài giải. Nhờ lời chuyển cầu của Đức Trinh nữ Maria và các Thánh Tử Đạo Việt Nam, xin Chúa cho anh chị em được sống và hoạt động trong bình an của Người. Xin Người cho tâm hồn anh chị em được vui mừng hoan hỉ, và sau hết, xin Người dẫn đưa anh chị em vào cõi phúc trường sinh.             CĐ:     Amen.

 

LM: Và xin phúc lành của Thiên Chúa toàn năng là Cha và Con V và Thánh Thần, xuống trên anh chị em và ở lại cùng anh chị em luôn mãi.            CĐ:     Amen.

 

SUY NIỆM

SOI GƯƠNG

CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

 

I.          Trước một quyết định, con người do dự, lo âu. Đối mặt với những bách hại, con người lo sợ. Và nhất là phải đối diện với một Tòa án của kẻ mạnh, con người càng sợ hãi hơn. Phản ứng tự nhiên của con người trước những khó khăn, những bách hại là lo âu sợ hãi.

 

II.         Môn đệ Chúa Giêsu cũng là con người, nên cũng mang thân phận thế thôi. Khác chăng, như Chúa Giêsu nói là vì Người đã chọn, đã tách họ khỏi thế gian, họ không thuộc về thế gian. Thế gian chỉ yêu thích cái gì thuộc về nó. Thế gian ghét Người trước nên cũng ghét họ. Thế gian bắt bớ Người, nên cũng bắt bớ họ (x. Ga 15,18-20).  Vinh dự của người môn đệ là được chính Người đồng hóa với họ, cho họ chia sẻ số phận của Người.

Nhưng người môn đệ lại luôn cảm thấy mình yếu đuối, không đủ sức để tự mình chống lại những bách hại. Người biết rõ ‘điểm yếu’ của môn đệ Người, nên Người đã kêu gọi họ “đừng sợ”. Trong chương 10 bản Việt ngữ, chúng ta đọc thấy thánh sử Mathêu ghi lại 1 lần ‘đừng lo’ và 3 lần ‘đừng sợ’. Người nói : 

– “Khi người ta nộp các con, thì các con đừng lo phải nói làm sao hay phải nói gì, vì trong giờ đó, Thiên Chúa sẽ cho các con biết phải nói gì: thật vậy, không phải chính các con nói, mà là Thần Khí của Cha các con nói trong các con (Mt 10,19-20).

– “Các con đừng sợ người ta. Thật ra, không có gì che giấu mà sẽ không được tỏ lộ, không có gì bí mật, mà người ta sẽ không biết” (Mt 10,26).

– “Các con đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn. Đúng hơn, các con hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hoả ngục” (Mt 10,28).

– “Các con đừng sợ, các con còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ” (Mt 10,31).

Đây là những lý do để người môn đệ đừng lo, người môn đệ đừng sợ, và người môn đệ hãy tin tưởng vào Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót, luôn luôn quan phòng điều lãnh chăm sóc mỗi người. Ý thức mình được Thiên Chúa yêu thương chăm sóc, người môn đệ can đảm dấn thân làm chứng cho Chúa. Vì : “Ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ chối người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời” (Mt 10,32-33; x. Mc 13, 9-13; Lc 21, 12 -19).

Xét theo lẽ thường, muốn có được xác tín như trên, người môn đệ cũng cần có “thời gian”, để từng ngày từng ngày “tiêu hóa” những lời Chúa Giêsu dạy. Nhờ thấm nhuần Lời Chúa, vượt qua tình cảm đối với cha mẹ, con cái, anh chị em. Rồi đến bước dám “liều mất mạng sống mình vì Thầy Giêsu” (x. Mt 10, 37-39) : minh chứng bằng cuộc tử đạo của mình. Thế mà, chỉ với một thời gian ngắn, các tín hữu Việt Nam đã đổ máu đào ra “vì Chúa Giêsu, vì Ðạo Chúa” một cách can trường. Dù Lời Chúa mới vừa được gieo vào đất Việt, như rơi bên vệ đường hay trên đá sỏi, vậy mà đã sinh hoa kết quả phong phú (x. Mt 13, 1-23).

Nguyên nhân nào ?

Chúng ta nhìn lại vài chứng nhân:

– Chứng nhân thứ nhất. Vị thánh đồng hương với chúng ta trên đất Đồng Nai : Thánh Phaolô Hạnh  (1827-1859), nguyên quán Giáo Xứ Tân Triều, Biên Hòa.

Đang là một “đại ca” của một băng đảng cướp giật khét tiếng trong vùng Chợ Quán, Sài gòn,. Phaolô Hạnh sống ung dung, rượu chè trai gái với tiền cướp giật được do chân tay đàn em cung phụng.

Khi bị tóm cổ nộp cho quan toà ở Bà Quẹo và bị tra hỏi: Có phải anh đã liên lạc với người Pháp âm mưu làm loạn không?” – Phaolô Hạnh trả lời: “Tôi không bao giờ liên lạc hay giúp bọn người mọi rợ Âu Châu”. 

Khi bị hỏi: “Anh có phải là người theo đạo Gia Tô không?” – Phaolô Hạnh hiên ngang công nhận: “Phải, tôi là người theo đạo Gia Tô”; và còn khẳng định rằng: “Sẽtheo đạo Gia Tô cho đến chết”.

Những người chứng kiến cuộc hành hình Phaolô Hạnh, đều ngỡ ngàng nói với nhau rằng: Chàng thanh niên này chọc trời, quấy nước, thế mà bây giờ lại chịu bị đánh đập, bị kìm sắt nung đỏ kẹp thịt cháy xèo xèo như bị nướng mà cũng không chịu bỏ đạo. Cuối cùng còn vui vẻ tiến ra pháp trường chịu chém đầu. Với 32 tuổi xuân, Phaolô Hạnh đã lãnh triều thiên tử đạo bằng án bị chém đầu ngày 28 tháng 5 năm 1859 !

Nguyên nhân thứ nhất, đó là Ơn Chúa. Với ơn Chúa, Phaolô Hạnh đã trở nên một chứng nhân Đức Tin kiên cường giữa thời cấm đạo tàn ác triều vua Tự Đức.

Nguyên nhân thứ hai, đó là Lòng sùng kính Mẹ Maria. Như :

– Chứng nhân thứ hai. Cha Jean Théophane Vénard Ven  (1829-1861) là một linh mục trẻ, ăn nói lịch thiệp, dung mạo dễ thương. Sáng ngày 2 tháng 2 năm 1861, ngài đã ăn mặc chỉnh tề, áo quần tươm tất, lịch sự như ngày đại lễ. Các quan chức đều khâm phục ngài nhưng phải tuân lệnh vua. Cha đã ghi lại lời nguyện trong thư gửi Đức cha Theurel : “Lạy Mẹ Vô Nhiễm, khi đầu con rơi xuống dưới lưỡi gươm của lý hình, xin nhận lấy tôi tớ nhỏ bé như trái nho chín được hái, như bông hồng nở rộ được ngắt về dâng kính trên bàn thờ. Ave Maria”.

– Hoặc như, linh mục Đa minh Nguyễn Văn Hạnh (Diệu) OP (1772-1838) thay vì dày đạp, đã hôn kính ảnh Đức Mẹ dù bị đánh đúng 100 roi.

– Bà  Anê Lê Thị Thành tâm sự : Nhờ ơn Đức Mẹ giúp sức, tôi không thấy đau đớn”.

– Linh mục Augustinô Schoeffler Đông (1822-1851): tỏ ra mừng rỡ khi biết tin mình tử đạo ngày 01-5, ngày đầu tháng hoa kính Đức Maria.

– Linh mục Gioan Đoàn Trịnh Hoan (1798-1861), luôn đeo trên cổ áo Đức Bà cho đến giờ xử tử, ngài nói : “Ảnh này tôi không thể cho ai được. Đây là hình ảnh Đức Nữ Vương và là Bà Chúa của tôi”.

– Linh mục  Jean Charles Cornay Tân (1809-1837), khi bị giam trong cũi, vẫn cất tiếng hát, lính nghe hay nên báo với quan. Quan bắt hát mới cho ăn. Ngài kể lại trong thư rằng: “Mỗi bữa ăn tôi lại có dịp hát thánh ca chúc tụng Đức Maria”.

– Trong cơn bắt đạo tàn khốc dưới thời Vua Cảnh Thịnh, giáo dân khắp vùng đã chạy trốn đến La Vang. Năm 1798, khi nhiều người lâm vào cảnh khốn khó vì đức tin, Mẹ Maria đã hiện ra cùng họ để an ủi và hứa sẽ ban mọi ơn lành hồn xác cho những ai chạy đến La Vang cầu khẩn Mẹ.

Không chỉ là một, hay là hai. Nhưng là hàng hàng lớp lớp tín hữu Việt Nam, nhờ ơn Chúa và Mẹ Maria, họ vẫn hiên ngang tiến ra pháp trường, hoặc bằng một nhục hình nào đó. Nhờ ơn Chúa và Mẹ Maria, họ muốn minh chứng lòng trung thành với Chúa Giêsu.

Bằng chứng :

Tin Mừng được kể là đã loan giảng trên đất Việt, từ thế kỷ XVI đến nay. Năm 1533, theo Khâm Định Việt Sử (33,6b), chỉ dụ cấm đạo của vua Lê Trang Tôn đã nói đến một thừa sai tây phương tên I-Ni-Khu, lén theo đường biển vào truyền đạo tại làng Ninh Cường, Quần Anh, Trà Lũ (Nam Định).  Cho đến cuối thế kỷ XIX, các tín hữu bị chết và mất tích trong các cơn bắt Đạo vì lưu đày, và phải trốn tránh vào những nơi hẻo lánh… con số chứng nhân ngày ngày càng tăng, và danh sách đó vẫn chưa khóa sổ.

Vào năm 1783, anh em nhà Tây Sơn đã đến vùng Ba Giồng tìm vua Gia Long; tìm không được, đã nổi giận chém giết 150 người giáo dân tại đây. Thời vua Minh Mạng (1836) quan quân Triều Nguyễn cũng đã truy quét họ đạo Ba Giồng và đã tàn sát trên dưới 1700 người. Đến thời Vua Tự Đức, cha sở họ đạo Ba Giồng lúc đó là cha thánh Phêrô Nguyễn Văn Lựu cũng đã bị chém đầu tại Mỹ Tho vào ngày 07 tháng 04 năm 1861. Năm 1862, họ đạo bị tàn sát, lần này có 25 người đàn ông đã tuyên xưng đức tin tại chợ Cổ Chi cách Ba Giồng khoảng 2 cây số (theo tư liệu 50 năm Giáo phận Mỹ Tho).

Ngoài ra, còn có kế họach “phân sáp” của vua Tự Đức cho thi hành vào năm 1851 và 1856. Sử liệu ghi nhận có gần 400.000 tín hữu phải bị đi phân sáp, trong đó có từ 50.000 đến 60.000 giáo dân phải chết nơi phân sáp, 100 làng công giáo bị tàn phá bình địa, 2000 họ đạo bị tịch thu tài sản ruộng đất, 115 Linh mục Việt nam và 10 giáo sĩ ngọai quốc bị giết, 80 Dòng Mến Thánh Giá bị phá tan, 2000 nữ tu Mến Thánh Giá phải tan tác, 100 nữ tu Mến Thánh giá chết vì Đạo. Kế họach phân sáp gồm bốn mặt :

1- Mặt thứ nhất, không cho người công giáo ở trong làng công giáo của mình, nhưng phải đến ở trong các làng bên lương.

2- Mặt thứ hai, mỗi người công giáo phải bị năm người lương canh giữ cẩn mật.

3- Mặt thứ ba, các làng công giáo bị phá hủy, của cải ruộng đất của người công giáo bị tịch thu và giao vào tay những người bên lương, những người này sử dụng và nộp thuế lại cho Nhà Nước.

4- Mặt thứ bốn, không cho người đàn ông công giáo ở một nơi với người đàn bà công giáo, không cho vợ chồng công giáo ở với nhau, mỗi người phải đi ở một nơi xa nhau, con cái của người công giáo thì phải để cho gia đình người lương nuôi.

Đây là một kế họach rất sâu độc, nhằm tiêu diệt Hội Thánh Việt Nam tận gốc rễ. Nhưng, các triều đại nhà Nguyễn không còn nữa [dù Vua Minh Mạng đặt một bài “Đế Hệ Thi” gồm 20 chữ Nho, dùng làm chữ lót tên cho mỗi thế hệ từ Minh Mạng trở về sau, nhưng cũng chỉ được 6 chữ là hết triều Nguyễn – xem chú thích – (1)]. Còn Hội Thánh Việt Nam, hiện nay vẫn vững mạnh và phát triển.

Ngày 07.01.1862, người Pháp dẫn binh chiếm Phước Tuy, chính quyền địa phương tưởng rằng họ tiến vào giải thoát các tín hữu nên đã phóng hỏa 4 ngục thất. Ngoài một số tín hữu thoát thân, có tất cả 444 vị đã bị chết trong cuộc thiêu sinh đó. Sau vài tháng tạm yên ổn, cuối năm 1862, một cuộc bắt bớ khác lại tái diễn ở vùng Gò Sầm, Đất Đỏ. Một cuộc lùng sục, truy đuổi các tín hữu lại diễn ra, chủ yếu vùng Đất Đỏ và Họ Thôm (Long Tâm). Lần bách hại này tuy ngắn ngủi nhưng cũng gần 200 tín hữu đã bị sát hại.

Năm 1864, Phong trào Văn Thân là một phong trào quần chúng do các nho sĩ Việt Nam lãnh đạo lấy lý do cứu nước. Họ đưa ra chiêu bài “bình Tây, sát tả” (nghĩa là: ‘dẹp người Pháp, giết người Công giáo’). Hàng hàng lớp lớp người tín hữu tiếp tục bị giết và nhiều xóm đạo lại bị san bằng. Nhưng các tín hữu vẫn sẵn sàng làm chúng nhân cho Chúa Giêsu dưới nhiều hình thức.

Trong số những chứng nhân đổ máu để minh chứng đức tin vào Chúa Giêsu, ngày 19.6.1988ĐTC Gioan Phaolô II tuyên phong hiển thánh cho 117 Vị Tử Đạo; và  ngày  05. 03. 2000 tuyên  phong Chân phước cho thầy giảng Anrê Phú Yên . Theo quốc tịch, 117 Thánh Tử Đạo Việt Nam được chia ra như sau: 11 vị gốc Tây Ban Nha6 giám mục và 5 linh mục dòng Đa Minh, 10 vị gốc Pháp: 2 giám mục và 8 linh mục thuộc Hội Thừa sai Paris, 96 vị người Việt: 37 linh mục và 59 giáo dân – trong đó có 14 thầy giảng, 1 chủng sinh và một phụ nữ là bà Anê Lê Thị Thành.

2 vị dưới thời chúa Trịnh Doanh (17401767),

2 vị dưới thời chúa Trịnh Sâm (17671782),

2 vị do sắc lệnh của vua Cảnh Thịnh (17821802),

58 vị dưới thời vua Minh Mạng (18201841),

3 vị dưới thời vua Thiệu Trị (18411847),

50 vị dưới thời vua Tự Đức (18471883).

 

Đây là một số hình phạt man rợ các Vị Tử Đạo Việt Nam phải chịu:

1- Bá đao : bị lý hình dùng dao cắt xẻo từng miếng thịt trên thân thể cho đủ 100 miếng. Cách chết này có một vị.

2- Lăng trì : chặt chân chặt tay trước khi bị chém đầu. Cách chết này có 4 vị.

3- Thiêu sinh : bị thiêu sống. Chết cách này có 6 vị.

4- Xử trảm : bị chém đầu. Chết cách này có 75 vị.

5- Xử giảo : bị tròng dây vào cổ và bị lý hình kéo hai đầu dây cho đến chết. Cách chết này có 22 vị.

6- Chết rũ tù : bị tra tấn, hành hạ đủ cách đủ kiểu, rồi bị bỏ đói cho tới khi kiệt sức và chết gục trong tù. Chết cách này có 9 vị.

 

III.        THAY LỜI KẾT

Theo Thư Chung của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam : Nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II long trọng tuyên phong 117 Vị Tử Đạo tại Việt Nam lên hàng Hiển Thánh. Hội Đồng Giám Mục đã xin Tòa Ân Giải Tối Cao cho phép mở Năm Thánh và đã được chấp thuận. Năm Thánh mừng kính Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, bắt đầu từ ngày 19 tháng 6 năm 2018 (kỷ niệm ngày phong thánh) đến ngày 24 tháng 11 năm 2018 (Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam).

Để Năm Thánh đem lại nhiều ơn ích thiêng liêng cho mỗi người, mỗi gia đình, mỗi cộng đoàn và giáo xứ cũng như cho toàn thể Hội Thánh Việt Nam, chúng ta lưu ý những điều Hội Đồng Giám Mục Việt Nam mong muốn Thư Chung đã thông báo :

– Việc bác ái tông đồ: Thăm viếng những người đang sống trong cảnh túng nghèo quẫn bách, bệnh tật, tù đày, già cả, cô đơn, khuyết tật… là hành hương về với Đức Kitô (x. Mt 25, 34-36).

– Việc thống hối hi sinh: Hạn chế sử dụng và giảm bớt chi tiêu đối với những gì không cần thiết, để giúp đỡ người nghèo hoặc các công trình tôn giáo và xã hội, tham gia những việc có ích cho cộng đồng.

– Chiêm ngắm và học hỏi gương sống đức tin của Các Thánh Tử Đạo Việt Nam.

– Năm Thánh 2018 nhắc nhở và thúc đẩy tất cả chúng ta sống tinh thần tử đạo trong môi trường hiện nay. Bằng sống tinh thần hi sinh, từ bỏ theo bậc sống của mình để làm chứng cho Chúa và Tin Mừng Nước Trời :

Các gia đình Công giáo hãy từ bỏ những ham muốn bất chính và tính toán ích kỷ, để làm chứng rằng Tin Mừng về hôn nhân Công giáo là nẻo đường hạnh phúc.

Các anh chị em sống đời thánh hiến hãy từ bỏ những ham muốn tự nhiên để sống trọn vẹn theo các lời khuyên Phúc Âm, làm chứng cho Nước Trời là giá trị tuyệt đối và kho tàng vô giá; qua đó, chúng ta có thể góp phần “thức tỉnh thế giới” như Đức Giáo Hoàng Phanxicô kêu gọi.

Các linh mục hãy trung thành với lời thề hứa khi chịu chức, tận tụy thi hành bổn phận đã được trao phó trong khiêm tốn và cậy trông, làm chứng cho Chúa Giêsu Kitô là Mục Tử nhân lành, “hiến mạng sống cho đoàn chiên” (Ga 10,15), và hăng say loan giảng Tin Mừng trong mọi hoàn cảnh.

Xin Đức Trinh Nữ Maria là Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo bầu cử cho chúng ta noi gương Mẹ Maria, kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu, vâng phục Thánh ý Chúa Cha, theo ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần, để xứng đáng lãnh nhận những ơn lành Chúa muốn ban cho chúng ta trong Năm Thánh này.

Xin Các Thánh Tử Đạo Việt Nam dâng lời cầu nguyện và mọi việc lành của chúng ta lên Thiên Chúa, giúp chúng ta sống Năm Thánh cách tốt đẹp nhất, biết dùng ơn Chúa ban để hăng hái phụng sự Chúa, phục vụ đồng loại, và tích cực góp phần vào việc loan báo Tin Mừng trên quê hương đất nước chúng ta.

 

KINH CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

Lạy các Thánh Tử Đạo Việt Nam / là con thảo của Cha trên trời / là chứng nhân anh dũng của Chúa Kitô / là thành phần trung kiên của Hội Thánh / Nay chúng con xin hợp với các Ngài / và với Đức Trinh nữ Maria / là nữ vương các Thánh Tử Đạo / mà ca tụng Chúa muôn trùng cao cả. / Xưa Chúa ban cho các Ngài / được vững tin vào Lời Chúa,/ và đầy sức mạnh của Thánh Thần, / nên các ngài đã kiên tâm chịu gian lao đau khổ, / quyết một lòng theo Đức Kitô trên con đường Thập Giá / và hy sinh đến giọt máu cuối cùng. / Các ngài đã chấp nhận nên hạt lúa gieo vào lòng đất / để Hội Thánh Việt Nam / thu lượm được một mùa lúa dồi dào./ Nay Hội Thánh lại dâng các Ngài lên Chúa / như hoa quả đầu mùa để cảm tạ tri ân./ Các Ngài đã yêu mến quê hương,/ xin cầu cho Đất Nước được an vui hạnh phúc / và góp phần xây dựng một thế giới hoà bình. / Các Ngài đã cam lòng chịu chết mà không oán hận,/ xin cầu cho đồng bào mọi giới / biết yêu thương đùm bọc lẫn nhau. / Các Ngài đã hy sinh tất cả vì đức tin,/ xin cầu cho mọi Kitô hữu / biết sống và chia sẻ niềm tin của mình / Lạy các Thánh Tử Đạo Việt Nam / là những bậc tiền nhân đã hoàn thành sứ mạng, / xin chuyển cầu cho chúng con là con cháu / được noi gương các ngài / biết đem lòng bác ái dấn thân vào phục vụ / để một ngày kia trên thiên quốc / chúng con được hợp tiếng với các Ngài/ ca tụng tạ ơn Chúa muôn đời vinh hiển / Amen.        
 (Iprimatur : Sài gòn, ngày 10-8-1988,

PHAOLÔ NGUYỄN VĂN BÌNH, TGM. TGP SAI GON.)

===================

Chú thích (1)

Bài “Đế Hệ Thi”  : Nguyên văn :

綿洪膺寶永

保貴定隆長

賢能堪繼述

世瑞國嘉昌

 

Phiên âm:    

MIÊN HƯỜNG ƯNG BỬU VĨNH

BẢO QUÝ ĐỊNH LONG TRƯỜNG

HIỀN NĂNG KHAM KẾ THUẬT

THẾ THOẠI QUỐC GIA XƯƠNG

 

Tạm dịch :

Huân nghiệp lớn do Tổ Tiên gầy dựng,

Gắng giữ gìn cho xứng ân sau.

Phồn vinh thịnh đạt dài lâu,

Anh tài hiền đức cùng nhau bảo toàn.

Đời đời nối nghiệp tiền nhân,

Nước nhà hưng vượng muôn phần phát huy.

Giải nghĩa :

MIÊN: Trường cửu, phước duyên trên hết

HƯỜNG (HỒNG): Oai hùng, đúc kết thế gia

ƯNG: Nên danh, xây dựng sơn hà

BỬU: Bối báu, lợi tha quần chúng

VĨNH: Bền chí, hùng anh ca tụng

BẢO: Ôm lòng, khí dũng bình sanh

QUÝ: Cao sang, vinh hạnh công thành

ĐỊNH: Tiền quyết, thi hành oanh liệt

LONG: Vương tướng, rồng tiên nối nghiệp

TRƯỜNG: Vĩnh cửu, nối tiếp giống nòi

HIỀN: Tài đức, phúc ấm sáng soi

NĂNG: Gương nơi khuôn phép bờ cõi

KHAM: Đảm đương, mọi cơ cấu giỏi

KẾ: Hoạch sách, mây khói cân phân

THUẬT: Biên chép, lời đúng ý dân

THẾ: Mãi thọ, cận thân gia tộc

THOẠI (THỤY): Ngọc quý, tha hồ phước lộc

QUỐC: Dân phục, nằm gốc giang san

Bài viết liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

- Advertisement -spot_img

BÀI VIẾT MỚI