Khăn Liệm Turin là gì?
Vào sáng Chúa Nhật ngày 21 tháng 06 năm 2015, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô sẽ đến Turin để tôn kính Tấm Khăn Liệm nhân dịp Tấm Khăn này được trưng bày công khai tại đây. Vì thế, chúng ta nên tìm hiều xem, Tấm Khăn Liệm thành Turin là tấm khăn gì. Và ở đây, câu trả lời trước tiên là: Tấm Khăn Liệm thành Turin được coi như một bức Ikone nổi tiếng nhất của Ki-tô giáo. Tuy nhiên, thật hiếm khi, với khoảng cách nhiều năm, Tấm Khăn này mới được trưng bày tại Nhà Thờ Chính Tòa của Giáo phận thuộc thành phố nằm tại khu vực phía Bắc của nước Ý, để mọi người đến tôn kính.
Theo truyền thuyết, thân xác bị tra tấn của Chúa Giê-su thành Nazareth đã được đặt trong Tấm Khăn Liệm này, cũng như đã được đặt trong mộ sau khi Ngài bị hành quyết công khai cách nay khoảng 2000 năm. Tấm Khăn Liệm là một miếng vải màu nâu, được dệt theo dạng vải chéo hình chữ chi, và có kích thước là 4,44m x 1,13m. Đập vào mắt đầu tiên là những vết khoang sáng theo hình đối xứng: Những đốm nước đánh dấu cho thấy Tấm Khăn đã được gấp lại vào bất cứ thời điểm nào trong lịch sử của nó.
Ý nghĩa thực sự của Tấm Khăn này sẽ chỉ được nhận ra với sự cố gắng nếu nhìn bằng mắt thường. Có hai hình ảnh mờ giống hình người nằm dọc ở giữa khổ vải. Tấm khăn cho thấy một tấm hình kép – đàng trước và đàng sau – của một người đàn ông với râu và tóc dài. Khi tấm vải lanh này được chụp lần đầu tiên vào năm 1898, một âm bản với nhiều chi tiết gây ngỡ ngàng đã xuất hiện. Giờ đây, với âm bản đó, người ta có thể nhận ra rằng, thi thể của người trong Tấm Khăn này biểu lộ một cái gì đó như là những vết thương bị tra tấn.
Nhưng chúng ta có thực sự biết rằng người này là Chúa Giê-su không? Nó có thực sự là một tấm khăn liệm không, hay nó chỉ là sản phẩm của việc tin vào những phép mầu của thời Trung Cổ? Từ những năm 1970, các bác sĩ pháp y, các nhà hóa học, các nhà sinh vật học, các chuyên viên X-Quang và các chuyên gia may dệt, với những công cụ tương ứng của họ, đã bắt tay vào nghiên cứu tấm vải cổ này. Tuy nhiên, ngày nay vẫn đang tồn tại nhiều nghi vấn liên quan đến Tấm Khăn Liệm này hơn là sự tin tưởng. Phải chăng đó là một bức tranh được vẽ ra? Hay đây là một ấn phẩm phát sinh thông qua ánh sáng? Nó đã nhận được điều gì cho bản thân nó khi những dấu vết giống như những nét chữ được phát hiện ra cách nay hai mươi năm? Một cuộc xác định niên đại dựa trên phương pháp đo phóng xạ car-bon tại ba phòng thí nghiệm khác nhau đã xác định niên đại của tấm khăn này vào khoảng từ năm 1260 tới năm 1390 sau Chúa Ki-tô. Như vậy thì phải chăng mẫu xét nghiệm đã bị lấy nhầm từ một miếng vải được vá vào?
Những cuộc kiểm định đã không đưa ra sự rõ ràng, và các vị Giáo Hoàng, với tư cách là những chủ nhân của chiếc khăn – từ năm 1983 – đã tôn trọng những ranh giới giữa những kết quả chẩn đoán của khoa học tự nhiên và của Thần học. Trong chuyến viếng thăm của Ngài vào năm 2010, Đức Thánh Cha Bê-nê-đíc-tô XVI đã không nói về Tấm Khăn như là một „Thánh Tích“, nhưng đã nói về nó như là một bức „Ikone“. Còn Đức Gio-an Phao-lô II thì lại gọi Tấm Khăn là „một sự khiêu khích hoàn toàn đối với trí tuệ“. Riêng Đức Thánh Cha Phan-xi-cô thì bày tỏ về lực hút to lớn của bức Ikone rằng, „người nằm trong tấm Khăn Liệm này mời gọi chúng ta chiêm ngưỡng Chúa Giê-su thành Nazareth“ – vì được giả định rằng, người này đã chia sẻ một cách chết với người khác, nhưng không phải là sự đồng dạng.
Nhiều người Công giáo tiếp cận với bức Ikone thành Turin không phải với cái nhìn của nhà nghiên cứu khoa học, nhưng với tư cách là những người hành hương. Trong Tấm Khăn Liệm này, Tin Mừng có thể được đọc thấy trong những dấu chỉ cũng như trong những vết tích: triều thiên bằng mão gai, những chiếc đinh, sự hành hình trên cây Thập Giá, toàn bộ ngày thứ Sáu Tuần Thánh của nhân loại: „Ai sống cuộc vượt qua nơi thân xác của mình, chẳng hạn như những cơn bệnh hay sự tàn tật, thì việc quan sát tấm Khăn Liệm sẽ gây xúc động cho người ấy tận nơi thẳm sâu nhất“ – Đức Tổng Giám Mục Cesare Nosiglia của Tổng Giáo Phận Turin cho biết. Còn khi nhìn vào khuôn mặt của bức Ikone, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô lại nghĩ đến „nhiều khuôn mặt của những người nam và những người nữ bị gây thương tổn bởi một cách sống không quan tâm tới phẩm giá của họ, bởi chiến tranh và bởi bạo lực mà chúng liên lụy đến những người yếu đuối nhất.“
(theo de.rv 17.06.2015 gs)
Minh An