Chúa nhật XXIX TNC – Khánh Nhật Truyền Giáo 2019
TÌNH YÊU CHÚA THÚC BÁCH TÔI
Cha Viện trưởng Đaminh Savio Nguyễn Tuấn Hào CSNQ
Đức Giáo Hoàng Pio XI năm 1926 đã lập nên ngày Khánh Nhật Truyền Giáo để thôi thúc và giúp mọi người kitô hữu ý thức về sứ vụ quan trọng hàng đầu của Giáo hội là tham gia công cuộc loan báo Tin Mừng cho thế giới. Hai câu hỏi đặt ra giúp chúng ta suy niệm về ngày khánh nhật truyền giáo: Tại sao phải truyền giáo? Tôi đã truyền giáo chưa?
1. Tại sao phải truyền giáo?
Truyền giáo là sứ mệnh của Hội thánh, trước khi về Trời, Chúa Giêsu đã ban huấn lệnh cho các Tông đồ “Hãy đi khắp tứ phương thiên hạ loan báo tin mừng nước trời” và huấn lệnh truyền giáo được nối tiếp cho tới ngày hôm nay. Vậy tại sao phải truyền giáo.
Trước tiên: ý muốn và lệnh truyền của Chúa. Ý muốn của Chúa là mọi người đều được ơn cứu độ. Tiên tri Isaia mở ra và cho ta chiêm ngắm viễn ảnh thật đẹp của ơn cứu độ. Triều đại Nước Chúa sẽ hiển trị, sẽ triệu tập và quy tụ muôn dân: “Dân dân lũ lượt theo nhau tới, nước nước dập dìu kéo nhau đi“. Khi Nước Chúa hiển trị, mọi người đến với Chúa đều được Người dạy dỗ bảo ban. Nhờ được nghe, đón nhận và tuân giữ thánh chỉ của Chúa, cục diện cuộc sống của họ đã hoàn toàn đổi thay: “họ sẽ biến gươm đao thành cuốc thành cầy, rèn giáo mắc nên liềm nên hái. Dân này nước nọ không còn vung kiếm đánh nhau. Và thiên hạ thôi học nghề chinh chiến”. Trong bài Tin mừng, Chúa Giêsu sau khi đã hoàn tất công cuộc cứu thế và Ngài muốn ơn cứu độ của Ngài phải được loan truyền khắp cùng bờ cõi trái đất. Bởi vậy, trước khi về trời Ngài đã ra lệnh truyền cho các tông đồ: ” Anh em hãy đi tứ phương thiên hạ mà loan báo Tin mừng…”
Thứ hai: Nhận Phép Rửa và được sai đi. Mỗi người kitô hữu, khi lãnh nhận phép rửa, chúng ta nhận lấy chức năng ngôn sứ, là phải loan báo Tin mừng của Chúa. Đó là ơn gọi và bổn phận của người kitô hữu. Bởi thế mà Công Đồng Vaticano II trong sắc lệnh Ad Gentes – Truyền giáo đã khẳng định “sứ mạng – ơn gọi của Giáo Hội là truyền giáo“. Đức Thánh Cha Phanxico trong sứ điệp truyền giáo năm 2019 đã xác định rõ căn tính sứ mạng của người tín hữu: mỗi người tín hữu khi đã nhận lãnh Bí Tích rửa tội đều có sứ mệnh được sai đi truyền giáo. Ngài nói: “Tôi luôn là một sứ mạng; bạn luôn là một sứ mạng; mỗi người nam người nữ đã chịu phép rửa là một sứ mạng. Những người đang yêu thì không bao giờ ở yên; họ được kéo ra khỏi con người họ; họ được thu hút bởi người khác và họ thu hút người khác; họ hiến mình cho người khác và xây dựng những mối quan hệ trao ban sự sống. Liên quan đến tình yêu của Thiên Chúa, không ai là vô ích hay vô nghĩa… Mỗi người chúng ta là một sứ mạng cho thế giới, vì mỗi chúng ta là kết quả tình yêu của Thiên Chúa“.
Thứ ba: Tình yêu Chúa thúc bách tôi. Lý do này thật mạnh mẽ. Nhờ việc đón nhận Tin Mừng của Chúa, chúng ta được giải thoát khỏi tình trạng tội lỗi, được biết Chúa, cảm nhận được tình yêu Ngài dành cho chúng ta, rồi mở ra cho chúng ta mọi chiều kích dài rộng cao sâu về ý nghĩa cuộc sống. Tất cả là quà tặng nhưng không. Chính vì nhận lãnh được tình yêu cứu độ từ Chúa một cách nhưng không, thì theo luật của tình yêu đòi buộc, chúng ta được thúc đẩy loan báo Tin mừng cho người khác một cách nhưng không. Đức Thánh Cha Phanxico chất vấn chúng ta rằng: “Liệu có loại tình yêu nào mà không làm cho chúng ta cảm thấy cần phải nói về người mình yêu, chỉ cho người khác thấy Người, làm cho người khác được biết Người? ” (x. EG 264). Chính thánh Phaolo đã sống kinh nghiệm này. Ban đầu Ngài là một người không biết Chúa, thù địch với Chúa, bách hại đạo Chúa. Nhưng nhận được Tin mừng của Chúa, đã biến đổi cuộc đời của Ngài. Tin mừng về Đức Kitô đã làm cho Ngài được thỏa mãn mọi khát vọng sâu xa nhất của con người: khát vọng hạnh phúc, khát vọng chân lý, khát vọng sự sống đời đời. Vì được no thỏa về Chúa, cảm nhận được thế nào là hạnh phúc nhờ biết Chúa, biết đạo Chúa. Bởi vậy đến lần mình Ngài muốn hiến toàn thân để loan truyền đạo Chúa với mục đích để cho mọi người cũng đón nhận hạnh phúc như Ngài. Vì xác tín như vậy Ngài đã thốt lên: “chính tình yêu thúc bách tôi…” và Ngài đã nguyền rủa mình nếu không chu toàn sứ mệnh này: “thật khốn cho tôi nếu tôi không loan báo tin mừng” (x. 2 Cr 5,14; 1Cr 9,16).
2. Chúng ta đã truyền giáo Chưa?
Nghe, nói, học, hiểu về truyền giáo thì nhiều nhưng chúng ta cũng tự hỏi chính mình, tôi đã tuyền giáo Chưa? Trong Tin mừng hôm nay Chúa ra lệnh cho các Tông đồ: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng. Hãy làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và con và Thánh Thần. Dạy họ tất cả những gì Thầy đã truyền cho anh em...”. Trong lệnh truyền này chúng thấy có nhịp ba bước của việc truyền giáo: Ra đi- Làm Phép Rửa- Dạy dỗ. Để biết mình đã thực thi sứ mạng truyền giáo chưa, chúng ta hãy xem mình đã ra đi chưa. Ra đi đây không chỉ hiểu theo nghĩa địa dư: ra khỏi nhà để đi đến nới này nơi khác mà theo nghĩa hiện sinh của nó. Chúng ta đã ra khỏi chính mình, ra khỏi tình trạng ươn lười, khép kín, hưởng thụ cuộc sống của riêng mình để bước đến những nơi, vùng miền thiếu vắng ánh sáng Tin mừng, những hành động không có tính tôn giáo, của tư tưởng sai lạc; tới những người tội lỗi, đau khổ, cảnh sống chịu bất công, ngu dốt và mọi thứ cùng khốn của kiếp người.
Rồi để biết xem chúng ta có truyền giáo hay không, chúng ta hãy làm lại bảng trắc nghiệm ơn gọi và sứ mạng đời kitô hữu, đời tu sĩ, đan sĩ của mình. Chúng ta đã là kitô hữu 20 năm, 30 năm, 50 năm, 70 năm…Riêng các tu sĩ, đan sĩ, linh mục, là những người tận hiến cho Chúa, được học biết rất nhiều về Chúa, cam kết hiến cuộc đời vì Chúa và để cứu rỗi các linh hồn. Vậy chúng ta tự hỏi, tôi đã nói Tin mừng của Chúa cho bao nhiêu người? Đã hoán cải được bao hối nhân? Đã dạy dỗ, lôi kéo và dẫn được ai đến với đạo Chúa, đến với Bí Tích Rửa Tội, Bí Tích Hòa Giải, Bí Tích Thánh Thể chưa? Chúng ta tự kiểm tra chính mình và sẽ thấy rõ rằng chúng ta có thể chưa một lần nghĩ về truyền giáo và làm công việc truyền giáo. Chúng ta mới chỉ chăm chú tin đạo, giữ và sống đạo cho riêng mình.
Rick Warren viết cuốn sách nổi tiếng ‘sống có mục đích‘. Ông viết về người cha là Jimmy cũng là mục sư rằng: “Cha tôi đã xây dựng hơn 150 nhà thờ trên khắp thế giới. Năm 1999, cha tôi qua đời vì ung thư. Trong tuần lễ cuối cùng của cuộc đời mình, căn bệnh đã khiến ông nửa tỉnh nửa mê suốt hai mươi bốn giờ một ngày… Một đêm nọ, lúc gần qua đời…cha tôi thình lình trở nên rất nhanh nhẹn và cố gắng bước xuống giường. Chúng tôi hỏi cha muốn làm gì vậy, ông đáp, “Phải cứu thêm một người nữa cho Chúa Giê-su! Phải cứu thêm một người nữa cho Chúa Giê-su! Phải cứu thêm một người nữa cho Chúa Giê-su!“… Và cha tôi giơ tay đặt lên đầu tôi và nói như thể ủy nhiệm cho tôi, “Con phải cứu thêm một người nữa cho Chúa Giê-su! Con phải cứu thêm một người nữa cho Chúa Giê-su!”… Với lời trối đó, “tôi quyết định đó sẽ là mục tiêu trọn phần đời còn lại của tôi…và nó là trọng tâm của cuộc đời mình. Tôi cầu nguyện để bạn luôn luôn tìm kiếm cơ hội nhằm “cứu thêm một người nữa Chúa Chúa Giê-su” để khi bạn đứng trước mặt Chúa một ngày nào đó, bạn có thể nói, “Nhiệm vụ đã hoàn tất!“
Cánh đồng truyền giáo như Chúa nói: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít...” Niên giám Tòa Thánh 2019 và Niên giám Thống kê của Giáo hội năm 2017, do Văn phòng thống kê trung ương của Tòa thánh cho biết: “Dân số thế giới là 7 tỷ 408 triệu người, có 1 tỷ 313 triệu người Công giáo được rửa tội chiếm 17,7% dân số thế giới. Á Châu lục địa dân số khổng lồ, hơn 4 tỷ người, có khoảng gần 140 triệu người Công giáo, chiếm hơn 3% . Riêng tại Việt Nam dân số hiện tại là năm 2019 là 96,2 triệu người, trong đó mới chỉ có hơn 7 triệu tín hữu, chiếm hơn 7 % dân số.
Mỗi chúng ta, nhắc lại lời trong sứ điệp Truyền Giáo 2019 của Đức Thánh Cha Phanxico, dù là nam hay nữ đều là một sứ mạng, sứ mạng cho thế giới, vì mỗi chúng ta là kết quả tình yêu của Thiên Chúa. Chúng ta hãy để tình yêu thúc bách chúng ta, nhiệt thành cho công cuộc loan báo Tin mừng. Hãy quyết tâm như Mục Sư Jimmy: “Hãy mang về cho Chúa Giêsu một linh hồn”. Nếu mỗi người Công giáo Việt Nam, dù là một năm, hai năm, ba năm, hay dài hơn nữa… mang về cho Chúa một linh hồn, thì rất gần đây chúng ta sẽ có số người tin Chúa đông hơn và tại quê hương Viêt Nam, số tín hữu từ bảy triệu sẽ tăng lên đến 10 triệu, 20 triệu và nhiều hơn nữa.
Lạy Chúa, xin chọn và sai chúng con cũng như nhiều sứ giả Tin mừng đến tận cùng trái đất để Tin mừng Nước Chúa được cả sáng hơn. Amen.