Thứ bảy, 5 Tháng mười, 2024

KHAO KHÁT THIÊN ĐÀNG – Duyên Thập Tự

 

KHAO KHÁT THIÊN ĐÀNG

CHA BIỂN ĐỨC THUẬN

VÀ NIỀM THAO THỨC SỐNG MÃI BÊN CHÚA

 

Duyên Thập Tự

 

      Người ta thường ví con người như một thần minh bị đầy xuống trần gian, và vì thế luôn mang một nỗi hoài mong thiên đàng. Bao nhiêu áng thơ, bao nhiêu tiểu thuyết diễn tả lòng khao khát trở về này với óc tưởng tượng phong phú. Một Augustinô với trái tim thao thức mãi chờ ngày nghỉ yên trong Chúa, vì “Chúa đã dựng nên con cho Chúa”. Thi sĩ Ấn Độ Tabindranath Tagore coi mình như một ca công, đã bao ngày lên giây đàn để gảy lên điệu nhạc vào ngày hạnh ngộ, nhưng “vẫn còn chưa tới cuộc gặp gỡ chờ mong”. Thao thức mãi, chờ mong mãi.

   Trong bài viết này, tôi muốn chia sẻ với độc giả tìm hiểu cá nhân về một trong những đối tượng của lòng khao khát của cha Biển Đức Thuận : lòng khao khát sống mãi bên Chúa được diễn tả qua sự “khao khát thiên đàng”.

   Để có thể đồng cảm với tâm tình của ngài về nỗi hoài mong này, chúng ta sẽ cùng nhau đọc lại một số trích đoạn thư tín hay lời giáo huấn mà ngài đã viết lên hay khuyên dạy như là nơi cô động kinh nghiệm cá nhân. Nhưng để đào sâu vấn đề hơn, một phần tìm hiểu về truyền thống đan tu về lòng khao khát trời cao sẽ được lồng vào giữa những trình bày về tư tưởng và kinh nghiệm của cha Biển Đức Thuận.

 

      1.Khao khát thiên đàng

   Trước khi tìm hiểu điều Cha Tổ Phụ mong chờ và trao lại cho chúng ta chính kinh nghiệm sống của ngài về lòng khao khát sống mãi bên Chúa trong cõi vĩnh hằng, thiết tưởng, một lần nữa, chúng ta cùng nghe lại lời giáo huấn của ngài “Về sự khao khát thiên đàng”[1].

   “Chúng ta hãy xét mình xem, lòng chúng ta có mong mỏi khát khao Thiên Đàng chăng?

   Khi chúng ta suy một ít nữa được về Thiên Đàng, một ít nữa chúng ta được nhìn thấy Chúa và Đức Mẹ yêu dấu chúng ta. Khi chúng ta suy như vậy, trong lòng có lấy làm vui, có mong mỏi mau về cùng Chúa không?

   Nếu thấy trong mình vui sướng, và mong mỏi về với Chúa, ấy là dấu tốt, là linh hồn khỏe mạnh. Nếu suy về Thiên Đàng, mà trong lòng cũng thế đó, không lấy làm chi, ấy là dấu linh hồn không khỏe mạnh, vì không lấy Thiên Đàng làm chi, không lấy phước của Chúa làm chi, vì thiếu đức cậy.

   Thiếu đức cậy, thì cũng thiếu đức tin và đức mến nữa. Nghĩa là hãy còn yêu thế gian. Cha Thánh Biển Đức hằng suy xét về sự đời sau luôn. Và các thánh cũng đều thế cả.

   Xin Chúa, xin Đức Mẹ thêm đức tin, đức cậy, đức mến Chúa vào lòng chúng ta hơn nữa.”

   Cha Tổ Phụ khởi đầu lời giáo huấn về niềm khao khát thiên đàng bằng cách mời các đan sĩ trở về với lòng mình để xét xem có một niềm khao khát, một nỗi thao thức được sống mãi với Chúa chăng? Như vậy, thiên đàng không phải là một việc đến từ bên ngoài như bất cứ một sự việc gì không có liên quan mật thiết với cuộc sống con người. Trái lại, thiên đàng phải là đối tượng của chính lòng khao khát của con người, ở trong con người, vì đó là đích điểm phải nhắm tới và đạt cho bằng được.

   Sự trở về với lòng mình sẽ giúp chúng ta kiểm chứng được tình cảm của mình, nghĩa là tâm hồn chúng ta đang hướng về điều gì. Cha Tổ Phụ rất thực tế khi nói rằng tình cảm của chúng ta đối với thiên đàng là một dấu chỉ khá rõ ràng Thiên Chúa và những thực tại “trên cao” có vị trí nào trong cõi lòng chúng ta. Điều này minh định rằng “kho tàng ở đâu thì lòng ở đó”. Không những tình cảm – trong trường hợp này là “vui” – mà còn đi xa hơn chính tình cảm, là mong mỏi, là thao thức. Mong mỏi, thao thức là thái độ chờ đợi, nhưng có tính chất “sốt ruột”; như thể đẩy nhanh thời gian, thu hẹp khảng cách không gian, để mau gặp được Chúa. Khi đề cập đến thiên đàng, Cha Tổ Phụ nói ngay đến “việc nhìn thấy Chúa và Đức Mẹ”, và “mong mỏi mau về cùng Chúa”; qua đó, ngài nhấn mạnh đến chính “đối tượng” của lòng khao khát của đan sĩ. Đan sĩ khao khát thiên đàng như một không gian để sống kết hiệp với Thiên Chúa trong tình yêu.

   Việc kiểm tra tình cảm và tâm hồn của mình có gắn bó với Thiên Chúa và những thực tại “trên cao” cho phép chúng ta thẩm định tình trạng “sức khỏe thiêng liêng” của tâm hồn. Tại sao? Vì rằng những tình cảm chúng ta có – hoặc không có, nghĩa là trơ trơ, trái tim chai đá – nói lên sự rung cảm hay không của trái tim trước những thực tại thiêng liêng. Đây không là những tình cảm mau qua, một thứ “lửa rơm”, nhưng là một “môi sinh” giúp linh hồn tiến triển. Nói cách khác, “hướng về những thực tại trên cao”, là một cách đang tìm hạnh phúc đích thực của cuộc đời, là không để những “thực tại trần gian” lôi cuốn và làm mất hướng tiến.

   Cuối cùng, Cha Tổ Phụ dẫn vấn đề đến một chiều kích “thần học”, khi đề cập đến ba nhân đức đối thần : tin cậy mến. Tại sao sự kiện không cảm thấy lòng khao khát thiên đàng lại là triệu chứng của sự thiếu lòng trông cậy? Vì rằng lúc đó linh hồn không còn trông chờ vào điều Thiên Chúa hứa là hạnh phúc mà mà thiên đàng là một biểu thị, khi ấy đối tượng mà linh hồn yêu mến là trần gian và các thực tại dưới đất. Vì thế, khi lòng trông cậy bị hao tổn, thì cũng ảnh hưởng tới đức tin và đức mến.

   Phân tích một cách khái quát lời giáo huấn của Cha Tổ Phụ “về sự khao khát thiên đàng”  cho phép chúng ta khám phá ra những khiá cạnh của vấn đề và tầm ảnh hưởng trong đời sống thiêng liêng. Nhưng phải chăng Cha Tổ Phụ, khi đề cập đến thiên đàng, là ngài nói lên những cảm xúc riêng tư, một kinh nghiệm cá nhân; mà nếu là cá nhân có thể trở thành một lộ trình thiêng liêng cho người khác?

   Để tìm hiểu vấn đề một cách sâu rộng hơn, thiết tưởng chúng ta cần xét xem lòng khao khát thiên đàng có một vị trí nào trong linh đạo đan tu? Và đâu là tầm ảnh hưởng cuả nó trong đời sống đan sĩ?

 

      2. Một nền văn hóa ngưỡng vọng trời cao

   Nền văn hóa đan tu thời trung co[2] có hai nguồn. Những nguồn thuộc loại thứ nhất có tính chất văn chương : những bản văn như kết quả của nghiên cứu hay suy niệm. Những nguồn thuộc loại khác khởi từ kinh nghiệm thiêng liêng. Đây là những nguồn quan trọng nhất cho phép các nguồn khác nối kết hài hòa. Như vậy, nội dung của văn hoá đan tu xuất hiện như được biểu thị và tổng hợp bằng hai từ : văn chương và cánh chung. Nhưng phải luôn luôn vượt qua văn chương để hướng về đời sống vĩnh cửu.

   Một trong những chủ đề đầu tiên và quan trọng nhất và các đan sĩ suy tư, đó là lòng sùng mộ trời cao. Một thứ ngôn ngữ mới mà các đan sĩ sáng chế ra và rất thích sử dụng để quảng diễn lòng khao khát trời cao, một thứ văn hóa của những tâm hồn chiêm niệm được hình thành và đó là đặc điểm của đời sống đan tu. Đời sống chiêm niệm là một đời sống trong đó người ta chỉ khao khát những thực tại trên cao. Đó là điểm nhắm của những đan sĩ cũng như các ẩn sĩ[3]. Như vậy, nói đến khát vọng trời cao là gợi lên bầu khí thiêng liêng trong đó nền văn hóa đan tu triển nở. Khi suy nghĩ về trời cao, các đan sĩ cũng được nuôi dưỡng trong niềm ước mong là một ngày kia sẽ đạt tới, và như vậy, họ cầu xin ơn để điều đó được thực hiện. Nói cách khác, là ước mong có một kinh nghiệm khôn tả.

   Khi đề cập đến hạnh phúc trên trời, các đan sĩ thường nêu ra một số chủ đề để diễn tả, trong mức độ có thể, niềm hạnh phúc của cõi vĩnh hằng.

 

   a. Trước hết là chủ đề Thành Đô Giêrusalem

   Thánh Benađô định nghĩa đan sĩ là một cư dân Giêrusalem : monachus et Ierosolymita. Đan viện tham dự vào phẩm tước của Sion : đan viện thông truyền cho mọi người sống trong đó những thiện hảo thiêng liêng dành riêng cho những nơi thánh đã được cuộc sống, sự Khổ nạn và Thăng thiên của Chúa thánh hóa, và họ sẽ thấy ngày Ngài trở lại trong vinh quang.

   Ngọn núi, khi Chúa trở lại, là biểu tượng của mầu nhiệm đan tu. Đan sĩ như được cư ngụ mãi mãi trong nơi được chúc phúc này. Đó là nơi – tức là đan viện – có thể nối kết với Thành Đô chân thật. Thánh Bênađô nói thêm : “Giêrusalem chỉ những người, ở đời này, đang theo đuổi cuộc sống tu trì : tùy theo sức lực và với điều kiện là sống một cuộc đời trung thực, họ bắt chước những phong tục của thành Giêrusalem trên trời.[4]

   Và đây thánh nhân nói về một trong những tập sinh của mình :

   “Anh đã trở nên không phải một du khách chiêm ngưỡng thành đô như một người tò mò, nhưng là một trong những cư dân tận tình, một công dân dấn thân : không phải của thành Giêrusalem dưới đất có mối tương giao với núi Sion trong miền đất Ả-rập, nơi đã sống kiếp nô lệ với tất cả con cái mình; nhưng là của thành Giêrusalem trên trời, tự do và là mẹ chúng ta. và nếu anh em muốn biết, đó chính là đan viện Thung Lũng Anh sáng (Claravalle). Nơi đó tìm thấy một Giêrusalem trong mối tương giao với Giêrusalen trên trời, bằng con tim tràn đầy sùng mộ, bằng lời mời gọi đến với sự sống, và bằng một tình thân thiêng liêng thật sự. Từ nay nơi đó là nghỉ ngơi muôn đời của Chúa, như lời Ngài đã hứa; Ngài đã muốn cư ngụ nơi đó, bởi vì người ta thấy nơi ấy, không phải bằng thị kiến, nhưng là qua nỗi mong chờ trong niềm xác tín bình an chân thật, như đã được nói đến : “Bình an của Thiên Chúa vượt mọi tình cảm[5].

   Như vậy, đan viện là một Giêrusalem đi trước : một nơi của nỗi thao thức và của lòng khao khát, của sự chuẩn bị cho thánh đô thiên quốc nơi người ta dõi mắt ngước trông trong niềm vui dạt dào.

   Chính vì thế, một trong những chủ đề được thần bí đan tu ưa chuộng trong thời trung cổ là sự chiêm ngắm vinh quang mà Thiên Chúa đang vui hưởng và Ngài chia sẻ cho những người Ngài tuyển chọn trong một cuộc sống thật hạnh phúc. Thành đô Giêrusalem trên trời là mục đích đan sĩ phải luôn vươn tới vậy.

 

      b. Chủ đề thứ hai liên kết với chủ đề Giêrusalem là chủ đề lều tạm ; nơi hiện diện của Thiên Chúa và của cuộc sống vĩnh cửu trong thánh điện của Ngài.

   Đan sĩ phải vươn lên tới đó với tất cả nỗ lực, và thực hiện một sự thăng thiên. Và việc thăng thiên này kéo theo một loạt những chủ đề khác.

   Trước hết, đó là sự thăng thiên tuyệt vời của Chúa Kitô: đó là một trong những chủ đề về mầu nhiệm Chúa Kitô mà thánh Bênađô đã để lại nhiều bài giảng, nhiều hơn cả về cuộc Thương khó của Người[6].

   Đan sĩ lìa bỏ trần gian. Anh sống trong cô tịch, thường là nơi núi đồi, để thực hiện tốt hơn chương trình mà Giáo Hội dạy trong ngày lễ Thăng Thiên : “cư ngụ trong cõi trời” – in caelestibus habitemus”.

   Và đây đan sĩ được ưu đãi tiếp tục nhìn ngắm. Họ biết rằng mình sẽ không còn nhìn thấy Chúa : họ sống trong đức tin. Nhưng dầu vậy, họ còn ở lại đó. Thập giá của họ sẽ là yêu mà không thấy, nhưng dù sao vẫn cứ nhìn, vẫn cứ dán mắt vào chính Thiên Chúa, Đấng vô hình nhưng hiện diện. Chứng từ của họ đối diện với trần gian sẽ là qua chính đời sống mình, chỉ cho thấy hướng phải nhìn lên. Bằng cầu nguyện và thao thức, sẽ là làm cho Nước Thiên Chúa mau hoàn thành.

      c. Một chủ đề khác là mối tương giao giữa đời sống đan sĩ và đời sống các thiên thần (vita angelica).

   Điều đó có nghĩa gì? Phải chăng là ly thoát khỏi thế giới hữu hình, là xuất thế, là làm “thiên thần”? Hoàn toàn không phải vậy. Nhưng việc các thiên thần tôn thờ Thiên Chúa trên trời cao giúp chúng ta hiểu được việc cầu nguyện trong đời sống đan sĩ. Khi nói đến đời sống thiên thần, người ta ít nghĩ đến bản thể của các thiên thần cho bằng chức năng ca ngợi mà các vị chu toàn. “Chính ở trên trời mà con người sẽ giống như các thiên thần.”

   Nhưng vì chúng ta đã ở ngưỡng cửa của Nước Thiên Chúa và đã tham dự vào ơn đầu mùa của đời sống vĩnh cửu, cho nên không phải là chuyện bình thường khi cuộc sống hiện tại, trong đức tin, được nhìn trong mối tương giao với đời sống thiên thần hay sao?

   Biểu tượng của việc cất cánh bay lên cao, được tìm thấy tràn ngập trong các bản văn. Các tác giả sử dụng câu trong thánh vịnh 54 như khởi điểm : “Ai sẽ cho tôi đôi cánh bồ câu, để tôi bay, và an nghỉ.” Từ ông Origène đến thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu, các nhà thần bí thích diễn tả qua hình ảnh này lòng khát khao Thiên Chúa của họ. Họ nhấn mạnh đến khía cạnh tích cực : đà tiến về phía Thiên Chúa, hướng chiều về cùng tận của con người là chiếm hữu được Thiên Chúa một cách viên mãn và vĩnh cửu.

   Lòng khao khát trời cao còn được diễn tả trong nhiều bản văn qua hình ảnh những dòng châu lệ. Những giọt lệ của lòng khát khao, phát xuất từ tâm tình thống hối, là những ơn huệ của Thiên Chúa : những dòng châu lệ của tình yêu. Vì thế, người ta phải cầu xin, và tìm ra ý nghĩa của chúng. Những “giọt lệ của lòng bác ái”, những “giọt lệ êm ái”, được sản sinh từ lòng nhân hậu của Thiên Chúa, từ lòng kháo khát được vui hưởng Thiên Chuá một cách vĩnh cửu, thường được song hành với những tiếng thở dài, không phải là những dấu chỉ của sự buồn tủi, nhưng như là của niềm thao thức.

   Để diễn cái vinh quang thiên đàng, các tác giả thời trung cổ đã sử dụng một chuỗi những hình ảnh thật thơ mộng nhưng cũng gắn kết với đời thường mà bất cứ ai cũng hiểu : hoa tươi, trái ngọt, mùa xuân muôn thuở, đồng cỏ đầy ánh sáng mặt trời, vinh quang của các thánh và vẻ huy hoàng của Chiên Con, hoà hợp giữa thể xác và tinh thần, sức khoẻ, tuổi xuân trường cửu, v.v.; nghĩa là không còn thiếu thứ gì mà một kitô hữu có thể ao ước nhận được từ Thiên Chúa khi bước vào vinh quang của Người. Nhưng hạnh phúc này không trong trạng thái tĩnh, được ấn định một lần cho tất cả trong giới hạn mà không có thể vượt qua : hạnh phúc tăng triển theo mức độ nó nhận được sự thoả mãn, mà nó được thoả mãn trong mức độ nó tăng triển. Như thế, lòng khao khát và sự chiếm hữu làm tăng triển lẫn nhau, vì Thiên Chúa không bao giờ cạn kiệt. Thánh Phêrô Đamianô viết : “Vì luôn luôn trống rỗng, luôn luôn no đầy, những người được Thiên Chúa ưu tuyển sở hữu điều mà họ khao khát : sự no đầy không bao giờ trở thành nhàm chán, và cái đói mà lòng khao khát nuôi dưỡng sẽ không bao giờ là là khổ đau. Khao khát, họ không ngừng hưởng nếm; và khi hưởng nếm, họ không ngừng khát khao.[7]

   Những cư dân của Thành Đô Thiên Quốc, là con người và thiên thần : họ không bao giờ lìa xa nhau, niềm hạnh phúc của họ đến từ Thiên Chúa, niềm hạnh phúc thẩm thấu hữu thể họ : thân xác cũng dự phần.

   Từ sự chiêm ngưỡng Thành Đô Thiên Chúa phát sinh lòng khao khát được ở nơi đó, và là một lòng khát khao năng động ; nhưng đồng thời nó là một sự đợi chờ và một thiên hướng, nó chính là niềm hy vọng vậy.

   Từ đó nảy sinh  những đòi hỏi sống khổ chế. Những đòi hỏi này phát sinh từ sự chiêm ngưỡng thần bí : sự thoát ly trần gian chỉ là mặt trái của sự gắn kết với Chúa Kitô; ngay từ bây giờ, nó là điều kiện và chứng từ của tình yêu. Ai muốn bay lên tới Thiên Chúa của mình, phải hướng về Người : giang rộng đôi tay, cầu nguyện, đôi mắt đẫm tuôn dòng châu lệ của niềm hoan lạc.

   Chúng ta biết rằng văn chương đan tu thời trung cổ phần lớn là một thứ văn chương của lòng thống hối, để bảo tồn và phát huy lòng kháo khát Thiên Chúa. Và sự kiện này cho thấy một quan niệm về văn hoá và đời sống đan tu. Đời sống đan tu là một sự tham dự trước vào đời sống trên trời : nó là một khởi đầu thực sự của đời sống vĩnh cửu. Tất cả mọi sự đều được đánh giá trong mối tương giao với sự hoàn tất mọi thực tại : như vậy, hiện tại chỉ là thời gian tạm quyền, là nơi trung chuyển.

   Vì đời sống đan tu là khởi đầu của đời sống vĩnh cửu, nên đan sĩ đã được nếm cảm trước những thực tại trời cao. Sự tiên hưởng này phát sinh trong tâm hồn một niềm vui, sự hoan lạc, một loại ngất ngây, nhưng là ngất ngây trong đức tin và khổ chế, không mốt chút gì là kích động tự nhiên. Vì được tiên hưởng thiên đàng, nên đan sĩ cũng được nghỉ ngơi. Vì được tham dự vào sự nghỉ ngơi trường cửu, nên đời sống đan tu, một đời sống trong “thiên đàng nội vi” (paradis claustral), là một cuộc sống hoan lạc.

   Tóm lại, văn chương đan tu thời trung cổ là một thứ văn chương của lòng khao khát, của niềm thao thức. Thứ văn chương đó đã tạo nên một loại văn hoá “ngưỡng vọng trời cao”. Khao khát trời cao là khao khát Thiên Chúa, và yêu mến Thiên Chúa bằng một thứ tình yêu đôi khi mang đặc tính nôn nóng. Khao khát càng lớn lên, linh hồn lại càng được an nghỉ trong Thiên Chúa; sự chiếm hữu Thiên Chúa gia tăng theo tỷ lệ với lòng khát khao. Nhưng sự thoả mãn hoàn toàn này sẽ phải được điều kiện hoá bởi cái chết, sự tiên hưởng giả thiết phải chết cho trần gian : không thể có sự chiêm niệm mà lại không có cái chết mầu nhiệm, không có sự hãm mình khổ chế. Điều bắt buộc này dành cho mọi kitô hữu : mọi tín hữu đều được mời gọi phải ly thoát trần gian để gắn kết với Thiên Chúa, được biểu thị bằng hình ảnh của trời cao.

   Để kết luận phần này, chúng ta mượn những lời của một tác giả đan tu vô danh vào thế kỷ thứ 12, đã diễn tả rất hay là làm sao sự kết hiệp với Thiên Chúa được thực hiện trong lòng khát khao, và hoàn lẫn với nó :

   “Người nào muốn đáng được đi tới ngưỡng cửa của đời sống vĩnh cửu, thì Thiên Chúa chỉ muốn người đó có một lòng khao khát thánh. Nói cách khác : nếu chúng ta không có những nỗ lực xứng đáng với vĩnh cửu, thì ít ra bằng lòng khao khát những thực tại vĩnh hằng, dù rằng chúng ta còn ở quá thấp và chậm chạp, chúng ta cũng đang chạy đến đó. Người ta chỉ tìm ăn uống trong mức độ người ta đói khát, tìm an nghỉ khi mệt mỏi; cũng vậy, chính qua phẩm chất của một lòng khao khát thánh mà người ta tìm kiếm Thiên Chúa, kết hợp với Người và yêu mến Người.[8]

   Sau khi đã tìm hiểu loại “văn hóa ngưỡng vọng trời cao”, chúng ta trở lại với Cha Tổ Phụ với kinh nghiệm về lòng kháo khát thiên đàng.

 

      3. Thiên đàng dọi chiếu trần gian

   Trong bài viết thứ nhất về Cha Tổ Phụ “Cha Biển Đức Thuận và đời sống đan tu chiêm niệm”, tôi đã đưa ra nhận định cá nhân : “Đọc lại những lời này (giáo huấn), chúng ta có cảm tưởng nhãn quan của ngài về cuộc nhân sinh mang mầu sắc bi quan yếm thế : tất cả đều chóng qua, mau tàn. Nhưng nếu cha Biển Đức Thuận nhìn thấy mọi sự mau qua, là vì ngài nhìn thấy chúng trong mối tương quan với cái trường cửu là Tình Yêu Chúa.[9] Thật vậy, nhãn quan đó càng rõ ràng hơn khi ngài đề cập đến thiên đàng, đến lòng khao khát cõi trời cao.

   Trong các thư gởi cho song thân hay cho bà kế mẫu (khi thân phụ đã qua đời), chúng ta như đọc thấy có một cái gì trăn trở, đúng hơn là một nỗi niềm thao thức trong cha Biển Đức Thuận, khi cuộc sống này có nhiều nỗi buồn và cả vất vả.

   Sau khi kể lại cho song thân về sự kiện nhiều người đến xin ngài giúp đỡ – vì là cha xứ Nước Mặn – để rồi ngài rơi vào cảnh khánh kiệt và nợ nần, ngài như than vãn :

   “Làm các việc ấy chẳng vui đâu, cực chẳng đã con mới phải làm để kiếm tiền giúp kẻ bần hàn kẻo nó chết đói. Ôi cuộc đời con nó buồn dường nào! Bao giờ con mới được về Thiên Đàng cho vui chút.”[10]

   Trong một lá thư gởi cho bà kế mẫu, cha Biển Đức Thuận kể chuyện nhà dòng Phước Sơn với những biến cố vui buồn, và cả những mất mát về vật chất như cọp bắt bê, nước chảy siết cuốn trôi cặp trâu kéo xe qua suối, ngài kết luận :

   “Các chuyện ấy minh chứng đất này không phải là thiên đàng, khỏi 50 năm nữa các sự ấy bảo nhau qua đi hết, không phải nói đến nữa…”[11]

   Không những các biến cố bên ngoài, mà cả những nỗi khổ nội tâm, bệnh tật, v.v. : tất cả những thứ đó đều là cơ hội nhắc nhở rằng trần gian này không phải là thiên đàng, và rằng sẽ đến ngày tất cả đều chấm dứt. Nhưng phải chăng là chúng ta cứ chờ đợi “ngày ấy” đến một cách thụ động, phải cam tâm “chịu vậy” hay sao?

   Cha Biển Đức Thuận dạy chúng ta phải mong chờ một cách tích cực bằng cách hành động ngay “bây giờ và lúc này”.

   Hành động tích cực đang khi chờ đợi ngày “hạnh ngộ” không là gì khác là chính yêu mến đáp lại tình yêu Thiên Chúa, như ngài đã viết cho bà kế mẫu :

   “Mẹ con ta chưa phải ở thiên đàng, nhưng không bao lâu nữa, đang khi trông đợi thi ta hằng ra sức kính mến Chúa hết lòng, vì Người thương yêu ta biết là chừng nào!”[12]

   Trong một lá thư khác, ngài cũng diễn tả cùng một tư tưởng trên :

   “Phần mẹ con ta hãy kính mến Chúa hết lòng, hết sức, thì sẽ được vào thiên đang ngay từ đời này; được vậy, thì khổ cực đến đâu, ta cũng luôn luôn vui mừng tươi tỉnh cả ngày được.[13]

   Cha Biển Đức Thuận coi cuộc sống trần gian này như một chuẩn bị trở về quê thật, cho nên sống trong “thung lũng đầy nước mắt” này là thực hành việc thanh luyện và tích lũy “công phúc”, mà đau khổ, thánh giá là những cơ hội thuận tiện cho công việc này, như ngài đã viết cho bà kế mẫu cũng như khuyên dạy các đan sĩ của mình :

   “[…] vậy, thì con còn sống, nhất là mẹ còn sống lâu nữa, lập công cho nhiều, để chết rồi, từ nhà thương các bà, bay thẳng về thiên cung.”[14]

   “[Vì] khi chúng tachiụ khó vì mến Chúa, thì được thêm công nghiệp, giúp chúng ta tập các nhân đức, nhất là đức nhịn nhục, lại thêm phước thanh nhàn trên thiên đàng.[15]

   Như vậy, đối với cha Biển Đức Thuận, những gì xảy ra trên trần gian này đều có ý nghĩa và lợi ích với điều kiện chúng được nhìn và được sống trong mối tương giao với vĩnh cửu, với cuộc sống đời đời. Nói cách khác, chính thiên đàng dọi chiếu và định hướng cho những thức tại trần gian. Và chính định hướng này làm cho chúng ta sống niềm hy vọng và là những con người khôn ngoan.

   “Một người khôn ngoan thật, chỉ lo về đời sau mà thôi, là biết mình sống ở đời này là lo sửa soạn về nhà thiên đàng đời sau. Tin thật chắc chắn không hồ nghi chi hết, lại ra sức nên thánh mà thôi. Đức khôn ngoan chúng ta phải tập, là biết dùng mọi phương thế mà nên thánh, cả khi lúc buồn bực, lúc đau đớn, hay khi bị xấu hổ… Cho nên, chúng ta phải tập đức khôn ngoan, và đón nhận đức khôn ngoan của Chúa đổ vào lòng.[16]

   “Nếu như có thiên đàng, thì chúng ta là người khôn ngoan thật; bằng không có thiên đàng, thì chúng ta là những kẻ điên cuồng.[17]

 

      4. Đan viện : thiên đàng tại thế

   Nếu yêu mến là cách thế thích đáng nhất để chuẩn bị ngày “hạnh ngộ”, thì chính tình yêu là nơi cư ngụ của Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là Tình Yêu; mà tình yêu luôn dẫn đến sự kết hiệp, luôn sống gần gũi với người mình yêu. Chính vì thế cha Biển Đức Thuận tìm thấy mẫu số chung giữa thiên đàng và trần gian :

   “Sự nguyện gẫm là chính việc chúng ta tập cho được kết hiệp với Chúa, ấy là chính việc nguyện gẫm. Chúng ta hãy tập cho được sự ấy, vì cũng là việc các thánh đang làm trên thiên đàng, là hằng kết hiệp với Chúa luôn, hầu được kính mến Chúa không khi nào nhàm chán.”[18]

   “[Vậy] Chúng ta hãy biết, việc chúng ta là việc quan trọng lắm, vì cùng làm một việc như các thánh trên thiên đàng đang làm bây giờ là kính mến Chúa. Chúng ta ở thế gian này, cũng phải lo việc kính mến Chúa, cho nên không khác chi; chỉ có khác điều này, là các thánh ử trên trời xem thấy Chúa, hiểu biết Chúa rõ ràng hơn chúng ta mà thôi. Vì chúng ta ở đời này cũng kính mến Chúa, cho nên chúng ta cũng làm một việc như các thánh trên thiên đàng.”[19]

   Như vậy, phận vụ trên hết của đan sĩ là yêu mến Thiên Chúa. Và nơi nào có tình yêu Thiên Chúa là có bầu khí thiên đàng, như cha Biển Đức Thuận đã nhận định :

   “Một phương thế để có thể giúp chúng ta nên thầy dòng và để kết hiệp với Chúa là tưởng nhớ Chúa hềng ở kế bên chúng ta luôn ngày đêm.

   Vậy trong mọi việc chúng ta làm hằng ngày, hãy chăm chỉ coi Chúa Giêsu làm thế nào, thì ra sức soi gương.[…]

Nếu cả nhà dòng chúng ta ai nấy cứ chăm lo làm như vậy, chắc là tốt lành biết mấy! Người ta trông vào thì thấy Giêsu, Giêsu thay thảy. Ay sự sống thiêng liêng là đó. Cha xin chúng con thử coi, chắc sẽ sinh ích, và nhà dòng chúng ta sẽ ra khác, vì là thiên đàng ở dưới đất mà chớ.[20]

   Nhưng tình yêu đối với Thiên Chúa phải đi đôi với tình yêu huynh đệ. Vì thiên đàng không chỉ là nơi Thiên Chúa ngự, mà còn là nơi Thiên Chúa ngự giữa dân Người. Nói cách khác thiên đàng là nơi qui tụ những con người yêu thương chung quanh Thiên Chúa Tình Yêu. Đan viện muốn trở thành một nơi nếm cảm trước hạnh phúc của tình yêu thiên đàng, thì các thành viên được mời gọi sống chân thành mối tình huynh đệ. Chính vì thế, cha Biển Đức thuận khuyên dạy các đan sĩ của mình :

   “[Nhưng] muốn biết chúng tôi có kính mến Chúa hay không, hãy xét coi chúng tôi có thương yêu anh em không. Nếu chúng tôi có, ấy là dấu chúng ta có lòng kính mến Chúa. […]

   Cái đạo ăn chay, cái đạo đánh tội, cái đạo chầu Thánh Thể, các đạo ấy dễ mà không chắc chi; còn cái đạo yêu thương anh em, đạo ấy thì chắc là đạo. […]

   Chúa đã phán : “Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát các ngươi đã cho uống… Ấy là những lời Chúa phán cùng chúng ta, để ngày sau ban phần thưởng cho chúng ta. Khi ấy vui mừng biết mấy; rầy chúng ta hãy chịu khó đã.[21]

 

      KẾT LUẬN

   Đọc lại những lời giáo huấn cũng như một vài trích đoạn các thư tín của cha Biển Đức Thuận, chúng ta thấy nơi ngài như có một thiên hướng ngưỡng vọng trời cao, một thao thức khôn nguôi muốn trở về thiên đàng để sống mải bên Chúa. Nỗi chờ mong đó không phải là một thứ trốn chạy thực tế phủ phàng của cuộc đời, những gian lao vất vả của iếp nhân sinh; tuy rằng khi đối diện với những điều không may xảy ra, ngài thêm xác tín “thế gian này không phải là thiên đàng” và ước ao may “bay về cùng Chúa”.

   Khao khát thiên đàng, chính là khao khát Thiên Chúa : chỉ có những ai yêu mến Thiên Chúa thì mới khao khát sống với trong mọi nơi mọi lúc. Và đó là niềm vui đích thực của con người yêu thương dạt dào. Đó cũng là một nỗi “nhớ nhung”, là tỉnh thức, vì “ngủ mê là không tỉnh thức gặp Chúa, không nói khó với Chúa, không kết hiệp với Chúa,… là không mấy khi nhớ đến nước thiên đàng, không nhớ đến đời sau”[22].

   Một tâm hồn dạt dào yêu thương và khao khát khôn nguôi như cha Biển Đức Thuận như một lời mời gọi chúng ta luôn “tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa… hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ không chú tâm vào những gì thuộc hạ giới” (Col 3,1-2), vì chúng ta đã là những con người của Phục Sinh.

   Dù còn sống giữa cảnh thăng trầm của thế sự, dù thập giá vẫn có trong cuộc đời, dù đôi vai vẫn oằn với bao gánh nặng, dù tâm hồn vẫn có những thứ quả của tội lỗi, chúng ta “hãy kiên trì chạy trong cuộc đua dành cho ta, mắt hướng về Đức Giêsu là Đấng khai mở và kiện toàn lòng tin. Chính Người đã khước từ niềm vui dành cho mình mà cam chịu khổ hình thập giá, chẳng nề chi ô nhục, và nay đang ngự bên hữu ngai Thiên Chúa” (Dt 12,1-2). Hay nói như cha Biển Đức Thuận : “Can đảm lên, THIÊN ĐÀNG LÀ CỦA TA[23].

 

 

 


 

 

[1] Di Ngôn Cha Biển Đức Thuận, Sáng Lập Hội Dòng Xitô Thánh Gia Việt Nam (DN), số 148 : “Về sự khao khát thiên Đàng”, tr. 193.

[2] Để triển khai vấn đề này, tôi sử dụng cuốn sách L’amour des letres et le désir de Dieu của Dom Jean Leclercq, chương V “La dévotion au ciel”, từ trang 55 đến 69, nxb Cerf, Paris, 1990.

[3] “Theoretica, ad quam iste liber tendit, est contemplativa, quae solis caelestibus facit inhiare, sicut sancti monachi faciunt et heremitae”, Le commemtaire du Cantique des cantiques attribué à Anselme de Laon,  dans Rech. de théol. anc. et médiév., 1949, pp. 29-39.

[4] Sup. Cant., 55, 2. P.L., 183, 1045.

[5] Epist. 64. P.L. 182,169.

[6] “Le mystère de l’Ascension du Christ dans les sermons de saint Bernard”, trong  Collect. Ord. Cist. Ref. ; 1953, pp. 81-88

[7] Thánh ca về vinh quang thiên đàng, P.L., 145,  980.

[8] “Ad promerendum aeternitatis solium, solum quaerit Deus ab homine sanctum desiderium, id est : si laborare pro aeternis digne non possumus, saltem per desiderium aeternorum iacentes curramus. Equidem juxta famis memsuram cibus queritur, iuxta lassitudinem requies; sic ex qualitate sancti desiderii Christus colitur et quaeritur et Christus amatur”, Speculum virginum, éd. M. BERNARDS, Cologne-Graz, 1955, p. 193, n. 220.

[9] “Cha Biển Đức Thuận và đời sống đan tu chiêm niệm”, trong Hạt Giống Chiêm Niệm, số 1, tr. 70.

[10] DN, số 10 (HT, tr. 55), tr. 31

[11] DN, số 50, tr. 72, (HT, tr. 157), thư đề ngày 22.11.1920.

[12] DN 22, tr. 42, (HT, tr. 76).

[13] DN, số 27, tr. 46, (HT, tr. 87).

[14] DN, số 6, tr. 87, (HT, tr. 175, thư đề ngày 08.03.1922.

[15] DN, số 126, “Về sự yêu mến thánh giá”, tr. 157.

[16] DN, số 147 “Về đức khôn ngoan”, tr. 192.

[17] DN, số 113 “Mọi sự đều vô ích, trừ ra sự kính mến Chúa”, tr. 137.

[18] DN, số 119 “Ích lợi của sự nguyện gẫm”, tr. 144-145.

[19] DN, số 142 “Các nhà trường, nhà dòng khác nhau thế nào?”, tr. 182.

[20] DN, số 136 “Một phương thế để giúp chúng ta nên thầy dòng… và để kết hiệp với Chúa”, tr. 174.

[21] DN, số 112 “Về đức mến”, tr. 135-136.

[22] DN, số 131 “Xiềng xích là nết xấu, ngủ mê là quên bỏ Chúa”, tr. 164-165.

[23] DN, số 23, tr. 42, (HT, tr. 77).

 

 

 

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Kết thúc tiến trình phong chân phước cấp giáo phận cho “Cố Thuận” – vị sáng lập Dòng Xitô ở Việt Nam

Kết thúc tiến trình phong chân phước cấp giáo phận cho "Cố Thuận" - vị sáng lập Dòng Xitô ở Việt Nam Trưa ngày 10/5/2024,...

Trực tiếp Nghi thức bế mạc án phong chân phước cho Cha Henri Denis Benoit Thuận

  https://www.youtube.com/live/pjjg-00hrZQ?app=desktop   Vào thứ Sáu ngày 10 tháng 5 lúc 12 giờ trưa, giờ Rôma, (tức là 17 giờ Việt Nam). tại Tòa Đại Diện, phiên...

Lời Giáo Huấn của Cha Henri Denis Biển Đức Thuận

  Lời Giáo Huấn của Cha Henri Denis Biển Đức Thuận (1980 - 1933)                     Đấng Sáng Lập Hội Dòng Xitô Thánh Gia Ngày 15 - 08 - 1918 "Việc...

Kinh xin ơn nhờ lời chuyển cầu của cha Henri Denis Biển Đức Thuận

    Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, vì lòng thương vô cùng Chúa đã sai Con Một Chúa xuống thế làm người, sống cuộc...

Hạnh Tích Cha Benoit (R. P. Henri Denis Cố Thuận)

        HẠNH TÍCH CHA BENOIT (R.P. HENRI DENIS CỐ THUẬN)             Nihil obstat: F.M. Bernard Mendiboure Tu viện trưởng Thánh mẫu Phước Sơn Vĩnh Linh, Quảng Trị Die 21 martii 1943 Imprimatur Franciscus Maria...

Gương đức hạnh của Cha Henri Denis Biển Đức Thuận – Tổ Phụ Hội Dòng Xitô Thánh Gia

Gương Đức Hạnh Của Cha Henri Denis Biển Đức Thuận - Tổ Phụ Hội Dòng Xitô Thánh Gia Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Ngày 18/11/2018, Tòa...

Phần I. Vài nét về cha tổ phụ Henri Denis Benoit

Thoát thai từ cái nôi Phước Sơn Quảng...

Phần II – Cha Tổ Phụ và HDXTTGVN

PHẦN II. CHA TỔ PHỤ VÀ HỘI DÒNG XITÔ...

Phần III, Từ ngày cha Tổ Phụ tạ thế đến nay. (Alberto Vũ Bá Đạt)

Hội Dòng Xitô Thánh Gia sau ngày cha...

TIỂU SỬ CHA BIỂN ĐỨC THUẬN

  TIỂU SỬ CHA BIỂN ĐỨC THUẬN, ĐẤNG SÁNG LẬP PHƯỚC...