Thứ Bảy, 27 Tháng Bảy, 2024

Khoá thường huấn của các Bề Trên dòng Xi-tô – Roma 4.6.2016 Fr. Mauro-Giuseppe Lepori, Tổng Phụ Xi-tô : Lòng thương xót của Thiên Chúa

Lòng thương xót của Thiên Chúa
 
Một suy niệm vô tận
 
Đề tài của khoá bồi dưỡng cho các Bề Trên trong năm thánh này là lòng thương xót của Thiên Chúa, được đọc dưới ánh sáng của khí cụ việc việc lành cuối cùng trong chương 4 tu luật thánh Biển Đức: “không bao giờ thất vọng về lòng thương xót của Thiên Chúa” (Tl 4,74).
 
Lòng thương xót Chúa là một đề tài vô tận, vì lòng thương xót Chúa thì vô biên và vĩnh cửu. Chúng ta sẽ đi vào vĩnh cửu để chiêm ngắm lòng thương xót Chúa và tạ ơn Chúa vì tình thương ấy; vì chỉ nhờ vào lòng Thương Xót Chúa mà chúng ta được dựng nên, và chỉ vì lòng thương xót, Người đã dựng nên ta cho vĩnh cửu, để ở với Người, trong Người luôn mãi. Thiên Chúa là tình yêu, là bác ái. Nhưng đối với chúng ta là những thụ tạo cá thể, kinh nghiệm về tình thương Chúa, nghĩa là tình yêu tự bản thể của Người, lại là một kinh nghiệm về lòng thương xót, nghĩa là kinh nghiệm về tình Chúa thương những người khốn cùng, yêu những kẻ tội lỗi, thương những người bất xứng đối với tình yêu của Người, và yêu thương kẻ không yêu Người. Ngay cả trên thiên đàng, chúng ta cũng không thể chiêm ngưỡng và tôn vinh tình yêu Thiên Chúa nơi điều gì khác ngoài lòng thương xót. Lòng thương xót là tình yêu của Thiên Chúa được chiêm ngưỡng dưới con mắt của chúng ta, với trái tim chúng ta, nghĩa là có thể nói rằng, từ góc nhìn của chúng ta. Khi trên thiên đàng, chúng ta sẽ là chính mình; chúng ta sẽ ở trong Thiên Chúa tuy khác với Ngài, ta ở trong tương quan cá vị với Ngài. Như sách Gióp đã nói: “và sau khi người ta hủy diệt lớp da này của tôi, thì chính trong thịt tôi, tôi sẽ nhìn ngắm Thiên Chúa. Chính tôi sẽ nhìn ngắm Người, phải, chính tôi! mắt tôi sẽ thấy Người, chính Người, và Người sẽ không còn xa lạ. Lòng dạ tôi mòn mỏi trong tôi” (G 19,26-27).
 
Vì thế, tôi cho rằng trong những ngày này chúng ta phải bắt đầu làm việc trên nền tảng chiêm niệm, chiêm ngắm Thiên Chúa, chiêm ngưỡng lòng thương xót của Ngài. Chúng ta không phải chỉ cố công tìm hiểu lòng thương xót của Thiên Chúa là gì, lý luận về đề tài này, nhưng chúng ta hãy nhìn ngắm lòng thương xót, chiêm ngưỡng lòng thương xót, và như thế ta sẽ hiểu về lòng thương xót, hoặc hơn thế, chúng ta để lòng thương xót Chúa mạc khải và biểu hiện nơi chúng ta, và chúng ta sẽ thấy lòng thương xót Chúa là ánh sáng làm “sáng ngời đôi mắt” (x. Tv 19,9), giúp chúng ta nhìn thấy cách tinh tường hơn, hiểu biết thấu đáo hơn về thực tại chúng ta sống và thực tại chúng ta phải hằng khao khát và cầu xin.
 
Lòng thương xót Chúa là ánh sáng chiếu toả mọi sự, tất cả thực tại, hoàn toàn trên tất cả vạn vật, nơi sự thiện và cả nơi sự dữ. Chẳng hạn như chúng ta không hiểu được làm sao có thể dung hoà giữa đau khổ của những người vô tội với hình ảnh một Thiên chúa là tình yêu; nhưng lòng thương xót toả ánh sáng chiếu soi bóng đêm, chiếu soi tăm tối. Lòng thương xót Chúa chiếu soi thực tại cho đến khi nó bừng sáng. Chúng ta thường tìm kiếm ánh sáng trong suy niệm, trong Lời Chúa và trong cầu nguyện. Nhưng chúng ta làm những điều ấy như thể sạc pin. Một khi đã sạc đầy, ta rút khỏi ổ cắm và đèn pin tự nó toả sáng. Chúng ta tự cho rằng ánh sáng chúng ta đón nhận từ Thiên Chúa trở thành ánh sáng của ta, trở thành khả năng soi chiếu thực tại của riêng ta. Và như thế, ta lại sa vào bóng đêm, rồi ta cứ phàn nàn rằng Thiên Chúa không ban đủ ánh sáng cho ta.
 
Trái lại, Thiên Chúa là ánh sáng của một sự hiện diện. Lời của Ngài là ánh sáng năng động đang nói với ta khi ta lắng nghe Ngài lúc này. Và lòng thương xót của Ngài là ánh sáng tình yêu Ngài đang soi chiếu thực tại lúc này, và chúng ta phải nhìn ngắm ánh sáng Chúa toả chiếu trên thực tại ta sống như thế nào. Ánh sáng Chúa chan hoà trên thực tại là cái nhìn yêu thương và trân quý mọi thụ tạo và ngay cả những thụ tạo khốn cùng nhất.
 
Do đó, vấn đề không hệ tại ở việc sở hữu ánh sáng nhưng là nhìn ngắm Thiên Chúa và luôn hướng mắt nhìn Ngài, chiêm ngắm lòng thương xót vĩnh cửa của Ngài trong lúc này và trong mọi khoảnh khắc cuộc sống. trong Đức Ki-tô, Thiên Chúa đã trở nên hữu hình (x. Ga 1,18), để chúng ta có thể nhìn thấy Ngài, và khi ta nhìn ngắm Đức Ki-tô, chúng ta có được ánh sáng thương xót để hiểu rằng lòng thương xót Chúa là thực tại, và nhờ thế mà có những mối tương quan đúng đắn với mọi sự và mọi người như Chúa muốn.
 
Chiêm ngắm để thể hiện
 
Phương thế mặc khải của Đức Ki-tô về lòng thương xót của Thiên Chúa không bao giờ là một bài giảng thuần lý, nhưng là sự truyền đạt với một hình ảnh, một cảnh tượng để nhìn ngắm. Tin Mừng, nhất là phần được định nghĩa như là “bài giảng trên núi” trong Tin Mừng Mat-thêu, thực tế luôn mang tính chất dụ ngôn, vì luôn là một cách truyền đạt với những hình ảnh để nhìn chứ không rút gọn vào một loại hình lý thuyết, thần học, luân lý, luật lệ. Để giải thích về sự quan phòng của Cha, Đức Giê-su nói: “an hem hãy nhìn xem chim trời… Hãy xem những bông huệ ngoài đồng…” (Mt 6, 26.28).
 
Và từ cách nhìn xem đường lối hành động và hiện hữu của Thiên Chúa, Đức Giê-su dạy chúng ta hiểu chúng ta có thể và phải sống như thế nào, bằng cách nào để đời sống chúng ta có thể chuyển tải hình ảnh Thiên Chúa, khả thể nhìn thấy Thiên Chúa và như thế một khả thể rập theo hình ảnh củaThiên Chúa bằng hành động. con người được sáng tạo theo hình ảnh và giống Thiên Chúa, và sự thánh thiện của nó bao gồm trong việc phản ảnh nơi mình điều Thiên Chúa là, trong việc chuyển tải cho người khác hình ảnh Thiên Chúa mà mọi người phải noi theo để trở hoàn thiện. Và sự hoà thiện là lòng thương xót: “anh em hãy nên hoàn thiện như cha an hem trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48). “Anh e mem hãy có lòng thương xót như cha an hem trên trời là Đấng xót thương” (Lc 6,36).
 
Như tôi đã nói, Đức Giê-su diễn tả với những hình ảnh. Ngài đã nhập thể làm người, chính Ngài là Lời, Ngôi Lời, trở thành Hình Ảnh, thành bức Icon. Điều này có thể được thấy trong nghệ thuật sân khấu khi một bản văn, lời thuật trở thành hình ảnh, được diễn tả bằng cảnh tượng. Nghệ thuật này không đánh mất lời thuật nhưng lời thuật được chuyển tải qua những hình ảnh và khung cảnh. Như vậy, quả là thú vị khi chúng ta đọc chương 15 trong tin mừng Luca, chương thuật lại ba dụ ngôn về lòng thương xót: con chiên lạc, đồng bạc bị đánh mất, người con hoang đàng. Nhưng chỉ cần đọc cẩn thận phần đầu ba dụ ngôn này, ta biết được bối cảnh và lý do tại sao Chúa Giê-su trình bày ba du ngôn: “ khi ấy, những người thu thuế và những kẻ tội lỗi đến gần người để nghe người giảng. Những người Phariseu và những kinh sư liền lẩm bẩm rằng: “ông này đón tiếp những người tội lỗi và ngồi ăn uống với chúng”. Và Đức Giê-su đã kể cho họ dụ ngôn này: “Ai trong các ông có 100 con chiên, nếu đánh mất một con…” (Lc 15,1-4).
 
Chúng ta để ý rằng tất cả đều là những hình ảnh, những khung cảnh thực tế: Đức Giê-su đến gần những người tội lỗi và ngồi ăn uống với họ. không cần thuật lại những lời Chúa Giê-su nói với họ, hình ảnh người giảng dạy và những kẻ tội lỗi đền gần để nghe cách chăm chủ có thể nói lên tất cả. Và những người Phariseu giúp ta mô tả khung cảnh: “ông ấy đón tiếp những người tội lỗi và ngồi ăn uống với họ”. điều này có nghĩa là tất cả đều nhìn thấy Ngôi Lời Thiên Chúa trong tương quan với những người thu thuế và tội lỗi, trong việc mạc khải chính mình, vì Ngôi lời nói và được lắng nghe trong tương quan hiệp thông, tình bạn, sự tiếp đón để cùng chung bữa ăn, chung bàn và chung nhà với họ.
 
Tất những điều này đều là hình ảnh, một bức Icon, một khung cảnh để nhìn, để nghe. “quả vậy, sự sống đã được tỏ bày, chúng tôi đã thấy và làm chứng, chúng tôi loan báo cho anh em sự sống đời đời: sự sống ấy vẫn hướng về Chúa Cha và nay đã được bày tỏ cho chúng tôi” (1 Gv 1,2).
 
Những người Phariseu và kinh sư chống lại hình ảnh này vì họ thấy nó rất tệ và không xây dựng. Họ là những nhà phê bình tác phẩm nghệ thuật, phim ảnh, và đưa ra những phán đoán tiêu cực và cùng với những phán đoán này họ muốn phi bác vẻ đẹp và chân lý của hình ảnh, của khung cảnh và như vậy họ muốn phá huỷ sứ điệp được chuyển tải từ hình ảnh, khung cảnh ấy. Tất cả những tác phẩm của Vivaldi đều bị lãng quên gần hai thế kỷ, nghĩa là những tác phẩm này không được chuyển tải, không được truyền bá theo lối diễn tả hình tượng hoặc âm thanh, cho đến khi chúng được khám phá trong văn khố. Một tác phẩm nghệ thuật không được truyền bá không thể sống được. Nó chỉ có thể phục sinh khi người ta truyền bá nó để nó trở thành sống động.
 
Những người kinh sư và những Phariseu trong thời Đức Giê-su và trong mọi thời đã làm đứt đoạn việc chuyển tải hình ảnh sống động của Đức Ki-tô, hoặc cách đơn giản họ quấy nhiễu, làm mở đục, biến dạng nhưng những thể chế cực quyền vẫn làm với những hình ảnh trên truyền hình của những quốc gia tự do. Chuyển tải muốn nói đến truyền thống. Truyền thống là hình ảnh về Đức Ki-tô được chuyển tải cách sống động, và giáo hội có nhiệm vụ là thiết yếu là luôn chuyển tải, và chuyển tải ngày càng sống động về Đức Ki-tô, Đấng mạc khải về Cha. Do đó, giáo hội chỉ trung tín khi trung thành với Tin Mừng, nghĩa là với hình ảnh nguyên thuỷ về Đức Ki-tô phải được luôn thể hiện như lời rao giảng đầu tiên.
 
Tôi nhấn mạnh đều này vì khi chúng ta bàn bạc về việc chúng ta và cộng đoàn chúng ta sống lòng thương xót như thế nào, đây là điều quan trọng vì chúng ta phải ý thức điều thiết yếu là việc chuyển tải hình ảnh sống động về Đức Ki-tô, một Đức Ki-tô đã từng xuất hiện trong Tin Mừng và trong lời rao giảng của Giáo hội. Tin mừng không được lưu giữ trong văn khố qua hàng thế kỷ nhưng phải luôn được chuyển tải một cách sống động; và đây chính là trách nhiệm của chúng ta, những người chịu phép Thanh Tẩy, những tu sĩ, những Bề Trên. Những giai đoạn khủng hoảng nhất trong giáo hội chính là những giai đoạn mà Tin Mừng bị “văn khố hoá”.
 
Cho nên, ở đây Đức Giê-su được chiêm ngưỡng trong việc ngài đón tiếp những người tội lỗi và cùng ăn uống với họ. Quả là một bức icon tuyệt vời về lòng thương xót của Thiên Chúa mà những người Phariseu và biệt phái không nhận thấy. Đối với họ, Thiên Chúa, nếu quả là Thiên Chúa, thì Người không được ở với những kẻ tội lỗi. Đối với họ, Thiên Chúa chỉ ở với những người thanh khiết, những người hoàn thiện và những người giữ luật nghiêm chỉnh.
 
Đức Giê-su đã trả lời cho thái độ từ chồi nhìn ngắ, lòng thương xót của Thiên Chúa nơi chính Người thế nào? Ngài tiếp tục thể hiện, diễn tả rõ hơn, nâng cao việc chuyển tải với những hình ảnh, “đưa ra ánh sáng”, đúng hơn là “đưa vào lửa” những diễn tả về chính mình qua lời ngài nói và con người của ngài. Không phải để biện minh nhưng là để diễn tả rõ hơn. Do đó, ngài không làm những bài diễn văn nhưng lại kể những câu chuyện, những khung cảnh để nhìn ngắm và để tưởng tượng.
 
Vì vậy, khi chúng ta, các Bề Trên của các cộng đoàn, chúng ta thảo luận về lòng thương xót Chúa, không ta không cần phải quá quan tâm đến việc hiểu biết, nhưng là quan tâm đến việc nhìn ngắm điều đức Giê-su diễn tả cho chúng ta để chuyển tải cho chúng ta hình ảnh về Cha, hình ảnh của Chúa Cha khi ta thấy Ngài đón tiếp những người thu thuế và tội lỗi.
 
Vì chúng ta là những người đã được gọi để trờ thành những mục tử, chúng ta hãy tập trung vào dụ ngôn thứ nhất trong ba dụ ngôn về lòng thương xót: dụ ngôn con chiên lạc trong Lc 15, 4-7.
 
Những mẫu gương sống động chứ không phải những nhà lập luật
 
Để phát khởi nơi chúng ta sự chú ý đúng đắn về những gì chúng ta phải suy niệm, tôi xin kể cho anh chị em một châm ngôn của viện phụ Poemen, mà theo tôi, rất thức thời cho chúng ta hôm nay, trong mọi nền văn hoá mà chúng ta được gọi để là những mục tử:
 
“Một người anh em đến hỏi viện phụ Poemen: “cha có muốn con ra luật cho những người anh em sống với con không?”. Không, – vị trưởng lão trả lời -, trước tiên, con hãy thi hành công việc của mình; và nếu họ muốn sống, chính họ tự suy nghĩ”. Người anh anh em hỏi vị trưởng lão: “nhưng, thưa cha, chính họ lại muốn con ra luật cho họ”. vị trưởng lão nói: “Không! Con hãy trở nên mẫu gương sống động, đừng là nhà lập luật” (Serie alfabetica, Poemen 174 [Guy 188]).
 
Châm ngôn này quả là quan trọng vì nó giúp ta sống như thế nào trong những ngày này. Khi tôi được biết một trong những thuyết rình viên được mời không thể đến, tôi cảm thấy có chút nản lòng vì tôi tự nói với mình rằng chương trình thường huấn sẽ nghèo đi một chút và sẽ làm tổn thương đến sự kỳ vọng của anh chị em về khoá học. Nhưng rồi, tôi nhận thấy rằng, đây lại là cơ hội để chính chúng ta làm việc nhiều hơn để tìm nơi chúng ta và trong chúng ta sự giúp đỡ lẫn nhau như chúng ta phải àm như thế nếu chúng ta muốn cho Dòng của chúng ta trở thành một gia đình của các anh, chị em chúng ta. Chúng ta không cân đến những bài học để trở thành những nhà lập luật giỏi, để đưa ra những điều luật hay, những mệnh lệnh tốt cho các cộng đoàn của chúng ta; hoặc học biết phương pháp để quản trị tốt hơn, hoặc có những chương trình tốt nhất để chăn dắt đoàn chiên của mình. Ở đây, chúng ta nhìn ngắm Đức Ki-tô, Đấng mạc khải cho chúng ta lòng thương xót của Thiên Chúa trong chân dung của người Mục tử nhân lành vì chiêm ngắm Người, lấy đó như là mẫu gương sống cho mình, chúng ta mới có thể sống đời tự hiến như Ngài, trong Ngài và rồi chúng ta trở thành những mẫu gương sống động cho anh chị em mình, trở thành những hình ảnh tình yêu Đức Ki-tô cho họ trở thành những người chuyển tải hình ảnh sống động về Đức Ki-tô cho người khác. Đối với Đức Ki-tô, cũng như đối với thánh Biển Đức, tất cả phải được đặt nơi trọng tâm là lòng thương xót, nơi việc thông truyền lòng thương xót của Cha, trong việc đón nhận và thông truyền cho họ lòng thương xót của Thiên Chúa mà Đức Ki-tô diễ tả cho chúng ta, thông truyền cho chúng ta. Vả lại, điều quan trọng nhất đốivới chúng ta là giúp nhau đào sâu và sống dưới ánh sáng lòng thương xót, và hiểu rõ đâu là ý nghĩa của lời thánh Biển Đức nói về viện phụ: “Christi enim agere vices in monasterio creditur – thật vậy, ngài hãy tin rằng trong đan viện ngài là người đại diện Đức Ki-tô” (Tl 2,2). Đối với chúng ta, điều này có nghĩa là gì? Chúng ta phải tin (creditur: người hãy tin) điều này thế nào và phải sống điều này ra sao trong cộng đoàn của mình?
 
Truyền đạt một lệnh truyền thật là dễ. Người ta có thể làm như thế ngay khi luật đó bị lãng quên trong văn khố đế hai thế kỷ. Nhưng thông truyền sự sống không phải là một truyền thống cất giữ trong văn khố, nhưng là thông truyền sự sống cho những vùng đất sống, cho truyền thống của một cộng đoàn, cho cuộc sống chung nơi làm phát sinh sự sống như một gia đình phải là nơi làm trổ sinh sự sống. Và trong việc thông truyền này, vai trò của các Bề Trên chúng ta là vai trò nền tảng vì chúng ta những mục tử, chúng ta được gọi để nên những mục tử.
 
Điều căn bản là chúng ta hãy giúp đỡ lẫn nhau, các cộng đoàn giúp nhau. Khi chúng ta quên một khoản luật, chúng ta chỉ cần mở sách là chúng ta có thể nhớ lại. Ngược lại, khi chúng ta đánh mất việc truyền tải sự sống, khi chúng ta quên chuyển tải hình ảnh sống động về Đức Ki-tô, chúng ta phải tìm kiếm và tìm gặp sự sống ấy nơi việc truyền tải sự sống, truyền thống Tin Mừng được sống cách mãnh liệt. Người ta tìm cách giữ ngọn lửa đêm Vọng Phục sinh suốt cả năm bằng cách thắp ngọn lửa ấy nơi ngọn đèn trong đền thờ. Khi ngọn đèn trong đền thở lịm tắt mà không truyền ánh sáng ấy cho ngọn đèn khác thì người tìm đến đền thờ khác , nơi ngọn lửa phục sinh được lưu giữ. Chúng ta cũng giúp nhau như thế để tiếp tục cùng nhau truyền tải đặc sủng chúng ta, với sự khiêm nhường chúng ta hãy nhờ đến nhau vì chúng ta nhận thấy rằng có những cộng đoàn, và những anh chị em vẫn còn giữ ngọn lửa ấy bùng cháy, và chúng ta có thể thông truyền cho nhau ngọn lửa ấy để tất cả dòng chúng ta trung thành với sự sống của Đức Ki-tô, với hình ảnh phúc âm về Đức Giê-su như thánh phụ Biển Đức và các thánh dòng Xi-tô truyền lại cho chúng ta.
 
Việc thường huấn tốt nhất dành cho các Bề Trên, cũng như cho những người huấn luyện, là việc thường huấn phải phải giúp chúng ta sống kinh nghiệm này. Và một kinh nghiệm chính thật và sâu sắc, thì kinh nghiệm ấy sẽ chuyển tải cho người khác bằng chính chứng tá đời sống cụ thể của chúng ta. Như viện phụ Poemen đã nói cho người anh em vừa mới được chọn làm Bề Trên: “trước tiên, anh hãy làm công việc của anh; và rồi nếu họ muốn sống, chính họ sẽ nghĩ tới”. Nghĩa là: nếu anh sống một kinh nghiệm về một đời đan tu mãnh liệt, cao đẹp, khiêm nhường, trung tín, quảng đại, thì các anh em của anh sẽ khao khát sống mãnh liệt, chính họ sẽ nghĩ tới việc bước theo anh, nhìn anh và sống với anh.
 
Quả thật, ngày hôm nay cũng như nhiều thập niên qua, các bạn trẻ thường đòi hỏi “những lệnh truyền”, những quy luật tỉ mỉ khả dĩ cho họ biết cách rõ ràng phải làm gì và không được làm gì. Rất thường xuyên các bạn trẻ hôm nay không còn thấy những gương sống nơi cha mẹ của họ, nơi những thầy cô giáo cũng như nơi các cha sở của họ. Họ lớn lên nhưng thiếu cấu trúc, thiếu những bản lề, thiếu những gương mẫu rõ ràng hiện hữu trước mắt họ để họ quy chiếu. Cho nên họ trở thành những con người thiếu chắc chắn, họ cảm thấy có một sự khắc khoải, không an định trong tâm hồn, và họ muốn câu chuyện cuộc đời phải được giải quyết với những quy định tỉ mỉ, chính xác với những lệnh truyền, mệnh lệnh, luật lệ.
 
Ngày nay, quả là phức tạp khi nói đến những “người mẫu (mực)”, vì đối với các bạn trẻ hôm nay, “người mẫu” để noi gương bắt chước phải là người mà mọi người đều thán phục, mọi người đều mong muốn bắt chước, mọi người đều phải ganh tị vì những hình ảnh họ trình diễn chứ không phải từ chính những gì họ sống thực sự. Người ta chạy theo những người “mẫu” vì những gì những người này “có” hơn là những gì họ “là”. Người ta ngưỡng mộ những người mẫu như những người ngoại giáo ngưỡng mộ các thần minh sống trên đỉnh Olimpia: với nhận thức rằng thực tại này không thể nào lý tưởng như những người mẫu ấy, cuộc sống không đẹp, không may mắn như thế đâu. Vì thế, rất nhiều bạn muốn tin vào luân hồi, mong rằng kiếp sau mình sẽ có một định mệnh hạnh phúc, tươi sáng hơn.
 
Chúng ta phải chân nhận rằng nền văn hoá này, căn bản là chủ nghĩa khoái lạc, để xác tín tầm quan trọng của những mẫu gương sống động về một cuộc sống thực sự hạnh phúc vì có kinh nghiệm về sự viên mãn trong Đức Ki-tô.
 
Tôi nghĩ đến đòi hỏi mà thánh Phê-rô trình bày cho các vị kỳ mục trong giáo đoàn: “cùng các bậc kỳ mục trong anh em, tôi xin có mấy lời khuyên nhủ, vì tôi cũng thuộc hành kỳ mục, lại là chứng nhân những đau khổ của Đức Ki-tô và được dự phần vinh quang sắp tỏ hiện trong tương lai. Anh em hãy chăn dắt đoàn chiên mà Thiên Chúa đã giao phó cho anh em: lo lắng cho họ không phải vì miễn cưỡng, nhưng hoàn toàn tự nguyện như Thiên Chúa muốn, không phải vì ham hố lợi lộc thấp hèn, nhưng vì lòng nhiệt thành tận tuỵ. Đừng lấy quyền mà thống trị những người Thiên Chúa đã giao phó cho anh em, nhưng hãy nêu gương sáng cho đoàn chiên” (1 Pr 5,1-3).
 
Chính thánh Phê-rô cũng không nghĩ mình là người mục tử vì những phẩm chất mình có, nhưng là nhờ vào việc mình đã chiêm ngưỡng những đau khổ của Đức Ki-tô, để noi theo Đức Ki-tô, vị mục tử nhân lành thí mạng cho đoàn chiên. Vì thế, những vị kỳ mục trong giáo đoàn không được sống nhiệm vụ mình như một gánh nặng, như một điều phải làm, như thể họ là những người đầu tiên phải đón nhận những lệnh truyền phải theo, những quy luật phải áp dụng. Không ! Chúng ta không là “những kỳ mục”, chúng ta là những mục tử vì Đức Giê-su Ki-tô mạc khải như thế, chính người tỏ ra như là hình ảnh hoàn hảo về lòng thương xót của Cha, như vị Mục tử nhân hậu và tốt lành hiến mạng sống mình. Đức Giê-su là mẫu gương hấp dẫn, lôi cuốn, nhưng không phải là một giấc mơ không thể đạt tới. Đức Ki-tô tỏ cho chúng ta chính Ngài là sự sống chúng ta tiến bước, là kinh nghiệm chúng ta phải thể hiện với ân sủng của Ngài. Nhìn ngắm Vị Mục Tử nhân lành để chúng ta có thể trở nên những mục tử cách tự nguyện, không vì bổn phận. Những mục tử tri ân về ơn gọi của mình, tri ân vì được trao hiến mạng sống như Đức Ki-tô cách nhưng không trong yêu thương chứ không cốt để tìm lợi lộc cho mình. Và cuối cùng thánh Phê-rô đưa ra hình ảnh đối lập giữa việc là “gương mẫu cho đoàn chiên” với việc “thống trị những người đã được trao phó”. Thật vậy, người thống trị thì thường “ra luật”, như chúng ta thấy trong châm ngôn các tổ phụ sa mạc. Ngược lại, người mục tử nhân lành thì muốn nên gương mẫu, không ra lệnh nhưng sống cuộc đời đầy lòng thương xót, trao hiến bản thân; họ trở nên những mẫu gương sống động để chuyển tải cho anh chị em mình sự sống và có sức biến đổi người anh chị em tự thâm sâu con người của họ, làm cho họ thực sự biết sống. Người thống trị với những lệnh truyền chỉ làm người khác “làm”. Người mục tử nhân hậu với gương sáng đời sống làm cho người khác “sống”, nghĩa là sinh ra người khác trong cuộc sống viên mãn tròn đầy.
 
Trong khi thi hành quyền bính, chúng ta vừa là hoặc không là những mẫu gương. Vì sao? Chính vì mẫu gương tuyệt với cho đời sống Ki-tô hữu là Đức Ki-tô, Mục tử tốt lành thí mạng cho đoàn chiên. Ngược lại là kẻ làm thuê, “không thiết gì đến đoàn chiên” (Ga 10,13), nhưng chỉ nghĩ đến tiền lương sẽ nhận được từ việc trông coi đoàn chiên. Người mục tử nhân lành không ra lệnh cho đoàn chiên mà hướng dẫn, kêu từng con chiên, dẫn dắt chúng, nuôi dưỡng chúng, đưa chúng vào đồng cỏ xanh tươi, đến nguồn suối nước mát trong…
 
Hình ảnh người mục tử nhân lành là hình ảnh Đức Giê-su dùng để diễn tả chính mình, người muốn thể hiện như một hình ảnh để ta noi theo. Nhưng Mục tử nhân lành không chỉ là một hình ảnh: là một sự hiện diện, một kinh nghiệm, một tương quan của Đức Ki-tô với chúng ta và của chúng ta với Đức Ki-tô. Đức Giê-su không mạc khải mình như mục tử nhân lành chỉ bằng việc dạy chúng ta cách quản trị nhưng trước hết là để chúng ta được người yêu thương, dẫn dắt, chăm sóc. Đức Giê-su không chỉ là gương mẫu Mục tử nhân lành để ta noi gương bắt chước, nhưng là Mục tử nhân lành chăm sóc chúng ta. Nghĩa là, trước tiên, chúng ta hãy là những chiên con, những con cừu, hoặc là những con dê, nhưng hãy để cho Đức Ki-tô chăn nuôi thì chúng ta mới có thể trở thành những mục tử như Người.
 
Điều này muốn nói rằng, sứ mạng mục tử của chúng ta không được phép ngăn cản chúng ta sống tình bạn với Đức Ki-tô, như thường xảy ra là rất nhiều Bề Trên bị kiệt sức về mặt thiêng liêng khi thi hành tác vụ của mình. Hãy để thừa tác vụ của chúng ta trở nên một cơ hội để chúng ta gắn kết chặt chẽ với gương mẫu của vị Mục tử nhân lành tuyệt hảo của chúng ta.
 
Thần bí mục vụ
 
Một châm ngôn khác chợt trở về trong trí tôi, châm ngôn của viện phụ Poemen. “Nếu Mô-sê không dẫn đoàn chiên đến Mandra, ông sẽ không bao giờ thấy Đấng ngự trong bụi gai” (Poemen 195 [Guy 186]).
 
Sứ vụ mục tử không chỉ là một chức năng, không chỉ là một việc phục vụ. Nó giúp ta đi vào mối tương quan đặc biệt với Chúa để ta có thể truyền đạt cho anh chị em của mình tình yêu trìu mến dành cho mỗi người. Quả là một mầu nhiệm trong cuộc gặp gỡ cuối cùng giữa Đấng Phục Sinh và Phê-rô ở bên bờ hố: “anh có yêu mến Thầy hơn những người này không? – Hãy chăn dắt những chiên con của Thầy” (x. Ga 21,15-17). Càng đại diện, nghĩa là càng làm hữu hình hình ảnh vị Mục Tử nhân lành, Đấng luôn hiện diện bên chúng ta, chúng ta càng kết hiệp với Người trong tình yêu và thể hiện Người cho anh chị em mình tốt hơn.
 
Nhưng lời châm ngôn này đề nghị chúng ta rằng ai thi hành sứ vụ mục tử đều được kêu mời để gặp gỡ Thiên Chúa qua chính sứ vụ đó. Thường các Bề Trên có ấn tượng rằng trách nhiệm của họ thường kéo họ xa rời tương quan sâu sắc với Thiên Chúa, ngăn cản họ sống đời cầu nguyện, làm họ xa rời linh đạo đan tu, khỏi việc thực hành lectio divina, khỏi sự an tĩnh để có thể sống thinh lặng trước sự hiện diện của Thiên Chúa mà không bị những mối bận tâm quấy nhiễu. Chắc chắn đây là điều có thực. Nhưng viện phụ Poemen đề nghị cho chúng ta rằng ngay chính việc lo lắng chăm sóc đoàn chiên, chính việc trao hiến cho đoàn chiên mà Thiên Chúa cho chúng ta sống cuộc gặp gỡ thần bí với ngài trong sa mạc. Đây là cuộc “thần bí mục vụ”, một cuộc gặp gỡ và một tương quan với mầu nhiệm Thiên Chúa được ban cho ta trong khi ta chăn dắt đoàn chiên của mình. Có một “bụi gai bốc cháy” để chúng ta tìm gặp khi chúng ta đưa đoàn chiên tới đồng cỏ, khi chúng ta tìm những điều thiện hảo cho đoàn chiên: đồng cỏ xanh tươi và nguồn nước mát. Vì bụi gai bốc cháy, nơi Thiên Chúa tỏ mình cho Mô-sê cũng là mạc khải đầu tiên về Thiên Chúa như là Tình yêu, như Tình yêu cháy bỏng mà không thiêu rụi, không phá huỷ. Bụi gai bốc cháy là biểu tượng về thần bí Tình Yêu, về Thiên Chúa-Tình yêu; và là biểu tượng của Tình Yêu Thiên Chúa như là lòng thương xót khi ngài tỏ mình ra cách hữu hình. Thật vậy, từ bụi gai bốc cháy, Thiên Chúa không nói với Mô-sê rằng bây giờ ông có thể trở thành ẩn sĩ, nhưng ngài đã chạnh thương dân chúng nên từ bụi gay bốc cháy ngài đã trao cho Mô-sê một đoàn chiên lớn hơn cả đoàn chiên của Giê-tro: tất cả dân Israel để giải cứu, để dẫn dắt suốt 40 năm trường.
 
« Đức Chúa phán phán: “Ta thấy rõ nỗi khổ của dân Ta bên Aicập, và Ta đã nghe tiếng than chúng kêu lên trước mặt đốc công, quả Ta đã biết các nỗi khổ đau của chúng. Nên Ta xuống giựt chúng thoat khỏi tay Aicập và dẫn chúng ra khỏi xứ ấy, lên xứ vừa đẹp vừa rộng, lên xứ chan hòa sữa mật, lên chỗ ở của người Canaan, Hit-tit, Amori, Phơrizi, Khiuvi và Yơbusi. Bây giờ, này tiếng oán thán của con cái Israel đã lên thấu Ta và Ta đã thấy việc người Aicập hành hạ chúng. Vậy bây giờ, ngươi hãy đi! Ta sai ngươi đến với Pharaô; ngươi hãy đem dân của Ta, con cái Israel ra khỏi Aicập» (Xh 3,7-10)
 
Cuộc đời mục tử phải đưa chúng ta đến nơi mà Ngài mạc khải cho ta về lòng thương xót của Ngài đối với dân chúng, đối với chính cộng đoàn của chúng ta, với từng người anh chị em, đối với những người sống trong đan viện, hoặc những người nhập cư mà chúng ta đón nhận. Chính hoạt động của chúng ta phải đưa chúng ta đến nơi mà Chúa sẽ nói với chúng ta về lòng thương xót của Ngài, và ở nơi đó chính Thiên Chúa giúp chúng ta nhạy bén với những nỗi khốn cùng của anh chị em chúng ta: “ta đã th6a1y những nỗi khốn chùng của dân ta…” (Xh 3,7). Và như thế, Thiên Chúa nói với chúng ta rằng: “ta đã thấy nỗi khốn cùng của dân ta! Hãy trở nên như ta để nhạy cảm với những đau khổ thực sự của người anh em! Hãy đi vào trong tâm tình thương xót của ta, hãy trở nên khí cụ của lòng thương xót, hãy nhập thể lòng thương xót và diễn tả lòng thương xót trong sứ vụ ta trao phó cho con!”.
 
Lòng thương xót của Đức Ki-tô
 
Chính Đức Ki-tô cũng từng làm như thế. Chính Ngài đã đến, làm người, làm hữu hình hoá tình thương yêu thương xót của Thiên Chúa, cái nhìn xót thương của Ngài đang thấy những nỗi khổ của đám dân, của tất cả và trước tiên, ngài muốn dành cho chúng ta, những mục tử, lòng thương xót của ngài.
 
Thật thú vị khi nhận thấy rằng trong chương 15 của Luca, dụ ngôn thứ nhất mà Chúa Giê-su kể nhằm biện minh cho việc ngài đón tiếp những người tội lỗi, nghĩa là lòng thương xót của Ngài, đó là dụ ngôn về người mục tử nhân lành. Dụ ngôn người cha nhân hậu trong Luca 15,11-32, chắc chắn sẽ đóng vai trò trung tâm của mầu nhiệm nhưng hình ảnh đầu tiên của lòng thương xót lại là hình ảnh người mục tử nhân lành.
 
Chúng ta hãy cùng suy niệm dụ ngôn này để biện phân những khía cạnh nền tảng của lòng thương xót vốn đang tra vấn ơn gọi, sứ mạng của các Bề Trên trong cộng đoàn. Mỗi một từ thánh Luca sử dụng đều rất ý nghĩa và cần đọc với tất cả sự chú ý.
 
« Ngài mới nói cùng họ ví dụ này, rằng:
 
Ai trong các ông, giả sử có trăm con chiên và lạc mất một con, há người ấy lại không bỏ chín mươi chín con ngay nơi hoang vắng, mà ruổi theo con chiên lạc, cho đến khi tìm ra con chiên lạc đó ư? Tìm được rồi, há người ấy lại không mừng rỡ, quàng nó trên vai mình, và về đến nhà, lại không gọi cả bạn bè hàng xóm, mà phân phô với họ thế này sao: Bà con hãy chia vui với tôi, tôi may đã tìm thấy con chiên lạc của tôi!? Tôi bảo các ông: Cũng vậy, trên trời sẽ có vui mừng vì một người tội lỗi hối cải, hơn là vì chín mươi chín người công chính, những kẻ không cần phải ăn năn!” (Lc 15,3-7).
 
Trước tiên chúng ta nhận thấy rằng về căn bản dụ ngôn là một câu hỏi, một câu hỏi gây ấn tượng cho người nghe. “Ai trong các ông, giả sử có trăm con chiên và lạc mất một con, há người ấy lại không bỏ chín mươi chín con ngay nơi hoang vắng, mà ruổi theo con chiên lạc, cho đến khi tìm ra con chiên lạc đó ư?” (Lc 15,4). Đức Giê-su biện minh về lòng thương xót bằng cách đặt ra cho chúng ta một câu hỏi. Rất nhiều dụ ngôn và nhiều giáo huấn của Chúa Giê-su sử dụng cùng một phương pháp. Đức Giê-su thích trả lời bằng cách đặt lại câu hỏi, nghĩa là ngài muốn gợi lên một câu hỏi trong chúng ta để chúng ta tìm ra câu trả lời đã có nơi chính mình mà đôi khi chúng ta không nhận thấy do chúng ta thiếu ý thức hoặc do chúng chúng ta không muốn chúng là thế. Đức Giê-su không muốn đưa ra những câu hỏi mà không tác động đến chúng ta. Đây là vấn đề của các kinh sư và những người Phariseu: khi họ đặt câu hỏi, thì chỉ muốn là người khác nghi vấn, ngờ vực và đánh đổ những lập luận của người khác. Họ không bao giờ muốn đặt câu hỏi cho chính mình. Ngược lại, Đức Giê-su đã làm điều đó, người có quyền để đặt câu hỏi cho họ, những câu hỏi của ngài làm cho họ phải tự vấn về bản thân họ, về cách lập luận của họ, về phản ứng của họ cũng như những phán đoán của họ về người khác. Trong trường hợp này, những người Phariseu và các kinh sư không đặt câu hỏi, họ chỉ “lẩm bẩm” về Chúa Giê-su và bày tỏ thái độ phê phán, lên án mà không gọi đích danh: “người này đón tiếp người tội lỗi và ngồi ăn uống với chúng” (Lc 15,2).
 
Ai trong các ông?
 
Đức Giê-su gợi lên câu hỏi cách trực tiếp: “Ai trong các ông…?”. Dịch sát từ ngữ: “người nào (Τίς ἄνθρωπος) giữa các ông, có một trăm con chiên…?”
 
Đức Giê-su không phản ứng như họ. Trong những đoạn khác của Tin Mừng, ngài rất nghiêm khắc trước thái độ giả hình của người kinh sư và Phariseu. Ngược lại, ở đây ngài cho họ một cơ hội để suy nghĩ về thái độ của ngài, suy nghĩ về kinh nghiệm của họ, về kinh nghiệm làm người, về những gì mà họ đã sống. Như thể người nói với họ: “các ông cũng như tôi! Nơi các ông cũng có nhân tính và một ý niệm về sự tốt lành như tôi thôi!” Đức Giê-su đánh giá tính tích cực nơi các kinh sư và những người Phariseu, và muốn làm cho giá trị ấy được bộc phát, ngài giúp họ ý thức hơn về giá trị này vốn quan trọng hơn cả những lý thuyết và những giới luật của họ.
 
Theo một nghĩa nào đó, để giúp chúng ta hiểu Thiên Chúa là Đấng thế nào thì trước tiên ngài hướng chúng ta về con người, về điểm trọng yếu của con người. Ngài giúp chúng ta hiểu rằng lòng thương xót của Thiên Chúa đã in dấu ấn hình ảnh giống Thiên Chúa nơi con tim nhân loại. Ai lại không cất công đi tìm một trong số 100 con chiên của mình bị lạc đàn? Điều này cũng tương tự như khi Đức Giê-su nói: “ai trong các ông lại cho con cái mình hòn đá khi nó xin chiếc bánh?” (Mt 7,9).
 
Thật quan trọng khi hiểu rằng Tin mừng, đặc biệt Tin Mừng về lòng thương xót của Thiên Chúa đưa chúng ta đến nhận thức sâu xa hơn về chính mình, nhận thức rõ hơn về nhân loại tính của mình. Mạc khải cho chúng ta về Thiên Chúa thương xót, Đức Giê-su cũng mạc khải cho con người biết về chính mình, giúp ta ý thức lại bản tính nhân loại được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa.
 
Điều này rất quan trọng đối với việc huấn luyện mà chúng ta phải bảo đảm hầu đem lại lợi ích cho cộng đoàn chúng ta, cũng như đối với giáo huấn mà các nam nữ Bề Trên phải cống hiến cho anh chị em của mình. ở đây không nói đến những hoạt động theo kiểu làm đầy những chiếc bình trống rỗng, nhưng là chăm bón, vun tưới cho những cây trồng mà Chúa đã đặt vào đó hình ảnh của Người, Lời sáng tạo của Người, Thần Khí của Người.
 
… giả sử có trăm con chiên và lạc mất một con …
 
Nơi chúng ta, Thiên Chúa đã đặt hình ảnh tình yêu của Ngài, một tình yêu luôn mang tính cá vị. Ngay cả khi có đến một trăm con chiên thì mỗi mỗi con đều hết sức quan trọng. Giả sử mất một, người mục tử sẽ không an tâm mà nói rằng: “chỉ là 1 trong số 100 thôi mà, tôi chỉ mất 1 phần trăm tài sản, không có gì nghiêm trọng”. Ai lý luận như thế, thì không trân trọng hình ảnh lòng thương xót Chúa đã in dấu nơi người ấy, không tôn trọng nhân tính của chính mình.
 
Thực ra, người ấy còn không tôn trọng 99 con chiên đang còn trong đoàn vì muốn nói rằng mỗi con chiên không là gì hơn 1 phần trăm tình thương của người mục tử, không có con nào đối với mục tử là duy nhất, là tất cả.
 
Vì thế, khi mục tử “bỏ chín mươi chín con ngay nơi hoang vắng”, mà ruổi theo con chiên duy nhất bị lạc, việc “bỏ lại” này tự bản chất lại là một cơ hội để cho tất cả đoà chiên học biết tình thương của người mục tử, người mục tử thương yêu mỗi một con chiên của mình. Chúng sẽ nhận thấy rằng nếu chỉ mất dù là một thì người mục tử vẫn để những con khác lại để đi tìm con bị lạc.
 
Vì vậy, khi thánh Biển Đức, trong tu luật, đòi hỏi rằng các anh em hay chị em đau yếu, bệnh tật hoặc ngay cả những anh em nổi loạn, những anh em ngoan ngoãn “fratres delicati” mà chúng ta đã nói đến trong Đại Hội thì không có nghĩa là tu luật bỏ quên những người anh chị em khác, nhưng phải hiểu rằng các Bề Trên phải quan tâm đến tất cả anh em mình. Chăm sóc người yếu đuối nhất, người gặp khó khăn nhất, chăm sóc tất cả và giúp cho mọi người tăng trưởng.
 
Do đó, thánh Biển Đức nhiều lần đề nghị viện phụ không bao giờ chỉ chú ý đến những người tốt lành mà bỏ quên những người yếu đuối vì điều này có thể trở thành một thức bạo quyền đối với cả những anh em sống tốt vì viện phụ không thực sự yêu thương họ: “người phải biết rằng người đã nhận chăm sóc những tâm hồn yếu đuối thì người cũng không được là kẻ bạo quyền trên những người lành mạnh; và người hãy sợ lời răn đe của ngôn sứ, qua đó Thiên Chúa nói với người: “con nào béo tốt chúng chọn lấy cho mình; con nào gầy ốm chúng lại loại bỏ” (Tl 27,6; Ez 34,3-4).
 
Thực hành lòng thương xót luôn mang dáng vẻ bên ngoài như là một sự bất công vì ở đây tình yêu thương được dành cách đặc biệt cho người bất xứng. Thiên Chúa yêu thương không chỉ những người xứng đáng nhưng yêu thương cả những người cần được yêu thương, những người không được yêu thương hoặc những người chẳng mấy dễ thương. Và đây chính là vấn đề gây tranh cãi giữa những người Phariseu và Đức Giê-su. Những người Phariseu cũng mời Chúa dùng bữa, nhưng xem chừng Chúa thoải mái hơn khi đồng bàn với những người thu thuế và tội lỗi hơn là đồng bàn với họ. họ là những người rất tài giỏi, rất thông thạo kinh thánh, rất đạo đức, rất nghiêm chỉnh, nhưng Chúa Giê-su thích nói chuyện với với những người thu thuế hơn, thích ở với họ, cầu nguyện với họ. Những người kia xem đây là một điều bất công. Họ cảm thấy mình bị bỏ lại trong sa mạc, bị trừng phạt vì đã sống trung thành, không đi lạc đàn như những người khác. Họ thấy rằng ai càng sống bê bối lại càng được yêu thương hơn họ, ai đi lạc thì lại càng được yêu thương tìm kiếm.
 
Chúng ta không được quên hoặc đánh giá thấp tình cảm của 99 con ciên trung thành, vì Thiên Chúa không bảo chúng ta yêu thương họ ít hơn những con chiên lạc bầy. Thật là quan trọng khi học từ nơi lòng thương xót Chúa cách thức yêu thương những con chiên lạc theo cùng một cách thức yêu thương 99 con còn lại để những con chiên này cũng nhận thấy chúng được yêu thương, và rằng Thiên Chúa yêu thương chúng ta hết thảy.
 
… bỏ chín mươi chín con ngay nơi hoang vắng…
 
99 con chiên bị bỏ lại trong “nơi hoang vắng” – ἐν τῇ ἐρήμῳ” (Lc 15,4). Tôi rất ấn tượng về chi tiết này. Rõ ràng, những đồng cỏ của Palestin là những miền đất hoang vắng, xa khu dân cư, miền sa mạc Giu-đa. Nhưng tôi nghĩ rằng cụm từ này được đề cập ở đây theo nghĩa hiện sinh và tâm linh. Có một “vùng sa mạc”, một nơi hoang vắng mà chúng ta phải biết đón nhận nếu chúng ta muốn tăng trưởng trong nhận thức và trong kinh nghiệm về lòng thương xót của Thiên Chúa. Đây là một kinh nghiệm cần thiết cho sự trưởng thành tâm linh, cho sự phát triển về mặt tâm linh cũng như về mặt nhân loại của các cộng đoàn. Để tham dự vào lòng thương xót của Thiên Chúa, để Thiên Chúa tuôn trào lòng thương xót của ngài cho thế giới, cần phải đón nhận một hình thức mầu nhiệm và cao quý của việc bị bỏ lại. Chẳng hạn như kinh nghiệm cô vắng và bị bỏ rơi mà Mẹ Teresa Cancutta đã từng nghiệm thấy dường như trong suốt cuộc đời của mình. Và đây chính là cách để trở thành khí cụ đặc tuyển của tình yêu thương xót của Thiên Chúa, của lòng Chúa xót thương luôn dấn bước đi tìm những người khốn khổ nhất trong số những con người cùng khốn, nơi mà chẳng còn ai muốn đến để tìm kiếm những người khốn khổ như thế.
 
Nhưng kinh nghiệm của 99 con chiên trung thành trong sa mạc là gì? Là sự cô vắng vì vị mục tử đã ra đi để tìm con chiên bị lạc mất. Nhưng vị mục tử đi tìm ở đâu? Đi tìm trong sa mạc, nghĩa là trong nơi hoang vắng. Vị mục tử thực sự cô độc khi tìm kiếm con chiên lạc. 99 con chiên kia thì luôn ở cùng nhau, chỉ có người mục tử cô đơn trong sa mạc vắng với hy vọng tìm được chiên lạc. 99 con chiên được kêu mời để tham dự vào một chút sự cô vắng của người mục tử, tham dự vào cái giá của lòng thương xót: lòng thương xót “đáng giá” cả trái tim của người mục tử, cả trái tim Thiên Chúa. Ta sẽ không bao giờ trưởng thành, sẽ không bao giờ thực sự trung thành nếu ta chưa chấp nhận đi vào trong nỗi cảm thương nơi con tim của người mục tử, đi vào nỗi “chịu đựng với” một trái tim thương xót của mục tử. Khi người cha trong dụ ngôn người con hoang đàng đi ra tìm người con cả, ông mời nó tham dự vào niềm vui của ông để trở về với người em, nhưng thực tế, điều ông mời gọi và trao ban cho nó chính là khả n ăng tham dự vào lòng thương xót của ông, và như thế ông cho nó trái tim của người cha, cảm thức được sự đau đớn khi bị mất đứa em út. Nếu người anh cả không đón nhận dể chia sẻ với nỗi đau của cha vì bị mất con, vì con đã “chết”, nếu anh không đồng-chịu-đau với cha, anh không thể đi vào trong niềm vui của cha về ơn cứu độ của đứa em mình, và anh cũng không thể hưởng nếm được niềm vui vì luôn được chia phần tất cả những gì của cha đều là của anh (x. Lc 15,31).
 
Một cộng đoàn không thể phát triển, cũng không thể có tình huynh đệ khi chưa thể liên kết trong tình yêu của Đức Ki-tô. Chúng ta tự hỏi rằng chúng ta đã biết huấn luyện cho cộng đoàn mình biết cùng chịu đau khổ với những nỗi khốn khổ của anh em hoặc của những chị em yếu đuối về mặt thể lý, luân lý và cả tâm linh nữa.
 
Ơn gọi đan tu cách này hoặc cách khác đều tìm về sa mạc; nhưng nếu sa mạc mà chúng ta tìm kiếm không có sự đồng cảm bằng con tim của người mục tử nhân lành đi tìm con chiên lạc, thì lúc đó sa mạc chưa phải là sa mạc của Ki-tô giáo, nhưng là một sa mạc cằn cỗi, hoang vu.
 
… cho đến khi tìm ra con chiên lạc đó ư…
 
Người mục tử nhân lành để 99 con chiên trong sa mạc và đi tìm con chiên lạc đến khi nào tìm ra nó (Lc 15,4).
 
Tìm kiếm người đã lạc mất: là một công việc vĩ đại của lòng thương xót vì đây là công việc vĩ đại của Đức Ki-tô, sứ mạng lớn lao của Con Thiên Chúa, công trình của ơn Cứu Độ mà Đức Ki-tô đã thực hiện cho đến chết và chết trên Thập Giá. Chỉ cần đọc lại câu kết của đoạn Tin mừng về cuộc gặp gỡ giữa Đức Giê-su và người thu thuế Gia-kêu: “Con Người đến để tìm kiếm và cứu chữa những gì đã hư mất” (Lc 19,10).
 
Giáo hội hiện diện cũng vì sứ mạng này, để nhập thể sứ mạng sống lòng thương xót, và Đức Giáo Hoàng Phanxico không để mất cơ hội “thuận tiện hay không thuận tiện”, như thánh Phaolo đã nói, (2 Tm 4,2), để mời gọi chúng ta sống điều này.
 
“Tìm kiếm những người đã hư mất?” có nghĩ là gì đối với chúng ta? Thường thì chúng ta giống người cha trong dụ ngôn thứ ba trong Luca 15 hơn, theo nghĩa là chúng ta muốn chờ những đứa con đi hoang trở về nhà rồi chúng ta thấy mình giùa lòng thương xót khi đón nhận chúng. Nhưng Đức Giê-su mời gọi chúng ta hãy đứng dậy đi tìm chúng . Và chúng ta biết rằng có rất nhiều những con chiên lạc trong đan viện. Về mặt thể lý, họ không xa cách nhưng về nội tâm, với con tim, với khối óc, hoặc trên bình diện luân lý, họ “đã đi xa”, đã vắng mặt, đã xa cách, đã lạc mất một cách nào đó. Chúng ta đi tìm họ chứ?
 
Dụ ngôn này không miêu tả chi tiết cuộc đi tìm, chỉ nói về một cuộc tìm kiếm không bỏ cuộc: “cho đến khi tìm thấy”. Đây là một chi tiết quan trọng. Việc tìm kiếm anh em hoặc chị em bị lạc mất sẽ không bao giờ bình an khi chưa tìm thấy họ. đây không phải là cuộc tìn kiếm đặt ra những điều kiện thời gian, chỉ ngừng khi tìm thấy, gặp gỡ và ôm lấy con chiên lạc. Chúng ta biết rằng có những anh em và chị em trong cộng đoàn cần phải tìm kiếm nhiều năm trờ, có thể trong suốt cả nhiệm kỳ Bề Trên của chúng ta hoặc cho đến khi mãn đời họ. Rất thường khi chúng ta tìm thấy những con chiên lạc này trước lúc chúng lìa thế một chút. Đáng để làm như thế sao? Làm như thế có nghĩa lý gì sao? Văng, đúng vậy, vì tất cả cuộc tìm kiếm này, tất cả cuộc lang thang trong sa mạc để tìm kiếm để gặp gỡ họ, tìm lại ơn cứu độ cho họ, tất cả thời gian này là thời gian của lòng thương xót Chúa, là thời gian lòng thương xót của vị mục tử Nhân lành hoạt động, không những trên họ, mà còn trên chính chúng ta, trên toàn cộng đoàn, và có thể trên toàn giáo hội và toàn thế giới. Tất cả thời gian đó là tất cả nỗ lực để chuẩn bị cho niềm vui Thiên Quốc; niềm vui của họ, của chúng ta, của toàn cộng đoàn sẽ trở nên viên mãn và trọn vẹn “trong Nước Trời” (Lc 15,7), “bên những con chiên của Thiên Chúa” (Lc 15,10).
 
Quả thật rất quan trọng khi chúng ta nhận thức rằng: cuộc đời vất vả tìm chiên lạc là một sự viên mãn của cuộc sống vì nhờ đó mà sứ vụ của chúng ta gắn chặt với mầu nhiệm Chúa Ki-tô, với mầu nhiệm lòng thương xót Chúa trong Đức Ki-tô. Khi chúng ta nghĩ rằng nhiệm vụ của chúng ta rất phong phú vì tất cả vận hành tốt đẹp, chúng ta thành công trong mọi việc, không có chiên lạc nào để tìm kiếm cả, điều này có nghĩa là chúng ta chưa sống sứ vụ của chúng ta, sứ vụ là “những đại diện của Đức Ki-tô” (Tl 2,2), bước theo Đức Ki-tô là mẫu gương, và có ngài là chương trình sống của mình. Và chúng ta thường cảm thấy nản lòng, dù muốn dù không, về những con chiên lạc. Nhưng Chúa gửi họ đến cho chúng ta. Rất nhiều khi chúng ta bị cám dỗ thu dọn gọn gàng, cho “chúng vào nồi” hơn là để chúng trong nhà. Cũng đã xảy ra như thế. Nhưng đây không phải là một dấu hiệu cho sự phong phú của đời Ki-tô hữn, cho cộng đoàn. Tự bản chất, dụ ngôn giúp ta hiểu rằng những con chiên lạc mà ta đi tìm và vác nó trở về nhà là một bí mật của một niềm vui lớn hơn.
 
… há người ấy lại không mừng rỡ, quàng nó trên vai mình, và về đến nhà…
 
Trong đoạn tin mừng này, có hai khoảng khắc của niềm vui. Thứ nhất là niềm vui khi người mục tử tìm thấy con chiên. Sau đó là niềm vui được chia sẻ, ăn mừng với mọi người.
 
Đây chính là niềm vui Ki-tô giáo: một niềm vui của tâm hồn và một niềm vui chia sẻ. Như niềm vui của Đức Maria: “mừng vui lên – Χαῖρε!” (Lc 1,28), Thiên Thần nói với Mẹ lúc Truyền Tin, và ngay sau đó, Mẹ đã chia sẻ niềm vui này với ba Elisabeth. Trong dụ ngôn người mục tử nhân lành, thuật ngữ này được lập lại: χαίρων (Lc 15,5), Συγχάρητέ (15,6).
 
Niềm vui được nhận lãnh và niềm vui được trao ban. Niềm vui của Thiên Chúa vì đó là niềm vui yêu thương. Người khác trao tặng cho tôi để rồi tôi lại trao tặng cho những người khác nữa. Và Đức Ki-tô mạc khải cho chúng ta rằng đầy chính là niềm vui Thiên Quốc: “thật, tôi bảo thật các ông, trên trời cũng vui mừng như thế vì một người tội lỗi ăn năn sám hối” (Lc 15,7). Đây cũng chính là tính năng động của niềm vui người mục tử: người tội lỗi sám hối đem lại niềm vui cho Thiên Chúa, và Thiên Chúa thông truyền cho cả Thiên Đàng, cho những người “thân cận, láng giềng” của Người là các thiên thần (x. Lc 15,10).
 
Nhưng chúng ta nhận thấy rằng người đầu tiên chia sẻ niềm vui của người mục tử là chính con chiên lạc được tìm thấy. Người mục tử không khiển trách, không trừng phạt, cũng chẳng giáo huấn nó. Niềm vui của anh thật quá lớn lao. Người ta sẽ làm gì đây khi người tìm gắp lại người mình yêu mến? Ôm lấy người đó. Người mục tử không khoá chân con chiên như người ta tóm lại kẻ trộm, cũng không buộc dây vào cổ để nó không chạy mất một lần nữa. Ông vác nó trên vai: ôm nó, nâng niu nó và đưa nó về. Thánh Biển Đức chắc hẳn cũng đã suy nhiệm rất nhiều về dụ ngôn này nên trong chương 27 của tu luật, ngài đã nói với chúng ta rằng chính Đức Giê-su đặt con chiên trên vai thánh của người “ in sacris humeris suis” (Tl 27,9).
 
“Vui mừng, người ấy vác chiên trên vai”. Không có niềm vui nào hơn vác con chiên mình vừa tìm thấy. Niềm vui đem lại sức mạnh cho tình yêu, cho sự nhẫn nại và lòng thương xót. Tìm được con chiên không có nghĩa là mục tử được nghỉ ngơi!Tôi chưa bao giờ vác một con chiên trên vai, một con chiên lớn phải nặng từ 45 đến 100 kg! Trong lượng gần tương đương với một người. Người mục tử lại một lần nữa với con chiên trên vai, anh ta lội bộ quãng đường hàng cây số khi đi tìm con chiên để trở về. Trong khoá thường huấn này, cúng ta cũng sẽ suy niệm về sự nhẫn nại, nhưng chúng ta có thể thấy rằng lòng thương xót luôn bao hàm việc “mang” lấy người khác, nhất là những ai kiệt sức, thương tích, sợ hãi. Điều quan trọng là tìm gặp họ chứ không phải là tìm xem lỗi do tại ai. Lòng thương xót bao trùm cả những hậu quả của việc “lạc mất” người anh em, chị em của mình. Nhưng với niềm vui, với sức mạnh của tình yêu cũng là nguồn sức mạnh cần thiết mà Thiên Chúa ban cho chúng ta để chúng ta mang vác người anh em lạc mất trở về nhà.
 
Vác trên vai là một cử chỉ mang tính hiền phụ hơn hiền mẫu. Không nói đến việc “ru ngủ” người anhc hị em mình nhưng là hiến dâng trọn con người chúng ta như một sự nâng đỡ cho những khốn khổ và mỏng dòn của anh chị em mình để cùng họ bước đi. Người mục tử nhân lành không giữ lấy con chiên để vuốt ve, cưng chiều, nhưng để cho nó tiến bước hành trình trở về nhà, về với đoàn chiên, về với cộng đoàn dù cho những lỗi lầm và sự khốn khổ có làm nó xa đàn.
 
“…về tới nhà, anh gọi bạn bè và những người láng giềng…”
 
Người mục tử nhân lành quả không hề mệt mỏi! Chắc chắn anh phải rất mệt mỏi trên quãng đường đi tìm và vác chiên trên vai trở về, ai biết quãng đường bao nhiêu cây số! Về nhà đúng ra anh có thể nghỉ ngơi, ngủ ngon. Ngược lại, anh không vào nhà, nhưng mời các bạn bè và người láng giềng đến để chung vui: “các bạn hãy vui mừng với tôi!” (Lc 15,6).
 
Niềm vui thương xót luôn luôn chia sẻ, nên là niềm vui của mọi người. Đó không bao giờ là niềm vui đơn lẻ, riêng tư vì niềm vui đơn lẻ là một niềm vui bị bóp nghẹt, nên không còn là niềm vui nữa. Không ai thắp đèn rồi để dưới thùng, Đức Giê-su đã nói thế (x. Mt 5,15).
 
Niềm vui mời gọi và quy tụ người khác đó chính là “tin mừng”, theo nghĩa đen của từ này: tin vui, tin hạnh phúc. Con chiên đã được cứu! Đây chính là niềm vui của Đấng chịu đóng đinh và đã sống lại: tất cả nhân loại được cứu! Và đây chính là tin mừng được chia sẻ cho người khác, những người chúng ta quen biết, có cảm tình hoặc đơn giản là những ngưỡng người sống gần bên ta. Mọi tương quan nhân loại và cá vị được ban cho ta để ta chia sẻ cho nhau niềm vui thương xót. Và “căn nhà” đó không phải là nơi nào khác hơn là đan viện, là gia đình, là những hoàn cảnh thường nhật của cuộc sống này. Cộng đoàn được ban cho chúng ta để chúng ta sống thực tại này.
 
Lòng thương xót của mục tử nhân lành là việc phúc âm hoá, đồng nhất với việc phúc âm hoá con người chúng ta; thực hiện cuộc phúc âm hoá cho thế giới với lịch sử cộng đoàn chúng ta, với việc chăm sóc cho những người anh chị em của mình. Là mục tử nghĩa là sống phúc âm hoá luôn mãi như Đức Giê-su đã mời gọi, để trong Người, chúng ta cộng tác với người để mang ơn cứu độ cho toàn thế giới.
 
 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hoa trái của Thập Giá – Thư Mùa Chay năm 2023 của Tổng phụ Dòng Xitô

Thư Mùa Chay năm 2023 của Tổng phụ Dòng Xitô HOA TRÁI CỦA THẬP GIÁ Anh chị em thân mến, Chúng ta đang bước vào thời gian...

Câu chuyện về ơn gọi của một thanh niên trẻ người Việt Nam đi tu Dòng Chartreux ở Thụy Sĩ

CÂU CHUYỆN VỀ ƠN GỌI CỦA MỘT THANH NIÊN TRẺ NGƯỜI VIỆT NAM ĐI TU DÒNG CHARTREUX Ở THỤY SĨ   "Con như chiếc bình bạch...

Tổng Công Nghị Xitô 2022 – Diễn văn bế mạc của Tổng Phụ Maurô Giuseppe Lepori (21.10.2022)

DIỄN VĂN BẾ MẠC CỦA TỔNG PHỤ MAURO-GIUSEPPE LEPORI TỔNG CÔNG NGHỊ DÒNG XITÔ Ariccia, 21 tháng 10 năm 2022 Anh chị em rất thân mến, Chúng ta...

Đức Thánh Cha tiếp các tu sĩ dòng Xitô nhân Tổng tu nghị của dòng

Đức Thánh Cha tiếp các tu sĩ dòng Xitô nhân Tổng tu nghị của dòng Gặp gỡ các tu sĩ dòng Xitô vào trưa ngày...

Lời chào khai mạc – Tổng Công Nghị của Dòng Xitô

TỔNG CÔNG NGHỊ CỦA DÒNG XITÔ Ariccia, ngày 9 tháng 10 năm 2022 Tổng phụ Mauro-Giuseppe Lepori, O.Cist. Lời chào khai mạc Kính thưa quý Viện mẫu Hội...

Viện phụ Mauro Giuseppe Lepori tái đắc cử chức vụ Viện phụ Tổng Quyền Dòng Xitô

    Theo thông tin từ Website Xitô:  https://www.ocist.org/ocist/     Ngày 10.10.2022,...

Sau gần 900 năm, Tu viện Xitô ở Đức phải đóng cửa

Thái Hà (17.10.2017) – Một đan viện Xitô có...

THƯ LUÂN LƯU CỦA TỔNG PHỤ XITÔ DỊP LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG

  THƯ LUÂN LƯU CỦA TỔNG PHỤ XITÔ - Fr....