KIỆN TOÀN LỀ LUẬT BẰNG TÌNH YÊU MẾN
(Bài Suy Niệm Thứ 4 tuần III MC)
Thiên Chúa Sáng Tạo và Cứu Độ đã tuyển chọn Israel làm dân riêng, và đã mặc khải cho họ Luật của Ngài để chuẩn bị cho Đức Kitô đến.
Sau ngày được tuyển chọn, nơi ẩn náu vững nhất của dân Israel là luật Môsê. Theo truyền thống Dothái, luật trở thành trung gian, là thước đo để biết ai đó còn thuộc về Thiên Chúa hay không. Chỉ có lề luật, giao ước giữa Thiên Chúa và dân riêng, mới cho phép họ nhận lãnh phần thưởng, là được nên công chính (x. Nội dung bài đọc I: Đnl 4, 1.5-9). Giữ lề luật Chúa là biểu hiện rõ nhất để chứng minh người nào đó có yêu mến Thiên Chúa hay không: “Những ai kính sợ Đức Chúa thì không ngang bướng bất tuân lời Người dạy, và những ai kính mến Người thì giữ vững đường lối của Người” (Hc 2, 15).
Tuy nhiên trong thời Tân ước, thập giới hay luật cũ cần được luật mới “rửa tội”, cần được kiện toàn. Nội dung bài Tin mừng thánh lễ hôm nay (Mt 5, 17-19) xoay quanh câu nói của Đức Giêsu khi Người khẳng định: “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Môsê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn” (Mt 5, 17). Đức Giêsu Kitô đến ban cho chúng ta một lề luật mới, luật yêu thương ở tầm mức “cao” và “xa” hơn. Người đến để kiện toàn luật cũ bằng cách thổi hồn vào nó để không còn cứng nhắc, co cụm và nặng nề nữa. Đức Giêsu Kitô đến đem lại cho thế giới một tinh thần mới, một lề luật mới xây dựng trên yêu thương. Tiêu chuẩn mới của sự công chính là tình yêu, khác với tiêu chuẩn cũ trong Cựu ước: “Người đã hủy bỏ Luật cũ gồm các điều răn và giới luật” (Ep 2,15) và lập ra luật mới cho kỷ nguyên mới: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau” (Ga 13,34).
Dù chúng ta đang sống thời Tân ước thì luật Môsê vẫn còn giá trị: chúng chi phối đời sống đạo của chúng ta. Chính Chúa Giêsu không đến phá bỏ lề luật Môsê: “dầu một chữ, một chấm một phết” nhưng Người đến, có ý “hoàn tất lề luật” (Mt 5, 17-18). Đức Giêsu kiện toàn luật cũ bằng cách nhấn mạnh đến sự vẹn toàn với ý nghĩa thâm sâu của chúng. Cái gì “tinh tuý” của lề luật Môsê, Đức Giêsu giữ lại trọn vẹn. Và cái tinh tuý ấy đã được Người khẳng định nhiều lần: “Con hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa con, hết lòng con, hết linh hồn con, hết sức lực con và hết tâm tư con. Và, yêu thương người lân cận như chính mình” (Lc 10, 27) nhưng luật mới được đẩy lên mức cao hơn, xa hơn và rộng hơn.
Giới luật quan trọng nhất của Chúa Giêsu được tóm lại trong hai điều đó là “Kính Chúa và yêu người”. Tất cả luật Môsê và các sách ngôn sứ đều tùy thuộc vào hai điều ấy (x. Mt 22, 40). Luật của Đức Giêsu đơn giản, gọn nhẹ mà hiệu qủa. Tuy nhiên nó cũng đòi mỗi người chúng ta hy sinh rất nhiều và giữ vì lòng yêu mến với trọn niềm vui.
So với luật cũ, luật yêu thương của Đức Kitô sẽ có những trọng tâm khác hẳn. Luật mới là luật của Thánh Linh, luật này đem lại tự do, như lời Thánh Phaolô: “Luật của Thánh Linh sự sống trong Chúa Kitô Giêsu đã giải phóng tôi khỏi luật lệ tội lỗi và sự chết” (Rm 8,2). Thiên Chúa ban Thánh Thần của Ngài xuống trong lòng chúng ta để Thánh Thần trở nên Giới Luật, trở nên tiêu chuẩn, phương thế dạy ta biết sống đẹp lòng Thiên Chúa bằng cách chúng ta yêu thương nhau: “Yêu mến là chu toàn Lề Luật”(Rm 14, 10).
Sứ điệp lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta kiện toàn đời sống, kiện toàn giới luật duy nhất, luật yêu thương. Chúa Giêsu đưa ra mẫu gương của chính mình để chúng ta soi vào đồng thời đưa ra đánh giá mức độ tình yêu của chúng ta với Thiên Chúa Cha và mức độ sống yêu thương của chúng ta với người đồng loại. Hai câu Kinh Thánh sau sẽ giúp chúng ta kiểm thảo đời sống cách dễ dàng:
– Câu 1: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi” (Mc 12, 30).
– Câu 2: “Không có tình yêu nào cao quý hơn tình yêu của người hy sinh mạng sống mình vì người mình yêu” (Ga 15 ,13).
Mai Thi