Thứ Bảy, 27 Tháng Bảy, 2024

KINH NGHIỆM ĐỨC TIN – Lễ thánh Thomas Tông đồ – Vp. Duyên Thập Tự

TN-091-lễ thánh Thomas tông đồ (03/7/2021)

KINH NGHIỆM ĐỨC TIN

(Ep 2,10-22 /  Ga 20,24-29)

VP Duyên Thập Tự Lê Văn Đoàn

Hôm nay chúng ta mừng lễ kính thánh Tô-ma tông đồ. Chúng ta thường nhìn thấy ngài như là một con người cứng tin trước việc Chúa Giê-su sống lại. Chính Chúa cũng đã nói với ngài là: “Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin”. Thật ra, hầu như tất cả các tông đồ đều tỏ ra không dễ dàng tin Chúa đã phục sinh, như thánh sử Mác-cô đã ghi nhận các lần Chúa hiện ra với những người mà sau đó họ nói lại với các tông đồ, nhưng “các ông vẫn không tin” (x.Mc 16,11.13), rồi chính Chúa cũng trách các ông không tin và cứng lòng (x.Mc 16,14).

Riêng đối với tông đồ Tô-ma, việc tin vào Chúa sống lại phải là một kinh nghiệm đi qua những giai đoạn, mà tôi gọi là tiến trình tin. Đức tin hàm chứa một tiến trình. Điều đó cũng gợi mở cho chính đức tin và đời sống đạo của chúng ta. Đức tin phải tiến đến sự trưởng thành và đời sống ki-tô hữu phải là một đời sống kinh nghiệm về sự gắn kết, thân thiết với Thiên Chúa, với các thánh nhân, nghĩa là với cộng đoàn những người tin. Tôi xin chia sẻ với anh chị em về “KINH NGHIỆM ĐỨC TIN”.

 1. CHỮ “NẾU” MỞ RA CHO KINH NGHIỆM

Như nói trên, chúng ta thường nhìn tông đồ Tô-ma với nhãn hiệu “con người hoài nghi”. Thật ra, ngài không hoài nghi, vì hoài nghi là từ chối tin, dù có những bằng chứng nhãn tiền và có thể kiểm chứng được. Niềm tin – hay đức tin – của tông đồ Tô-ma vào sự phục sinh của Chúa Giê-su trải qua những giai đoạn từ “chẳng có tin” đến “hiện diện” rồi “đụng chạm” và cuối cùng là tuyên xưng. Đó là một đức tin đòi hỏi phải có kinh nghiệm về Thiên Chúa. Tất cả những giai đoạn của tiến trình đó khởi đầu bằng chữ “nếu”, nghĩa là đức tin của ông Tô-ma là một đức tin “có điều kiện”. Bây giờ chúng ta cùng phân tích từng giai đoạn của tiến trình đó, dựa vào trình thuật trong tin Mừng theo thánh Gio-an chương 20 từ câu 24 đến 29.

– Giai đoạn một: “vắng mặt”. Khi Chúa hiện ra với các tông đồ, thì ông Tô-ma vắng mặt. Sự vắng mặt là hụt mất cơ hội để chứng kiến, để có trải nghiệm và có bằng chứng. Ông Tô-ma không được những điều đó. Ông vắng mặt, thì Chúa cũng vắng mặt đối với ông. Phải chăng đó là một thiệt thòi? Tôi thiết nghĩ, đó là một cơ may. Tại sao? Vì bản thân ông sẽ vào cuộc một cách tích cực, chứ không “thụ động” chứng kiến những gì xảy ra như các tông đồ khác. Phải có cảm nghiệm cá nhân. Cũng như hai môn đệ trên đường Em-mau đã vào cuộc để dần dần khám phá từ sự vắng mặt của Chúa – vì tưởng Chúa là một khách bộ hành – đến sự hiện diện phục sinh của Người.  

– Giai đoạn hai: “nghe nói”. Vì vắng mặt, không thấy Chúa, nên được người khác cho biết. Các môn đệ khác nói với ông: “Chúng tôi đã được thấy Chúa”. Ông nghe nói về Chúa sống lại. Lời nói của người khác không làm cho ông tin. Tại sao? Thiết nghĩ, lời người khác không thể thay thế niềm tin của bản thân. Tin là phải có trải nghiệm. Lời người khác, đúng ra, là một lời mời gọi đến niềm tin. Chúng ta nhớ lại một trình thuật trong Tin Mừng theo thánh Gio-an về ông Phi-líp, sau khi gặp gỡ Chúa, đã đến nói với ông Na-tha-na-en rằng mình đã gặp “Đấng mà sách Luật Mô-sê và các ngôn sứ nói tới, đó là ông Giê-su, người Na-da-rét”. Trước nhận định của ông Na-tha-na-en về chuyện chẳng có cái gì hay được ở Na-da-rét, thì ông Phi-lip mời gọi “cứ đến mà xem” (x.Ga 1,45-51). Tôi thiết nghĩ, đây cũng là tâm trạng hiện tại của ông Tô-ma khi nghe các môn đệ khác nói về Chúa. Cần nghe nói về Chúa, nhưng cũng cần “đến mà xem”, cần gặp gỡ. Cần có kinh nghiệm về Chúa Phục Sinh.

– Giai đoạn ba: “ra điều kiện”. Vì muốn bản thân “đến mà xem”, nên ông Tô-ma ra điều kiện: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin”. Câu nói của ông Tô-ma không phải là lời từ khước tin một cách tuyệt đối, nhưng là một đức tin cần có điều kiện. Điều kiện đó là “chứng nghiệm bản thân” về những dấu thương tích. Dấu đinh, lỗ đinh, cạnh sườn: đó là những dấu của cuộc khổ nạn. Nếu đụng chạm vào dấu của cái chết của một con người sống, thì đúng thật là Chúa sống lại. Ông Tô-ma rất thông minh và nhạy bén khi nói lên điều kiện này. Đức tin cần có trải nghiệm, kinh nghiệm, mới là đức tin của bản thân; nếu không, chỉ là một thứ đức tin vay mượn.

– Giai đoạn bốn: “hiện diện”. Tám ngày sau, Chúa lại hiện ra và có cả ông Tô-ma ở với các môn đệ khác. Ông Tô-ma hiện diện trong một cộng đoàn những người tin. Ông cần cộng đoàn để có đức tin và sống đức tin. Chúa đến giữa họ. Chúa hiện diện. Một cộng đoàn tin với sự hiện diện của Chúa là dấu chứng của sự sống, của đức tin sống động. Ông Tô-ma đang ở trong bầu khí đó. Ông được chuẩn bị cho kinh nghiệm đức tin.

– Giai đoạn năm: “Chúa đáp ứng”. Chúa nói với ông Tô-ma: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy”. Ông Tô-ma ra điều kiện và Chúa đáp ứng, để ông có trải nghiệm cá nhân về sự đụng chạm vào Chúa. Đây là giai đoạn quan trọng trong tiến trình đức tin, nếu thật sự muốn bản thân đạt tới đức tin trưởng thành. Cần có kinh nghiệm bản thân về Chúa.

– Giai đoạn sáu: “tuyên xưng”. Và khi đã đụng chạm vào Chúa rồi, ông Tô-ma đã quì xuống tuyên xưng bằng một lời tôn thờ: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con”. Thầy của ông sống lại và ông nhìn Thầy ông là Thiên Chúa của ông. Ông không nói “lạy Chúa của chúng con, lạy Thiên Chúa của chúng con”. Ông không tuyên xưng thay ai cả, ông tuyên xưng bằng xác tín của ông vào Chúa với mối liên hệ mật thiết giữa Chúa và ông. Chúng ta nhớ lại trình thuật về việc Chúa hỏi các môn đệ: “Còn anh em, anh em nói Con Người là ai?” Phải có nhận định cá nhân về Chúa. Phải có kinh nghiệm cá nhân về Chúa. Phải có đức tin bản thân vào Chúa.

Chúa nói như là nói cho chúng ta: “Phúc cho ai không thấy mà tin”. Chúng ta không thấy Chúa bằng đôi mắt thể lý, nhưng chúng ta cần đi vào một tiến trình đức tin mà tông đồ Tô-ma gợi lên cho chúng ta qua chính trải nghiệm bản thân ngài. Khi chúng ta đi vào tiến trình đó, như ngài, là chúng ta cũng thiết lập mối tương giao thân ái giữa chúng ta với ngài, với cộng đoàn những con người tin Chúa Giê-su.

 2. TỪ ĐỨC TIN VÀO CHÚA ĐẾN KINH NGHIỆM CỘNG ĐOÀN TIN

Bài đọc một, trích thư thánh Phao-lô gửi giáo đoàn Ê-phê-sô chương 2 từ câu 19 đến 22, đối với tôi, trong thánh lễ kính thánh Tô-ma hôm nay, như là một hệ luận của kinh nghiệm đức tin vào Chúa Phục Sinh. Nếu có kinh nghiệm đức tin vào Chúa Phục Sinh, thì cũng có kinh nghiệm về cộng đoàn những người tin. Và kinh nghiệm đó cũng trải qua một tiến trình mà tôi nhận ra qua các giai đoạn từ “xa lạ” rồi “đồng hương” đến “người nhà”.

Thánh Phao-lô đã viết: “Thưa anh em, anh em không còn phải là người xa lạ hay người tạm trú, nhưng là người đồng hương với các người thuộc dân thánh, và là người nhà của Thiên Chúa”. Thánh Phao-lô khi viết những câu trên, muốn nhấn mạnh đến cộng đoàn tính, Giáo Hội tính, của những người tin. Thật vậy, tin là một xác tín bản thân, cá nhân, vào Thiên Chúa – như chúng ta nói trên kia – nhưng đức tin cá nhân không bao giờ tách lìa khỏi cộng đoàn những người tin. Hơn thế nữa, tin là đi vào đời sống Giáo Hội, đời sống cộng đoàn những người tin. Hai chiều kích – cá nhân và cộng đoàn – của đức tin như hai đầu mối của một sợi giây. Nhưng để đi vào cộng đoàn của những người tin, nghĩa là Giáo Hội, cần có kinh nghiệm về một tiến trình.

– Tiến trình đó bắt đầu bằng việc, “không xa lạ”. Xa lạ là ở xa và không thân thiết. Thánh Phao-lô, cũng trong thư Ê-phê-sô, trong những câu trước trích đoạn hôm nay, đã sử dụng từ “người ở xa”, là những người “dân ngoại”, “không có đức tin vào Chúa Ki-tô”. Xa lạ với Chúa Giê-su Ki-tô – nghĩa là chưa có đức tin vào Người – thì cũng xa lạ với nhau. Bây giờ, đã nhận đức tin vào Chúa, thì trở thành những người ở gần. Đức tin liên kết và làm cho những người tin gần nhau. Khi tông đồ Tô-ma tuyên bố: “Tôi chẳng có tin”, là đã toạ nên một khoảng cách với các môn đệ khác. Chắc chắn các ông, trong thời gian đó, cũng cảm thấy “xa” và “lạ” với ông Tô-ma. Như vậy, một dấu chỉ của đức tin là liên kết, là gắn kết, là qui tụ. Chúng ta có thực sự “gần nhau” hay “xa lạ” nhau, trong khi cử hành phụng vụ, trong cuộc sống và các sinh hoạt hằng ngày. Thánh Phao-lô tuyên bố: “Trước kia, anh em là những người ở xa, nhưng nay, trong Đức Ki-tô Giê-su, nhờ máu Đức Ki-tô đổ ra, anh em đã trở nên những người ở gần” (Ep 2,13).

– Rồi “là người đồng hương”, nghĩa là những người cùng một nơi sống, cùng một quê hương, cùng một số phận. Những người đồng hương hiểu ngôn ngữ của nhau, những ngôn ngữ địa phương. Những người đồng hương hiểu tâm tính của nhau, vì họ có mẫu số chung trong nếp suy tư. Những người đồng hương có số phận như nhau, vì họ sống liên kết với nhau trong tình thân. Chúng ta là đồng hương với nhau. “Không xa lạ” là mặt tiêu cực, còn “đồng hương” là mặt tích cực. Chúng ta gắn kết, nhưng trong cuộc sống có trợ giúp nhau không? Người ta vẫn nhấn mạnh vẻ đẹp của “tình đồng hương” mà! Tất cả những người tin – dù thuộc sắc tộc nào, dù trong nền văn hoá nào, dù sống nơi nào…- tất cả là đồng hương với nhau. Phụng vụ, Thánh Lễ, các Bí Tích, các việc đạo đức… là ngôn ngữ của những người tin, của những người đồng hương. Việc thi hành bác ái là tiếng nói chung của những người tin, những người đồng hương với nhau. Và bất cứ sinh hoạt nào của Giáo Hội đều là sinh hoạt của những người tin, những đồng hương với nhau.

– Cuối cùng, điểm tới là “người nhà”. Chúng ta đã nói đến gần gũi – không xa lạ -, nói đến đồng hương, và bây giờ là người nhà. Nhưng người nhà của ai? Nếu người nhà của hoàng đế Xê-da, hay của Hê-rô-đê hay bất cứ một lãnh tụ nào, thì làm người nhà của họ không làm nên cộng đoàn đức tin, hay Giáo Hội. Thánh Phao-lô nhấn mạnh “người nhà của Thiên Chúa”. Chúng ta là người nhà của Thiên Chúa. Đó là vinh dự của chúng ta. Và chúng ta hãy đối xử với nhau là “người trong nhà”, người trong “nhà Chúa”. Ngôi nhà đó, cần phải ăn khớp với nhau: “Trong Chúa Giê-su Ki-tô, toàn thể công trình xây dựng ăn khớp với nhau thành ngôi đền thánh trong Chúa. Trong Người, cả anh em nữa, cũng được xây dựng cùng với những người khác thành ngôi nhà Thiên Chúa ngự, nhờ Thần Khí.

Lễ kính thánh Tô-ma Tông Đồ mở cho chúng ta nhiều điều tốt đẹp của đức tin. Ước gì những điều tốt lành đó hiện thực trong cuộc đời mỗi chúng ta. Ước gì mỗi chúng ta đều có kinh nghiệm sâu mạnh về đức tin vào Chúa Giê-su Ki-tô và kinh nghiệm về Giáo Hội, về cộng đoàn chúng ta đang sống, cộng đoàn giáo phận, giáo xứ hay dòng tu.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ngày 26-7, thánh Gioakim và thánh Anna, song thân Đức Maria, Mt 13,16-17: Mối phúc được thấy được nghe

Ngày 26-7, Thánh Gioakim và Thánh Anna, song thân Đức Maria, Mt 13,16-17 Mối phúc được thấy được nghe Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Tin Mừng hôm...

Ngày 25-7, thánh Giacôbê Tông đồ, Mt 20,20-28: Chọn chỗ nhất trong nước Chúa

Ngày 25-7, Thánh Giacôbê Tông đồ, Mt 20,20-28 Chọn chỗ nhất trong nước Chúa Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Đoạn Tin mừng hôm nay có liên hệ...

Ngày 22-7, Lễ kính thánh Maria Magdalena, Ga 20,1-2.11-18: Tôi đi tìm Đấng tôi yêu

Ngày 22-7, Lễ kính thánh Maria Magdalena, Ga 20,1-2.11-18 Tôi đi tìm Đấng tôi yêu Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Ngày 3/6/2022 Đức thánh cha Phanxicô đã...

Thứ Năm Tuần XV Thường niên, Mt 11,28-30: Hãy đến cùng tôi, hãy học với tôi

Thứ Năm Tuần XV Thường niên, Mt 11,28-30 Hãy đến cùng tôi, hãy học với tôi Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Tin Mừng hôm nay gợi lên...

Thứ Bảy Tuần XIV Thường niên, Is 6,1-8 (năm chẵn): Ơn gọi của Isaia và ơn gọi của mỗi chúng ta

Thứ Bảy Tuần XIV Thường niên, Is 6,1-8 (năm chẵn) Ơn gọi của Isaia và ơn gọi của mỗi chúng ta   Lasan Ngô Văn Vỹ,...

Thứ Sáu Tuần XIV Thường niên, Mt 10,16-23 Kitô hữu khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu

Thứ Sáu Tuần XIV Thường niên, Mt 10,16-23 Kitô hữu khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Chúa Giêsu ví...

Thứ Sáu Tuần XIV Thường niên, Mt 10,16-23; Hs 14,2-10 (năm chẵn) Cậy dựa nơi Thiên Chúa

Thứ Sáu Tuần XIV Thường niên, Mt 10,16-23; Hs 14,2-10 (năm chẵn) Cậy dựa nơi Thiên Chúa Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Trong bài trích sách ngôn...

Thứ Năm Tuần XIV Thường niên, Mt 10, 7-15: Được cho không phải cho không

Thứ Năm Tuần XIV Thường niên, Mt 10, 7-15 Được cho không phải cho không Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu sai...

Thứ Tư Tuần XIV, Thường niên, Mt 10,1-7 Thi hành sứ vụ Chúa trao

Thứ Tư Tuần XIV, Thường niên, Mt 10,1-7 Thi hành sứ vụ Chúa trao Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Tin Mừng hôm nay, tường thuật việc...

Thứ Ba Tuần XIV Thường niên, Mt 9,32-38: Cánh “đồng lúa” chín đang cần “thợ gặt”

Thứ Ba Tuần XIV Thường niên, Mt 9,32-38 Cánh “đồng lúa” chín đang cần “thợ gặt” Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Tin Mừng hôm nay thuật lại...

Thứ Hai Tuần XIV Thường niên, Mt 9,18-26: Chạm vào Chúa

Thứ Hai Tuần XIV Thường niên, Mt 9,18-26 Chạm vào Chúa Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Tin Mừng hôm nay thuật lại hai phép lạ của lòng...

Thứ Bảy Tuần XIII Thường niên, Mt 9,14-17: Tâm thế mới trong Nước Thiên Chúa

Thứ Bảy Tuần XIII Thường niên, Mt 9,14-17 Tâm thế mới trong Nước Thiên Chúa Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Người ta ăn chay với nhiều mục...