Ngày Mùng Hai Tết
Hc 44, 1.10-15; Ep 6, 1-4.18-23; Mt 15, 1-6
KÍNH NHỚ TỔ TIÊN, ÔNG BÀ CHA MẸ
Lm. John Chrysostom Nam, TP.
Trong mùng một tết, Giáo Hội dạy chúng ta dâng lời tạ ơn Chúa và cầu bình an, trong ngày mồng hai tết, Giáo Hội mời gọi chúng ta kính nhớ tổ tiên, ông bà và cha mẹ. Mừng lễ hôm nay là dịp nhắc nhở chúng ta nhớ đến cội nguồn của mình và công ơn sinh thành dưỡng dục của các bậc tiền nhân…
Đối với người Á Đông nói chung và người Việt Nam nói riêng rất đề cao “chữ HIẾU” và nâng “chữ Hiếu lên thành ĐẠO”, đó là ĐẠO HIẾU. Kẻ làm con phải “Dĩ hiếu vi tiên” nghĩa là lấy hiếu làm đầu. Chính vì thế, theo truyền thống Nho giáo, trong các tội thì tội bất hiếu là tội nặng nhất. Bởi vậy, từ thuở mới cắp sách tới trường, bài học đầu tiên của ta là: “Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra, một lòng thờ mẹ kính cha, cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.
Sự hiện diện của mỗi người trên cõi đời này không phải là một sự xuất hiện tình cờ hay ngẫu nhiên, nhưng cả một công trình vĩ đại, một chuỗi dài những liên hệ yêu thương đến từ các bậc tổ tiên, ông bà, cha mẹ mà có. Người ta thường nói: “chim có tổ, suối có nguồn, còn người thì có tổ tiên”.
Trong văn hóa Kitô giáo, chữ Hiếu càng được quý trọng hơn nữa, vì “Hiếu thảo” đối với cha mẹ không phải chỉ là một cảm tình tự nhiên ruột thịt hay là một định chế xã hội mà còn là một điều răn Chúa dạy: điều răn thứ 4 trong 10 điều răn Chúa truyền qua ông Môsê, đó là “thảo kính cha mẹ”.
Các bài đọc Lời Chúa thánh lễ hôm nay, xoay quanh chủ đề chữ Hiếu. Bài đọc 1, sách Huấn Ca, nhắc nhở chúng ta ca ngợi những vị danh nhân, cũng là cha ông của chúng ta qua các thế hệ, công đức của họ không chìm vào quên lãng. Dòng dõi các ngài luôn được hưởng một gia tài quý báu đó là lũ cháu đàn con: “Miêu duệ họ sẽ tồn tại đến muôn đời, và vinh quang của họ không bao giờ bị lu mờ. Thân xác họ được chôn cất bình an, tên tuổi họ sẽ sống đời này qua đời nọ… Dân dân sẽ kể lại đức khôn ngoan của các ngài và cộng đoàn vang tiếng ngợi khen.” (Hc 44, 12-15).
Bài đọc 2, thánh Phaolô dạy chúng ta qua thư gửi tín hữu Ephêsô: “Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ, theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: Để ngươi được hạnh phúc và trường thọ trên mặt đất này” (Ep 6,1). Đó là tư tưởng mà thánh Phaolô đã lặp lại lời Chúa trong sách Xuất Hành: “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, để được sống lâu trên đất mà ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi, ban cho ngươi” (Xh 20,12).
Bài Tin Mừng, Chúa Giêsu cũng nhắc lại lời trong sách Xuất Hành và Lêvi: “Ngươi phải thờ cha kính mẹ, kẻ nào nguyền rủa cha mẹ thì phải bị xử tử”. Nhất là Chúa Giêsu khiển trách những luật sĩ và biệt phái về việc áp dụng sai luật Chúa. Đối với họ, lễ vật gọi là “Coban”, tức là những gì họ dâng cho Chúa rồi thì họ không còn bổn phận giúp cha mẹ nữa.
Trong đời sống và sứ vụ của Chúa Giêsu không chỉ nhắc nhở con người về đạo làm con mà chính Ngài từng sống và làm Người Con đẹp lòng Thiên Chúa Cha. Hơn nữa, khi nhập thể làm người, Ngài cũng luôn thảo kính, vâng phục Đức Maria và thánh cả Giuse.
Trong bức tâm thư gửi các gia đình nhân dịp năm quốc tế gia đình năm 1994, thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã viết như sau: “Hãy thảo kính cha mẹ bởi vì các vị ấy là những người đại diện của Chúa, những người đã ban tặng sự sống cho ngươi, đã đưa ngươi vào cõi sống nhân linh, vào trong một dòng dõi, một quốc gia, một nền văn hóa. Sau Thiên Chúa, các vị ấy là những ân nhân đầu tiên của ngươi. Nếu chỉ một mình Thiên Chúa là đấng tốt lành, nếu chỉ mình Ngài là Đấng thiện hảo, thì cha mẹ ngươi cũng được thông phần một cách độc nhất vô nhị vào chính sự tốt lành tối thượng ấy. Bởi đó ngươi hãy thảo kính Cha mẹ ngươi” (số 18).
Thật là ý nghĩa, khi Giáo Hội Việt Nam chọn ngày Mồng Hai Tết để kính nhớ tổ tiên và ông bà cha mẹ, những người còn sống cũng như những kẻ đã qua đời. Bổn phận hiếu thảo với các bậc tổ tiên, ông bà, cha mẹ là: Hãy chăm sóc, phụng dưỡng lúc các ngài còn sống. Hãy dâng một nén hương, một lời nguyện cầu lên Thiên Chúa để cầu nguyện cho linh hồn các ngài. Có như vậy, ngày Xuân của chúng ta không chỉ dừng lại mùa xuân của ân nghĩa, ân tình đối với nhau nhưng còn là mùa xuân của lòng báo hiếu với người đã khuất; vì chính Thiên Chúa là Mùa Xuân đích thực và Mùa Xuân vĩnh cửu trong cuộc đời và ơn gọi chúng ta. Amen.