“LẠY CHÚA, XIN TRÁNH XA CON, VÌ CON LÀ KẺ TỘI LỖI!”
(Bài Suy Niệm Thứ 5 tuần XXII TN)
Thánh Gioan quả quyết: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để những ai tin vào Con của Ngài thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Khởi đi từ chân lý và nguyên lý nền tảng này nên dù bất cứ ở đâu và thời đại nào con người cũng luôn khao khát kiếm tìm chân lý là ơn cứu độ. Về phía Thiên Chúa Ngài cũng luôn tìm kiếm con người để ban ơn cứu độ.
Tội lỗi làm con người xa cách Thiên Chúa, mất ơn cứu độ nên để cứu chuộc chúng ta, Chúa Giêsu đã vâng lời Chúa Cha xuống thế làm người, rao giảng cho người ta biết về Nước Thiên Chúa, chịu chết trên thánh giá và sống lại để con người được sống, được ơn cứu độ. Kinh Tin Kính Nicea – Constantinop diễn tả căn cốt sứ mệnh này như sau: “Vì loài người chúng tôi và để cứu rỗi chúng tôi, Người đã từ trời xuống thế…”. Chỉ nguyên thánh danh của Người đã nói lên điều đó: “Giêsu” có nghĩa là Thiên Chúa cứu độ. Thánh Phaolô trong bài đọc I (Cl 1, 9-14) cho chúng ta biết mục đích cuộc vượt qua của Chúa Giêsu đó là: “Nhờ Chúa Giêsu đổ máu mình ra, chúng ta được ơn cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi” (Cl 1, 13-14).
Đức Giêsu Kitô đã chịu chết và phục sinh để phục hồi sự sống cho chúng ta, điều đó cho thấy tình thương yêu và lòng nhân từ của Thiên Chúa lớn lao dường nào cũng đồng thời cho thấy niềm vui và hạnh phúc của chúng ta đến mức nào. Về điều này thánh Phaolô đã quả quyết: “Đức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta” (Rm 5, 8). Đúng vậy, Thiên Chúa hằng tìm kiếm con người trước, đặc biệt là tội nhân để thi thố tình yêu và ơn cứu độ, bởi vì “Thiên Chúa muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý” (1Tm 2, 4).
Ơn cứu độ là tặng ân yêu thương của Thiên Chúa trong Chúa Kitô. “Cứu độ” có nghĩa “giải phóng khỏi sự dữ” và sự dữ lớn nhất là cái chết vốn do tội lỗi gây nên. Chúa Giêsu Kitô là Đấng Cứu Độ trần gian: Người đến để giải phóng con người khỏi sự dữ, tội lỗi và sự chết. Chính vì thế nếu thánh Phêrô trong bài Tin mừng (Lc 5, 1-11) tự nhận mình là kẻ yếu đuối tội lỗi, không dám và không đáng gần Chúa, không đáng được Chúa thi thố ân huệ lớn lao, không dám nhận lãnh ơn cứu độ “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!, thì Thánh Phaolô trong thư gởi tín hữu Côlôsê (bài đọc I) xác nhận rằng chúng ta hãy đến gần Chúa Giêsu hơn nữa; bởi vì “trong Thánh Tử, ta được ơn cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi”.
Tác giả thư Dothái viết rằng: “Đức Giêsu Kitô là Đấng Cứu Độ duy nhất”, “Người hằng tha thứ tội lỗi cho ta”. Cho nên thật có lý khi chúng ta được thánh Phêrô minh xác cách chắc chắn: “Anh chị em biết anh chị em đã được cứu chuộc… không phải bằng những thứ hay hư nát như bạc hay vàng, nhưng bằng máu châu báu của Chúa Kitô, như máu con chiên không tì vết” (1Pr 1, 18-19). Nơi khác ngài viết rằng: “Người đã mang tội lỗi chúng ta vào thân xác Người trên thập giá, để chúng ta có thể chết đối với tội lỗi và sống đời sống công chính. Anh chị em đã được chữa lành nhờ các thương tích của Người” (1Pr 2, 24-25).
Ý thức thân phận mỏng giòn yếu đuối của mình nên hơn bao giờ hết chúng ta cần xích lại gần Chúa để được yêu thương, tha thứ, chúc lành, ban ân sủng, ban ơn cứu độ. Chính vì biết và muốn đến gần Chúa, người ta mới có thể thực lòng xin Chúa hãy “tránh xa”; nghĩa là tìm thấy khoảng trống vời vợi giữa sự công chính thánh thiện của Thiên Chúa và thân phận tội lỗi yếu hèn của con người. Nhân vật Phêrô trong bài Tin mừng là đại diện cho đời sống đạo của chúng ta. Quả thế, trong hành trình tâm linh của chúng ta luôn luôn cần có hai chuyển động: “đến gần” và “tránh xa”. “Đến gần” để nghe Chúa, đến gần để có thể đụng chạm được Chúa, đến gần để được chữa lành, để thấy mình được yêu thương… “Tránh xa” không phải là quay đi, là giã từ, là bỏ đi, là nói không với Chúa nhưng xa những gì không thuộc về thế giới Thiên Chúa, xa những gì cản trở khiến chúng ta không gần được Chúa, xa những gì khiến chúng ta không thấy hay làm lu mờ sự công chính yêu thương của Chúa.
Thánh Gioan quả quyết: “Thiên Chúa đã phái Con Một đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng để thế gian nhờ Người mà được cứu độ” (Ga 3, 17). Đúng vậy, cho dù Phêrô có khẩn khoản mời Chúa tránh xa thì Chúa vẫn ở đó với ông, Thiên Chúa vẫn yêu thương tha thứ và cứu chuộc ông cũng như mọi người. Sứ mạng của Chúa Giêsu đến trần gian là như thế. Sau này thánh Phêrô cho chúng ta biết sự xác tín của mình: “ngoài Chúa Giêsu ra không ai đem lại ơn cứu chuộc cho chúng ta” (Cv 4, 12).
Như vậy, với lời khiêm tốn của thánh Phêrô với Chúa Giêsu “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!”, sứ điệp Tin mừng hôm nay như một nhắc nhở để chúng ta một lần nữa tuyên xưng niềm tin của mình vào Chúa Giêsu Kitô – Đấng cứu độ trần gian. Nhờ niềm tin tưởng được Chúa thương tha thứ tội lỗi, ban ơn cứu độ cuộc đời chúng ta sẽ được biến đổi: Thay vì chúng ta xin Chúa tránh xa thì xin Chúa đến gần, thay vì ưa thích hoặc tìm kiếm những gì ngược với giáo huấn của Chúa thì xin cho được tránh xa… Với sự hiện diện đầy cảm thông, yêu thương và kế hoạch cứu độ nhân từ của Thiên Chúa sẽ là điều hấp dẫn lôi kéo sự chú ý cũng như gieo rắc lòng khát khao của chúng ta mỗi ngày để đến gần Chúa hơn, quảng đại và can đảm xa lánh những gì cản ngăn chúng ta đến với Ngài, vui sướng đón nhận ơn tha thứ và cứu độ của Chúa. Amen.
Mai Thi