Thứ Bảy, 27 Tháng Bảy, 2024

LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA: TRỜI MỞ RA (ĐỨC TGM GIUSE NGÔ QUANG KIỆT)

Lễ Chúa Giêsu chịu Phép Rửa

TRỜI MỞ RA

 

Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt

I.TINH BỘT: Ý chính của các bài đọc

Is 40,1-5.9-11

Chúa đang đến. Nhưng trước hết chúng ta phải làm đường đón Chúa. Khi sửa chữa con đường vinh quang Chúa sẽ tỏ hiện. Chúa ngự đến đầy uy quyền. Nhưng cai trị chúng ta trong tình yêu thương. Như người mục tử chăm sóc đoàn chiên.

Tv 103,1-4. 24-30

Chúa tràn đầy quyền năng và tình thương nên đã dựng nên muôn loài muôn vật. Thần Khí Chúa là sự sống. Con người phạm tội đánh mất Thần Khí nên phải chết. Nhưng Chúa lại yêu thương trả lại sự sống cho con người.

Tt 2,11-14; 34-7

Chúa Kitô đã tự hiến mình để thanh luyện chúng ta. Người lập bí tích Thánh Tẩy ban ơn tái sinh và đổi mới ta bằng Thánh Thần. Vì thế ta phải đổi mới đời sống. Sống theo Thần Khí. Từ bỏ lối sống theo xác thịt.

Lc 3,15-16.21-22

Gioan làm phép rửa trong nước. Chúa Giêsu sẽ đến làm phép rửa bằng Thánh Thần và bằng lửa. Khi Chúa Giêsu chịu phép rửa, trời mở ra. Thánh Thần ngự xuống trên Người. Chúa Cha tuyên dương Người là Con yêu dấu.

II.TINH LUYỆN: Tổng hợp ý chính của các bài đọc

Thánh vịnh 103 ca tụng vinh quang Chúa. Vinh quang Chúa tràn ngập đất trời. Nhưng vinh quang chói lọi là Chúa ban sự sống và gìn giữ sự sống cho muôn loài muôn vật.

Isaia cho biết vinh quang Chúa còn bị những chướng ngại che khuất. Con người phải phá bỏ những chướng ngại. Phải bạt núi cao, lấp đầy hố sâu, uốn đường quanh co cho ngay thẳng. Rồi mới được chiêm ngưỡng vinh quang Chúa. Và nhất là được hưởng tình yêu thương chăm sóc của Chúa.

Bài Tin mừng cho biết vinh quang Chúa xuất hiện khi Chúa Giêsu khiêm nhường bước xuống dòng sông để được Gioan rửa tội. Lập tức trời mở ra. Có tiếng Chúa Cha tuyên dương Chúa Giêsu là con yêu dấu. Có Thánh Thần xuất hiện như chim bồ câu. Một cuộc thần hiện có đầy đủ Ba Ngôi Thiên Chúa. Vinh quang là tình yêu. Tình yêu giữa Ba Ngôi Thiên Chúa. Tình yêu thương cứu độ nhân loại.

Thư Titô giải thích: Khi chịu phép rửa Chúa Giêsu thiết lập bí tích Thánh Tẩy  để ban ơn tái sinh và đổi mới ta nhờ Thánh Thần. Khi chịu phép Thánh Tẩy ta phải từ bỏ con người cũ là lối sống vô luân và đam mê trần tục. Sống cho con người mới theo Thánh Thần là công chín h và đạo đức. Như thế ta sẽ được hưởng sự sống đời đời.

III.TINH CHẾ: Một bài đề nghị

Khi Chúa Giêsu chịu phép rửa thì trời mở ra. Và mọi người được nhìn thấy vinh quang của Thiên Chúa.

Xưa kia vinh quang Thiên Chúa chiếu toả qua những công trình vĩ đại. Thánh vịnh 103 nhắc đến kỳ công tạo dựng. Vịnh gia, choáng ngợp trước những tác phẩm kỳ vĩ của Thiên Chúa, đã phải cúi đầu cất tiếng ngợi ca: “Lạy Chúa là Thiên Chúa con thờ, Chúa muôn trùng cao cả! Áo Ngài mặc: toàn oai phong lẫm liệt, cẩm bào Ngài khoác: muôn vạn ánh hào quang.” Cả vũ trụ sáng ngời vinh quang Thiên Chúa. Như lời Thánh vịnh 18A: “Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa. Không trung loan báo việc tay Người làm.”

Nhưng hôm nay trời mở ra và vinh quang Chúa lại xuất hiện. Nhưng với một diện mạo và nội dung khác hẳn. Xưa kia Ngôi Lời uy phong tạo dựng vũ trụ: Một lời Chúa phán làm ra chín tầng trời, một hơi Chúa thở tạo thành muôn tinh tú.” (Tv 33,6) Nhưng hôm nay Ngôi Lời đã trở thành xác phàm. Ngôi Lời trở thành bé nhỏ khiêm nhường. Còn hơn thế nữa, Ngôi Lời tự liệt mình vào hàng ngũ những người thú nhận tội lỗi xin Gioan làm phép rửa thống hối. Ôi sự khiêm nhường của Thiên Chúa thật sâu thẳm dường nào! Thiên Chúa vô cùng cao sang trở nên một con người vô cùng nghèo hèn. Và còn hơn thế nữa. Thiên Chúa vô cùng thánh thiện tự nhận là một tội nhân thấp hèn. Thật lạ lùng. Đó lại chính là vinh quang của Thiên Chúa. Khi sự khiêm nhường của Chúa Giêsu xẻ đôi dòng nước. Thì vinh quang Thiên Chúa cũng xé trời mở ra. Chúa Cha và Chúa Thánh Thần đồng loạt xuất hiện. Là bằng chứng cho thấy: Khiêm nhường chính là vinh quang của Thiên Chúa.

Ngôi Lời giáng trần là kết quả của tình yêu Thiên Chúa. Trước hết đó là tình yêu vô biên của Chúa Cha: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một” (Ga 3,16). Yêu nhân loại đến nỗi trao ban chính Con Một của mình. Đó cũng là tình yêu của Chúa Giêsu. Người Con Một sẽ dâng hiến mạng sống để cho thế gian được sống. Chịu gìm xuống dòng nước báo trước Chúa sẽ chịu chết cho tội lỗi của loài người. Đó là một tình yêu lớn lao không gì so sánh được. Như Chúa quả quyết: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.” (Ga 15,13) Chúa Giêsu chịu chết vì vâng lời Chúa Cha. Chúa chịu chết để hoàn thành thánh ý Chúa Cha. Đó là người con hiếu thảo. Chính vì thế sau khi Chúa Giêsu được đưa lên khỏi dòng nước, trời mở ra và Chúa Cha đã tuyên dương: “Con là Con yêu dấu của Cha; Cha hài lòng về Con.” Trời mở ra cho ta thấy tình yêu của Thiên Chúa. Tình yêu chính là vinh quang của Thiên Chúa.

Chúa Giêsu chịu chết là để cứu sống chúng ta. Thư Titô dạy: “Vì chúng ta, Người đã tự hiến để cứu chuộc chúng ta cho thoát khỏi mọi điều bất chính…Người cứu chúng ta nhờ phép Rửa ban ơn tái sinh và đổi mới do Thánh Thần thực hiện.” Quả thật trong các công trình tạo dựng của Thiên Chúa, không công trình nào cao trọng như con người. Nhưng nếu việc tạo dựng nên con người là kỳ vỹ thì việc cứu chuộc con người là vô tiền khoáng hậu. Ban sự sống là quyền năng vô cùng lớn lao của Thiên Chúa. Nhưng phục hồi sự sống là quyền năng tuyệt đối không gì so sánh được. Đó là cuộc chiến thắng thần chết. Đó là chiến tích lẫy lừng. Tái sinh con người chính là vinh quang của Thiên Chúa.

Quyền năng Thiên Chúa được biểu lộ trong tình yêu. Tình yêu Thiên Chúa đề ra một chương trình kỳ diệu hơn ta có thể tưởng tượng. Không những phục hồi sự sống mà còn nâng ta lên làm con Thiên Chúa. Không những ban cho ta những gì thuộc phạm vi con người mà còn ban cho ta những ân sủng thuộc phạm vi Thiên Chúa. Cho ta được sự sống của chính Thiên Chúa. Cho ta được đồng thừa kế với Chúa Giêsu Kitô: “Như vậy, một khi nên công chính nhờ ân sủng của Đức Kitô, chúng ta được thừa hưởng sự sống đời đời như chúng ta vẫn hy vọng.” Như vậy trời mở ra không phải chỉ vì Chúa Giêsu Kitô mà còn vì chúng ta. Trời mở ra không phải chỉ để Chúa Giêsu Kitô xuống thế. Trời mở ra để đưa chúng ta lên trời hưởng vinh quang với Chúa. Thật tuyệt vời: ta được vinh quang. Không phải vinh quang của con người nhưng là vinh quang của Thiên Chúa. Nhưng điều đó càng cho thấy quyền năng của Thiên Chúa. Quả thật: Vinh quang của con người chính là vinh quang của Thiên Chúa.

Đó là cả một tiến trình thần hoá. Tiến trình này nhanh hay chậm là tuỳ thuộc vào chúng ta. Chúa đã làm mọi việc về phía Chúa. Chúa đang chờ chúng ta đáp lại tình yêu và lời mời gọi của Chúa. Đó là hãy sống ơn gọi của bí tích Thánh Tẩy. Vinh quang Chúa đã chiếu toả. Nhưng vẫn còn bị che khuất bởi những chướng ngại của thế gian.

Theo Isaia thì đó là những cản trở mà ta phải vượt qua: “Mọi thung lũng sẽ được lấp đầy, mọi núi đồi sẽ phải bạt xuống, nơi lồi lõm sẽ hoá thành đồng bằng, chốn gồ ghề nên vùng đất phẳng phi. Bấy giờ vinh quang Đức Chúa sẽ tỏ hiện và mọi người phà sẽ cùng được thấy.”

Thư Titô thì cho biết những cản trở đó không phải ở bên ngoài mà ở bên trong ta. Vì thế ta phải đổi mới đời sống: “Ân sủng đó dạy chúng ta phải từ bỏ lối sống vô luân và những đam mê trần tục, mà sống chừng mực, công chính và đạo đức ở thế gian này.” Đó là sống ơn gọi bí tích Thánh Tẩy. Đó là từ bỏ lối sống theo xác thịt mà sống theo Thần Khí. Đó là chiếu toả vinh quang Thiên Chúa. Quả thật, sống theo Thánh Thần là chiếu toả vinh quang Thiên Chúa.

IV.TINH HOA: Gợi ý xét mình và chia sẻ

1.Trong các tình huống chiếu toả vinh quang của Thiên Chúa, bạn ấn tượng với tình huống nào nhất? Tại sao?

2.Thiên Chúa quý trọng sự sống của ta. Bạn nghĩ sao về điều này?

3.Chúa Giêsu đã chiếu toả vinh quang Thiên Chúa như thế nào?

4.Bạn sẽ làm gì và sống thế nào để chiếu toả vinh quang Thiên Chúa?

V.TINH LỰC: Thực hành Lời Chúa

1.Tôi từ bỏ lối sống theo xác thịt. Đặc biệt diệt trừ thói kiêu căng và nói hành nói xấu.

2.Tôi noi gương Chúa Kitô sống khiêm nhường và luôn biết nhận lỗi khi sai lỗi.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chúa Nhật XVII TN, B, Ga 6,1-15: Từ những điều bé nhỏ

  TỪ NHỮNG ĐIỀU BÉ NHỎ (2V 4,42-44; Ep 4,1-6; Ga 6,1-15) M. Tân Trang, Vĩnh Phước Sự kiện xảy ra gần biển hồ Galile, lúc sắp đến...

Chúa Nhật XVI, Thường niên, Năm B, Mc 6,30-34: Con chiên –  Mục tử

Chúa Nhật XVI, Thường niên, Năm B, Mc 6,30-3 Con chiên -  Mục tử Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Lời Chúa hôm nay gợi lên cho chúng...

Chúa Nhật XVI TN, B: Tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa

  TÌNH YÊU VÀ LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA FM. Paul Nguyễn, PV Chiêm ngưỡng dung mạo lòng thương xót của Đức Giêsu qua trình thuật...

Chúa Nhật XVI TN, B, Mc 6,30-34: Cần lánh riêng ra một nơi

    CẦN LÁNH RIÊNG RA MỘT NƠI (Mc 6,30-34) M. Pacômiô Nguyễn Sơn Vinh, Phước Hiệp Theo quan niệm của Kitô giáo, con người gồm xác và hồn....

Chúa Nhật XVI TN, B, Mc 6,30-34: “Hãy tìm nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi”

     “HÃY TÌM NƠI THANH VẮNG MÀ NGHỈ NGƠI” (Mc 6,30-34) Đức Minh, Phước Lý Tin Mừng Chúa nhật XVI hôm nay tường thuật về cuộc hội ngộ...

Chúa Nhật XV TN, B, Mc 6,7-13: Thực hiện lệnh truyền của Chúa

THỰC HIỆN LỆNH TRUYỀN CỦA CHÚA (Mc 6,7-13) Lm. Trần Văn Long, Fatima Đôi khi nhìn những người ăn xin, những người tàn tật trên đường phố,...

Lễ thánh Biển Đức, Mt 19,27-29: Con đường đi tới hạnh phúc

CON ĐƯỜNG ĐI TỚI HẠNH PHÚC (Cn 2,1-9; 1Cr 1,26-31; Mt 19,27-29) M. Gioan Tân, Thiên Phước Có thể nói hạnh phúc là mục đích sống và...

Chúa Nhật XIV Thường niên, Năm B, Mc 6,1-6: Kitô hữu – Ngôn sứ giữa đời

Chúa Nhật XIV Thường niên, Năm B, Mc 6,1-6 Kitô hữu - Ngôn sứ giữa đời Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist “Ngôn sứ có bị rẻ rúng...

Chúa Nhật XIV TN, B, Mc 6,1-6: Không nhận ra Chúa

    KHÔNG NHẬN RA CHÚA (Mc 6,1-6) Tùng Linh, Phước Lý Năm 1958, sau khi Đức Giáo Hoàng Piô XII qua đời, các báo chí mô tả ngài...

Chúa Nhật XIII Thường niên, Năm B, Mc 5,21-43: Hai phép lạ của lòng tin

Chúa Nhật XIII Thường niên, Năm B, Mc 5,21-43 Hai phép lạ của lòng tin Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Tin không chỉ là loan tin,...

Chúa Nhật XIII TN, B, Mc 5,21-43: Hai cái đụng

  HAI CÁI ĐỤNG (Mc 5,21-43) M. Bosco, PS Đức tin của con người là yếu tố có thể tác động đến Thiên Chúa. Các phép lạ xảy...

Chúa Nhật XIII TN, B, Mc 5,21-43: “Đừng sợ, chỉ cần tin thôi”

    „ĐỪNG SỢ, CHỈ CẦN TIN THÔI“ (Mc 5,21-43) Đăng Khoa, Phước Lý "Đừng sợ, chỉ cần tin thôi". Đó là lời trấn an của Chúa Giêsu trước...