Lễ Giáng Sinh
ÁNH SÁNG THẬT CHIẾU SOI MỌI NGƯỜI
(Ga 1,1-18)
Mai Lệ Thi, CĐ Phước Thiên
Các bậc thầy trong thiên hạ bao gồm mọi lãnh vực khoa học, kỷ thuật, công nghệ… và ngay đến cả lãnh vực tu đức. Dù thành quả nghiên cứu, tư tưởng thâm thúy hay có bề dày kinh nghiệm… được người đời ca tụng tới đâu thì những ánh sáng đó cũng chỉ chiếu soi cho một số người và bị dưới hạn bởi không gian và thời gian. Bài Tin Mừng hôm nay thánh Gioan đã giới thiệu cho ta một bậc thầy vĩ đại vượt không gian và thời gian, được mệnh danh là Ánh Sáng Thật, chiếu soi mọi người.
1. Ngôi Lời Là Ánh Sáng Thật
Tội Nguyên Tổ khiến sự dữ đã xâm nhập trần gian. Thế lực sự dữ luôn tìm mọi cách để nhấn chìm con người trong bóng tối: từ bóng tối kiêu căng của Evà đến bóng tối ghen ghét của Cain; từ bóng tối khép kín số phận con người vào sự vô nghĩa của định mệnh đến bóng tối cá nhân và hưởng thụ hiện nay[1].
Khởi đầu Tin Mừng thánh Gioan đã khẳng định: “Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người” (Ga 1,9). Trọn cuộc đời Đức Giêsu từng lời nói và hành động của Ngài đều chiếu soi trên mọi người; Ngài Nhập Thể trong cung lòng của Đức Maria, rao giảng, chịu tử nạn và phục sinh để biểu hiện ánh sáng chương trình cứu độ của Chúa Cha. Hạ mình trong hình hài trẻ sơ sinh biểu hiện đức khiêm nhường, Ngài chịu ma quỷ cám dỗ trong sa mạc biểu hiện sự đồng cảm với con người và kêu mời chúng ta luôn tỉnh thức và cầu nguyện. Ngài mở miệng người câm, cho kẻ què đi được, người mù nhìn thấy biểu hiện ánh sáng quan tâm và nâng đỡ người bất hạnh. Ngài không bao bị, tiền bạc, không chốn dung thân khi đi rao giảng, biểu hiện ánh sáng tin tưởng và phó thác vào Thiên Chúa. Ngài dùng bữa với người tội lỗi, lưu lại nhà Gia Kêu biểu hiện ánh sáng sự đón nhận mọi người là anh em. Ngài cùng ông Phêrô nộp thuế biểu hiện ánh sáng nghĩa vụ một công dân đối với quốc gia. Ngài đi tìm con chiên lạc, đồng bạc mất và mong chờ người con hoang đường trở về biểu hiện ánh sáng thương xót. Ngài tha thứ cho những kẻ làm hại Ngài biểu hiện ánh sáng hòa bình. Ngài đã chết đi cho tội lỗi nhân loại, biểu hiện ánh sáng quên mình. Ngài đem lại ơn cứu độ, biểu hiện ánh sáng của hạnh phúc muôn đời. Chính Đức Giêsu là ánh sáng đích thực duy nhất đến soi chiếu nhân gian, và đưa con người tới bến bờ vĩnh hằng. Vậy đâu là cách thế Chúa Giêsu chiếu soi cho con người hôm nay?
2. Cách Thế Chúa Giêsu Chiếu Soi Hôm Nay
Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ: “Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy” (Mt 10,40). Điều này hàm ý tha nhân là hiện thân của Chúa Kitô. Như thế, hành động của họ một cách nào đó phản chiếu ánh sáng của Chúa Giêsu.
Nhìn vào đời sống gia đình chúng ta gặp được sự phản chiếu ánh sáng yêu thương nhẫn nhịn của vợ chồng và sự chăm ngoan của con cái. Nhìn ra xã hội chúng ta thấy được phản chiếu ánh sáng khiêm tốn âm thầm phục vụ của những cô tạp vụ trong văn phòng và bệnh viện hay các anh chị em lao công thu dọn rác tạo môi trường xanh cho mọi người. Khi đi đường ánh sáng Chúa phản chiếu nơi các bác tài luôn niềm nở, lịch sự, nhã nhặn với khách lên xuống xe và lái xe an toàn. Bước vào lớp học ánh sáng Chúa phản chiếu nơi sự tận tụy giảng dạy của các thầy cô giáo. Đặc biệt qua cơn đại dịch covid 19 chúng ta càng thấy ánh sáng Chúa được phản chiếu nơi mọi góc cạnh của con người và mọi ngõ ngách của cuộc sống.
Các nhà lãnh đạo luôn ưu tư tìm ra phương án và lên kế hoạch dập dịch, sự quên mình xã thân của các nhà bác học ngày đêm không ngừng nghiên cứu ra vaccin để phòng chống dịch bệnh, sự tận tâm chăm sóc của các y bác sĩ và nhân viên y tế. Sự bình an thanh thản thuận theo ý Chúa của các bệnh nhân khi nhiễm covid. Có những tấm lòng vàng đóng góp công sức cũng như vật chất vào công cuộc chữa trị và phòng chống dịch; những tài xế lái xe đưa bệnh nhân giành giật sự sống hay tiễn đưa họ tới nơi an nghỉ cuối cùng. Những người ngày đêm cung cấp những phần ăn hay thực phẩm nhu yếu phẩm cho những khu cách ly và bị phong tỏa…
Tóm lại, mỗi người phản chiếu ánh sáng của Chúa Giêsu trong công việc bổn phận của mình, tùy theo khả năng và sáng kiến yêu thương của mỗi người. Còn bạn và tôi đã phản chiếu ánh sáng của Chúa Chưa?
3. Bạn và Tôi Đã Phản Chiếu Ánh Sáng Của Chúa Như Thế Nào?
Ngày lãnh bí tích Thanh Tẩy chúng ta đã được trở nên con cái sự sáng. Thiên Chúa đã trao cho ta sứ mạng khi nói: “Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ nhìn thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5,16). Thực trạng cho thấy khi con người đạt tới đỉnh cao tri thức dễ loại bỏ Thiên chúa khỏi cuộc sống. Trong thông điệp Fratelli Tutti ĐTC Phanxicô nhận định toàn cầu hóa đã tạo ra những hình thức ích kỷ mới, hay nhân vị con người chưa được đánh giá đúng mức do xây dựng nền văn hóa phế thải[2]. Có người ăn không hết nhưng vẫn có người lần không ra. Vấn đề đạo đức ngày càng xuống dốc; bạo lực gia đình, bạo lực học đường…
Phải chăng vì chúng ta chưa nhìn nhận Thiên Chúa mới là sự hiểu biết tối hậu mà đã vội kiêu ngạo về thành quả của nhân loại? Phải chăng vì chúng ta muốn cuộn mình trong vỏ ốc an toàn mà trở nên vô cảm trước mọi hình thức ‘đói nghèo’ của xã hội?
Có lẽ, vì ánh sáng của Chúa nơi tôi vừa lóe lên liền vụt tắt khi chúng ta chỉ phản chiếu ánh sáng đó nơi nhà thờ. Tính hay thay đổi của chúng ta đã khiến sự phản chiếu ánh sáng trở nên ‘bạo phát bạo tàn’; phản chiếu tùy hứng và tùy lúc sốt sắng còn khi nguội lạnh thì thôi… Hoặc ánh sáng phản chiếu của chúng ta trở nên mờ nhạt khi sống theo chủ nghỉa cá nhân, chủ nghĩa hưởng thụ, làm mọi việc không vì lòng mến Chúa mà vì mụch đích khác. Vậy để đáp lại lời mời gọi của Chúa Giêsu chúng ta hãy phản chiếu ánh sáng của Chúa bằng việc sống đúng cương vị là một kitô hữu. Chu toàn nghĩa vụ một công dân Nước trời và một công dân trần thế.
Hôm nay chúng ta cùng nhau cử hành mầu nhiệm Giáng Sinh. Xin cho Áng Sáng bừng lên trong đêm tối trở nên Ánh sáng soi chiếu mọi người trên dương thế, để tất cả chúng ta cùng nhau vượt qua hành trình vươn tới ánh sáng chân lý, ánh sáng thần thiêng để nhờ ánh sáng của Ngài mà chúng ta được nhìn thấy ánh sáng.
[1]X. LM. Thái Nguyên http://www.simonhoadalat.com/giaoducgd/tuduc/158AnhSangCuocDoi.htm
[2] X. Đức Thánh Cha Phanxucô, Thông Điệp Fratelli tutti, dg Lm. Lê Công Đức, PSS, số 10 và 11.