CON YÊU DẤU CỦA THIÊN CHÚA
I. TẤM BÁNH LỜI CHÚA
Is 42, 1-4.6-7
42,1 Đây là người tôi trung Ta nâng đỡ,
là người Ta tuyển chọn và quý mến hết lòng,
Ta cho thần khí Ta ngự trên nó ;
nó sẽ làm sáng tỏ công lý trước muôn dân.
2 Nó sẽ không kêu to, không nói lớn,
không để ai nghe tiếng giữa phố phường.
3 Cây lau bị giập, nó không đành bẻ gẫy,
tim đèn leo lét, cũng chẳng nỡ tắt đi.
Nó sẽ trung thành làm sáng tỏ công lý.
4 Nó không yếu hèn, không chịu phục,
cho đến khi thiết lập công lý trên địa cầu.
Dân các hải đảo xa xăm đều mong được nó chỉ bảo.
6 Người phán thế này : “Ta là ĐỨC CHÚA, Ta đã gọi ngươi,
vì muốn làm sáng tỏ đức công chính của Ta.
Ta đã nắm tay ngươi,
đã gìn giữ ngươi và đặt làm giao ước với dân,
làm ánh sáng chiếu soi muôn nước,
7 để mở mắt cho những ai mù loà,
đưa ra khỏi tù những người bị giam giữ,
dẫn ra khỏi ngục những kẻ ngồi trong chốn tối tăm.”
Cv 10,34-38
10,34 Bấy giờ ông Phê-rô lên tiếng nói : “Quả thật, tôi biết rõ Thiên Chúa không thiên vị người nào. 35 Nhưng hễ ai kính sợ Thiên Chúa và ăn ngay ở lành, thì dù thuộc bất cứ dân tộc nào, cũng đều được Người tiếp nhận.
36 “Người đã gửi đến cho con cái nhà Ít-ra-en lời loan báo Tin Mừng bình an, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, là Chúa của mọi người. 37 Quý vị biết rõ biến cố đã xảy ra trong toàn cõi Giu-đê, bắt đầu từ miền Ga-li-lê, sau phép rửa mà ông Gio-an rao giảng. 38 Quý vị biết rõ : Đức Giê-su xuất thân từ Na-da-rét, Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong Người. Đi tới đâu là Người thi ân giáng phúc tới đó, và chữa lành mọi kẻ bị ma quỷ kiềm chế, bởi vì Thiên Chúa ở với Người.
Mt 3, 13-17
3,13 Bấy giờ, Đức Giê-su từ miền Ga-li-lê đến sông Gio-đan, gặp ông Gio-an để xin ông làm phép rửa cho mình. 14 Nhưng ông một mực can Người và nói : “Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi !” 15 Nhưng Đức Giê-su trả lời : “Bây giờ cứ thế đã. Vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính.” Bấy giờ ông Gio-an mới chiều theo ý Người.
16 Khi Đức Giê-su chịu phép rửa xong, vừa ở dưới nước lên, thì các tầng trời mở ra. Người thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người. 17 Và có tiếng từ trời phán : “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người.”
I. TẤM BÁNH CHIA SẺ
Có lẽ nhiều người ngạc nhiên tự hỏi : Sao Chúa Giêsu lại chịu phép rửa ? Phép rửa dành cho người tội lỗi. Chúa nào có tội gì đâu ? Thắc mắc như thế thật hợp lý. Thật ra, việc Chúa Giêsu chịu phép rửa hôm nay là nối tiếp việc Chúa tỏ mình ra. Việc tỏ mình ra trước hết trong đêm Chúa giáng sinh, với các thiên thần hiện ra ca hát, và với ánh sáng rực rỡ trên bầu trời Việc tỏ mình ra tiếp tục với ánh sao lạ chiếu bên trời đông đưa dẫn ba Vua tới thờ lạy. Và hôm nay việc tỏ mình ra trong việc chịu phép rửa với các tầng trời mở ra, Chúa Thánh Thần ngự xuống, và tiếng Chúa Cha tuyên phán : “Đây là Con Ta yêu dấu”, Chúa Giêsu được công khai giới thiệu cho dân chúng. Và với việc chịu phép rửa, Chúa Giêsu đã tỏ ra cho ta thấy ý định của Thiên chúa.
Trước hết, đó là ý định yêu thương con người. Yêu ai thì muốn ở gần người ấy. Vì yêu thương con người, nên Chúa đã xuống thế để ở với con người. “Ngôi Lời đã làm người và đã cư ngụ giữa chúng ta.” Yêu ai là muốn nên giống người ấy. Không chỉ ở bên cạnh con người, Chúa còn trở nên một con người như chúng ta. Như một người bình thường, được sinh ra, có cha mẹ, có dòng họ, có dân tộc, có đất nước. Như một con người bình thường, biết đói, biết khát, có buồn, có vui. Yêu ai là sẵn sàng chịu chung số phận với người ấy. Con người tội lỗi. Và Chúa không quản ngại gánh lấy tội trần gian. Hôm nay hoà mình vào dòng người xếp hàng chờ được ông thánh Gioan Baotixita rửa tội, Chúa Giêsu tự nhận mình tội lỗi để chung số phận với loài người. Đảm nhận thân phận làm người, Chúa đảm nhận cả tội lỗi của con người. Một tình yêu vô biên, yêu đến nhận tất cả tội lỗi của con người vào mình.
Thứ đến, đó là ý định cứu độ con người. Vì muốn cứu độ con người, Chúa Giêsu bước xuống dòng nước. Nước kia làm sao thanh tẩy được Đấng vô cùng trong sạch. Trái lại, chính khi chạm đến dòng nước, Chúa đã thanh tẩy nó, để từ nay ai bước xuống dòng nước rửa tội sẽ được thứ tha tội lỗi. Nước kia làm sao thánh hoá được Đấng vô cùng thánh thiện. Trái lại, chính khi gìm mình trong dòng nước, Chúa thánh hoá nó để từ nay ai gìm mình trong dòng nước rửa tội sẽ được nên thánh thiện. Hơn nữa, phép rửa Chúa chịu hôm nay báo hiệu cuộc tử nạn và phục sinh của Ngài. Khi gìm mình xuống dòng nước, Chúa tiên báo cái chết Ngài sẽ phải chịu để cứu độ nhân loại. Và khi lên khỏi dòng nước, Chúa tiên báo một đời sống mới mở ra cho nhân loại sau khi Chúa phục sinh.
Sau cùng, đó là ý định phục hồi phẩm giá con người. Con người tội lỗi là con người nô lệ. Để giải thoát con người nô lệ, Chúa Giêsu đã bước xuống dòng nước. Như Môsê giơ cây gậy, rẽ đôi dòng nước Biển Đỏ, cho dân Do thái vượt qua, thoát ách nô lệ Ai cập, được hưởng cuộc sống tự do, Chúa Giêsu bước xuống dòng nước để những ai được chịu phép rửa tội, trở thành người tự do, thoát ách nô lệ tội lỗi. Con người tội lỗi mất quyền làm con Thiên chúa, phải chịu lưu đầy xa quê trời hạnh phúc. Chúa Giêsu bước lên bờ, được Chúa Cha công nhận là con yêu dấu, đã trở thành trưởng tử, hướng dẫn một đàn em đông đảo đi về Nhà Cha, để từ nay ai chịu phép rửa tội cũng sẽ được Chúa Cha nhận làm con, được đồng hưởng gia tài của Cha trên trời.
Mừng lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa, ta cúi đầu cảm tạ tình yêu thương vô biên của Chúa, đã nhận lấy thân phận tội lỗi để cứu độ chúng ta. Mừng lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa, ta nhớ đến chiếc áo trắng của ta đã được tẩy sạch nhờ Máu Thánh Chúa đổ ra để tránh xa tội lỗi. Mừng lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa, ta hãy ý thức phẩm giá cao quí của ta, được làm con Thiên chúa. Ta hãy sống xứng đáng với ơn Chúa, để ta cũng được Chúa Cha nói với ta : “Đây là Con Ta yêu dấu.”
Lạy Chúa Giêsu, là người mẫu mực của người con hiếu thảo, xin dạy chúng con biết noi gương Chúa, luôn sống xứng đáng là người con yêu quí của Đức Chúa Cha. Amen.
III. TẤM BÁNH HÓA NHIỀU
1. Bước xuống để hòa vào cuộc sống của người chung quanh, đặc biệt những người bất hạnh, bạn đã có kinh nghiệm này chưa?
2. Chiêm ngắm CGS chịu phép rửa bạn cảm nghiệm được gì về tình yêu của Chúa dành cho bạn?
3. “Con Yêu Dấu”, qua cụm từ này bạn thấy gì về tình yêu của Chúa Cha dành cho CGS và ngược lại?