Cv 1,1-11; Ep 1,17-23; Mt 28,16-20
“CHỨNG NHÂN CHO CHÚA”
“Này, hỡi những người Ga-li- lê sao còn đứng nhìn trời? Đức Giê-su, Đấng vừa lìa bỏ các ông và được rước lên trời rồi” (Cv 1,11)
Đó là lời của hai sứ thần nói với các môn đệ của Chúa Giê-su khi các ông đang đăm chiêu hướng nhìn trời cao nơi Chúa Giê-su Thăng Thiên. Lời của hai sứ thần như đánh thức các Tông đồ trở về với thực tại để thi hành sứ vụ Chúa Giê-su đã truyền cho các ông là làm chứng cho Người và đi loan giảng Tin Mừng nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.
Trong bài đọc thứ nhất, trích sách Công Vụ Tông Đồ, Chúa Giê-su mời gọi các môn đệ hãy trở thành những chứng nhân cho Người, và đó cũng được xem là mệnh lệnh hay sứ điệp mà các ông phải thi hành:“Bấy giờ anh em phải là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giu-đê, Sa-ma-ri, và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8b). Quả thế, người môn đệ theo Chúa phải là người làm chứng cho Chúa. Nhưng để làm chứng cho Chúa cách hữu hiệu thì các môn đệ phải có niềm tin vào Chúa, phải có trải nghiệm về Chúa và phải chấp nhận những khó khăn thử thách.
* Chứng nhân phải là người có niềm tin mạnh mẽ vào Chúa
Các Tông đồ là những người đã trực tiếp sống với Chúa, nhưng nhiều khi các ông cũng còn kém tin hơn những người khác: “Sao nhát thế? Làm sao mà anh em vẫn không có lòng tin” (Mc 5, 40). Bởi vậy, Chúa Giêsu đã gửi Thánh Thần đến để soi sáng và hướng dẫn các Tông đồ trên nẻo đường làm nhân chứng cho Người… Chính Thánh Thần soi lòng mở trí để các Tông đồ cũng như các tín hữu nhận ra sự thật và tin vào Đức Kitô. Tin là xác tín rằng, Người là Đấng Thiên Sai, những gì Người đã nói, đã làm đều phát xuất bởi Cha và vì danh Cha để đem lại ơn cứu độ cho nhân loại (x. Ga 5,19). Kitô hữu không phải là những người trực tiếp sống với Chúa như các Tông đồ xưa, bởi vậy, cần có niềm tin mạnh mẽ vào Chúa mới có thể làm chứng cho Người được. Nhưng lời chứng của chúng ta sẽ không có giá trị nếu chúng ta không sống mật thiết với Chúa, không có cảm nghiệm về Người.
* Chứng nhân phải có trải nghiệm về Thiên Chúa
Các Tông đồ là những người trực tiếp sống với Chúa, cảm nhận về Chúa của mình, nên khi làm chứng cho Chúa có lẽ sẽ dễ dàng hơn những thế hệ tiếp theo: “Cả anh em nữa, anh em cũng làm chứng, vì anh em ở với Thầy ngay từ đầu” (Ga 15, 27). Không thể làm chứng cho Chúa nếu không có cảm nghiệm về Chúa và không có kinh nghiệm của bản thân về Người. Thánh Phê-rô và thánh Gioan, đã cảm nghiệm được Chúa nên rất can đảm tuyên xưng về Chúa trước thượng hội đồng Do-thái và các ông đã quả quyết thà nghe lời Thiên Chúa chứ không nghe lời người phàm: “Nghe lời các ông hơn là nghe lời Thiên Chúa, xin hỏi: trước mặt Thiên Chúa điều ấy có phải lẽ không? Các ông thử xét xem? Phần chúng tôi, những gì tai đã nghe, mắt đã thấy, chúng tôi không thể không nói ra” (Cv 4, 19- 20). Với thánh Phaolô từng trải nghiệm về cuộc đổi đời khi gặp Chúa Phục Sinh trên đường Đamas. Cuộc gặp gỡ Đấng Phục Sinh của thánh Phaolô đã đánh động ông suốt cuộc đời, cả về sau. Trong thư gửi tín hữu Ga-lát thánh nhân đã nói rõ cảm nghiệm đó: “Thật thế, thưa anh em, tôi xin nói để anh em biết: Tin Mừng tôi loan báo không phải do loài người. Vì không ai trong loài người đã truyền lại hay dạy cho tôi Tin Mừng ấy, nhưng là chính Đức Giêsu Kitô đã mặc khải”(Gl 1,11-12). Hay cảm nghiệm sâu sa hơn: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi mà là Đức Kitô sống trong tôi. Hiện nay tôi sống kiếp phàm nhân trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi” (Gl 2, 20).
Người làm chứng cho Chúa phải là người cảm nghiệm được Chúa, phải có Chúa trong người thì mới làm chứng cho Người được. Tuy nhiên, mỗi người đều có một cách cảm nghiệm riêng biệt theo lối sống của mình. Có người cảm nhận được Chúa trong tu viện hay nơi cô tịch; có người cảm nhận được Chúa trong gia đình hay ngoài chợ lúc buôn bán..vv. Nếu chúng ta có Chúa ở trong lòng thì việc làm chứng cho Người trong mọi nơi, mọi hoàn cảnh mình đang sống là cách tốt nhất: “Cả anh em nữa anh em cũng hãy làm chứng cho Thầy” (Ga 15, 27).
* Chứng nhân cho Chúa phải chấp nhận những đau thương, những thiệt thòi.
Chúa Giê-su đã cảnh báo với các môn đệ rằng: “Họ sẽ khai trừ anh em khỏi hội đường. Hơn nữa, sẽ đến giờ kẻ nào giết anh em cũng tưởng mình phụng thờ Thiên Chúa” (Ga 16,2). Như thế, việc làm chứng cho Chúa không dễ dàng chút nào, nhưng là đầy khó khăn, gian khổ.
Thật thế, trải qua bao thế hệ, việc làm chứng cho Chúa của các môn đệ và các thế hệ tiếp theo rất là khó khăn, cam go. Bởi vì, “sự thật thì mất lòng”, nói đúng thì hay bị ghen ghét… nhất là nói về Chúa Giêsu và làm những việc Người dạy càng khó chấp nhận.
Đại đa số các thánh Tông đồ khi làm chứng về danh Giêsu đều bị chết đớn đau; thánh Stephano đã bị ném đá cho đến chết; thánh Phê-rô bị đóng đinh ngược; thánh Phao-lô bị chém đầu; các vị tử đạo khác người thì bị lăng trì, người thì bị thắt cổ, người thì chết rũ tù…Nói chung, chứng nhân cho Chúa phải chấp nhận những đau thương và những chết chóc khác nhau.
Mỗi kitô hữu chúng ta, dù là giám mục, linh mục, tu sĩ hay giáo dân, đều có bổn phận trong việc rao truyền Tin Mừng và làm chứng nhân cho Chúa Ki-tô. Ai thuộc đấng bậc nào và trong lãnh vực nào… thì làm nhân chứng cho Chúa theo hoàn cảnh đó. Nếu chúng ta không có điều kiện làm những việc này, chúng ta phải giúp đỡ và tạo cơ hội cho các nhà truyền giáo… bằng những hy sinh, bằng những lời cầu nguyện, bằng những cảm thông chia sẻ tinh thần cũng như vật chất… để cho các nhà truyền giáo có điều kiện chu toàn bổn phận rao giảng Tin Mừng của Chúa cho nhiều người được đón nhận ơn cứu độ.
Minh An.