Thứ Bảy, 20 Tháng Tư, 2024

Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống – Năm B: ĐÓN NHẬN VÀ NÊN MẪU NGƯỜI CỦA CHÚA THÁNH THẦN (FM Đaminh Savio Nguyễn Tuấn Hào)

Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống – 2018

ĐÓN NHẬN VÀ NÊN MẪU NGƯỜI CỦA CHÚA THÁNH THẦN

Chúa Thánh Thần hiện xuống để hoàn tất công trình cứu chuộc của Đức Kitô, làm cho Nước Trời được khai sinh, mở rộng nơi các kẻ tin và biến họ thành những con người của Thánh Thần.

 1. Chúa Thánh Thần ân ban cho kẻ đã tin – nước trời hiện tỏ

Tất cả những ai đã tin vào Đức Kitô Phục Sinh đều nhận được Chúa Thánh Thần. Đức Giêsu đã hứa với các Tông đồ sau khi phục sinh và trước khi lên trời: “Thầy sẽ xin Cha và Thầy sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác để ở với anh em luôn mãi” (Ga 14,16). Chúa Thánh Thần hiện xuống và được ban như thế nào? Tường thuật Tin Mừng chúng ta vừa nghe: Chúa Giesu thổi hơi trên các Tông đồ và nói: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần“.  Sách Công Vụ Tông Đồ tường thuật: “Bấy giờ có tiếng động như tiêng gió mạnh thổi đến; rồi có hình như lưỡi lửa đậu xuống trên các Tông đồ. Hết thảy đều được đầy tràn ơn Thánh Thần”.

Thánh Thần được trao ban qua việc “thổi hơi”. Các thuật ngữ như “thổi hơi, tiếng động như tiếng gió, lửa“, theo giải thích của Kinh Thánh,  đó là cách mô tả công việc tạo dựng, cứu chuộc, trao ban sự sống, trao ban khí thiêng của Thiên Chúa nhờ Chúa Thánh Thần.

Thổi hơi. Hơi, khí là nguyên lý sự sống. Chúng ta sống được là do khí. Khí oxy khi con người hít vào sẽ đi vào sâu trong cơ thể làm cho thân xác con người sống động, khỏe mạnh. Người yếu bệnh phải được hỗ trợ bằng việc thở bằng bình oxy. Chúng ta nhớ lại lúc Thiên Chúa tạo dựng trời đất. Tất cả còn chìm  trong hỗn mang, u minh, nhưng nhớ có khí – tức là nguyên lý sự sống của Thiên Chúa thổi vào mọi vật liền xuất hiện và sống động. Việc tạo dựng con người thật rõ. Con người được tạo dựng lúc đầu chỉ là cục đất sét bất động. Nhưng được Chúa thổi hơi vào liền trở thành người sống động.

Chúa Kitô thổi hơi ban Thánh Thần cho các Tông đồ. Thánh Thần là khí thiêng, nguyên lý sự sống, biểu lộ sức mạnh và ý chí của Chúa, được ban tặng, thấm nhập sâu vào linh hồn các Tông đồ, làm cho các ông từ tình trạng yếu nhược, sợ hãi trở nên mạnh mẽ, can đảm, tràn đầy sức mạnh. Nhờ sức mạnh Thánh Thần qua Đức Kitô trao ban, các tông đồ trở thành con người có quyền năng như Thiên Chúa: “Các ông tha tội cho ai thì người đó được tha, cầm buộc ai thì người đó bị cầm buộc”.

Tiếng động, như tiếng gió. Tiếng động ví như tiếng gió, hiểu là tác động, là sự chuyển đổi từ tình trạng tĩnh, đứng yên tại chỗ, đóng khung, khép kín sang tình trạng động, di chuyển, vượt lên mọi ngăn trở, rào cản. Chúa Thánh Thần hiện xuống như tiếng động làm xé mở lòng con người. Những người đang có mặt ở Giêrusalem đang bi ngăn cách bởi những ranh giới của chủng tộc, quốc gia, vùng miền, văn hóa, ngôn ngữ, tôn giáo, tập tục, họ khó có thể hiểu nhau và xích lại gần nhau. Nhưng nhờ tiếng động- tức là nhờ tác động của Thánh Thần, tất cả ranh giới rao càn được dỡ bỏ, tâm trí họ vỡ mở, họ đi đến và xích lại gần nhau, hợp thành Giáo hội để sẵn sàng mở lòng lắng nghe lời rao giảng.

Lửa. Lửa có tác dụng thanh luyện và soi sáng, tượng trưng năng lực biến đổi. Chúa Thánh Thần hiện xuống như lưỡi lửa đậu trên các tông đồ, thanh luyện và biến các Tông đồ thành người có đầy tràn năng lực, năng lực quy tụ, năng lực biến đổi và soi sáng lòng người.

Hiện đang cư ngụ tại Giêrusalem dịp lễ Ngũ Tuần, theo sách Công Vụ Tông Đồ tường thuật, có tới gần 20 sắc dân. Mỗi người có ngôn ngữ riêng, quan niệm sống, triết lý tôn giáo đặc thù. Ấy vậy mà khi nghe các Tông đồ rao giảng lời Chúa, họ hiểu được bằng tiếng mẹ đẻ của mình. Ý của câu “mỗi người chúng ta lại hiểu được tiếng mẹ đẻ của mình” không được hiểu là các tông đồ được ơn nói nhiều thứ tiếng. Ý nghĩa câu này nói lên kỳ công của Thiên Chúa làm nhờ Thánh Thần. Các người ngoại quốc có mặt ở Giêrusalem, họ là dân tứ xứ, chưa biết gì về đạo của Đức Giêsu. Nhưng được Chúa Thánh Thần hiện xuống như “lưỡi lửa”, họ được soi sáng, biến đổi. Và khi nghe các Tông đồ loan báo Tin Mừng, họ hiểu và đón nhận, rồi gia nhập Giáo hội dầu họ vẫn nói ngôn ngữ riêng của mình.

Chúa Thánh Thần được ban đầy tràn cho các Tông đồ và cho những người tin để biến đổi họ, quy tụ họ thành Giáo hội và để dùng họ cho công cuộc loan báo Tin Mừng. Bởi vậy mà ngày Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống cũng được gọi là ngày khai sinh Giáo hội.

 2. Mẫu người của Thánh Thần

Mỗi chúng ta cũng như các Tông đồ và những tín hữu của Giáo Hội sơ khai, chúng ta cũng đã đón nhận đầy tràn ơn Thánh Thần. Câu hỏi đặt ra là chúng ta phải làm gì để xứng với ơn và con người của Thánh Thần và làm công việc của Thánh Thần?

Bước ra khỏi mình

Con người đầy tràn Thánh Thần cũng như các Tông đồ phải là con người biết ra khỏi sự sợ hãi, ra khỏi chính mình, ra khỏi căn phòng là sự khép kín của lòng mình, ra khỏi ranh giới vùng miền, xóm làng, xứ đạo, nơi an toàn của mình để đến với người khác và để sẵn sàng phục vụ, xây dựng thân mình Giáo hội.

Chúng ta là tín hữu, là thầy dòng, đã nhận được các ơn huệ của Chúa Thánh Thần, ơn khôn ngoan, ơn soi sáng, ơn an ủi, ơn mạnh sức, biết thờ phượng Chúa… Nhưng tự hỏi đã khi nào tôi trở thành người biết soi sáng, chỉ dậy những ai những đang trong tăm tối mê lầm? Đã có lần nào giới thiệu về Chúa, về đức tin, về đạo cho anh chị em của mình, nhất là người lương dân?

Đức Thánh Cha Phanxicô định nghĩa người đầy tràn Thánh Thần là người chìm sâu trong cầu nguyện, nuôi dưỡng tình bằng hữu thân mật với Chúa Giêsu và cũng là người có khả năng làm cho người anh em mình hiểu biết Chúa, người bỏ sang một bên sự an toàn của mình và mải mê tìm kiếm sự sống, niềm vui, hạnh phúc cho người khác.

 Chúng ta cần để tai nghe thấy những tiếng động của Thánh Thần. Tiếng động từ nội tâm, làm mở ra sự chai cứng đóng băng của tội lỗi, của sự tăm tối u mê. Cần để cho tiếng động như tiếng gió của Chúa Thánh Thần tác động đã mở toang căn nhà tâm hồn chúng ta ra khỏi sự ích kỷ, những thành kiến, những tà tâm, ác ý, những hận thù chia rẽ để đến với tha nhân.

Đổi mới, chữa lành

Nhìn vào bối cảnh xã hội, Giáo hội chúng ta thấy gì? Chúng ta thấy toàn là thương tích. Chỗ nào cũng thương tích. Thương tích do chối bỏ đức tin nơi người tin Chúa, thương tích bởi tội phạm tội nghịch luân lý nơi hàng giáo sĩ, tu sĩ; thương tích vì bách hại, bị loại trừ, bị xúc phạm phẩm giá, bị khủng bố, bị đầu độc, ô nhiễm bởi nền văn hóa sự chết; thương tích vì thảm họa môi trường, bị giết chết cách bất công tàn nhẫn…

Người mang lấy ơn huệ của Chúa Thánh Thần là người có khả năng đổi mới và chữa lành. Chúa Giêsu ban Chúa Thánh Thần cho các Tông đồ để các ông trở nên người có khả năng chữa lành,tha tội. Chúng ta hãy trở nên những người chữa lành các vết thương cho anh chị em mình. Đừng ai là nguyên nhân gây ra đau khổ, gây thương tích, xúc phạm phẩm giá, giết hại anh chị em mình. Đó là tội phạm đến Thánh Thần.

Xây dựng sự hiệp nhất

Ơn huệ quan trọng Chúa Thánh Thần ban là ơn hiệp nhất nên một: một Chúa, một đức tin, một phép rửa. Con người của Thánh Thần là người biết xây dựng sự hiệp nhất. Chúng ta là nhiều người với chức vụ và công việc đa dạng khác biệt: người thì làm linh mục, tu sĩ, người thì là tín hữu với các chức việc chánh trương, ông trùm, bà quản, giáo lý viên, người phục vụ bàn thờ…Nhưng tất cả như Thánh Phaolô nói ở bài đọc II, là chỉ để phục vụ một Chúa và xây dựng một thân mình Giáo Hội. Chúng ta hãy nhiệt thành, cống hiến thời giờ, khả năng, sức lực của mình để xây dựng Giáo Hội. Đừng ai chôn cất, giới hạn khả năng của mình, khi nghĩ rằng đã hy sinh vì Giáo hội, vì cộng đoàn quá nhiều, đủ rồi và bây giờ là lúc nghỉ ngơi, ngưng phục vụ. Cũng đừng ai làm việc nhân danh Chúa, Giáo hội cốt tìm tư lợi, khoe khoang, hoặc là tạo mần gây chia rẽ bất hòa. Đó là lỗi phạm đến ơn ban Chúa Thánh Thần.

Lạy Chúa Thánh Thần xin ngự đến, đốt lên ngọn lửa nhiệt thành loan báo Tin Mừng nơi chúng con và tiếp tục đổi mới lòng dạ con người và canh tân bộ mặt trái đất. Amen.                           

                                                                                                                          

 

 

 

 

 

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đan Viện Châu Sơn Nho Quan: Thánh Lễ An Táng thầy Gioan Thiên Chúa

  TRONG CHÚA KITÔ Kn 4,7-15; Rm 6,3-4.8-9; Mc 15,33-39 Châu sơn mồng Hai Tết Giáp Thìn Đức tổng Giuse Ngô Quang Kiệt Hai giờ chiều ngày 30 Tết...

Mùa Xuân đích thực

MÙA XUÂN ĐÍCH THỰC Is 65,17-21; Kh 21,1-6; Mt 5,43-48 Lễ Đưa Chân thầy Gioan Thiên Chúa Châu sơn mồng Một Tết Giáp Thìn, Đức tổng Giuse...

Đan viện Châu Sơn Nho Quan: Cảm nhận của một bạn sinh viên trẻ khi đến tĩnh tâm tại Đan viện

CẢM NHẬN CỦA MỘT BẠN SINH VIÊN TRẺ KHI ĐẾN TĨNH TÂM TẠI ĐAN VIỆN Martha Hoàng Mai Tôi là một cô gái với sức sống...

Bài giảng Lễ Cung Hiến Thánh Đường Đan viện Châu Sơn Nho Quan của Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt

Kỷ niệm Cung hiến Thánh đường Đan viện Nho quan Ngày 04 - 11- 2023 CHÚA GIÊSU LÀ ĐỀN THỜ Ed 47,1-2.8-9.12; 1Cr 3,9c-11.16-17; Ga 2,13-22 Đức TGM...

Đan viện Châu Sơn Nho Quan: Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt dâng thánh lễ thứ 3 tại đất thánh

Đan Viện Thánh Mẫu Châu Sơn Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt Dâng Thánh Lễ Thứ 3 Tại Đất Thánh Của Đan Viện Ngày 02...

Tản mạn cuối thu

TẢN MẠN CUỐI THU Du Thăng Cái se se lạnh, cái nắng vàng và một chút gió heo may của cuối thu, làm cho tâm hồn...

“Em” tìm gì? cảm nghĩ của một linh mục Giáo phận Hà nội khi tham dự thánh lễ khấn dòng tại Đan viện Châu...

“Em” tìm gì? Cảm nghĩ của một Linh mục Giáo phận Hà nội khi tham dự thánh lễ khấn dòng tại Đan viện Thánh Mẫu...

Thánh lễ đưa chân thầy M. Phêrô Khoa: Làm chứng về lòng thương xót (Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Lễ thánh Phaolô trở lại LÀM CHỨNG VỀ LÒNG THƯƠNG XÓT Ac 3,17-26; Cv 22,3-16; Mc 16,15-18 Lễ Đưa Chân thày Phêrô Khoa Châu sơn 25-01-2023   Đức TGM Giuse...

Cáo phó: Thầy Phêrô Khoa Trần Văn Thướng

  CÁO PHÓ Trong niềm tin vào Đức Kitô Phục Sinh Đan Viện Thánh Mẫu Châu Sơn kính báo Đan sĩ M. Phêrô Khoa Trần Văn Thướng, O.Cist. sinh...

Lễ ban ngày: Ánh sáng và bóng tối (Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Lễ ban ngày ÁNH SÁNG VÀ BÓNG TỐI   Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt I. TẤM BÁNH LỜI CHÚA: (Ga 1, 1-18) Lúc khởi đầu đã có Ngôi...