Thứ tư, 6 Tháng mười một, 2024

LỄ ĐỨC MARIA THĂM VIẾNG BÀ Ê-LI-SA-BÉT- TẤT CẢ ĐỀU HÂN HOAN – Suy niệm Lễ Đức Maria Thăm Viếng Bà Êlisabét – Vp. Duyên Thập Tự

TN-058b-(31.5) LỄ ĐỨC MARIA THĂM VIẾNG BÀ Ê-LI-SA-BÉT-thứ hai

TẤT CẢ ĐỀU HÂN HOAN

(Xp 3.14-18a / Lc 1,39-56)

 VP Duyên Thập Tự Lê Văn Đoàn

 Hôm nay chúng ta cử hành lễ Đức Ma-ri-a thăm viếng bà Ê-li-sa-bét cũng gọi là I-sa-ve. Đây là một ngày lễ có nền tảng trong Kinh Thánh. Thánh Luca đã trình thuật lại việc sứ thần Gáp-ri-el truyền tin cho Đức Ma-ri-a (x.Lc 1,26-38); trong cuộc đối thoại này, thiên sứ đã báo tin cho Đức Trinh Nữ về việc người chị họ đang mang thai: “Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà vẫn đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã mang thai được sáu tháng”. Sau khi được báo tin, Đức Ma-ri-a đã lên đường đi thăm người chị họ đang mang thai.

Ngày lễ hôm nay chất chứa nhiều ý nghĩa mà chúng ta đã nhận ra để áp dụng cho đời sống mình. Ngay trong chuỗi Mân Côi, khi suy niệm về năm sự vui, chúng ta được nhắc tới việc “Đức Bà đi viếng bà thánh I-sa-ve” để cầu xin “ta hãy xin cho được lòng yêu người”. Thật vậy, Mẹ Ma-ri-a đi thăm người chị họ đang mang thai trong lúc tuổi cao, là để diễn tả lòng yêu thương và cũng là dịp mang Chúa – cũng đang là thai nhi – cho gia đình này.

Chúng ta có thể tưởng tượng ra bầu khí hân hoan, vui tươi tràn ngập gia đình ông Da-ca-ri-a và bà Ê-li-sa-bét khi gặp lại người em họ rất dễ thương. Vì thế, tôi xin được suy niệm với anh chị em về bầu khí này và những con người trong cuộc, để thấy rằng “TẤT CẢ ĐỀU HÂN HOAN”

 1. NHỮNG NGƯỜI MẸ HÂN HOAN

Trước hết, chúng ta nhìn đến hai người mẹ trong trình thuật về cuộc thăm viếng này, mà thánh Luca đã ghi lại trong sách Tin Mừng của ngài nơi chương 1 từ câu 39 đến 56.

– Niềm hân hoan của Đức Ma-ri-a. Chúng ta khám phá ra niềm hân hoan của người mẹ trẻ này, người mẹ đang cưu mang Đấng Cứu Thế Giê-su, qua một số hành động của Mẹ.

            + Trước hết Mẹ lên đường với tâm thái hân hoan khi mẹ “vội vã”. Khi người ta vui và thật vui thì vội vã vì háo hức muốn gặp gỡ người mình thương yêu. Mẹ vội vã lên đường. Đôi chân nhanh nhẹn của Mẹ diễn tả tấm lòng hân hoan. Tình yêu thúc đẩy. Tình yêu thúc bách. Đây là động lực từ trái tim, từ nội tâm. Và như thế, niềm hân hoan này chân thật.

            + Tiếp đến, Mẹ vào nhà ông Da-ca-ri-a và chào bà Ê-li-sa-bét. Chắc chắn đôi mắt Mẹ đầy sự trìu mến và ngập tràn niềm vui. Đôi mắt Mẹ long lanh giọt nước mắt của gặp gỡ. Mẹ đã hôn chào người chị họ mình với cái ôm siết chặt và nụ hôn đặt trên má người chị thật nồng ấm. Nụ cười rạng rỡ. Trái tim mở rộng, nụ cười rạng rỡ, ôm hôn thấm thiết và lời chào ngọt ngào. Tất cả đều diễn đạt niềm hân hoan.

            + Rồi niềm vui của Mẹ được nâng cao đến tận Thiên Chúa, khi Mẹ cất lên bài ca Magnificat, với tất cả niềm hân hoan tràn đầy và rạo rực. “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi”. Niềm vui của cuộc gặp gỡ, tương phùng, với gia đình người chị họ, thấm đượm niềm hân hoan thần linh, nỗi vui mừng trong Thiên Chúa. Đôi tay Mẹ đưa lên cao. Đôi mắt Mẹ long lanh niềm vui thần linh. Cả con người Mẹ đung đưa theo nhịp của ân sủng được tuyên xưng. Niềm vui dạt dào khôn tả.

            + Cuối cùng, Mẹ ở lại với bà Ê-li-sa-bét độ ba tháng, nghĩa là cho tới ngày Gio-an Tẩy Giả sẽ được sinh ra. Đó là niềm vui được nhìn thấy, đụng chạm vào, tặng ân của Thiên Chúa cho gia đình người chị họ thân thương. Đó cũng là niềm vui phục vụ. Ba tháng bên cạnh người chị cũng là ba tháng giúp đỡ không những về phương diện con người mà còn như một việc đồng hành thiêng liêng, để cùng nhau nhận ra ý định tốt lành của Thiên Chúa trên cuộc đời của hai người mẹ và nhất là của hai người con đang được cưu mang.

– Bây giờ chúng ta nhìn đến niềm hân hoan của người mẹ cao niên Ê-li-sa-bét.

            + Trước hết, đó là niềm hân hoan mà Chúa Thánh Thần tác động trên bà. “Bà Ê-li-sa-bét vừa nghe tiếng bà Ma-ri-a chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy Thánh Thần”. Đây là niềm hân hoan của Chúa Thánh Thần. Chính Thần Khí Thiên Chúa tác động qua lời chào của Mẹ Ma-ri-a mà đứa con nhảy lên vui sướng trong lòng bà Ê-li-sa-bét. Bà cảm nhận được. Đây là một sự “nhảy nhót” khác với những lần đạp vào bụng mẹ trước kia. Đây là tác động của ơn thánh, của Chúa Thánh Thần trên thai nhi, trên người con. Mẹ Ma-ri-a, qua lời của Mẹ, lời chào của mẹ, Chúa Thánh Thần nhập cuộc, linh hứng cho thai nhi hứng của Thần Khí. Thần Khí này sẽ luôn là sức mạnh cho em. Và tác động đó cũng trên người mẹ, “bà được đầy tràn Chúa Thánh Thần”. Đây là một niềm vui, niềm hân hoan thần linh chuyển động giữa mẹ và con. Lời của Mẹ trở thành nơi của Thần Khí hoạt động. Thật tuyệt vời! Thật là niềm hân hoan khôn tả!

            + Niềm vui của người mẹ cao niên còn mang đậm niềm tin vào Thiên Chúa. Bà đã nhìn ra nơi người em dễ thương của mình là “Thân Mẫu Chúa”. Đây là hiệu quả của linh hứng Thánh Thần. niềm vui của bà lại được nâng lên tận Thiên Chúa, Đấng thực hiện những gì tuyệt vời cho con cái Người. Niềm vui của ánh nhìn đức tin. Niềm hân hoan của tuyên xưng đức tin.

            + Và cuối cùng, đó là niềm hân hoan nhìn thấu tận tâm hồn người em họ của mình. Nhìn khuôn mặt rạng rỡ của người em, thấy được ánh mắt long lanh niềm hạnh phúc nơi người em, người chị họ cao niên này đã khám phá ra niềm hạnh phúc lớn nhất nơi người em: “Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em”. Chúa đã nói. Chúa sẽ thực hiện. Với em và nơi em. Người chị cao niên này, khi diễn tả niền hân hoan hạnh phúc của người em, đã đi vào sự thông hiệp của hai trái tim, của hai cuộc đời, của một Thiên Chúa thực hiện những điều diệu kỳ.

Một thoáng nhìn ra niềm vui của hai chị em, của hai người mẹ trẻ và cao niên, chúng ta nhận ra rằng niềm hân hoan, không những là bầu khí của cuộc gặp gỡ, mà còn hơn thế nữa, đó chính là niềm hân hoan của Thiên Chúa, Đấng hiện diện ngay trong cuộc gặp gỡ này, ở giữa họ.

 2. THIÊN CHÚA NHẢY MÚA TƯNG BỪNG

Niềm vui của Thiên Chúa, như nói trên kia, được ngôn sứ Xô-phô-ni-a diễn tả thật hay, trong bài đọc một, chương 3, từ câu 14 đến 18a.

+ Trước hết, ngôn sứ mời gọi các thiếu nữ trong dân thánh, dân riêng của Chúa, hân hoan vui mừng lên:

“Reo vui lên, hỡi thiếu nữ Xi-on, hò vang dậy đi nào, nhà Ít-ra-en hỡi! Hỡi thiếu nữ Giê-ru-sa-lem, hãy nức lòng phấn khởi.”

Tại sao lại reo vui lên, hò la vang dội như vậy? Tai sao lại vui quá vậy? Đây là câu trả lời:

“Đức Chúa của Ít-ra-en đang ngự giữa ngươi, chính là Đức Chúa… Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi đang ngự giữa ngươi, Người là Vị cứu tinh, là Đấng anh hùng”.

Còn gì hân hoan vui sướng cho bằng “Chúa ở với”, “Chúa ở giữa”, “Chúa là Em-ma-nu-en”. Điều đó cho chúng ta khám phá thêm niềm vui của hai người phụ nữ trên kia, hai người mẹ trên kia. Chính có Thiên Chúa ở giữa các ngài, nên các ngài hân hoan, vui sướng tràn trề.

+ Rồi, hơn thế nữa, ngôn sứ Xô-phô-ni-a lại cho thấy một niềm hân hoan lớn hơn nhiều, đó chính là niềm vui của Thiên Chúa. Tại sao Thiên Chúa vui và rất ư là vui? “Vì ngươi, Chúa sẽ vui mừng hoan hỉ”: như vậy, những người đang vui kia là đối tượng làm cho Thiên Chúa vui. Thật là một điều lạ! Thiên Chúa là niềm vui của con người, điều này dễ hiểu! Còn con người là niềm vui của Thiên Chúa, điều này thật khó hiểu! Nhưng đó lại là điều được nói lên, thì đó là sự thật; và cần phải có trực giác thiêng liêng mới hiểu được điều đó là gì.

+ Cuối cùng, Thiên Chúa vui đến mức nào? “Vì ngươi, Chúa sẽ nhảy múa tưng bừng như trong ngày lễ hội.” Thiên Chúa nhảy múa tưng bừng, với tất cả sức lực, với tất cả tình yêu, với tất cả cảm xúc dâng trào”… Chúa hân hoan không mức độ. Chúa diễn tả niềm hạnh phúc “Thiên Chúa vui sướng ở giữa dân người”. Chúng ta lại khám phá thêm niềm hân hoan của hai người mẹ trên kia: niềm hân hoan của chính Thiên Chúa khi hai bà mẹ kia trở thành nguyên nhân niềm vui của Người.

3. NIỀM VUI TIN MỪNG

Ngày lễ kính Đức Mẹ thăm viếng bà Ê-li-sa-bét mời gọi chúng ta hiểu và sống niềm hân hoan trong cuộc đời, nhất là đời kitô hữu. Đời sống đức tin của chúng ta thật là vui. Chúng ta vui vì có Thiên Chúa Ba Ngôi ở với chúng ta, ở giữa chúng ta và ở trong mỗi người chúng ta. Chúng ta vui vì chúng ta có nhau trong cuộc sống, một cuộc đời mà Thiên Chúa có ý định tốt lành trên tất cả và mỗi người. Chúng ta vui vì chúng ta trở tành niềm vui của Thiên Chúa, khi chúng ta sống và hành động như hai người mẹ trên kia, khi chúng ta để Chúa Thánh Thần hướng đẫn để biết đi đến nơi cần gieo niềm vui, gieo niềm hy vọng và thực hiện việc phục vụ. Đời kitô hữu của chúng ta tràn ngập niềm vui Tin mừng, Hãy nhìn, hãy sống, hãy cảm nghiệm “TẤT CẢ ĐỀU HÂN HOAN”.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chúa Nhật XXXI Thường Niên B (Đnl 6,2-6; Dt 7,23-28; Mc 12,28b-34) Điều Răn trọng nhất

Chúa Nhật XXXI Thường Niên B (Đnl 6,2-6; Dt 7,23-28; Mc 12,28b-34) Điều Răn Trọng Nhất Lm. Gioan Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Luật tôn giáo Do Thái...

Chúa Nhật XXXI TN, B, Mc 12,28b-34: Điều Răn quan trọng nhất

      ĐIỀU RĂN QUAN TRỌNG NHẤT (Mc 12,28b-34) M. Michael Hội, Phước Lý Là người tín hữu Công giáo, ai trong chúng ta cũng biết tới Mười Điều...

Ngày 01/11: Các Thánh Nam Nữ (Mt 5,1-12) Các Thánh nên thánh giữa đời thường

    Ngày 01/11: Các Thánh Nam Nữ CÁC THÁNH NÊN THÁNH GIỮA ĐỜI THƯỜNG Lm. Gioan Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Hôm nay, Hội thánh long trọng kính...

Ngày 01/11: Các Thánh Nam Nữ (Mt 5,1-12) Các Thánh là người được ánh sáng Chúa chiếu qua

Ngày 01/11: Các Thánh Nam Nữ (Mt 5,1-12) CÁC THÁNH LÀ NGƯỜI ĐƯỢC ÁNH SÁNG CHÚA CHIẾU QUA Lm. Gioan Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Các thánh...

01/11 Các Thánh Nam Nữ, Mt 5,1-12a: Tấm gương Các Thánh

  TẤM GƯƠNG CÁC THÁNH (Kh 7,2-4.9-14, Mt 5,1-12a)  M. Bosco, PS      Chuyện kể rằng: Ngày kia một em bé được đi viếng một nhà thờ...

Chúa Nhật XXX TN, B, Mc 10,46-52: Đức tin làm nên phép lạ

    ĐỨC TIN LÀM NÊN PHÉP LẠ (Mc 10,46-52) M. Mai Liên, CĐ Phước Thiên       Khi ước mong một điều gì đó người ta luôn...

Chúa Nhật XXX Thường Niên B (Gr 31,7-9; Dt 5,1-6; Mc 10,46-52) Xin cho con nhìn thấy

Chúa Nhật XXX Thường Niên B  (Gr 31,7-9; Dt 5,1-6; Mc 10,46-52) Xin Cho Con Nhìn Thấy Lm. Gioan Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Thánh sử Máccô kể...

Chúa Nhật Truyền Giáo (Mt 28,16-20) Truyền giáo bằng tình yêu thương

Chúa Nhật Truyền Giáo (Mt 28,16-20) Truyền Giáo Bằng Tình Yêu Thương Lm. Gioan Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Khánh Nhật Truyền Giáo là ngày Giáo Hội...

Chúa Nhật XXVIII Thường Niên B (Kn 7,7-11; Hr 4,12-13; Mc 10,17-30) Sắm Nước Trời khi còn tại thế

Chúa Nhật XXVIII Thường Niên B (Kn 7,7-11; Hr 4,12-13; Mc 10,17-30) Sắm Nước Trời Khi Còn Tại Thế Lm. Gioan Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Có ai...

Chúa Nhật XXVIII TN, B, Mc 10,17-30: Từ bỏ tất cả để theo Chúa

    TỪ BỎ TẤT CẢ ĐỂ THEO CHÚA (Mc 10,17-30) M. Marcellino Minh, Phước Hiệp “Hỡi các con, những kẻ cậy dựa vào tiền bạc, thật khó mà...

Chúa Nhật XXVIII TN, B, Mc 10,17-30: Ánh nhìn của Đức Giêsu

  ÁNH NHÌN CỦA ĐỨC GIÊSU (Mc 10,17-30) FM. Martin       “Đức Giêsu đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến” (c.21). “Đức Giêsu...

Chúa Nhật XXVI, Thường Niên B (Ds 11,25-29; Gc 5,1-6; Mc 9,38-43.45.47-48) Nối vòng tay lớn

Chúa Nhật XXVI, Thường Niên B (Ds 11,25-29; Gc 5,1-6; Mc 9,38-43.45.47-48) Nối Vòng Tay Lớn Lm. Gioan Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Cha Anthony De...