Thứ Bảy, 27 Tháng Bảy, 2024

LỄ HIỆN XUỐNG – NĂM B: THÁNH THẦN (ĐTGM GIUSE NGÔ QUANG KIỆT)

Lễ Hiện Xuống  – Năm B

THÁNH THẦN

I. TẤM BÁNH LỜI CHÚA

Cv 2,1-11
2,1 Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, 2 bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. 3 Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. 4 Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho.

5 Lúc đó, tại Giê-ru-sa-lem, có những người Do-thái sùng đạo, từ các dân thiên hạ trở về. 6 Nghe tiếng ấy, có nhiều người kéo đến. Họ kinh ngạc vì ai nấy đều nghe các ông nói tiếng bản xứ của mình. 7 Họ sửng sốt, thán phục và nói : “Những người đang nói đó không phải là người Ga-li-lê cả ư ? 8 Thế sao mỗi người chúng ta lại nghe họ nói tiếng mẹ đẻ của chúng ta ? 9 Chúng ta đây, có người là dân Pác-thi-a, Mê-đi, Ê-lam, Mê-xô-pô-ta-mi-a, Giu-đê, Cáp-pa-đô-ki-a, Pon-tô, và A-xi-a, 10 có người là dân Phy-ghi-a, Pam-phy-li-a, Ai-cập, và những vùng Li-by-a giáp giới Ky-rê-nê ; nào là những người từ Rô-ma đến đây ; 11 nào là người Do-thái cũng như người đạo theo ; nào là người đảo Cơ-rê-ta hay người Ả-rập, vậy mà chúng ta đều nghe họ dùng tiếng nói của chúng ta mà loan báo những kỳ công của Thiên Chúa !”

1Cr 12,3b-7.12-13

12,3 Vì thế, tôi nói cho anh em biết : chẳng có ai ở trong Thần Khí Thiên Chúa mà lại nói : “Giê-su là đồ khốn kiếp !” ; cũng không ai có thể nói rằng : “Đức Giê-su là Chúa”, nếu người ấy không ở trong Thần Khí.

4 Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. 5 Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. 6 Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người. 7 Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung. 12 Thật vậy, ví như thân thể người ta chỉ là một, nhưng lại có nhiều bộ phận, mà các bộ phận của thân thể tuy nhiều, nhưng vẫn là một thân thể, thì Đức Ki-tô cũng vậy. 13 Thật thế, tất cả chúng ta, dầu là Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể. Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất.

Ga 20,19-23

20,19 Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói : “Bình an cho anh em !” 20 Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. 21 Người lại nói với các ông : “Bình an cho anh em ! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.” 22 Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo : “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. 23 Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha ; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.”

  

II. TẤM BÁNH CHIA SẺ

Hôm nay Chúa Giêsu ban Thánh Thần như một tạo dựng mới sinh ra những con người mới.

 Tạo dựng mới

 Việc Chúa thổi hơi ban Thánh Thần tái diễn công cuộc sáng tạo. Thuở ấy, vũ trụ còn trong một khối hỗn mang. Thần Khí Chúa bay là là trên mặt nước (St 1,1)). Và vũ trụ được định hình. Khi tạo dựng con người, Thiên Chúa “lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật” (St 2,7). Hôm nay Chúa Giêsu lại thổi hơi ban Thánh Thần. Thánh Thần Chúa tràn lan trong vũ trụ. Thánh Thần Chúa thổi vào con người. Đó là một tạo dựng mới. Chúa Phục Sinh tái tạo con người mới.

 Tái tạo con người

 Khi ban Thánh Thần, Chúa truyền cho các tông đồ đi tha tội. Chúa thiết lập bí tích giải tội để tái tạo con người. Con người yếu đuối tội lỗi, cần có bí tích giải tội để ban ơn tha thứ và phục hồi. Việc tái tạo qua tha thứ được diễn tả bằng hai hình ảnh biểu tượng: nước và lửa.

 Chúa “cho các ông xem tay và cạnh sườn”. Cạnh sườn là nơi phát sinh giòng nước và máu cuối cùng của Chúa. Cạnh sườn được tỏ ra cùng với phép giải tội nhắc lại nước hồng thuỷ. Khi tội lỗi tràn ngập, Chúa đã cho nước hồng thuỷ tẩy sạch địa cầu. Quét sạch thế giới cũ tội lỗi. Để bắt đầu xây dựng một thế giới mới với một thế hệ con người mới. Hôm nay Chúa bày tỏ cạnh sườn bị đâm thâu, mở rộng để nhắc nhở Chúa ban nước phát xuất từ cạnh sườn cùng với Chúa Thánh Thần tha tội để một lần nữa tẩy sạch thế giới cũ. Mọi người sẽ được rửa trong Thánh Thần để trở thành một thế hệ mới.

 Lửa cũng là một biểu tượng thanh luyện. Cũng như xưa lửa thiêu đốt thành Sôđôma để tẩy sạch tội lỗi, hôm nay lửa Thánh Thần xuống thanh luyện các thánh Tông đồ, tái tạo các ngài nên con người mới. Đang u mê bỗng trở nên những người rao giảng thông hiểu đạo lý. Đang nhút nhát sợ sệt bỗng trở nên những con người mạnh dạn hăng say rao giảng Tin Mừng. Đang ít học thức bỗng trở nên những người giảng dạy muôn dân. Các ngài ra đi rao giảng để tạo nên những con người mới.

 Con người mới

 Chính các tông đồ đã trở thành những con người mới. Và các ngài đem Chúa Thánh Thần ra đi tạo nên những con người mới.

 Đây là những con người được sinh lại trong nước và Thánh Thần. Vì thế khi nghe tiếng các tông đồ rao giảng họ hiểu hết vì được nghe tiếng mẹ đẻ.

 Nghe tiếng các tông đồ như nghe tiếng mẹ đẻ vì họ nghe được tiếng của Chúa Thánh Thần, Đấng sinh thành ra họ. Các tông đồ nói vào tai họ. Nhưng Chúa Thánh Thần nói trong tim họ. Họ nghe mà hiểu vì  đó là tiếng gọi của nguồn cội gốc rễ. Đó là tiếng gọi thẳm sâu nhất đáp lại nguyện vọng sâu xa nhất trong con người: khát vọng hợp nhất.

 Con người phân tán muôn ngả vì nói muôn vàn thứ tiếng khác nhau. Họ đi theo tiếng thôi thúc thâm sâu nhưng họ chưa hiểu nên còn phân tán. Từ nay được sinh lại trong Thánh Thần họ hiểu đó là khát vọng trở về nguồn cội. Và còn hơn thế nữa họ trở nên cùng một máu thịt vì thuộc về cùng một thân thể huyền nhiệm Chúa Kitô. Tiếng gọi của máu thịt hôm nay vang lên trong huyết quản. Được sinh ra từ Thiên Chúa, phải trở về với Thiên Chúa. Được sinh ra là anh em nên phải trở về đoàn tụ trong một mái nhà. Được sinh ra từ một thân thể phải trở về hợp nhất. Về hợp nhất như máu chảy về tim. Như kẻ tha hương trở về quê cha đất tổ. Như các chi thể phân tán trở về hợp thành một thân thể toàn vẹn.

 Tất cả khởi đi từ Chúa Thánh Thần và kết thúc trong Chúa Thánh Thần. Nguồn mạch tình yêu và sự sống trong Chúa Ba Ngôi.

 Lạy Chúa Thánh Thần xin hãy đến. Thế giới hôm nay đang khắc khoải vì đánh mất quê hương. Chúng con là những kẻ tha hương đang lang thang vất vưởng. Xin đưa chúng con về quê cha đất tổ để hưởng bình an. Thế giới hôm nay đang đau khổ vì những phân cực chia cắt sâu xa. Chúng con là những người anh em nhưng đang phân tán mỗi người mỗi ngả. Thậm chí còn đối đầu trong cảnh huynh đệ tương tàn. Xin đưa chúng con về mái ấm gia đình để được hưởng tình yêu thương. Thế giới hôm nay như một thân thể bị cướp đánh bầm dập đang rên xiết dở sống dở chết. Chúng con là những chi thể rời rạc đang đánh mất sức sống. Xin đưa chúng con về nhiệm thể Chúa Kitô để được hưởng sự sống dồi dào. 

 Lạy Chúa Thánh Thần Xin hãy đến đổi mới mặt đất này.

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chúa Nhật XVII TN, B, Ga 6,1-15: Từ những điều bé nhỏ

  TỪ NHỮNG ĐIỀU BÉ NHỎ (2V 4,42-44; Ep 4,1-6; Ga 6,1-15) M. Tân Trang, Vĩnh Phước Sự kiện xảy ra gần biển hồ Galile, lúc sắp đến...

Chúa Nhật XVI, Thường niên, Năm B, Mc 6,30-34: Con chiên –  Mục tử

Chúa Nhật XVI, Thường niên, Năm B, Mc 6,30-3 Con chiên -  Mục tử Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Lời Chúa hôm nay gợi lên cho chúng...

Chúa Nhật XVI TN, B: Tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa

  TÌNH YÊU VÀ LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA FM. Paul Nguyễn, PV Chiêm ngưỡng dung mạo lòng thương xót của Đức Giêsu qua trình thuật...

Chúa Nhật XVI TN, B, Mc 6,30-34: Cần lánh riêng ra một nơi

    CẦN LÁNH RIÊNG RA MỘT NƠI (Mc 6,30-34) M. Pacômiô Nguyễn Sơn Vinh, Phước Hiệp Theo quan niệm của Kitô giáo, con người gồm xác và hồn....

Chúa Nhật XVI TN, B, Mc 6,30-34: “Hãy tìm nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi”

     “HÃY TÌM NƠI THANH VẮNG MÀ NGHỈ NGƠI” (Mc 6,30-34) Đức Minh, Phước Lý Tin Mừng Chúa nhật XVI hôm nay tường thuật về cuộc hội ngộ...

Chúa Nhật XV TN, B, Mc 6,7-13: Thực hiện lệnh truyền của Chúa

THỰC HIỆN LỆNH TRUYỀN CỦA CHÚA (Mc 6,7-13) Lm. Trần Văn Long, Fatima Đôi khi nhìn những người ăn xin, những người tàn tật trên đường phố,...

Lễ thánh Biển Đức, Mt 19,27-29: Con đường đi tới hạnh phúc

CON ĐƯỜNG ĐI TỚI HẠNH PHÚC (Cn 2,1-9; 1Cr 1,26-31; Mt 19,27-29) M. Gioan Tân, Thiên Phước Có thể nói hạnh phúc là mục đích sống và...

Chúa Nhật XIV Thường niên, Năm B, Mc 6,1-6: Kitô hữu – Ngôn sứ giữa đời

Chúa Nhật XIV Thường niên, Năm B, Mc 6,1-6 Kitô hữu - Ngôn sứ giữa đời Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist “Ngôn sứ có bị rẻ rúng...

Chúa Nhật XIV TN, B, Mc 6,1-6: Không nhận ra Chúa

    KHÔNG NHẬN RA CHÚA (Mc 6,1-6) Tùng Linh, Phước Lý Năm 1958, sau khi Đức Giáo Hoàng Piô XII qua đời, các báo chí mô tả ngài...

Chúa Nhật XIII Thường niên, Năm B, Mc 5,21-43: Hai phép lạ của lòng tin

Chúa Nhật XIII Thường niên, Năm B, Mc 5,21-43 Hai phép lạ của lòng tin Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Tin không chỉ là loan tin,...

Chúa Nhật XIII TN, B, Mc 5,21-43: Hai cái đụng

  HAI CÁI ĐỤNG (Mc 5,21-43) M. Bosco, PS Đức tin của con người là yếu tố có thể tác động đến Thiên Chúa. Các phép lạ xảy...

Chúa Nhật XIII TN, B, Mc 5,21-43: “Đừng sợ, chỉ cần tin thôi”

    „ĐỪNG SỢ, CHỈ CẦN TIN THÔI“ (Mc 5,21-43) Đăng Khoa, Phước Lý "Đừng sợ, chỉ cần tin thôi". Đó là lời trấn an của Chúa Giêsu trước...