GIOAN TẨY GIẢ – HỌA ẢNH CỦA THIÊN CHÚA
M. Anna Huyền Trang, Vĩnh Phước
Trong cuộc sống, không phải ngẫu nhiên bố mẹ đặt cho chúng ta cái tên Mỹ Hạnh, Kim Uyên, Thanh Hà,… Nhưng các tên gọi mang nặng tình yêu, dự phóng, thao thức của các bậc sinh thành đặt hy vọng vào tương lai của con cái mình. Cao quý hơn nữa, tên gọi chính là món quà tình yêu từ nguyên thủy mà Thiên Chúa ban tặng cho con cái loài người, vì mỗi người là một sự cần thiết, được mong đợi trong ý định nhiệm mầu của Thiên Chúa (x. St 1,26-28).
Trích đoạn Tin Mừng hôm nay Lc 1,57-66.80, thánh sử Luca báo tin vui cho chúng ta biết thêm một cái tên mới là Gioan vừa mới chào đời, trong một gia đình son sẻ là ông Dacaria và bà Elisabeth. Tên gọi Gioan nghĩa là hồng ân của Thiên Chúa. Sự xuất hiện của ông giúp chúng ta khám phá ra họa ảnh của Thiên Chúa – Đấng là tình yêu luôn hiện diện trong từng chi tiết rất nhỏ của cuộc đời mỗi người chúng ta.
Trước hết, Thiên Chúa đến mang niềm vui cho con người. Khi biết con trẻ chào đời, láng giềng và thân thích cùng nhau đến chia sẻ niềm vui, vì họ biết Thiên Chúa đổ tràn niềm vui vào gia đình này (x. Lc 1,57-58). Ở đâu có Thiên Chúa, ở đó có niềm vui. Người nào có Chúa, người đó sống bình an và luôn nhận được sự yêu thương quan tâm của người khác. Dấu chỉ cho thấy một con người sầu khổ, dễ cau có, khó chịu là khi người đó sống trong tình trạng thiếu gắn bó với Chúa và với tha nhân. Khi vắng bóng Chúa, vắng bóng tha nhân làm cho người ta dễ thấy trống rỗng và cô đơn, lại đi tìm niềm vui bên ngoài để khỏa lấp sự trống rỗng bên trong. Nhưng chỉ có niềm vui đến từ Chúa, trong Chúa mới làm cho cuộc sống chúng ta có giá trị, và thôi thúc chúng ta biết chia sẻ niềm vui của Chúa cho tha nhân. Như những người thân thích, láng giềng thấy Chúa trong gia đình ông Dacaria, Chúa cũng mời gọi chúng ta nhận ra Chúa nơi những người chúng ta gặp gỡ, để thái độ sống của chúng ta luôn biểu lộ hình ảnh của một Thiên Chúa tràn đầy niềm vui cho người khác.
Thứ đến, chúng ta thấy một Thiên Chúa không bao giờ trì hoãn trước tình yêu của con người. Trong khi mọi người đang dự tính lấy tên cha là Dacaria mà đặt tên cho con trẻ, thì bà mẹ đã không một lời giải thích, đắn đo hay suy nghĩ, mà tức khắc lên tiếng: “Không, phải đặt tên cho cháu là Gioan” (x. Lc 1,59-66). Cách phản ứng của bà Elisabeth cho chúng ta thấy được bà là một người sống đức tin mạnh mẽ và mau mắn thi hành ý Chúa. Có lẽ, đó là lời chứng hùng hồn nhất, xác quyết nhất của bà về một Thiên Chúa không trì hoãn tình yêu dành cho gia đình son sẻ này. Ai trong chúng ta ít nhiều cũng đã trải nghiệm đau khổ vì thấy Chúa vẫn lặng thinh trước những khốn khó của chúng ta. Nhưng thực ra, Chúa không bao giờ trì hoãn tình yêu của Ngài, Chúa vẫn luôn hiện diện ngay bên cạnh, ngay trong lòng chúng ta. Chính những khó khăn, giới hạn của chúng ta lại là kẻ hở để tình thương Chúa tràn vào và sinh ích cho những ai có lòng yêu mến (x. Rm 8,28). Qua đó, Chúa mời gọi chúng ta cũng biết mau mắn quan tâm giúp đỡ người khác với tình liên đới yêu thương chân thành, mọi người sẽ nhận biết chúng ta là môn đệ của Chúa (x. Ga 14,35).
Sau cùng, Thiên Chúa đến mang sự chữa lành. Khi ông Dacaria viết trên tấm bảng tên con mình là Gioan, miệng ông liền mở ra, ông nói được và chúc tụng Thiên Chúa (x. Lc 1,63-64). Tình yêu Chúa đã chữa lành ông Dacaria thế nào thì Ngài cũng muốn chữa lành những khiếm khuyết nơi chúng ta như vậy, nếu chúng ta khát khao sống cuộc đời công chính. Nhân vô thập toàn, không ai là hoàn hảo, thế nên Chúa không muốn chúng ta đến với tha nhân bằng một bộ mặt sát thương dưới bất cứ hình thức nào: Lời nói, ý hướng hay hành động… Chính Chúa Giêsu đã bị sát thương nặng nề: Bạo lực, phỉ báng, tra tấn… Sau khi Chúa Phục Sinh, những vết sẹo của dấu đinh, mũi giáo trên thân thể của Người vẫn còn (x. Ga 20,25-27). Nên Chúa muốn chúng ta phải để ý trong từng lời ăn tiếng nói, từng cử chỉ thái độ, đừng gây thương tích cho nhau. Những đau khổ chúng ta gây ra cho người khác, một cách nào đó vẫn để lại những vết sẹo khó chữa lành.
Gioan Tẩy Giả – Một con người được hồng ân Thiên Chúa đưa vào đời và lớn lên trong sa mạc. Thánh sử Luca đã cho chúng ta khám phá ra họa ảnh của Thiên Chúa ngang qua cuộc đời của ông: Thiên Chúa của niềm vui, Thiên Chúa của tình yêu không trì hoãn, Thiên Chúa của sự chữa lành. Là những con người được Thiên Chúa tạo dựng và gọi đích danh, chúng ta đã sống như thế nào để đáp lại sự tin tưởng của Thiên Chúa dành cho chúng ta trong sứ mạng của Ngài? Thái độ sống của chúng ta đang làm nổi bật hay làm lu mờ hình ảnh của một Thiên Chúa tình yêu?