Thứ Năm, 25 Tháng Tư, 2024

LỊCH SỬ ĐAN VIỆN THÁNH MẪU CHÂU SƠN NHO QUAN NINH BÌNH

  1. Lịch sử đan viện Châu Sơn

Tuy mới được 70 năm thành lập nhưng đan viện Châu Sơn đã trải qua những thăng trầm, những biến cố và những bước ngoặt của lịch sử. Có thể chia lịch sử đan viện làm 3 giai đoạn: 1936-1950; 1950-1988; 1988-2006.

1,1. Hình thành và phát triển (1936-1950)

a) Thành lập

Dòng Phước Sơn đang cưu mang ý định lập nhà mới thì được Đức Cha Gioan B. Nguyễn Bá Tòng ghé thăm và ngỏ lời mời các đan sĩ ra lập dòng trong địa phận Phát Diệm, “để nên như cây thu lôi thiêng liêng, cùng với Nhà Dòng Kín bênh đỡ giáo phận bằng lời cầu nguyện và hãm mình” (Kỷ yếu Phát Diệm, tr 33). Chính Đức Cha giới thiệu và dàn xếp việc mua đồn điền cà phê Lacombe để lập dòng.

Đồn điền Lacombe dài 12 km, rộng 9 km, nằm trong địa bàn huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình, thuộc phía Tây- Bắc giáo phận Phát Diệm. Trong đồn điền có một biệt thự đầy đủ tiện nghi. Ngoài ra còn có một dãy nhà kho, nhà lọc sữa chế biến phomat, máy điện, máy bơm nước, 100 con bò, một con ngựa, một con lừa, và gần 100 mẫu cà phê đang có hoa lợi.

Ngày 18-02-1936, cha Bề trên Bênađô và cha quản lý Martinô nhận quyền sở hữu đồn điền Lacombe. Sau khi nhận địa sở, cha Martinô liền ở lại trông coi giữ gìn.

Ngày 19-03-1936, nhóm đan sĩ đầu tiên lên đường ra Nho Quan gồm các thầy: Barthôlômêô Lê Thủ Khoa, Phêrô Nguyễn Văn Hồng, Antôn Nguyễn Đình Tấn và Gulielmô Gió.

Sau lễ Phục Sinh năm 1936, nhóm thứ hai ra Nho Quan gồm có: cha Placiđô Trương Minh Trạch, thầy Victor Sở và thỉnh tu Dương Văn Minh.

Đại lễ Đức Mẹ Lên Trời ngày 15-08-1936, cha Bề trên và cộng đoàn Phước Sơn họp bàn rồi bầu cha Anselmô Lê Hữu Từ làm Bề trên và đề cử các thành viên chính thức đi xây dựng cộng đoàn mới.

“Vậy ngày 6 tháng 9, Chúa nhật XIV sau lễ Hiện Xuống, cơm tối xong, nói chuyện, anh em từ giã nhau. 7 giờ chuông vào nhà hội đọc sách, bấy giờ cha Anselmô đi đầu, theo sau là thầy năm Philipphê Năng, thầy tư Marcô Vinh, thầy Tôma Khả và bốn chú đệ tử: Thảo, Dương, Thủ, Thỉnh, cả phái đoàn cùng nhau vào nhà hội quỳ sấp mình xin cha Bề trên ban phép lành, đoạn đứng dậy bái chào từ giã cộng đoàn (HT, tr 248)

Ngày 07-09-1936, phái đoàn tới Châu Sơn, mọi người thấy biểu ngữ  treo trước cổng mang dòng chữ: “Tu viện Châu Sơn, trường phụng sự Thiên Chúa”. Lúc đầu, cộng đoàn sinh hoạt ở khu nhà Lacombe. Đúng 9 giờ 30 ngày 08-09-1936, lễ Sinh Nhật Đức Mẹ, một hồi chuông báo hiệu, mọi người tập trung về lễ đài, cha Bề trên Anselmô chủ sự thánh lễ khai sinh cộng đoàn Châu Sơn.     

Trong thánh lễ, khi giảng, cha Bề trên nói lên ý nghĩa cuộc đời đan tu và quyết tâm phải có của các đan sĩ đến đây để mở một ngôi trường phụng sự Thiên Chúa, đó là lý tưởng của sinh hoạt đời đan tu. Ngài nhắc lại tinh thần cha Tổ phụ sáng lập Phước Sơn, tinh thần từ bỏ và hy sinh “để trong mọi sự Thiên Chúa được tôn vinh.” Ngài cũng nói đến gương các thánh Tổ phụ dòng Xitô tìm đến nơi hẻo lánh hoang vu, rừng thiêng nước độc; biến đổi những sa mạc, những đầm lầy thành những đô thị của lời kinh tiếng hát. Ngài gợi đến tinh thần lánh tục, xa thế gian của các thánh: Antôn, Pacôm và đặc biệt là cha thánh Biển Đức. Ngài cũng đặc biệt nhắc đến nơi đây, vùng Chi Nê, Nho Quan này mà tục truyền trong lịch sử địa phận Phát Diệm, thời xưa các giám mục, linh mục và cả giáo dân đã tìm đến lánh nạn trong những năm cấm đạo thời Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức. Chính nơi triền núi Cành He này cha thánh Phaolô Lê Bảo Tịnh khi còn là chủng sinh đã trốn lên đây sống đời ẩn tu triền miên trong cầu nguyện và kết hợp với Chúa. Ngài đã sống tại đây gần 2 năm và sau đó đã vâng lời Bề trên trở về chủng viện, sống đời linh mục thánh thiện và cuối cùng được phúc tử vì đạo. Vì thế từ nay Châu Sơn chọn thánh Phaolô Lê Bảo Tịnh làm bổn mạng của cộng đoàn. Đó là một vinh dự, một hồng ân cho cộng đoàn Châu Sơn khi chọn nơi đây để lập dòng

b) Tinh thần đan tu

Theo tu luật Biển Đức và gương của Đấng sáng lập Hội dòng, các đan sĩ Châu Sơn tiếp tục sống tinh thần chuyên chăm cầu nguyện, lao động và hân hoan hãm mình.

* Cầu nguyện

Là những người đã trải qua một thời gian dài cùng “cầu nguyện và lao động” với cha Biển Đức Thuận nên các đan sĩ Châu Sơn không ngơi nghỉ theo gương Đấng Tổ phụ mà cầu nguyện và hãm mình. Các giờ kinh được cử hành theo tu luật Biển Đức và sách phụng vụ dòng Xitô. Với tinh thần cầu nguyện liên lỷ, các đan sĩ còn siêng năng lần hạt mân côi sùng kính Đức Mẹ. Trong khi lao động cứ sau một giờ đồng hồ, các đan sĩ lại ngưng việc và hướng về nhà thờ cầu nguyện ít phút.

* Lao động

Lao động tiên vàn là làm việc xác: “Ta đã chọn bậc hãm mình và việc xác là phần cốt tử của bậc ấy, nên hễ khoẻ mạnh ai ai chức vị nào cũng phải làm” (Hp II, 191). Mục đích của sự làm việc xác là để thánh hoá bản thân, tự nuôi sống mình, đồng thời góp phần vào việc trợ giúp truyền giáo, giúp đỡ người nghèo… Công việc có thể là trồng trọt, chăn nuôi, dạy học… Nhưng dù trí óc hay chân tay, lao động  là “làm cho Chúa”.

* Khổ chế

Người đời quen gọi Châu Sơn là dòng khổ tu, đan sĩ là thầy dòng khổ tu. Quả thực, các đan sĩ đã sống rất nhiệm nhặt, khắc khổ như: ăn chay, kiêng thịt, đánh tội, thinh lặng… Thức ăn hằng ngày chỉ là rau quả trong vườn. Giường nằm là một tấm phản (dài 1,80m, rộng 0,60m), gối gỗ, đắp chiếu, không có chăn màn.

c) Tiền thử thách

Trong những năm mới thành lập, phía Tây- Bắc đan viện toàn là rừng rậm, có nhiều muỗi và loại cây độc hại gây sốt rét. Người ta thường nói đây là vùng “sơn lâm chướng khí” hay “rừng thiêng nước đôc”. Vậy nên chỉ sau vài tháng định cư, hầu hết các đan sĩ bắt đầu bị sốt rét. Trong vòng hai tháng năm 1937 đã có ba đan sĩ và hai cố dòng ba ra đi vĩnh viễn vì thần sốt rét. Trong những năm tiếp theo lần lượt nhiều đan sĩ nữa bị bệnh sốt rét quật ngã. Tính đến năm 1953, sau 17 năm lập dòng, đã có 17 đan sĩ và nhiều cố dòng ba tạ thế, đa số bị bệnh sốt rét. Cùng với cuộc sống khắc khổ khiến dư luận xôn xao cho rằng: “vào Châu Sơn là vào chỗ chết”! Nhưng điều này không làm nản lòng các đan sĩ. Trái lại, mọi người càng sốt sắng dấn thân gắn bó với Châu Sơn cho đến cùng. Cha Bề trên Berchmans thường tâm sự: “Lúc bấy giờ vì lòng mến Chúa, vì ao ước phúc thiên đàng nên anh em không hề ngại gian lao khổ cực, mà còn mong được phúc chết sớm”!

d) Đan viện đơn lập

Ngày 24-11-1936, Thánh Bộ Tu Sĩ ban sắc số 8206/36 thành lập đan viện Châu Sơn thành đan viện đơn lập (prioratus simplex).

e) Tập viện

Ngày 24-11-1937, Thánh Bộ Tu Sĩ ban sắc “Rescriptum eretionis” chính thức cho phép đan viện Châu Sơn được mở tập viện theo giáo luật.

f) Đệ tử viện

Tuy mới thành lập nhưng đan viện Châu Sơn đã trở thành điểm sáng giữa núi rừng hẻo lánh. Càng ngày càng có nhiều người xin gia nhập cộng đoàn. Ngoài những ơn gọi người trưởng thành, còn có nhiều chú nhỏ xin vào làm đệ tử từ năm 1937. Lúc đầu các chú được gửi vào nhà mẹ Phước Sơn, nhưng số các chú ngày càng tăng khiến các vị hữu trách phải quan tâm đến việc tổ chức đệ tử viện. Năm 1940, khu nhà đệ tử viện được xây dựng (ở khu nhà khách Hospes eram) và đi vào hoạt động dưới sự điều khiển của cha giám đốc Marcô Nguyễn Quang Vinh.

Năm 1945, khu nhà đệ tử được sử dụng làm nhà khách, đệ tử viện lại chuyển ra khu nhà Lacombe. Khi cha Marcô làm Bề trên, cha Berchmans Nguyễn Văn Thảo làm giám đốc đệ tử viện từ năm 1946 đến năm 1950. Tiếp theo là cha Eugêniô Nguyễn Văn Trang làm giám đốc, đến năm 1953, đệ tử viện ngưng hoạt động.

g) Khấn vĩnh cư

Tháng 12-1937, cha Bề trên nhà mẹ Phước Sơn ra tuần viếng nhà con Châu Sơn. Ngài ban phép để anh em tự do chọn nơi phụng sự Chúa. Những anh em nào quyết sống chết với cộng đoàn nhà con Châu Sơn thì khấn vĩnh cư ở Châu Sơn, còn ai muốn trở về nhà mẹ Phước Sơn thì không khấn. Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm ngày 08-12-1937, trước sự chứng kiến của cha Bề trên nhà mẹ, các đan sĩ Châu Sơn long trọng tuyên khấn vĩnh cư.

h) Xây dựng cơ sở vật chất

Đời sống cộng đoàn Châu Sơn ngày càng thăng tiến. Để đáp ứng nhu cầu ơn gọi ngày càng đông, cộng đoàn phải xây dựng thêm cơ sở vật chất. Đồ án được phác hoạ phù hợp với truyền thống đan tu chiêm niệm: Nhà thờ là trung tâm, tiếp sau nhà thờ là dãy nhà dành cho sinh hoạt cộng đoàn như: phòng họp, thư viện, phòng ăn. Hai bên nhà thờ là nhà khấn và nhà tập.

Ngày 18-02-1939, cộng đoàn cử hành thánh lễ đặt viên đá đầu tiên khởi công xây dựng Thánh đường và khuôn viên đan viện. Cha phó Bề trên Placiđô Trương Minh Trạch thiết kế và điều hành công việc. Cộng đoàn đan viện góp phần vào công trình xây dựng bằng lời cầu nguyện và sức lao động. Các đan sĩ đích thân chẻ đá, nung vôi, đúc gạch… cũng như làm mọi việc khác phục vụ cho công trình.

i) Cha Thánh Trưởng

Cha Phêrô Nguyễn Đình Trưởng (1874-1954), truyền tụng “Cha Thánh Trưởng”, là linh mục triều thuộc giáo phận Phát Diệm. Ngài được Đức Cha Gioan B. Nguyễn Bá Tòng giới thiệu đến Châu Sơn nghỉ hưu để cầu nguyện cho công việc xây dựng của đan viện. Thánh đường Châu Sơn được xây cất phần lớn nhờ tiền khấn và cầu nguyện của ngài.

“Cha Thánh Trưởng” sống bình dân, khó nghèo, đạo đức, thánh thiện, sống thân mật với Chúa như cha với con. Ngài đã cầu nguyện cho nhiều người được ơn lạ như khỏi bệnh, có con trong lúc tuổi cao niên… Danh tiếng của ngài được đồn thổi khắp nơi, từ Bắc chí Nam đều có người đến xin ngài cầu nguyện. “Cha Thánh Trưởng” thường cầu nguyện lớn tiếng, đơn sơ, tha thiết và thân thiện như con cái nói chuyện với cha mẹ.

Cha Bề trên Berchmans kể về lời cầu nguyện của “Cha Thánh Trưởng” như sau:

“Con xin mời Chúa Cha Xong rồi, con xin mời Chúa Cha về. Con xin mời Chúa Con đến, rồi ngài kể công trạng Chúa Con. Con xin mời Chúa Thánh Thần Sau đó ngài khấn với Đức Mẹ, Thánh Giuse và các Thiên Thần hộ thủ. Trong thời gian xây dựng nhà thờ, có những lúc ngài lớn tiếng cầu xin: “Xin Chúa bảo các Thiên Thần mang đá, đưa gạch đến mau đi, xin Chúa cho hầm vôi nở thêm ra

Cha cố Bề trên Philipphê cũng kể về lời cầu nguyện của “Cha Thánh Trưởng” như sau:

“Tôi hay ngồi giải tội ở toà ngay bên bàn thờ Đức Mẹ nên thường được nghe người khấn sốt sắng lắm, tha thiết lắm, mà cũng đơn sơ lắm, như đứa trẻ thơ xin mẹ mình vậy. Về mùa hè, người hỏi Đức Mẹ: ‘Mẹ có nóng không? Con quạt cho Mẹ đây này.’ Về mùa đông, người hỏi Đức Mẹ: ‘Mẹ có rét không? Con khoác áo cho Mẹ đây này,’ rồi người cởi áo vai của mình ra khoác cho Đức Mẹ. Có khi người năn nỉ với Đức Mẹ: ‘Mẹ ơi! Xin Mẹ cho nó đi, nó đang trông cậy vào Mẹ, nó đang van xin Mẹ đấy, nó khốn khổ lắm đấy, nó tội nghiệp lắm đấy, nó kêu xin Mẹ rất nhiều rồi đấy, nay nó lại đến xin con kêu khấn với Mẹ. Mẹ ơi! Xin Mẹ thương lấy nó, xin Mẹ nghe lời nó, Mẹ nghe lời con, xin Mẹ cho nó đi để nó càng thêm lòng trông cậy và kính mến Mẹ, xin Mẹ cho nó đi.’ “

“Cha Thánh Trưởng” tạ thế ngày 23-08-1954. Ngài được an nghỉ tại tháp chuông Thánh đường Châu Sơn.

j) Trổ sinh hoa trái

Những năm 1940- 1948, đan viện Châu Sơn đang trên đà phát triển. Đây chính là giai đoạn có nhiều linh mục triều, chủng sinh và thầy giảng xin gia nhập cộng đoàn. Trong số đó có cha Eugêniô Nguyễn Văn Trang, nguyên là Cha chính giáo phận Bắc Ninh; cha Matthia Giảng (Phát Diệm); thầy Tôma Kiểm (Bùi Chu); thầy Giuse Tình (Hà Nội)…

Ngày 28-05-1944, Đức Cha Gioan Maria Phan Đình Phùng, Giám mục giáo phận Phát Diệm, đến Châu Sơn chủ sự lễ khấn trọng của cha Eugêniô Trang. Sau thánh lễ, bắt đầu tiệc mừng thì Đức Cha đột ngột qua đời. Biến cố đau buồn này lại mở đầu cho một hồng ân kỳ diệu Thiên Chúa quan phòng thực hiện nơi cộng đoàn Châu Sơn. Qua thỉnh nguyện của các linh mục Phát Diệm, Toà Thánh bổ nhiệm cha Bề trên Anselmô Lê Hữu Từ làm Giám mục giáo phận Phát Diệm. Ngày 14-06-1945, phái đoàn linh mục Phát Diệm, do cha Tổng đại diện dẫn đầu, mang sắc chỉ của Toà Thánh đến Châu Sơn trao cho cha Bề trên Anselmô.

Tin vui đến bất ngờ, cha Bề trên xin phái đoàn linh mục cho Ngài được trả lời sau thời hạn một tháng. Thấy gánh nặng, cha Bề trên liền đi xe đạp vào Huế (500 km) gặp Đức Khâm Sứ Toà Thánh Drapier để xin khước từ chức vụ Giám mục. Đức Khâm Sứ khuyên phải vâng lời Toà Thánh, cha Bề trên đã vui lòng chấp thuận. Trở về Châu Sơn, Ngài đặt cha Martinô Võ Hồng Khanh làm Bề trên quyền tạm. Ngày 08-09-1945, Ngài dâng lễ tạ ơn, từ giã cộng đoàn rồi về Phát Diệm lãnh trách nhiệm chủ chăn.

Ngày 28-10-1945, lễ tấn phong Giám mục cho cha Anselmô được cử hành trọng thể tại nhà thờ chính toà Phát Diệm, do Đức Cha G.B Nguyễn Bá Tòng chủ phong. Khẩu hiệu của Đức Tân Giám mục là “Vox Clamantis” (Tiếng Kêu), nghĩa là Ngài muốn được đồng hoá mình như thánh Gioan Tẩy Giả kêu trong hoang địa dọn đường cho Đức Kitô ngự đến.

Ngày 4-11-1945, sau ít ngày được tấn phong Giám mục, Đức Cha Anselmô trở về thăm cộng đoàn Châu Sơn và chủ sự lễ cung hiến Thánh đường. Ngày 5-11-1945, Ngài chủ sự lễ truyền chức linh mục cho 4 đan sĩ phó tế. Các vị đều là môn sinh được Đức Cha dẫn dắt từ khi Ngài còn là giáo tập ở Phước Sơn, đó là: Casimirô Hồ Thiên Cung và Vitalis Nguyễn Văn Bổn (thuộc cộng đoàn Phước Sơn), Malachia Dương Văn Minh và Berchmans Nguyễn Văn Thảo (thuộc cộng đoàn Châu Sơn).

Ngày 08-12-1945, trước sự chủ trì của cha Bề trên nhà mẹ Phước Sơn, cộng đoàn Châu Sơn bầu chọn cha Marcô Nguyễn Quang Vinh làm Bề trên. Sau khi đắc cử, cha Bề trên Marcô tiếp tục theo tinh thần của Đấng tiền nhiệm, dẫn dắt cộng đoàn vững tâm phụng sự Chúa trong chuyên chăm cầu nguyện và hoan hỷ hy sinh. Năm 1948, ngài cổ võ phong trào sùng kính Đức Mẹ và cho tôn tạo hang đá trên núi Cành He rồi đặt tượng Đức Mẹ. Từ đó, cứ mỗi thứ bảy, cộng đoàn đan viện lần hạt và dâng lễ kính Đức Mẹ tại  hang đá.

l) Tự trị

Trước sự trưởng thành của cộng đoàn Châu Sơn, năm 1950 Đại hội toàn dòng Xitô họp ở Casamari (Ý) đã quyết định nâng đan viện Châu Sơn lên hàng đan viện tự trị.

m) Mục vụ

Khi mới thành lập, chung quanh đan viện chỉ có vài gia đình người kinh, cách đan viện 3 km có hai bản người Mường (Đồi Bồ và Lạc Bình). Nhưng dần dần có nhiều hộ gia đình và nghĩa tử đến nương nhờ và định cư làm ăn sinh sống chung quanh đan viện. Ngoài việc giải quyết chỗ ở và việc làm, đan viện còn giúp đỡ về đời sống tâm linh. Từ đó hình thành các họ đạo ngay trong phần đất của đan viện như: Châu Sơn, Phúc Châu, Phong Châu, Tân Châu và Thánh Mẫu (ngày nay các họ đạo này thuộc về xứ Vô Hốt).

Ngoài ra, cộng đoàn Châu Sơn còn quan tâm đặc biệt đến việc đón tiếp khách. Vì theo tinh thần tu luật Biển Đức, “mọi khách đến đan viện phải được đón tiếp như Chúa Kitô” (TL 53,1). Từ những năm đầu mới thành lập, đã có nhiều người đến  đan viện xin cầu nguyện, tĩnh tâm. Cộng đoàn sẵn sàng đón tiếp, chia sẻ và cùng đồng hành cầu nguyện.

Một người sau khi tĩnh tâm được ơn lạ đã dâng tiền xây nhà khách “Hospes eram” và tạc bia tạ ơn  có nội dung như sau:

“1945

Phêrô Chánh Đức

Nguyễn Đình Giám

Xứ Chuyên Mỹ Hà Nội

Dâng nhà này làm nhà phòng

Cầu cho tôi cùng. Amen.

 

Người ta sinh ở trong giời đất

Xác thịt nặng nề yếu hèn tất

Nếu không biết làm ơn thiêng liêng

At phải lụy mình đường vật chất

Tôi bị quỷ ám ả phù dung

Ngày đêm quấn quýt lửa đương nồng

Chỉ vào Phúc Sơn một tuần lễ

Giao thần, chém phắt quỷ như không

Toan đi Châu Sơn cầu tu luyện

Tôi dủ em tôi tay đại nghiện

Theo vào cấm phòng có bốn ngày

Nghe lời khuyên răn, chừa thuốc phiện

Chừa rồi gia đình vui như tết

Các bệnh tật cũ đi đâu hết

Tạ ơn phép lạ rất thiêng liêng

Phúc Sơn Châu Sơn lừng Đại Việt”

1,2. Thử thách và gian nan (1950- 1988)

a) Biến động

Cách mạng tháng tám năm 1945 thành công, nhưng chẳng bao lâu Pháp tái chiếm miền Nam, Huế và tiến quân ra Bắc. Chiến tranh Việt- Pháp bùng nổ. Quân đội cách mạng xây dựng cơ sở kháng chiến tại Việt Bắc và các vùng căn cứ. Quân đội quốc gia do Pháp yểm trợ kiểm soát các thành phố, thị xã… Không khí chiến tranh bao trùm khắp nơi. Nhiều địa phương bị chia thành hai vùng: “Vùng tề” là vùng quân đội quốc gia chiếm đóng, còn vùng thuộc quyền kiểm soát của bộ đội giải phóng gọi là “vùng tự do”. Đan viện Châu Sơn thuộc vùng tự do. Sự biến động của xã hội đã tác động nhiều đến đời sống sinh hoạt của cộng đoàn Châu Sơn. Việc đi lại rất phức tạp, đời sống kinh tế của cộng đoàn gặp nhiều khó khăn do các sản phẩm nông sản như: cà phê, thuốc lá, bánh sữa… không bán được. Trong khi ấy, quân đội Pháp càng ra sức tàn phá, ngày đêm tiếng súng đì đẹt chung quanh Nhà dòng Kho chứa cà phê trên 50 tấn bị trúng bom của Pháp cháy cả tuần. Có hôm máy bay rà bắn chết trên 40 con bò của đan viện  (x. Cs 2 tr 10).

Năm 1950, tình hình chiến sự ngày càng quyết liệt khiến ban giáo sư rút khỏi Châu Sơn. Trước diễn biến này, hội đồng đan viện phải nghĩ đến giải pháp gửi các thầy đang học triết và thần học cũng như các chú đệ tử từ đệ tứ trở lên về Phát Diệm để tiếp tục học hành. Hè năm 1950, cha Bề trên Marcô gửi 7 thầy về học ở Đại chủng viện Phát Diệm. Còn các chú đệ tử được cha phó Bề trên Berchmans Nguyễn Văn Thảo tập trung về Như Tân, Phát Diệm. Số các chú đệ tử nhỏ vẫn còn ở lại Châu Sơn. Đầu năm học mới, cha Bề trên cho nhận thêm vài chục em ở những vùng chung quanh đan viện vào học cho đến năm 1953 thì đệ tử viện ngưng hoạt động.

b) Ly tán

Từ năm 1950, các đan sỹ phải thường xuyên tham gia các cuộc hội họp, học tập chính trị… Anh em thay nhau đi dự, riêng cha Bề trên Marcô được mời đi “họp” liên tục. Tình hình càng trở nên nghiêm trọng hơn khi công an đến gặp từng người, yêu cầu lăn vân tay và khai lý lịch. Không những thế, một số người còn được tổ chức đột nhập vào kho thóc của đan viện mạnh ai người nấy lấy.

Tình hình ở Phát Diệm cũng không ổn. Cha Berchmans và các thầy các chú đệ tử phải sơ tán ra Hà Nội. Các thầy tiếp tục học ở Đại chủng viện Xuân Bích. Các chú đệ tử chia làm hai lớp: một lớp học ở trường các Sư Huynh, lớp còn lại học ở trường Dũng Lạc. Nhưng ở Hà Nội chưa được bao lâu thì ngày 21-9-1952, cha Berchmans cùng các thầy các chú lại lên đường vào miền Nam. Máy bay đưa phái đoàn đến Sài Gòn vào lúc 12 giờ đêm cùng ngày.

Trong khi đó, cuộc sống tại Châu Sơn rất phức tạp, kinh tế gần như kiệt quệ. Trước tình hình khó khăn này, tối ngày 21-4-1953, cha Bề trên Marcô cho cộng đoàn di cư.

Tuy nhiên, Ngài cũng ban phép rộng: ai đi thì đi, ai ở lại thì tuỳ ý. Được phép cha Bề trên, đa số anh em ra đi, số ở lại còn rất ít.

Để thực hiện chuyến hành trình, những vị ra đi chia làm hai nhóm: nhóm các thầy cải trang và gánh củi như dân thường đi họp chợ đêm. Đến cầu Nho Quan (cách đan viện 3 km) các thầy xuống thuyền rồi nhổ neo khởi hành lúc 2 giờ sáng. Nhóm còn lại gồm có: cha Bề trên Marcô, cha quản lý Martinô, cha giáo tập Philipphê, cha Rôbertô và thầy Ban. Các Ngài đi trễ hơn và xuống thuyền tại bến Lạc Uyển. Nhưng thuyền của các ngài vừa đi tới cầu Nho Quan thì bị bắt giữ lại. Chuyến đi bất thành, các Ngài lại trở về đan viện ngay trong đêm hôm đó.

Số các vị quyết tâm ở lại gồm có cha Phêrô Trần Đức Trưởng, thầy Phêrô Nguyễn Văn Hồng, thầy Phanxicô Trần Đình Liệu và ba thầy tập sinh: Giuse Hà Tâm Sự, Bonaventura Trần Hữu Thịnh và Vitalis Trịnh Ngọc Tăng. Nhưng vài tháng sau, ba thầy tập sinh lại lên đường vào Nam. Các vị đi đến cầu Đế (cách đan viện 7 km) rồi xuống thuyền và đi được 1 km thì bị bắt giữ lại.

Cuộc di cư đã làm chia ly cộng đoàn Châu Sơn. Tuy nhiên, đó lại là thánh ý nhiệm mầu của Thiên Chúa. Nhờ thế, có hai cộng đoàn Châu Sơn ở hai miền của Tổ quốc Việt Nam. Nhóm các đan sĩ có cơ hội ra đi để thành lập cộng đoàn mới ở phương Nam (nay là cộng đoàn Châu Sơn, Đơn Dương, Lâm Đồng). Nhóm các vị ở lại để tiếp tục duy trì đời đan tu ở phương Bắc. Sau chuyến đi bất thành, các cha anh đã nhận ra thánh ý Chúa thực hiện nơi cộng đoàn Châu Sơn. Từ đó, các ngài quyết tâm gắn bó với Châu Sơn cho đến cùng. Cho dù đường vào phương Nam lại mở rộng thênh thang vào năm 1954 khi uỷ ban quốc tế về người tị nạn đưa xe tới cổng đan viện mời các ngài lên xe để đi Nam nhưng các ngài đã từ chối. Cho dù phải mất mát nhiều mặt, phải đối diện với thử thách gian nan nhưng các ngài vẫn không sờn lòng, không muốn rời bỏ đan viện nữa.

c) Lên núi Sọ

Sau chuyến đi bất thành, trở về đan viện được vài hôm, ngày 25-04-1953, bốn cha được mời đi “làm việc” và không được trở về. Các Ngài được đưa vào trại Lý Bá Sơ (Thanh Hoá).

Thầy Inhaxiô Đinh Hiền Lương đã đi lọt cùng nhóm các thầy vào đêm 21-04-1953 và đã vào tới miền Nam, định cư ở Phước Lý, cách Sài Gòn 30 km. Nhưng vì thương nhớ các cha và anh em còn ở miền Bắc, thầy lại xin cha Berchmans Nguyễn Văn Thảo cho thầy trở về Châu Sơn. Trở về đan viện sống với anh em được gần một tháng thì thầy bị bắt và được đưa vào trại Lý Bá Sơ. Đây là nơi giam giữ 17 linh mục và một số tu sĩ thuộc bốn giáo phận: Hà Nội, Thái Bình, Bùi Chu và Phát Diệm.

Theo nhật ký của cố Đức Ông Phaolô Tịnh Quang Thiều thì một hôm ngài “thấy tiếng động ngó qua khe liếp Ôi chao ôi! Bốn cha Châu Sơn và một thầy dòng, áo dòng trắng xoá, đầu couronne. Sao lại tu ở đây?… Suốt ngày đêm bị xiềng và cùm, các cha cả ngày chỉ việc thầm thĩ hết lần hạt, ngắm Đàng Thánh giá, rồi lại ngắm bảy sự Thương khó Đức Mẹ Tất nhiên chỉ thầm thôi”!

Vài tháng sau, ba thầy tập sinh của Châu Sơn bị bắt ở cầu Đế cũng được đưa vào trại Lý Bá Sơ.

Ở Lý Bá Sơ một thời gian, các vị dòng Châu Sơn được đưa về trại cầu Thủng (Tam Điệp, Ninh Bình). Sau một thời gian, các vị lại được chuyển lên Đồng Lau (nơi có nhiều cây lau), Yên Thuỷ, Hoà Bình. Các vị bị giam dưới gầm nhà sàn, nơi nhốt trâu bò của người dân tộc thiểu số. Ở trên sàn vẫn có một gia đình sinh hoạt bình thường. Thầy Nguyễn Hữu Niên đã sáng tác bài thơ tả cảnh nhà giam này như sau:

Đồng Lau ở trên Hòa Bình

Nhà ở làm gác ngay bên cạnh rừng

Phía sau dựa núi coi chừng

Ngắm nhìn dân tộc trên lưng con rùa

Ở đây đất rộng người thưa

Đồng bào thiểu số lại ưa thật thà

Nơi đây là chốn giam ta

Ở trên bốn tháng kể đà cũng lâu

Kể trong hơn một tháng đầu

Nhà ở không có, chuồng trâu bạn cùng

Trên thời cha mẹ vợ chồng

Cùng mấy em bé vui trong tháng ngày

Ở đây lắm nổi chua cay

Em bé vô tội lại hay đái giầm

Ta nằm gầm gác đề phòng

Tưởng chừng giấc ngủ ở trong đêm dài

Bất cứ nó đái phải ai

Ngậm miệng chịu vậy không hoài lời kêu

Nghĩ ra một kế cao siêu

Áo mưa ta liệu theo chiều ni lông

Làm trần theo lối la phông

Thế là ta triệt được dòng nước tiên

Nhưng còn một điều rất phiền

Khốn thay con muỗi ở trong rừng này

Vo vo nó kêu rất hay

Quen ở trong tối ban ngày đi đâu

Khen thay nó khéo bảo nhau

Theo một quy củ trước sau đều hòa

Tính nó giống tính ma tà

Khi xưa còn ít, nay ra đầy rừng

Đốt nhăng đốt nhít ngoài đồng

Làm quen đốt cả những ông tu hành…

Chỉ có ba người không di cư nên không bị bắt, đó là: cha Phêrô Trưởng, thầy Phêrô Hồng và thầy Phanxicô Liệu. Ngoài ra còn một số các ông dòng ba không nằm trong diện di cư nên cũng không bị thử thách. Trong khi các cha vắng nhà, thầy niên trưởng Phêrô Hồng hướng dẫn anh em sinh hoạt bình thường. Các giờ kinh, thánh lễ vẫn được cử hành đều đặn mỗi ngày.

Tháng 11 năm 1953, cha Bề trên Marcô và thầy Inhaxiô được đưa về xét xử tại Nho Quan, Ninh Bình.

Cha Bề trên Marcô bị đấu ròng rã hơn một tháng, khoảng 25 tháng 11 đến sau lễ Giáng Sinh 25 tháng 12 năm 1953. Cuộc đấu tố diễn ra từ 8 giờ tối đến 3 giờ sáng ở nhiều địa điểm khác nhau chung quanh đan viện. Trong khi đấu tố, cha Bề trên bị trói tay, cổ đeo gông, khi đứng khi quỳ. Họ quy cho Ngài những tội danh như: địa chủ, cường hào, phản động, phá hoại hoà bình… Ngài bị kết án tù chung thân. Chuyển qua nhiều trại giam và cuối cùng được đưa lên trại Quyết Tiến (Cổng Trời), Ngài bị giam ở khu O là nơi biệt giam nghiêm ngặt và vĩnh viễn. Tại đây, cha Bề trên đã hoàn tất cuộc đời, an nghỉ trong Chúa ngày 15-03-1966.

Thầy Inhaxiô bị phạt 8 năm tù vì tội theo địch, làm gián điệp, vận động đồng bào đi Nam. Thầy kêu oan không nhận liền bị phạt thêm một năm tù nữa vì tội ngoan cố. Được đưa qua nhiều trại giam và cuối cùng  thầy tạ thế tại trại Quyết Tiến ngày 27-11-1964.

Cha Martinô Khanh bị bệnh và qua đời tại nhà giam Đồng Lau ngày 07-12-1953.

Cha Philipphê Năng, cha Rôbertô Trụ và ba thầy tập sinh được tha về ngày 02-02-1954.

d) Khó khăn

Sau cuộc ly tán và bị bắt bớ, cộng đoàn Châu Sơn lâm vào một tình thế hết sức khó khăn về nhân sự, kinh tế, đối ngoại và cơ sở vật chất.

 – Về nhân sự

Theo danh sách ghi ngày 13-5-1954, cộng đoàn Châu Sơn chỉ còn 14 người, trong đó có 2 cha, 6 thầy và 6 ông dòng ba. Năm 1956, cộng đoàn còn 12 người,  vì một thầy bị đi tù và một ông dòng ba về gia đình.

Trước hoàn cảnh khó khăn của cộng đoàn Châu Sơn, ngày 30-11-1957, Đức Tổng Phụ dòng Xitô Sighard Kleiner ban văn thư đặt cha Philipphê Năng làm Bề trên cộng đoàn. Lãnh trách nhiệm, cha Bề trên Philipphê tiếp tục nhận hơn 10 chú thỉnh tu vào những năm 1958 – 1959. Nhưng chẳng được bao lâu, vài chú không chịu nổi đời sống đan tu khổ hạnh nên đã từ giã cộng đoàn. Số còn lại đến đầu tháng 3 năm 1961, cha Bề trên Philipphê được mời xuống Ninh Bình và nhận lệnh phải cho các chú về sau ngày 19-3-1961, vì lý do cư trú không hợp lệ. Sau ngày định mệnh, cha con đành phải gạt lệ chia tay!

Khó khăn vẫn không chịu lùi bước! Năm 1964, thầy Albericô Vũ Hàn Lâm bị đi tù. Sau 9 tháng bị giam giữ, thầy được trở về đan viện và bị quản chế tại chỗ suốt 8 năm. Năm 1972, thầy lại được đưa đi cải tạo, học tập cho đến năm 1978 mới được tha về, nhưng không được cư trú trong đan viện. Đến năm 1993, thầy mới được trở về cộng đoàn.

Năm tháng trôi qua, một số các vị cao tuổi dần dần tạ thế, vài thầy và vài ông dòng ba xin chuyển hướng. Vào những năm 1980, cộng đoàn Châu Sơn chỉ còn cha Bề trên Philipphê, thầy Giuse Sự, ông Giuse Nhiễu và ông Giuse Trung bị mù cả hai mắt.

– Về kinh tế

Theo một bức thư viết năm 1956 và được trích đăng trong “Cistercienser Chronik” (Nr 47/48, 7-1959, tr1-4), cha Philipphê Năng viết: “Đau khổ nhất là chúng tôi không còn luỹ cấm. Người và vật có thể thoải mái đi lại bên trong đan viện tự do phá hoại vơ vét. Nhà dòng hư hỏng xuống cấp. Chúng tôi chỉ còn nửa mẫu ruộng và một con trâu. Chúng tôi đang tiết kiệm để có thể mua thêm ruộng và một con trâu nữa. Thực là khổ, thiếu lương thực, thiếu thuốc men, thiếu vật dụng

Hầu hết đất đai của đan viện bị hợp tác xã quản lý hoặc do dân tứ phương đến định cư canh tác. Đan viện chỉ còn một phần nhỏ đất màu và ruộng cấy khô cằn. Các đan sĩ tích cực trồng trọt nhưng vẫn không đủ ăn. Có những lúc trong nhà hết lương thực, các thầy phải đi làm thuê để kiếm tiền sinh sống. Trong những năm tháng khó khăn, các đan sĩ chỉ dùng có hai bữa trong ngày: bữa sáng điểm tâm, bữa trưa ăn vào lúc 13 giờ. Thầy Albericô Vũ Hàn Lâm kể rằng: “Nhà khi này có tất cả 12 người mà thiếu thóc ăn, mía đã bán hết lâu, cam thì mất trộm. Thầy Phanxicô Liệu làm bếp nấu cơm ghế bằng đu đủ thái mỏng, độn cơm sắn, nấu canh bằng củ sắn, luộc củ sắn ăn độn Thầy còn luộc hạt mít, bóc ra, rang mặn làm thức ăn

– Về đối ngoại

Mọi liên lạc với bên ngoài rất khó khăn; “nội bất xuất, ngoại bất nhập”; kiểm soát rất chặt chẽ. Ai ra vào đan viện đều được theo dõi kỹ lưỡng. Những đề đạt đều bị lãng quên, không được giải quyết. Thầy Albericô kể: “Một hôm thầy về đan viện; tối ở lại, thầy ngủ ở đống rơm. Vậy mà tinh thế! Nửa đêm thầy bị bắt và bị lập biên bản vì cư trú bất hợp pháp”.

– Về cơ sở vật chất

Sau cuộc ly tán, cộng đoàn Châu Sơn còn rất ít nhân sự. Anh em tập trung về sinh hoạt ở khu nhà nội vi đan viện. Nhà đệ tử bỏ trống không có người ở. Năm 1957, hợp tác xã Phú Sơn mượn nhà đệ tử làm trường trung học cơ sở. Tiếp sau đó hợp tác xã mượn nhà khách làm trường tiểu học. Năm tháng trôi qua, không có người bảo vệ và tu sửa, dần dần những khu nhà này bị hư hỏng và trở nên hoang tàn đổ nát!

e) Đồng hành với dân Chúa

Sau cuộc di cư năm 1954, giáo phận Phát Diệm chỉ còn 34 linh mục. Nhiều giáo xứ không có linh mục làm mục vụ. Năm 1958, sau khi cha Gioan B. Hoàng Quang Tự qua đời, Đức Cha Phaolô Bùi Chu Tạo nhờ các cha dòng Châu Sơn coi sóc xứ Vô Hốt. Đây là xứ đạo nằm trên địa bàn rộng lớn, đường lối đi lại khó khăn cách trở. Theo một thống kê năm 1988, xứ Vô Hốt có 14 họ đạo với 6795 tín hữu.

Năm 1974, cha Rôbertô Vũ Xuân Trụ qua đời, một mình cha Bề trên Philipphê vừa đảm nhiệm việc nhà vừa kiêm công tác mục vụ giáo xứ trong lúc tuổi đã ngoài tám mươi.

Những năm 1962- 1990, các cha gặp khó khăn trong việc làm mục vụ. Mặc dù các ngài nhiệt tâm và sẵn sàng phục vụ nhưng để đến dâng lễ ở các họ đạo phải “xin phép”. Vì chính sách “xin- cho” nên có những họ đạo phải mất một hoặc hai năm mới có linh mục về dâng lễ một lần. Tuy nhiên, giáo dân vẫn giữ đạo một cách sốt sắng. Hàng tuần vào ngày thứ bảy và Chúa nhật, đông đảo tín hữu từ các họ đạo đến tham dự thánh lễ tại đan viện vào lúc 14 giờ. Làm lễ vào giờ này để những người ở xa còn về nhà trước khi trời tối, vì đa số đi bộ. Giờ lễ này đã trở thành thói quen cho đến ngày nay.

1,3. Hồi sinh và phát triển (1988- 2006)

a) Tiếp bước

Cha Bề trên Philipphê thấy mình tuổi đã cao, sức khoẻ càng ngày càng yếu đi, ưu tư của Ngài là làm thế nào để có người nối tiếp trách nhiệm gìn giữ và phục hồi đan viện. Năm 1988, Ngài tiến cử đan sĩ Giuse Hà Tâm Sự lên chức linh mục. Sau khi được thụ phong linh mục vào tuổi 75, cha Giuse phụ trách mục vụ giáo xứ. Năm 1993, cha Bề trên Philipphê qua đời, cha Giuse lãnh trách nhiệm Bề trên cộng đoàn. Năm 1994, Ngài trao lại giáo xứ cho giáo phận để chỉ chuyên lo việc củng cố đan viện.

b) Vun trồng ơn gọi

Có thể nói năm 1988 là năm mở đầu cho sự hồi sinh của cộng đoàn Châu Sơn. Ngoài hồng ân đan sĩ Giuse được thụ phong linh mục còn có vài ơn gọi trẻ xin gia nhập cộng đoàn.

Năm 1989, cha Bề trên Philipphê làm đơn xin cho 4 người vào đan viện. Uỷ ban nhân dân huyện Hoàng Long (nay là huyện Nho Quan) phúc đáp giải quyết cho hai người vào giúp việc chứ không phải là vào học tu.

Trong hoàn cảnh khó khăn và thiếu nhân sự, được hai người vào giúp việc cũng là một ân huệ lớn lao rồi. Bóng người trẻ trong nhà đã thắp lên niềm hy vọng tương lai phục hồi đan viện mà bấy lâu nay các Đấng Bề trên hằng mong ước. Từ đó, hàng năm đều có người xin gia nhập cộng đoàn. Cha Bề trên cũng vun trồng ơn gọi bằng cách nhận thêm một số các em đệ tử (còn đang học phổ thông) ở chung quanh đan viện. Vì các em là người địa phương nên có thể ra vào đan viện mà không cần phải đăng ký tạm trú.

Số người đến xin tu càng ngày càng tăng, vấn đề đặt ra là việc huấn luyện. Hai cha tuổi đã cao, công việc thì nhiều nên không thể mở lớp đào tạo tại chỗ. Trước hết, các ngài để cho ứng sinh sinh hoạt với cộng đoàn theo châm ngôn: “cầu nguyện và lao động”. Sau thời gian một hoặc hai năm, nhận thấy chú nào có tinh thần đạo đức và muốn sống đời đan tu, các Ngài mới gửi đi học.

Năm 1991, cha Bề trên Philipphê gửi chú Saviô Nguyễn Tuấn Hào và Carôlô  Lâm vào đan viện Châu Sơn Đơn Dương. Tiếp sau đó, Ngài gửi chú Gioan Phạm Văn Hưng vào học ở Đại Chủng viện thánh Giuse Hà Nội.

c) Đan viện Châu Sơn với Hội dòng

Năm 1987, hoàn cảnh xã hội đổi mới, Viện phụ Stêphanô Trần Ngọc Hoàng (Châu Sơn Đơn Dương) lần đầu tiên trở lại miềm Bắc thăm cộng đoàn Châu Sơn Nho Quan. Tiếp sau đó là những chuyến viếng thăm của Viện phụ Duy ân Vương Đình Lâm (Phước Sơn) và cha Bề trên Berchmans Nguyễn Văn Thảo (Châu Thuỷ). Chứng kiến hoàn cảnh khó khăn của cộng đoàn nhỏ bé này, các Ngài đều quan tâm giúp đỡ. Viện phụ Stêphanô lần lượt cho các thầy Phaolô Trần Văn Bẩy, Calasantiô Nguyễn Văn Thuộc và Mathêu Nguyễn Uy Lai ra giúp. Cha Bề trên Berchmans cũng cho thầy Assisi Trần Minh Đoan ra hỗ trợ.

Viện phụ Stêphanô và cộng đoàn Châu Sơn Đơn Dương rất quan tâm đến cộng đoàn Châu Sơn Nho Quan. Nhân dịp Tổng hội Hội dòng Xitô Thánh Gia họp khoá I năm 1993, Viện phụ Stêphanô trình bày với Tổng hội về tình trạng cộng đoàn Châu Sơn Nho Quan và khẩn thiết xin Tổng hội tìm cách giúp đỡ cộng đoàn này. Sau khi bàn bạc, Tổng hội kêu gọi các cộng đoàn thuộc Hội dòng giúp đỡ để đan viện này tồn tại và phát triển, đồng thời Tổng hội uỷ thác cho Viện phụ Châu Sơn Đơn Dương đại diện Tổng hội giúp đỡ cộng đoàn Châu Sơn Nho Quan.

Năm 1994, cha Gêrađô Nguyễn Văn Thất đắc cử Viện phụ Châu Sơn Đơn Dương. Được sự uỷ thác của Tổng hội, Viện phụ Gêrađô tích cực củng cố cộng đoàn Châu Sơn Nho Quan bằng nhiều phương diện: tinh thần, vật chất, đào tạo nhân sự và cho người ra giúp đỡ. Những vị được cử đi giúp cộng đoàn Châu Sơn Nho Quan thời Viện phụ Gêrađô gồm có: cha Stanilas Phạm Xuân Lộc, thầy Denis Trần Quang Thiều, thầy Vinh Sơn Trần Văn Quy và thầy Cyrillô Nguyễn Văn Khiên.

Viện phụ Gêrađô tiếp tục đón nhận những anh em thỉnh tu của Châu Sơn Nho Quan vào đào tạo tại Châu Sơn Đơn Dương. Thời gian đào tạo thường là 3 năm, gồm một năm thỉnh sinh và hai năm tập. Đến khi khấn tạm, anh em lại trở về cộng đoàn Châu Sơn Nho Quan.

Cùng quan tâm giúp đỡ cộng đoàn Châu Sơn Nho Quan, Viện phụ và cộng đoàn nhà mẹ Phước Sơn cũng đã và đang đón nhận những anh em trẻ của cộng đoàn Châu Sơn Nho Quan vào đào tạo tại Phước Sơn.

d) Củng cố nếp sống đan tu

Trong sự hiệp thông với Hội dòng, cộng đoàn Châu Sơn Nho Quan tiếp nhận những thích nghi đổi mới theo tinh thần Công đồng Vaticanô II. Năm 1994, cha Bề trên Giuse Hà Tâm Sự tổ chức lại các giờ kinh theo sách phụng vụ và nghi thức của Hội dòng. Tuy nhiên, vẫn chưa giữ hết các giờ kinh trong ngày; chủ yếu cử hành kinh sáng, kinh giờ VI, kinh chiều và kinh tối.

Từ khi cha Berchmans Nguyễn Văn Thảo làm Bề trên, cộng đoàn Châu Sơn phát triển nhanh chóng về mọi mặt. Ngài tổ chức cộng đoàn đi vào nề nếp theo truyền thống đan tu. Các giờ kinh trong ngày được cử hành đầy đủ và hát xướng theo cung giọng của Hội dòng. Các giờ sinh hoạt khác được thực hiện theo như thói lệ. Cha Bề trên Berchmans cũng tập trung vào việc đào tạo nhân sự và xây dựng cơ sở vật chất.

e) Hồi sinh và Phát triển

Sau nhiều năm học tập và đào tạo tại Châu Sơn Đơn Dương và nhà mẹ Phước sơn hiện nay cộng đoàn Châu Sơn đã có một số nhân sự có thể phục vụ cộng đoàn ở tại chỗ. Năm 2005, đan viện Châu Sơn Nho Quan mở lại tập viện. Sau khi khấn tạm, khấn sinh các thành phần trẻ có thể được gửi đi học triết và thần học ở học viện của Hội dòng hoặc học nghành nghề ngoài xã hội cần thiết cho cuộc sống đan tu.

Đan Viện Thánh Mẫu Châu Sơn Nho Quan

 




 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đan Viện Châu Sơn Nho Quan: Thánh Lễ An Táng thầy Gioan Thiên Chúa

  TRONG CHÚA KITÔ Kn 4,7-15; Rm 6,3-4.8-9; Mc 15,33-39 Châu sơn mồng Hai Tết Giáp Thìn Đức tổng Giuse Ngô Quang Kiệt Hai giờ chiều ngày 30 Tết...

Mùa Xuân đích thực

MÙA XUÂN ĐÍCH THỰC Is 65,17-21; Kh 21,1-6; Mt 5,43-48 Lễ Đưa Chân thầy Gioan Thiên Chúa Châu sơn mồng Một Tết Giáp Thìn, Đức tổng Giuse...

Đan viện Châu Sơn Nho Quan: Cảm nhận của một bạn sinh viên trẻ khi đến tĩnh tâm tại Đan viện

CẢM NHẬN CỦA MỘT BẠN SINH VIÊN TRẺ KHI ĐẾN TĨNH TÂM TẠI ĐAN VIỆN Martha Hoàng Mai Tôi là một cô gái với sức sống...

Bài giảng Lễ Cung Hiến Thánh Đường Đan viện Châu Sơn Nho Quan của Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt

Kỷ niệm Cung hiến Thánh đường Đan viện Nho quan Ngày 04 - 11- 2023 CHÚA GIÊSU LÀ ĐỀN THỜ Ed 47,1-2.8-9.12; 1Cr 3,9c-11.16-17; Ga 2,13-22 Đức TGM...

Đan viện Châu Sơn Nho Quan: Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt dâng thánh lễ thứ 3 tại đất thánh

Đan Viện Thánh Mẫu Châu Sơn Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt Dâng Thánh Lễ Thứ 3 Tại Đất Thánh Của Đan Viện Ngày 02...

Tản mạn cuối thu

TẢN MẠN CUỐI THU Du Thăng Cái se se lạnh, cái nắng vàng và một chút gió heo may của cuối thu, làm cho tâm hồn...

“Em” tìm gì? cảm nghĩ của một linh mục Giáo phận Hà nội khi tham dự thánh lễ khấn dòng tại Đan viện Châu...

“Em” tìm gì? Cảm nghĩ của một Linh mục Giáo phận Hà nội khi tham dự thánh lễ khấn dòng tại Đan viện Thánh Mẫu...

Thánh lễ đưa chân thầy M. Phêrô Khoa: Làm chứng về lòng thương xót (Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Lễ thánh Phaolô trở lại LÀM CHỨNG VỀ LÒNG THƯƠNG XÓT Ac 3,17-26; Cv 22,3-16; Mc 16,15-18 Lễ Đưa Chân thày Phêrô Khoa Châu sơn 25-01-2023   Đức TGM Giuse...

Cáo phó: Thầy Phêrô Khoa Trần Văn Thướng

  CÁO PHÓ Trong niềm tin vào Đức Kitô Phục Sinh Đan Viện Thánh Mẫu Châu Sơn kính báo Đan sĩ M. Phêrô Khoa Trần Văn Thướng, O.Cist. sinh...

Lễ ban ngày: Ánh sáng và bóng tối (Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Lễ ban ngày ÁNH SÁNG VÀ BÓNG TỐI   Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt I. TẤM BÁNH LỜI CHÚA: (Ga 1, 1-18) Lúc khởi đầu đã có Ngôi...