LOẠI TRỪ THÁI ĐỘ CHỈ MUỐN HƠN NGƯỜI
(Bài suy niệm Thứ 4 tuần II MC)
Đức Thánh Cha Phanxicô trong bài giảng lễ ngày Thứ Tư Lễ Tro năm nay (2021) đã nói những lời đầy ý nghĩa như sau: “… điểm cốt lõi của Mùa Chay là tự vấn tâm hồn chúng ta đang hướng về đâu. Chúng ta hãy đặt câu hỏi: Hệ thống chuyển động của đời tôi đang đưa tôi đến đâu – về phía Chúa hay về phía bản thân tôi? Tôi có sống để làm đẹp lòng Chúa, hay để được chú ý, được khen ngợi, được đặt lên hàng đầu…?”.
Khởi đi từ định hướng và gợi ý của vị Cha chung trong Giáo Hội; đồng thời soi mình vào giáo huấn của Phúc Âm và đối chiếu với lối cư xử của các môn đệ như trình thuật Tin mừng hôm nay (Mt 20, 17-28), chúng ta rút ra điều gì cho bản thân?
Hai môn đệ Giacôbê và Gioan cũng như mười môn đệ còn lại như được kể trong bài Tin mừng hôm nay là khuôn mặt đại diện cho mỗi người chúng ta nói riêng và toàn thể nhân loại nói chung, đó là luôn nuôi trong mình ước muốn hơn người và khi có dịp là bộc lộ ra: muốn làm lớn, muốn danh tiếng, muốn thống trị người khác…vv.
Những môn đệ của Đức Giêsu xưa cũng như mỗi người chúng ta hôm nay chắc hẳn đều biết điều kiện để đi theo Chúa Giêsu: “Ai muốn theo Ta phải từ bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (Mt 16, 24). Trên lý thuyết hay ý định ban đầu thường là như vậy: đều ý thức và quyết tâm bỏ mọi sự đi theo Chúa Giêsu, nhưng thực tế cuộc sống và theo thời gian năm tháng có lẽ ít hay nhiều, lúc này hay lúc khác việc từ bỏ mọi sự ấy lại bị suy xét lại, xuất hiện một mong muốn có được lại cái gì sau những từ bỏ. Dường như mỗi chúng ta không hay chưa thoát khỏi cái lý luận thường tình của con người, của tinh thần thế gian: “Tôi cho đi để được lấy lại,” “tôi từ bỏ mọi sự để được giầu sang hơn,” “tôi phục vụ để được người ta phục vụ lại”…vv.
Đúng vậy, quyền bính, danh vọng, ghen tị và tham lam vẫn luôn là cám dỗ đối với mỗi người và mọi người ở mọi thời đại. Mặc dù chúng ta đã theo Chúa, đã thuộc về Chúa, đã chịu phép rửa tội, đã khấn dòng hay chịu chức thánh nhưng việc từ bỏ xem ra chưa có, lòng ghen tị còn nhiều, thói tham lam và ước muốn hơn người vẫn còn đất sống. Điều mà giáo lý Phật giáo gọi là “tham – sân – si” vẫn đeo bám và chi phối cuộc đời chúng ta rất nhiều và dưới nhiều hình thức khác nhau.
Hai môn đệ Giacôbê và Gioan tha thiết nài xin với Thầy Giêsu cho được giữ hai vị trí cao nhất trong vương quốc mà các ông nghĩ thầy mình sắp thiết lập. Theo các ông, cách chọn lựa của mình dường như không ảnh hưởng gì đến đồng bạn, không làm những người bạn bị mất cơ hội, chỉ là mình trình bày ước nguyện trước mà thôi. Cùng với sự ủng hộ nhiệt tình của mẹ, có lẽ các ông đã rất tự tin và nhận thấy giờ quyết định của mình đã đến: đúng thời điểm, đúng người và đúng cách, như người ta thường nói “thiên thời địa lợi nhân hòa”.
Cũng mang tâm trạng và có thái độ sống như hai con nhà Giêbêđê, mười môn đệ kia tỏ ra tức tối với hai anh em này: mình đã không nhanh chân bằng, không tính toán khôn khéo bằng, mất cơ hội tốt… Tất cả để nói lên thái độ bực tức, muốn hơn người, của sự ganh tị và tham lam chức quyền.
Đứng trước cơn sóng ngầm ganh tị đang ngày càng lớn dần ấy, Chúa Giêsu lập tức phải giải quyết vấn đề nội bộ của các học trò mình. Người muốn các môn đệ hiểu rằng: muốn theo Chúa thì phải chia sẻ chén đắng của Người, còn địa vị hay thiên chức thì tuỳ Thiên Chúa Cha, Ngài cho ai thì người ấy được. Theo Chúa đồng nghĩa với việc loại trừ thái độ muốn hơn người, muốn thống trị người khác. Hai châm ngôn được đề nghị như là “toa thuốc” để chữa trị cho các loại bệnh ấy là:
1- Làm lớn là để phục vụ.
2- Người làm lớn phải làm đầy tớ người khác.
“Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em” (Mt 20, 25 – 27).
Tóm lại, bài học mà Chúa Giêsu muốn chúng ta ghi nhớ và thực hiện hôm nay là bắt chước Người, sống theo mẫu gương của Người: phục vụ như tôi tớ, phục vụ quên mình, phục vụ cho đến chết. Chỉ khi nào có Chúa, chỉ khi nào hành xử rập theo cách của Chúa người ta mới hết bon chen, không chú tâm tìm địa vị, thôi khát mong quyền bính và đòi người khác phục vụ mình. Nguyên tắc của cuộc sống đối với những con cái Chúa là: không cho đi để được cho lại, làm ơn làm phúc không phải để được đền đáp, hy sinh phục vụ không vì tên tuổi của mình được nhắc đến nhưng là cách sống như nội dung Kinh Hòa Bình của thánh Phanxicô và Bài Giảng Trên Núi của Chúa Giêsu. Cung cách sống của người môn đệ không theo thói đời: muốn làm lớn để vinh vang với địa vị hoặc ra tay áp bức kẻ thuộc quyền. Môn đệ Chúa Giêsu cần loại trừ thái độ muốn hơn người để dung hết lòng, hết tâm trí, hết khả năng phục vụ nhau và phục vụ tha nhân theo cách của Chúa. Càng có chức vụ lớn càng phải khiêm nhường phục vụ, càng được nhắc lên cao càng phải từ bỏ nhiều, càng được nhận nhiều thì càng phải trao ban nhiều theo gương Chúa Giêsu, Đấng yêu thương và hiến mạng sống mình làm giá cứu chuộc muôn người.
Mai Thi