Chúa Nhật 27 Thường Niên, LỄ ĐỨC MẸ MÂN CÔI (Lc1, 26 – 38)
MẸ ĐẦY ƠN PHÚC
Phó Tế: Gioan Lê Đức Thành
Để ca ngợi Đức Mẹ Maria, người ta dùng nhiều cụm từ như: Mẹ tuyệt mỹ, Mẹ tuyệt khiêm, Mẹ đầy ân phúc … Do đó, nhiều người tự hỏi, bởi đâu Mẹ được như vậy? Ta hãy nhìn lại hành trình đức tin của Mẹ, trước và sau “Truyền tin”, rồi ta cũng thốt lên “Ôi Mẹ Đầy Ân Phúc”.
Điểm thứ nhất là Đức Maria “trước khi sứ thần truyền tin”
Sau khi con người phạm tội Thiên Chúa đã quyết định sai Con Một giáng sinh làm người, để cứu loài người sa ngã và đem con người trở về với Ngài, để con người sống trong hạnh phúc, trong tình thương của Ngài. Để thực chương trình đó, trước hết, Thiên Chúa phải chọn một người nữ xứng đáng để cho Con Thiên Chúa nhập thể. Và, Thiên Chúa đã đi tìm trong nữ giới một thiếu nữ thánh thiện nhất và khiêm nhu nhất. Một thiếu nữ đã làm cho Thiên Chúa chú ý, đó là Đức Maria. Đức Maria là một trinh nữ trẻ trung, thùy mị, đơn sơ như chim bồ câu và sống đơn sơ trong khung cảnh làng quê Na-da-ret, đơn sơ trong nép sống thôn nữ đạm bạc, nhất là đơn sơ trong tâm hồn và đặc biệt là một thiếu nữ càng thắm duyên về mọi nhân đức trọn lành, lại càng sống khiêm nhường, như một tôi tớ trước nhan Thiên Chúa và Mẹ luôn sống đẹp lòng Thiên Chúa. Chính lời sứ thần chào Đức Maria đã cho thấy điều đó, mừng vui lên hỡi đấng đầy ân sủng, Thiên Chúa ở cùng bà và bà đẹp lòng Thiên Chúa…(Lc 1, 28), đó là những gì mà thiên thần nói về Đức Maria, một con người thiện toàn trước nhan Thiên Chúa.
Điểm thứ hai là Đức Maria “lúc truyền tin”
Như đã nói Đức Maria là một con người đơn sơ, khiêm nhường, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa. Do đó, khi nghe lời sứ thần truyền tin Đức Maria không tỏ ra kiêu hãnh mà ngược lại tỏ ra bối rối với những lời sứ thần vừa thốt ra. Tuy nhiên, qua sự trấn an và trình bày rõ ràng của sứ thần, Đức Maria đã thầm hiểu thánh ý Thiên Chúa kêu mời Mẹ cộng tác với Ngài trong chương trình cứu chuộc nhân trần. Và Thiên Chúa không chờ đợt lâu, bởi Đức Maria đã đáp lại “này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời sứ thần truyền” (Lc 1, 38). Lúc này đây cho ta thấy Đức Maria là một con người khiêm nhường đích thực không chỉ trong tâm hồn mà còn trong lời nói và việc làm. Chính thánh Anphongsô viết : “Một câu trả lời thật tuyệt mỹ, tuyệt khiêm, tuyệt thông, tuyệt khéo mà dầu cả Thiên thần và các thánh có chung tài góp trí cũng không khám phá ra được”.
Điểm thứ ba Đức Maria sống trọn hảo lời “xin vâng”
Khi nói hai tiếng xin vâng, thì chắc chắn Đức Maria là thầm hiểu rằng giờ đây đời Mẹ thuộc hoàn toàn về Chúa, đặt chương trình của Chúa lên trên, lấy ý Chúa làm ý mình, luôn cố gắng để cho chương trình của Ngài thành hiện thực. Do đó, Đức Maria luôn hằng ghi nhớ và suy đi nghĩ lại trong lòng (Lc 2, 19). Đó cũng là điều Mẹ luôn làm đẹp lòng Chúa bằng thực thi thánh ý Chúa. Nhiều lúc gặp gian nan thử thách và nhiều khó khăn; cũng như trải qua bao nhiêu biến cố, nhất là nhìn con Mẹ chết đau thương trên thập giá. Thế nhưng, Mẹ không một lời than thở, trách móc gào thét “tại sao thế này tại sao thế kia”, dù trong lòng mẹ rất đau như lưỡi gươm đâm thau lòng mẹ như cụ già Simeon báo trước (Lc2, 35). Dẫu vậy, Đức Maria hoàn toàn phó thác tin tưởng vào Chúa và đặt trọn tất cả trong chương trình cứu chuộc của Chúa, đó là lời xin vâng trọn hảo mà Mẹ đã thực hiện. Nhờ đó, Mẹ trở nên như mẫu gương cho những tâm hồn thành tâm tìm kiếm, lắng nghe và thực thi thánh ý Thiên Chúa.
Mừng lễ Mân Côi, mỗi người chúng ta cũng hướng nhìn lên Mẹ, để noi theo Mẹ, biết lắng nghe và tuân hành thánh ý Thiên Chúa, qua việc siêng năng lần chuỗi Mân Côi mỗi ngày. Để rồi như Mẹ, chúng ta vượt qua được những gian nan, thách đố, những lo âu, những khắc khoải của dòng đời, mà sống vui, sống thánh và đối xử tử tế với nhau hơn.
Lạy Chúa, xin Chúa cho mỗi người chúng con biết noi gương Mẹ là sống khiêm nhường, thánh thiện và luôn luôn nói xin vâng như Mẹ trước nhan Chúa, là biết lắng nghe và thực hành lời Chúa mỗi ngày trong hành trình tìm kiếm Thiên Chúa và say mê làm môn đệ Đức Giêsu.